THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện ký quỹ/bảo lãnh thực hiện hạn ngạch dệt may xuất khẩu
Căn cứ Nghị định số 29/2004/NĐ-CP ngày 16-01-2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thương mại;
Căn cứ Nghị định số 55/2003/NĐ-CP ngày 28-05-2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công nghiệp;
Xét đề nghị của Hiệp hội Dệt may Việt Nam,
Liên tịch Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp hướng dẫn việc thực hiện ký quỹ/bảo lãnh để thực hiện hạn ngạch dệt may xuất khẩu như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Khái niệm
a) Ký quỹ thực hiện hạn ngạch dệt may: Thương nhân cam kết thực hiện hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may bằng cách nộp một khoản tiền ký quỹ tương ứng với số lượng hạn ngạch đăng ký hoặc được giao theo mức tiền ký quỹ do Liên Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp quy định vào Tài khoản tạm giữ của Bộ Thương mại tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.
b) Bảo lãnh ngân hàng thực hiện hạn ngạch dệt may: Thương nhân nộp cho Bộ Thương mại Thư bảo lãnh của Ngân hàng cho số lượng hạn ngạch đăng ký hoặc đã được giao (chưa sử dụng hết) theo mức tiền bảo lãnh do Liên Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp quy định.
Mẫu thư bảo lãnh Ngân hàng sẽ do Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp quy định và thông báo chi tiết.
2. Thương nhân được tham gia ký quỹ và bảo lãnh ngân hàng:
Thương nhân được tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may bị áp dụng hạn ngạch theo quy định hiện hành.
Thương nhân có thể chọn một hoặc cả hai hình thức ký quỹ và bảo lãnh ngân hàng để đăng ký thực hiện hạn ngạch.
Bổ sung quy định về kiểm tra năng lực đối với thương nhân mới chưa được phân giao và thực hiện hạn ngạch dệt may xuất khẩu trong điều hành hạn ngạch dệt may như sau: Thương nhân mới sở hữu tối thiểu 100 máy may công nghiệp hoặc máy móc thiết bị khác phù hợp với yêu cầu sản xuất loại sản phẩm đăng ký xuất khẩu (có văn bản xác nhận về máy móc thiết bị và năng lực sản xuất hàng dệt may của Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Thương mại chủ trì theo Thông báo số 0577/TM-DM ngày 20/5/2005).
II. QUY ĐỊNH THỰC HIỆN KÝ QUỸ VÀ BẢO LÃNH CỦA NGÂN HÀNG TRONG ĐIỀU HÀNH HẠN NGẠCH DỆT MAY:
1. Căn cứ tình hình xuất khẩu, Liên Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp sẽ công bố danh mục và mức tiền ký quỹ, bảo lãnh từng chủng loại hàng (Cat.) để làm căn cứ cho việc nộp tiền ký quỹ và xin bảo lãnh ngân hàng.
2. Nguyên tắc, số lượng, phương thức phân giao hạn ngạch theo hình thức ký quỹ, bảo lãnh ngân hàng sẽ được Liên Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp thông báo cho từng Cat. vào từng thời điểm cụ thể.
3. Hạn ngach được cấp theo hình thức nộp tiền ký quỹ và/hoặc nộp thư bảo lãnh chỉ được trực tiếp sản xuất và xuất khẩu, không chuyển nhượng, ủy thác xuất khẩu.
4. Hoàn trả hạn ngạch và tiền ký quỹ, bảo lãnh ngân hàng
4.1. Hoàn trả hạn ngạch
- Đối với hạn ngạch có thời hạn hiệu lực từ 45 ngày trở lên, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp tiền ký quỹ và/hoặc thư bảo lãnh ngân hàng hoặc kể từ ngày được cấp hạn ngạch theo ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng thương nhân không có khả năng xuất khẩu, thực hiện hạn ngạch được giao như đã cam kết và có công văn trả lại hạn ngạch cho Bộ Thương mại sẽ được hoàn trả toàn bộ tiền gốc đã ký quỹ và/hoặc giải tỏa thư bảo lãnh ngân hàng.
- Chậm nhất 60 ngày trước ngày hết hạn hiệu lực của hạn ngạch hoặc ngày giao hàng cuối cùng quy định trong hạn ngạch (tùy thời điểm nào đến trước), thương nhân có thể trả toàn bộ hoặc một phần hạn ngạch được cấp theo hình thức ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng nhưng sẽ bị Bộ Thương mại phạt 20% trị giá tiền ký quỹ hoặc bảo lãnh ngân hàng của phần hạn ngạch trả lại. Phần hạn ngạch trả lại được đưa vào nguồn để phân giao theo quy định chung.
4.2. Hoàn trả tiền ký quỹ, bảo lãnh ngân hàng
a) Đối với các thương nhân thực hiện hết hạn ngạch được giao:
Thương nhân có số lượng hạn ngạch thực hiện từ 95% hạn ngạch cấp theo phương thức ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng trở lên trong thời gian hiệu lực của thông báo giao hạn ngạch được coi là hoàn thành việc sử dụng hạn ngạch và được hoàn trả lại toàn bộ tiền gốc đã ký quỹ và/hoặc giải tỏa thư bảo lãnh Ngân hàng.
b) Đối với các thương nhân không sử dụng hết hạn ngạch:
Đến ngày hết hạn hiệu lực của thông báo giao hạn ngạch, thương nhân thực hiện:
+ Dưới 50% hạn ngạch được cấp theo phương thức ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng, Bộ Thương mại sẽ không trả lại toàn bộ số tiền gốc đã ký quỹ và/hoặc yêu cầu ngân hàng bảo lãnh chuyển trả toàn bộ số tiền bảo lãnh về tài khoản của Bộ Thương mại.
+ Từ 50% đến dưới 95% hạn ngạch được cấp theo phương thức ký quỹ và/hoặc bảo lãnh ngân hàng, Bộ Thương mại trả lại tiền ký quỹ tương ứng với số lượng hạn ngạch đã thực hiện và/hoặc yêu cầu Ngân hàng bảo lãnh chuyển số tiền tương ứng với số lượng hạn ngạch thương nhân không thực hiện được vào tài khoản chỉ định của Bộ Thương mại.
Toàn bộ số tiền thu được do thương nhân không thực hiện đúng quy định sẽ được nộp vào Ngân sách Nhà nước.
5. Liên Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp sẽ tổng hợp tình hình thực hiện hạn ngạch theo phương thức này và căn cứ vào tình hình thực tiễn sản xuất, kinh doanh từng thời kỳ đưa ra các điều chỉnh sửa đổi bổ sung cần thiết cho phù hợp bằng các hướng dẫn dưới dạng văn bản quy định chi tiết, thông báo điều hành cụ thể.
Thông tư Liên tịch này có hiệu lực 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo, nhưng sẽ hết hiệu lực nếu Thủ tướng Chính phủ không cho phép thực hiện, kể cả đã đăng Công báo./.