Văn bản pháp luật: Thông tư liên tịch 80/LB-TT

 
Sách-Nhà Xuất bản chính trị Quốc gia;
Thông tư liên tịch 80/LB-TT
Thông tư liên tịch
...
30/12/1991

Tóm tắt nội dung

Hướng dẫn thực hiện chế độ kế toán SXKD ngoài quốc doanh áp dụng cho các HTX nông nghiệp

 
1.991
 

Toàn văn

Thông tư

THÔNG TƯ

SỐ 80/LB-TT NGÀY 30-12-1991 CỦA LIÊN BỘ
TÀI CHÍNH - NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN SXKD NGOÀI QUỐC DOANH ÁP DỤNG CHO CÁC HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP.

Bộ Tài chính đã có quyết định số 598/TC-CĐKT ngày 08-12-1990 ban hành chế độ kế toán sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh, áp dụng thống nhất trong cả nước cho các hộ kinh doanh cá thể, hộ tiểu công nghiệp, các xí nghiệp, công ty tư doanh, các hợp tác xã, các tổ chức kinh doanh tập thể của các đoàn thể, cơ quan hành chính sự nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông lâm nghiệp, xây dựng, vận tải, khai thác tài nguyên, nuôi trồng hải sản...

Để các địa phương có căn cứ hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp thực hiện thống nhất chế độ kế toán sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh, Liên Bộ Tài chính - Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm hướng dẫn như sau:

1- Hệ thống tài khoản kế toán

Áp dụng hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị sản xuất kinh doanh ngoài quốc doanh với các quy định sửa đổi, bổ sung như sau:

1- Không sử dụng các tài khoản:

- 21 "Nguyên liệu, vật liệu"

- 36 "Chi phí theo dự toán"

- 68 "Thanh toán bảo hiểm xã hội"

- 69 "Thanh toán với lao động và các cổ đông".

2- Sửa lại tên, nội dung hạch toán và bổ sung, sửa đổi một số tiểu khoản của các tài khoản:

a) Tài khoản 24 "Sản phẩm, hàng hoá" đổi tên thành "Vật tư, sản phẩm". Tài khoản này hạch toán tình hình nhập xuất, tồn kho vật liệu, sản phẩm hàng hoá do hợp tác xã tự sản xuất hoặc mua ngoài.

b) Tài khoản 40 "Tiêu thụ và kết quả": Phản ánh toàn bộ chi phí và thu nhập của khối lượng sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề và dịch vụ do hợp tác xã quản lý đã được tiêu thụ trong một kỳ hạch toán.

Tài khoản 40 gồm 3 tiểu khoản:

401 - Tiêu thụ sản phẩm: phản ánh việc tiêu thụ sản phẩm. Trường hợp sản phẩm đã được hạch toán một lần qua thu nhập theo giá tính thu nhập chung của hợp tác xã, thì khi chuyển sản phẩm ra tiêu thụ, bên Nợ tiểu khoản này ghi theo giá đã tính thu nhập, bên Có ghi theo giá bán thực tế, số chênh lệch về tiêu thụ sản phẩm thuộc nguồn nào ghi tăng nguồn đó. Trường hợp sản phẩm chưa tính thu nhập việc hạch toán tiêu thụ như quy định trong chế độ kế toán ngoài quốc doanh.

402- Hoạt động kinh doanh dịch vụ: phản ánh chi phí và thu nhập của các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và các dịch vụ khác do hợp tác xã tổ chức kinh doanh và quản lý. Số chênh lệch được kết chuyển sang tài khoản 70 "Thu nhập và phân phối".

403- Hoạt động khác: Phản ánh chi phí và thu nhập của các hoạt động khác có phát sinh trong hợp tác xã như: hoạt động liên doanh, liên kết, hoạt động thanh lý, nhượng bán tài sản cố định...

c) Tài khoản 62 "Các khoản phải thu, phải trả" có một số thay đổi về nội dung phản ánh như sau:

621- Phải thu: Phản ánh tình hình thanh toán các khoản phải thu của hợp tác xã với các đối tượng trong và ngoài hợp tác xã (trừ sản phẩm khoán) bao gồm các khoản phải thu ở người mua, các khoản phải thu vãng lai khác với đơn vị bên ngoài, phải thu về tạm ứng, phải thu về bồi thường vật chất, cho vay mượn vật tư, tiền vốn, phạt vi phạm hợp đồng kinh tế.

622- phải trả: Phản ánh tình hình thanh toán các khoản nợ phải trả giữa hợp tác xã với các đơn vị và cá nhân trong và ngoài hợp tác xã, bao gồm cả phải trả cho người bán, phải trả khác.

623- Thanh toán với người nhận khoán: Phản ánh số hợp tác xã phải thu và tình hình thanh toán của người nhận khoán với hợp tác xã về sản phẩm khoán và các khoản phải nộp theo quy định trong hợp đồng khoán (gồm cả khoán trong nông nghiệp - cây và con và khoán các ngành nghề dịch vụ).

Đối với các trường hợp khoán sản phẩm, ghi vào bên Nợ và bên Có tiểu khoản 623 theo cùng một giá và có thể lấy giá tính thuế của Nhà nước quy định đối với các loại thu bằng thóc, hoặc giá tính thu nhập của hợp tác xã. Trường hợp khi người nhận khoán giao nộp sản phẩm cho hợp tác xã nếu có phát sinh chênh lệch giá (do Nhà nước điều chỉnh giá thóc thuế cao hơn giá tính thu nhập...) thì trên tiểu khoản 623 "Thanh toán với người nhận khoán" vẫn hạch toán theo giá tính thu nhập, còn khoản chênh lệch giữa giá cũ (giá đã tính thu nhập) với giá mới ghi vào tài khoản 70 "Thu nhập và phân phối thu nhập).

Không phản ánh vào tiểu khoản 623 "Thanh toán với người nhận khoán" các khoản hợp tác xã ứng trước hoặc cho vay vốn với người nhận khoán.

d) Tài khoản 70 "Thu nhập và phân phối thu nhập". Nội dung thu nhập phản ánh vào tài khoản này gồm:

- Số thu nhập về sản phẩm khoán mà người nhận khoán phải thanh toán;

- Số chênh lệch về tiêu thụ sản phẩm thuộc vốn kinh doanh (trừ sản phẩm thuộc về các quỹ hợp tác xã);

- Phản ánh khoản thu nhập của hoạt động kinh doanh dịch vụ và các hoạt động khác do hợp tác xã tổ chức kinh doanh quản lý.

Số thu nhập trên được phân phối:

- Bù đắp các khoản lỗ và coi như lỗ;

- Nộp thuế cho Nhà nước;

- Trích lập các quỹ hợp tác xã:

- Phân phối lãi cho người góp vốn liên doanh;

- Phân phối thêm thu nhập (ngoài khoán) cho xã viên.

g) Tài khoản 80 "Nguồn vốn pháp định" đổi tên thành "nguồn vốn sản xuất kinh doanh.

Tài khoản này phản ánh nguồn tự có của hợp tác xã sử dụng vào sản xuất kinh doanh.

Với những sửa đổi, bổ sung trên, hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp có 15 tài khoản. Danh mục các tài khoản, nội dung hạch toán một số nghiệp vụ đặc thù xem phụ lục số 1 đính kèm.

 

II- SỔ KẾ TOÁN

1. Đối với những tổ chức hợp tác có thời hạn theo vụ việc hoặc theo mùa vụ không có tư cách pháp nhân thực hiện kế toán đơn và phải mở 4 sổ sau đây:

- Sổ tiền mặt;

- Sổ vật liệu sản phẩm;

- Sổ chi phí;

- Sổ thu nhập.

Mẫu sổ và phương pháp ghi sổ theo phụ lục số 2 đính kèm. Ngoài ra đơn vị nào có công nợ mở thêm sổ theo dõi công nợ.

2- Đối với các hợp tác xã có tư cách pháp nhân thực hiện kế toán kép và hình thức sổ kế toán Nhật ký - Sổ cái và các mẫu sổ trong phụ lục số 4 quy định cho các xí nghiệp tư nhân, các hợp tác xã trong chế độ kế toán ngoài quốc doanh. Riêng mẫu số 10-SKT/NQD "Sổ theo dõi lao động và thanh toán tiền công" được thay bằng mẫu số 10-SKT/NQD "Sổ thanh toán sản phẩm với người nhận khoán".

Mẫu và phương pháp ghi sổ "Thanh toán sản phẩm với người nhận khoán" và danh mục sổ sử dụng cho các hợp tác xã nông nghiệp loại này quy định trong phụ lục số 2 đính kèm.

 

III- CHỨNG TỪ VÀ BÁO CÁO KẾ TOÁN

Thực hiện theo quy định trong chế độ kế toán ngoài quốc doanh.

Đề nghị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện chế độ kế toán ngoài quốc doanh ban hành theo Quyết định số 598 TC/CĐKT ngày 08-12-1990 của Bộ tài chính và theo hướng dẫn của Thông tư liên bộ cho các hợp tác xã nông nghiệp kể từ ngày 01-01-1992. Quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính (Vụ chế độ kế toán) và Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm (ban chính sách và quản lý nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm) để nghiên cứu hướng dẫn thêm.


Nguồn: vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-thuoctinh.aspx?ItemID=11402&Keyword=


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận