Thi hành điều 21, điều 22 chương V "Quy định về việc thi hành pháp lệnh chất lượng hàng hoá" ban hành theo Nghị định 327/HĐBT ngày 19/10/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Căn cứ vào Thông tư số 01/TC- HCVX ngày 4/1/1994 và Thông tư số 25/TC-TCT ngày 28/3/1994 của Bộ Tài chính quy định tạm thời chế độ quản lý tài chính đối với cơ quan đơn vị hành chính đơn vị sự nghiệp tổ chức hoạt động có thu.
Để tăng cường quản lý tài chính đối với các đơn vị hoạt động có thu thuộc lĩnh vực tiên chuẩn, đo lường, chất lượng, nhằm khuyến khích, tạo các nguồn thu theo chế độ cho phép, để bổ sung kinh phí hoạt động cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng các Tỉnh và Thành phố; Liên Bộ Tài chính - Khoa học Công nghệ và Môi trường hướng dẫn tạm thời chế độ quản lý và sử dụng phí kiểm nghiệm, đo lường và các hoạt động khác về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng như sau:
1. Đối tượng nộp phí:
Các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước (gọi chung là khách hàng) có yêu cầu kiểm tra, giám định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hoá hoặc cần hỗ trợ về kỹ thuật, nghiệp vụ tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng phải nộp phí theo Thông tư này.
2. Mức thu:
a. Mức thu thử nghiệm, kiểm nghiệm được áp dụng theo phụ lục kèm theo Thông tư này.
Khi giá cả thị trường biến động từ 20% trở lên thì Bộ Tài chính kết hợp với Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường xem xét điều chỉnh lại mức thu đã quy định.
Trường hợp khách hàng có yêu cầu bằng văn bản đề nghị làm việc ngoài giờ thì được phép thu thêm nhưng không quá 50% theo mức đã quy định.
b. Phí kiểm tra chất lượng được thu theo Quyết định 397/QĐ ngày 10/6/1992 của Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường.
c. Đối với các dịch vụ hỗ trợ về kỹ thuật, nghiệp vụ, nghiên cứu chế tạo các chuẩn đo lường, phương tiện kiểm định và thử nghiệm chuyên ngành, mức thu theo thoả thuận được ghi trong hợp đồng.
3. Quản lý và sử dụng các khoản thu:
a. Các cơ quan, đơn vị khi thu phải sử dụng chứng từ hoá đơn do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) phát hành. Các đơn vị nhận chứng từ hoá đơn tại các chi cục thuế địa phương.
b. Hàng quý các đơn vị trích nộp các khoản thu theo quy định vào ngân sách Nhà nước theo đúng thời hạn. Mức trích nộp như sau:
Đối với mức thu ở điểm a và b (mục II): Trích nộp ngân sách Nhà nước 10% theo tổng số thực thu
Đối với mức thu ở điểm c (mục II): Trích nộp ngân sách Nhà nước 5 % theo tổng số thực thu
c. Sau khi đã trích nộp Ngân sách Nhà nước, số tiền còn lại được sử dụng cho các nội dung sau:
Mua vật tư, hoá chất, năng lượng phục vụ cho công tác kiểm nghiệm, thử nghiệm, giám định.
Trả công thuê lao động và làm thêm giờ.
Các khoản chi phí khác để thực hiện công việc.
d. Sau khi trích nộp và thực hiện các khoản chi phí trên số còn lại được phân bổ như sau:
60% đưa vào quỹ phát triển khoa học công nghệ để hỗ trợ ngân sách Nhà nước mua sắm máy móc thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật.
40% đưa vào 2 quỹ khen thưởng và phúc lợi, mức tiền thưởng cho một cán bộ công nhân viên tối đa không quá 3 tháng lương một năm.
4. Tổ chức hạch toán và quyết toán:
Các đơn vị hoạt động có thu phải tổ chức kế toán, mở sổ sách theo dõi riêng từng hoạt động kiểm tra, giám định, thủ nghiệm chất lượng sản phẩm hoặc hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ..... Thực hiện chế độ ghi chép kế toán, báo biểu quyết toán theo quyết định số 257/TC/CĐKT ngày 1/6/1990, sử dụng hoá đơn mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 61/TC/TCT ngày 22/7/1993 của Bộ Tài chính.
Hàng quý, hàng năm các đơn vị phải lập báo cáo quyết toán các khoản thu gửi cơ quan tài chính và cơ quan chủ quản cấp trên (nếu có) đồng thời gửi đến cơ quan thuế báo cáo quyết toán thu dịch vụ:
Biểu kết quả kinh doanh (mẫu số 04/BCKT ban hành theo quyết định số 257/TC/CĐKT ngày 1/6/1990 của Bộ Tài chính) gồm 2 phần:
Thu nhập và phân phối thu nhập
Tình hình thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước.
Bản thuyết minh kết quả sản xuất, dịch vụ, giải trình các khoản chi phí, doanh thu.