thông tưTHÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - THƯƠNG
MẠI - CÔNG NGHIỆP - TỔNG CỤC HẢI QUAN
Hướng dẫn thi hành
Nghị định số 107/1997-NĐ-CP ngày 5/11/1997 của Chính phủ
về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế
nhập khẩu để thực hiện chương trình giảm thuế hàng
nhập khẩu từ các nước Cộng đồng Châu Âu (EU) cho năm 1998- 2001
Thi hành Nghị định số 107/1997/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 1997 của Chính phủ về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất thuế nhập khẩu để thực hiện chương trình giảm thuế hàng nhập khẩu từ các nước Cộng đồng Châu âu (EU) cho năm 1998-2001;
Liên Bộ Tài chính-Thương mại-Công nghiệp và Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
I. Phạm vi áp dụng:
1- Hàng hoá nhập khẩu thuộc diện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định tại Nghị định 107/1997/NĐ-CP ngày 05/11/1997 của Chính phủ là hàng nhập khẩu từ các nước EU và phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
1.1- Là mặt hàng có trong danh mục hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 107/1997/NĐ-CP ngày 05/11/ 1997 của Chính phủ;
1.2- Có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa(C/O) do cơ quan có thẩm quyền của các nước thuộc EU cấp, xác nhận hàng hóa có xuất xứ từ các nước EU;
1.3- Là mặt hàng đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ quy định của Thông tư này.
1.4- Hàng được gửi thẳng từ nước xuất khẩu là thành viên của EU sang Việt nam, các hàng hoá được vận chuyển trong các trường hợp sau đây sẽ được coi là gửi thẳng từ một nước thành viên xuất khẩu sang Việt nam:
(i) Hàng hoá được vận chuyển từ nước thành viên EU thẳng đến Việt nam không phải qua bất cứ quốc gia nào khác;
(ii) Trong quá trình vận chuyển đến Việt nam, hàng hoá được quá cảnh một hoặc một số quốc gia, nhưng tất cả các quốc gia đó đều là thành viên của EU;
(iii) Hàng hoá được vận chuyển phải quá cảnh qua một hay nhiều quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không phải là thành viên EU có hoặc không phải chuyển tải hay lưu kho tạm thời tại các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó, nhưng tổ chức và cá nhân nhập khẩu chứng minh được rằng:
- Việc quá cảnh được coi là cần thiết vì lý do địa lý hoặc vì yêu cầu vận chuyển;
- Hàng hoá này không được tham gia buôn bán hoặc tiêu dùng tại các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ không phải là thành viên của EU; và
- Hàng hoá này không phải trải qua bất cứ một tác nghiệp nào khác ngoại trừ việc dỡ hàng và xếp hàng hoặc các tác nghiệp nhất định khác nhằm bảo vệ hàng.
Trong các trường hợp (ii) và (iii) nêu trên, yêu cầu chủ hàng (Người nhập khẩu) phải khai báo rõ hành trình vận chuyển, chuyển tải, lưu kho,... vào tờ khai Hải quan và phải nộp các chứng từ chứng minh kèm theo cho cơ quan Hải quan.
Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đều được sử dụng theo khuôn khổ và mẫu của EU.
Bộ Thương mại chịu trách nhiệm thông báo các tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, mẫu c/o và mẫu con dấu của tổ chức có thẩm quyền cấp C/O hàng dệt-may mặc của các nước thành viên EU vào Việt nam. Bảo đảm tiêu chuẩn về xuất xứ theo quy định tại Thông tư này.
Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của các nước thành viên EU được xác định như sau:
- Tại áo (AUSTRIA):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan Hải quan (ở những nơi cần) được ủy quyền cấp.
- Tại Bỉ (BELGIUM):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan khác được ủy quyền, là: Bộ quan hệ kinh tế.
- Tại Đan mạch (DENMARK):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan khác được ủy quyền cấp là:
. Các cơ quan Hải quan (ở những nơi cần)
. Hội đồng thủ công nghiệp.
. Công nghiệp Đan mạch.
. Hội đồng các Liên hiệp Thương mại.
- Tại Phần Lan (FINLAND):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan Hải quan (ở những nơi cần) được ủy quyền cấp.
- Tại Pháp (FRANCE):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan khác được ủy quyền cấp, là: Một số cơ quan chuyên trách cấp Bộ nhất định.
- Tại Đức (GERMANY):
+ Phòng thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan khác được ủy quyền cấp, là:
. Cơ quan Hải quan (ở những nơi cần).
. Phòng Thương mại (Thủ công).
- Tại Hy lạp (GREECE):
+ Phòng thương mại và công nghiệp.
- Tại Ai-Rơ-Len (IRELAND):
+ Phòng thương mại và công nghiệp.
- Tại ý (ITALY):
+ Phòng thương mại và công nghiệp.
+ Các cơ quan khác được ủy quyền cấp, là:
. Các cơ quan Hải quan (ở những nơi cần).
. Thanh tra cảnh sát đô thị SANMARIO đối với các sản phẩm xuất xứ ở SANMARIO.
- Tại Lúc-Xăm-Bua (LUXEMBOURG):
+ Phòng thương mại Lúc-xăm-bua.
- Tại Hà Lan (NETHERLAND):
+ Phòng thương mại và công nghiệp.
- Tại Bồ-Đào-Nha (PORTUGAL):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
- Tại Tây Ban Nha (SPAIN):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
- Tại Thụy Điển (SWEDEN):
+ Phòng thương mại và công nghiệp.
- Tại Liên Hiệp Anh (UNITED KINGDOM):
+ Phòng Thương mại và công nghiệp.
2- Thủ tục nộp C/O cho cơ quan Hải quan:
Các tổ chức và cá nhập nhập khẩu (sau đây gọi tắt là người nhập khẩu) các mặt hàng quy định tại điểm 1 phần I của Thông tư này có nghĩa vụ nộp cho cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục Hải quan và tại thời điểm đăng ký tờ khai nhập khẩu hàng bản chính Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) do tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp.
Trường hợp có sự thay đổi về tổ chức cấp C/O, mẫu C/O và mẫu con dấu của tổ chức có thẩm quyền được phép cấp C/O nêu trên thì Bộ Thương mại có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan Hải quan được biết. Trong khi Bộ Thương mại chưa cung cấp đầy đủ danh sách trên của các nước thành viên EU, thì cơ quan Hải quan tính thuế theo mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu (thông thường) và giải phóng hàng cho người nhập khẩu. Đồng thời cơ quan Hải quan kịp thời phản ánh về TCHQ và Bộ Thương mại để có ý kiến chỉ đạo kịp thời. Sau khi Bộ Thương mại cung cấp đầy đủ danh sách để đối chiếu, cơ quan Hải quan sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra lại các C/O của lô hàng nhập khẩu đó, nếu đảm bảo đúng C/O của các nước thành viên EU cấp và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Thông tư này thì Cơ quan Hải quan sẽ tính thu thuế nhập khẩu theo mức thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may mặc từ các nước thành viên EU vào Việt Nam hiện hành và làm thủ tục hoàn thuế đối với số thuế chênh lệch thừa.
II- Biểu thuế
Mức thuế suất áp dụng đối với hàng nhập khẩu có đủ các điều kiện nêu tại phần I Thông tư này là thuế suất quy định tại Danh mục hàng hóa ban hành kèm theo Nghị định số 107/1997/NĐ-CP ngày 05/11/ 1997 của Chính phủ.
Đối với các lô hàng nhập khẩu không đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại phần I của Thông tư này, thì áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
III- Kiểm tra giấy chứng nhận xuất xứ (C/O)
Trong trường hợp có sự nghi ngờ về tính trung thực và chính xác của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng dệt - may mặc của các nước thành viên EU cấp, thì cơ quan Hải quan có quyền:
- Yêu cầu kiểm tra lại Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O). Cơ quan Hải quan sẽ gửi yêu cầu tới tổ chức có thẩm quyền cấp C/O nước xuất khẩu để kiểm tra và đề nghị xác nhận.
- Đình chỉ việc áp dụng mức thuế suất ưu đãi quy định tại Danh mục hàng hóa ban hành kèm theo Nghị định số 107/1997/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 1997 của Chính phủ và áp dụng theo mức thuế suất quy định tại Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (thông thường) hiện hành.
- Yêu cầu người nhập khẩu cung cấp thêm tài liệu (nếu có) để chứng minh hàng hóa thực sự có xuất xứ từ các nước thành viên EU trong thời hạn chậm nhất không quá 01 (một) năm.
Trong khi chờ kết quả kiểm tra lại, vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục để giải phóng hàng nếu như hàng không thuộc diện cấm hoặc hạn chế nhập khẩu.
Khi cơ quan Hải quan có được đủ tài liệu chứng minh hàng hóa đó thực sự có xuất xứ từ EU thì phần chênh lệch giữa thuế nhập khẩu đã thu theo thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu (thông thường) với thuế nhập khẩu tính theo thuế suất của Biểu thuế nhập khẩu ban hành kèm theo Nghị định số 107/1997/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 1997 của Chính phủ sẽ được hoàn lại cho người nhập khẩu.
Các nguyên tắc để hàng hóa được công nhận là có xuất xứ từ các nước EU là hàng hóa phải đáp ứng được một trong các điều kiện sau:
1- Hàng hoá được sản xuất toàn bộ hay được khai thác tại nước xuất khẩu là một nước thành viên của EU ( Hàng hoá có xuất xứ toàn bộ):
Tiêu chuẩn "có xuất xứ toàn bộ" được hiểu một cách chặt chẽ tuyệt đối . Một phần rất nhỏ nguyên liệu, phần hay các chi tiết nhập khẩu hay không rõ nguồn gốc được sử dụng sẽ làm cho sản phẩm tương ứng thu được mất tính "có xuất xứ toàn bộ". Tuy vậy, những thành phẩm thu được vẫn có thể đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi về thuế theo các quy định khác nhau về sản phẩm làm từ nguyên liệu nhập khẩu, theo tiêu chuẩn gia công chế biến quy định dưới đây.
2- Hàng hoá không được sản xuất hay khai thác tại nước xuất khẩu là một thành viên EU nhưng thoả mãn các điều kiện sau:
* Tiêu chuẩn gia công chế biến:
Các sản phẩm được sản xuất tại một nước thành viên EU được hưởng toàn bộ hay một phần từ nguyên phụ liệu, bộ phận hay thành phần, kể cả nguyên phụ liệu không xác định được nguồn gốc, được coi là có xuất xứ từ nước đó nếu như các nguyên phụ liệu, bộ phận hay thành phần đó đã trải qua quá trình gia công chế biến, nếu nó làm thay đổi tính chất đặc trưng hay đặc tính của nguyên phụ liệu sử dụng ở mức độ đáng kể.
Đối với sản phẩm dệt - may mặc chỉ cần trải qua ít nhất một giai đoạn công nghệ sản xuất chế biến; và công đoạn gia công cuối cùng phải được thực hiện tại một trong các nước thành viên EU.
Thí dụ: Đối với các sản phẩm may mặc, quần áo có thể được sử dụng vải nhập khẩu từ các nước vào để cắt và may thành sản phẩm may mặc, quần áo xuất khẩu đi. Điều đó có nghĩa rằng sử dụng vải nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm may mặc như quần, áo được coi là có xuất xứ từ nước được hưởng.
Tất cả các công đoạn gia công nằm trong các thao tác gia công đơn giản đều không chấp nhận là có xuất xứ từ các nước thành viên EU, bao gồm:
+ Các công đoạn bảo quản hàng hóa trong quá trình vận chuyển và lưu kho (thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, muối, lưu hóa hay xử lý dung dịch, loại bỏ phần hỏng và các công việc tương tự khác);
+ Các công việc đơn giản như lau bụi, sàng lọc, phân loại, so (bao gồm cả việc xếp thành bộ), lau chùi, sơn, chia cắt;
+ (i) Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay ghép các lô hàng;
+ (ii) Cho vào chai, túi, cặp, hộp, gắn thẻ bảng,.v.v... và các công việc đóng gắn vào bảng tấm đơn giản khác;
+ Gắn mác, nhãn hiệu hay ký hiệu để phân biệt hàng hóa sản phẩm hay bao bì đóng gói của chúng;
+ Công việc gá ráp sản phẩm cùng hay khác loại, khi mà một hay nhiều bộ phận của sản phẩm gá ráp không thỏa mãn quy định làm cho chúng có khả năng được coi như là sản phẩm xuất xứ;
+ Việc lắp ráp đơn giản các bộ phận hay sản phẩm để tạo thành một thành phẩm;
+ Sự kết hợp của hai hay nhiều hơn các công việc từ các công việc đơn giản nêu trên.
IV- Các quy định khác:
Các quy định về căn cứ tính thuế; chế độ thu nộp thuế, kế toán tiền thuế, báo cáo kết quả thu nộp thuế; chế độ miễn giảm thuế nhập khẩu; chế độ hoàn thuế, truy thu thuế và xử lý vi phạm; được thực hiện theo các quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
Định kỳ 6 tháng và hàng năm Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm báo cáo về số lượng, trị giá (kim ngạch) hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng quy định tại Thông tư này với Bộ Tài chính và Bộ Thương mại.
V- Tổ chức thực hiện:
Thông tư này có hiệu lực thi hành và áp dụng đối với tất cả các lô hàng dệt - may mặc từ các nước thành viên EU nhập khẩu vào Việt nam có Tờ khai Hải quan hàng hóa nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan bắt đầu kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1998.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cơ quan phản ánh về Bộ Tài Chính để nghiên cứu hướng dẫn, bổ sung kịp thời.