Các bộCÁC BỘ
LIÊN BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI - NỘI VỤTHÔNG TƯ LIÊN BỘ SỐ 2130/TT-LB NGÀY 25-7-1983 VỀ VIỆC TẬN DỤNG XE ÔTÔ VẬN TẢI CÔNG CỘNG CHẠY RỖNG ĐỂ KẾT HỢP CHỞ KHÁCH
Để tận dụng năng lực của xe ô-tô nhằm tăng thêm khả năng chuyên chở phục vụ hành khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của nhân dân và tránh lãng phí cho Nhà nước, liên Bộ Giao thông vận tải-Nội vụ ra thông tư hướng dẫn việc sử dụng xe chạy rỗng để kết hợp chở khách và thu cước phí đối với lực lượng vận tải ô-tô công cộng của ngành giao thông vận tải như sau.
I. Nguyên tắc về kết hợp chở khách và những điều kiện bảo đảm an toàn
1. Trên những luồng tuyến khi không có hàng hoá để vận chuyển hai chiều thì các công ty, xí nghiệp vận tải ô-tô công cộng của Cục vận tải ô-tô (Bộ Giao thông vận tải) và của Sở giao thông vận tải địa phương được phép tận dụng chiều xe chạy rỗng của mình để kết hợp chở khách và thu cước phí với điều kiện phải bảo đảm an toàn tuyệt đối trong vận chuyển.
2. Những xe và người lái xe làm nhiệm vụ kết hợp chở khách phải được lựa chọn cẩn thận và phải có giấy phép kết hợp chở khách của cơ quan công an tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cấp.
Giấy phép kết hợp chở khách phải dán trên kính phía trước buồng lái về phía bên phải người lái xe để tiện việc kiểm soát.
3. Người lái xe ô-tô vận tải hàng hoá làm nhiệm vụ kết hợp chở khách phải là lái xe bậc II trở lên, có bằng lái xe phù hợp với loại xe đang lái, có tinh thần trách nhiệm cao, đạo đức cách mạng tốt, luôn luôn nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông vận tải.
4. Xe phải bảo đảm các điều kiện:
- Thiết bị an toàn của xe đầy đủ và có hiệu lực;
- Sàn xe phải kín và sạch sẽ;
- Thành xe phải ổn định chắc chắn;
- Các khoá thành xe, cửa xe phải an toàn;
- Có mui che mưa nắng, có thang bậc lên xuống và có ghế ngồi cho khách;
- Ghế phải bắt chắc chắn dọc hai bên thành xe và không được cao quá 40 cm kể từ sàn xe. Thành xe phải cao hơn mặt ghế ít nhất 35 cm (ghế có thể hạ xuống và áp vào thành xe khi xe đi chở hàng). Chỗ ghế ngồi của mỗi hành khách phải bảo đảm ít nhất 40 cm.
5. Xe ô-tô vận tải rỗng khi được phép kết hợp chở khách phải bảo đảm: - Không chở quá số lượng hành khách đã quy định trong giấy phép - Không để người đứng bám ở bậc lên xuống hoặc ngồi trên thành xe.
Trong buồng lái (cabine) được chở không quá 2 hành khách mà trước hết là giành ưu tiên cho các cụ già, hành khách có con mọn, anh chị em thương bệnh binh.
- Hành lý để trên xe phải được sắp xếp đặt gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không được làm ảnh hưởng đến hành khách. Không treo buộc hành lý xung quanh phía ngoài xe.
- Không được nhận chở những hành lý, hàng hoá thuộc loại hôi tanh, chất nổ, chất dễ bốc cháy, chất độc hại và loại cấm lưu thông.
II. NHỮNG LOẠI XE KHÔNG ĐƯỢC PHÉP KẾT HỢP
CHỞ KHÁCH
Những loại xe ô-tô dưới đây dù chạy rỗng một chiều cũng không được phép kết hợp chở khách (kể cả chở trong buồng lái):
1. Xe có bệ dỡ hàng tự động (benme), thùng xe không có thành.
2. Xe ô-tô vận tải và máy kéo có kéo rơ - moóc, kể cả trên xe và trên rơ - moóc.
3. Xe chở đất, cát, than, vôi và những hàng hoá thuộc loại hôi tanh, độc hại mà chưa được tẩy rửa, lau chùi sạch sẽ.
4. Xe đặc chủng như xe cần cẩu, xe xi-téc, xe công trình, xe có thùng kín...
III. BÁN VÉ - GIÁ CƯỚC
1. Các xí nghiệp vận tải ô-tô công cộng khi có xe chạy rỗng được phép kết hợp chở khách phải liên hệ với bến, trạm xe khách gần nhất yêu cầu cho bán vé để chở khách.
2. Các bến, trạm xe khách khi giải quyết cho lái xe bán vé kết hợp chở khách phải chứng nhận vào "phiếu kế toán vé". Trường hợp lái xe bán vé bổ sung trên dọc đường thì phải ghi ngày vào phiếu kế toán vé để tiện việc theo dõi kiểm soát, quản lý.
Giá cước hành khách đi bằng xe ô-tô vận tải hàng hoá chở kết hợp khi chạy rỗng tính bằng 80% giá cước xe ca hiện hành cộng thêm tiền phí bảo hiểm hành khách (quyết định số 283-CT ngày 27-10-1982 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và thông tư số 150-TT/VT ngày 18-11-1982 của Bộ Giao thông vận tải về giá cước hành khách).
3. Mỗi hành khách đi xe được mang theo 10 kilôgam hành lý không phải trả cước. Hành lý mang quá mức quy định phải trả cước phí bằng 100% giá cước hành lý trên xe ca. Nhưng người lái xe cũng chỉ được nhận chở khi trên xe còn rộng và không nhận chở quá 50 kg mỗi người.
4. Chế độ miễn giảm giá cước đối với hành khách không áp dụng đối với xe ô-tô vận tải kết hợp chở khách khi chạy rỗng.
5. Các công ty, xí nghiệp có xe kết hợp chở khách được in và phát hành vé theo mẫu thống nhất do Cục vận tải ô-tô (Bộ Giao thông vận tải) hướng dẫn đồng thời phải có kế hoạch quản lý vé chặt chẽ như tiền bạc theo chế độ quản lý và hạch toán vé xe ô-tô hiện hành.
6. Tiền cước thu được và các chi phí có liên quan đến việc tổ chức kết hợp chở khách cần phải hạch toán riêng.
Nội dung chi gồm có:
a) Chi phí về đại lý bán vé, lệ phí đỗ bến (nếu có) và bồi dưỡng cho lái xe và những người có công gom khách khoảng 40% doanh thu và thanh toán ngay cho lái xe sau mỗi chuyến xe đã hoàn thành nhiệm vụ.
b) Chi phí về in vé, giấy tờ, về tu bổ tiện nghi phục vụ hành khách, v.v...
c) Trích một tỷ lệ nhất định để giảm giá thành vận chuyển hàng hoá do có việc kết hợp chở khách (khoảng 15%).
Sau khi lấy tổng số thu về cước vận chuyển kết hợp trừ các khoản chi phí nói trên, số tiền còn lại đưa vào doanh thu vận tải của công ty, xí nghiệp.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để thực hiện tốt thông tư này, liên Bộ Giao thông vận tải - Nội vụ yêu cầu:
- Các công ty, xí nghiệp vận tải ô tô công cộng của ngành giao thông vận tải cần phải chú ý lựa chọn những người lái xe và xe có đủ điều kiện để giao nhiệm vụ. Thường xuyên giáo dục nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tôn trọng luật lệ giao thông vận tải, bảo vệ tính mệnh và tài sản của nhân dân cho những người lái xe. Phải kiểm tra chặt chẽ các điều kiện an toàn của xe trước khi giao nhiệm vụ cho lái xe và chịu trách nhiệm về những tai nạn do nạn xe của đơn vị mình gây ra.
- Các Sở giao thông vận tải và công an các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương có nhiệm vụ phối hợp thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời uốn nắn những thiếu xót trong quá trình thực hiện thông tư này, nghiêm khắc xử lý những trường hợp cố ý vi phạm.
Cục vận tải ô tô và Cục cảnh sát giao thông đường bộ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để hướng dẫn và chỉ đạo việc thực hiện thông tư này.
Thông tư này được thi hành từ ngày ký.