Thông tư THÔNG TƯ
CỦA LIÊN BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ BƯU ĐIỆN - TỔNG CỤC
HẢI QUAN SỐ 13/TT-LB-BĐ-HQ NGÀY 9-1-1991 QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA HAI NGÀNH TRONG VIỆC LÀM THỦ TỤC XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU BƯU PHẨM, BƯU KIỆN.
Căn cứ điều lệ bưu chính và viễn thông ban hành kèm theo Nghị định số 121/HĐBT ngày 15-8-1987 của Hội đồng Bộ trưởng và Pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990, Liên bộ Giao thông vận tải và Bưu điện - Tổng cục Hải quan thống nhất quy định trách nhiệm và mối quan hệ giữa hai ngành trong việc làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu phẩm, bưu kiện như sau:
I- QUY ĐỊNH CHUNG
1- Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện (Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) có nhiệm vụ bảo đảm nhận, chuyển, phát an toàn, nhanh chóng bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định của Điều lệ Bưu chính và Viễn thông.
2- Tổng cục Hải quan có nhiệm vụ bảo đảm việc kiểm tra nhanh chóng các bưu phẩm, bưu kiện đựng vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi là bưu phẩm, bưu kiện) theo đúng quy định của Pháp lênh Hải quan.
3- Tổng cục Hải quan và Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện tuân thủ các quy định của Nhà nước và của hai ngành về xuất khẩu, nhập khẩu vật phẩm, hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện.
Hàng xuất khẩu, nhập khẩu phải là hàng:
- Không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ;
- Không thuộc danh mục cấm nhập khẩu của nước nhận ;
Việc gửi hàng đó không trái với công ước của liên minh bưu chính thế giới (UPU) và pháp luật Bưu điện và Hải quan Việt Nam.
4- Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) bàn với Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan) việc mở bưu cục ngoại dịch (trong pháp lệnh Hải quan gọi là Bưu điện quốc tế) và Bưu cục kiểm quan ở nơi thấy cần thiết.
Bưu cục ngoại dịch là bưu cục làm nhiệm vụ trao đổi trực tiếp chuyển thư với Bưu cục ngoại dịch của nước khác, đồng thời là nơi làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu.
Bưu cục kiểm quan là bưu cục chỉ làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện xuất, nhập khẩu, không làm nhiệm vụ trao đổi chuyển thư với nước ngoài.
5- Sau khi thống nhất với Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện, Tổng cục Hải quan bố trí cán bộ, nhân viên hải quan làm việc tại các bưu cục ngoại dịch, và Bưu cục kiểm quan (đơn vị Hải quan này gọi là Hải quan Bưu điện).
6- Tại các Bưu cục ngoại dịch và Bưu cục kiểm quan.
Địa điểm kiểm tra hải quan do Bưu điện cùng Hải quan cấp tỉnh thoả thuận và bố trí phù hợp với dây chuyền sản xuất của Bưu điện, kể cả việc đặt máy.
Hải quan Bưu điện tự trang bị phương tiện và thiết bị làm việc. Bưu điện địa phương tạo điều kiện, bố trí chỗ thuận tiện cho Hải quan Bưu điện làm việc và mặt bằng nhất định để bảo quản bưu phẩm, bưu kiện tạm giữ chờ hải quan xử lý.
II- QUY ĐỊNH CỤ THỂ.
A- BƯU PHẨM, BƯU KIỆN XUẤT KHẨU.
1- Chấp nhận:
1.1- Quy định chung về chấp nhận:
a) Bưu điện chỉ chấp nhận gửi ra nước ngoài những bưu phẩm , bưu kiện đã hoàn thành thủ tục hải quan.
b) Bưu phẩm, bưu kiện gửi đi nước ngoài được chấp nhận ở các bưu cục, do Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) quy định.
c) Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan) thông báo cho Tổng công ty Bưu chính và Viễn thông Việt Nam. (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) các loại vật phẩm, hàng hoá thuộc danh mục cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện của Nhà nước Việt Nam và những quy định về nhập khẩu của Hải quan các nước (nếu có).
d) Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) thông báo cho Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan) những loại vật phẩm, hàng hoá không được phép nhập hoặc nhập khẩu có điều kiện vào các nước theo thông báo của Liên minh bưu chính Thế giới (UPU).
