Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 66/2010/TTLT-BNNPTNT-BLĐTBXH-BTC

Đào Xuân Học
Công báo số 715+716
Thông tư liên tịch 66/2010/TTLT-BNNPTNT-BLĐTBXH-BTC
Thông tư liên tịch
31/12/2010
16/11/2010

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo

Thứ trưởng
2.010
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Toàn văn

 THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp

 từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo

 _________________________________

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020";

Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng thí điểm Thẻ học nghề nông nghiệp từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tại hai tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ sở dạy nghề đủ điều kiện dạy nghề cho lao động nông thôn, có đào tạo các nghề trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng trong các lĩnh vực được quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề và đủ điều kiện xét tuyển vào từng khóa học nghề, gồm:

a) Lao động nông thôn trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề rừng, ngư nghiệp, diêm nghiệp);

b) Lao động nông thôn làm dịch vụ kinh tế - kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp (thú y, bảo vệ thực vật, giống và vật tư nông nghiệp, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn).

Điều 3. Lĩnh vực đào tạo

1. Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp, diêm nghiệp;

2. Chế biến nông, lâm, thủy sản;

3. Quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn;

4. Quản lý và dịch vụ nông nghiệp.

Chương II

MẪU VÀ NỘI DUNG THẺ HỌC NGHỀ NÔNG NGHIỆP

Điều 4. Nội dung Thẻ học nghề nông nghiệp

1. Thẻ học nghề nông nghiệp (sau đây gọi tắt là Thẻ) cấp cho lao động nông thôn các tỉnh thí điểm sử dụng để tham gia các khóa học nghề nông nghiệp gồm có các thông tin sau:

a) Năm phát hành;

b) Số thứ tự và ký hiệu của Thẻ;

c) Họ và tên;

d) Giới tính;

đ) Năm sinh;

e) Dân tộc;

g) Số Chứng minh thư nhân dân;

h) Ảnh cỡ 3cm x 4cm;

i) Nơi cư trú hiện nay;

k) Đối tượng ưu tiên;

l) Thông tin về khoá học nghề: Tên nghề, Tên cơ sở dạy nghề;

m) Dấu và chữ ký của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thí điểm.

2. Mẫu Thẻ theo quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Các loại thẻ, màu thẻ và mệnh giá của Thẻ

1. Thẻ bao gồm có 3 loại tương ứng với 3 đối tượng người học quy định tại điểm 1 mục III Điều 1 của Quyết định số 1956/QĐ-TTg và được quy định bằng 3 màu thẻ khác nhau:

a) Màu đỏ: Thẻ cấp cho lao động nông thôn được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);

Hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

b) Màu xanh: Thẻ cấp cho lao động nông thôn thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế).

c) Màu vàng: Thẻ cấp cho lao động khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế).

2. Hình thức, chất liệu của Thẻ

a) Chất liệu của Thẻ: giấy Couche định lượng 230g.

b) Kích thước Thẻ: chiều dài 210 mm, chiều rộng 148,5 mm (nửa trang giấy khổ A4: 210 mm x 297 mm).

c) Màu sắc và chữ trên Thẻ:

- Đối với Thẻ màu đỏ: Mặt ngoài của Thẻ (trang 1 và 4) có màu nền đỏ, các thông tin trên trang 1và 4 dùng chữ màu đen. Mặt trong của Thẻ (trang 2 và 3) dùng chữ đen trên nền đỏ.

- Đối với Thẻ màu xanh: Mặt ngoài của Thẻ (trang 1 và 4) có màu nền xanh, các thông tin trên trang 1và 4 dùng chữ màu đen. Mặt trong của Thẻ (trang 2 và 3) dùng chữ đen trên nền xanh.

- Đối với Thẻ màu vàng: Mặt ngoài của Thẻ (trang 1 và 4) có màu nền vàng, các thông tin trên trang 1và 4 dùng chữ màu đen. Mặt trong của Thẻ (trang 2 và 3) dùng chữ đen trên nền vàng.

- Cỡ chữ trên Thẻ: được quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

CẤP PHÁT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG THẺ

 HỌC NGHỀ NÔNG NGHIỆP

Điều 6. Trình tự, thủ tục đăng ký cấp Thẻ

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về quy hoạch và phát triển nông nghiệp cho lao động nông thôn thông qua Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban nhân dân xã.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp thông tin về nghề đào tạo, các cơ sở dạy nghề và các chính sách liên quan đối với lao động nông thôn thông qua Ủy ban nhân dân huyện, Uỷ ban nhân dân xã.

3. Người lao động lựa chọn nghề học và đăng ký cấp thẻ học nghề với Ủy ban nhân dân xã theo phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Uỷ ban nhân dân xã tổng hợp báo cáo với Uỷ ban nhân dân huyện (Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội).

4. Uỷ ban nhân dân huyện có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị cấp Thẻ.

Điều 7. In và phát hành Thẻ

1. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh thí điểm phê duyệt danh sách các đối tượng được phát Thẻ học nghề.

Căn cứ vào dự toán kinh phí dành cho việc thực hiện phát hành Thẻ được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao và danh sách các đối tượng đã được phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thí điểm in và phát hành Thẻ cho lao động nông thôn, giao về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện để giao cho Ủy ban nhân dân xã cấp cho lao động nông thôn.

2. Chi phí in, phát hành và huỷ Thẻ được thanh toán theo thực tế từ nguồn kinh phí thực hiện thí điểm hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được cấp có thẩm quyền giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh thí điểm.

Điều 8. Thời hạn sử dụng Thẻ

Mỗi lao động nông thôn đủ điều kiện được cấp 01 Thẻ. Thẻ có giá trị sử dụng trong vòng một năm kể từ ngày phát hành.

Điều 9. Hồ sơ xin cấp Thẻ

 Hồ sơ xin cấp Thẻ lần đầu gồm:

1. Đơn xin cấp Thẻ học nghề nông nghiệp;

2. Chứng minh thư nhân dân (bản phô tô có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền);

3. Tài liệu chứng minh đối tượng chính sách, đối tượng ưu tiên theo quy định (bản phô tô có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền).

Điều 10. Sử dụng Thẻ

1. Thẻ chỉ được sử dụng cho lao động nông thôn trực tiếp tham gia các khóa học nghề nông nghiệp.

2. Khi nhập học, lao động nông thôn nộp Thẻ cho cơ sở dạy nghề đã lựa chọn và tham gia các khóa học nghề đã đăng ký.

3. Lao động nông thôn có nhiệm vụ bảo quản Thẻ, không để mất hoặc hỏng Thẻ; trong trường hợp bị mất, rách, hoặc làm hỏng Thẻ phải viết bản tường trình nộp Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được cấp lại.

4. Các hành vi bị cấm khi sử dụng Thẻ:

a) Cho người khác mượn Thẻ hoặc mượn Thẻ của người khác

b) Tẩy xóa, sửa chữa hoặc làm giả Thẻ;

c) Sử dụng Thẻ không đúng mục đích hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp người sở hữu Thẻ vi phạm các nội dung trên thì sẽ bị thu hồi Thẻ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Quản lý Thẻ

Sở Lao động - Thương binh vã Xã hội các tỉnh thí điểm chịu trách nhiệm:

1. Quản lý hồ sơ đề nghị cấp Thẻ lần đầu và cấp lại Thẻ;

2. Phát hành, thu hồi và hủy Thẻ;

3. Thanh toán, quyết toán kinh phí thí điểm sử dụng Thẻ.

Chương IV

THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ

Điều 12. Nội dung chi và mức chi cho dạy nghề nông nghiệp

1. Nội dung chi và mức chi thực hiện theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; mức chi theo từng nhóm nghề nông nghiệp do Ủy ban nhân dân các tỉnh quy định.

2. Cơ sở dạy nghề chi: Hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ tiền đi lại cho lao động nông thôn thuộc diện chính sách quy định tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ (có Thẻ màu đỏ) sau đó thanh toán với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi phát hành Thẻ.

Điều 13. Hồ sơ thanh toán

1. Hồ sơ thanh toán do các cơ sở dạy nghề gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nơi phát hành thẻ học nghề):

a) Thẻ học nghề nông nghiệp: Bản gốc có đóng dấu "ĐÃ HỌC”;

b) Chứng minh thư nhân dân của học viên (bản phô tô có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền);

c) Quyết định mở lớp (bản phô tô) kèm theo danh sách học viên có Thẻ;

d) Quyết định công nhận tốt nghiệp cho học viên;

đ) Các chứng từ hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại (đối với đối tượng lao động được phát Thẻ màu đỏ):

- Tiền ăn: bảng kê tiền ăn có chữ ký của học viên;

Tiền ăn = số ngày thực học x 15.000đ/người/ngày thực học.

- Tiền đi lại: cuống vé 1 chiều, nhưng khi thanh toán được nhân đôi để tính cả chiều về (vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên).

Đối với các xã không có phương tiện giao thông công cộng thanh toán theo mức khoán tối đa không quá 150.000 đồng/người/khóa học.

e) Giấy đề nghị thanh toán của cơ sở dạy nghề (theo phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này);

2. Hồ sơ thanh toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nơi phát hành thẻ học nghề) gửi kho bạc Nhà nước nơi giao dịch:

a) Dự toán được duyệt;

b) Giấy rút dự toán;

c) Định mức chi phí đào tạo nghề do Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt.

d) Bảng kê thanh toán kinh phí thẻ học nghề do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội lập với các thông tin: danh sách học viên, số thẻ, mệnh giá thẻ, mức đề nghị thanh toán.

Điều 14. Phương thức thanh toán

1. Các cơ sở dạy nghề gửi hồ sơ thanh toán kinh phí dạy nghề cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (nơi phát hành Thẻ) qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm. Trong vòng 15 ngày (kể từ ngày nhận được hồ sơ do cơ sở dạy nghề gửi), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm soát các điều kiện chi theo quy định, nếu đủ điều kiện thì lập giấy rút dự toán, bảng kê thanh toán kinh phí thẻ học nghề gửi kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để trả tiền vào tài khoản của cơ sở dạy nghề theo quy định, trong đó bao gồm cả kinh phí hỗ trợ tiền ăn và tiền đi lại của người lao động nông thôn được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phát Thẻ màu đỏ. Trường hợp cơ sở dạy nghề chưa gửi đủ hồ sơ đề nghị thanh toán thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh theo đúng quy định. Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ thanh toán nêu tại khoản 1 Điều 13, thực hiện chi trả, thanh toán cho cơ sở dạy nghề theo quy định.

2. Kinh phí dạy nghề được thanh toán cho cơ sở dạy nghề không cao hơn giá trị của Thẻ.

a) Trường hợp chi phí đào tạo của nghề học cao hơn giá trị của Thẻ thì người học tự chi trả phần chênh lệch cho cơ sở dạy nghề.

b) Trường hợp chi phí đào tạo thấp hơn giá trị của Thẻ thì người học không được thanh toán lại phần chi phí chênh lệch.

3. Trường hợp người học nghề không thể tham gia đầy đủ cả khóa học và không đủ điều kiện cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề theo quy định thì cơ sở dạy nghề được thanh toán 50% kinh phí dạy nghề.

Điều 15. Quyết toán

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết toán với Sở Tài chính theo quy định hiện hành.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì xây dựng danh mục, chương trình dạy nghề và học liệu các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng cho lao động nông thôn để thí điểm thẻ học nghề nông nghiệp.

b) Chủ trì cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện thí điểm cấp Thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Hướng dẫn các tỉnh thí điểm xây dựng phương án triển khai thí điểm triển khai hình thức cấp Thẻ học nghề nông nghiệp.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa và Bến Tre:

a) Chủ trì xây dựng định mức chi phí đào tạo cho từng nhóm nghề nông nghiệp;

b) Xây dựng phương án triển khai thí điểm hình thức cấp Thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện;

c) Định kỳ tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 17. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp./.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=25924&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận