Truyện ngắn 4 Nán lại sau xe rác Xe rác Đài Loan thường đi một cặp, xe trước chở rác sinh hoạt, xe sau nhận những bao gói, túi ni lông, rác tái chế. Nhạc hiệu xe rác vui một cách khác thường. Cậu bạn đến từ nước Anh kể, lần đầu tới Đài Loan, cậu ngỡ ngàng thấy tiếng nhạc quen thuộc của người bán kem rong chợ vùng quê nước Anh, và chạy ra hớn hở. Không phải kem, là rác.
Cô dâu Việt Nam quanh khu chung cư Cảnh Mỹ (Đài Bắc) tôi chỉ gặp mặt khi đi đổ rác. Bốn giờ chiều xe rác chạy qua, những người đi đổ rác nếu nói giọng Nam chắc chắn là cô dâu Việt, nói giọng Bắc hẳn là ôsin.
Không phải giọng nói ngăn cách chúng tôi, mà là thân phận đã làm chúng tôi ngại ngần.
Họ thường tụm lại nói xấu chủ. Những cô dâu tỉ tê nói xấu chồng. Và nói xấu nhau.
Trong mắt những bà ôsin thường gọi nhau oang oang trước đầu xe rác, cô dâu Việt là những cô sung sướng nhưng không chịu nổi nặng nhọc.
Trong mắt những cô dâu miền Nam, sự kiêu hãnh và tự trọng của những bà ôsin thật rỗng tuếch và giả dối. Chẳng phải đều cần tiền như nhau, sao còn chia đẳng cấp.
Nếu coi gia đình là một đối tượng nghiên cứu của truyền thông, thì người nào hay cầm cái điều khiển ti vi chính là người có quyền lực nhất gia đình. Và người nào đi đổ rác là những người dễ sai bảo, yếu thế nhất. Cũng vì thế, chiều chiều, sau xe rác nơi đảo Đài, là nơi người Việt gặp nhau. Tiếng Việt râm ran.
Dễ hiểu thôi, nhà có cô dâu Việt Nam, ai sẽ là người đi đổ rác nếu không phải người dâu mới. Và nếu nhà có thuê ôsin, ai sẽ đi đổ rác, ngoài chị giúp việc Việt Nam? Tôi thường nán lại sau xe rác lắng nghe. Có chị ôsin ngồi bệt xuống thềm cửa hàng tạp hoá khóc, nói chồng tiêu phá hết tiền mồ hôi nước mắt chị gửi về, quanh chị ba bốn chị em vỗ về và chửi đổng. Có chị ngồi chửi môi giới oang oang, rồi lại thì thầm tính với nhau số tiền dành dụm.
Cô dâu đứng bên này đường dặn với bạn, chủ nhật kêu ông xã chở đi ăn, nhớ chờ qua rủ.
Có một lần, sau xe rác bỗng dưng xuất hiện một người đàn ông Việt Nam. Một người đàn ông đi đổ rác. Hỏi ra biết anh quê Long An, sang đây làm ôsin đổ bô cho một bà già tám mươi trên tầng hai mươi tư của cao ốc. Ngạc nhiên quá, tôi đứng lại hỏi, anh có thật là khán hộ công giúp việc nhà không anh? Đàn ông như anh mà làm giúp việc nhà sao nổi?
Anh ta ngượng nghịu nói, nộp một trăm bốn chục triệu rồi, môi giới bảo sang đây làm gì thì mình làm nấy. Và anh nói nhỏ. Mai tôi trốn đi. Sang để mà trốn chứ ai đàn ông lại chịu di đổ bô cho bà già! Em biết chỗ nào làm mách giúp với nhé !
Tôi cũng đang tìm việc đây. Người như anh, bán đi cũng được một nghìn đô. Rất nhiều môi giới lao động phi pháp sẵn sàng trả từng đó tiền cho một lao dộng bỏ trốn, đàn ông, có sức vóc, người Việt. Nhưng tôi không cần tiền ấy. Vả lại, biết là mai bỏ trốn, tức là đã có cô dâu Việt Nam nào đó giăng sẵn lưới đón lõng anh rồi.
Rất nhiều cô dâu Việt đã giúp đồng hương theo cách đó, giúp họ bỏ trốn, một chuyên xe, một chỗ ngủ qua đêm đầu tiên, để hôm sau dắt tay họ tới môi giới lao động phi pháp, nhận thù lao đủ để mua một chiếc điện thoại xịn.
Buôn người không phải là dắt tay qua biên giới, bắt cóc trẻ em, đưa gái đi làm điếm. Buôn người chỉ là hôm nay đi đổ rác, làm quen với một người tay xách túi rác phân loại cũng như mình. Ngày mai mình cho họ địa chỉ để trốn đi, mình được năm nghìn tệ cho tới hai mươi lăm nghìn tệ. Một túi rác và hai cú điện thoại chính là buôn người.
Có cô ôsin xách túi rác ra đi không hẹn ngày trớ lại, chủ lục lọi chỗ ngủ của người giúp việc thấy còn nguyên hộ chiếu và một tờ tiền vài chục nghìn đồng của Việt Nam. Chủ giữ khư khư và nói, chắc cô ta còn phải quay về, bởi hộ chiếu còn dây, còn tờ tiền hẳn là một gia tài. Bà chủ biết đâu rằng với những người bỏ trốn, từ giây phút xách túi rác ra khỏi cửa ấy, hộ chiếu hay thẻ cư trú không còn giá trị với họ. Mà tờ tiền mấy chục nghìn đồng kia, đâu phải một gia tài như bà tướng.
Sau xe rác có lần tôi bắt gặp người chồng Đài Loan đi đổ rác cùng cô vợ Việt. Người ta đổ rác có đôi. Tôi dừng lại nhìn theo cho đến khi đôi vợ chồng đi khuất vào ngõ, cám cảnh mình đã bao ngày tháng bôn ba cô độc. Nhưng chỉ qua hôm sau đã phát hiện, thì ra người chồng không bao giờ cho phép vợ đi ra khỏi cửa một mình, sợ trốn. Và cô vợ ngỡ ngàng trong cuộc sống mới, lạ lẫm ngay cả từ cách phân loại rác, lạ lùng cả việc buộc phải mua túi đựng rác giá đắt bới kèm tiền phạt huỷ hoại môi trường, lạ lẫm cả một thế giới sau xe rác, đã im lặng đi cạnh chồng. Tôi không biết cái im lặng ấy là chấp nhận hay chịu đựng.
Nhưng dẫu sao, sau xe rác là những phút thư thả, các chị giúp việc nán lại tranh thủ tán gẫu, nên đi đổ rác vẫn là thú vui đuy nhất trong ngày của nhiều chị ôsin .
Có lần tôi cũng bị nhầm là ôsin. Tay môi giới lao động phi pháp xuất hiện từ góc bên kia đường, rà xe máy theo sau tôi rỉ rả, em là người Việt Nam hả, em giúp việc cho nhà nào, có muốn đổi chủ không, tôi biết có chỗ này lương cao lắm. Cho đến khi tôi đóng cửa lên lầu, thùng xe máy còn rú lên cay cú lượn vòng dưới sân.
Trong rác có nhiều thứ lượm được. Bán được ra tiền.
Trước khi đi đổ rác, tôi thường xách túi rác phân loại tái chế tới chiếc xe ba góc nhỏ đỗ dưới góc sân chung cư trước, đế anh chàng "ve chai, đồng nát" Đài Loan cao nghều lựa lấy những thứ bán được tiền. Coi như tôi giúp anh, làm nghề ve chai đồng nát đã khổ lắm rồi, làm ve chai đồng nát Ở Đài Loan càng cực hơn, khi sự nghèo khó bị nổi bật lên giữa cuộc sống giàu có sung túc quanh đây. Ngày nắng cũng như hôm mưa, cái xe ba gác đứng chờ ở góc sân chung cư cùng người chủ cho tới khi chuyến xe rác cuối cùng chạy qua.
Một hôm đẹp trời, mùa hè, xe rác chưa đến, anh ve chai hỏi tôi: "Nếu sang Việt Nam lấy vợ, liệu cô vợ Việt Nam có chịu khổ với tôi không nhỉ?"
Tôi hình dung như anh đang hình dung, một người con gái chịu đứng bên xe ve chai suốt các buổi chiều, chờ xe rác tới, cho đến chuyến cuối cùng. Và hóng chuyện của những cô, những chị Việt Nam kể sau xe rác. Cuộc sống ấy nó sẽ như thế nào?
Hay một ngày nào đó, sau tiếng nhạc vui quá mức của xe rác, cô dâu không chịu khổ sẽ bỏ đi, như hàng nghìn, hàng chục nghìn cô dâu Việt Nam bé nhỏ, đã tìm đến người chồng Đài Loan như tìm đến cuộc sống mới, và rời bỏ cuộc sống mới để đi tìm một cuộc sống mới hơn nữa.
Dù những cuộc sống vui buồn, những mặt người cũ mới, xe rác chiều chiều vẫn chạy qua, mỗi tiếng một chuyến, đều đều. Cho đến lúc đêm xuống, chuyến cuối trôi qua dốc phố dưới ánh đèn đường vàng buồn ngái ngủ, một đôi người xách'túi vội vã đuổi theo xe.