Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 10/2004/TTLT/BLĐTBXH-BTC

Đàm Hữu Đắc
Toàn quốc
Công báo số 12 - 07/2004;
Thông tư liên tịch 10/2004/TTLT/BLĐTBXH-BTC
Thông tư liên tịch
25/07/2005
28/06/2004

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi

Thứ trưởng
2.004
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3

năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho

gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi

Căn cứ Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi, liên Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

I. Đối tượng

1. Đối tượng được trợ giúp kinh phí:

Gia đình, cá nhân có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 và Điều 4 của Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi không còn người nuôi dưỡng (gọi chung là trẻ em mồ côi).

2. Đối tượng được xem xét trợ giúp kinh phí:

a) Ông bà nội, ông bà ngoại đang nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trong trường hợp không còn cha mẹ, anh chị ruột;

b) Anh, chị ruột đang nuôi em trong trường hợp không còn cha mẹ;

Đối tượng nêu tại mục a, b được xem xét trợ giúp kinh phí khi không đủ khả năng để nuôi dưỡng.

II. Hồ sơ, thủ tục

1. Hồ sơ để được trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng

Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi quy định tại Mục I của Thông tư này phải:

- Làm đơn đề nghị trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi gửi Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi gia đình, cá nhân cư trú, xem xét;

- Có ý kiến đồng ý bằng văn bản của người giám hộ;

- Bản sao giấy khai sinh của trẻ em được nhận nuôi dưỡng;

- Trường hợp nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi từ đủ 9 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của trẻ em đó thể hiện trong văn bản của người giám hộ;

Hồ sơ nêu trên làm thành 03 bộ gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

2. Trình tự, thủ tục thẩm quyền xem xét trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng

a) Uỷ ban nhân dân cấp xã:

- Thẩm tra về tính hợp pháp của hồ sơ xin nhận nuôi theo Điều 2 và Điều 4 của Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ;

- Lập danh sách những người có đơn đề nghị và đủ điều kiện được nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi;

- Thành lập Hội đồng xét duyệt gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng gồm đại diện Mặt trận Tổ quốc, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội người cao tuổi và một số thành viên có liên quan như: Công an, Dân số Gia đình và Trẻ em; cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội là thư ký hội đồng. Hội đồng xét duyệt phải có kết luận bằng biên bản (Theo mẫu số 01 kèm theo Thông tư này).

Sau khi Hội đồng xét duyệt thông qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị gửi Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Tổ chức - Lao động, Xã hội (sau đây gọi chung là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) kèm theo 02 bộ hồ sơ của từng gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi;

b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, tổng hợp danh sách kèm theo 01 bộ hồ sơ của từng gia đình, cá nhân có đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét và có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh);

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh rà soát, lập danh sách những gia đình, cá nhân có đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định danh sách gia đình, cá nhân được trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (mẫu 2a kèm theo Thông tư này) và thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện.

Những trường hợp không đủ điều kiện trợ giúp kinh phí thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

3. Trình tự, thủ tục ngừng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng

a) Khi trẻ em được nhận nuôi đủ 15 tuổi hoặc chết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo và lập danh sách đề nghị thôi hưởng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Đối với gia đình không còn đủ điều kiện nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình, cá nhân cư trú tổ chức họp xét duyệt (thành phần gồm các thành viên của Hội đồng xét duyệt trợ giúp kinh phí) và có kết luận bằng biên bản về việc gia đình, cá nhân không đủ điều kiện trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng (mẫu 01 kèm theo Thông tư này).

Sau khi Hội đồng xét duyệt thông qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có văn bản (kèm theo biên bản của Hội đồng) gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

b) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, tổng hợp danh sách gia đình, cá nhân nuôi dưỡng trẻ em mồ côi đủ 15 tuổi, trẻ em mồ côi chết, gia đình không còn điều kiện để nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét và có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, lập danh sách những gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi đủ 15 tuổi, trẻ em mồ côi chết và gia đình không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách gia đình, cá nhân ngừng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi (mẫu 2b kèm theo Thông tư này) và thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện việc ngừng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng.

4. Thủ tục điều chỉnh mức trợ giúp

Khi trẻ em mồ côi được nhận nuôi dưỡng trên mười tám tháng tuổi, Uỷ ban nhân dân cấp xã làm văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị điều chỉnh mức trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo danh sách gia đình, cá nhân nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trên mười tám tháng tuổi trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét và có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh sách gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi điều chỉnh mức trợ giúp kinh phí (mẫu 2c kèm theo Thông tư này) và thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện.

5. Thủ tục thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí

Khi gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi thay đổi chỗ ở đi nơi khác thì bản thân gia đình, cá nhân đang được trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng phải có đơn đề nghị tiếp tục hưởng trợ giúp kinh phí tại nơi ở mới (có xác nhận của chính quyền địa phương nơi ở mới);

Uỷ ban nhân dân cấp xã phải làm văn bản gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng tại nơi mới thuộc tỉnh hoặc quyết định chấm dứt hưởng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng nếu gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em mồ côi chuyển nơi ở đi tỉnh khác. Trường hợp gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi chuyển sang tỉnh khác thì phải làm lại thủ tục xin hưởng trợ giúp kinh phí tại nơi mới;

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo danh sách gia đình, cá nhân nuôi dưỡng trẻ em mồ côi thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét và có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trong phạm vi của tỉnh (mẫu 2d kèm theo Thông tư này) và thông báo cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện.

III. Mức trợ giúp kinh phí

Gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi được hỗ trợ kinh phí tối thiểu là 200.000 đồng/tháng/trẻ em. Riêng đối với gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi dưới mười tám tháng tuổi thì được hỗ trợ kinh phí tối thiểu là 270.000 đồng/tháng/trẻ em.

Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh có thể điều chỉnh mức cho phù hợp nhưng không thấp hơn mức quy định nêu trên.

IV. Nguồn kinh phí để chi trả

Kinh phí để chi trả trợ giúp cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại Mục I của Thông tư này bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách địa phương hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách Nhà nước.

V. Tổ chức thực hiện

1. Uỷ ban nhân dân cấp xã

a) Giám sát, lập sổ quản lý và thực hiện chi trả trợ giúp kinh phí hàng tháng cho các đối tượng đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Báo cáo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội những gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi đủ điều kiện, không còn đủ điều kiện trợ giúp kinh phí, thay đổi mức trợ giúp; thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí;

c) Thông báo cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em về thời điểm, mức trợ giúp và thời điểm ngừng trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng; mức điều chỉnh trợ giúp kinh phí sau khi có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

2. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi ở cấp xã;

b) Tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội danh sách những gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi đủ điều kiện được trợ giúp kinh phí, không đủ điều kiện trợ giúp kinh phí, những đối tượng thay đổi mức trợ giúp kinh phí, thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí.

3. Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Xem xét và có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị những gia đình, cá nhân được trợ giúp kinh phí, ngừng, trợ giúp kinh phí, điều chỉnh trợ giúp kinh phí và thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí;

Chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách các gia đình, cá nhân được trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Hàng năm, căn cứ vào số lượng và mức trợ giúp kinh phí cho từng loại đối tượng lập kế hoạch kinh phí trợ giúp Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;

b) Tổng hợp danh sách gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có đủ điều kiện trợ giúp kinh phí, không đủ điều kiện trợ giúp kinh phí, điều chỉnh mức trợ giúp kinh phí, thay đổi nơi nhận trợ giúp kinh phí nuôi dưỡng trẻ em mồ côi trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;

c) Hướng dẫn và kiểm tra cấp dưới tổ chức thực hiện trợ giúp cho đối tượng;

d) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện hàng năm về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh

- Chỉ đạo các ngành có liên quan tổ chức thực hiện Quyết định số 38/2004/QĐ-TTg ngày 17/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp kinh phí cho gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi theo hướng dẫn của Thông tư này;

- Quyết định mức trợ giúp kinh phí cho các gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

VI. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16704&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận