Ông Cố Vấn Chương 38


Chương 38
Một Đêm Ở Phủ Đầu Rồng

Thiệu lúc nào cũng bồn chồn, cảm thấy như có tai biến sắp tới với mình.

 

Cha Nhuận khuyên Thiệu trong thời gian này không nên đi lại nhiều, chỉ cần tĩnh tâm dọn mình, ở nhà nguyện cầu cho quốc thái dân an, để được Chúa bảo vệ, việc ngoài mặc cho Hai Long ứng phó. Thiệu nghe lời cha Nhuận, suốt tháng 10 rất ít đi lại. Vợ Thiệu vẫn ở lỳ tại Thụy Sĩ, không chịu về. Nhà cửa đầy tiện nghi xa hoa, nhưng thiếu người phụ nữ, trở nên trống vắng. Y càng nhớ và thương vợ. Vào đúng thời gian này, lại có một vị nguyên thủ quốc gia báo tin sẽ viếng thăm Việt Nam cộng hòa, đem theo cả vợ. Thiệu ra vào không yên. Y cầu cứu Hai Long:

 

- Anh làm cách nào giúp tôi. Người ta tới cả vợ cả chồng, mình ra đón chỉ có một mình, cả nước sẽ biết là vợ chồng có chuyện ghen tuông gì đây, nên bả giận, bỏ đi ra nước ngoài!

 

- Anh đã nói với chị điều đó chưa?

 

- Bây giờ tôi nói gì bả cũng không tin. Ghen tuông quá xá! Anh coi từ ngày bà đi, tôi đâu có bồ bịch với ai? Còn mấy cái chuyện chơi bời chút đỉnh thì kể chi!

 

Hai Long suy nghĩ một lát rồi nói:

 

- Anh cứ yên tâm dọn mình cầu nguyện, chị ấy sẽ trở về trước ngày khách tới Sài Gòn.

 

- Anh giúp cho được việc đó thì tôi ơn anh không biết chừng nào.

 

Hai Long gửi cho vợ Thiệu một bức điện. Ba ngày sau, vợ Thiệu đã có mặt ở Sài Gòn. Thiệu hết lời cảm ơn anh.

 

Bunker và phó đại sứ Mỹ Berger thay phiên nhau gây sức ép với Thiệu, yêu cầu phải đồng ý với việc ngừng ném bom, pháo kích trên toàn miền Bắc, và chấp nhận hòa đàm ở Paris.

 

Trong liền một tuần, bắt đầu từ 15 tháng 10, Bunker tới dinh Độc Lập 6 lần gặp Thiệu. Thiệu tiếp tục giữ ý kiến không tán thành ngừng oanh kích trên toàn miền Bắc, và nhất là không chịu ngồi hòa đàm cùng với Mặt trận Giải phóng. Hai Long đã hiểu bản chất của Thiệu. Y tham lam, xảo quyệt, nhưng đồng thời lại nhút nhát, đa nghi. Chỉ cần thấy sinh mệnh hoặc chức vụ tổng thống của y thực sự bị đe dọa, y có thể chấp thuận bất cứ điều gì. Mỹ mới dùng lời lẽ thuyết phục và đe dọa xa xôi, nên y chưa thật sợ. Thiệu cho rằng, cử người tới dự đàm phán với Mặt trận Giải phóng là mở cửa cho sự ra đi của mình. Còn khả năng cưỡng lại phút nào, y sử dụng hết phút đó. Thời gian của Johnson không còn nhiều, Mỹ chắc chắn phải tăng thêm sức ép. Và Thiệu sẽ đầu hàng.

 

Cuối tháng 10, thái độ Bunker trong những cuộc tiếp xúc với Thiệu trở nên rất lạnh nhạt. Rồi cả Bunker lẫn Berger cũng không tới dinh Độc Lập nữa. Thiệu lo đến bồn chồn, suốt ngày đứng ngồi không yên. Thiệu thiết tha đề nghị Hai Long ở hẳn trong dinh với mình, đề phòng khi cần, có ngay người trao đổi. Y luôn luôn ngó chiếc máy điện thoại, mong chờ nó đổ chuông. Y càng thất vọng, hoảng hốt hơn khi thấy người gọi điện thoại cho mình vẫn không phải là Bunker. Tóc Thiệu loang lổ trắng từng mảng ở gáy, mắt đỏ lên và lờ đờ, có quầng thâm. Vợ Thiệu làm những món ăn ngon, hợp với khẩu vị của chồng, ép Thiệu phải uống những thứ thuốc bổ tốt nhất, nhưng Thiệu vẫn phờ phạc, mỏi mệt, mặc dù y hầu như suốt ngày chỉ ngồi chờ chuông điện thoại reo, chẳng làm công việc gì.

 

Từ Washington, Trọng và Tuyến báo cáo về sắp hoàn tất nhiệm vụ. Nhờ những giấy tờ giới thiệu, và những bạn học cũ của Tuyến tại Nhà Trắng và bộ Ngoại giao, hai người đã tiếp xúc được với nhiều tổ chức chính quyền và tư nhân, cũng như nhiều cá nhân có tiếng tăm. Nhiều nhân vật Mỹ nhờ họ chuyển sách báo về tặng Hai Long. Hạ tuần tháng 10, Trọng viết thư cho Hai Long, nói công việc đã xong, phái đoàn sắp trở về, và theo những nguồn tin đáng tin cậy ở Nhà Trắng, Johnson sắp ra lệnh ngừng ném bom và pháo kích trên phần còn lại của Bắc Việt Nam, cuộc hòa đàm ở Paris sẽ bắt đầu với sự có mặt của Mặt trận Giải phóng dù Việt Nam cộng hòa không tham dự.

 

Dương Văn Hiếu và Tá Đen đã bị bắt lại trong đợt vừa qua. Hai Long biết đây là một đòn nặng giáng vào CIA. Chúng sẽ có phản ứng. Tú Uyên chắc cũng biết trong việc này có bàn tay của anh. Nếu chị là người của bên kia thì anh đã tự tố cáo mình. Nhưng qua thái độ và hành động của chị, Hai Long tin chị không phải là người xấu. Chị vẫn chưa tìm cách liên lạc lại với anh. Luật sư Tường đón đường ở nơi ăn sáng gặp lại anh. Tường ngỏ ý muốn kiếm một ghế trong bộ Xây dựng nông thôn. Tường cho rằng đó là nơi kiếm ăn được sau khi Mỹ rút quân về nước. Hai Long khuyên Tường kiên nhẫn chờ đợi một thời gian, khi có cơ hội, chắc chắn anh sẽ không quên. Tường không gặng mời anh tới nhà. Có lẽ Tường sợ Tú Uyên cản trở kế hoạch của mình.

 

Hai Long một mặt lấy Mỹ hù dọa Thiệu, đẩy y tới cuộc hòa đàm Paris, một mặt lại phải lên gân cho Thiệu chống lại CIA đang đe dọa an toàn của mình.

 

Anh lo lắng nói với Thiệu:

 

- Dư luận đảo chính hoàn toàn bị dập tắt. Mình đã gỡ một số ngòi nổ, nhưng Bunker và CIA vẫn hết sức nguy hiểm, không thể không cảnh giác được! Không riêng anh, mà cá nhân tôi cũng trở thành một trở ngại cho họ. Vì họ hiểu muốn gây khó khăn cho anh thì trước hết phải triệt hạ tôi. Tôi đã biết chắc chắn trong chiến dịch bôi nhọ tôi có bàn tay của CIA. Rồi đây, không biết họ còn mưu tính triệt hạ tôi bằng cách nào. Chỉ còn thiếu điều vu cho tôi là Việt Cộng nữa mà thôi! Chuyện này chắc họ cũng không từ, vì trước đây họ đã từng vu cho ông Nhu đi theo Việt Cộng!

 

Thiệu có người chia sẻ lo âu với mình, tuôn ra những lời tâm huyết:

 

- Anh là người đã góp phần tạo dựng nên tôi. Người khác giúp tôi một thì họ bắt tôi trả công mười. Riêng anh có nhận cái chi? Lẽ nào anh đã tạo dựng, đã bảo vệ tôi, mà tôi không biết ơn, không hết lòng bảo vệ anh? Tôi có sơ xuất là chỉ lo cho mình mà chưa lo cho anh. Vì tôi nghĩ anh là con người thánh thiện, không dính tới danh lợi, nên không có thù địch. Nghe anh nói, tôi đâm lo. Đúng là chúng muốn diệt tôi thì trước hết phải chặt cánh tay mặt của tôi! Từ nay anh đi về khuya, nhất thiết phải dùng xe hộ tống. Anh chọn ngay một sĩ quan cận vệ, lấy người trong dinh hoặc người của Phát Diệm. Anh đi đâu, phải có vệ sĩ đi theo.

 

- Tôi đã phó thác cà hồn xác nơi Chúa. Nếu có xảy ra điều gì cũng do Chúa. Tôi vẫn sống theo kiểu người tu hành, bây giờ lại có một sĩ quan đi theo bảo vệ, e khó tránh những lời đàm tiếu, không thuận cho công việc đang làm. Tôi thường không đi đâu ngoài Tòa Khâm sứ, tòa Tổng giám mục và một số nhà thờ. Ở những nơi đó, đã có giáo dân che chở.

 

Hai Long khước từ được người bảo vệ, nhưng từ đó, mỗi lần anh về khuya, Thiệu đều bắt dùng xe mô tô Harley đi hộ tống. Anh không tiện từ chối sự gắn bó của Thiệu đối với mình. Nhưng việc này gây cho anh phiền toái. Không thể đưa đoàn xe Harley tới căn nhà nghèo nàn của anh ở đường Thị Nghè. Hai Long đành phải bảo đưa anh tới nhà thờ Phát Diệm hoặc nhà thờ Tân Định. Từ đấy, Hòe lại dùng xe máy đưa anh về nhà.

 

Chiều 30 tháng 10, O⬙Connor tìm Hai Long. Ông linh mục cho biết người bạn của mình mới từ Washington sang, nói nay mai Johnson sẽ tuyên bố ngừng oanh tạc, oanh kích toàn miền Bắc, và mời Mặt trận Giải phóng tới dự cuộc hòa đàm Paris. O⬙Connor dặn kỹ Hai Long không tiết lộ tin này ra ngoài. Như vậy, những điều Trọng thông báo cho anh trước dó đột tuần là chính xác.

 

2.

 

Chiều 31 tháng 10, Thiệu bước vào phòng Hai Long, nét mặt hớt hải, y nói:

 

- Ông già Bunker vừa gọi điện thoại cho tôi...

 

Hai Long biết Thiệu mong đợi cú điện thoại này cả tuần nay. Nhưng không hiểu sao, Thiệu có vẻ hốt hoảng.

 

Anh nói đưa đà:

 

- Chả lẽ im lặng được mãi!

 

- Ông già khuyến cáo tôi giữ bình tĩnh trước mọi luận điệu xuyên tạc, đầu độc tình hữu nghị Mỹ - Việt... Lời lẽ thiệt khó hiểu! Sao khi không ổng lại nói như vậy?

 

- Phù thủy định làm pháp thuật gì? - Hai Long dằn giọng.

 

- Anh nghĩ coi hắn tính chuyện chi?

 

- Chắc Mỹ quyết định làm một việc gì đó mà họ biết là ta sẽ phản ứng mạnh.

 

- Đề nghị anh tối nay ở lại dinh với tôi...

 

Lúc 6 giờ chiều, khi nhân viên Phủ tổng thống đã ra về hết, Thiệu lại tới, mặt tối sầm.

 

- Bunker vừa báo cho tôi, tối nay, ổng và phó đại sứ Berger sẽ vào dinh hội kiến cùng với cả tôi và phó tổng thống Kỳ! Lành dữ sao đây?

 

Hai Long làm vẻ mặt lo âu.

 

- Tôi không nuốt nổi cơm. Tôi đã bảo bà Sáu nấu súp, mời anh cùng ăn với tụi tôi. Đêm nay, anh phải ở lại đây.

 

Tại phòng ăn, vợ Thiệu đã ngồi chờ với đĩa xà-lát màu sắc tươi ngon hấp dẫn. Chị ta thích tự tay săn sóc bữa ăn của chồng. Vợ Thiệu đứng lên, vào bếp bưng súp ra. Biết chồng đang lúc không vui, chị ta ngồi vào bàn, tiếp thức ăn, dỗ chồng ăn ngon miệng. Vợ Thiệu hơi gầy, nói năng dịu dàng, có dáng dấp của một phụ nữ tỉnh lẻ thuộc gia đình nền nếp. Thiệu quý và mê vợ là do sự săn sóc, chiều chuộng kiểu này.

 

Thiệu lầm lỳ ngồi ăn.

 

Vợ Thiệu ngọt ngào nói với Hai Long:

 

- Ông giáo với các cha đưa chồng em ra làm việc nước, việc Chúa, lúc khó khăn, ông giáo chớ để ảnh một mình tội nghiệp.

 

- Chúng tôi đã có giao ước với nhau rồi, càng gặp lúc hoạn nạn, càng gắn bó với nhau hơn.

 

Vợ Thiệu thở dài:

 

- Khi chưa được thì ước ao, nhưng lúc ngồi vô rồi thì mới thấy đâu có sung sướng nỗi gì! Vừa tròn một năm, đầu nằm chết hụt, cuối năm tính mạng lại treo đầu sợi tóc.

 

Vợ Thiệu ham làm giàu, ăn hối lộ, chạy áp phe kiếm nhiều tiền để đề phòng khi chồng sa cơ thất thế, nhưng không đài các, kênh kiệu, đôi khi lại ruột để ngoài da, vô tình nói toạc móng heo những điều Thiệu muốn giấu nhẹm để giữ thể diện.

 

Vợ Thiệu tiếp tục nói:

 

- Dường như mọi chuyện năm nào cũng xảy ra vào tháng 10, 11. Những cuộc đảo chánh đều vào tháng 10. Ông Diệm, ông Nhu một lần chết hụt, một lần chết thiệt, đều vào tháng 11! Em rất sợ cái ngày 31 tháng 10. Ngày 31 tháng 10 năm 63 là ngày các tướng họp ở bộ Tổng tham mưu quyết định đảo chánh. 31 tháng 10 năm ngoái, ông Thiệu làm lễ nhậm chức. 31 tháng 10 năm nay, ngồi đây chờ tai họa... Mảnh đất phủ toàn quyền này dữ thiệt! Chưa có quốc trưởng nào bền. Vô ngồi đây là phải tính tới lúc ra đi rồi. Ngày mốt là ngày giỗ ông Diệm, ông Nhu. Hai ổng mất đúng vào ngày lễ Các thánh, mà cũng là ngày lễ cầu hồn cho những kẻ qua đời. Đúng ngày Fête des Morts phải không ông giáo? Cứ nghĩ tới đó là em muốn xỉu.

 

Thiệu ngồi nghe vợ nói, mắt đỏ lên. Y tìm cách trấn an cho vợ và cả cho mình:

 

- Tháng 10 thường là tháng dữ. Bão táp cũng từ phía Bắc chuyển vô Nam. Với tôi, tháng này là tháng sóng gió nhất! Còn vài giờ nữa, mong cho chóng qua đi?

 

Vợ Thiệu nói:

 

- Ông Diệm chết ngày 2 tháng 11 chớ đâu phải tháng 10?

 

- Nhưng đảo chánh là trưa ngày 31 tháng 10.

 

- Lỡ đêm nay hắn làm thì sao?

 

- Vậy mới mong chóng qua đêm nay.

 

Hai Long an ủi:

 

- Cụ Nguyễn Du đã nói: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều!". Anh chị đừng quá lo. Chung quanh anh Thiệu còn có giáo hội Việt Nam, giáo hội Mỹ. Già Bunker chưa chắc làm gì nổi ta!

 

Vợ Thiệu năn nỉ:

 

- Ông giáo chớ bỏ rơi anh Thiệu nghen!

 

- Chúng tôi sẽ mãi mãi đồng hành bên nhau.

 

Thiệu được đà nói tiếp:

 

- Anh giáo nói đúng đó, bà chớ có lo! Anh giáo là bất khả xâm phạm. Bà chỉ hiểu về chúng tôi một phần thôi. Từ lâu anh giáo, các cha và tôi đã cố kết với nhau nên mới dựng nên cơ nghiệp ngày nay. Anh giáo với tôi là đồng tâm, đồng hội, đồng thuyền, không bao giờ có chuyện xa lìa nhau. Cũng như bà với tôi như chim liền cánh, như cây liền cành, bà giận tôi, bỏ đi chu du thiên hạ mấy tháng trời, rồi bà lại về vì nhớ thương tôi, chớ bà có bỏ rơi tôi đâu!

 

Vợ chồng Thiệu đều mỉm cười. Cái vui gượng gạo trong lúc tâm trạng đang rối bời.

 

Thiệu làm ra vẻ hăng hái, lại nói:

 

- Bà khỏi lo. Còn anh giáo thì còn tôi. Anh giáo với các cha biểu tôi lên thì tôi lên, biểu ở thì ở, biểu đi thì đi ngay.

 

- Tổng thống cam kết với tôi? - Hai Long nói.

 

- Parole d honneur![1]

 

Hai Long đưa ngón tay trỏ về phía Thiệu. Thiệu lập tức cũng đưa ngón tay trỏ của mình ra ngoắc chặt.

 

Anh nhớ tới một trò tương tự đã diễn ra giữa mình với Cẩn ở đất Phú Cam cách đây đã lâu.

 

3.

 

Nguyễn Cao Kỳ từ ngoài lững thững đi vào với nụ cười ruồi. Kỳ mặc sắc phục không quân màu trắng, đeo lon cấp tướng. Bộ mặt đen sạm với cái nhìn tinh quái của Kỳ không giấu được vẻ lo âu.

 

- Xin chào tổng thống và ông cố vấn.

 

- Xin chào phó tổng thống. - Thiệu và Hai Long cùng đáp.

 

- Có chuyện chi mà "thái thú"[2] triệu tập anh em mình vào lúc đêm hôm nay? Phải vắng canh mạt chược!

 

- Nào biết chuyện chi? Ông già chỉ biểu xin gặp cả anh và tôi tối nay. Ông sẽ cùng tới với Berger.

 

- Hẹn mấy giờ?

 

- Không nói giờ giấc chi, chỉ hẹn buổi tối.

 

Kỳ lẳng lặng ngồi xuống ghế.

 

Vợ Thiệu ở buồng trong đã nghe tiếng ba người nói chuyện, tự tay bưng ra ba ly cà phê, nghiêng đầu tươi cười chào Kỳ.

 

Kỳ nói:

 

- Vắng chị, anh Thiệu ở nhà mong nhớ võ vàng. Chị đi Tây du mấy tháng về, đẹp như bà hoàng hậu. Mà đúng là hoàng hậu rồi, mình ví von chi vô duyên!

 

Vợ Thiệu đối đáp ngay:

 

- Ai nói chi sắc dẹp của bà già! Hoa hậu là chị Mai, phu nhân của phó tổng thống Kỳ kia.

 

Vợ Kỳ ngày còn làm trong Hàng không Việt Nam đã được gọi là "Hoa hậu chiêu đãi viên".

 

Thiệu, Kỳ và Hai Long ngồi tán chuyện phiếm chờ Bunker. Cứ cách một lúc, vợ Thiệu lại bưng ra, lúc thì chè, lúc thì kem, lúc thì trái cây.

 

Nhìn đồng hồ đã gần 10 giờ đêm, Kỳ bỗng hỏi Hai Long:

 

- Ông cố vấn thử đoán xem, theo cung cách này thì sẽ có chuyện chi?

 

Kỳ vốn coi tất cả những người hợp tác với Thiệu đểu là đối thủ của mình, nhưng với Hai Long, y vẫn giữ hòa khí. Cha Lãm vẫn ở bên Kỳ. Cả Thiệu và Kỳ cùng trố mắt nhìn Hai Long.

 

- Theo tôi thì đây là vấn đề có liên quan đến việc ngừng oanh tạc Bắc Việt và cuộc hòa đàm ở Ba Lê[3].

 

Kỳ lại hỏi:

 

- Liệu ta có phải tử thủ như Diệm, Nhu hồi tháng 11 năm 1960 không?

 

- Tôi nghĩ có thể chưa xảy ra chuyện đó.

 

- Anh mới nói là "có thể"?

 

- Đối với người Mỹ, tôi đã có kinh nghiệm nên dùng chữ "có thể" để không bị bất ngờ. Nếu cần rõ hơn, tôi xin nói lại, chuyện đó ít có khả năng xảy ra lúc này.

 

- Tại sao hẹn buổi tối mà tận giờ chưa thấy mặt.

 

Hai Long nhún vai không đáp.

 

Đã 23 giờ 30. Vợ Thiệu lại bưng súp ra lần thứ hai. Từ chập tối, chị đã 2 lần nhỏ thuốc đau mắt cho chồng.

 

Ba người đang ăn súp thì tiếng chuông điện thoại réo. Thiệu, Kỳ đều buông muỗng, quay mặt về phía máy điện thoại, mắt bừng sáng. Thiệu bảo vợ:

 

- Bà nghe xem ai hỏi gì.

 

Vợ Thiệu lại nhấc ống nghe.

 

Thiệu muốn giữ thế, không để Bunker thấy tới giờ này mình vẫn ngồi chờ chực bên máy điện thoại. Tất cả những cặp mắt đều chăm chú nhìn vẻ mặt vợ Thiệu và cái ống nghe.

 

Bộ mặt đang căng thẳng của chị ta trở thành tươi cười:

 

- Dạ... Dạ... Thưa cha, ông giáo đang ở đây... Con xin chuyển máy cho ông giáo... Kính chào cha.

 

Vợ Thiệu quay về phía Hai Long:

 

- Cha Nhuận muốn nói chuyện với ông giáo.

 

Hai Long nghe tiếng cha Nhuận ở đầu dây:

 

- Tình hình có được bằng an không thầy?

 

- Dạ, tới lúc này vẫn chưa có chuyện chi.

 

- Thầy vẫn ngồi với tổng thống đó ư?

 

- Dạ. Có thêm cả phó tổng thống Kỳ.

 

- Cầu Chúa phù hộ cho tổng thống, phó tổng thống và thầy bằng an. Sáng mai tôi sẽ vào dinh làm lễ.

 

Sự thăm hỏi của cha Nhuận giữa đêm hôm khuya khoắt càng làm cho Thiệu và Kỳ lo lắng. Thiệu kể lại với Kỳ thái độ lạnh nhạt của Bunker từ cách đây nửa tháng, rồi suốt một tuần Bunker không tới dinh Độc Lập, những câu nhắn nhủ khó hiểu chiều nay, tiếp đến sự hẹn hò này. Lần đầu, Thiệu tâm sự cởi mở với Kỳ về thái độ của quan thầy Mỹ đối với mình.

 

Kỳ hỏi:

 

- Anh đã cho tiến hành những biện pháp an ninh rồi chớ?

 

- Đã cho báo động quân lính bảo vệ dinh và cho lệnh các bộ phận phải cử người trực máy suốt đêm chờ lệnh.

 

- Cả hai lần Việt Cộng tổng tiếu công, đến lúc rốc-két nã vào đầu mình mới biết! Quân Mỹ thì ngồi yên coi hai hổ đấu nhau!

 

Thiệu và Kỳ đều không cởi áo ngoài ngồi ủ rũ, rồi thay nhau ngủ gục. Vợ Thiệu hết đi ra lại đi vào, hỏi ba người có thích dùng thêm thứ gì. Tất cả đều lắc đầu. Trên bàn còn đầy những bánh trái mà không ai đụng tới. Thiệu đã mấy lần giục vợ đi ngủ. Chị ta hãm một ấm sâm để ba người cùng uống cho đỡ mệt, rồi đi về phòng mình.

 

Thiệu hỏi Hai Long:

 

- Làm chi bây giờ anh giáo?

 

- Họ đã cầm quân cờ rồi, hãy chờ họ đi nước đầu. Mình chỉ có thể tính trước mọi thế cờ, nhưng chưa thể đi nếu chưa đến lượt.

 

Anh cần tỏ ra mình vững vàng. Nhưng anh cũng không hiểu vì sao Bunker chưa tới và không báo lại.

 

Kỳ tựa đâu vào ghế xa-lông thiu thiu ngủ. Thiệu ngồi khoanh tay trước ngực, đôi mắt lim dim, nhưng chốc chốc lại mở ra liếc nhìn đồng hồ.

 

Lại có tiếng chuông điện thoại.

 

Hai Long đứng lên, lại bàn cầm máy. Đầu dây đằng kia là tiếng một phụ nữ, giọng lo lắng:

 

- Tôi ở nhà ông Kỳ tại Tân Sơn Nhứt. Cảm phiền ông cho hỏi, ông Kỳ có ở đ 2a8d ó không?

 

- Xin chào chị Mai. Tôi là Hai Nhã đây... Anh Kỳ vừa chợp mắt xong.

 

- Dạ...

 

- Chị yên tâm. Sáng mai anh sẽ về.

 

Đầu dây có một tiếng động mạnh. Rồi im lặng. Vợ Kỳ đánh rớt máy. Chắc chị tưởng có một tai ương đã tới với chồng.

 

4.

 

Thiệu, Kỳ và Hai Long đã qua một đêm trắng.

 

Hai Long gợi ý nên nghe bản tin buổi sáng của đài BBC.

 

- Tôi tin rằng chính phủ Mỹ đã có một quyết định gì mới liên quan tới chiến tranh Việt Nam. Ta hãy thử xem.

 

Thiệu gọi viên sĩ quan nội thất. Y tròn mắt nhìn cả tổng thống và phó tổng thống đều quân phục chỉnh tề, không biết đã ngồi đó tự lúc nào, vẻ mặt lộ ra hết sức mệt mỏi.

 

Thiệu nói:

 

- Đưa ra-đi-ô lại đây, lấy làn sóng đài BBC để đó, rồi ra ngoài.

 

Tiếng nhạc hiệu nổi lên. Cả ba người đều chăm chú lắng nghe tới mức căng thẳng khi buổi phát thanh tiếng Việt của đài BBC bắt đầu. Ngay từ câu mở đầu tóm tắt những tin tức chính, Thiệu và Kỳ đã biết số phận mình gắn với bản tin sáng nay. Johnson tuyên bố ngừng tất cả những cuộc oanh tạc và pháo kích trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cuộc hòa đàm nghiêm chỉnh sẽ được bắt đầu tại Ba Lê ngày 6 tháng 11, với sự tham dự của Mặt trận Giải phóng miền Nam, chính phử Việt Nam cộng hòa có thể tham dự. Lệnh ngừng oanh tạc và pháo kích có hiệu lực kể từ 8 giờ sáng, tức 13 giờ, giờ quốc tế, hoặc 21 giờ địa phương ngày 1-11-1968.

 

Thiệu hốc hác qua một đêm thức trắng, vừa ngồi nghe vừa thở phì phì. Bản tin chấm dứt, Thiệu vùng đứng dậy, mặt đỏ tía tai, nói lạc cả giọng:

 

- Nó đơn phương ngừng oanh tạc Bắc Việt, nó mời Việt Cộng tham dự hội đàm Ba Lê mà không thèm hỏi ý kiến hay thông báo cho mình biết trước! Không franc jeu[4] chút nào! Xấu chơi quá! Chịu không nổi! Mình là tổng thống, là phó tổng thống một nước đồng minh mà cũng ngồi nghe ra-đi-ô chờ tin như dân chúng. "Cuộc hội đàm nghiêm chỉnh... Mặt trận Giải phóng sẽ tham dự... Chính phủ Việt Nam cộng hòa có thể th-a-am d-ư-ự! (Thiệu nhấn mạnh và kéo dài giọng) Nó còn coi mình, coi đồng minh chiến đấu ra cái quái gì...

 

Thiệu lồng lộn đi vòng quanh trong phòng, như con trâu bắt cột vào cọc, muốn thoát ra mà không thoát được.

 

Thiệu dừng lại, nắm lấy thành ghế xa-lông, xô tới xô lui vừa thở phì phì.

 

- Nó coi mình như con bẹc-giê! - Thiệu trỏ ngón tay vào góc phòng làm bộ suỵt chó - Ê, ê..., ngồi kia! Ê, ê..., lại đây!

 

Tiếng Thiệu rít lại. Người Thiệu mỏi mệt xỉu đi. Thiệu vội dựa vào thành ghế, nền nhà trơn, cái ghế trôi tuột đụng vào chiếc bàn. Ba ly cà phê vợ Thiệu vừa đưa ra rớt xuống sàn nhà bể nát. Nước cà phê đen đặc lênh láng trên mặt thảm.

 

Vợ Thiệu hốt hoảng từ phòng trong chạy ra. Thiệu vừa đứng thở vừa hậm hực:

 

- Nguyễn Hữu Thọ bận quần xà lỏn, trốn chui trốn lủi trong rừng thì được nó kiêng nể, trọng vọng, đặt ngồi ngang hàng. Mình là quốc gia đồng minh, trên 50 nước công nhận, ngồi giữa thủ đô, thì nó bảo là "có thể tham dự...".

 

Vợ Thiệu đã thu lượm nhưng mảnh ly bể, đưa ra ba ly cà phê mới chế, khéo léo nhắc chừng:

 

- Ông mời khách dùng cà phê đi, hai ổng thắc trắng đêm qua rồi. Cha đã hẹn tới, vì ngày hôm nay là Lễ Chư Thánh.

 

Thiệu đã nguôi cơn giận, nét mặt có phần dịu lại. Ba người ngồi vào bàn.

 

Vừa nhấm nháp ly cà phê, Hai Long vừa nói:

 

- Mỹ xấu, Mỹ trịch thượng hay chơi trò nước lớn thì ai cũng biết. Nhưng những vấn đề Mỹ công bố sáng nay, với ta không phải là bất ngờ. Bunker và Berger đã gần hai chục lần gặp tổng thống để trao đổi. Báo chí, các đài phát thanh làm rùm beng cả tháng nay. Các cha cố Mỹ cũng nói với tôi, sớm muộn Johnson cũng phải tuyên bố ngừng oanh tạc Bắc Việt để phá vỡ bế tắc, bước vào cuộc hòa đàm Paris. Họ nói Mỹ có cái khó thực sự của Mỹ. Vì ta nhất mực khước từ hòa đàm, nhất mực phản đối việc ngừng oanh kích, nên Mỹ phải đơn phương công bố những quyết định của mình. Mỹ nói Việt Nam cộng hòa có thể tham dự hòa đàm, là do hoàn cảnh của Mỹ không dược phép nói khác. Vì Việt Nam cộng hòa chưa chấp nhận hòa đàm sau nhiều lần Mỹ đề nghị. Điều này ta cũng nên thể tình cho Mỹ, vì Mỹ ở vào thế kẹt. Ta cần phải thấy là qua bản tuyên bố sáng nay của tổng thống Mỹ, một thực tế mới đang đặt ra: Trước đây chỉ có Bắc Việt ngồi với Mỹ ở Paris. Bây giờ lại có thêm Việt Cộng cùng ngồi với Mỹ! Một mình Harriman[5] sẽ phải đối phó với hai bộ óc khôn ngoan để quyết định số phận của ta. Trong khi chính ta là người chủ, thì lại không có tiếng nói. Trước đây, Việt Cộng ở trong rừng, có gào to lên cũng chẳng ai nghe. Nhưng bây giờ Việt Cộng có mặt tại Paris, từng câu nói của Việt Cộng chỉ một vài giờ sau sẽ bay đi khắp toàn thế giới. Vấn đề đặt ra là Mỹ đã cởi bỏ bộ đồ lớn khoác ngoài đi rồi, nó cũng bận quần xà lỏn để ngồi nói chuyện với Việt Cộng. Mỹ dám làm như vậy, ta có dám làm không?

 

Kỳ ngồi nghe, mắt lim dim nhìn Hai Long. Những cuộc tiếp xúc giữa Thiệu với Tòa dại sứ Mỹ suốt thời gian qua, Kỳ không được dự. Hai Long vạch ra những cái bất lợi trong việc làm của Thiệu, nhưng Thiệu vẫn ngồi im.

 

Kỳ hơi nhếch mép cười:

 

- Mỹ mời Việt Cộng tới Paris là Mỹ xấu mặt chớ mình có xấu mặt đâu! Việt Cộng tới Paris trước là chiếm được thế thượng phong!

 

Trung tá Hoàn từ lầu thượng xuống báo cáo cha Nhuận đã tới, mời vợ chồng Thiệu chuẩn bị lên nhà nguyện dự lễ.

 

Kỳ đứng lên cáo từ trở về nơi làm việc. Hai Long cũng về phòng mình thay quần áo cùng lên dự lễ.

 

Kỳ bước chầm chậm chờ Hai Long đi theo kịp mình ở hành lang. Y ngả đầu vào vai anh nói:

 

- Sáu Thiệu sáng nay mần tuồng dở ẹc! Vừa borné[6] vừa hăng máu vịt. Mất điểm nặng với Việt Cộng rồi. "Moi" chịu "toi" đó!

 

Kỳ nháy mắt mỉm cười với Hai Long, khẽ gật đầu rồi rảo bước. ---

 

[1] Lời nói danh dự!

 

[2] Chỉ đại sứ Bunker

 

[3] phiên âm của Paris.

 

[4] thẳng thắn

 

[5] Averell Harriman: trưởng phái đoản đàm phán Mỹ tại Paris.

 

[6] thiển cận

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83052


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận