Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH

Đàm Hữu Đắc
Toàn quốc
Công báo số 715+716, năm 2007
Thông tư liên tịch 116/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH
Thông tư liên tịch
26/10/2007
27/09/2007

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn về nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ trưởng
2.007
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TịCH

Hướng dẫn về nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về tái hòa nhập cộng đồng theo  Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ

______________________________

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/07/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về;

Liên tịch Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (sau đây gọi tắt là nạn nhân) như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ

1. Thông tư này hướng dẫn nội dung chi, mức chi cho công tác xác minh, tiếp nhận và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này gồm:

a) Phụ nữ, trẻ em được các cơ quan chức năng (Công an, Bộ đội Biên phòng, Ngoại giao) xác định là nạn nhân bị buôn bán từ  nước ngoài trở về.

b) Trẻ em là con của nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về có quốc tịch Việt Nam.

II. NỘI DUNG CHI

1. Chi cho hoạt động xác minh, tiếp nhận nạn nhân:

a) Chi trao đổi thông tin giữa cơ quan Việt Nam và nước ngoài.

b) Chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn nghiệp vụ liên ngành để phối hợp thẩm định, kiểm tra, đối chiếu thông tin về nạn nhân giữa các cơ quan thực hiện công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.

c) Chi xác minh nạn nhân, lập hồ sơ hỗ trợ nạn nhân.

d) Chi cho hoạt động tiếp nhận, phỏng vấn, phân loại nạn nhân.

e) Chi văn phòng phẩm, in ấn, bưu cước phí, đàm thoại phí.

g) Chi cho hoạt động thống kê, khảo sát, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nạn nhân.

2.  Chi đảm bảo hoạt động của cơ sở tiếp nhận nạn nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở tiếp nhận):

a) Chi mua dụng cụ phục vụ sinh hoạt, ăn uống, tắm, giặt của nạn nhân.

b) Chi cho hoạt động tư vấn, thu thập thông tin ban đầu về nạn nhân.

c) Cơ số thuốc thiết yếu dùng để chữa các bệnh thường gặp.

d) Chi phí phục vụ sinh hoạt của nạn nhân.

e) Chi tiền tàu xe, tiền ăn đường đưa nạn nhân về cơ sở hỗ trợ nạn nhân, gia đình.

3. Chi đảm bảo hoạt động của cơ sở hỗ trợ nạn nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở hỗ trợ):

a) Chi xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất; mua sắm, sửa chữa đồ dùng, trang thiết bị, phương tiện.

b) Chi đảm bảo hoạt động của bộ máy cơ sở hỗ trợ.

c) Chi cho các hoạt động tư vấn, giáo dục, y tế, hướng nghiệp tại cơ sở hỗ trợ.

d) Chi tiền tàu xe, tiền ăn đường cho nạn nhân trở về gia đình; chi phí đón tiếp gia đình nạn nhân tại cơ sở hỗ trợ.

4. Các khoản chi hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ và tại cộng đồng (theo quy định từ Điều 16 đến Điều 23 tại Chương IV, Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về ban hành kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ).

III. MỨC CHI

1. Các nội dung chi thực hiện công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân, chi đảm bảo hoạt động của các cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ thực hiện theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu hiện hành, cụ thể như sau:

a) Đối với các khoản chi công tác phí cho cán bộ đi công tác trong nước, chế độ chi để tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn thực hiện theo Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối  với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Chi trao đổi thông tin trực tiếp giữa các cơ quan Việt Nam và nước ngoài được thực hiện theo Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức  nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí; nếu các đoàn nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 57/2007/TT- BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính quy định Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.

c) Chi xác minh về nạn nhân, lập hồ sơ hỗ trợ nạn nhân mức chi 100.000đồng/01 hồ sơ.

d) Đối với chi điều tra thống kê nạn nhân (gồm điều tra thống kê định kỳ hoặc không định kỳ); chi cho hoạt động xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về nạn nhân thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý kinh phí chi cho các  cuộc điều tra  và mức chi tạo lập tin điện tử thuộc công nghệ thông tin.

e) Đối với các khoản chi xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị, phương tiện; bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, phương tiện; chi đảm bảo hoạt động của bộ máy cơ sở hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

g) Đối với các khoản chi khác như mua văn phòng phẩm, in ấn, bưu cước phí, đàm thoại; chi cho các hoạt động tư vấn, giáo dục, hướng nghiệp; mua cơ số thuốc thiết yếu…, căn cứ để xây dựng dự toán và quản lý là các chế độ, định mức, đơn giá Nhà nước đã quy định của các ngành có công việc tương tự. Nội dung chi này phải được thủ trưởng đơn vị phê duyệt dự toán trước khi thực hiện.

2. Chế độ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ:

a) Nạn nhân sau khi được tiếp nhận tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ được xem xét, trợ cấp một lần quần áo, vật dụng cá nhân cần thiết. Mức chi được tính trên cơ sở giá cả thực tế của từng địa phương nhưng không quá 130.000 đồng/người.

b) Tiền vệ sinh phụ nữ với mức 10.000 đồng/người/tháng.

c) Tiền ăn với mức 10.000 đồng/người/ngày.

d) Trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị để phục hồi sức khoẻ thì được xem xét hỗ trợ tiền khám bệnh và thuốc chữa bệnh; trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng chữa trị của cơ sở phải chuyển đến bệnh viện của Nhà nước điều trị thì chi phí khám bệnh, thuốc chữa bệnh và điều trị trong thời gian nằm viện do Thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ xem xét hỗ trợ. Mức tối đa không quá 1.000.000 đồng/người/01 đợt điều trị.

e) Trường hợp nạn nhân chết trong thời gian lưu trú tại cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ, sau khi có kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, sau 24 giờ mà thân nhân không đến kịp hoặc không có điều kiện mai táng thì Thủ trưởng cơ sở tiếp nhận hoặc cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm tổ chức mai táng. Mức chi phí mai táng là 2.000.000 đồng/01 người.

g) Trợ cấp tiền ăn trong thời gian đi đường: 20.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 5 ngày.

h) Mức hỗ trợ tiền tàu, xe được tính trên quãng đường thực tế và giá vé phương tiện vận chuyển công cộng. Cơ sở tiếp nhận, cơ sở hỗ trợ có trách nhiệm mua vé tàu, xe cấp cho nạn nhân.

Trường hợp nạn nhân là trẻ em nếu không có thân nhân đến đón thì cơ sở hỗ trợ bố trí cán bộ đưa trẻ em về nơi cư trú hoặc liên hệ với cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi trẻ em cư trú để đón nhận.

3. Mức chi hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đảm bảo gồm:

a) Chi phí mua vé máy bay, tàu, xe (do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mua và cấp cho nạn nhân) theo giá vé phương tiện vận chuyển công cộng thông thường.

b) Chi phí ăn, ở cho nạn nhân: áp dụng mức sinh hoạt phí tối thiểu quy định tại điểm 2, phần II, Thông tư số 29/2006/ TTLT-BNG-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 08/11/2006 của Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 157/2005/NĐ-CP ngày 23/12/2005 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với cán bộ, công chức công tác nhiệm kỳ tại Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

c) Trong thời gian chờ thu xếp về nước, nếu nạn nhân bị ốm phải điều trị tại các bệnh viện sở tại thì Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tập hợp các khoản chi phí  kèm theo chứng từ cần thiết theo quy định để xem xét hỗ trợ chi trả cho từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp nạn nhân chết thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng hoặc chi phí vận chuyển thi hài nạn nhân về nước theo cước phí vận chuyển thực tế với mức chi phí tiết kiệm nhất. 

4. Mức chi hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng:

a) Nạn nhân nếu thuộc hộ nghèo (theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành từng thời kỳ) hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt (do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận) thì được xem xét trợ cấp khó khăn ban đầu với mức tối thiểu là 750.000 đồng/người.

b) Nạn nhân nếu có nhu cầu học nghề được xem xét, cấp kinh phí học nghề một lần với mức 500.000 đồng/người/khóa học nghề.

c) Nạn nhân là trẻ em, hoặc con của nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về đi cùng mẹ, nếu tiếp tục đi học được hỗ trợ tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập năm đầu tiên. Mức hỗ trợ do Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định như đối tượng là trẻ em nghèo.

IV. THỦ TỤC CHI HỖ TRỢ TÁI HOÀ NHẬP CỘNG ĐỒNG

1. Thủ tục chi hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng:

Để được nhận các khoản hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng quy định tại Mục 4 Phần III của Thông tư này, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận về nước (do cơ quan có thẩm quyền cấp), gia đình có trẻ em là nạn nhân hoặc bản thân nạn nhân phải làm đơn gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã (mẫu 01). Đơn đề nghị hỗ trợ phải có ý kiến xác nhận của trưởng thôn, trưởng bản hoặc tổ trưởng tổ dân phố nơi nạn nhân cư trú (kèm theo Giấy chứng nhận về nước).

Căn cứ vào đơn đề nghị, ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ nạn nhân (mẫu 02) gửi cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổng hợp, thẩm định hồ sơ và làm văn bản đề nghị (kèm theo hồ sơ) gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trên cơ sở đơn, hồ sơ đề nghị, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định chi hỗ trợ nạn nhân theo chế độ quy định.

2. Đối với nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận, Uỷ ban nhân dân cấp xã sau khi xem xét nếu thấy có dấu hiệu hoặc bằng chứng là nạn nhân thì làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ (theo quy định tại Điểm 1 Phần IV Thông tư này) đồng thời với các thủ tục đề nghị xác minh, xác định nạn nhân theo quy định hiện hành.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí cho công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.

2. Trường hợp nạn nhân về nước có sự tài trợ của nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế thì được hưởng các chế độ theo quy định tại thỏa thuận với nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế liên quan.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo

4. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội để xem xét sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25711&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận