THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Về việc hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý
đối với người nghèo và đối tượng chính sách
Thi hành Quyết định số 734/TTg ngày 6/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách và Chỉ thị số 05/2000/CT-TTg ngày 1/3/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác trợ giúp pháp lý, Liên tịch Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người nghèo và đối tượng chính sách (sau đây gọi chung là cộng tác viên) như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
Hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người nghèo và đối tượng chính sách là hoạt động dịch vụ công miễn phí có tính chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị - xã hội của Nhà nước do tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước thực hiện với sự tham gia tình nguyện của đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, luật gia, luật sư.
Cộng tác viên được hưởng chế độ bồi dưỡng quy định tại Thông tư này nhằm bù đắp một phần công sức, có tính chất động viên và nâng cao trách nhiệm đối với công việc đảm nhận; đồng thời khuyến khích cộng tác viên tình nguyện thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý không nhận bồi dưỡng.
II. CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG
Cộng tác viên được hưởng mức bồi dưỡng đối với từng loại công việc khác nhau như sau:
1. Cộng tác viên thực hiện tư vấn pháp luật được hưởng:
1.1. Mức bồi dưỡng theo giờ làm việc đối với tư vấn pháp luật bằng miệng:
Mức 8.000 đồng/giờ đối với giải đáp, hướng dẫn đơn giản;
Mức 13.000 đồng/giờ đối với giải đáp, hướng dẫn phức tạp.
1.2. Mức bồi dưỡng theo văn bản đối với tư vấn pháp luật bằng văn bản:
Mức 13.000 đồng/1 văn bản đối với giải đáp, hướng dẫn đơn giản;
Mức 20.000 đồng/1 văn bản đối với giải đáp, hướng dẫn phức tạp.
2. Cộng tác viên tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng trợ giúp pháp lý được hưởng bồi dưỡng mức 70.000 đồng/1 ngày làm việc. Trường hợp làm việc nửa ngày (01 buổi sáng hoặc 01 buổi chiều) thì được hưởng bồi dưỡng bằng 1/2 mức tính cho cả ngày làm việc.
Ngày làm việc được xác định để chi trả bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia tố tụng gồm: ngày nghiên cứu hồ sơ tại Toà án và ngày xét xử. Căn cứ để chi trả bồi dưỡng là xác nhận ngày làm việc bằng văn bản của cấp có thẩm quyền của Toà án.
3. Ngoài chế độ bồi dưỡng nêu trên, khi thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động, cộng tác viên được thanh toán tiền công tác phí như đối với công chức nhà nước đi công tác.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hàng năm, Cục trợ giúp pháp lý và các Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước lập dự toán kinh phí hoạt động bao gồm cả kinh phí chi bồi dưỡng và tiền công tác phí đối với cộng tác viên để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
2. Việc sử dụng kinh phí chi bồi dưỡng đối với cộng tác viên được quyết toán theo chế độ thực chi tài chính hàng năm.
3. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các đơn vị.
Riêng năm 2002 kinh phí chi bồi dưỡng và công tác phí cho cộng tác viên, các đơn vị bố trí trong phạm vi dự toán đã được duyệt.
4. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế cho Thông tư số 187/1998/TTLT-TCCP-TC-TP ngày 30/3/1998 của Liên tịch Ban tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc gì, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét, giải quyết./.