Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 49/2011/TTLT-BGTVT-BNV-BTC

Nguyễn Hồng Trường
Toàn quốc
Công báo số 529+530, năm 2011
Thông tư liên tịch 49/2011/TTLT-BGTVT-BNV-BTC
Thông tư liên tịch
14/11/2011
30/09/2011

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 141/2009/QĐ-TTG ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tiền lương và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải

Thứ trưởng
2.011
Bộ Giao thông vận tải

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 141/2009/QĐ-TTG ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ

về cơ chế tiền lương và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải

__________________________

 

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 141/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tiền lương và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định về cơ chế tiền lương và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức và người lao động theo chế độ hợp đồng lao động làm việc trong lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Công chức, viên chức và người lao động quy định tại Điều 1 của Thông tư liên tịch này là người đã được xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) hoặc đã được xếp lương theo các bảng lương B2 và B5 ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty nhà nước (sau đây viết tắt là Nghị định số 205/2004/NĐ-CP) làm việc tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và các đơn vị trực thuộc.

Điều 3. Hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung (Kđc)

1. Đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch này được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung (Kđc) như sau:

a) Kđc = 1,8 áp dụng đối với viên chức và người lao động làm việc trên các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã được xếp lương theo bảng lương B5, nhóm III và thuyền viên ca nô cao tốc tìm kiếm cứu nạn xếp lương theo bảng lương B2 ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

b) Kđc = 1,34 áp dụng đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và các đơn vị trực thuộc (trừ đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này).

2. Hệ số Kđc quy định tại Khoản 1 Điều này được cộng với hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định để tính trả tiền lương tháng theo ngạch, bậc, các khoản phụ cấp lương (nếu có). Công thức tính như sau:

Tiền lương tháng

=

Mức lương tối thiểu chung x  (1+ Kđc)

x

Hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp trách nhiệm công việc (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề (nếu có) + Hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có)

Ví dụ 1. Ông Nguyễn Văn A, Phó trưởng phòng, đã xếp hệ số lương 4,98 bậc 9, viên chức loại A1 quy định tại Bảng 3, Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 0,3; tỷ lệ phụ cấp thâm niên vượt khung là 5%, thuộc đối tượng áp dụng hệ số Kđc = 1,34. Mức lương tối thiểu chung tại thời điểm tháng 5 năm 2011 là 830.000 đồng/tháng.

Mức tiền lương tháng 5 năm 2011 tính theo bậc lương của ông A là:

830.000 đồng x (1 + 1,34) x (4,98 + 0,3 + 4,98 x 0,05) = 10.738.424 đồng.

3. Thời gian không được tính hưởng hệ số điều chỉnh tăng thêm so với mức lương tối thiểu chung (Kđc) gồm:

a) Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không trực tiếp làm việc chuyên môn về tìm kiếm cứu nạn hàng hải liên tục từ 01 tháng trở lên;

b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương;

c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và thời gian nghỉ vượt quá thời hạn quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội;

d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác;

đ) Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại Khoản 4, Điều 8 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.

Điều 4. Phụ cấp ưu đãi theo nghề

1. Mức phụ cấp:

a) Mức 50% áp dụng đối với viên chức và lao động làm việc trên các phương tiện tìm kiếm cứu nạn hàng hải chuyên dụng đã được xếp lương theo bảng lương B5, nhóm III và thuyền viên ca nô cao tốc tìm kiếm cứu nạn hàng hải đã được xếp lương theo bảng lương B2 ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP.

b) Mức 30% áp dụng đối với công chức, viên chức quy định tại Khoản 2, Điều 3 Quyết định số 141/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2009 bao gồm:

Công chức, viên chức làm công tác chỉ huy phối hợp nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn: Trực chỉ huy nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn, trực ban nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam và các đơn vị trực thuộc;

Công chức, viên chức làm công tác trực ban thông tin liên lạc; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn và công tác quản lý kỹ thuật đối với phương tiện tìm kiếm cứu nạn.

2. Cách tính:

Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề

=

Mức lương tối thiểu chung x (1 + Kđc)

x

Hệ số lương ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)

x

Tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi theo nghề được hưởng

Ví dụ 2. Ông Nguyễn Văn A nêu tại ví dụ 1 thuộc đối tượng áp dụng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 30%. Mức tiền phụ cấp ưu đãi theo nghề tháng 5 năm 2011 của ông A là:

830.000 đồng x (1 + 1,34) x (4,98 + 0,3 + 4,98 x 0,05) x 30% = 3.221.527 đồng

3. Đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề trong các thời gian quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Thông tư liên tịch này.

Điều 5. Nguồn kinh phí và cách chi trả

1. Nguồn kinh phí thực hiện cơ chế tiền lương và phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Quyết định số 141/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Giao thông vận tải theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Tiền lương tăng thêm và phụ cấp ưu đãi theo nghề được chi trả hàng tháng và trực tiếp cho các đối tượng được hưởng.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2010.

3. Bãi bỏ chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc đối với viên chức quản lý trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn quy định tại Mục II của Công văn số 3200/BNV-TL ngày 02 tháng 11 năm 2005 của Bộ Nội vụ về chế độ phụ cấp đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển.

4. Quy định về phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Điều 4 của Thông tư liên tịch này thay thế quy định tại Khoản 2 Mục I và Khoản 2 Mục II của Thông tư liên tịch số 14/2006/TTLT-BGTVT-BNV-BTC ngày 29/12/2006 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 70/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đi biển đối với công chức, viên chức, công nhân, nhân viên trên tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải và Quyết định số 179/2006/QĐ-TTg ngày 07 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ Giao thông vận tải để phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=26982&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận