Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 14/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC

Bùi Hồng Lĩnh
Toàn quốc
Công báo số 277 & 278/2009;
Thông tư liên tịch 14/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC
Thông tư liên tịch
02/07/2009
18/05/2009

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ

Thứ trưởng
2.009
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ

_________________________

Căn cứ Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định về tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ;

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn việc tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ (gọi chung là chương trình ghi công liệt sĩ) như sau:

Mục I

TÌM KIẾM VÀ QUI TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ

Điều 1. Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

1. Địa phương, cơ quan, đơn vị theo sự phân công địa bàn tìm kiếm qui tập hài cốt liệt sĩ quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 3 Chương II Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ rà soát các tài liệu liên quan đến mộ liệt sĩ để tổ chức việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hoặc bàn giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, kết luận việc tìm kiếm và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết quả thực hiện trên địa bàn.

2. Tổ chức, cá nhân biết thông tin mộ liệt sĩ có trách nhiệm báo đến cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan quân sự địa phương để tổ chức tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ. Đối với những phần mộ do nhân dân phát hiện mà chưa rõ nguồn gốc thì cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với cơ quan Quân sự, Công an địa phương xác minh, kết luận và tiến hành qui tập nếu là hài cốt liệt sĩ.

Điều 2. Qui tập hài cốt liệt sĩ

1. Cơ quan, đơn vị qui tập hài cốt liệt sĩ phải vẽ sơ đồ vị trí nơi phát hiện ra mộ, lập biên bản hài cốt và di vật (nếu có) để bàn giao cho địa phương nơi an táng mộ liệt sĩ.

2. Việc bàn giao hài cốt liệt sĩ sau khi qui tập cụ thể như sau:

a) Đối với hài cốt liệt sĩ xác định được tên, quê quán:

- Nếu liệt sĩ còn thân nhân thì cơ quan, đơn vị qui tập bàn giao hài cốt liệt sĩ cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ để làm thủ tục an táng theo quy định.

- Nếu liệt sĩ không còn thân nhân thì cơ quan, đơn vị qui tập bàn giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi quê quán của liệt sĩ để an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.

b) Đối với hài cốt liệt sĩ chưa xác định được quê quán thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi qui tập đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.

c) Đối với hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện chưa xác định được quê quán thì đơn vị qui tập bàn giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được giao đón nhận để an táng trong nghĩa trang liệt sĩ.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi an táng hài cốt liệt sĩ tiếp nhận những giấy tờ được lập khi qui tập mộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Mục I Thông tư này và ghi vị trí an táng trong nghĩa trang liệt sĩ (số mộ, hàng mộ, lô mộ, khu mộ) vào sổ, lưu giữ hồ sơ tài liệu về mộ liệt sĩ.

3. Đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ.

a) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện.

b) Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ qui tập trong nước.

c) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tổ chức lễ đón nhận và an táng hài cốt liệt sĩ đã được qui tập trong nghĩa trang liệt sĩ, nay thân nhân liệt sĩ di chuyển về quê hương. Đối với cấp xã không có nghĩa trang liệt sĩ thì phối hợp với các ngành chức năng cùng tổ chức đón nhận và an táng vào nghĩa trang liệt sĩ do cấp huyện hoặc cấp tỉnh quản lý.

Mục II

XÂY DỰNG, SỬA CHỮA VÀ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 3. Xây dựng, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ

1. Nghĩa trang liệt sĩ chỉ an táng các hài cốt liệt sĩ. Nghĩa trang phải được thường xuyên chăm sóc, tu bổ, nâng cấp, đảm bảo tôn nghiêm, sạch, đẹp.

2. Mộ liệt sĩ:

a) Mộ trong cùng một nghĩa trang liệt sĩ phải được xây dựng thống nhất về kích thước, quy cách.

b) Khoảng cách giữa các mộ, lô mộ, hàng mộ phải thông thoáng, thuận tiện cho việc thăm viếng và chăm sóc, phù hợp với phong tục tập quán từng địa phương.

c) Bia mộ liệt sĩ gồm các nội dung sau:

LIỆT SĨ

Họ và tên …

Sinh ngày, tháng, năm …

Nguyên quán (xã, huyện, tỉnh) …

Cấp bậc, chức vụ …

Đơn vị …

Hy sinh ngày, tháng, năm ...

Đối với những mộ liệt sĩ chưa có đủ các thông tin trên thì chỉ ghi thông tin đã rõ vào dòng tương ứng.

d) Khi sửa chữa, cải tạo, nâng cấp mộ liệt sĩ phải thực hiện theo quy định tại Tiết a, b, c Khoản 2 Điều 3 Mục II Thông tư này.

đ) Vỏ mộ liệt sĩ được xây dựng bằng vật liệu bền, đẹp, đảm bảo việc gìn giữ lâu dài. Những vỏ mộ, bia liệt sĩ bị hư hỏng cần sửa chữa ngay, hàng năm phải có kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp bia, mộ.

e) Không xây mộ không có hài cốt (mộ vọng, mộ tương trưng …) trong nghĩa trang liệt sĩ. Trường hợp các địa phương đã xây mộ vọng thì khi lập danh sách mộ phải ghi rõ là “mộ không có hài cốt”.

3. Đối với cấp huyện không có nghĩa trang liệt sĩ thì xây đài tưởng niệm hoặc nhà bia ghi tên liệt sĩ.

4. Đối với cấp xã mới thành lập, không có nghĩa trang liệt sĩ thì xây nhà bia ghi tên liệt sĩ.

5. Việc xây dựng công trình ghi công liệt sĩ phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; phong tục, tập quán và quy hoạch của địa phương.

Điều 4. Quản lý, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ

1. Cơ quan quản lý nghĩa trang liệt sĩ phải lập sơ đồ vị trí mộ, hồ sơ từng phần mộ, lập 02 danh sách mộ gồm 01 danh sách được lưu giữ tại nhà quản trang (hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với nơi không có nhà quản trang) và 01 danh sách được lưu giữ tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Cấp huyện tổng hợp danh sách mộ, nghĩa trang của cấp xã, kể cả nghĩa trang cấp huyện quản lý và lập thành 02 danh sách gồm 01 danh sách được lưu giữ tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và 01 danh sách báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lập, quản lý hồ sơ về mộ, nghĩa trang liệt sĩ tại địa phương, đồng thời báo cáo danh sách mộ trong nghĩa trang, mộ do gia đình quản lý và thông tin nghĩa trang về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để theo dõi và thống nhất quản lý.

2. Những mộ liệt sĩ đã di chuyển hài cốt thì phải sửa chữa lại vỏ mộ, trong danh sách quản lý mộ phải ghi rõ: hài cốt liệt sĩ đã di chuyển về quê quán. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi bàn giao hài cốt phải lưu giữ: giấy đề nghị di chuyển hài cốt liệt sĩ trong nghĩa trang và biên bản bàn giao hài cốt cho thân nhân liệt sĩ.

3. Các công trình ghi công liệt sĩ phải được chăm sóc, bảo quản, tu bổ giữ gìn. Đối với những công trình có quy mô lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần ban hành quy chế quản lý để công trình luôn phát huy hiệu quả là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.

Các công trình ghi công liệt sĩ bị xuống cấp do thời gian, thời tiết, lũ lụt phải được lập kế hoạch để tu sửa, nâng cấp, đảm bảo việc giữ gìn lâu dài.

4. Các công trình ghi công liệt sĩ phải được trông coi, chăm sóc; chế độ đối với người trông coi, chăm sóc do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quản lý công trình ghi công liệt sĩ quy định.

Mục III

KINH PHÍ ĐẢM BẢO XÂY DỰNG, TU BỔ, SỬA CHỮA VÀ QUẢN LÝ CÁC CÔNG TRÌNH GHI CÔNG LIỆT SĨ

Điều 5. Các nội dung chi do ngân sách Trung ương đảm bảo

1. Chi khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sĩ trong nước theo Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm các khoản sau:

a) Chi bồi dưỡng người đưa, dẫn đường mức 100.000 đồng/người/ngày.

b) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm mộ mức 100.000 đồng/người/ngày.

c) Chi tiền phương tiện đi lại, chuyên chở.

d) Chi mua sắm hoặc thuê công cụ phục vụ cho việc tìm kiếm, khảo sát, đào bới.

đ) Chi mua thuốc chữa bệnh thông thường và thuốc sốt rét.

Các khoản chi tại Tiết c, d, đ trên đây tính theo chi phí thực tế.

2. Chi thu thập, xử lý thông tin mộ liệt sĩ

3. Chi qui tập mộ

a) Mức chi qui tập mộ liệt sĩ để mua tiểu, vải, cồn, hương và nhân công … là 500.000 đồng/mộ

b) Trong trường hợp đặc biệt, khi qui tập phải sử dụng lực lượng lớn, tốn kém, điều kiện qui tập khó khăn chi vượt mức nêu trên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định mức chi thực tế. Phần kinh phí vượt định mức quy định do ngân sách địa phương đảm bảo.

4. Chi xây vỏ mộ (cả bia), nền, đường đi giữa các mộ (không bao gồm sân, vườn, đường nội bộ trong nghĩa trang); mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/mộ.

5. Chi đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ nơi có chiến tích lịch sử tiêu biểu, khu căn cứ địa cách mạng được cơ quan có thẩm quyền công nhận; nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung theo dự án đầu tư đã duyệt và các quy định hiện hành.

6. Chi hỗ trợ địa phương xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ từ nguồn vốn sự nghiệp ưu đãi người có công với cách mạng hàng năm theo nguyên tắc:

a) Chi hỗ trợ địa phương xây dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, huyện cho các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, hải đảo, các tỉnh ngân sách khó khăn (ưu tiên cho các địa phương mới chia tách theo đơn vị hành chính, địa phương có các nghĩa trang liệt sĩ bị xuống cấp do thiên tai, lũ lụt), cụ thể như sau:

- Các địa phương ngân sách Trung ương phải bổ sung cân đối trên 50% chi cân đối ngân sách địa phương, mức hỗ trợ tối đa 80% tổng số vốn công trình.

- Các địa phương ngân sách Trung ương phải bổ sung cân đối còn lại, mức hỗ trợ tối đa 50% tổng số vốn công trình.

Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/công trình xây dựng mới và 2 tỷ đồng/công trình cải tạo, nâng cấp thuộc cấp tỉnh; 2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới và 1 tỷ đồng/công trình cải tạo, nâng cấp thuộc cấp huyện; 0,2 tỷ đồng/công trình xây dựng mới và 0,1 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp thuộc cấp xã.

- Các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu về ngân sách Trung ương, vốn thực hiện các công trình nay do ngân sách địa phương đảm bảo.

b) Chi hỗ trợ các địa phương xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ ở những huyện không có nghĩa trang liệt sĩ. Mức hỗ trợ tối đa 70% tổng số vốn công trình nhưng không quá 2 tỷ đồng/công trình.

c) Chi hỗ trợ các địa phương xây dựng bia ghi tên liệt sĩ ở các xã biên giới, hải đảo, căn cứ địa cách mạng hoặc những huyện không có nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ. Mức hỗ trợ tối đa 70% tổng vốn công trình nhưng không quá 0,5 tỷ đồng/công trình bia ghi tên liệt sĩ cấp huyện; 0,1 tỷ đồng/công trình bia ghi tên liệt sĩ cấp xã.

Căn cứ vào nguồn hỗ trợ của ngân sách Trung ương và cân đối của ngân sách địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho các công trình.

d) Hàng năm, trên cơ sở dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền thông báo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập phương án phân bổ cụ thể, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương duyệt, thông báo cho các cơ quan đơn vị thực hiện; đồng thời gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để báo cáo.

Điều 6. Các nội dung chi do ngân sách địa phương đảm bảo

1. Ngân sách địa phương bố trí và huy động các nguồn hợp pháp khác để bảo đảm phần vốn còn lại của các công trình ghi công liệt sĩ được ngân sách Trung ương hỗ trợ và vốn xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 16/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ.

2. Chi quản lý, giữ gìn, chăm sóc, trông coi các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.

3. Tổ chức lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ, mức chi cụ thể do địa phương căn cứ vào cấp tổ chức để bố trí ngân sách.

4. Ngân sách địa phương chi trong trong trường hợp địa phương quyết định mức chi cao hơn mức chi quy định tại Điều 5 Mục III Thông tư này.

Mục IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, kết luận việc tìm kiếm, qui tập hài cốt liệt sĩ theo thẩm quyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý những sai phạm trong công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ.

2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc quản lý, tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ và phối hợp với các tổ chức, cá nhân vận động, huy động mọi nguồn lực tham gia tu bổ, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ.

3. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, các địa phương kịp thời phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=12049&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận