Ca dao: Trường đồ tri mã lực

Nội dung chi tiết

Trường đồ tri mã lực

Trường đồ tri mã lực

Cửu xử thức “Hiền Nhân”

 (Đường dài mới biết ngựa hay,

Ở lâu mới biết là người Hiền Nhân)

 

Tương tự:

Lộ: Đường đi. Dao: Diêu: xa. Tri: biết. Mã lực: sức ngựa.

Lộ dao tri mã lực là đường xa mới biết sức ngựa.

Tham khảo thêm:

 

 
article-image

“Tuyết in sắc ngựa câu dòn,

Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.”

( Kim- Vân- Kiều / Nguyễn Du )

 

-“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao,

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.”

( Chinh Phụ ngâm/ Đoàn thị Điểm )

 

-“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách,

Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu,

Người xuống ngựa, khách dừng chèo,

Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti.”

( Tì bà hành/ Bạch cư Di )

 

-“Ngựa hồng đã đến bên hiên,

Chị ơi! Lưng ngựa trên yên vắng người!..

Nhẹ nhàng em hãy buông rèm xuống,

Chị sợ bên sông bóng ngựa chìm!”

( Mòn mỏi/Thanh Tịnh )

 

-“Sáng nay vô số lá vàng rơi,

Người gái trinh kia đã chết rồi!

Có một chiếc xe màu trắng đục,

Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi,

Đem đi một chiếc quan tài trắng,

Và những bông hoa trắng lạnh người,

Cất bước theo sau những người khăn áo trắng,

Khóc đưa linh hồn trong trắng mãi không thôi. “

( Hồn trinh nữ/Nguyễn Bính )

 

Tôi đã yêu thích ngựa ngay từ những năm tháng còn cắp sách đến trường qua những vần thơ trên. Có chủ quan và lãng mạn không khi mà những vần thơ mang bóng dáng người và ngựa quyện vào nhau tạo nên những bức tranh tuyệt mỹ: hùng tráng, thanh thoát, lãng mạn, u buồn…còn mãi ẩn dấu trong tâm hồn ?

Theo niên lịch Đông Phương, năm nay là Giáp Ngọ (năm con ngựa), đặt tên do cách ghép của 10 can và 12 chi, nên cứ 12 năm lại có năm Ngọ và đúng 60 năm sau năm Giáp Ngọ quay trở lại. Ngọ, Ngựa gọi theo Hán tự là Mã. Ngựa đứng hàng thứ 7 trong 12 con giáp, đến sau chú rắn tinh quái và trước cụ dê xồm. Ngựa có nhiều giống với nhiều màu sắc khác nhau: trắng, đen, hồng, nâu, vằn. Thân ngựa thon dài, đẹp nhất là chiếc bờm mền mại cuốn lộng trong gió khi ngựa lướt nhanh với tiếng hí vang trời, thật hào hùng! Giống ngựa Shire Anh quốc to lớn nhất, cao tới 1m80. Còn loại nhỏ nhất là Falabella, Argentina cao không qúa 70cm. Ngựa sống lâu từ 25- 30 năm. Con Sugar Puff sống đến 56 năm được ghi vào sách kỷ lục Guinness. Loại đẹp mã được ưa thích nhất là ngựa bạch. Chẳng thế mà các tiểu thư cứ ngơ ngẩn mơ màng mong gặp được chàng bạch mã, cũng như xưa người vợ trẻ nhẫn nhục vất vả nuôi chồng ăn học để mong có ngày ‘ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau’. Ngựa là giống thú hoang, nhưng đã xuất hiện bên con người hơn 6000 năm trước, đầu tiên tại Ukraine sau tràn qua Mông Cổ, Trung Hoa, Ai Cập, Ả Rập, rồi Hy Lạp, La Mã…Sở dĩ ngựa được thuần hóa và nói đến nhiều vì đặc tính trung thành, đa dụng và trở nên thân thương bình dị qua ngôn ngữ như: tuấn mã, chiến mã, đẹp mã, binh mã, kỵ mã, thám mã, mã phu, mã thượng, mã lực …Con gái mới lớn mơn mởn đào tơ gọi là ‘trổ mã’. Con trai cao ráo sáng sủa gọi là ‘tốt mã’ và nếu cậu nào hung hăng ỷ vào sức lực giống ‘ngựa non háu đá’ sẽ bị chê trách. Còn cứng đầu khó dạy như ‘ngựa bất kham’ thì hết thuốc chữa. Có cải tà qui chánh nhưng chẳng được bao lâu lại ‘ngựa quen đường cũ’. Người quân tử đã hứa làm điều gì phải thực hiện cho đúng vì một lời nói ra 4 ngựa khó theo ‘nhất ngôn kí xuất, tứ mã nan truy’. Còn kẻ tiểu nhân như anh chàng Sở Khanh sau khi chiếm được nàng Kiều bèn ‘quất ngựa truy phong’. Có chí sẽ ‘mã đáo công thành’, vì ai chẳng mong được ‘lên xe xuống ngựa’. Nên biết chung vui chia buồn cùng đồng loại ‘một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ’. Vì đoàn kết hợp quần mới gây sức mạnh ‘ngựa chạy có bày, chim bay có bạn’. Nhưng nhớ phải luôn thận trọng, đừng nhẹ dạ nghe lời đường mật để khỏi ‘đau như bị ngựa đá’ và có khi lại bị lôi ra ‘trước vành móng ngựa’. Cũng đừng để lôi cuốn vào lối sống ‘mã tầm mã, ngưu tầm ngưu’ và tránh xa bọn ‘đầu trâu mặt ngựa’.

Chỉ sự bền chí sẽ thành công vì đường dài mới biết sức ngựa ‘trường đồ tri mã lực’. Nên có câu :

Ngựa mạnh chẳng quản đường dài,

Nước kiệu mới biết tài trai anh hùng. Biết bao người can đảm ‘một mình một ngựa’ như đi vào chỗ không người.

Tục ngữ xưa có câu ‘Trai chưa vợ, như ngựa không cương’ không biết các chàng trai độc thân ngày nay có phản đối không ?

Thật là trái ngược với các cô không thích sống một mình :

Có chồng như ngựa có cương,

Đắng cay cũng chịu, vui thương được nhờ.

 

Cũng đừng quá mệt mỏi bon chen, hãy an nhiên trong cuộc sống :

Ngựa ô chẳng cỡi, cỡi bò,

Đường ngay chẳng chạy, chạy dò loanh quanh.

 

Nên tùy hoàn cảnh mà sống như Hàn Tín chịu nhục luồn trôn anh hàng thịt để đợi thời :

Khôn ngoan ở đất nhà bay,

Dù cho ngụa cỡi đến đây phải luồn.

 

Xưa chiến sĩ chết ngoài chiến trường vì Tổ Quốc, lấy da ngựa bọc thây ( mã cách khỏa thi ); cũng như ngày nay người chết vì Dân Nước được phủ kỳ trên áo quan.

Ngựa được thuần hóa và huấn luyện nên rất tinh khôn, giai sức, trung thành, sống chết bên chủ, rong ruổi đêm trường, vượt suối trèo non nơi chiến địa. Nhiều con ngựa trở thành những chiến mã nổi tiếng như: Xích Thố của Quan Vân Trường, Địch Lô của Lưu Bị, Ô Truy với Hạng Võ,

Kinh Phàm với Tào Thực, Bạch Long với Triệu Vân hay Khoái Hạng của Tôn Quyền và Bạch long mã cùng Đường Huyền Tông đi thỉnh kinh…

Những vó ngựa tung trời của Thành Cát Tư Hãn mở bạt ngàn biên cương Mông Cổ qua câu nói lưu đời ‘Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, nơi đó cây cỏ không mọc được’. Và những chiến xa dũng mãnh trong những chiến trận thư hùng còn âm vang cổ sử Hy Lạp, La Mã …

Trong binh pháp xưa ngựa là 1 trong 5 thành tố quan trọng để chiến thắng : lãnh thổ- Dân tộc- Chính quyền- Văn hóa và ‘xa mã chiến’. Thời Nho học xưa kia Kẻ sĩ phải tinh thông 6 tài nghệ : Lễ- Nhạc- Xạ- Thư- Số- Ngự (cỡi ngựa).

Cổ Thi có câu ‘Hồ mã tế Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi’ ( Dịch: Ngựa Hồ hí gió Bắc, chim Việt đậu cành Nam ).Truyện tả về loài chim Việt sinh ở phía Nam nước Tàu, bay sang phương Bắc kiếm ăn, những luôn chọn cành cây phía Nam làm tổ. Còn ngựa Hồ ở nước Hồ phương

Bắc là giống ngựa to khỏe, giỏi leo núi, người Tàu mua về làm ngựa chiến, nhưng mỗi khi tuyết rơi, gió lạnh từ phương Bắc thổi về lại hí vang nhớ quê cũ. Ta thường dùng tích này để chỉ những người xa quê hương luôn nhớ về Tổ Quốc.

Ngựa là quí vật và hữu dụng như thế, nhưng đối với các vua chúa Trung Hoa xưa chỉ là món chơi kì quắc dã man gọi là ‘trảm mã trà hay hầu trà’

Người ta huấn luyện cho những con khỉ leo lên vách núi Tuyết Sơn, Tứ Xuyên hái búp non của loại trà đặc biệt đem xuống cho ngựa ăn.Dịch vị ngựa tiết ra ngấm vào trà, sau đó mổ dạ dầy lấy trà ra sao làm thành hoàng trà trảm mã . Năm 2013 vừa xảy ra vụ xì-căng-đăng (scandal)về thịt ngựa giả thịt bò tại Âu châu gây ồn ào trong giới hẩu-xực. Quí Vị nào thích ăn thịt bò cao cấp Kobe hãy coi chừng ‘treo đầu bò, bán thịt ngựa’.

Trong dân gian có câu ‘Tái Ông mất ngựa’ đã trở nên quen thuộc như một thành ngữ để chỉ cái may trong cái rủi. Truyện kể xưa Tái Ông có con ngựa quí đi mất, hàng xóm đến chia buồn. Nhưng ít lâu sau, ngựa trở về lại dẫn theo con ngựa quí nữa, hàng xóm đến chung vui. Khi có 2 con ngựa quí, công tử mai mê thú cỡi ngựa nên bị què. Giặc ngoại xâm tiến đánh đất nước, tất cả trai tráng phải lên đường tòng quân ngăn giặc.

Con trai Tái Ông mang tật nên được miễn dịch. Chinh chiến chấm dứt, thanh niên đi 10 chết 7 còn 3, hàng xóm đến chúc mừng ông. Thật may mắn là nhờ Tái Ông đã bị mất ngựa! Trong cuộc đời chúng ta cũng đôi khi rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Cổ văn VN để lại truyện dạy đời thật thú vị : ‘Lục súc tranh công’ gồm 6 con vật ‘trâu- chó-ngựa- dê- gà- lợn’ tượng trưng cho 6 vị đứng đầu Lục bộ triều đình tranh nhau công trạng, giống như chú ngựa khoe khoang công sức mình :

‘Tao đã từng đi quán về quê,

Đà bao trận đánh Nam dẹp Bắc,

Đã nhiều thuở ngăn thành thủ phủ,

Lại ghe phen đột phá xông tên,

Đàng xa xôi ngàn dặm quan sơn,

Ngựa phi đệ một giờ liền thấu!…’

Sống tại nước Cờ Hoa, nam nhi cảm thấy bực mình vì thua cả vật cưng, nhưng nếu quí ngài đọc giai thoại thi hào Tô Đông Pha ‘Đổi người đẹp lấy ngựa’ sẽ được an ủi phần nào. Vì thích ngựa quí, họ Tô đã đem người hầu là nàng Xuân Nương đổi lấy ngựa họ Tưởng. Ông Tưởng được người đẹp hứng chí thốt lên lời thơ:

‘Tiếc gì con ngựa đẹp như mây,

Ơn bác cho tôi đổi gái này,

Giờ mất nhạc vàng rung bóng nguyệt,

Nhưng thêm má phấn bạn làng say’

 

Họ Tô cảm khái đáp lại cũng để an ủi Xuân Nương và mong nàng thông cảm thú mê ngựa của mình :

‘Cô Xuân đi vậy cũng xa xăm,

Dẫu chẳng kêu ca chớ giận ngầm,

Vì nỗi non sông nhiều hiểm trở,

Đổi người lấy ngựa phải đành tâm’

 

Xuân Nương vừa có sắc lại thi tài, uất ức vì bị khinh rẻ đã ứng khẩu đáp lại :

‘Chém cha cái kiếp của đàn bà,

Khổ sướng trăm bề há khổ ta,

Giờ mới biết người thua giống vật,

Sống làm chi nữa trách ai mà!’

Đọc xong nàng đập đầu vào thân cây mà tự vận.

Bài ca của Lý Diên Niên có câu “ Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc “ ý nói :’ ngoảnh lại một cái xiêu thành, ngoảnh lại cái nữa đổ nước’, chỉ sức mạnh của mỹ nhân làm điên đảo lòng người khiến giang sơn sụp đổ. Thi hào Nguyễn Du đã mượn điển tích này mô tả sắc đẹp nàng Kiều ‘Một hai nghiêng nước nghiêng thành’. Cũng thế sắc đẹp của mỹ nhân trong cổ sử Hy Lạp đã khiến thành Troy sụp đổ.

Ngựa gỗ thành Troy : Vào khoảng năm 1200 trước Tây lịch trận chiến xảy ra giữa Hy Lạp và thành Troy. Lý do quân Hy Lạp vây đánh thành là vì công tử Paria con quốc vương Priam bắt công chúa Helene nhốt trong thành Troy, nên vua Hy Lạp mang chiến thuyền giải vây cho con gái. Sau 10 năm vây hãm vẫn không phá được thành quá kiên cố. Tướng sĩ đôi bên tổn thất nhiều, quân Hy Lạp nản lòng rút lui, dân chúng trong thành phấn khởi hưởng không khí thanh bình.

Nhưng vào một buổi sáng sớm người chăn cứu lén ra ngoài thì thấy những lều địch bỏ trống và các chiến thuyền đã rời bến. Một con ngựa gỗ khổng lồ để lại trên bãi biển hoang vắng. Dân trong thành ùa ra ngắm nghía trầm trồ thán phục, bảo nhau : ‘Chắc quân Hy Lạp để lại lễ vật dâng kính nữ thần Athena của chúng ta’. Rồi kéo ngựa gỗ vào thành mở tiệc liên hoan vui chơi nhảy nhót, ăn uống say sưa. Gần về sáng quân sĩ và dân chúng ngủ như chết. Lúc này, các dũng sĩ Hy Lạp từ trong bụng ngựa gỗ thoát ra, mở cửa thành cho những chiến thuyền gọn nhẹ đã kịp quay trở lại xông vào thành đánh phá. Dân quân thành Troy bừng tỉnh, không kịp trở tay, hốt hoảng bỏ chạy đè lên nhau mà chết.

 

Quân Hy Lạp chiếm thành Troy và giải cứu công chúa Helene.

 

Viết đến đây, tôi chợt nhớ một thời chinh chiến năm nào khi còn đang phục vụ trong một binh chủng hào hùng của Quân lực VNCH. Mỗi lần trước khi xuất kích, tôi luôn kiểm tra cẩn thận vũ khí, lương thực binh sĩ đem theo, vì đôi khi bi-đông nước lại là bi- đông rượu mà các tửu sĩ gọi là’nước mắt quê hương’ dùng làm xúc tác khi lâm trận. Những chàng trai này men rượu đã làm cảm giác họ phiêu bồng như các tráng sĩ xưa say men trên mình ngựa trước khi xông vào chốn sa trường như lời thơ bất hủ của thi sĩ Vương Hàn :

 

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, Dịch: ‘Bồ đào rót chén dạ quang,

Giục ẩm tì bà mã thượng thôi, Muốn say trên ngựa tiếng đàn giục đi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu, Xưa nay chinh chiến ai về,

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.” Nằm say bãi cát ai chê mặc người’ (Trần Mộng Tú)

 

Huyền sử Việt Nam lưu lại 2 câu truyện về ngựa sắt và ngựa đá nổi tiếng biểu tượng ý chí ngoan cường và lòng yêu nước của dân tộc, khiến trời cũng cảm động sai thần mã xuống giúp dân ta dẹp giặc ngoại xâm .

Ngựa đá nhà Trần: Sau khi Trần Hưng Đạo 2 lần đại phá quân Mông Cổ, đất nước thái hòa. Vua Trần nhân Tông đi thăm lăng miếu, bái tạ tổ tiên đã ban quốc thái dân an. Bỗng nhà vua thấy những con ngựa đá trước lăng miếu các vị tiên đế chân lấm vết bùn. Vua cho là các vị đã linh ứng giáng trần cỡi ngựa dẹp giặc giúp nước, ngài liền sai lấy nghiên bút phụng đề 2 câu thơ bất hủ :

 

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, ( Dịch : Xã tắc hai lần nhọc ngựa đá,

 

Sơn hà thiên cổ điện kim âu” Non sông ngàn thuở vững âu vàng )

 

Ngựa sắt Phú Đổng Thiên Vương : Xưa vào thời vua Hùng Vương nước ta có giặc Ân bên Tàu sang xâm lăng. Thế giặc rất mạnh nên vua truyền hịch cầu nhân tài ra gúp nước. Lúc đó tại làng Phù Đổng có cậu bé đã 3 tuổi nhưng không biết nói, bỗng nhiên nói được và xin mẹ mời sứ giả vào. Cậu yêu cầu sứ giả về tâu với vua đúc cho một con ngựa sắt và chiếc roi sắt để đi dẹp giặc. Ngựa và roi đúc xong đem đến, cậu bé đứng dậy vươn vai biến thành người khổng lồ, nhảy lên mình ngựa xông vào trận địa. Đi tới đâu ra roi như sấm chớp, ngựa phun lửa đốt cháy người ngựa quân giặc ra tro, chẳng mấy chốc giặc Ân bị dẹp tan tành. Dẹp yên giặc, cậu bé phi ngựa lên đỉnh Sóc Sơn rồi biến mất. Dân chúng tin trời đã sai thiên tướng xuống giúp nước Nam dẹp giặc, nên lập miếu thờ và tôn là Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng.

 

Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn ca đã ca tụng Phù Đổng :

‘Sứ về tâu trước thiên đình,

Gươm vàng ngựa sắt đề binh tiến vào,

Trận mây theo ngọn gió đào,

Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan,

Áo nhung cởi lại Linh San,

Chốc đà thoát nợ trần hoàn lên tiên…’

 

Thế mà tên hề Nguyễn minh Triết đã tự ví mình như Phù Đổng sau khi hết thời sẽ lui về vui thú điền viên ( nhưng hắn đã không thuộc bài lịch sử lớp ba trường làng, vì Phù Đổng sau khi dẹp giặc về trời chứ không phải về vườn như hắn )- Càng lố bịch hơn như Hồ chí Minh đứng trước đền vua Hùng dám so sánh mình với Quốc Tổ:’ Vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta có công giữ nước’. Thật là một lũ trơ trẽ bỉ ổi !

 

Ngựa không chỉ xuất hiện trong văn chương sử sách, còn thấy trong tranh thủy mạc hay sơn mài tuyệt tác ghi lại những sử tích nổi tiếng như tranh sơn mài vẽ 8 con ngựa phi nước đại gọi là ‘Bát tuấn đồ’, chính là 8 ngựa kéo xe cho vua Chu Mục Vương đi tuần thú khắp nơi.

Phim ăn khách một thời diễn tả đoàn xe ngựa nô nức về Miền Viễn Tây tìm vàng với những trận đụng độ thư hùng giữa những chàng Cao-bồi can đảm và người Da Đỏ thiện chiến trên mình ngựa. Phim Ben Hur đã giành được 11 Oscar- vô địch từ trước đến nay- cũng do một phần đóng góp cực kỳ hoành tráng của kỵ mã chiến xa.

Ngoài ra, ngựa còn dùng để mua vui giải trí như: đua ngựa, cờ đá ngựa, cờ tướng, bài tam cúc….Hai nhạc bản nổi tiếng vẫn thường nghe văng vẳng đâu đây: ‘Ngựa phi đường xa, Vết thù trên lưng ngựa hoang,…’, hay bản dân ca Nam bộ Lý ngựa ô. Nhạc Sĩ Phạm Duy có sáng tác bản trường ca Ngựa hồng….

Những cuộc diễn hành Rose Parade hàng năm với những chú ngựa sắc màu rực rỡ bước theo tiếng nhạc nhịp nhàng lôi cuốn khán giả.

Những lễ đăng quang, sinh nhật, hôn lễ của hoàng gia Anh quốc kéo dài với đoàn xa mã lộng lẫy tốn biết bao công quĩ.

Tại Hoa Kỳ kỹ nghệ Đua ngựa và Cỡi ngựa được tổ chức khá qui mô, chỉ riêng Nam California đã có 3 trường đua lớn là Oak Tree, Arcadia- Hollywood Park, Los Angeles- Los Alamitos, Orange County.

Một số bạn trẻ thích loại xe Mustang của hãng Ford nhưng chắc không nghĩ đó là tên giống ngựa hoang nổi tiếng Miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Còn có nhiều’ bố già và xú tướng’ ngày xưa mê mệt các em Gái Nhảy chuyên nghiệp- để ‘thân bại danh liệt’- chắc rành từ Ca-ve do tiếng Pháp Cavaliere nghĩa là kỵ mã. Truyện tình bi thảm của ‘kỵ nữ’ Cẩm Nhung đã vang động một thời.

 

Lịch sử Việt Nam có những năm Ngọ đáng ghi nhớ:

Mậu Ngọ (1078) : Danh tướng Lý thường Kiệt phá giặc Tống trên sông Như Nguyệt với bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của VN :

“Nam Quốc sơn hà nam đế cư, ( Dịch : Đất nước là của vua Nam,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Sách trời đã phân định rõ ràng,

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Cớ sao bọn giặc lại xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư “ Các ngươi sẽ bị phá tan tành ! )

 

Nhâm Ngọ (1282) : Vua nhà Trần mở Hội Bình Than bàn kế chống Nguyên Mông lần thứ 2.

Bính Ngọ (1426) : Vua Lê Lợi đại thắng tại Chúc Động.

Bính Ngọ (1786) : Tây Sơn khởi nghĩa, vua Quang Trung thống nhất Sơn Hà.

Mậu Ngọ (1858) : Pháp tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở cuộc xâm lăng đầu tiên Việt Nam.

Giáp Ngọ (1954) : Hiệp định Paris chia đôi Việt Nam (20/7/54)

Giáp Ngọ (2014) : Hy vọng tiền đồ Đất Nước tươi sáng qua lời sấm ký của cụ Trạng Trình, người viết xin giành suy đoán cao minh của Quí Vị:

 

“ Rồng bay năm vẻ sáng ngời,

Rắn qua sửa soạn hết đời sa-tăng,

Ngựa lồng quỉ mới nhăn rằng,

Cha con dòng họ thày tăng hết thời !…”

 

Truyện’đời’ về ngựa đã nhiều, nhưng vẫn không quên truyện ‘đạo’.

Trong Cựu Ước, ngựa được nói đến nhiều như : đám tang của Gia-Cóp- cha tể tướng Giu-se, Ai Cập- được hộ tống bởi đoàn kỵ mã của nhà vua hay 600 chiến xa của Ai Cập bị lấp vùi trong sóng biển khi đuổi theo dân Irael do Moi-Sen hướng dẫn vượt qua Biển Đỏ… Còn trong Tân Ước, lừa được nhắc đến nhiều hơn. Thời đế quốc La- Mã cai trị Do Thái, ngựa chỉ dùng cho vua quan và giới quí tộc, còn người dân thường dùng lừa. Thánh Giu-se đưa Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng trốn sang Ai Cập trên mình lừa. Chúa được dân chúng rước vào thành Jerusalem,

Ngài cỡi lừa là phương tiện của người bị áp bức cai trị.

Xin kể về truyện ‘Hai con ngựa của thày phó tế George A.Haloulakos’ :

“ Cạnh nhà tôi có 1 cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút, thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa bình thường giống như những con ngựa khác. Tuy nhiên, nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra một con bị mù. Trên đường về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại phía sau.

Chắc chủ nhân nó thương hại không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn, chính điều này đã thành câu truyện tuyệt vời.

Đứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung phát ra từ cái đai nhỏ vây quanh cổ con ngựa bé hơn, chắc là con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù chu đáo thế nào.

Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn. Nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không bị lạc.

Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Đế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn khiếm khuyết, hoạn nạn hay khó khăn.

 

Người luôn mang đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ. Đôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm, mà Thượng Đế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Nhưng khi khác, chúng ta là con ngựa sáng dẫn đường giúp người khác nhìn thấy…”

Đến đây, người viết xin mượn một đoạn trong sách Khải Huyền để kết thúc bài mạn đàm về ngựa. Nói về ngựa thật là phong phú đa dạng, nhưng chắc không ngọn bút nào mô tả tài tình hùng tráng bằng bút thần thị kiến Gioan trong sách Khải Huyền với 4 kỵ mã cỡi 4 chiến mã, nổi bật 4 sắc màu rực rỡ : trắng, đỏ, đen và xanh thẫm, tượng trưng cho Sự chết- Chiến tranh- Đói kém và Bệnh dịch. Mời Quí Vị đọc đoạn Chiên Con Khai Mở Ấn để cùng suy niệm :

“Tôi vẫn mải nhìn: Khi Chiên con đã mở ấn thư nhất, thì tôi nghe Sinh vật thứ nhất hô như tiếng sấm: Hãy đến! Tôi nhìn, thì này một con ngựa bạch và người cỡi nó mang chiếc cung; người ấy được ban tặng triều thiên và xuất chinh đắc thắng để chiến thắng.

Khi Ngài mở ấn thứ hai, tôi nghe Sinh vật thứ hai hô: Hãy đến! Một con ngựa xích thố xuất hiện, còn người cỡi nó được lệnh đánh bạt bình an ra khỏi cõi đất, để cho thiên hạ sát hại lẫn nhau và người ấy được ban tặng một thanh kiếm lớn.

Khi Ngài mở ấn thứ ba, tôi nghe Sinh vật thứ ba hô: Hãy đến! Tôi nhìn, thì này một con ngựa màu huyền, người cỡi nó tay cầm cân, tôi nghe như giữa các sinh vật có tiếng nói: một thưng lúa miến giá một đồng quan! Ba thưng lúa miến giá một đồng quan! Còn dầu và rượu, thì người đừng làm hư!

Khi Ngài mở ấn thứ tư, tôi nghe tiếng Sinh vật thư tư hô: Hãy đến! Tôi nhìn, thì này một con ngựa màu lục và người cỡi nó mang danh ôn dịch, có âm phủ theo sau. Đã ban quyền cho người ấy trên phần tư cõi đất, để giết bằng gươm giáo, đói kém, ôn dịch và thứ dữ trên đất.”

( Gioan-Khải Huyền 6: 6- 8 )

Mỗi sáng thức giấc sớm, tôi nghe văng vẳng đâu đây tiếng vó ngựa lọc cọc trên đường phố còn phủ sương mù. Chiếc xe thổ mộ chất đầy hoa trái, từ ngoại ô vào thành phố trong những ngày giáp Tết. Tôi có hoài cổ không khi đang sống giữa đô thị choáng ngập ánh đèn màu của quốc gia văn minh nhất hoàn cầu; nhưng sao vẫn nhớ tiếc những năm tháng thanh bình dân dã nơi quê nhà !

Kính chúc Quí Vị Năm Giáp Ngọ An Khang Hạnh Phúc !

 

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

Đại Chúng
Trường đồ tri mã lực



Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận