Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 79/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH

Toàn quốc
Công báo số 389+390, năm 2012
Thông tư liên tịch 79/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH
Thông tư liên tịch
05/07/2012
21/05/2012

Tóm tắt nội dung

Quy định nội dung và mức chi hoạt động hội giảng giáo viên dạy nghề và hội thi thiết bị dạy nghề tự làm

Thứ trưởng
2.012
Bộ Tài chính

Toàn văn

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Quy định nội dung và mức chi hoạt động hội giảng giáo viên

dạy nghề và hội thi thiết bị dạy nghề tự làm

_____________________

 

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Bộ trưởng Bộ Tài chính; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư liên tịch quy định nội dung và mức chi hoạt động Hội giảng giáo viên dạy nghề và Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm,

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện hoạt động Hội giảng giáo viên dạy nghề (sau đây viết tắt là Hội giảng) và Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm (sau đây viết tắt là Hội thi) cấp cơ sở, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), cấp quốc gia và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện hoạt động này.

2. Thông tư này quy định nội dung và mức chi cho các hoạt động tổ chức Hội giảng, Hội thi cấp cơ sở; cấp tỉnh và cấp quốc gia, bao gồm:

a) Hội giảng, Hội thi cấp cơ sở do trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo khác có đăng ký hoạt động dạy nghề (gọi chung là cơ sở dạy nghề) tổ chức hàng năm.

b) Hội giảng, Hội thi cấp tỉnh do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức định kỳ hai năm một lần (đối với Hội giảng), định kỳ ba năm một lần (đối với Hội thi).

c) Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Dạy nghề) tổ chức định kỳ ba năm một lần.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí tổ chức các hoạt động Hội giảng, Hội thi cấp cơ sở, cấp tỉnh được ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành và địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí tổ chức các hoạt động Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia do ngân sách nhà nước bảo đảm trong dự toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

3. Cơ sở dạy nghề ngoài công lập được áp dụng nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này để chi tổ chức các hoạt động Hội giảng, Hội thi cấp cơ sở và do đơn vị tự đảm bảo kinh phí; các khoản chi phí tổ chức Hội giảng, Hội thi có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của đơn vị; trường hợp tham dự Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia, cấp tỉnh được cơ quan tổ chức Hội giảng, Hội thi thanh toán các khoản chi phí theo các mức chi quy định tại Thông tư này.

4. Cơ quan, đơn vị tổ chức Hội giảng, Hội thi các cấp được phép sử dụng kinh phí từ các nguồn thu khác để hỗ trợ mức chi cao hơn mức quy định tại Thông tư này cho các hoạt động Hội giảng, Hội thi.

Điều 3. Nội dung và mức chi cho các hoạt động Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia

1. Chi cho công tác chuẩn bị:

a) Chi cho công tác xây dựng kế hoạch tổng thể, quy chế và các quy định cần thiết khác:

- Xây dựng kế hoạch tổng thể, quy chế Hội giảng, Hội thi. Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/kế hoạch, quy chế. Mức chi cụ thể do Trưởng ban tổ chức Hội giảng, Hội thi phê duyệt;

- Xây dựng đề thi và đáp án kiểm tra chuyên đề về chuyên môn nghiệp vụ trong Hội giảng, Hội thi. Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/đề thi và đáp án (không quá 04 đề thi và đáp án để lựa chọn);

- Xây dựng ngân hàng bài giảng cho Hội giảng. Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/bài giảng trong ngân hàng bài giảng;

- Xây dựng phiếu đánh giá, xếp loại cho mỗi loại bài giảng tại Hội giảng. Mức chi tối đa 500.000 đồng/phiếu;

- Xây dựng tiêu chí chung đánh giá và khung điểm cho từng tiêu chí trong Hội thi, Hội giảng. Mức chi tối đa 1.000.000 đồng/Hội thi, Hội giảng;

- Xây dựng thang điểm chi tiết theo từng nghề trong Hội thi. Mức chi tối đa 500.000 đồng/nghề;

- Phân loại thiết bị tham dự Hội thi theo nghề, nhóm nghề. Mức chi tối đa 100.000 đồng/thiết bị dự thi;

- Lấy ý kiến chuyên gia về xây dựng kế hoạch tổng thể, quy chế Hội giảng, Hội thi; đề thi và đáp án; ngân hàng bài giảng; phiếu đánh giá và xếp loại bài giảng; tiêu chí chung đánh giá và khung điểm. Mức chi tối đa 500.000 đồng/ý kiến bằng văn bản, không quá ba ý kiến bằng văn bản cho mỗi nội dung.

b) Chi tổ chức hội thảo phục vụ cho Hội giảng, Hội thi

- Chi thuê địa điểm (trường hợp đơn vị không có địa điểm), trang trí, thuê phương tiện, máy móc, thiết bị (nếu có), tài liệu, nước uống. Mức chi căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hợp đồng, hóa đơn và các chứng từ chi tiêu hợp pháp.

- Chi cho người chủ trì, báo cáo tham luận và thành viên tham dự hội thảo, cụ thể:

+ Người chủ trì hội thảo: 300.000 đồng/người/buổi;

+ Thư ký: 200.000 đồng/người/buổi;

+ Thành viên tham dự: 100.000 đồng/người/buổi;

+ Báo cáo tham luận: 500.000 đồng/bài viết.

c) Chi làm thêm giờ của các thành viên Ban Tổ chức Hội giảng, Hội thi theo quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của liên Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức.

d) Chi họp Ban tổ chức, Hội đồng giám khảo, họp báo công bố Hội giảng, Hội thi, góp ý các nội dung của công tác chuẩn bị Hội giảng, Hội thi: Số lần họp thực hiện theo yêu cầu thực tế công việc do Trưởng ban tổ chức Hội giảng, Hội thi quyết định. Mức chi 100.000 đồng/người/buổi.

đ) Chi văn phòng phẩm và tài liệu gồm: Giấy in, mực in, bút viết, nhân bản các tài liệu, bài thi, biểu mẫu; phù hiệu, biển hiệu, hoa cài; bằng khen, giấy khen giấy chứng nhận (cả khung kính), cờ lưu niệm; in, gửi giấy mời. Mức chi theo thực tế do Trưởng ban tổ chức Hội giảng, Hội thi  quyết định trong dự toán được giao.

e) Chi công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình thực hiện Hội giảng, Hội thi cấp tỉnh ở một số tỉnh, thành phố và công tác chuẩn bị Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia tại địa bàn tổ chức Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia. Mức chi theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Thông tư số 97/2010/TT-BTC).

2. Chi hoạt động tổ chức Hội giảng, Hội thi:

a) Chi thuê địa điểm (trường hợp đơn vị không có địa điểm), hội trường, phương tiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ; mua nguyên vật liệu phù hợp với yêu cầu chuyên môn của từng nghề (nếu có); chi thuê vận chuyển thiết bị, bốc dỡ, lắp đặt giới thiệu thiết bị dạy nghề tự làm đạt giải phục vụ trực tiếp cho công tác tổ chức tại nơi bế mạc Hội giảng, Hội thi (nếu có). Mức chi theo thực tế do Trưởng ban tổ chức Hội giảng, Hội thi quyết định trên cơ sở hợp đồng, hóa đơn và các chứng từ chi tiêu hợp pháp.

b) Chi nước uống phục vụ Hội giảng, Hội thi. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

c) Chi khai mạc, bế mạc Hội giảng, Hội thi. Mức chi theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC.

d) Chi hoạt động thông tin, tuyên truyền về Hội thi, Hội giảng như: chụp ảnh, quay phim, làm tư liệu tuyên truyền, truyền hình, phát thanh, viết bài cho báo đài, làm kỷ yếu Hội thi, Hội giảng, băng rôn, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích (nếu có) theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức chi căn cứ vào hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp.

đ) Chi thù lao bồi dưỡng:

- Trưởng Ban Tổ chức, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Hội giảng, Hội thi, Trưởng Tiểu ban thư ký tổng hợp, Trưởng ban giám khảo: mức chi 200.000 đồng/người/ngày;

- Thành viên Ban tổ chức, Thành viên Ban giám khảo và các Tiểu ban giúp việc cho Ban Tổ chức, thành viên Tiểu ban thư ký: mức chi 150.000 đồng/ngày/người;

- Chi cho giáo viên, chuyên gia, người làm công tác giám thị, thanh tra, kiểm tra trong quá trình diễn ra Hội giảng, Hội thi: mức chi 120.000 đồng/ngày/người;

- Chi cho nhân viên y tế, kỹ thuật viên, nhân viên phục vụ, lái xe, bảo vệ và những người khác trực tiếp tham gia công tác tổ chức Hội giảng, Hội thi (số lượng người tham gia do Trưởng ban tổ chức Hội giảng, Hội thi quyết định): mức chi 100.000 đồng/người/ngày.