1.2- Chấp nhận tại các bưu cục có tổ chức Hải quan:
Người gửi xuất trình bưu phẩm, bưu kiện với nhân viên hải quan để làm thủ tục hải quan.
Sau khi làm xong thủ tục hải quan, người gửi tiến hành gói bọc có sự giám sát của nhân viên hải quan. Góc bọc xong, nhân viên hải quan niêm phong và đóng dấu "Đã làm thủ tục hải quan" và bao bì bưu phẩm, bưu kiện và các ấn phẩm liên quan. Sau đó Bưu điện làm thủ tục chấp nhận bưu phẩm, bưu kiện theo đúng quy định của Thể lệ bưu chính quốc tế.
1.3- Chấp nhận tại các bưu cục không có tổ chức Hải quan:
Trong khi chờ đợi Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết việc thi hành điều 25 Pháp lệnh hải quan về việc cơ quan bưu điện làm thủ tục hải quan ở những nơi không có tổ chức hải quan, Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện và Tổng cục Hải quan tạm thời tổ chức việc chấp nhận bưu phẩm, bưu kiện đi nước ngoài tại các bưu cục không có tổ chức Hải quan như sau:
a) Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan) thông báo cho Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) định mức hàng xuất đi nước ngoài, loại hàng không phải nộp thuế xuất khẩu phi mậu dịch do Nhà nước quy định: Thuế suất của các mặt hàng chịu thuế, lệ phí hải quan để các Bưu cục thông báo tại nơi giao dịch và tạm thu thuế, lệ phí ở người gửi.
b) Khi gửi, người gửi phải xuất trình vật phẩm, hàng hoá với nhân viên Bưu điện.
- Nếu vật phẩm, hàng hoá không phải nộp thuế thì nhân viên bưu điện chấp nhận gửi đi theo đúng quy định của Thể lệ bưu chính quốc tế.
- Nếu là vật phẩm, hàng hoá chịu thuế thì nhân viên bưu điện căn cứ vào thuế suất của các mặt hàng chịu thuế và lệ phí hải quan do Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan) thông báo để tạm thu ở người gửi các khoản:
+ Thuế, lệ phí hải quan ;
+ Cước phí thư chuyển tiền (để chuyển tiền thuế) ;
+ Cước một thư ghi số (để Hải quan gửi trả biên lai thuế).
Tiền thuế, lệ phí hải quan, cước một thư ghi số Bưu điện phải chuyển cho Hải quan Bưu điện cùng với chuyến thư có bưu phẩm, bưu kiện đi. Trong trường hợp này, Bưu điện yêu cầu người gửi phải làm cam đoan khi có biên lai chính của Hải quan nếu thiếu tiền thuế thì phải nộp thêm. Bưu điện phải hoàn lại người gửi số tiền thuế thu thừa và thu lại biên lai tạm thu thuế.
2- Tổ chức kiểm tra hải quan tại bưu cục Ngoại dịch và bưu cục kiểm quan.
2.1- Kiểm tra hải quan đối với Bưu phẩm, bưu kiện từ các bưu cục không có tổ chức Hải quan chuyển đến.
a) Các bưu phẩm, bưu kiện từ các bưu cục không có tổ chức hải quan chuyển đến, Bưu điện chịu trách nhiệm quản lý cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan.
b) Khi tiến hành kiểm tra hải quan, nhân viên bưu điện mở bưu phẩm, bưu kiện xuất trình để nhân viên hải quan kiểm tra, nếu:
- Bưu phẩm, bưu kiện đủ điều kiện xuất khẩu, nhân viên bưu điện gói bọc lại, nhân viên hải quan đóng dấu "
ĐÃ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN" lên vỏ bọc và giấy tờ liên quan, đồng thời viết biên lai thu thuế, lệ phí hải quan gửi cho Bưu điện nơi chấp nhận bưu phẩm, bưu kiện bằng thư ghi số. Ngoài bì, phải ghi rõ:"Biên lai thu thuế và lệ phí hải quan".- Bưu phẩm, bưu kiện không đủ điều kiện xuất khẩu, Bưu cục ngoại dịch hay Bưu cục kiểm quan làm thủ tục chuyển hoàn bưu phẩm, bưu kiện đó kèm theo phiếu báo lý do không xuất được của Hải quan cho Bưu cục đã chấp nhận, để trả lời người gửi.
Người gửi phải trả cước hoàn theo quy định của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam như đã cam đoan khi ký gửi.
2.2- Tại bưu cục kiểm quan: Bưu phẩm, bưu kiện sau khi hoàn thành thủ tục hải quan được đóng vào túi, gói riêng gửi đến Bưu cục ngoại dịch cùng với chuyến thư có túi, gói trong nước. Sau khi Bưu điện đã niêm phong cổ túi, gói, nhân viên Hải quan phải niêm phong bằng cặp chì của mình cho từng túi, gói trước khi chuyển tới Bưu cục ngoại dịch
Tại Bưu cục ngoại dịch, khi nhận được túi gói của Bưu cục Kiểm quan gửi đến, nhân viên Bưu điện mở túi, góc để khai thác có sự chứng kiến của nhân viên hải quan. Các bưu phẩm, bưu kiện này không phải qua thủ tục kiểm tra hải quan nữa mà chuyển thẳng tới bộ phận đóng chuyển thư:
2.3- Đóng và giao túi thư đi nước ngoài tại các Bưu cục ngoại dịch.
a) Khi nhân viên bưu điện đóng túi gói cho chuyến thư đi nước ngoài, nhân viên hải quan phải giám sát từng bưu phẩm, bưu kiện được đóng vào túi, gói.
b) Khi giao chuyến thư đi, nhân viên hải quan giám sát từ lúc bắt đầu giao cho đến khi nhân viên bưu điện giao xong cho nhân viên đi áp tải chuyến thư ra cửa khẩu. Trường hợp vận chuyển bằng xe chuyên dùng hay bằng "Công-te-no", sau khi nhân viên bưu điện khoá, thì nhân viên hải quan chỉ tiến hành niêm phong cửa xe hay cửa "Công-te-nơ". Trường hợp vận chuyển túi, gói rời thì Hải quan chỉ tiến hành cử nhân viên cùng đi áp taỉ đến cửa khẩu.
2.4- Giao chuyến thư đi tại cửa khẩu.
a) Hải quan tại cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, ga xe lửa liên vận quốc tế chịu trách nhiệm giám sát việc giao túi, gói, công-te-nơ chứa bưu phẩm, bưu kiện gửi đi nước ngoài cho đến khi các túi, gói, công-te-nơ đó được đưa lên phương tiện chuyển để xuất.
b) Khi giao chuyến thư trong tình trạng xấu, như thừa, thiếu, túi, gói hoặc túi, gói bưu phẩm, bưu kiện bị rách, mất dấu niêm phong, thì túi, gói đó phải để lại ; nhân viên giao nhận túi, gói ở cửa khẩu xác nhận túi, gói thực giao trên phiếu giao nhận chuyến thư máy bay (AV7) hoặc phiếu giao nhận chuyến thư thuỷ bộ (C18) sau đó lập biên bản nghiệp vụ có sự chứng kiến của nhân viên hải quan.
B- BƯU PHẨM, BƯU KIỆN NHẬP KHẨU.
1- Giao nhận túi, gói bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu:
1.1- Tại cửa khẩu:
Hải quan tại các cửa khẩu có trách nhiệm giám sát việc giao nhân những túi, gói bưu phẩm, bưu kiện từ nước ngoài Việt Nam giữa Bưu điện với chủ phương tiện vận chuyển.
Khi nhận túi, gói bưu phẩm, bưu kiện hoặc "công-te-nơ" bị rách, ướt, thủng, vỡ, mất cặp chì... nhân viên bưu điện lập biên bản nghiệp vụ với cơ quan vận chuyển có nhân viên hải quan chứng kiến, xác nhận vào biên bản.
Trong trường hợp túi, gói bưu phẩm, bưu kiện bị mất niêm phong, bị rách, vỡ, vật phẩm, hàng hoá bên trong bị rơi vãi ra ngoài, nhân viên bưu điện lập ngay biên bản nghiệp vụ với sự chứng kiến và có chữ ký của nhân viên hải quan cửa khẩu. Biên bản phải được lập chi tiết từng túi, gói, bưu phẩm, bưu kiện ; nội dung ghi rõ tình trạng thực tế, khối lượng nguyên thuỷ từng túi, gói đó. Sau khi kiểm tra và lập biên bản xong, nhân viên Bưu điện gói bọc lại, có sự chứng kiến của nhân viên Hải quan và nhân viên Hải quan niêm phong để chuyển về Bưu cục ngoại dịch kèm theo biên bản đã lập (Biên bản được lập thành ba bản, một bản do Hải quan cửa khẩu giữ, một bản do Bưu điện giữ, một bản gửi kèm bưu phẩm, bưu kiện để phát cho người nhận (Biên bản ba liên được viết một lần qua giấy than).
1.2- Vận chuyển từ cửa khẩu về bưu cục ngoại dịch.
Khi vận chuyển túi, gói bưu phẩm, bưu kiện từ cửa khẩu về Bưu cục ngoại dịch, tuỳ theo từng loại phương tiện vận chuyển mà tiến hành thủ tục niêm phong. Việc niêm phong, giao nhận được thực hiện như sau:
- Trên các chứng từ giao, nhận, nhân viên bưu điện ghi rõ, ngày, giờ xuất phát.
- Khi vận chuyển bằng "công-te-nơ", xe thùng kín, nhân viên hải quan phải cặp chì niêm phong cửa xe, cửa "công-te-nơ".
- Trong trường hợp vận chuyển túi, gói rời, cơ quan Hải quan cử người cùng đi áp tải hoặc niêm phong từng túi, gói rời.
1.3- Giao nhận chuyển thư đến tại Bưu cục ngoại dịch.
a) Nhân viên Hải quan kiểm tra niêm phong trên các cửa xe chuyên dùng, cửa "công-te-nơ", túi... và cắt niêm phong. Toàn bộ dây, chì, xi niêm phong và các vật chứng khác (nếu có) được nhân viên bưu điện để riêng vào phong bì có ghi tóm tắt chuyến thư, số hiệu xe vận chuyển, số hiệu "công-te-nơ" số hiệu chuyển thư, ngày giờ giao nhận với nhân viên vận chuyển. Các vật chứng này chỉ được huỷ khi toàn bộ chuyến thư đã khai thác xong không có vấn đề gì bất thường xẩy ra. Nếu phải lập biên bản để xử lý thì các vật chứng đó được giữ lại theo Thể lệ bưu chính quốc tế.
Khi giao nhận chuyến thư đến, nhân viên hải quan có trách nhiệm giám sát từ khi chuyển thư đến cho đến lúc nhân viên đi áp tải giao xong chuyến tư cho Bưu cục ngoại dịch.
b) Sau khi giao nhận xong các túi bưu phẩm, bưu điện được đưa vào khai thác với sự giám sát của Hải quan. Nếu chưa có điều kiện khai thác ngay hoặc khai thác chưa xong, nhân viên bưu điện chuyển các túi, gói, bưu phẩm, bưu kiện rồi vào kho chờ khai thác và khoá kho, nhân viên hải quan niêm phong cửa kho. Khi mở kho làm việc, nhân viên hải quan cắt niêm phong, nhân viên bưu điện mở khoá.
c) Trong trường hợp giao, nhận, khai thác, có sự bất thường xảy ra, như túi, gói bị rạch, thiếu khối lượng mất niêm phong của bưu cục gốc... Nhân viên nhận chuyển thư lập biên bản nghiệp vụ với nhân viên áp tải, và gửi biên bản đó đến các bưu cục liên quan. Trong biên bản đã lập phải có xác nhận của nhân viên hải quan.
Biên bản phải được lập chi tiết từng túi, gói từng bưu phẩm, bưu kiện bị rách, thiếu khối lượng. Phải cân từng túi, gói, từng bưu phẩm, bưu kiện, ghi chi tiết chất lượng, tên từng chủng loại hàng hoá, vật phẩm trong từng bưu phẩm, bưu kiện. Biên bản lập phải kèm vật chứng để xác định trách nhiệm.
2- Túi gói chuyển tiếp.
Túi, gói bưu phẩm, bưu kiện chuyển tiếp tới Bưu cục ngoại dịch hay Bưu cục kiểm quan được xử lý như sau:
2.1- Túi, gói chuyển tiếp tới Bưu cục ngoại dịch hay Bưu cục kiểm quan trong nước.
Bưu điện quản lý túi, gói đó ở một kho riêng (hàng chưa làm thủ tục hải quan) có sự giám sát của Hải quan cho đến khi Bưu điện làm xong thủ tục chuyển đi.
2.2- Túi gói chuyển tiếp tới nước thứ ba (quá cảnh).
- Các túi, gói do Bưu điện Việt Nam làm trung gian chuyển tiếp được Bưu điện để vào kho riêng lưu giữ, bảo quản với sự giám sát của Hải quan trong thời gian lưu giữ ở Việt Nam cho tới khi giao nhận cho chủ phương tiện vận chuyển.
- Khi giao túi, gói của chuyến thư chuyển tiếp, nhân viên bưu điện kiểm tra nhãn túi, gói và tình trạng bên ngoài của túi, gói với sự giám sát của nhân viên hải quan.
- Nhân viên bưu điện và hải quan không được ghi bất kỳ ký hiệu, số thứ tự nào lên nhãn của túi hoặc gói của chuyến thư đóng thẳng chuyển tiếp.
2.3- Nếu phát hiện túi, gói chuyển tiếp trong tình trạng xấu (nghi ngờ nội dung bên trong không còn nguyên vẹn) thì nhân viên bưu điện phải kiểm tra nội dung và gói bọc lại có sự giám sát của nhân viên hải quan và nhân viên bưu điện lập phiếu kiểm (C14) gửi cho Bưu cục đóng chuyến thư, Bưu cục nhận chuyến thư và một bản lưu. C14 được lập thành ba bản, viết cùng một lần qua giấy than.
Bưu cục gói bọc lại phải giữ nguyên vỏ bọc cũ và ghi lên nhãn mới lập các chú dẫn của nhãn cũ, đồng thời đóng dấu ngày. Phía trước của dấu ngày phải ghi chữ "REEMBALLEA..." (gói bọc lại tại bưu cục...)
3- Việc kiểm tra hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu:
3.1- Mở túi, gói, bưu phẩm, bưu kiện.
Khi mở túi, gói bưu phẩm, bưu kiện để khai thác, nhân viên hải quan cùng nhân viên bưu điện kiểm tra lại dấu niêm phong, khối lượng, tình trạng từng túi, gói. Nhân viên bưu điện cắt dây niêm phong cổ túi (việc giữ tang vật niêm phong cổ túi theo như điểm a, khoản 1,3, phần B). Sau đó phân loại bưu phẩm, bưu kiện để nhân viên hải quan kiểm tra.
Túi, gói bưu phẩm, bưu kiện, và bưu phẩm, bưu kiện rời chưa kiểm tra hải quan sau ca, sau ngày làm việc, nhân viên bưu điện cho vào kho dành cho bưu phẩm, bưu kiện chưa làm thủ tục hải quan để bưu điện lưu giữ, bảo quản có sự giám sát của hải quan.
3.2- Kiểm tra hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện vắng mặt người nhận.
3.2.1- Quy định chung về phát bưu phẩm, bưu kiện:
- Bưu kiện thay mặt chủ hàng làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu. Trong trường hợp cần thiết, bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu có thể kiểm tra hải quan trước mặt người nhận với sự chứng kiến của Bưu điện.
- Bưu điện chỉ phát cho người nhận những bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan.
- Tất cả các bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan do Bưu điện quản lý và tổ chức phát đến người nhận như đối với bưu phẩm, bưu kiện gửi trong nước.
3.2.2- Tổ chức kiểm tra hải quan bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu.
A- KIỂM NGUYÊN ĐAI, NGUYÊN KIỆN:
Nhân viên bưu điện trình bưu phẩm, bưu kiện để nhân viên hải quan kiểm tra. Kiểm tra xong, nhân viên hải quan đóng dấu "
ĐÃ HOÀN THÀNH THỦ TỤC HẢI QUAN" vào vỏ bọc bưu phẩm, bưu kiện và các chứng từ kèm theo, sau đó giao lại bưu phẩm, bưu kiện cho nhân viên bưu điện.Bưu điện quản lý và tổ chức phát bưu phẩm, bưu kiện đến người nhận.
B- MỞ GÓI BƯU PHẨM, BƯU KIỆN ĐỂ KIỂM TRA HẢI QUAN:
Trước khi mở từng bưu phẩm, bưu kiện để xuất trình nhân viên Hải quan kiểm tra, nhân viên bưu điện cân lại khối lượng của bưu phẩm, bưu kiện. Căn cứ kết quả kiểm tra hải quan, nhân viên bưu điện ghi chi tiết số lượng, khối lượng, tên từng vật phẩm, hàng hoá vào hai tờ khai hải quan. Sau đó nhân viên hải quan và nhân viên bưu điện cùng ký và ghi rõ họ tên trên cả hai tờ khai hải quan. Tờ khai hải quan được viết một lần hai liên qua giấy than (một tờ do Hải quan giữ, một tờ được gửi kèm theo bưu phẩm, bưu kiện để phát tới người nhận).
Trong khi kiểm tra hải quan, nếu có vật phẩm, hàng hoá cần phải kiểm tra kỹ lưỡng bằng phương pháp kỹ thuật, nhân viên Hải quan lấy riêng ra, khi xem xét cụ thể phải có nhân viên Bưu điện cùng tham gia. Kiểm tra xong, vật phẩm, hàng hoá đó được để vào trong túi cùng với vật phẩm hàng hoá khác của gói đó.
Nếu là hàng hoá phải nộp thuế và lệ phí hải quan, nhân viên Hải quan tính thuế và lập giấy báo thuế gửi kèm bưu phẩm, bưu kiện.
Làm xong thủ tục hải quan, nhân viên bưu điện gói bọc, cân lại và ghi khối lượng tới đơn vị gam (g) vào vỏ bọc bưu phẩm, bưu kiện và các giấy tờ kèm theo có sự giám sát của nhân viên hải quan, nhân viên hải quan niêm phong lên các mép vỏ bọc, dây buộc và đóng dấu "
ĐÃ LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN" vào vỏ bọc bưu phẩm, bưu kiện và các giấy tờ liên quan ; nếu là bưu phẩm, bưu kiện phải nộp thuế, thì đóng dấu "HÀNG CÓ THUẾ" vào vỏ bọc và các giấy tờ kèm theo (dấu được dùng bằng mực đỏ).
C- GIẢI QUYẾT CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT KHI KIỂM TRA HẢI QUAN VÀ PHÁT BƯU PHẨM, BƯU KIỆN NHẬP KHẨU.
1- Bưu phẩm, bưu kiện có thuế và lệ phí hải quan.
1.1- Tại các bưu cục có tổ chức hải quan.
Việc thu thuế và lệ phí hải quan do nhân viên hải quan thực hiện. Khi phát bưu phẩm, bưu kiện có thuế nhân viên bưu điện làm thủ tục phát với người nhận, sau đó chuyển bưu phẩm, bưu kiện có thuế sang bộ phận Hải quan để người nhận nộp thuế.
1.2- Tại các bưu cục không có tổ chức hải quan.
Nhân viên bưu điện chỉ phát bưu phẩm, bưu kiện cho người nhận sau khi đã thu đủ thuế, lệ phí hải quan và các khoản thu của bưu điện. Bưu điện nơi thu thuế được hưởng tỷ lệ hoa hồng 3% trong tổng số tiền thuế và lệ phí Hải quan đã thu. Số tiền còn lại được chuyển trả về Hải quan bưu điện đã tính thuế bằng thư chuyển tiền có cước. Giấy báo thu thuế được tính cùng với thư chuyển tiền để gửi trả Hải quan bưu điện. Việc chuyển trả tiền thuế và lệ phí hải quan không được để chậm quá ba ngày, kể từ ngày thu.
2- Xử lý bưu phẩm, bưu kiện có hàng hoá cấm nhập.
2.1- Khi kiểm tra hải quan, nếu phát hiện toàn bộ vật phẩm, hàng hoá trong bưu phẩm, bưu kiện, là hàng nhập trái phép, Hải quan phải lập biên bản vi phạm tạm giữ hàng và tang vật vi phạm để chờ xử lý, đồng thời cùng với bưu điện lập biên bản (C14) ghi rõ lý do tạm giữ, tên vật phẩm, hàng hoá tạm giữ. Biên bản vi phạm và biên bản (C14) đều lập thành 3 bản, viết cùng một lần qua giấy than. Biên bản vi phạm có chữ ký của nhân viên hải quan và nhân viên bưu điện (1 bản kèm bưu phẩm, bưu kiện ; 1 bản bưu điện giữ ; 1 bản hải quan lưu).
2.2- Trong trường hợp bưu phẩm, bưu kiện chỉ có một phần là hàng nhập trái phép, Hải quan phải lập biên bản vi phạm tạm giữ phần hàng đó và tang vật vi phạm để lại chờ xử lý và cùng bưu điện lập biên bản (C14) ghi chi tiết nội dung vật phẩm, hàng hoá tạm giữ như điểm 2.1. trên và ghi chi tiết nội dung, vật phẩm hàng hoá còn lại để phát cho người nhận.
2.3- Vật phẩm, hàng hoá mà Hải quan tạm giữ để chờ xử lý, khi mang ra khỏi khu vực bưu điện phải xuất trình biên bản vi phạm cùng vật phẩm, hàng hoá cho cán bộ bảo vệ của cơ quan bưu điện đối chiếu số hàng mang ra với biên bản và ghi chú vào mặt sau biên bản "Hàng xuất ra ngày, tháng, năm" rồi ký và ghi rõ họ tên.
2.4- Bưu phẩm, bưu kiện hoặc vật phẩm, hàng hoá do Hải quan tạm giữ, chậm nhất sau 15 ngày kể từ ngày tạm giữ, Hải quan phải thông báo kết quả xử lý cho bưu điện.
Nếu bưu phẩm, bưu kiện phải xử lý tịch thu một phần hay toàn bộ vật phẩm hàng hoá đựng trong bưu phẩm, bưu kiện thì Hải quan đều phải giao cho Bưu điện hai bản Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (quyết định tịch thu một phần hay tịch thu toàn bộ bưu phẩm, bưu kiện) theo quy định của pháp luật (một bản Bưu điện lưu, một bản Bưu điện gửi cho người gửi hoặc người nhận).
Trường hợp bưu phẩm, bưu kiện chứa vật phẩm, hàng hoá cấm xuất hay cấm nhập, gây nguy hại cho nền an ninh, kinh tế, chính trị mà Hải quan ra quyết định khởi tố hình sự theo quy định của pháp luật thì phải giao cho Bưu điện hai bản quyết định khởi tố hình sự (một bản Bưu điện lưu, một bản Bưu điện gửi cho người gửi hoặc người nhận).
Nếu bưu phẩm, bưu kiện được trả lại cho người có quyền hưởng một phần hay toàn bộ vật phẩm, hàng hoá đựng trong bưu phẩm, bưu kiện thì Hải quan phải gửi quyết định trả lại kèm theo vật phẩm, hàng hoá đã tạm giữ cho Bưu điện và thu hồi lại biên bản đã lập, đồng thời phải bổ sung vào tờ khai hải quan một phần hay toàn bộ vật phẩm, hàng hoá, được trả lại đó. Nhân viên bưu điện phải đối chiếu vật phẩm, hàng hoá trả lại với tờ khai hải quan. Sau đó nhân viên Bưu điện và nhân viên Hải quan làm thủ tục nhập kho, bưu phẩm, bưu kiện đó được chuyển phát tới người nhận theo quy định.
3- Bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận.
3.1- Tại các cơ sở bưu điện khác (kể cả Bưu điện có kiểm quan), bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận, chỉ lưu giữ tại bưu cục trong thời gian 30 ngày kể từ sau ngày mời lần thứ 1. Sau 30 ngày, phải chuyển các bưu phẩm, bưu kiện về bưu cục ngoại dịch đã chuyển bưu phẩm, bưu kiện đến để xử lý theo Thể lệ bưu chính Thế giới (công ty Bưu chính liên tỉnh và quốc tế khu vực I, khu vực II).
3.2- Tại bưu cục ngoại dịch, những bưu phẩm, bưu kiện không phát được cho người nhận, quá thời hạn lưu giữ 60 ngày Bưu điện phải làm thủ tục chuyển hoàn nước gốc để phát hoàn cho ngươì gửi. Trong trường hợp này, Bưu điện làm thủ tục tái xuất với Hải quan.
Bưu điện hoàn lại Hải quan các giấy tờ liên quan khi nhập bưu phẩm, bưu kiện đó (nếu có).
3.3- Những bưu phẩm, bưu kiện mà người gửi không có yêu cầu gì, không phát được cho người nhận và cũng không hoàn lại được nước gốc ; những vật phẩm, hàng hoá bị rơi vãi mà không xác định được chủ hàng đều được coi như bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận.
3.4- Những bưu phẩm, bưu kiện bị mất một phần nội dung do lỗi của Bưu điện gây nên, ngành Bưu điện đã bồi thường đầy đủ theo quy định của Pháp luật, thì số vật phẩm, hàng hoá còn lại thuộc quyền xử lý của Bưu điện.
4- Bưu phẩm, bưu kiện có vật chất, hàng hoá chịu sự quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành (văn hoá, y tế, kiểm dịch...)
Khi làm thủ tục kiểm tra, nếu thấy vật phẩm hàng hoá trong bưu phẩm, bưu kiện chịu sự quản lý của cơ quan quản lý chuyên ngành thì Hải quan Bưu điện xử lý theo các quy định tại các văn bản liên ngành giữa Bưu điện với các cơ quan quản lý chuyên ngành đó.
III- MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA HAI CƠ QUAN
1- Tổ chức sản xuất
1.1-
Ở các Bưu cục ngoại dịch và bưu cục có kiểm quan, Giám đốc Bưu điện và Giám đốc Hải quan tỉnh, thành phố, đặc khu được sự uỷ quyền của Bộ giao thông vận tải và Bưu điện và của Tổng cục Hải quan cùng ký kết hợp đồng về mối quan hệ phối hợp, trách nhiệm của hai bên và cam kết thực hiện hợp đồng đó về các mặt: bố trí nhân lực để giải quyết lưu thoát bưu phẩm, bưu kiện, ổn định hàng ngày (bao gồm đối với bộ phận tiếp dân, bộ phận khai thác ; ở các bưu cục ngoại dịch khi nhận chuyến thư đến ngoài giờ làm việc hoặc chuyển thư đột xuất và các trường hợp có công việc đột xuất khác...)1.2- Tại nơi làm việc chung của Hải quan và Bưu điện phải có bản nội quy làm việc. Trong bản nội quy cần nêu rõ: kỷ luật làm việc, quan hệ giữa hai ngành, thái độ phục vụ nhân dân.
Bản nội dung phải được hai bên nhất trí và niêm yết tại nơi làm việc để nhân viên của hai đơn vị cùng thực hiện.
Từng thời gian, hai bên tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện. Thông tư này, có sự tham gia của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan).
2- Quản lý kho chứa túi, gói bưu phẩm, bưu kiện:
2.1- Đối với túi, gói bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, Hải quan phải giám sát cho đến khi các túi, gói, bưu phẩm, bưu kiện rời đó giao xong cho chủ phương tiện vận chuyển. Túi, gói, bưu phẩm, bưu kiện rời nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan do Bưu điện chịu trách nhiệm quản lý phát tới người nhận.
2.2- Hải quan chỉ giám sát các kho chứa túi, gói bưu phẩm, bưu kiện rời nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan.
Ở các bưu cục có Hải quan mà bưu phẩm, bưu kiện do Bưu điện đã làm xong thủ tục phát cho người nhận nhưng người nhận chưa làm xong thủ tục hải quan mà Hải quan yêu cầu tạm giữ lại thì các bưu phẩm, bưu kiện này do nhân viên Hải quan quản lý chịu trách nhiệm với người nhận.2.3- Chế độ kiểm tra:
Trường hợp cần kiểm tra kho, thì Trưởng đơn vị mỗi bên phải báo trước để có sự phối hợp của cả hai bên.
Khi kiểm tra, hai bên phải lập biên bản, có đầy đủ chữ ký, họ tên, chức vụ của những người tham gia kiểm tra.
3- Trách nhiệm vật chất đối với người sử dụng bưu điện:
3.1- Trong khi kiểm tra hoặc tạm giữ vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của khách hàng để xử lý, nếu nhân viên hải quan làm hư hỏng, mất thì nhân viên hải quan phải chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật hải quan.
3.2- Đối với bưu phẩm, bưu kiện có thuế suất sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng bị mất do lỗi của Bưu điện (trừ trường hợp bất khả kháng) thì Bưu điện phải chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật bưu điện.
IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
1- Căn cứ nội dung Thông tư này, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải và Bưu điện) và Cục Giám quản (Tổng cục Hải quan) tập huấn hướng dẫn các cơ sở trực thuộc thực hiện.
2- Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 2 năm 1991 và thay thế thông tư liên bộ Ngoại thương - Tổng cục Bưu điện số 08/TTLB-NGT-TCBĐ ngày 17 tháng 6 năm 1981.