THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư liên tịch số 39/2005/TTLT-BTC-BKHCN ngày 23/5/2005 hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010”
____________________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 122/2004/QĐ-TTg ngày 5/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010”;
Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 39/2005/TTLT/BTC-BKHCN ngày 23/5/2005 về việc hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010”, cụ thể như sau:
Điều 1. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ 5, điểm 1.1, khoản 1, Mục II, chi phí vật tư, dụng cụ, nguyên vật liệu thực hiện dự án, như sau:
Chi phí vật tư, dụng cụ, nguyên vật liệu thực hiện dự án (kể cả các nguyên vật liệu phục vụ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun… có tính quyết định công nghệ, mức hỗ trợ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun… không vượt quá 30% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án).
Điều 2. Sửa đổi nội dung gạch đầu dòng thứ 3, điểm 1.4, khoản 1, Mục II, chi phí vật tư, dụng cụ, nguyên vật liệu chính thực hiện dự án, như sau:
Chi phí vật tư, dụng cụ, nguyên vật liệu chính thực hiện dự án (kể cả các nguyên vật liệu phục vụ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun… có tính quyết định công nghệ, mức hỗ trợ làm nhà màn, nhà lưới, nhà plastic, lán trại nuôi trồng nấm, bể lọc, giếng khoan, kho lạnh, hệ thống tưới phun… không vượt quá 30% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án).
Điều 3. Sửa đổi nội dung khoản 2, Mục II, chi thù lao trách nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, như sau:
- Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình: 500.000 đồng/người/tháng
- Phó trưởng Ban chỉ đạo Chương trình: 400.000 đồng/người/tháng
- Thành viên Ban chỉ đạo Chương trình: 300.000 đồng/người/tháng
- Chánh Văn phòng Chương trình: 400.000 đồng/người/tháng
Điều 4. Bổ sung vào cuối điểm 4.1, khoản 4, Mục II, giao dự toán, như sau:
Trong thời gian có hiệu lực triển khai dự án theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền, số kinh phí đã được bố trí trong dự toán để thực hiện dự án nếu không sử dụng hết trong năm thì được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện.
Điều 5. Sửa đổi, bổ sung nội dung điểm 5.1, khoản 5, Mục II, về cấp phát và kiểm soát chi đối với các dự án Trung ương quản lý, như sau:
1. Mở tài khoản, nhận kinh phí và kiểm soát chi:
- Văn phòng Chương trình mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các hoạt động chung của Chương trình và thanh toán cho các đơn vị chủ trì thực hiện dự án. Văn phòng Chương trình có trách nhiệm kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ, hồ sơ, chứng từ chi của đơn vị chủ trì thực hiện dự án.
- Các đơn vị chủ trì thực hiện dự án mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để tiếp nhận kinh phí thực hiện dự án. Đơn vị chủ trì thực hiện dự án tự chịu trách nhiệm về quyết định chi tiêu của mình và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Văn phòng Chương trình về tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện dự án.
- Kho bạc Nhà nước nơi Văn phòng Chương trình giao dịch thực hiện kiểm soát thanh toán theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 của Thông tư này.
2. Tạm ứng:
- Khi tạm ứng kinh phí, Văn phòng Chương trình rút dự toán để tạm ứng 100% kinh phí đợt 1 cho các đơn vị thực hiện dự án trên cơ sở không vượt quá mức kinh phí phân bổ theo dự toán năm đã được giao và tiến độ cấp kinh phí đã được thống nhất trong hợp đồng ký kết giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị chủ trì thực hiện dự án (nhưng tối đa không quá 70% tổng kinh phí của dự án được duyệt).
- Khi tạm ứng kinh phí các đợt tiếp theo, Văn phòng Chương trình tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ, khối lượng thực hiện và tình hình sử dụng kinh phí của dự án. Văn phòng Chương trình chỉ thực hiện tạm ứng các đợt tiếp theo đối với các dự án đã sử dụng được tối thiểu 50% mức kinh phí đã tạm ứng các đợt trước đó. Hồ sơ tạm ứng kinh phí các đợt tiếp theo gửi Kho bạc Nhà nước bao gồm:
+ Biên bản kiểm tra tiến độ và đánh giá khối lượng thực hiện công việc đã hoàn thành.
+ Bản xác nhận kinh phí đã sử dụng.
+ Giấy rút dự toán ngân sách nhà nước (tạm ứng)
3. Thanh toán tạm ứng:
Khi thanh toán tạm ứng, Văn phòng Chương trình gửi hồ sơ thanh toán tạm ứng cho Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch, hồ sơ thanh toán tạm ứng bao gồm:
- Bản xác nhận của Văn phòng Chương trình về các khoản kinh phí đã chi tương ứng với khối lượng công việc hoàn thành.
- Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng của Văn phòng Chương trình.
- Bản sao chứng từ có xác nhận của cơ quan chủ trì thực hiện dự án hoặc đơn vị chuyển giao công nghệ.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Những nội dung khác quy định tại Thông tư liên tịch số 39/2005/TTLT/BTC-BKHCN ngày 23/5/2005 về hướng dẫn quản lý tài chính của Chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn từ nay đến năm 2010” không trái với các nội dung quy định tại Thông tư này vẫn có hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.