e) Chi thuê phòng nghỉ, phương tiện đi lại (gồm đi, về và đi lại phục vụ trong thời gian Hội giảng, Hội thi), công tác phí cho thành viên Ban Tổ chức, Chủ tịch, Phó chủ tịch, thư ký Hội đồng giám khảo, giám khảo: Mức chi theo quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC. Những người đã hưởng khoản chi này của cơ quan tổ chức Hội giảng, Hội thi thì không được thanh toán chế độ công tác phí ở cơ quan, đơn vị cử đi.

g) Chi thù lao giảng viên giảng thử: Tùy theo đối tượng, trình độ học viên mà Ban Tổ chức bố trí mời giảng viên cho phù hợp. Mức chi thù lao giảng viên (đã bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) 300.000 đồng/người/buổi (tối đa 2 buổi).

h) Hỗ trợ tiền ăn cho người dự thi trong những ngày tham gia Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia: Mức chi 150.000 đồng/ngày/người (tối đa không quá 7 ngày).

i) Chấm thi, xét kết quả thi và tổng hợp báo cáo:

- Chi đánh giá và chấm thử bài thi, thiết bị trong Hội giảng, Hội thi. Mức chi 200.000 đồng/người/buổi;

- Chấm bài kiểm tra nhận thức trong Hội giảng. Mức chi 20.000 đồng/bài thi/người chấm thi;

- Chấm giáo án Hội giảng. Mức chi 30.000 đồng/giáo án hoặc hồ sơ/người chấm thi;

- Chấm bài trình giảng tại Hội giảng. Mức chi 150.000 đồng/bài/người chấm thi;

- Chấm hồ sơ thiết bị Hội thi. Mức chi 50.000 đồng/hồ sơ/người chấm thi;

- Chấm thiết bị dự Hội thi. Mức chi 100.000 đồng/thiết bị/người chấm thi;

- Họp xét kết quả thi và xét thưởng. Mức chi 100.000 đồng/người/buổi;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả thi của các tiểu ban trong Hội giảng, Hội thi: Mức chi 400.000 đồng/tiểu ban;

- Tổng hợp báo cáo kết quả Hội giảng, Hội thi: Mức chi 1.000.000 đồng/Hội giảng, Hội thi.

- Số lượng người chấm thi, xét kết quả thi do Trưởng Ban tổ chức Hội giảng, Hội thi quy định phù hợp với quy mô từng cuộc thi.

3. Chi khen thưởng tập thể và cá nhân đạt giải trong Hội giảng, Hội thi: Mức chi tối đa/giải thưởng tính theo bài giảng hoặc thiết bị đạt giải như sau:

a) Đối với cá nhân:

- Giải nhất: 2.000.000 đồng;

- Giải nhì: 1.500.000 đồng;

- Giải ba: 1.000.000 đồng;

- Giải khuyến khích: 300.000 đồng.

b) Đối với tập thể:

- Giải nhất: 4.000.000 đồng;

- Giải nhì: 3.000.000 đồng;

- Giải ba: 2.000.000 đồng;

- Giải khuyến khích: 500.000 đồng.

4. Các khoản chi khác (phát sinh ngoài kế hoạch) chưa quy định tại Thông tư này hoặc trong các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Trưởng ban tổ chức Hội giảng, Hội thi quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 4. Nội dung và mức chi cho các hoạt động Hội giảng, Hội thi cấp tỉnh, cấp cơ sở

1. Trên cơ sở các nội dung chi và mức chi quy định đối với Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia quy định tại Điều 3, Thủ trưởng các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và cơ sở dạy nghề quy định các nội dung và mức chi cụ thể cho Hội giảng, Hội thi cấp tỉnh, cấp cơ sở theo quy mô cuộc thi và khả năng nguồn kinh phí của đơn vị, nhưng không vượt quá các mức chi quy định cho Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia.

2. Ngoài các nội dung chi và mức chi áp dụng theo Hội giảng, Hội thi cấp quốc gia, Hội giảng, Hội thi cấp tỉnh, cấp cơ sở còn được chi bồi dưỡng cho giáo viên, chuyên gia luyện thi như sau:

a) Thời gian bồi dưỡng luyện thi cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định phù hợp với từng nghề và nội dung thi.

b) Hỗ trợ tiền ăn cho giáo viên trong quá trình luyện thi tham gia Hội giảng, Hội thi; chi tiền ăn, thù lao cho giảng viên, chuyên gia trực tiếp hướng dẫn luyện thi. Mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5 tháng 7 năm 2012 và thay thế Thông tư số 109/2006/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 22/11/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn nội dung chi, mức chi, quản lý kinh phí Hội giảng giáo viên dạy nghề và Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm. Thông tư này được áp dụng từ năm ngân sách 2012.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./. 


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=27590&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận