THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự
__________________________________________
Căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Tổ chức Toà án nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự,
Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự như sau:
Chương I
THỦ TỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Điều 1. Kiến nghị đối với bản án, quyết định của Toà án
1. Trường hợp phát hiện phần quyết định của bản án, quyết định của Toà án có những điểm chưa rõ gây khó khăn cho việc thi hành án hoặc phát hiện lỗi chính tả, số liệu sai sót do nhầm lẫn hoặc tính toán sai thì cơ quan thi hành án có quyền yêu cầu bằng văn bản gửi Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót. Toà án được yêu cầu có trách nhiệm trả lời về những vấn đề được nêu trong văn bản yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.
Việc giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc sai sót về số liệu được thực hiện theo quy định tại Điều 240, Điều 382 Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 179 Luật Thi hành án dân sự. Văn bản trả lời của Toà án là căn cứ để cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án, quyết định thu hồi hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành. Quyết định thi hành án mới phải được ban hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản và cần có nội dung tiếp tục duy trì kết quả thi hành án nếu quá trình tổ chức thi hành án trước đó không có sai sót về trình tự, thủ tục thi hành án.
2. Trường hợp phát hiện có căn cứ để xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án được thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án nơi đang tổ chức thi hành vụ việc có trách nhiệm kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án, quyết định đó. Trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị, người có thẩm quyền phải trả lời kiến nghị.
3. Đối với những trường hợp đã có văn bản kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định mà không nhận được văn bản trả lời khi đã hết thời hạn quy định tại Khoản 3 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự hoặc tuy chưa hết thời hạn mà nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc không có cơ sở chấp nhận đơn khiếu nại của đương sự, không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án thông báo cho Chánh án, Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền về việc không nhận được văn bản trả lời của người có thẩm quyền.
Điều 2. Ra quyết định thi hành án
1. Trường hợp nhận được nhiều đơn yêu cầu thi hành án liên quan đến một bản án, quyết định vào cùng một thời điểm thì tuỳ thuộc vào nội dung của bản án, quyết định của Toà án, số đơn và thời điểm nhận được đơn yêu cầu thi hành án, phạm vi yêu cầu thi hành án, thời hạn ra quyết định thi hành án để thực hiện việc ra một hay nhiều quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.
Trường hợp có nhiều người phải thực hiện nghĩa vụ liên đới thì nếu người được thi hành án yêu cầu một hoặc một số người trong những người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ liên đới thi hành toàn bộ nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án đối với người đó.
2. Trường hợp đương sự là người chưa thành niên, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc đương sự là pháp nhân thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của đương sự.
Trường hợp đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người giám hộ.
Trường hợp đương sự có uỷ quyền cho người khác yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của người được uỷ quyền.
3. Đối với bản án, quyết định của Toà hành chính, cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý và ra quyết định thi hành án đối với phần nghĩa vụ về tài sản như án phí, bồi thường thiệt hại, trả lại tài sản, giao lại đất đai được tuyên cụ thể trong bản án, quyết định của Toà án. Những nội dung khác của bản án, quyết định như tuyên bác đơn kiện, giữ nguyên quyết định hành chính hoặc huỷ quyết định hành chính, không tuyên rõ các quyền và nghĩa vụ cụ thể về các khoản tài sản nêu trên thì do cơ quan hành chính có thẩm quyền thi hành.
4. Đối với các bản án, quyết định có tuyên tổng hợp hình phạt tiền trong đó có khoản tiền đã được giải quyết tại bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và đang được tổ chức thi hành, thì cơ quan thi hành án không ra quyết định thi hành án mà có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định có tuyên tổng hợp hình phạt tiền.
Khi có bản án, quyết định của Toà án chấp nhận yêu cầu của đương sự về thay đổi mức cấp dưỡng, người cấp dưỡng mà vụ việc đang được cơ quan thi hành án tổ chức thi hành thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án đã ban hành và ra quyết định thi hành án theo bản án, quyết định mới. Việc thay đổi mức cấp dưỡng được thực hiện bắt đầu từ thời điểm được xác định tại bản án, quyết định mới của Tòa án mới, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
5. Trong trường hợp bản án, quyết định đã được thi hành một phần hoặc toàn bộ mà có kháng nghị thì cơ quan thi hành án có trách nhiệm thông báo ngay cho người đã kháng nghị biết kết quả đã thi hành. Toà án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm có trách nhiệm gửi thông báo về kết quả thi hành án nói trên cho cơ quan được giao điều tra lại hoặc Toà án được giao xét xử lại. Khi xét xử lại và quyết định về quyền lợi, nghĩa vụ của đương sự, Toà án có trách nhiệm xem xét kết quả thi hành án đã được báo cáo để tính toán, đối trừ phù hợp với kết quả thi hành án và nghĩa vụ, quyền lợi của các bên đương sự. Khi bản án, quyết định mới của Toà án được đưa ra thi hành thì cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án theo quy định của pháp luật. Trường hợp phần đã thi hành cho người được thi hành án vượt quá so với bản án, quyết định mới thì cơ quan thi hành án có quyền buộc người đó giao trả lại cho cơ quan thi hành án để tổ chức thi hành theo bản án, quyết định mới. Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật.
Điều 3. Thông báo về thi hành án
1. Trường hợp do đường sá xa xôi, giao thông không thuận tiện, người được thông báo có nhiều địa chỉ liên lạc, nơi ở không cố định, thường vắng mặt ở nhà vào giờ hành chính, đương sự đang bị giam, tạm giam và các trường hợp khác mà việc thông báo trực tiếp có khó khăn thì việc thông báo được thực hiện qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm.
2. Trường hợp thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác theo yêu cầu của người được nhận thông báo thì Chấp hành viên phải lưu vào hồ sơ thi hành án văn bản thể hiện yêu cầu, văn bản cần thông báo và văn bản thể hiện kết quả thông báo như bức điện tín, thư điện tử, báo cáo bản fax đã được gửi.
3. Thông báo đối với người đang bị giam, tạm giam được thực hiện theo địa chỉ nơi người đó đang bị giam, tạm giam. Giám thị trại giam, tạm giam có trách nhiệm giao văn bản thông báo cho người được thông báo.
4. Trường hợp có uỷ quyền thì việc thông báo các văn bản về thi hành án được thực hiện đối với người được uỷ quyền.
5. Trường hợp giao thông báo qua người khác thì người thông báo phải lập biên bản ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ của người nhận thay; ngày, giờ nhận thay; quan hệ giữa họ với người được thông báo (nếu có); cam kết giao tận tay hoặc thông báo ngay cho người được thông báo. Biên bản có chữ ký của người nhận và người giao thông báo.
6. Nếu người được nhận thông báo từ chối hoặc cố tình không nhận thông báo thì người thông báo lập biên bản về việc từ chối và nêu rõ lý do có xác nhận của người làm chứng. Người được thông báo được coi là đã được thông báo hợp lệ.
7. Việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được thông báo cư trú hoặc cư trú cuối cùng và tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo. Việc xác định nơi cư trú được thực hiện theo pháp luật về cư trú.
Trường hợp niêm yết để bán đấu giá tài sản thì nơi niêm yết thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá.
Điều 4. Xác minh điều kiện thi hành án
1. Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản cần căn cứ vào hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản; thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản.
2. Đối với trường hợp đình chỉ thi hành án do người được thi hành án chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thi hành án. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ lợi ích của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ thi hành án.
Điều 5. Thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới
1. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới không xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì cơ quan thi hành án yêu cầu một hoặc một số người có điều kiện thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới.
2. Trường hợp bản án, quyết định của Toà án mà theo đó nghĩa vụ liên đới xác định rõ phần của từng người và họ đều có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ của mình.
3. Nếu người có nghĩa vụ liên đới không có điều kiện thi hành án, thì cơ quan thi hành án yêu cầu những người có điều kiện thi hành án thực hiện thay phần nghĩa vụ của người đó. Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định tại Điều 298 của Bộ luật Dân sự.
Điều 6. Kê biên, xử lý tài sản để thi hành án
1. Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.
Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án.
2. Thủ tục giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án thuộc thẩm quyền của Toà án theo khoản 4 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản theo quy định của pháp luật, trường hợp có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án chỉ xử lý tài sản khi có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
3. Đối với tài sản đã được cầm cố, thế chấp hợp pháp mà có giá trị bằng hoặc nhỏ hơn nghĩa vụ phải thanh toán theo hợp đồng cầm cố, thế chấp thì Chấp hành viên phải thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết nghĩa vụ của người phải thi hành án; yêu cầu người nhận cầm cố, thế chấp thông báo để cơ quan thi hành án kê biên tài sản đã cầm cố, thế chấp khi người vay thanh toán hợp đồng đã ký hoặc để kê biên phần tiền, tài sản còn lại (nếu có) sau khi tài sản bị bên nhận cầm cố, thế chấp xử lý để thanh toán hợp đồng đã ký.
4. Trường hợp người phải thi hành án đề nghị kê biên tài sản cụ thể trong số nhiều tài sản mà việc đề nghị không gây trở ngại cho việc thi hành án và tài sản đó đủ để thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên lập biên bản giải thích cho đương sự về việc phải chịu mọi chi phí liên quan đối với việc xử lý tài sản đó và tiến hành kê biên tài sản để thi hành án. Đương sự không bị hạn chế quyền thực hiện giao dịch đối với các tài sản khác còn lại.
Trường hợp tài sản mà người phải thi hành án đề nghị kê biên không đủ để thi hành các nghĩa vụ thi hành án và các chi phí liên quan thì Chấp hành viên phải yêu cầu người phải thi hành án không được thực hiện giao dịch đối với những tài sản khác còn lại.
5. Cơ quan thi hành án chỉ kê biên tài sản khác của doanh nghiệp phải thi hành án nếu sau khi đã khấu trừ số dư (tiền Việt Nam, ngoại tệ); xử lý vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, giấy tờ có giá khác; khấu trừ tài sản của người phải thi hành án đang do cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân khác giữ mà vẫn không đủ để thi hành án.
Điều 7. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án
1. Trường hợp thi hành nghĩa vụ về trả tài sản mà người phải thi hành án đã chết nhưng có người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản đó thì cơ quan thi hành án ấn định thời hạn không quá 30 ngày để người quản lý, sử dụng tài sản của người phải thi hành án giao tài sản cho người được thi hành án. Hết thời hạn này mà họ không thực hiện hoặc tài sản không có người quản lý, sử dụng trực tiếp thì cơ quan thi hành án tổ chức giao tài sản, kể cả cưỡng chế giao tài sản cho người được thi hành án theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản thì cơ quan thi hành án có văn bản thông báo, ấn định thời hạn không quá 30 ngày để người thừa kế hoặc người quản lý di sản của người phải thi hành án thoả thuận thực hiện. Hết thời hạn này, nếu người thừa kế hoặc người quản lý di sản không thoả thuận được việc thực hiện nghĩa vụ của người phải thi hành án, thì cơ quan thi hành án áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với tài sản để lại của người phải thi hành án để đảm bảo thi hành án, đồng thời ấn định thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo để những người liên quan đến tài sản thực hiện quyền khởi kiện. Hết thời hạn này mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Điều 8. Kiểm sát hoạt động thi hành án
Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và trình tự, thủ tục thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và pháp luật về thi hành án.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện việc kiểm sát hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo kế hoạch kiểm sát định kỳ được xây dựng từ đầu năm hoặc đột xuất theo yêu cầu công tác.
Kết thúc việc kiểm sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân phải có kết luận kiểm sát.
Khi phát hiện quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, của Chấp hành viên có vi phạm pháp luật, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân phải ban hành văn bản kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Điều 9. Gửi quyết định về thi hành án
1. Cơ quan thi hành án dân sự giao trực tiếp hoặc gửi bằng đường bưu điện các quyết định về thi hành án cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, trừ kế hoạch cưỡng chế thi hành án thì phải được gửi ngay.
2. Các quyết định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao (thông qua Vụ kiểm sát thi hành án) để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
Điều 10. Công tác phối hợp trong thi hành án
1. Định kỳ hàng năm, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp tổ chức họp liên ngành vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 để rút kinh nghiệm, bàn biện pháp khắc phục thiếu sót, thống nhất chỉ đạo công tác thi hành án.
2. Mỗi năm ít nhất một lần, Vụ kiểm sát thi hành án thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao phối hợp kiểm tra công tác thi hành án dân sự và công tác phối hợp trong thi hành án dân sự ở địa phương; kịp thời kiểm tra và thống nhất biện pháp giải quyết đối với những vụ việc thi hành án có vướng mắc hoặc có quan điểm khác nhau. Thời gian, kế hoạch tổ chức do Tổng cục Thi hành án dân sự chủ động.
3. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự tại các địa phương phải thường xuyên phối hợp để thực hiện tốt công tác thi hành án. Khi có vướng mắc thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chánh án Toà án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời báo cáo về Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để có biện pháp thống nhất giải quyết.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2010 và thay thế các văn bản sau đây: Thông tư liên ngành số 981/TTLN ngày 21 tháng 9 năm 1993 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 12/2001/TTLT-BTP-VKSTC ngày 26 tháng 2 năm 2001 của Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số quy định pháp luật thi hành án dân sự.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, sửa đổi thì các cơ quan thi hành án dân sự, Toà án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời báo cáo về Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để có biện pháp giải quyết./.