Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 100/2008/TTLT-BTC-BGTVT-BCA-BTP-NHNNVN

Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Toàn quốc
Công báo số 611+612, năm 2008
Thông tư liên tịch 100/2008/TTLT-BTC-BGTVT-BCA-BTP-NHNNVN
Thông tư liên tịch
07/12/2008
06/11/2008

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thi hành Khoản 2 Điều 47 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Tư pháp
Thứ trưởng
2.008
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thi hành Khoản 2 Điều 47 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007

quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

_____________________________________

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;

Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và Ngân hàng nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng cách trừ vào tài khoản của người vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 47 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng, phạm vi áp dụng

a) Thông tư này hướng dẫn trình tự, thủ tục nộp tiền phạt đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là người vi phạm) bằng cách trừ vào tài khoản của người vi phạm mở tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước hoặc các tổ chức khác được phép cung cấp dịch vụ thanh toán tại Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng).

b) Nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của người vi phạm mở tại ngân hàng là việc người vi phạm yêu cầu ngân hàng nơi người vi phạm mở tài khoản chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước ghi trong quyết định xử phạt. Việc trừ tiền nộp phạt từ tài khoản của người vi phạm được thực hiện thông qua thanh toán bằng uỷ nhiệm chi.

c) Việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng tiền mặt thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP nêu trên.

2. Điều kiện nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của người vi phạm

a) Người vi phạm tự nguyện nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của mình tại ngân hàng thay cho việc nộp phạt bằng tiền mặt.

b) Người vi phạm có tài khoản mở tại ngân hàng, tài khoản đang hoạt động bình thường và có đủ tiền để thi hành quyết định xử phạt.

c) Người vi phạm bị xử phạt với mức tiền phạt trên 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng).

3. Nguyên tắc thu, nộp tiền phạt

a) Việc nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản phải thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người vi phạm được giao quyết định xử phạt.

b) Khi nhận được uỷ nhiệm chi hợp lệ do người vi phạm ký, nếu trong tài khoản của người vi phạm có đủ tiền để chấp hành quyết định xử phạt thì ngân hàng nơi người vi phạm mở tài khoản có trách nhiệm tiến hành ngay các thủ tục thanh toán để chuyển tiền nộp phạt vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính được ghi trên quyết định xử phạt.

II. THỦ TỤC THU, NỘP TIỀN PHẠT

1. Thủ tục xử phạt

a) Khi phát hiện hành vi vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

b) Quyết định xử phạt phải được giao cho người vi phạm để chấp hành, lưu tại cơ quan của người ra quyết định xử phạt để theo dõi và gửi cho Kho bạc Nhà nước nơi cơ quan tài chính mở tài khoản tạm giữ để làm căn cứ kiểm tra, đối chiếu và lưu chứng từ.

c) Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với người vi phạm, thì người ra quyết định xử phạt có quyền tạm giữ giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy phép lái xe hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan cho đến khi người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu người vi phạm không có những giấy tờ nói trên, thì người ra quyết định xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm.

2. Thủ tục nộp tiền phạt

a) Căn cứ quyết định xử phạt, người vi phạm lập uỷ nhiệm chi để yêu cầu ngân hàng chuyển tiền nộp phạt từ tài khoản của mình vào tài khoản thu tiền phạt được ghi trong quyết định xử phạt. Việc nộp phạt được thực hiện xong tính từ thời điểm yêu cầu của người vi phạm được ngân hàng nơi người vi phạm mở tài khoản chấp nhận.

b) Sau khi nộp phạt, người vi phạm lưu lại uỷ nhiệm chi làm chứng từ chứng minh đã nộp phạt đầy đủ khi đến cơ quan của người ra quyết định xử phạt nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ.

Ngay khi người vi phạm xuất trình được chứng từ để chứng minh đã chuyển đủ số tiền nộp phạt vào đúng tài khoản ghi trên quyết định xử phạt, cơ quan của người ra quyết định xử phạt có trách nhiệm hoàn trả cho người vi phạm toàn bộ giấy tờ hoặc phương tiện vi phạm đã bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt, trừ những tang vật, phương tiện bị tịch thu hoặc trường hợp bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, đình chỉ lưu hành phương tiện có thời hạn.

3. Hạch toán, quyết toán, quản lý và sử dụng tiền phạt

Việc hạch toán, quyết toán, quản lý và sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bằng cách trừ vào tài khoản của người vi phạm thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính về thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.

4. Trách nhiệm của các bên liên quan và tổ chức thực hiện

a) Người vi phạm có trách nhiệm

- Chấp hành quyết định xử phạt theo đúng quy định tại Điều 50 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Điều 64 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

- Chịu các chi phí liên quan đến việc chuyển tiền nộp phạt.

- Quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 50 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Điều 64 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính mà người vi phạm chưa chấp hành xong quyết định xử phạt thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 66 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 37/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 về thủ tục áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

b) Ngân hàng nơi người vi phạm mở tài khoản có trách nhiệm chuyển tiền nộp phạt đúng thời hạn theo yêu cầu của người vi phạm, chịu trách nhiệm trước người vi phạm nếu chậm trễ tiến hành các thủ tục thanh toán dẫn đến việc người vi phạm không thể chấp hành quyết định xử phạt đúng thời hạn; cung cấp đủ thông tin về khoản nộp phạt trên chứng từ nộp phạt cho Kho bạc Nhà nước theo quy định hiện hành.

c) Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm

- Quản lý quyết định xử phạt để theo dõi, đối chiếu khi nhận được tiền nộp phạt chuyển từ ngân hàng.

- Khi nhận được tiền nộp phạt bằng chuyển khoản, Kho bạc Nhà nước phải đối chiếu với số tiền ghi trong quyết định xử phạt tương ứng, ghi có vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính và báo có cho cơ quan tài chính.

- Định kỳ, Kho bạc Nhà nước thực hiện đối chiếu giữa số tiền nộp phạt nhận từ ngân hàng với quyết định xử phạt và thông báo cho cơ quan của người ra quyết định xử phạt biết để theo dõi, đôn đốc việc nộp phạt đối với các quyết định xử phạt chưa được chấp hành.

III. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11645&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận