Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 08/2011/TTLT-BNV-BTC

Nguyễn Thanh Bình
Toàn quốc
Công báo số 511+512, năm 2011
Thông tư liên tịch 08/2011/TTLT-BNV-BTC
Thông tư liên tịch
15/10/2011
31/08/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Bộ trưởng
2.011
Bộ Nội vụ

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010

của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương

trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

_______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây viết tắt là Nghị định số 116/2010/NĐ-CP);

Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2010/NĐ-CP như sau:

Điều 1. Hướng dẫn về xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và các thôn đặc biệt khó khăn quy định tại Điểm b và Điểm c, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP:

Trong thời gian Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành Quy chế mới thay thế các Quyết định phê duyệt danh mục các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006 - 2010 thì danh mục các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thuộc phạm vi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện theo các văn bản sau:

a) Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

b) Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);

c) Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1995 - 2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;

d) Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

đ) Quyết định số 1105/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

e) Các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung danh sách các xã đặc biệt khó khăn (nếu có).

2. Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp, … (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn quy định tại Điểm c, Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP:

Trong thời gian Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chưa ban hành các Quyết định mới thay thế các Quyết định phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II thì danh sách các thôn đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi áp dụng các chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện theo các văn bản sau:

a) Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

b) Quyết định số 325/QĐ-UBDT ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

c) Các quyết định khác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc sửa đổi, bổ sung danh sách các thôn xã đặc biệt khó khăn (nếu có).

3. Khi Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành các Quyết định mới phê duyệt các xã, thôn đặc biệt khó khăn thay thế các Quyết định quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều này thì thực hiện theo các Quyết định mới đó.

Điều 2. Hướng dẫn về đối tượng áp dụng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Khoản 1, Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, bao gồm:

a) Cán bộ, công chức (kể cả người tập sự) và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

b) Viên chức (kể cả người tập sự, thử việc) và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu sự nghiệp theo quy định cùa pháp luật, làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập);

c) Cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn quy định tại Khoản 3, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức;

d) Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.

2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân quy định tại Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP, bao gồm:

a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;

b) Sỹ quan, hạ sỹ quan hưởng lương; công nhân, nhân viên và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc Công an nhân dân.

3. Đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đã được xếp lương theo quy định tại các văn bản sau:

a) Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo của Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành tòa án, ngành kiểm sát;

b) Nghị quyết số 1003/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương và phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước; bảng lương, phụ cấp, trang phục đối với cán bộ, công chức Kiểm toán Nhà nước, chế độ ưu tiên đối với Kiểm toán viên nhà nước;

c) Quyết định số 128-QĐ/TW ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể;

d) Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP);

đ) Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Điều 3. Hướng dẫn về phụ cấp thu hút quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Đối tượng, mức hưởng và thời gian hưởng phụ cấp thu hút thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

2. Cách tính:

Mức tiền phụ cấp thu hút được tính theo công thức sau:

Mức tiền phụ cấp thu hút

=

Mức lương tối thiểu chung

x

Hệ số lương theo chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

x

70%

3. Thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút như sau:

a) Trường hợp đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ tháng 3 năm 2011 trở về trước và hiện nay còn đang công tác ở vùng đó thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ tháng 3 năm 2011.

Ví dụ 1. Ông Nguyễn Văn A là công chức cấp xã, đã có thời gian công tác tại xã B thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 01 tháng 01 năm 2005 cho đến nay. Do đó, thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút của ông Nguyễn Văn A theo quy định tại Thông tư liên tịch này là kể từ tháng 3 năm 2011.

b) Trường hợp đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sau tháng 3 năm 2011 thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ tháng có quyết định tiếp nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Ví dụ 2: Bà Vũ Thị C được cơ quan có thẩm quyền điều động, bố trí làm công chức tại xã D thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2011. Do đó, thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút của bà Vũ Thị C theo quy định tại Thông tư liên tịch này là kể từ tháng 7 năm 2011.

Điều 4. Hướng dẫn về phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Đối tượng và mức phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

2. Thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Khoản 1 Điều này là tổng thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có thời gian đứt quãng thì được cộng dồn), bao gồm:

a) Thời gian làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Thời gian làm việc trong quân đội nhân dân và công an nhân dân.

3. Cách tính:

Mức tiền phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tính theo công thức sau:

Mức tiền phụ cấp công tác lâu năm

=

Mức lương tối thiểu chung

x

Mức phụ cấp được hưởng theo thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Ví dụ 3. Ông Lê Văn E có thời gian làm việc thực tế có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau: Từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 1998 là giáo viên tiểu học tại xã G không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Từ ngày 01 tháng 7 năm 1998 đến ngày 01 tháng 3 năm 2011 công tác tại xã K thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là 12 năm 8 tháng nên được hưởng phụ cấp công tác lâu năm mức 0,7. Mức tiền phụ cấp công tác lâu năm của ông E được tính như sau:

Mức lương tối thiểu chung tháng 3 và tháng 4 năm 2011 là 730.000 đồng/tháng, vì vậy mức tiền phụ cấp công tác lâu năm tháng 3 và tháng 4 năm 2011 của ông E mỗi tháng là: 730.000 đồng/tháng x 0,7 = 511.000 đồng/tháng. Đến tháng 5 năm 2011 mức lương tối thiểu chung là 830.000 đồng/tháng thì mức tiền phụ cấp công tác lâu năm từ tháng 5 năm 2011 của ông E là 830.000 đồng/tháng x 0,7 = 581.000 đồng/tháng.

Nếu ông E tiếp tục làm việc liên tục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì đến ngày 01 tháng 7 năm 2013 (khi đủ 15 năm) ông E sẽ được hưởng phụ cấp công tác lâu năm mức 1,0 so với mức lương tối thiểu chung tại thời điểm đó.

Điều 5. Hướng dẫn về trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Đối tượng và mức trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP.

2. Trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi quy định tại Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số km đi nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ôtô khách).

3. Trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng và trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nơi tiếp nhận, bố trí phân công công tác chi trả một lần.

Điều 6. Hướng dẫn về trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch quy định tại Điều 7 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Vùng thiếu nước ngọt và sạch theo mùa là vùng do điều kiện tự nhiên không có nước hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm.

2. Mức trợ cấp:

a) Căn cứ để tính trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch cho một người bao gồm:

Định mức tiêu chuẩn: 6 mét khối/người/tháng (a);

Số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 1 năm (b);

Chi phí mua và vận chuyển 1 mét khối nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc của cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định (c);

Giá nước ngọt và sạch để tính chi phí nước ngọt và sạch trong tiền lương là giá kinh doanh một mét khối nước sạch do cấp có thẩm quyền ở địa phương quy định (d).

b) Cách tính:

Mức trợ cấp được hưởng 1 tháng là: a x (c - d).

Mức trợ cấp được hưởng trong 01 năm là: a x (c - d) x b.

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của các xã ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc quyền quản lý để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định vùng thiếu nước ngọt và sạch, thời gian và mức hưởng trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngoài và sạch cho phù hợp. Riêng người hưởng lương trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Điều 7. Hướng dẫn về trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Điều 10 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm ở trong nước thì được hỗ trợ:

a) Tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) theo hóa đơn hoặc phiếu thu tiền hợp pháp;

b) 100% tiền học phí theo hóa đơn hoặc phiếu thu tiền hợp pháp của cơ sở đào tạo;

c) Chi phí đi lại từ cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đang công tác đến nơi học tập (một lượt đi và về; nghỉ lễ, tết).

Các khoản chi nêu trên không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

2. Trường hợp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo kết quả phân loại đánh giá hàng năm của cơ quan có thẩm quyền thì được cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức đi tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong nước mỗi năm 1 lần, tối đa không quá 15 ngày và được thanh toán tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở và phụ cấp lưu trú theo chế độ công tác phí hiện hành và các chi phí phát sinh từ việc tổ chức đi tham quan thực tế, có đủ chứng từ hợp lệ và trong phạm vi dự toán được duyệt.

3. Trường hợp tự học và sử dụng thành thạo tiếng dân tộc ít người ở địa phương (bao gồm cả người dân tộc ít người tự học và sử dụng tiếng dân tộc ít người khác) để phục vụ công tác chuyên môn của mình, được cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp chứng chỉ hoặc xác nhận thì được hỗ trợ 01 lần tiền mua tài liệu và trợ cấp tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng và chữ viết của người dân tộc ít người. Mức chi cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định nhưng không quá 3.000.000 đồng/người đối với việc tự học 01 loại chữ viết và tiếng dân tộc ít người, không quá 5.000.000 đồng/người đối với việc tự học 02 loại chữ viết và tiếng dân tộc ít người.

Điều 8. Hướng dẫn về thời gian không tính hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng các loại phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP trong các khoản thời gian như sau:

a) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập không ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ 01 tháng trở lên;

b) Thời gian nghỉ việc không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;

c) Thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam.

2. Trường hợp nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thôi hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP kể từ ngày nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 9. Hướng dẫn về công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán

1. Công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện chế độ phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

2. Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được hạch toán theo Chương, loại, khoản tương ứng và các mục, tiểu mục như sau:

a) Phụ cấp thu hút được hạch toán vào mục 6.100, tiểu mục 6.103;

b) Phụ cấp công tác lâu năm được hạch toán vào mục 6.100, tiểu mục 6.121;

c) Các khoản trợ cấp, hỗ trợ:

- Trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch, trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu được hạch toán vào mục 6.250, tiểu mục 6.299;

- Hỗ trợ học phí được hạch toán vào mục 6.150, tiểu mục 6.155;

- Hỗ trợ tiền thuê nhà ở được hạch toán vào mục 6.700, tiểu mục 6.703;

- Hỗ trợ tiền tàu xe được hạch toán vào mục 6.700, tiểu mục 6.701;

- Hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập được hạch toán vào mục 7.000, tiểu mục 7.003;

- Hỗ trợ tiền mua tài liệu và trợ cấp bồi dưỡng tiền tự học tiếng dân tộc được hạch toán vào mục 6.150, tiểu mục 6.155.

3. Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế;

Điều 10. Hướng dẫn về tổng hợp nhu cầu kinh phí

1. Nhu cầu kinh phí tăng thêm để thực hiện chính sách quy định tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP được tổng hợp chung vào nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương và xử lý nguồn chi cải cách tiền lương theo quy định.

2. Đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Các cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm xét duyệt và lập dự toán kinh phí cho đối tượng theo Biểu số 1, 2, 3 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này và gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo phân cấp ngân sách hiện hành (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp).

b) Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định và tổng hợp nhu cầu kinh phí tăng thêm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Biểu số 3 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này (sau đây gọi tắt là Biểu số 3) gửi Sở Tài chính.

c) Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp nhu cầu kinh phí tăng thêm theo Biểu số 3 trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

d) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, lập báo cáo theo Biểu số 3 gửi Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết theo quy định.

3. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương:

a) Cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

b) Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp thẩm định và tổng hợp nhu cầu kinh phí tăng thêm theo Biểu số 3 gửi cơ quan quản lý cấp trên cho tới Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.

c) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương chịu trách nhiệm thẩm định, tổng hợp, lập báo cáo theo Biểu số 3 gửi Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết theo quy định.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 10 năm 2011.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch này được tính hưởng kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2011.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, địa phương phản ánh về Bộ Nội vụ để phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26871&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận