Ai về đến huyện Đông Anh Ghé thăm phong cảnh Loa Thành Thục Vương Cổ Loa hình ốc khác thường Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây
Cổ Loa là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và đô thị cổ cách đây gần hai thiên niên kỉ.
Di tích nằm về phía Đông bắc thủ đô Hà Nội. Từ trung tâm thủ đô, qua cầu Chương Dương, theo Quốc lộ 1, đến cây số 11, qua Cầu Đuống, rẽ trái đi tiếp đến cây số 18 là đến khu vực di tích thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Lịch sử - truyền thuyết
Khu vực Cổ Loa là một khu thành đất rất đồ sộ với ba vòng thành, tổng cộng dài 16km được xây dựng vào khoảng thế kỉ III TCN. Thành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc. An Dương Vương định đô ở Cổ Loa, cho xây ở đây một thành hình ốc gọi là Loa Thành. Câu chuyện xây dựng Loa Thành đã đi vào truyền thuyết và trở thành huyền thoại. Thành cứ ngày xây, đêm đổ nên chỉ khi vua được thần Kim Quy (Rùa Vàng) mách kế diệt Bạch Kê Tinh thì thành mới xây xong. Lẫy nỏ của chiếc nỏ thần mà vua sử dụng chính là móng rùa vàng. Nỏ thần bắn bách phát bách trúng đã giúp vua diệt giặc, giữ thành. Sau khi dùng kế cho Trọng Thuỷ sang ở rể và đánh tráo nỏ thần, Triệu Đà bèn kéo quân sang xâm lược Âu Lạc vì thế An Dương Vương phải bỏ thành, dẫn con gái là Mị Châu chạy trốn. Thế nhưng, những chiếc lông ngỗng Mị Châu rắc trên đường đi làm dấu hiệu cho Trọng Thuỷ tìm mình cũng chính là dấu vết dẫn dắt kẻ thù truy đuổi. Khi chạy đến chân đèo Mộ Dạ, An Dương Vương hiểu ra sự thật nên đã rút kiếm chém chết con gái mình. Trọng Thuỷ tìm được đến nơi thì Mị Châu đã chết. Thất vọng vì mất người yêu, Trọng Thuỷ gieo mình xuống giếng trong Loa Thành. Từ đó, giếng ngọc trong Loa Thành mang tên là giếng Trọng Thuỷ.
Kiến trúc
Thành trong của Loa Thành hình chữ nhật, chu vi 1650m, được xem là chỗ ở của vua, còn gọi là Thành Nội hay Hoàng Thành. Vòng thành giữa mà truyền thuyết gọi là Thành Trung bao quanh Thành Nội, chu vi 6500m. Ngoài ba vòng thành, khu vực Cổ Loa còn có nhiều gò đống, đầm hồ, hào luỹ, bến sông gắn với thời An Dương Vương như Gò Vua, Gò Cột Cờ, Gò Đống Chuông, Gò Đống Bắn, Vườn Thuyền, Ao Mắm, Đầm Cả...
Ngoài khu thành đất đồ sộ, có giá trị lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử quân sự, xã hội thời thượng cổ trên miền Bắc nước ta, Cổ Loa còn cung cấp cho ngành khảo cổ nhiều hiện vật có giá trị. Vào năm 1982, trống đồng Cổ Loa được phát hiện tại gò Mả Tre, cùng với bộ sưu tập lưỡi cày đồng và hàng vạn mũi tên đồng nổi tiếng thuộc Văn hoá Đông Sơn cách đây hơn 20 thế kỉ.
Trong khu vực Thành Nội hiện nay cũng có nhiều kiến trúc mới là các công trình tưởng niệm vua An Dương Vương được nhân dân ta xây dựng sau này như: Đền Thượng, Ngự Triều Di Quý, nhà bia và chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự). Trong đền Thượng còn lưu giữ pho tượng An Dương Vương bằng đồng hun, đúc năm 1987, hai con ngựa Hồng Bạch làm năm 1716. Trước cổng đền có hai con rồng đá, thân uốn lượn, tay vuốt râu, thể hiện những nét chạm tinh tế của nghệ thuật thế kỉ XVII.
Phía đền Thượng là Bảo Sơn tự. Đây là một ngôi chùa cổ còn lưu lại số tượng Phật rất lớn gồm 134 pho tượng tròn, phần lớn mang phong cách tạo tác ở thế kỉ XVII - XVIII, là những di vật có giá trị lớn bên cạnh văn bia, hoành phi, câu đối.
Đình Ngự Triều Di Quy, còn được gọi là đình Cổ Loa, được dựng từ thế kỉ XVIII (tương truyền là đưa về từ nơi khác), trên khu đất là khu Ngự Triều Di Quy xưa vua Thục thường thiết triều. Giữa đình còn bức cửa võng chạm hình tứ linh (long, ly, quy, phụng) và tứ quý (đào, cúc, trúc, mai), các cốn, đầu dư chạm khá tinh tế, thiếp vàng rực rỡ. Trong đình còn có câu đối của Tôn Thất Thuyết:
Tặc đáo Loa Thành tuỳ diệt một
Điện vô Quy nỗ dã uy danh
Dịch nghĩa:
Giặc đến Loa Thành đều chuốc chết
Điện không thần nỏ vẫn linh thiêng
Bên trái đình là cây đa nghìn tuổi. Đáng tiếc là cây đa hiện nay đã không còn. Sau gốc đa, phía cửa tò vò là am (miếu) thờ Mị Châu. Trong am thờ một hòn đá cụt đầu, thường được trùm vải đỏ, tương truyền là do Mị Châu chết oan nên xác kết thành một hòn đá trôi về phía Đông thành Trung, dân Cổ Loa thấy kì dị nên rước về thờ. Am thờ Mị Châu cũng là một địa chỉ thu hút nhiều tao nhân mặc khách đề thơ thương cảm như Chu Mạnh Trinh có Đề Mị Châu miếu:
Lang quân tình trọng phụ ân thâm
Bất bạch kì oan trực đáo câm
Trường trảo vô linh quy diệc khứ
Minh châu hữu lệ bang do trầm
Hoang bo cổ mộc thiên niên quốc
Bích hải giao thiên nhất phiến tâm
Tịch mịch tiên triều cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn, Nguyệt âm âm
Dịch thơ:
Tình chồng vốn nặng nghĩa cha sâu
Oan khuất còn vương giãi nổi đâu
Vuốt chẳng còn thiêng, rùa đã tếch
Ngọc trong đọng lệ bạng chìm sâu
Nghìn năm nước cũ, bia cây cũ
Một tấm lòng đau, trời nước đau
Vắng vẻ chiều xưa, ngôi miếu lẻ
Tiếng quyên đứt nối, ánh trăng sầu...
(Bản dịch của Ngô Văn Phú)
Ngày nay, trong khu di tích Cổ Loa còn rất nhiều câu đối cũng như thơ văn xướng hoạ của các bậc danh sĩ từ hàng ngàn năm qua, đặc biệt là các câu đối miêu tả cảnh đẹp cũng như gợi lại lịch sử của di tích như:
Quy nỗ phục thần, hộ quốc, tý dân quang tự điển
Loa Thành hiển thánh hành cung cổ điện nhận tiến triều
Dịch nghĩa:
Nỏ quý sức thần, giữ nước, giúp dân ngời tự điển
Thành Loa thánh hiện, hành cung, điện cũ dáng triều xưa
Hay:
Nhất cử hùng đồ quy Việt giám
Thiên thu thanh miếu trĩ Loa Thành
Dịch nghĩa:
Binh giấy một phen gương sáng mãi
Miếu thiêng nghìn thuở ngất Loa Thành
Hay:
Trắc giáng cửu thiên linh, nhập kì môn giả, do tưởng thần cung bảo kiếm
Hưng vong thiên tải hận, quá kì địa giả, quá kì địa giả, duy kiến cổ mộc hàn nha
Dịch nghĩa:
Chín tầng thiên giáng thế, người đến cửa này, tưởng thấy nỏ thần, gươm báu
Hận nghìn thuở hưng vong, kẻ qua đất ấy, còn chăng quạ đậu cành cao
Hàng năm, lễ hội đình Cổ Loa được tổ chức từ ngày mồng 6 tháng Giêng âm lịch với sự tham gia của 8 làng cũng thờ Thục Phán An Dương Vương. Lễ hội có rất nhiều trò vui như hát ca trù, chèo, tuồng, kéo co, cờ người, thổi cơm thi ...
Cổ Loa là di tích lớn, là địa danh duy nhất còn lại đến ngày nay về một thủ phủ với quy mô bề thế ở đồng bằng Bắc Bộ. Cổ Loa là cố đô đầu tiên, là nơi lưu giữ, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị vật chất, tinh thần của vùng đất thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.
Khu di tích Cổ Loa được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá đợt đầu tiên của thành phố Hà Nội vào tháng 4/1962.
Hiện trạng
Cổ Loa là một trong những khu di tích khảo cổ lớn nhất hội tụ các giai đoạn lịch sử đồ đá, đồ đồng, sắt. Đây cũng là thủ đô với hệ thống vòng thành hoàn chỉnh và cổ nhất của Việt Nam, đồng thời là kiến trúc hình xoắn ốc duy nhất trên thế giới với hệ thống sông hào là sự phối hợp hài hoà giữa các mô, con trạch đất, đồng lầy tự nhiên và nhân tạo. Khu di tích cũng bao gồm hệ thống các công trình kiến trúc và các làng cổ có giá trị văn hoá nghệ thuật lớn. Thế nhưng, hiện tại, du khách đến thăm Cổ Loa chỉ nhìn thấy những vết tích, đình đền bị xuống cấp nằm xen kẽ giữa những kiến trúc hiện đại. Các kiến trúc được trùng tu như đình Ngự Triều Di Quy, am Mị Châu, đền An Dương Vương ... lại nằm gần kề với các dãy nhà, toà biệt thự, ki ốt bán hàng. Các kiến trúc hiện đại này lại được xây dựng ngay trên tường thành ngoại và thành trung.
Nói đến công tác bảo tồn, Ban chỉ đạo xây dựng dự án Cổ Loa cũng thừa nhận tiến độ bảo tồn diễn ra rất chậm. Từ tháng 9/1994, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát hiện trạng di tích, lập dự án quy hoạch di tích thành Cổ Loa. Giữa năm 1995, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo và khai thác di tích thành Cổ Loa. Đến đầu năm 2001, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch tổng thể chi tiết khu di tích thành Cổ Loa lên tới hơn 800 ha, trong khi đó, tại văn bản thông qua của Chính phủ lại chỉ có hơn 400 ha. Chính vì thế, khi thành phố Hà Nội trình lên Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cổ Loa thì không được chấp nhận. Từ năm 1999, Hà Nội tiếp tục xây dựng dự án chi tiết và xin ý kiến các cơ quan bộ, ngành liên quan xem xét, thẩm định để sau đó trình Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay, công việc chuẩn bị này vẫn chưa hoàn tất.
Khu di tích Cổ Loa không chỉ có ý nghĩa về mặt kiến trúc mà còn mang một ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử. Thiết nghĩ, công tác bảo tồn, tu tạo nên được gấp rút thực hiện để nơi đây trở thành một địa chỉ văn hoá, một điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.