THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP
ngày 26 tháng 11 năm 2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường
của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
__________________________
Căn cứ Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26 tháng 11 năm 2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26 tháng 11 năm 2010 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
1. Điều 1 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính
1. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;
b) Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sau đây gọi chung là Luật);
c) Có thiệt hại thực tế xảy ra;
d) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
2. Nhà nước không bồi thường đối với thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại; trường hợp người thi hành công vụ và người bị thiệt hại cùng có lỗi thì Nhà nước chỉ bồi thường một phần thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ. Việc xác định thiệt hại tương ứng với phần lỗi của người thi hành công vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 308 và Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành.”.
2. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Điều 2. Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ
1. Quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.
2. Kết luận nội dung tố cáo của cơ quan hoặc người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Bản án, quyết định của Tòa án về giải quyết vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
4. Bản án, quyết định của Tòa án về việc giải quyết vụ án dân sự đã có hiệu lực pháp luật tuyên hủy quyết định hành chính.
5. Bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật xác định người thi hành công vụ có hành vi phạm tội trong khi thi hành công vụ mà tại Bản án, quyết định hình sự đó chưa xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của người thi hành công vụ gây ra trong khi thi hành công vụ.”.
3. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 11. Hồ sơ yêu cầu bồi thường
Người yêu cầu bồi thường gửi 01 bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm:
1. Đơn yêu cầu bồi thường theo Mẫu 01a, 01b hoặc 01c ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này;
2. Bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
3. Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.”.
4. Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 20. Chi trả tiền bồi thường
Căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Chương VI của Luật và Thông tư liên tịch số 71/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 09 tháng 5 năm 2012 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.”.
5. Bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20 như sau:
“Điều 20a. Trách nhiệm báo cáo
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong thủ tục chi trả tiền bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải báo cáo cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp, đồng thời, gửi cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường cùng cấp về kết quả giải quyết bồi thường, cụ thể như sau:
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi Bộ Tư pháp;
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Sở Tư pháp;
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã gửi Phòng Tư pháp;
Kèm theo báo cáo phải có bản sao các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết bồi thường.
Báo cáo được thực hiện theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này.”.
6. Sửa đổi căn cứ yêu cầu bồi thường tại các mẫu số 01a, 01b và 01c ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP như sau:
“Theo....số….ngày….tháng….năm….của…về việc…, Tôi đề nghị Quý cơ quan xem xét, giải quyết bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bao gồm các khoản sau:”
Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ... tháng ... năm ...
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cá nhân, tổ chức phản ánh về Bộ Tư pháp để phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ nghiên cứu, giải quyết./.