Quản lý nhà hàng (QLNH) là một vị trí quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ nhà hàng nào. Người quản lý đôi khi có thể là chủ nhà hàng hoặc là người có kinh nghiệm được thuê để trực tiếp quản lý công việc kinh doanh hằng ngày của nhà hàng.
Trình độ chuyên môn cần thiết để là một người QLNH bao gồm các vấn đề cơ bản như kiến thức chuyên môn, kỹ năng tổ chức, điều hành nhân viên và công việc. Tuy nhiên, tùy vào quy mô và ý tưởng kinh doanh của nhà hàng, người QLNH được yêu cầu có bằng cấp hay những yêu cầu đặc biệt khác hay không.
Các hoạt động, trách nhiệm chính của một QLNH thay đổi khác nhau tại mỗi điểm kinh doanh, và tùy thuộc vào loại nhà hàng, nhưng thường bao gồm:
Hoạt động kinh doanh:
- Chịu trách nhiệm hiệu quả kinh doanh của nhà hàng;
- Phân tích và lập kế hoạch bán hàng và thu lợi nhuận;
- Tổ chức các hoạt động tiếp thị, như các sự kiện khuyến mãi, giảm giá;
- Báo cáo tình hình nhân viên, kinh doanh, doanh thu, kiểm kê hàng hóa sau mỗi ca / mỗi ngày.
- Lập và thực hiện kế hoạch cho bộ phận bán hàng và nhân sự;
- Thiết lập ngân sách cùng với các cấp quản lý;
- Lên thực đơn cùng với Bếp trưởng.
Hoạt động điều hành:
- Điều phối toàn bộ hoạt động của nhà hàng làm việc theo lịch trình;
- Tuyển dụng, đào tạo, thúc đẩy, quản lý, sa thải nhân viên;
- Đảm bảo hiệu quả làm việc của nhân viên, và các quy chuẩn được tuân thủ;
- Gặp gỡ, đón tiếp, tư vấn sự chọn lựa cho khách hàng, đảm bảo sự hài lòng của họ về chất lượng phục vụ và chất lượng món ăn, thức uống;
- Giải quyết tình huống và phản hồi khiếu nại của khách hàng;
- Phối hợp với Bếp trưởng và bộ phận bếp để nhà hàng hoạt động suôn sẻ.
- Duy trì sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cao vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe, và an toàn;
- Kiểm kê hàng hóa và đặt hàng;
- Kiểm soát tiền mặt và doanh thu mỗi ngày.
- Hỗ trợ các bộ phận của nhà hàng.