Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 125/2008/TTLT-BTC-BGD

Bành Tiến Long
Toàn quốc
Công báo số 21+22
Thông tư liên tịch 125/2008/TTLT-BTC-BGD
Thông tư liên tịch
12/01/2009
22/12/2008

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010

Thứ trưởng
2.008
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010

__________________________________

Căn cứ Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010;

Thực hiện Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kết quả đàm phán Hiệp định tín dụng phát triển của Chương trình Hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục cho mọi người;

Thực hiện Hiệp định Tín dụng phát triển số 4089-VN, đã được Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế ký kết ngày 12 tháng 10 năm 2005;

Nhằm nâng cao hiệu quả thông qua cải thiện quy trình lập kế hoạch, phân bổ minh bạch nguồn ngân sách, cải tiến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới;

Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nội dung, mức chi và cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục và Đào tạo đến năm 2010 như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010 (sau đây viết tắt là CTMTQG GD&ĐT) gồm 7 dự án được quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010. Các quy định tại Thông tư này áp dụng cho 6 dự án do Bộ Giáo dục và Đào tạo (sau đây viết tắt là Bộ GD&ĐT) chủ trì, gồm các dự án 1, 2, 3, 4, 5 và 6 theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 1 Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT để thực hiện các dự án từ dự án 1 đến dự án 6 theo quy định tại Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Kinh phí thực hiện CTMTQG GD&ĐT được cân đối trong dự toán chi ngân sách Trung ương, bao gồm:

- Vốn trong nước: Được bố trí từ ngân sách trung ương hàng năm.

- Vốn ngoài nước: Chương trình hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về giáo dục cho mọi người gồm vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đồng tài trợ của các Chính phủ (Vương quốc Anh, Canada, Vương quốc Bỉ, New Zealand, Uỷ ban châu Âu - EU, Na Uy, Tây Ban Nha).

4. Ngoài kinh phí CTMTQG GD&ĐT do ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, các Bộ, ngành và các địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thụ hưởng CTMTQG GD&ĐT chủ động huy động, sử dụng các nguồn kinh phí hợp pháp khác như: nguồn thu phí, lệ phí được để lại, nguồn đóng góp tự nguyện của cá nhân, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước (bằng tiền, hiện vật, công lao động…), bổ sung từ ngân sách địa phương để thực hiện CTMTQG GD&ĐT.

5. Việc sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT phải tuân thủ các quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý tài chính, lập dự toán, phân bổ, sử dụng, quyết toán và chế độ báo cáo thường xuyên, định kỳ.

6. Các sản phẩm của CTMTQG GD&ĐT là chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu, học liệu phải được lưu nộp bản điện tử về Bộ GD&ĐT (Cục Công nghệ thông tin) để công bố trên trang thông tin điện tử (website) của Bộ GD&ĐT phục vụ cho việc sử dụng chung.  

II. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CHUNG

1. Hội nghị tổng kết, hội nghị tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác phí đối với các đợt kiểm tra, giám sát thực hiện theo quy định tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 và Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính.

2. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc CTMTQG GD&ĐT thực hiện theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/06/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước.

3. Các cuộc điều tra khảo sát của CTMTQG GD&ĐT thực hiện theo quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15/10/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước 

4. Đối với việc sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT để mua sắm trang thiết bị, tài liệu, sách giáo khoa phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 26/11/2005, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/05/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 05/11/2007 của Bộ Tài Chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Nhà nước.

Đối với việc sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Xây dựng ngày 26/11/2003, Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 26/11/2005, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/05/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính, Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu, quản lý dự án đầu tư xây dựng hiện hành của Nhà nước.

III. NỘI DUNG VÀ MỨC CHI ĐẶC THÙ CỦA CÁC DỰ ÁN

1. Dự án “Hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học”.

1.1. Chi mua sách giáo khoa (SGK), tài liệu giảng dạy cho tủ sách dùng chung và học phẩm tối thiểu, thiết bị, phương tiện dạy học cho các lớp học xoá mù chữ (XMC), phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH), phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS) và phổ cập giáo dục trung học (PCGDTrH) tại các cơ sở giáo dục thuộc các xã đặc biệt khó khăn về kinh tế xã hội theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 163/2006/QĐ-TTg ngày 11/07/2006 về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn hoàn thành cơ bản mục tiêu chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa (chương trình 135 giai đoạn 1999 - 2005); Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/07/2007 về việc phê duyệt danh sách các xã hoàn thành mục tiêu chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi, biên giới vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005, bổ sung các xã, thôn bản vào diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28/5/2008 về việc phê duyệt bổ sung danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu vào diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn II và danh sách các xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II; và các quyết định khác của Thủ tướng Chính phủ có liên quan; Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II.

1.2. Hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật và các đối tượng trong độ tuổi phổ cập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng thuộc hộ nghèo (theo quy định của Chính phủ) chưa đi học.

1.3. Chi hỗ trợ cho hoạt động vận động trẻ em trong độ tuổi phổ cập ra lớp.

1.4. Chi thắp sáng đối với lớp học phổ cập ban đêm; chi hỗ trợ hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập cấp tỉnh, huyện, xã; chi hỗ trợ cho cán bộ tổ chức, quản lý lớp học phổ cập, chi mua sổ sách theo dõi quá trình học tập.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi ngân sách nhà nước (NSNN) của CTMTQG GD&ĐT đã được Chính phủ giao, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể  các mức chi đối với các nội dung 1.1, 1.2, 1.3, 1.4  mục này để thực hiện tại địa phương.

1.5. Chi trả thù lao cho giáo viên giảng dạy XMC, PCGDTH,  PCGDTHCS, PCGDTrH.

Đối với giáo viên thuộc biên chế ngành giáo dục, mức chi thù lao tính theo số giờ thực dạy vượt định mức giờ chuẩn và được thanh toán trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2008/TTLT-BGDĐT- BNV-BTC ngày 09/9/2008 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đối với những người ngoài biên chế của ngành giáo dục, nếu có đủ tiêu chuẩn và năng lực giảng dạy, tình nguyện tham gia giảng dạy các lớp XMC và phổ cập giáo dục thì thực hiện ký hợp đồng với Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, mức chi thù lao theo hợp đồng tương đương với mức lương giáo viên trong biên chế có cùng trình độ đào tạo, thâm niên công tác dạy cùng cấp học, lớp học (theo bảng lương ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ)

1.6. Chi đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ - tin học để làm công tác phổ cập giáo dục, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy, quản lý, nâng cao khả năng triển khai, duy trì hoạt động phổ cập giáo dục. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2, mục II của Thông tư này.

1.7. Chi cho công tác tổ chức điều tra, thu thập dữ liệu, kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xây dựng tiêu chuẩn phổ cập trình độ giáo dục trung học. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 3, mục II của Thông tư này.

1.8. Chi khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phổ cập giáo dục theo quyết định của cấp có thẩm quyền thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Dự án đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy

2.1. Nội dung chi tại trung ương:

2.1.1. Chi xây dựng chương trình khung, biên soạn giáo trình các môn học dùng chung cho khối ngành trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ GD&ĐT ban hành thực hiện theo quy định tại Thông tư số 87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học và theo các quy định hiện hành khác.

2.1.2. Chi xây dựng giáo trình điện tử trình độ đại học, cao đẳng để đưa lên mạng giáo dục http://ebook.moet.gov.vn 

- Chi biên soạn giáo trình, mức chi theo quy định tại Thông tư số 87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học và theo các quy định hiện hành khác.

- Chi chuyển đổi định dạng các giáo trình đưa lên mạng giáo dục áp dụng theo quy định tại Thông tư số 137/2007/TT-BTC ngày 28/11/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử.

2.1.3. Chi xây dựng phương án đổi mới thi tuyển sinh và tốt nghiệp: Thực hiện theo dự toán và chế độ chi tiêu hiện hành được cơ quan giao dự toán phê duyệt.

2.1.4. Chi tổ chức biên soạn giáo trình, tài liệu và làm học liệu cho môn giáo dục dân số, giới và kỹ năng sống cho các trường sư phạm. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 87/2001/TT-BTC ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình khung cho các ngành đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và biên soạn chương trình, giáo trình các môn học và các quy định hiện hành.

2.1.5. Chi xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa (SGK), sách bài tập (SBT), sách giáo viên (SGV), tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ (TLHDNV) cho các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học phổ thông kỹ thuật, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt, giáo dục dân tộc (sách dạy tiếng Việt và tiếng dân tộc cho con em đồng bào dân tộc thiểu số), xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình phục vụ việc đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, chi biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra giáo dục.

Nội dung và mức chi như sau :

a. Xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học :

- Xây dựng chương trình: tối đa 150.000 đồng/tiết.

- Sửa chữa, biên tập tổng thể: tối đa 45.000 đồng/tiết.

- Thẩm định chương trình: tối đa 10.000 đồng/tiết/người.

b. Biên soạn SGK, SGV:

- Thù lao cho tác giả : 100.000 đồng - 400.000 đồng/ tiết.

- Thù lao cho chủ biên: tối đa 45.000 đồng/tiết.

- Thù lao cho tổng chủ biên: tối đa 30.000 đồng/tiết.

- Thù lao đọc góp ý đề cương: 100.000 đồng- 400.000 đồng/1bản đề cương/người.

- Thù lao đọc góp ý bản thảo: 1.000 đồng- 5.000 đồng/1trang bản thảo/người (trang bản thảo khổ 14,5cm x 20,5cm).

c. Biên soạn SBT, TLHDNV: các mức chi thù lao được áp dụng như mục (b) nêu trên, với số tiết được tính quy đổi 3 trang = 1tiết.  

d. Thù lao dịch tài liệu :

- Từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: tối đa 45.000 đồng/trang 350 từ

- Từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: tối đa 50.000 đồng/trang 350 từ

e. Thù lao minh họa sách:

- Thù lao trang bìa : 100.000 đồng - 300.000 đồng/bìa

- Thù lao can, vẽ kỹ thuật: 1.000 đồng - 15.000 đồng/hình

- Thù lao vẽ hình minh họa có tính nghệ thuật: 20.000 đồng - 200.000 đồng/hình.

g. Chi tổ chức hoàn thiện sách: 

Chủ nhiệm “Dự án đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy” xem xét sự cần thiết và quyết định tổ chức trại hoàn thiện sách đối với từng loại sách cụ thể nhưng tối đa không quá 5 ngày cho một lần tổ chức trại.

 Trong thời gian tổ chức trại hoàn thiện sách được chi các nội dung sau:

- Chi thù lao cho tác giả, biên tập viên:  tối đa 80.000 đồng/người/ngày

- Chi phụ cấp tiền ăn (tác giả, biên tập viên, thành viên ban tổ chức): tối đa 70.000 đồng/người/ngày

- Tiền nước uống : tối đa 10.000 đồng/người/ngày

- Tiền tàu xe: thanh toán theo thực tế.

- Ban tổ chức thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tập trung tại nơi dến công tác; mức chi theo quy định tại chế độ công tác phí hiện hành.

f. Chi cho thẩm định sách: Trong thời gian tập trung để tổ chức thẩm định sách được chi các nội dung sau:

- Chi phụ cấp tiền ăn:  tối đa 70.000 đồng/người/ngày

- Tiền nước uống: tối đa 10.000 đồng/người/ngày

- Tiền tàu xe: thanh toán theo thực tế.

- Ban tổ chức thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tập trung tại nơi dến công tác; mức chi theo quy định tại chế độ công tác phí hiện hành.

- Chi đọc thẩm định sách: tối đa 15.000 đồng/tiết/người. 

- Chi thù lao cho các thành viên Hội đồng thẩm định (tính cho những ngày tổ chức thẩm định sách):

+ Chủ tịch Hội đồng thẩm định:  tối đa 50.000 đồng/ngày

+ Phó chủ tịch, uỷ viên, thư ký Hội đồng thẩm định: tối đa 40.000 đồng/ngày/người.

Trên cơ sở nguyên tắc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định mức chi cụ thể trong khung mức chi nêu trên cho phù hợp với thực tế.

2.1.6. Sản xuất bản thảo, in ấn SGK, SGV, SBT, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu tự chọn (nếu có) để cấp phát cho học sinh và giáo viên của các trường tham gia dạy thí điểm:

- Mức chi cho các công đoạn sản xuất bản thảo:

+ Biên tập nội dung: tối đa 12.000 đồng/trang (khổ 14,5 cm x 20,5 cm).

+ Đọc duyệt: tối đa 2.400 đồng/trang.

+ Thiết kế trang sách, biên tập kỹ thuật, mỹ thuật:  tối đa 6.240 đồng/trang.

+ Chế bản sách (mi trang): tối đa 3.500 đồng/trang.

+ Sửa bản in: tối đa 3.900 đồng/trang.

+ In bông bìa mẫu: tối đa 17.241 đồng/bìa.

+ Định mức chi phí phim ruột: tối đa 70 đồng/cm2.

- Đối với các hợp đồng in ấn có giá trị dưới 100 triệu đồng thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn nhà nước.

- Đối với các hợp đồng in ấn có giá trị trên 100 triệu đồng thực hiện thẩm định giá theo quy định tại Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30/01/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước hoặc thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật.

2.1.7. Tổ chức nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thẩm định, duyệt mẫu thiết bị phù hợp với chương trình và sách giáo khoa mới, sản xuất băng hình, băng tiếng phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Mức giá thiết bị mẫu, băng hình, băng tiếng thực hiện thẩm định giá theo quy định tại Thông tư số 05/2004/TT-BTC ngày 30/01/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước. 

2.1.8. Xây dựng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi đối với thử nghiệm sách giáo khoa áp dụng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 49/2007/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 18/5/2007 của liên Bộ Tài chính - Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về nội dung, mức chi, công tác quản lý tài chính thực hiện xây dựng ngân hàng câu trắc nghiệm, tổ chức các kỳ thi phổ thông, chuẩn bị tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực. 

2.1.9. Chi tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho: giáo viên dạy thí điểm, giáo viên cốt cán cấp tỉnh, thành phố theo chương trình và sách giáo khoa mới; cán bộ thanh tra giáo dục các cấp học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học áp dụng theo chế độ quy định. Bộ GD&ĐT quyết định số người, số ngày và địa điểm tập huấn. Mức chi theo quy đinh tại mục II Thông tư này.

2.1.10. Chi tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Mức chi thực hiện theo quy định tại mục II Thông tư này.

Mức chi cho từng thành viên tham gia hội thảo khoa học về đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa,  quy định như sau:

- Người chủ trì: 200.000 đồng/ buổi.

- Thư ký hội thảo: 100.000 đồng/buổi.

- Đại biểu được mời tham dự: 70.000 đồng/buổi.

- Báo cáo tham luận theo đơn đặt hàng: tối đa không quá 500.000 đồng/tham luận.

2.1.11. Đối với các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT có khối lớp trung học phổ thông thực hiện chi mua sách (SGK, SBT, SGV, HDNV) cho tủ sách dùng chung để giáo viên và học sinh diện chính sách, học sinh thuộc các xã đặc biệt khó khăn được mượn miễn phí; mua đồ dùng giảng dạy và học tập theo yêu cầu của chương trình, SGK mới, trên cơ sở danh mục thiết bị do Bộ GD&ĐT ban hành; chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên theo chương trình và SGK mới; mức chi theo quy đinh tại mục II Thông tư này.

2.1.12. Một số nội dung chi khác có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Ban Chủ nhiệm CTMTQG GD&ĐT báo cáo Bộ GD&ĐT để hướng dẫn theo thẩm quyền. Trường hợp cần thiết Bộ GD&ĐT thoả thuận với Bộ Tài chính để quyết định mức chi cụ thể.

2.2.Nội dung chi tại địa phương:

2.2.1. Chi mua sách (SGK, SBT, SGV, TLHDNV) cho tủ sách dùng chung để giáo viên và học sinh diện chính sách, học sinh thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được mượn miễn phí.

2.2.2. Mua đồ dùng giảng dạy và học tập theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa mới, trên cơ sở Danh mục thiết bị do Bộ GD&ĐT ban hành, theo hướng đảm bảo cho các lớp thực hiện đổi mới chương trình trước và sau đó mua bổ sung cho các lớp đã thực hiện đổi mới chương trình. 

2.2.3. Chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên dạy thí điểm và tất cả giáo viên dạy theo chương trình và SGK mới, chi bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra giáo dục các cấp học phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 mục II Thông tư này.

Trường hợp các lớp tập huấn được đài thọ chi phí từ nguồn các dự án ODA, Bộ GD&ĐT ghi rõ trong công văn triệu tập.

2.2.4. Đối với các trường tham gia thí điểm chương trình, sách giáo khoa mới được chi bồi dưỡng giáo viên dạy mẫu, giáo viên dạy thí điểm theo mức chi: 30.000 đồng/tiết dạy mẫu và 20.000 đồng/tiết dạy thí điểm.

2.2.5. Chi tổ chức hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Mức chi thực hiện theo quy định tại tiết 2.1.10 khoản 2 mục III Thông tư này.

3. Dự án đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường:

Một số nội dung chi và mức chi:

3.1.Đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường:

3.1.1. Chi tăng cường năng lực đào tạo cho các khoa công nghệ thông tin (CNTT) và điện tử viễn thông trọng điểm đạt trình độ tiên tiến trong khu vực;

3.1.2. Chi cho công tác dạy tin học và ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp giảng dạy ở các cơ sở giáo dục đào tạo; tổ chức dạy môn tin học trong nhà trường đảm bảo sự liên thông và cập nhật những kiến thức mới.

3.1.3. Xây dựng chương trình và nội dung tin học ứng dụng trong các trường đại học, cao đẳng, TCCN, triển khai ứng dụng CNTT vào giảng dạy các môn học của các ngành đào tạo, vận dụng các mức chi phù hợp theo quy định tại khoản 2 mục III Thông tư này.

3.1.4. Xây dựng chương trình bồi dưỡng CNTT cho giáo viên, vận dụng các mức chi phù hợp theo quy định tại khoản 2 mục III Thông tư này.

3.1.5. Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm ứng dụng CNTT để đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên dạy tin học trong các trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 2 mục II Thông tư này.

3.1.6. Mua sắm nâng cấp và trang bị thiết bị tin học cho các phòng thí nghiệm, phòng thực hành về CNTT phục vụ giảng dạy và học tập. Ưu tiên đầu tư thiết bị cho các phòng thực tập dùng chung cho cả trường, cả khoa.

3.1.7. Mua sắm máy vi tính, bản quyền phần mềm, thiết bị trình chiếu đa phương tiện và các thiết bị hỗ trợ khác.

3.1.8. Mua hoặc xây dựng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy và học tập; Mua tài liệu, sách tiếng Anh phục vụ đào tạo về CNTT.

Việc mua sắm quy định tại mục 3.1.6, 3.1.7, 3.1.8 này thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước về đấu thầu.

3.2. Phát triển mạng giáo dục:

3.2.1. Xây dựng hệ thống điều khiển mạng giáo dục và kết nối Internet băng thông rộng tới các cơ sở giáo dục; phát triển nội dung thông tin số về giáo dục.

3.2.2. Xây dựng các hệ thống học điện tử (e-Learning), bài giảng điện tử, hệ thống cổng thông tin điện tử về giáo dục phục vụ các cơ sở giáo dục và đào tạo.

3.2.3. Triển khai các ứng dụng của công nghệ hội thảo và dạy học đa phương tiện qua video, trang tin và thoại (video conference, web conference, audio conference).

Để đảm bảo sự thống nhất về nội dung và kỹ thuật trong toàn hệ thống, căn cứ các quy định của Nhà nước về CNTT, các quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2008/TTLT-BTC-BTTTT ngày 26/05/2008 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về ứng dụng CNTT, đưa tin học vào nhà trường, các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng thụ hưởng của dự án này xây dựng nội dung dự án đào tạo cán bộ tin học và đưa tin học vào nhà trường và lập dự toán kinh phí để  trình cơ quan giao dự toán phê duyệt trước khi thực hiện.

4. Dự án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục.

4.1. Chi điều tra, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên cho các cấp học.

4.2. Chi bồi dưỡng chuẩn hoá, bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng theo chu kỳ cho giáo viên các cấp học. Ưu tiên bồi dưỡng giáo viên tiểu học để hoàn thành chương trình 12+2, bồi dưỡng nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng giảng dạy của giáo viên tiểu học trong việc hỗ trợ học sinh thuộc diện khó khăn về giáo dục như: kỹ năng dạy lớp ghép, kỹ năng dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, kỹ năng dạy học lấy học sinh làm trung tâm.

4.3. Chi đào tạo, bồi dưỡng cho giảng viên các trường sư phạm, các khoa sư phạm dưới các hình thức thích hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

4.4. Chi bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuyên đề cho cán bộ quản lý giáo dục dưới các hình thức thích hợp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng hiệu trưởng các cấp học theo đề án đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

4.5. Chi bồi dưỡng theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, chuẩn cán bộ quản lý giáo dục, bồi dưỡng tăng cường năng lực nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Mức chi thực hiện các nội dung nêu trên được thực hiện theo quy định tại mục II Thông tư này.

5. Dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn.

Trong đó các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nêu tại điểm 1.1, mục III Thông tư này.

5.1. Chi hỗ trợ việc sửa chữa, bảo dưỡng nhà học, phòng bộ môn, ký túc xá, nhà đa năng, nhà ăn, phòng hướng nghiệp…để hoàn thiện các hạng mục thiết yếu đáp ứng quy mô học sinh dân tộc nội trú đối với các trường dự bị đại học, trường PTDTNT huyện.

Chi hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng  hoàn thiện các hạng mục thiết yếu của trường PTDTNT tỉnh theo hướng chuẩn hoá.

Chi hỗ trợ việc xây dựng, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng nhà học, phòng học bộ môn, ký túc xá, nhà đa năng, nhà ăn, phòng hướng nghiệp... cho các trường PTDTBT.

5.2. Hỗ trợ sửa chữa, cải tạo, chống xuống cấp cơ sở vật chất các trường học ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có nhiều khó khăn, xây dựng các lớp ghép ở thôn, bản, làng, phum, sóc, buôn để thực hiện XMC, PCGDTH đúng độ tuổi, và PCGDTHCS.                 .

5.3. Chi hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, sách giáo khoa, sách báo thư viện...phục vụ cho giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh các trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh, huyện và trường phổ thông dân tộc bán trú. Ưu tiên mua sắm đồ dùng dạy học, thiết bị thực hành để tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp-dạy nghề và giáo dục bản sắc văn hoá dân tộc cho học sinh các trường PTDTNT tỉnh. Chi hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu cho việc tổ chức đời sống nội trú cho các trường, lớp có học sinh dân tộc nội trú.

5.4. Chi hỗ trợ học phẩm tối thiểu (giấy viết, bút, thước kẻ) cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và trong phạm vi ngân sách của CTMTGD&ĐT đã được Chính phủ giao, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND tỉnh), trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể  các mức chi đối với các nội dung quy định tại khoản 5.4 này để thực hiện tại địa phương.

6. Dự án tăng cường cơ sở vật chất các trường học.

Kinh phí dự án này được sử dụng để đầu tư cho các cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, với các nội dung chi sau đây:

6.1. Chi hỗ trợ cơ sở vật chất trường mầm non: nâng cấp và xây dựng thêm phòng học cho giáo dục mầm non vùng khó khăn để thu hút tối đa trẻ 5 tuổi tới trường.

6.2. Ưu tiên nâng cấp và xây dựng bổ sung các phòng học và các công trình phụ trợ ở các điểm trường, các trường tiểu học để đạt mức chất lượng trường tối thiểu được quy định tại Quyết định số 55/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

6.3. Nâng cấp và xây dựng các công trình kiến trúc ngoài phòng học (phòng thí nghiệm, thư viện, phòng để đồ dùng dạy học, nhà làm việc, nhà đa năng, công trình vệ sinh - nước sạch ....) để đáp ứng yêu cầu chất lượng tối thiểu của trường học, trong đó ưu tiên các công trình nhằm tăng dần số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

6.4. Hỗ trợ chống xuống cấp các giảng đường, ký túc xá, nhà ăn sinh viên và các công trình phụ trợ khác của các cơ sở đào tạo.

Hỗ trợ xây dựng phòng làm việc cho giáo sư, phó giáo sư, giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng.

6.5. Mua sắm bổ sung thiết bị phục vụ dạy và học các cấp học theo hướng chuẩn hoá để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tăng cường trang thiết bị, dụng cụ thí nghiệm, thực hành và nghiên cứu khoa học cho các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, ưu tiên đầu tư thiết bị cho phòng thí nghiệm trung tâm để dùng chung cho các khoa trong cùng trường đại học hoặc liên kết sử dụng trong cụm trường đại học.

6.6. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường sư phạm trọng điểm, các trường mới nâng cấp từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng, các trường đào tạo đa ngành, các trường ở vùng miền núi, vùng có nhiều khó khăn.

IV. LẬP, PHÂN BỔ DỰ TOÁN, QUẢN LÝ VÀ QUYẾT TOÁN.

Việc lập dự toán, phân bổ và giao dự toán, cấp phát, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện CTMTQG GD&ĐT đến năm 2010, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và quy định cụ thể tại Thông tư này.

1. Lập dự toán:

Hàng năm căn cứ vào các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg ngày 10/1/2008, kết quả đánh giá tình hình thực hiện CTMTQG GD&ĐT của năm báo cáo; mục tiêu, nhiệm vụ CTMTQG GD&ĐT năm kế hoạch và hướng dẫn xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT (bao gồm mục tiêu, nhiệm vụ, kinh phí, biện pháp tổ chức thực hiện);

- Các Bộ, cơ quan trung ương hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện CTMTQG GD&ĐT của năm kế hoạch, tổng hợp xây dựng dự toán kinh phí CTMTQG GD&ĐT của Bộ, cơ quan trung ương gửi Bộ GD&ĐT tổng hợp, đồng thời tổng hợp vào dự toán ngân sách năm kế hoạch của Bộ, cơ quan trung ương để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính theo quy định.   

- Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện CTMTQG GD&ĐT của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chi tiết theo từng mục tiêu, dự án, theo nguồn ngân sách thực hiện (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các nguồn kinh phí khác), gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt gửi Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

2. Phân bổ và giao dự toán:

- Đối với Bộ GD&ĐT: Căn cứ vào đề nghị của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và số kiểm tra về tổng mức kinh phí CTMTQG GD&ĐT được cơ quan có thẩm quyền thông báo, Bộ GD&ĐT chủ trì xây dựng dự toán và phương án phân bổ kinh phí của CTMTQG GD&ĐT đối với từng mục tiêu, dự án và chi tiết cho các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các nguyên tắc và tiêu chí như sau:

+ Phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đã được phê duyệt của CTMTQG GD&ĐT cho cả giai đoạn và của năm kế hoạch.

+ Ưu tiên đầu tư cho các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

+ Dựa trên kết quả kiểm kê mức chất lượng tối thiểu trường tiểu học để phân bổ ưu tiên cho các tỉnh, thành phố đầu tư cho các trường tiểu học nhằm đạt mức chất lượng trường tối thiểu, trong đó lồng ghép với các chương trình, dự án khác cũng có nội dung đầu tư cho tiểu học (ví dụ như đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chương trình 135...).

+ Dựa vào số liệu điều tra, thống kê kinh tế-xã hội và số liệu thống kê của các cấp học để phân bổ kinh phí cho các mục tiêu cụ thể (ví dụ như phổ cập giáo dục, nhu cầu đầu tư thêm phòng học...), các mục tiêu ưu tiên (ví dụ như mua sách giáo khoa, thiết bị dạy học để đổi mới chương trình...) 

+ Căn cứ vào đề xuất nhu cầu của các cơ quan thực hiện CTMTQG GD&ĐT để xem xét phân bổ có trọng tâm, trọng điểm giải quyết các mục tiêu ưu tiên, các nhiệm vụ đặc thù của ngành.

Phương án phân bổ kinh phí CTMT GD&ĐT của Bộ GD&ĐT gửi  Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của các bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

- Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Căn cứ vào dự toán kinh phí CTMTQG GD&ĐT đã được Thủ tướng Chính phủ giao, tiến hành phân bổ dự toán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng dự án, gửi kết quả phân bổ và giao dự toán kinh phí CTMT GD&ĐT về Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo qui định.

- Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Căn cứ dự toán ngân sách được Thủ tướng Chính phủ giao về kinh phí CTMTQG GD&ĐT, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng phương án phân bổ dự toán kinh phí thực hiện các CTMTQG GD&ĐT, phương án huy động các nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí khác để thực hiện CTMTQG GD&ĐT, chi tiết cho từng dự án và đơn vị thực hiện gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND để trình Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. Mức kinh phí phân bổ đảm bảo không thấp hơn dự toán kinh phí CTMTQG GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với các nội dung, dự án cụ thể được Trung ương giao thành mục tiêu riêng thì UBND tỉnh phải phân bổ không thấp hơn mức của trung ương quy định cho từng nội dung, dự án. Đối với các dự án khác, UBND tỉnh được chủ động phân bổ và điều chỉnh kinh phí giữa các dự án. Sau khi phương án phân bổ kinh phí CTMTQG GD&ĐT được Hội đồng nhân dân phê duyệt, UBND tỉnh có trách nhiệm gửi kết quả phân bổ dự toán kinh phí CTMTQG GD&ĐT (chi tiết từng dự án) về Bộ GD&ĐT Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo qui định.

- Quyết định giao dự toán của các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh cho các đơn vị triển khai thực hiện phải chi tiết theo loại chi sự nghiệp, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư theo đúng mục lục và mã số ngân sách của từng dự án thuộc CTMTQG GD&ĐT. Các cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí CTMTQG GD&ĐT khi phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc phải đảm bảo đúng tổng mức, cơ cấu kinh phí đối với các dự án thành phần do cấp trên giao và theo đúng mục lục và mã số ngân sách của từng dự án thuộc CTMTQG GD&ĐT.  

3. Công tác quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí:

- Các cơ quan, đơn vị được phân bổ và giao kinh phí thực hiện CTMTQG GD&ĐT phải chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và quyết toán theo chế độ quy định.

- Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT phải mở sổ kế toán để ghi chép, hạch toán và quyết toán theo đúng quy định của Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đối với năm ngân sách 2008 thì hạch toán theo chương, loại, khoản tương ứng của mục lục ngân sách Nhà nước và mã số CTMTQG GD&ĐT ban hành tại Quyết định số 25/2006/QĐ-BTC ngày 11/04/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Từ đầu năm ngân sách 2009 thì hạch toán theo chương, loại, khoản tương ứng của mục lục ngân sách Nhà nước ban hành tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/06/2008 của Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống mục lục ngân sách Nhà nước.

- Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, cấp phát, thanh toán cho các dự án của CTMTQGGD&ĐT theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, các chế độ chi tiêu hiện hành và các quy định tại Thông tư này.  

V. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA, GIÁM SÁT

1. Chế độ báo cáo định kỳ:

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm các đơn vị trực tiếp sử dụng và thụ hưởng kinh phí CTMTQG GD&ĐT của tỉnh thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm báo cáo thường xuyên và định kỳ về tình hình và kết quả thực hiện CTMTQG GD&ĐT cho Sở GD&ĐT, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính.

Sở GD&ĐT có trách nhiệm chủ trì tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện CTMTQG GD&ĐT (kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn) của các đơn vị trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc TW báo cáo UBND tỉnh phê duyệt báo cáo gửi Bộ GD&ĐT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.

- Định kỳ 6 tháng, hàng năm, các Bộ, cơ quan trung ương, có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện CTMTQG GD&ĐT (kinh phí, chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn) gửi Bộ GD&ĐT, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.

- Báo cáo 6 tháng đầu năm gửi tới các cơ quan liên quan trước ngày 31/7 (áp dụng đối với đơn vị sử dụng ngân sách), trước ngày 31/8 (áp dụng đối với Bộ, UBND tỉnh); Báo cáo năm gửi trước ngày 31/3 của năm kế tiếp (áp dụng đối với đơn vị sử dụng ngân sách), trước ngày 31/5 (áp dụng đối với Bộ, UBND tỉnh).

(Báo cáo theo mẫu biểu kèm theo Thông tư này).

- Nếu quá thời hạn theo quy định nêu trên mà các cơ quan, đơn vị được giao sử dụng ngân sách CTMTQG GD&ĐT không gửi báo cáo tình hình thực hiện kinh phí CTMTQG GD&ĐT về các cơ quan liên quan theo quy định thì sẽ bị tạm đình chỉ chi ngân sách theo quy định tại điểm 21, Mục IV, Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật NSNN. Cụ thể như sau:

+ Cơ quan tài chính ra thông báo yêu cầu thời hạn cuối cùng phải nộp báo cáo.

+ Trường hợp đơn vị vẫn không thực hiện đúng thông báo trên, cơ quan tài chính ra quyết định đình chỉ chi ngân sách đối với đơn vị đó, thông báo cho Kho bạc Nhà nước cùng cấp để thực hiện, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên của tổ chức, đơn vị bị đình chỉ chi biết để đôn đốc, nhắc nhở.

- Bộ GD&ĐT (Ban chủ nhiệm CTMTQGGD&ĐT) có trách nhiệm chuẩn bị Báo cáo định kỳ sáu tháng, năm (FMR) và báo cáo theo dõi thực tế của CTMTQGGD&ĐT theo tỉnh, huyện gửi các nhà tài trợ theo đúng thời hạn nêu trong bản ghi nhớ ký giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác tham gia Chương trình Hỗ trợ ngân sách theo mục tiêu.  

- Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính định kỳ tổng hợp, báo cáo, đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu, nội dung và hiệu quả sử dụng kinh phí của CTMTQG GD&ĐT báo cáo Chính phủ.

2. Kiểm tra, giám sát và kiểm toán:

- Bộ GD&ĐT (Ban chủ nhiệm CTMTQGGD&ĐT) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các nhà tài trợ tiến hành kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về tình hình triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung và sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT tại các đơn vị thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương bảo đảm giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT đúng mục tiêu, đúng chế độ, tiết kiệm và hiệu quả.       

- Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra định kỳ, đột xuất, giám sát đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của các dự án, bảo đảm việc quản lý sử dụng kinh phí của CTMTQG GD&ĐT đạt các chỉ tiêu được giao, đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm và hiệu quả.

- Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận tổ quốc và các cơ quan đoàn thể các cấp, cộng đồng tham gia và phối hợp giám sát thực hiện CTMTQG GD&ĐT.

- Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán đối với toàn bộ hoạt động quản lý tài chính của CTMTQG GD&ĐT theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. Các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, các Sở, ban ngành ở địa phương có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí CTMTQG GD&ĐT, các đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí, Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và phối hợp với cơ quan kiểm toán.

- Kiểm toán độc lập hàng năm đối với một số hoạt động quản lý tài chính của CTMTQG GD&ĐT do Bộ GD&ĐT uỷ quyền.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây trái với nội dung quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời để Liên Bộ nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12355&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận