Đất Độc Chương 4

Chương 4
Câu chuyện thứ 7: MA NAM

Trong tất cả những truyện trước, chi tiết tôi hay nhắc đến nhiều nhất là con sông và dải bãi bồi trải dài đoạn qua Ngọc Thụy. Sông Hồng dường như lúc nào cũng chứa đựng trong nó những điều kì lạ, và cả những thứ khó giải thích đến phi lý. Ngày xưa mạn Gia Lâm còn một cái bãi bồi to lắm. Bãi này trải dài từ chân cầu Long Biên về phía học viện Hậu cần bây giờ.

Có những năm nước sông rút sâu đến mức cảm tưởng có thể bơi một chút là sang được bãi giữa. Trên bãi bồi rộng mênh mông đấy, người làng tôi trồng đủ thứ cây, ngô, khoai, rau rợ và cả khai thác cát. Cái bãi rộng và chắc đến mức mỗi mùa nước rút, dân cho máy xúc ra khoét sâu xuống, rồi đưa cả ô tô ben từng đoàn vào chở cát ra, để lại những cái hố sâu hoắm, rộng hoang hoác.

Sau một mùa nước lên và rút, nước tràn vào gần như tạo thành một cái “hồ” trên mặt bãi bồi. Cứ thế, năm này qua năm khác, cái “hồ” rộng dần ra, thành một dải sông thu nhỏ ngay sát bờ, như cái bể bơi của tự nhiên. Nhà tôi nằm cách cái hồ đấy gần trăm mét. Hồi nhỏ, ông ngoại hay đưa anh em bọn tôi ra chỗ đấy tập bơi. Chỗ nông chỗ sâu, bì bõm, y hệt một cái sông con con, nhưng không có sóng. Bọn trẻ con đứa nào cũng khoái chỗ đấy, vừa được tắm sông, vừa như được đi bể bơi.

Nhưng có một điều cấm kỵ, gần như luật bất thành văn ở làng tôi, đó là nghiêm cấm ra sông tầm giữa trưa và ban đêm. Nếu tầm đó còn có việc ngoài bãi thì không được mon men ra bờ sông hoặc cái hồ đấy. Bà tôi bảo, làng mình có Ma Nam.Ma Nam là linh hồn của những người chết đuối trên sông, chết bất đắc kỳ tử như bị sụp cát hoặc chìm tàu, và những người chết trôi dạt vào làng. Những người này không thể siêu thoát, họ tụ tập nhau trên triền sông vào mỗi buổi trưa và tối để tìm người. Họ chỉ có thể đầu thai nếu bắt được người hợp vía chết thay, gọi là “trả mạng cho Hà bá”. Người làng tôi vẫn thỉnh thoảng nghe tiếng ùm ùm nhảy xuống nước hay tiếng cười đùa ở bờ sông vào giữa khuya. Những người câu nhái đêm còn kể, có nhiều lần trên cái hồ vào nửa đêm, từng tốp bóng trắng toát cứ nhảy xuống, rồi lại cười khe khé với nhau. Làng tôi tuyệt nhiên không ai ra sông vào những giờ cấm kỵ cả trừ một vài tay cứng đầu cứng cổ tỏ ra coi thường đó có cậu cả nhà tôi, cậu D.

Ông bà ngoại có bốn người con, mẹ tôi là cả, thứ hai là cậu D, rồi đến cậu C và dì T là út. Cậu C là người thông minh, nhanh nhẹn, học một hiểu mười, con đường sự nghiệp sáng lạn; nhưng trái lại, cậu D lại rất nghịch. Cậu nghịch từ bé, lớn lên làm trùm du côn, hở ra là cà khịa, ngứa mắt là đánh nhau. Cả làng ngán ngẩm, gọi cậu là D bẹt. Đỉnh điểm của sự việc là khi cậu tôi tham gia đánh người gây thương tích, bị công an bắt đi tù mấy năm. Lúc trở về cậu lại càng đâm lầm lì, khó tính. Trong các thứ trên đời,cậu tôi ghét nhất là mê tin dị đoan và những thứ thuộc về tâm linh như ma quỷ, thánh thần. Ai nhắc đến những chuyện đó trước mặt cậu, nếu là bề trên thì cậu tỏ ra coi thường, hoặc nói lại gay gắt; còn nếu là bề dưới thì cậu tát luôn. Cậu bảo, tao vào sinh ra tử bao lần rồi, cái đất Gia Lâm này làm gì có ma với chẳng quỷ; cậu coi tất cả chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Cho đến một ngày cách đây chín năm, hồi tôi mới vào lớp 10 cậu tôi bị dạ dày cấp. Đi bệnh viện 108 mổ, bác sĩ cắt đi 2/3 dạ dày. Kể từ đó, gã đàn ông lực lưỡng cứ suy sụp từng ngày. Đến năm tôi kết thúc kì I lớp 10, cậu tôi gầy nhẳng, cao 1mét 60, nặng tầm hơn 40kg, mỗi bữa ăn được lưng bát cơm là chịu. Thế nhưng tính hổ báo của cậu vẫn còn y nguyên, lại có phần nặng hơn trước. Cậu đâm ra bất mãn với đời, càng tỏ rõ thái độ với những chuyện tâm linh.

Trưa hôm đấy, hai ông cậu rủ nhau ra sông tắm. Phàm là dân sông nước, ai cũng thích bơi lội, đặc biệt là ở ngoài bãi. Đến gần giữa trưa, cậu C giục cậu D cùng về ăn cơm, nhưng cậu D gạt đi. Thuyết phục không được, cậu C về trước

12 rưỡi, chưa thấy cậu tôi về, cả nhà dáo dác đi tìm. Vừa chạy ra đầu bãi thì cậu lững thững đi vào. Mặt trắng bệch, cứ dấm dúi bước đi từng bước một như người say rượu. Nghĩ chồng bị trúng gió hoặc cảm nắng, mợ tôi hoảng quá, vội kéo cậu vào nhà bôi dầu. Cậu D cứ giãy dụa, mắt đảo như rang lạc. Vào đến sân, cậu giật ra, ngồi phịch xuống, mặt như người điên, ngửa mặt lên trời cười ha hả. Mợ và bà sợ quá, gọi điện cho bố mẹ tôi về xem cậu thế nào để đưa đi viện. Cả nhà tôi tất tả phóng về quê. Lúc nhà tôi đến nơi, nắng đã chếch quá đỉnh đầu, cậu đầu trần ngồi giữa sân, ai đem ô ra che là cậu cầm gạch ném, rồi lại quay ra chỗ cũ ngồi cười. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một người như thế. Đầu tóc cậu bù xù, lưỡi lè ra ngoài dài ngoằng, nâu xỉn; cái tròng mắt trắng ởn không còn thấy tròng đen. Cậu tôi cứ ngửa mặt lên trời cười ế ế, rồi lại giật cục. Cả họ nhà tôi, bao gồm sáu gia đình trong khu nhà tôi, gia đình tôi, và ba gia đình trong khu nhà bà chị bà ngoại đứng quanh sân, trố mắt nhìn cậu D.

Biết có chuyện chẳng lành đã xảy ra, bà tôi nhảy ra trước cậu D, trỏ thẳng tay vào mặt quát: “Mày là thằng nào? Mày ở đâu về đây”. Lúc này cậu mới nhìn liếc về phía bà, nói bằng cái thứ giọng mà vĩnh viễn trong đời không bao giờ tôi quên,nó phảng phất, nghe như cái loa rè, hoặc như khi cắm dây loa lỏng, chỉ nghe tiếng rào rào mà không rõ tiếng: “Quê tao ở Hải Dương.”

Cả họ nhà tôi chết lặng. Rồi “nó” lại cười khé khé như một người điên. Chỉ thấy bà bảo vọng lại “Ma Nam” rồi đi ra phía cổng, chẳng ai biết bà đi đâu.

Lúc này “nó” hiện nguyên hình không phải là ông cậu tôi. “Nó” bảo nó tên là Nguyên, quê ở Hải Dương, làm ăn buôn bán ở trên này, gặp mùa nước lũ bị chết đuối từ năm 96. “Nó” lang thang quanh bãi mấy năm, rồi bỗng hôm nay gặp ngày, lại gặp được ông cậu tôi hợp vía nên nó nhập. “Nó” nói cứ bằng cái giọng đấy, mặt vẫn ngửa lên trời, trời vẫn nắng chang chang.

Một lúc sau, “nó” đòi ăn cháo. Mợ tôi vào nấu cháo, bưng ra trước mặt "nó" cái xoong đang nghi ngút khói bỗng nhiên nguội hẳn rồi thiu luôn, chứ tuyệt nhiên không vơi đi một giọt. Ăn xong “nó” bảo vẫn chưa no. Lúc này bố tôi cáu quá nhảy ra chửi. “Nó” chẳng nói chẳng rằng lết từng bước vào nhà bếp. Nhà tôi trồng ngô, thế nên hay tích ngô, lèn chặt trong những cái thùng phuy đặt trong bếp. Một thùng đầy nặng phải hơn tạ. “Nó” lết vào đến bếp, lừng khừng đứng dậy rồi sốc cả cái phuy đầy ngô đặt lên vai tiến ra vườn. Cái phuy đấy hai người ôm còn vất vả, vậy mà ông cậu tôi gầy nhẳng, vác trên vai, đi nghiêng ngả ra vườn.

Đến bờ tường, “nó” bất ngờ hất tung cái thùng văng qua, rơi sang vườn nhà bà trẻ. Bố tôi với cậu C nhảy vào giữ, chỉ thấy lắc lắc mấy cái hai người bắn về hai hướng. Xong xuôi, “nó” lại về chỗ cũ ngồi.Cả họ nhà tôi vẫn không rời mắt nửa bước khỏi “nó”. Con chó nhà cậu C nuôi hằng ngày hay sang vườn nhà cậu D chơi, hôm nay rúc hẳn trong chuồng rên ư ử. Mọi người dạt hẳn ra, nhưng vẫn cố quây thành vòng tròn kín để đề phòng “nó” dắt cậu ra sông. Bà trẻ tôi lần tràng hạt lẩm nhẩm kinh liên tục, nhưng đáp lại, “nó” chỉ cười phe phé. Trời càng lúc càng nắng gắt, “nó” bắt ông cậu tôi cứ cởi trần, mặc quần đùi ngồi giữa sân gạch, thế nhưng mặt vẫn trắng bệnh, và nhờ nhờ thiếu sinh khí.Đúng lúc này thì bà ngoại về!Bà cầm trên tay là cành dâu vặt ngoài nghĩa địa, rồi không biết kiếm đâu ra nước tiểu trẻ con tẩm vào. Bà nhìn thẳng vào “nó” gọi to tên cậu ba lần: “D ! D ! D !”, cứ mỗi từ “D” là một phát bà quật thẳng cái cành dâu đầy gai đấy vào người cậu tôi.Lúc này “nó” đã thôi cười, và quay sang nhìn bà tôi gườm gườm với ánh mắt sắc lẻm không có tròng đen nhưng tuyệt nhiên không làm gì cả. Bà tôi vẫn quật. Đến cái thứ sáu thì “nó” quỳ sụp xuống chắp tay lạy bà. “Nó” bảo đã biết lỗi, chỉ xin ít tiền đi đường. Bà vẫn chẳng nói chẳng rằng vụt tiếp. Được chín cái thì người cậu giật tưng tưng, sùi bọt mép, rồi nằm yên không động cựa. Mợ tôi ré lên lao vào ôm cậu khóc, gào ầm lên: “Mẹ giết chồng con rồi”. Bà tôi cũng khóc, nhưng bảo cậu D không sao đâu, cứ đưa vào nhà nằm là được, đã trục được con yêu ra ngoài, giờ bà sẽ lo phần còn lại. Rồi bà lại bỏ đi.

Chuyện cậu D chưa qua được ít lâu, thì vài tháng sau đến lượt bác Ng. Bác Ng là con dâu bà trẻ - tức chị gái bà ngoại tôi; nhà bác sát vách nhà tôi, cách mỗi bức tường phân ranh giới mảnh vườn. Bác Ng còn trẻ lắm, cách đây chín năm bác vừa lấy bác H - con bà trẻ tôi, và dọn về khu này sống.

Đêm trước khi xảy ra chuyện, mấy con chó trong làng cứ sủa nhặng lên. Nhưng chúng sủa không thành chuỗi, mà cứ: “Gâu, huuuuu, gâu...”.

Bà tôi bảo chó cắn “một tiếng là ma, ba tiếng là người”. Mắt loài chó có thể nhìn thấy âm khí và tà ma. Nếu cứ sủa thành chuỗi dài thì chắc chắn nó đang đuổi người, nhưng nếu cứ tiếng một cách nhau như thế có nghĩa là đang sủa ma.

Đêm đấy là cuối tuần, tôi ngủ lại bên Gia Lâm như thỉnh thoảng mọi khi. Tầm quá 1giờ bỗng bọn chó quanh nhà sủa nhặng lên, từng tiếng một, con nào cũng gầm gừ sợ sệt. Một lúc sau phía nhà bà trẻ tôi rậm rịch tiếng người la hét, tiếng chạy, tiếng kêu khóc. Biết có chuyện chẳng lành, tôi gọi thằng em họ dậy, hai anh em chạy ra. Trong ánh đèn tròn vàng vàng, tôi thấy bác Ng đang cố bám vào sợi dây treo trên cành hồng bì, đầu cố chúi vào cái nút thắt, còn bà trẻ tôi cùng hai bác khác đang cố kéo chân bác Ng ra, vừa kéo vừa khóc.

Bác Ng tóc dài, để xõa, cố cắm đầu qua cái dây treo trên cành cây, mồm gầm ghè chứ không nói ra thành tiếng. Điều kì lạ là ba người giữ chân bác Ng kéo ra mà vẫn không lại, bác Ng cứ đung đưa bám vào cái thòng lọng, rít ra những tiếng lạnh cả sống lưng. Cái chao đèn ngoài sân trước gió cứ rung bần bật, đảo qua đảo lại, ánh sáng chỗ mờ chỗ tỏ, khắp sân là tiếng khóc, chửi bới, và tiếng chó ư ử tạo nên cảnh tượng rất quái dị.

Lúc này bà ngoại tôi cùng các cậu cũng chạy sang. Buổi đêm gió to, tóc bác Ng để xõa che kín mặt, giãy giụa cố chui đầu vào thòng lọng. Cậu D trèo lên ngọn cây cắt dây, bác Ng ngã úp đầu xuống sàn gạch, rỉ máu. Bà ngoại tôi chậm chậm bước đến chỗ bác Ng nằm sấp, vén tóc ra, bất ngờ cả cái đầu bác Ng quay ngược lại, dù người vẫn nằm trong tư thế sấp.

Cái đèn vàng đung đưa hắt ánh sáng vừa đủ để nhìn rõ mặt bác Ng căng phềnh, hai hốc mắt ti hí khép kín, vết máu chảy rỉ xuống từ đỉnh đầu, tóc lòa xòa khắp mặt. Miệng bác Ng nhai rào rạo cái gì đó. Nhìn thấy bà tôi, bác Ng nhoẻn miệng cười, để lộ ra cái chân ếch còn giãy giụa. Tất cả mọi người hét toáng loạn, chạy dạt cả ra.

Bác Ng lại lồm cồm bò dậy với tìm cái dây. Bà tôi hô hào mọi người trói chặt bác Ng lại, đem nhốt dưới gầm bàn thờ. Bà bảo bác Ng mới về đất này, chưa cúng bái, thần linh thổ địa chưa quen mặt nên bị ma quỷ bắt dụ. Con này là ma thắt cổ, trước nó bị treo cổ chết, giờ bắt vía người, rủ ra treo cổ cùng nó. Nó hay bắt người ta ăn cóc hoặc ếch sống để càng tê dại, hoặc chết vì độc. Số bác Ng còn cao nên người nhà phát hiện ra. Bà tôi lại dò dẫm tìm đủ ba nén hương lụi, thêm cái dao sắc gọt trầu và một quả trứng luộc. Bà với bà trẻ cúng bái đến 2 giờ sáng thì bác Ng tỉnh. Lúc này cả nhà hớt hải đưa bác Ng đi rửa ruột. Giờ bác Ng vẫn sống vui vẻ cùng bác H, nhà ngay sát vách nhà tôi.

Nguồn: truyen8.mobi/t98708-dat-doc-chuong-4.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận