Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 44/TTLT-BTC-BLĐTBXH

Nguyễn Trọng Đàm
Toàn quốc
Công báo từ số 161 đến 162
Thông tư liên tịch 44/TTLT-BTC-BLĐTBXH
Thông tư liên tịch
13/05/2010
29/03/2010

Tóm tắt nội dung

Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo

Thứ trưởng
2.010
Bộ Tài chính

Toàn văn

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007 của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
 
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05/02/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;
Để phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007của Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo như sau:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung:
1.  Bổ sung điểm 1.4, khoản 1, mục II về công tác hạch toán, quyết toán như sau:
- Các khoản chi mua hàng hoá, dịch vụ không có hoá đơn trong các trường hợp:
+ Mua hàng hoá là nông sản, lâm sản, thủy sản của người trực tiếp sản xuất, đánh bắt bán ra;
+ Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây,  rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
+ Mua đất, đá, cát, sỏi của người dân tự khai thác trực tiếp bán ra;
+ Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; mua đồ dùng, tài sản của hộ gia đình, cá nhân đã qua sử dụng trực tiếp bán ra và một số dịch vụ mua của cá nhân không kinh doanh.
Đơn vị, doanh nghiệp lập Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ (theo mẫu số 01 đính kèm Thông tư này) kèm theo chứng từ thanh toán cho cơ sở, người bán hàng, cung cấp dịch vụ.Bảng kê thu mua hàng hoá, dịch vụ do người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người được uỷ quyền của đơn vị, doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Trường hợp giá mua hàng hoá, dịch vụ trên bảng kê và chứng từ thanh toán cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thẩm định, xét duyệt quyết toán căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính chi phí hợp lý.”
2. Sửa đổi, bổ sung tiết b, điểm 2.1.2, khoản 2, mục II về hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn của Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề như sau:
“b)Chi hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề:
- Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, mô hình công nghệ cao, chuyển giao khoa học công nghệ trên các vùng sinh thái theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
+ Hỗ trợ chi phí về giống và vật tư chính: Đối với hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa mức hỗ trợ tối đa 100% và không quá 5.000.000 đồng/hộ; đối với hộ nghèo ở các vùng khác mức hỗ trợ tối đa là 50% và không quá 3.000.000 đồng/hộ.
+ Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc, công cụ chế biến bảo quản sản phẩm sau thu hoạch theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt: Đối với hộ nghèo ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa mức hỗ trợ tối đa 100% và không quá 5.000.000 đồng/hộ; đối với hộ nghèo ở các vùng khác mức hỗ trợ tối đa là 50% và không quá 3.000.000 đồng/hộ.
- Chi kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình không quá 5% tổng số kinh phí xây dựng mô hình. Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.”
3. Sửa đổi, bổ sung điểm 2.3.4 và điểm 2.3.5, khoản 2.3, mục II về nội dung và mức chi của Dự án dạy nghề cho người nghèo như sau:
2.3.4. Nội dung và mức chi:
a) Đối với đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề:
- Hỗ trợ cơ sở dạy nghề (bao gồm cả doanh nghiệp có cơ sở dạy nghề) thực hiện dạy nghề cho người nghèo theo hợp đồng đào tạo nghề do cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội đặt hàng với mức tối đa 3.000.000 đồng/người/khoá học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định) để chi cho các nội dung sau:
+ Tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng chỉ nghề;
+ Tài liệu, giáo trình học nghề;
+ Thù lao giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên hướng dẫn thực hành nghề;
+ Hỗ trợ nguyên, nhiên, vật liệu học nghề;
+ Thuê lớp học, thuê thiết bị dạy nghề chuyên dụng (nếu có);
+ Thuê phương tiện vận chuyển thiết bị dạy nghề đối với trường hợp dạy nghề lưu động;
+ Trích khấu hao tài sản cố định phục vụ lớp học;
+ Chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình, giáo trình (nếu có);
+ Chi cho công tác quản lý lớp học không quá 5% tổng số kinh phí cho lớp đào tạo.
- Hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo tham gia học nghề:
+ Tiền ăn trong thời gian học nghề: 15.000 đồng/ngày thực học/người;
+ Tiền đi lại: Người nghèo học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên được hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé phương tiện giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học.
b) Đối với đào tạo nghề gắn với tạo việc làm:
- Hỗ trợ doanh nghiệp có đề án tự tổ chức dạy nghề theo hình thức truyền nghề, vừa học vừa làm và nhận người nghèo vào làm việc ổn định tại doanh nghiệp tối thiểu 24 tháng (áp dụng đối với doanh nghiệp không đủ điều kiện công nhận là cơ sở dạy nghề). Mức hỗ trợ cụ thể tuỳ thuộc vào hình thức và thời gian dạy nghề của doanh nghiệp và theo hợp đồng đặt hàng của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người nghèo để chi cho các nội dung sau:
+ Thù lao giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên hướng dẫn thực hành nghề;
+ Hỗ trợ nguyên, nhiên, vật liệu học nghề;
- Hỗ trợ tiền ăn cho người nghèo trong thời gian học nghề: 15.000 đồng/ngày thực học/người.
Ngoài nội dung và mức chi hỗ trợ dạy nghề trên đây, tuỳ theo điều kiện cụ thể của từng khoá học, của từng đối tượng học nghề, khả năng ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc hỗ trợ thêm về tiền ở cho người đi học. Các địa phương thực hiện lồng ghép nguồn kinh phí của dự án dạy nghề cho người nghèo với Dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục đào tạo và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp người nghèo đăng ký học nghề thuộc đối tượng được tham gia học nghề của nhiều chương trình, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước thì chỉ được lựa chọn tham gia học nghề của một chương trình, dự án.
 2.3.5. Quy trình, thủ tục và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề:
- Căn cứ đơn xin học nghề của người nghèo có đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề theo quy định tại điểm 2.3.3; căn cứ danh mục nghề đào tạo, kế hoạch dạy nghề, mức chi phí đào tạo cho từng nghề do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội lựa chọn cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp có đủ điều kiện đào tạo nghề để ký hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề và chuyển kinh phí hỗ trợ cho cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp để thực hiện dạy nghề cho người nghèo.
- Cơ sở dạy nghề hoặc doanh nghiệp có trách nhiệm thanh toán tiền ăn, tiền ở (nếu có), tiền đi lại cho người nghèo theo mức quy định tại Thông tư này và quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề theo số lượng học viên và thời gian thực tế tham gia học nghề. Trường hợp người nghèo tự ý nghỉ học, bỏ học, hoặc bị buộc thôi học thì không được trả tiền ăn trong thời gian nghỉ học, bỏ học, thôi học và tiền đi lại (lượt về).”
4. Sửa đổi, bổ sung Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo:
Bổ sung thêm tiết đ điểm 2.4.4 khoản 2.4 mục II như sau:
“đ) Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn cho các hộ nghèo, nhóm hộ nghèo. Mức hỗ trợ thực hiện theo mô hình trình diễn của Dự án khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề quy định tại khoản 2 Điều 1 của Thông tư này.”
5. Sửa đổi gạch đầu dòng thứ nhất và thứ hai tiết c, điểm 2.5.1, khoản 2.5 mục II về nội dung và mức chi đào tạo cán bộ làm công tác xoá đói giảm nghèo ở các cấp như sau:
“- Chi trả thù lao cho giảng viên, chuyên gia nước ngoài (nếu có), chi hỗ trợ một phần tiền ăn, ngủ, đi lại cho học viên trong thời gian đào tạo theo quy định tại Thông tư số 51/2008/TT-BTC ngày 16/06/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập.”
6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2.6 mục II về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo như sau:
“2.6. Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo:
2.6.1. Phạm vi: các xã nghèo ngoài các xã thuộc Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010.
2.6.2. Nội dung và mức chi trợ giúp pháp lý cho người nghèo
a) Hỗ trợ một số hoạt động trợ giúp pháp lý tại cấp tỉnh như sau:
- Tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động tại xã;
- Cung cấp tờ gấp pháp luật, băng catset miễn phí cho người nghèo.
- Tập huấn cho cộng tác viên, thành viên Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và những người trực tiếp trợ giúp pháp lý cho người nghèo.
- Bồi dưỡng báo cáo viên, cộng tác viên hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
b) Hỗ trợ 2 triệu đồng/xã/năm để thực hiện các hoạt động sau:
- Tuyên truyền chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nhân dân tại xã, thôn, bản nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo;
- Tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý tại xã nhằm phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và giải quyết vụ việc đơn giản tại cộng đồng.
c) Nội dung và mức chi cho các hoạt động nêu trên thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 81/2008/TTLT-BTC-BTP ngày 25/9/2008 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan trợ giúp pháp lý nhà nước.”
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Năm 2010, các địa phương chủ động sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách năm 2010 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện. Những quy định khác tại Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 20/8/2007 của BộTài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo vẫn có hiệu lực thi hành.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị, các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.

Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25149&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận