Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 34/2005/TTLT/BGD&ĐT-UBTDTT

Nguyễn Minh Hiển
Toàn quốc
Công báo số 29 & 30 - 01/2006;
Thông tư liên tịch 34/2005/TTLT/BGD&ĐT-UBTDTT
Thông tư liên tịch
01/02/2006
29/12/2005

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn phối hợp quản lý và chỉ đạo công tác Thể dục thể thao trường học giai đoạn 2006 - 2010

Bộ trưởng
2.005
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Toàn văn

No tile

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn phối hợp quản lý và chỉ đạo công tác Thể dục thể thao

trường học giai đoạn 2006 - 2010

Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thể dục thể thao;

Căn cứ Pháp lệnh số 28 ngày 09 tháng 10 năm 2000 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về Pháp lệnh Thể dục thể thao;

Căn cứ Quyết định số 57/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao đến năm 2010;

Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ủy ban Thể dục thể thao thống nhất ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp quản lý và chỉ đạo công tác Thể dục thể thao trường học giai đoạn 2006 - 2010 như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHỐI HỢP

1. Thể dục thể thao trường học là bộ phận đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe và thể lực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, ý chí, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên góp phần đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thể dục thể thao trường học là môi trường thuận lợi và giàu tiềm năng để phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao cho đất nước.

2. Phát triển giáo dục Thể dục thể thao trường học theo hướng đổi mới và nâng cao chất lượng giờ học thể dục nội khóa, đa dạng hóa các hình thức hoạt động ngoại khóa, đồng thời tổ chức chặt chẽ việc kiểm tra tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đối với người học.

3. Tăng cường sự phối hợp liên ngành Giáo dục và Thể dục thể thao, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa, tranh thủ các nguồn lực từ xã hội để xây dựng và phát triển thể dục thể thao trường học.

4. Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về thể dục thể thao trường học, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Việt Nam trong khu vực và thế giới.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

1. Về chương trình giáo dục thể chất nội khóa

1.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao nghiên cứu biên soạn giáo trình, sách giáo khoa môn thể dục ở tất cả các cấp học theo hướng đổi mới. Năm 2006 hoàn chỉnh chương trình giáo dục thể chất phổ thông. Từ 2007 - 2010 hoàn chỉnh sách giáo khoa của các cấp học.

1.2. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ in và phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao xây dựng, ban hành tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo lứa tuổi cho học sinh, sinh viên áp dụng cho các cấp học. Thời gian hoàn thành năm 2007.

1.3. Hàng năm, hai ngành phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chương trình giáo dục thể chất trong trường học và kiểm tra, đánh giá, công nhận tiêu chuẩn rèn luyện thân thể của học sinh, sinh viên.

1.4. Ủy ban Thể dục thể thao chủ trì và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đề án nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam bằng giải pháp dinh dưỡng và thể thao khi được Chính phủ phê duyệt.

1.5. Ngành Giáo dục và ngành Thể dục thể thao (sau đây viết tắt là hai ngành) phối hợp chỉ đạo để triển khai thực hiện Quyết định số 32/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 11 tháng 7 năm 2003 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, lớp năng khiếu thể dục thể thao trong giáo dục phổ thông.

2. Về hoạt động thể thao ngoại khóa

2.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao chỉ đạo và tổ chức các hoạt động Thể dục thể thao có quy mô toàn quốc: Hội thi Văn hóa - Thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú (2006); Đại hội thể dục thể thao sinh viên (2007); Hội khỏe Phù Đổng lần thứ VII (2008), Hội thi Nghiệp vụ Sư phạm - Văn nghệ - Thể thao các trường Sư phạm (2009) và Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ II - 2007.

2.2. Hai ngành thường xuyên phối hợp chỉ đạo và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng ở cơ sở: Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội Thể dục thể thao các cấp; Chương trình phổ cập bơi phòng chống tai nạn cho trẻ em và Cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Mỗi cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên ngành giáo dục tự chọn một môn thể thao hoặc một hình thức rèn luyện thân thể đế tập luyện hàng ngày.

2.3. Ngành Giáo dục thường xuyên phối hợp giúp đỡ ngành Thể dục thể thao phát hiện các học sinh có năng khiếu để đào tạo thành các tài năng thể thao cho quốc gia.

2.4. Ngành Thể dục thể thao phối hợp giúp đỡ ngành Giáo dục thành lập Hội đồng Thể thao học sinh phổ thông Việt Nam là thành viên của Hội đồng Thể thao học sinh Đông Nam Á. Thời gian hoàn thành năm 2007.

2.5. Hai ngành phối hợp nghiên cứu thí điểm hoạt động thể thao ngoại khóa cho học sinh khuyết tật và học sinh có điều kiện đặc biệt khó khăn.

2.6. Hai ngành phối hợp tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg ngày 26 tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống tiêu cực trong các hoạt động Thể dục thể thao, đồng thời tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.

3. Về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên Thể dục thể thao và nghiên cứu khoa học Giáo dục thể chất

3.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thể dục thể thao chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng định biên, định chuẩn giáo viên, giảng viên Thể dục thể thao trong nhà trường và đề án đào tạo bồi dưỡng giáo viên, giảng viên Thể dục thể thao ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm trên toàn quốc, thời gian hoàn thành năm 2006. Đến năm 2010, 100% trường phổ thông có đủ giáo viên chuyên trách Thể dục thể thao.

3.2. Hàng năm, ngành Thể dục thể thao phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thể dục thể thao trường học cho giáo viên, giảng viên và huấn luyện viên thuộc ngành Giáo dục.

3.3. Hàng năm, hai ngành phối hợp đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học Thể dục thể thao. Định kỳ hàng năm tổ chức các Hội thảo chuyên đề và 4 năm 1 lần tổ chức Hội nghị khoa học giáo dục thể chất và y tế trường học.

4. Về hợp tác quốc tế của Thể dục thể thao trường học

4.1. Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo mở rộng hợp tác quốc tế về Thể dục thể thao trường học, tham gia các sự kiện thể thao quốc tế và đăng cai tổ chức các hoạt động thể thao học sinh, sinh viên quốc tế tại Việt Nam.

4.2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp chỉ đạo việc tham gia các hoạt động của thể thao trường học với tư cách thành viên của Liên đoàn Thể thao sinh viên thế giới (FISU), Liên đoàn Thể thao sinh viên Châu Á (AUSF), Hội đồng Thể thao sinh viên Đông Nam Á (AUSC), Hội đồng Thể thao học sinh các nước Đông Nam Á (ASSC).

4.3. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban Thể dục thể thao chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội Thể thao sinh viên Đông Nam Á lần thứ 13 - 2006 và giải bóng đá học sinh Châu Á lần thứ 34 - 2006 tại Việt Nam.

5. Về các điều kiện đảm bảo cho Thể dục thể thao trường học

5.1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp đề xuất với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn các công trình thể thao trường học, các trang thiết bị tập luyện và thi đấu thể thao của học sinh, sinh viên.

5.2. Hai ngành phối hợp chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành quy hoạch về đất đai và khai thác sử dụng các công trình thể thao cho các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường. Đặc biệt là khai thác và sử dụng triệt để các công trình thể dục thể thao trường học đã được xây dựng trong ngành giáo dục.

5.3. Hai ngành phối hợp nghiên cứu cải tiến những quy định về chế độ chính sách cho cán bộ giảng dạy Thể dục thể thao trong trường học, đề xuất chế độ đãi ngộ và mức chi áp dụng cho các hoạt động Thể dục thể thao trong ngân sách sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

5.4. Hai ngành phối hợp nghiên cứu xây dựng tiêu chí trường đạt tiêu chuẩn quốc gia về thể dục thể thao.

5.5. Củng cố hệ thống tổ chức, quản lý, tạo điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, kinh phí để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội Thể thao Đại học và Chuyên nghiệp Việt Nam.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo liên ngành để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này. Giao cho Vụ Công tác học sinh, sinh viên - Bộ Giáo dục và Đào tạo và Vụ Thể dục thể thao quần chúng - Ủy ban Thể dục thể thao làm thường trực của Ban Chỉ đạo và có trách nhiệm phối hợp cùng các Vụ chức năng của 2 ngành triển khai thực hiện Thông tư này, định kỳ hàng năm hướng dẫn kiểm tra, đánh giá kết quả và đề xuất các giải pháp cần thiết, trình Ban Chỉ đạo quyết định.

2. Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thể dục thể thao xét khen thưởng cho các trường thực hiện tốt hoạt động Thể dục thể thao trên cơ sở đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thể dục thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp căn cứ Thông tư này xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và biện pháp thực hiện cụ thể.

4. Các cơ quan báo chí, xuất bản của hai ngành có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện Thông tư này.

IV. HIỆU LỰC THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thể dục thể thao để nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=16651&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận