7 Nàng Bạch Tuyết Và Chú Lùn Truyện ngắn 4


Truyện ngắn 4
Tình bụi

1.

hiếc xe máy Tàu thoạt trông bề ngoài thì vẫn tươm tất với nước sơn nếu qua một cửa hàng rửa xe thì vẫn nổi màu nguyên sinh của khung xe, của đệm yên. Nâu ra nâu, đen ra đen. Tiếng động cơ xe vẫn giòn giã, tách bạch. Trên xe cặp trai gái vẫn giữ nguyên trạng thái uyên ương của giống người từ hàng triệu năm nay. Chàng ngồi thẳng cứng với vẻ rất đàn ông - chở che và đương đầu cho nàng trong mọi sự cố cuộc đời - môi chưa tan nụ cười mơ hồ, chắc vì nàng đang ngồi hai tay ôm chặt eo chàng dẩu miệng sát tai chàng thả một câu rất riêng tư chỉ phù hợp cho hai kẻ đang yêu nhau. Chiếc xe đang phóng vù vù qua một đường cua thì chậm dần đến một chỗ khuất ở một đầu ngõ từ đó tuông ra một đường phố lớn sáng lòa điện đèn đường và điện trang trí. Thấy xe tắt máy, mặt nàng đang nũng nịu chợt chuyển gam nặng nề, bất đắc dĩ. Nàng chùng chình, uể oải vắt chân nhấc qua yên xe.

- Ơ này. Còn túi quần áo.

Giọng chàng trở nên khô khốc:

- Ừ nhỉ. Hôm nào cũng quên.

Giọng nàng cố làm vẻ tự nhiên:

 - Mấy giờ đến đón đấy? - Giọng khô, hơi sẵng đã pha một chút sốt sắng.

- Thì vẫn như mọi hôm. Cứ để già già một tí, đỡ mất công đợi.

 Giọng gắng giữ sự thản nhiên có gia thêm sự dịu dàng. Nàng cúi đầu bước ra đường phố sáng rực đi về phía tòa nhà cao có biển nhấp nháy, xanh đỏ "karaoke Lá Đa". Mới đi được vài bước nàng đã nghe rõ tiếng chàng gọi khẽ nhưng giật:

- Này.

- Gì thế? - Nàng ngoảnh đầu về phía chàng, hơi thoáng lưỡng lự rồi đi lại phía bóng tối nơi chàng đang chống một chân như mọi chàng trai si tình nào trong giờ đợi chờ. Thấy nàng đến gần, chàng nói nhanh:

 - Chuyện kia nhớ chưa đấy...

Thấy chàng ngập ngừng, nàng mạnh dạn tuy giọng hơi nhỏ:

- Nhớ rồi. Bao chứ gì.

 

- Cố đừng để chúng nó ép uống say quá mà quên


đi đấy.

- Quên làm sao được.

 Đôi giày cao gót nhấc cao định đi bỗng hạ xuống. Giọng nàng sền sệt:

- Cũng nhớ đấy, nếu con mụ ấy đến thì đừng có dính vào nữa.

- Khổ quá. Lâu lắm mụ ta có biết chỗ này đâu.

- Cứ dặn thế. Nhỡ cái chồng con nó đánh cho
thì khổ.

 - Biết rồi.

 Liền đó là hai tiếng thở dài từ hai lỗ miệng vô tình bật ra gần như cùng nhịp

2.

 

 Vừa thay quần áo xong, thằng ranh con người bé choắt nhưng mặt già đinh nàng nghe bảo là cháu họ xa của chủ quán đã bước vào. Nó chọc tay vào sườn nàng với sự ham hố không giấu, miệng nhăn nhở:

 - Có khách rồi đấy. Lão ấy gọi đích danh đằng ấy. Mõi khỏe vào, được nhiều chia cho thằng này tí hồ chứ

 Nàng lẳng lặng bước theo. Trong ánh điện đỏ xanh nhấp nháy. Nàng nhìn theo bàn tay chĩa thẳng, nhọn như búp giáo của mặt choắt bỗng rùng mình ớn lạnh. Khuôn mặt lão ta, một đôi môi dày, một hàm răng vẩu xỉn đen vì khói thuốc lá đã trở thành nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong nàng. Người đàn ông đầu tiên đập vỡ sự ngây dại của đời nàng trong đêm mùa hè nhớp nháp mồ hôi và nỗi đau lộng óc mặc dù máy lạnh chạy hết cỡ, chiếc quạt đứng cuối giường đua ở tốc độ cao nhất. Người đàn ông khủng khiếp ấy với lão khách răng xỉn này giống nhau đến kì lạ. Điểm khác duy nhất giữa hai lão có lẽ chỉ là màu của bộ răng. Một màu trắng nhờ nhợ, dài dại kiểu răng giả. Một màu đen sạm. Cả hai đều chìa ra khấp khểnh và cả hai hàm răng đó đã từng làm môi nàng vều lên vì va mạnh. Run rẩy cầm xấp tiền một trăm dày cộp của ông khách răng trắng nhởn đưa cho, không hiểu sao nàng nghĩ đến cây ngô trên quê nàng. Bố nàng gầy quắt, bần thần nhìn bắp ngô lẩm bẩm: "Bắp dài, hạt to mà cái vỏ ngắn thế này thì được vài ngày chắc bị mọt ăn hết". Những bắp ngô giống mới vừa bẻ về căng phình vứt lỏng chỏng trên đất. Cái vỏ ngoài lại hũn hỡn như cái áo trên tấm thân đang lớn của đứa em trai nàng. Lỗ rốn thằng bé cáu đất nở ra, thót vào. Những hàng hạt ngô trồi ra trắng tởn. Trắng tởn như bộ răng của người đàn ông đầu tiên. Nàng đau đớn tưởng như bị một con dao vừa cùn vừa mẻ trong tay một kẻ tàn bạo đang muốn khía nàng làm đôi từ chỗ háng. Nàng cố quên tất cả để nghĩ đến tập tiền người đàn ông răng trắng tởn vừa lảo đảo vào phòng đã rút ra vứt phệch trên giường. Nàng sẽ cố chịu đựng tất cả miễn là đừng chết. Số tiền này nàng sẽ ra bưu điện gửi về cho bố mẹ. Mùa đông này ba đứa em của nàng sẽ có áo ấm, có chăn Tàu mịn mịn như chiếc chăn khi tay nàng sờ vào ở cửa hàng hôm nàng bỏ nhà đi lang thang lên thị trấn. Nàng bất chợt rùng mình. Ngay cạnh cánh cửa được ghép bằng những thanh sắt bẹt sơn xanh đã bạc màu của cửa hàng, một mớ quần áo hay đúng hơn là một đụng giẻ rách bùng nhùng trong đó có đứa trẻ chỉ chừng mới được một, hai tháng da xám ngoét, chân tay khẳng khiu đang nghều ngoào. Chắc vì nó khóc đã lâu nên quá mệt. Cái mồm bé nhỏ của nó huơ lên như chờ đón hé ra cái lưỡi bé xíu lo le. Nàng thương đứa bé quá, đứng bần thần không biết làm gì thì tiếng bà chủ cửa hàng quát to: "Con dở người kia, định ăn cắp gì mà sán vào đấy". Nàng chỉ tay vào đứa trẻ lắp bắp: "Nó đói, đói". Giọng bà chủ cửa hàng lại lảnh lói vống lên: "Kệ mẹ nó. Không việc gì đến mày". Nàng lùi lũi bỏ đi lo lắng không biết bao giờ mẹ đứa bé cho nó bú... Số tiền này gấp mười lần số tiền nhà hàng ăn uống trả cho nàng hàng tháng. Điệp khúc ngày nào cũng giống nhau như những giọt nước nhỏ từ khe đá. Chân nàng mỏi dừ vì bưng bê, tay nàng buốt giá vì chồng bát đĩa cao ngất nhộn nhạo trong cái chậu vành quá rộng đến người lớn ngồi cũng vừa. Bà chủ đứng chống nẹ nói to: "Đồ thừa của khách đứa nào đói thì ăn đi, tao không cấm. Không phải sĩ diện, còn hơn chán vạn cơm nhà quê của nhà chúng mày". Nàng vừa ăn đĩa mì dở vừa cố không để nước mắt rơi. Nàng sẽ chịu khổ thật nhiều để kiếm tiền gửi về cho bố mẹ nuôi ba đứa em. Nhưng tiền công thế này biết đến bao giờ. May có chị ấy, vào một đêm vừa lúc có tiếng người giao bánh mì vọng đến đã nói thầm với nàng. "Chín triệu cơ đấy, nhưng mình chỉ được sáu triệu rưởi thôi. Nhưng mày còn nguyên đấy chứ?". Nàng gật đầu, úp mặt vào hai bàn tay. Môi nàng mặn chạt nước mắt y như hôm nàng húp bát canh riêu của người khách vì nổi cáu với bạn đã đổ cả lọ gia vị vào.

- Kìa em. Tươi lên chứ. Đứa nào bắt nạt em để anh đánh nó chết luôn.

 Răng xỉn lập bập điếu thuốc lá. Tiếng vỗ tay lộp bộp cùng những lời tán thưởng của ba gã đàn ông rộ lên. Ba cô gái vừa vào tản ra lao đến khách. Tiếng vỗ tay ngừng.

- Kìa anh. Ở đây... không được thế đâu.

 Nàng rùng mình gạt bàn tay phàm phạp, thô ráp của gã răng xỉn. Tay của răng xỉn y hệt tay của răng trắng tởn. Sao tay của đàn ông giống nhau thế.

 

 - Em yên tâm đi. Em không thấy vì là khách quen nên bà chủ mới bố trí bọn anh lên phòng thượng này. Tức là thoải mái đến cùng các cậu hiểu chưa

- Nhưng nhưng... - Nàng lắp bắp không hiểu mình sẽ nói tiếp câu gì.

- Bao chứ gì. Tất nhiên rồi. Em ba vạ, anh cũng ba vạ. Phải giữ chứ...

 Cái mồm chứa đầy răng xỉn ngoác rộng vừa thở vừa nói. Nàng cố quay mặt đi. Hơi thở của gã hôm nay nặng quá. Sặc mùi tỏi và mùi thịt chưa tiêu... Nàng hiểu rằng không thể chống lại được. Nhưng chút nữa nàng sẽ nói với chàng thế nào nếu chàng hỏi. Phải rồi, nàng bảo đang ngồi thì ông khách có điện thoại cần giải quyết việc gấp, ông ấy về nhưng vẫn hào phóng đưa tiền bo. Khi nói dối nàng thấy bứt rứt thế nào ấy nhưng biết làm sao. Ít ra là được lần này. Nói thật thế nào chàng cũng buồn, dù cố giấu.

3.

 

 Chàng rất muốn tìm một chỗ nào đấy ở khu vực quanh quẩn phố của quán karaoke nàng đang ngồi tiếp khách, để nàng ra một cái là biết ngay. Đỡ phải mong ngóng, suy đoán này nọ. Nhưng làm sao mà được. Tối hôm kia chàng vừa giả bộ tấp lại bên đường, chân chống chưa gạt xuống đã thấy một tiếng quát váng lên: "Này thằng kia cút đi. Chỗ của mày đấy à". Nghề xe ôm cũng như mọi nghề tự do khác tuy chưa thành luật nhưng cũng quyết liệt và bản năng chả khác gì loài vật. Có lần chàng đã xem trên vô tuyến. Chó sói đái để đánh dấu địa phận của nó. Con nào muốn chiếm thì phải đánh nhau giành phần thắng. Anh xe ôm nào đến chỗ ấy đầu tiên thì là chủ của khoảnh đất ấy. Chàng biết mình cũng không phải thằng hèn kém gì nhưng chàng nhớ lời mẹ dặn hồi nhỏ: "Cái gì của ai thì con đừng động đến". Chàng ào xe đến chỗ đợi khách quen thuộc. Gã xe ôm già đang nằm im thoải mái trên yên xe bằng động tác mà chàng bắt chước mãi vẫn không làm nổi. Vừa thấy chàng, gã bật dậy, tiến lại: "Còn thuốc cho điếu". Cắm điếu thuốc vào mồm gã xe ôm già lào thào câu chuyện bâng quơ để trả nợ điếu thuốc: "Hôm qua mày đi đâu? Tao thấy có con mụ cứ lởn vởn đi lại mấy vòng, hình như tìm mày...". "Vớ vẩn". Chàng cằn nhằn với vẻ giận dữ để át đi sự lo lắng đang trồi lên trong lòng... Chả lẽ bà ấy lại tìm đến... Chàng lắc đầu thật mạnh. Chiếc bật lửa lóng ngóng bật đến lần thứ tư mới vọt lên tia lửa xanh lơ. Mới đầu năm ngoái thôi. Tết xong kề ngay giáp hạt. Bố dượng chàng không phải là người ác nhưng quá lấn bấn vì nuôi năm đứa con vừa chung vừa riêng ngước mắt nhìn chùm hoa xoan sắp tàn đầy muỗi thở dài bảo chàng: "Hay là mày theo mấy đứa con nhà Ất, Bền ra thành phố kiếm việc. Ngoài ấy không có thứ này còn có thứ khác. May ra. Vừa có cái ăn, vừa có tiền". Ba ngày ngồi vêu bên thành cầu ngửi mùi thối từ mặt sông đen sì thốc lên. Ba ngày ba cái bánh mì, hai gói mỳ sống trôi veo trong thân thể đang lớn của chàng lực điền. Buổi xế chiều ngày thứ ba. Chàng thấy mắt hoa, đứng dậy chân loạng choạng, tay rã rời. Chiếc xe tắc xi xanh nhạt đỗ xịch. Một người đàn bà phốp pháp, mặt mũi xanh đỏ như diễn viên chèo mà hôm trước chàng tình cờ xem được ở quầy hàng bán đĩa bên kia cầu. Bà ta vừa bước xuống tiếng con nhà Ất, Bền đã nhao nhao: "Bà có việc gì ạ. Chúng cháu, chúng cháu". Chàng đứng lặng phía sau không dám nói vì đói, vì chàng là kẻ được anh em nhà nó dắt đi theo. Sáng nay thằng con nhà Ất còn sẻ cho chàng nửa gói mì sống. Bà mặt xanh đỏ đảo mắt, chĩa bàn tay về phía chàng nói nhanh như đang nhai vật gì: "Thằng kia, theo cô về. Được rồi. Cho thằng này thử trước. Làm được cô sẽ gọi cả bọn". "Thằng ranh tốt số thế không biết". Con nhà Ất lẩm bẩm ghen tị...

 Nhà của người đàn bà mặt xanh đỏ rộng mênh mông. Hai con chó cao như ngựa sủa ồm ồm. Mặt xanh đỏ quát một tiếng. Sau hai tiếng hực hực tiếng chó im bặt. "Vào trong kia tắm rửa thay quần áo đi". Thấy chàng từ phòng tắm run run đi ra. Mặt xanh đỏ bây giờ chỉ còn lại màu hồng phơn phớt. Chiếc áo khoác ngoài trắng mỏng dính những đường thêu loằng ngoằng. Đôi môi tô đỏ rực tủm tỉm: "Đói lắm phải không. Ngồi xuống ăn với cô. Cháu uống rượu được chứ?". Mùi thức ăn thơm phức xộc vào mũi chàng. "Nhìn qua cô biết là cháu rất ngoan. Thật thà và hiền lành. Mới ra đúng không? Tính cô thương người. Cứ thấy ai khổ sở là cô áy náy lắm. Mấy hôm cô đi qua chỗ cháu đấy chứ. Thôi ăn đi, uống đi cho khỏi đói đã rồi mới có sức mà làm việc". Cơn đói làm chàng quên hết mọi điều nghĩ ngợi, áy náy. Thứ rượu gì đấy không giống như cuốc lủi bố dượng chàng ở nhà uống mà có lần chàng nhấp khi ông bắt chàng tráng chén uống nước. Thứ rượu này làm chàng lâng lâng, bồn chồn đến lạ. Mặt hồng của người đàn bà chung chiêng. Đôi môi đỏ chao đảo, cặp mắt viền đen vòng quanh đưa đi đưa lại. Nửa đêm chàng choàng dậy. Một cánh tay béo nẫn vắt qua ngực chàng. Chàng định ngồi dậy thì bàn tay đeo nhẫn lóng lánh níu xuống. "Khuya rồi. Cứ nằm ở đấy. Rồi sẽ được tiền, nhiều tiền, hiểu không cậu bé?". Ba ngày liền chàng bị nhốt trong tòa nhà rộng mênh mông. Hai giọng chó sủa ồm ồm. Những món ăn lạ thu hút chàng. Chai rượu màu đỏ sậm được đựng trong chiếc túi nhung xanh đen. Chiếc giường thơm ngan ngát, và người đàn bà có bầu ngực to ụ và đôi tay nẫn bóng. Đến sáng ngày thứ tư, mặt người đàn bà trở lại xanh đỏ. Tay cầm một xấp tiền vẩy vẩy trước mặt chàng: "Cậu bé tốt lắm. Ngoan lắm. Cho cậu số tiền này. Mua lấy cái xe máy mà làm xe ôm. Kiếm hơn việc ngồi bán sức lao động. Cả cái điện thoại này nữa. Lúc nào cần cô sẽ gọi. Hiểu chưa?". Chàng cập rập rời khỏi tòa nhà. Xấp tiền như phát bỏng trong túi áo ngực, và bên hông lập bập chiếc điện thoại. Anh con nhà Bền cũng có cái điện thoại nhưng rõ là không đẹp bằng cái này. Phải rồi, phải rồi. Chàng đi thẳng ra phía bờ sông. Dòng sông ở đây cũng đen như sông nơi chàng cùng đám con nhà Ất, nhà Bền vẫn ngồi chờ người đến thuê. Phải rồi. Không thể quay lại chỗ cũ. Mọi người sẽ tra hỏi chuyện này. Chàng biết mình không biết nói dối. Nhưng giấu mặt vào đâu cho thoát. Làng cũng chưa thể về được. Có điện thoại chàng sẽ tìm cách gọi cho mẹ, cho chú dượng để họ đỡ lo... Nhưng nhưng... Chàng nhớ đến động tác mở nắp điện thoại gỡ chiếc sim ra. Phải rồi. Chàng sẽ vứt cái sim này không để bà ấy biết mà gọi. Nghĩ đến đây chàng thấy cổ như có cái gì lợn cợn...

4.

 

 - Anh này!

 - Gì thế?

 - Em đi nốt hôm nay, còn từ mai không làm cái nghề này nữa.

 - Thế thì lấy gì mà sống.

 - Tối qua anh em mình kiểm lại rồi đấy. Không kể cái xe, cái điện thoại của anh. Điện thoại của em nữa thì tiền của em gửi về cho bố mẹ hai triệu rưởi, còn triệu rưởi. Anh có gần hai triệu. Anh cứ giữ lấy. Nhỡ bố mẹ anh ở nhà cần. Riêng tiền của em, em đi mua ít bóng bán dạo. Phật trời phù hộ. Hai anh em mình sống được, dôi ra chút nào em dành dụm, sắm đôi quang gánh, mua rau đi bán rong.

 - Bán bóng, bán rau được ít tiền lắm, bao nhiêu người phải bỏ. Anh biết mà...

 - Ít còn hơn làm cái nghề khốn khổ này.

 - Anh có ghen tuông gì đâu.

 - Nhưng em biết anh phải cố nén. Dù sao chúng mình cũng... Sống chung với nhau. Nhỡ mai kia có con...

 - Chẹp. Thế cùng được. Ăn ở tùng tiệm vậy. Nhưng mà này, bán bóng đi nhiều lắm đấy. Mỏi dừ chân cho mà xem.

 - Chả sợ. Ở quê núi cao chót vót mà ngày nào em cũng leo thì sao. Kìa kìa anh. Cẩn thận có đám đông trước mặt. Không biết có việc gì mà nhiều người xúm đông xúm đỏ ra thế.

 Chiếc xe giảm tốc độ rồi dừng hẳn. Nàng vắt chân qua yên bước xuống. Lom khom chen được vào vòng trong, nàng bỗng rùng mình. Cái hộp đựng bia nằm giữa hàng trăm con mắt tò mò, mở tháo láo. Trong cái hộp là đám bùng nhùng áo quần. Chăn tã. Trong đám bùng nhùng ấy là đứa trẻ con bé xíu, mặt đỏ rực. Đôi môi hồng nhạt của nó chu lên như đang chờ gì đấy. Một tay của nó thoát ra khỏi đám tã lót, quần áo quơ lên ngoe nguẩy y hệt như đứa bé bọc trong mớ giẻ rách đặt cạnh cánh cửa ghép lại bằng những thanh sắt bẹt sơn xanh ở cửa hàng thị trấn quê nàng...

 - Chỉ có lũ đĩ rạc đĩ rài mới vô tâm thế này. Hùng hục ra để nhận tiền rồi vứt con đi thế này có tội không?

 - Bọn đĩ nó khôn chán vạn, chả để sa sẩy thế này đâu. Chắc lại con gái con nhà mất dạy nào đấy. Nghe bọn khốn nạn dỗ ngon dỗ ngọt nên sinh tội sinh nợ ra thế này chứ.

 Chị quét rác đầu buộc khăn xanh công nhân, mặt mũi câng câng cầm chiếc chổi nhìn chăm chắm vào đứa trẻ nói chỏng lỏn:

 

- Nó bé tí thế kia biết gì đâu. Tội quá. Nào có ai hiếm hoi làm phúc nhận đứa trẻ. Trông đã biết ngay. Thằng bé từ sáng không được bú mớm gì.

- Sao biết là con trai?

 - Con thổ tả nào đấy đặt đứa bé ở đây mười lăm hai mươi phút rồi còn gì. Tôi đã xem. Có ai nhận thằng bé này không?

 - Nhà này hai chim rồi. Cô nhận đi. Biết đâu nó đứng đầu đứng số giúp cho cả nhà đổi đời. - Ông đàn ông mặt vuông chữ điền bập bập điếu thuốc hất hàm với chị quét rác.

 - Ông đi SH ông còn chả nhận. Tôi quét rác nhặt từng xu nuôi bốn tàu há mồm đã cực lắm rồi. Có mà điên mới nhận thêm nó.

 - Thôi đi đi anh. Rỗi hơi. Rẽ ra cái nào. Rõ là đồ
vô phúc.

 Một bà sồn sồn tay xách giỏ thức ăn vừa mua chắc xem đã chán vừa lôi người đàn ông lùn tịt cố lách ra khỏi đám đông. Vừa lúc đó một chiếc xe đen bóng lừ lừ tiến tới. Khuôn mặt quả dưa có những chấm rỗ nông và tàn nhang sớm của người đàn ông luống tuổi nhưng vẫn ưa sự làm đỏm trồi ra. Đôi mắt hơi nhíu lại nhìn đám đông đang túm tụm:

- Tưởng cái gì. Độc đứa trẻ mà cũng bu lại. Thật là...

Gã lái xe ra vẻ tán đồng:

 - Dân mình nó thế đấy thủ trưởng ạ. Thôi tránh ra, tránh ra. Bừa bãi, tuỳ tiện quá, chẳng biết tôn trọng luật lệ là gì. Cứ bảo sao lắm tai nạn là thế. Thôi tránh ra, tránh ra đã nào.

Bàn tay gã tài xế rối rít xua, chiếc xe lừ lừ xẻ đám đông làm đôi.

- Chả nhẽ để thằng bé ở đây hay sao. Nó bé thế này. Tội nghiệp chết.

 - Thì để công an người ta giải quyết. Chị quét rác ở đây chắc quen họ. Chị gọi các anh ấy đến chứ ai lại... Đứa bé đỏ hon hỏn thế kia.

 - Hai chú công an vừa đứng một lúc ở đây. Nhưng thấy có vụ hai xe va nhau họ chạy đến đó rồi.

- Chỗ ấy mới có mồi chứ đứng nhìn đứa bé này có gì mà chén.

 Giọng nói hậm hực vừa dứt thì đứa trẻ khóc ré lên cùng hồi còi xe lại rộ lên inh ỏi. Rồi tiếng một người đàn bà xoe xóe cất lên: "Tránh ra cho xe người ta đi chứ. Túm năm túm ba giữa đường làm gì mà đông thế không biết". Chàng đang ngẩng mặt cố ngóng theo mái đầu của nàng thì chàng bỗng khom lưng, cúi thấp đầu khi cánh cửa chiếc xe xanh thẫm mở. Người đàn bà mặt xanh đỏ từ xe bước xuống. Mặt bà ta cau lại, đôi tay nẫn béo gạt gạt đám đông. Khi nhìn thấy đứa trẻ, đôi môi trên khuôn mặt xanh đỏ cong lên.

 - Tưởng gì. Lại đồ đĩ rạc đĩ rài chửa hoang đây mà. Chỉ khổ đứa bé. Nhưng mà thôi, chuyện thiên hạ, các vị đúng là rỗi việc có khác. Giải tán cho xe tôi đi nhờ một tí nào. Ai lại đứng giữa đường cản trở thế này. Vô văn
hóa quá!

- Ai vô văn hóa? Rõ là đồ nhà giàu béo ị!

Người đàn bà mặt xanh đỏ hình như nghe thấy câu rủa khàn khàn dữ tợn của người đàn ông nên chui nhanh vào xe. Chàng thở phào. Ngay lúc tiếng khóc của đứa bé lại ré lên. "Sao nó khóc giống tiếng đứa bé bị bỏ trước cửa cửa hàng ở thị trấn quê nàng thế". Nước mắt nàng rân rấn. Nàng lấy tay quệt nhanh, rồi cúi người luồn tay xuống đáy hộp, nâng đứa trẻ lên. Những cặp mắt của đám đông mở to, được một lúc đám người lao xao: "Ừ ừ, cô, chị, cháu bế lấy nó lên. Khổ. Xin ngay cho nó ít sữa đã. Chắc đói xỉu ra rồi". Nàng chầm chậm bế đứa trẻ rẽ đám đông. Nhìn thấy mặt chàng đang dãn dần. Nàng nói khẽ:

 - Thôi. Quay về nhà trọ đã anh ạ. À rẽ vào cửa hàng em mua hộp sữa đã. Thằng bé đói lả ra kìa. Chắc mệt quá nên không khóc được nữa. Khổ thế!

 Chiếc xe rình rịch đi một lúc, nàng lại lầm rầm đủ để chàng nghe:

 - Anh này.

 - Gì thế?

 - Mang nó về thế này... Có lẽ mai em lại phải đi làm chỗ ấy. Buổi tối anh chịu khó trông đứa bé nhé.

- Sao bảo đi bán bóng.

- Định thế, nhưng nhặt kiểu ấy thì hẻo lắm. Nuôi thằng bé thì tốn. Làm phúc anh ạ. Khi nào có ai nhận hay xin nó thì tính sau... Đành vậy chứ biết tính sao. Nhẹ lòng đi anh...

 Tiếng thở dài cố nén của chàng mỏng dính, tan trong tiếng xe đang rồ ga.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/83599


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận