Bảo Mẫu Cổ Đại Chương 25

Chương 25
Tạ Gia Đoàn Tụ

Phố Lạc Hoa là phố ăn chơi hoa lệ nhất của thành Thanh Khâu. Tại đây được xem là thế ngoại đào nguyên của thành. Thành Thanh Khâu vốn có hai cửa thành, một cửa chỉ mở ra tiếp đón tầng lớp qúy tộc, một cửa dùng để tiếp đón nhân sĩ giang hồ tầm thường cùng thương nhân. Chính vì vậy thành được chia làm hai phần đối lập: một phần dành cho tầng lớp quý tộc thượng lưu sinh sống, một phần dành cho tầng lớp bần cùng dân thường. Hai phần đất được ngăn cách nhau bởi tường thành kiên cố.

Mười giếng nước của thành đều tập trung ở phần đất quý tộc. Trong khi phần đất của dân thường đang bị hạn hán cùng đói khát hoành hành thì phần đất quý tộc là một cảnh thanh bình ca hát, phố xá sầm uất, chợ búa đông đúc, thanh lâu kỹ viện cùng tiểu quan quán mọc lên như nấm. Phố Lạc Hoa là nơi tụ tập nhiều kỹ viện cùng tiểu quan quán nhất.

Đêm tại phố Lạc Hoa vô cùng náo nhiệt, đây là thời điểm bắt đầu hốt bạc của các tú bà, tú ông. Hiện tại náo nhiệt nhất là Nghi Xuân quán. Hôm nay Nhi Xuân quán sẽ tổ chức đấu giá đêm đầu tiên của đệ nhất mỹ nam của thành Thanh Khâu - Tu Nguyệt công tử.

Trời chưa tắt nắng nhưng Nghi Xuân quán đã có vài vị khách đến giành chỗ tốt để quan sát mỹ nam. Nghe đồn Tu Nguyệt công tử là cực phẩm trong cực phẩm, tu hoa bế nguyệt, nữ nhân gặp chỉ muốn đập đầu vì hổ thẹn, nam nhân gặp chỉ tiếc hận mình sinh ra. Lại nghe đồn Tu Nguyệt công tử tài luận văn chương vào bậc nhất, cầm kỳ thi họa mọi thứ đều tinh thông. Lại nghe đồn Tu Nguyệt công tử tính tình cương trực, gia thế trong sạch, tú ông dùng đủ mọi cách cũng không đả động đến Tu Nguyệt công tử. Đóa hoa nhiều gai như vậy dĩ nhiên gãi vào chỗ ngứa, khơi dậy húng thú của bọn biến thái quý tộc.

An An giờ này đang cải trang thành tiểu công tử ăn chơi trác tán, dung mạo vừa đen lại vừa xấu xí. Nàng vận bộ y phục vô cùng hoa lệ, đeo trang sức oàn cả tay (trang sức mượn của Diệp Hi Cẩn chứ nàng làm gì có), tay cầm một chiếc phiến ngọc phe phẩy y như một hoa hoa công tử, chỉ tiếc thân hình gầy nhỏ cùng vết sẹo nửa mặt đã bán đứng hình tượng hào hoa phong nhã của nàng.

Bên cạnh An An là một gia nô vận y phục màu đen. Nếu nhìn từ phía sau ai ai cũng chắc mẩm gia nô kia hẳn là một mỹ thiếu niên với thân hình gợi cảm, tóc mượt mà như nước. Nhưng nếu nhìn trực diện thì...chậc chậc...người ta sẽ vỗ tay đánh bốp mà thốt lên: chủ nào thì tớ nấy!. Vâng, tiểu gia nô kia không ai xa lạ, chính là Triệu mỹ nam nhà ta - Triệu Thiên Chính.

An An tọa tại một góc khuất của Nghi Xuân quán mà gặm nhấm nỗi đau. Vì sao à? Đơn giản thôi, vì nàng xui xẻo bốc phải thăm trúng thưởng, hoa hoa lệ lệ biến thành công tử đào hoa để cứu Tu Nguyệt công tử, hay chính xác hơn là Tạ thiếu gia Tạ Thế Kính. Lại nhìn kẻ nào đó vẫn mang bộ mặt thiết giả trang thành gia nô cạnh bên, trong lòng nàng hối hận vạn phần. Ban đầu nếu nàng chấp nhận hắn gọi nàng là chủ nhân thì làm gì có chuyện bốc thăm chọn anh hùng đi cứu mỹ nam, Thất sách, thật là thất sách a...

Giả trang thành nhà giàu mới nổi, An An không kiêng kị gì, la hét tiểu nhị mang tất cả món ngon ra, lấy tư thế ngạo nghễ đuổi hết mỹ thiếu niên tiếp cận, không quên bồi vài câu đại loại như:

"Cút hết, cút hết! Bổn thiếu gia đến đây là vì Tu Nguyệt công tử, không hứng thú với hoa hèn cỏ dại".

Hoặc: "như ngươi mà cũng xứng hầu hạ gia sao, gia muốn Tu Nguyệt kia".

...

Mấy lời kia dĩ nhiên chọc giận nhiều mỹ nam, dần dần chẳng mỹ nam nào chịu đến, tú ông lại càng khinh thường tiếp đón loại người như vậy.

An An cùng Triệu Thiên Chính thở phào nhẹ nhõm, tập trung vào ăn uống mặc cho oanh oanh yến yến mời chào khách đon đả. An An sống tại Mỹ nhưng chưa bao giờ bước vào quán đồng tính nên bị sốc rất nhiều. Trời ạ! Nam với nam hôn môi thắm thiết lại còn sờ sờ mó mó, miệng thốt ra lời ỏng ẹo nhớ nhung khiến nàng chỉ muốn phun hết thức ăn ra ngoài. Lại quay qua Triệu Thiên Chính, mặt hắn lần lượt thay đổi nhiều màu còn hơn cả tắc kè hoa nữa, màu sắc nhiều nhất vẫn là màu xanh nhợt. Hắn cũng mang một bộ dạng ẩn nhẫn, tùy thời có thể ói đến mật xanh mật vàng.

Cả hai cùng chịu đựng khổ hình từ thể xác (gắng nhịn ói) đến tinh thần cho đến giờ hợi (9h-23h) mới kết thúc. Đầu tiên tú ông lên phát biểu vài lời để tăng nhiệt huyết. Kế đến là màn đấu giá đêm đầu của mỹ nam ất, mỹ nam giáp, bính, đinh. Sau cùng là tiếng hoan hô dậy trời phấn khích: Tu Nguyệt công tử lên sàn.

An An cùng Triệu Thiên Chính vô cùng sốt ruột, nhiều đối tượng cạnh tranh như vậy không biết có thành công cứu Tạ Thế Kính hay không? Trên đài dưới đài tiếng người nhao nhao huyên náo khiến tú ông của Nghi Xuân quán phải lên trấn áp.

"Các vị khách quan xin hãy yên lặng! Các vị không ổn định như vậy sẽ gây khó khăn cho buổi đấu giá. Các vị ở đây hẳn là muốn sớm được ôm mỹ nhân vào lòng a".

Tiếng nhao nhao đã bớt được chút ít nhưng lại bùng nổ khi lời một khách nhân vừa dứt: "Chúng ta muốn nhìn Tu Nguyệt công tử có thực sự là tu hoa bế nguyệt hay không?". Từng tiếng vang hùa theo đồng ý với vị khách kia. Tu Nguyệt công tử từ lúc đến Nghi Xuân chưa bao giờ bước ra tiếp khách. Tất cả về Tu Nguyệt công tử chẳng qua là lời đồn, muốn họ bỏ tiền ra dĩ nhiên phải cho họ xem hàng trước. Tú ông trên đài cuối cùng không trấn áp được quần chúng nên đành cho người gọi Tu Nguyệt công tử ra diện kiến.

Trên đài cao là một nam tử mặc bạch y, khí chất vô cùng lạnh nhạt. Nam tử chỉ đứng yên một chỗ cũng đủ toát lên vẻ hào hoa phong nhã, tiên nhân thoát tục. Tu Nguyệt công tử sở hữu một đôi mắt hoa đào, trong veo như nước hồ thu, chỉ một ánh mắt đã khiến lòng người say đắm. Chàng mặc bạch y lại tăng thêm khí chất lạnh nhạt không vướng bụi trần. Gương mặt mỹ nam tử được một chiếc khăn sa đỏ thẫm che lại làm tăng lên vẻ đẹp thần bí của tiên nhân.

Dưới đài đã không kìm được nhiệt huyết, từng ánh mắt sói đói tham lam không rời bóng dáng bạch y kia. Khách nhân bắt đầu ồn ào huyên náo thúc giục buổi đấu giá. Ngay khi tú ông định đưa ra giá khởi điểm, mọi người đều chăm chú lắng nghe thì một tràng cười thanh thúy vang lên. Tiếng cười trầm thấp nhưng đầy mê hoặc. Chính là Tu Nguyệt, hắn cười nghiêng ngả dữ dội, kiểu cười khỉnh bỉ toàn bộ thế gian. An An cảm nhận tiếng cười của hắn không khác tiếng khóc là mấy. Một nam nhân tốt đẹp như vậy lại lâm vào cùng cảnh bực này, ai mà không tiếc không hận đây?

Toàn bộ khách nhân như si như say trong tiếng cười của mỹ nhân, họ lại càng quyết tâm muốn có được mỹ nhân hơn nữa. Bên dưới đài, từng tiếng reo hò huýt sáo vang lên liên tục, giọng trêu đùa ngả ngớn vang dội không dứt. Nhưng tất cả bỗng yên tĩnh một cách quỷ dị, toàn bộ khách nhân đều đứng hình, miệng há hốc, mắt trợn ngược nhìn một màn phía trước. Tu Nguyệt công tử đã giật bỏ khăn sa che mặt.

Nào đâu còn nữa mỹ nam, gương mặt trắng tinh như ngọc giờ đây bị từng vết cắt nông sâu khác nhau, máu bắt đầu thấm ra ngoài cho thấy vết thương vẫn còn mới. Trên đài cao, Tu Nguyệt công tử mang khuôn mặt không khác quỷ dạ xoa là mấy đang ôm bụng cười nghiêng ngả đầy quỷ dị. Cảnh tượng rùng rợn như vậy đánh thẳng vào đầu óc mỗi người. Một khắc im lặng...hai khắc...rồi ba khắc...một tiếng rống giận bùng nổ vang lên rồi cả sảnh đường đều bùng nổ trong tiếng chửi rủa. Tú ông cùng người Nghi Xuân quán bắt đầu chạy trốn vì sợ khách nhân đuổi giết. Tu Nguyệt công tử đã sớm bị hộ vệ mang đi. Cả khách sảnh trở nên náo loạn. An An cùng Triệu Thiên Chính tạm rút lui vì sự kiện bất ngờ kia.

-------------++++++++++---------

Bên trong phòng Tu Nguyệt công tử là một mảng hỗn loạn, từng tốp từng tốp lang trung vào vào ra ra vô cùng náo nhiệt. Chỉ thấy chốc chốc lại vang lên tiếng rống giận của huyện thái gia Phùng Hiệp, tiếng vỡ chan chát của từng tách trà vang lên mỗi khi một vị lang trung bước ra lắc đầu thở dài.

Trên giường, Tu Nguyệt công tử vẫn giữ vẻ mặt ung dung bình thản, đây là lần sản khoái nhất từ trước đến nay của hắn. Hắn còn gì để mất? Hơn ai hết hắn hiểu rõ người thân của mình. Nếu hắn chấp nhận thỏa hiệp cùng lũ biến thái kia thì đồng nghĩa gián tiếp giết chết người thân mình trong nhục nhã. Đều là cái chết, cớ sao hắn lại không chọn một cái chết tôn nghiêm như một con người? Bọn chúng thèm khát dung mạo này như thế thì hắn sẽ tự tay hủy đi tất cả. Nghĩ thế hắn lại bật cười một cách vui vẻ.

Phùng Hiệp nhìn thấy sự mỉa mai cùng ghê tởm từ ánh mắt của Tu Nguyệt, hắn nổi giận không sao kìm được, định một phát chụp chết Tu Nguyệt. Đúng lúc này bên ngoài vang lên tiếng gõ cửa. Hắn dằn lòng buồn bực cho người tiến vào.

Người tới là trung niên nam tử tú ông giữ chức quản sự của Nghi Xuân quán. Hắn cúi đầu khép nép bước vào sợ chọc giận vị quan nổi tiếng âm tình bất định này. Phùng Hiệp đưa ánh mắt hung dữ hỏi hắn: "chuyện gì?".

Tú ông quản sự run rẩy trả lời: "bẩm gia, bên ngoài có người tự xưng là người hoàng thất của Thiên Vũ quốc muốn chuộc thân cho Tu Nguyệt công tử".

Phùng Hiệp híp mắt lại: "thực sự là người hoàng thất?".

"Vâng!". Nói xong hắn trình lên ngọc bội thân phận, trên ngọc bội có khắc chữ Cẩn cùng huy hiệu hoàng tộc của Thiên Vũ quốc.

Phùng Hiệp đánh giá ngọc bội rồi quay qua đánh giá Tu Nguyệt. Hắn đi qua đi lại một lát rồi quyết định buông tha. Tuy Phùng Hiệp rất muốn xẻo thịt lột da Tu Nguyệt cho hả giận nhưng thành Thanh Khâu không thể đắc tội Thiên Vũ quốc. Tất cả sinh cơ của thành Thanh Khâu đều lệ thuộc Thiên Vũ, đắc tội với hoàng thất chẳng khác nào tuyệt đường sinh cơ của mình.

Trong đêm hôm đó, Tu Nguyệt công tử bị người lôi kéo, trực tiếp quăng vào một chiếc xe ngựa không khác gì rác thải.

Tu Nguyệt công tử, hiện tại phải gọi là Tạ Thế Kính, một thân chật vật, máu me be bét bị người ta vứt vào xe ngựa. Chiếc xe ngựa chậm rãi di chuyển trong đêm tối, bên trong xe cũng thập phần im lặng.

Tạ Thế Kính tuy bề ngoài bình tĩnh nhưng bên trong lại bồn chồn lo lắng. Cuộc nói chuyện vừa rồi hắn cũng ở đó. Hoàng thất Thiên Vũ quốc? Là ai tốn công ngàn dặm xa xôi đến đây tìm hắn, hay nói chính xác hơn tìm phụ thân hắn? Là Trầm tả tướng sao? Hắn khinh thường ra tay với phụ thân nên sẽ không bỏ công nhiều như vậy. Suy nghĩ của Tạ Thế Kính rối loạn thành đoàn, lúc này một giọng nói từ trong bóng tối vang lên:

"Ngươi làm vậy không sợ Phùng Hiệp giết ngươi sao?".

Ban đầu Tạ Thế Kính giật mình thảng thốt nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh: "ta muốn giữ chút tôn nghiêm của mình. Ít ra, ta muốn được chết như một con người".

Tiếng cười trong trẻo vang lên không kiêng dè, rõ ràng là tiếng của tiểu hài tử nhưng giọng điệu lại hoàn toàn bất đồng:

"Người Tạ gia, ta thích!".

Xe ngựa đi khoảng nửa canh giờ thì dừng lại trong một tiểu viện. Tạ Thế Kính được tự do đi vào chứ không bị thúc ép như hắn nghĩ. Hắn quan sát tiểu viện một lượt, tuy đơn sơ nhưng rất sạch sẽ yên tĩnh. Toàn bộ gia cụ được trang trí khá kỳ quái, có thứ hắn biết có thứ lại không. Hắn tuy hiếu kỳ nhưng số phận bản thân không biết ra sao nên thái độ vẫn một bộ vân đạm phong khinh.

An An rất bội phục tính tình của nam tử này. Tính cách quật cường của hắn khác hoàn toàn vẻ ngoài nhu nhược kia. Người một nhà Tạ gia tính cách đều giống nhau ở chỗ kiên cường là vậy. Có thể vì điều đó nên nàng không muốn làm ngơ trước bất hạnh của họ. Nên nói người Tạ gia là may mắn hay An An gặp người hữu duyên đây? Dù là nguyên nhân nào thì hành động hôm nay của An An đã giúp Diệp Hi Cẩn báo đáp một ân tình của kiếp trước.

An An dẫn Tạ Thế Kính vào phòng bếp, nàng hâm nóng thức ăn rồi dọn ra bàn. Triệu Thiên Chính cũng vừa cất xe ngựa trở lại. Cả ba cùng yên lặng ngồi vào mâm cơm ăn qua loa cho xong bữa. An An và Triệu Thiên Chính ăn không vô là do chứng kiến mấy cảnh buồn nôn ở Nghi Xuân quán còn Tạ Thế Kính ăn ít là vì quá lo lắng.

Cơm nước xong xuôi, Triệu Thiên Chính bắt đầu thu dọn bát đũa còn An An lấy hộp cứu thương xem xét thương thế của Tạ Thế Kính. Nhìn vào gương mặt chằn chịt vết thương, An An hút phải ngụm khí lạnh, vết cắt nông sâu khác nhau nhưng nhìn chung tất cả đều là vết thương do vật không sắc bén gây ra. Đừng nói là nhiều vết, chỉ một vết thôi cũng khiến người ta đau đớn tê dại. Cứ thử nghĩ bản thân bị một con dao cùn khứa qua khứa lại cho đến khi tạo thành vết cắt, qúa trình đó đau đớn biết nhường nào? An An vừa giúp hắn sát trùng vết thương vừa hỏi:

"Ngươi dùng gì để hủy dung?".

Tạ Thế Kính nhàn nhạt liếc nàng rồi trả lời: "mảnh chén vỡ".

"À". Nàng dừng trong chốc lát rồi phán một câu: "thích tự ngược!".

Tạ Thế Kính nhìn nàng đầy khinh bỉ: "không làm vậy chúng buông tha ta sao?".

An An hoàn toàn phớt lờ cái khinh bỉ đó: "ngươi có thể dùng thứ sắc bén sẽ bớt đau hơn".

Tạ Thế Kính buồn bả nói: "sau lần tự sát thất bại chúng không cho ta tiếp xúc những thứ như vậy".

Căn phòng trở lại trầm mặc, An An không truy hỏi gì thêm, một lòng chuyên chú băng bó vết thương. Tạ Thế Kính ngoan ngoãn ngồi trên ghế thấp mặc cho nữ hài ngồi trên cao băng băng bó bó. Cuối cùng việc trị thương kết thúc, An An dặn dò hắn chú ý không động vào vết thương rồi cất hộp thuốc vào tủ.

An An biết hắn thắc mắc rất nhiều nhưng hiện tại trời đã về khuya, lăn lộn cả buổi tối ở nơi truy lạc kia đã rút hết sức lực của nàng. Nàng sơ lượt tình hình cho hắn nắm bắt còn cụ thể thì đợi mai hẳn nói. Trước khi dẫn hắn đi nghỉ ở giường bệnh cũng không quên dặn dò:

"Tốt nhất hãy yên lặng ngủ, có gì sáng mai nói tiếp. Người nhà ngươi đều là bệnh nhân cả đấy!".

Tạ Thế Kính gặp lại thân nhân dĩ nhiên vô cùng mừng rỡ nhưng hắn dằn lòng lại. Theo lời hài tử kia, phụ mẫu hắn đều lâm bệnh còn đệ đệ lại bị thương. Hắn muốn thông báo người nhà một tiếng hắn đã về nhưng lại không nỡ đánh thức họ. Đêm đó Tạ Thế Kính nằm trên giường nệm thoải mái nhưng không dám chợp mắt. Hắn sợ, rất sợ, sợ bản thân hắn đang nằm mộng, đến khi tỉnh giấc thì hắn lại đối mặt với lũ sói lang, mất hết tính người kia. Nếu chỉ là mộng thì cầu mong giấc mộng mãi kéo dài, đừng bao giờ tỉnh giấc nữa.

------------++++++-------

Sáng sớm thức dậy, An An như thường lệ chạy bộ một vòng rồi trở về tắm rửa sạch sẽ. Tiểu Nhu lúc này đã dậy đang bận rộn trong bếp. Hôm nay cô bé biết nhà có thêm một vị khách nên chủ động tăng khẩu phần thức ăn. Triệu Thiên Chính cũng đã dậy, hắn cho ngựa ăn uống rồi dọn chuồng, sau đó tắm rửa sạch sẽ rồi bắt một nồi nước lớn. Hôm nay An An quyết định nấu món bò hầm cho bữa sáng để mọi người bồi bổ.

Cháo chín, tiểu Nhu múc cháo ra bát, đặt bốn bát cháo vào một cái mâm rồi cùng An An đang bê chậu nước cùng khăn mặt vào phòng bệnh.

Vừa bước vào phòng đã thấy Tạ Thế Kính quỳ trước mặt Tạ Duy, trên mặt hai phụ tử còn vương nước mắt. An An nhúng khăn sạch vào nước ấm rồi vắt khô đưa cho Tạ Thế Kính, ý bảo hắn chăm sóc cho Tạ Duy. An An và tiểu Nhu chia nhau ra chăm sóc cho Tạ mẫu và Tạ Thế Viễn. Tạ mẫu suy nhược quá nặng vẫn hôn mê bất tỉnh còn Tạ Thế Viễn toàn thân đau nhức không dậy được, cả đêm hôm trước còn bắt đầu sốt cao khiến An An thức trắng đêm chăm sóc.

Cơm nước xong xuôi, An An lại ngồi trên bậc thềm của tiểu viện bắt đầu suy nghĩ. Nàng vẫn giữ quyết định một mình đi Địa Lam Hải. Nhưng cái khó là làm sao để thuyết phục huynh muội họ Triệu đây? Bỗng nhiên trong đầu An An nghĩ ra một cách. Hiện tại một nhà Tạ gia không nơi nương tựa thì tạm thời giữ lại. An An có thể nhờ huynh muội họ Triệu chiếu cố cho Tạ gia.

Đia Lam Hải là một nơi hỗn độn với nhiều kỳ nhân dị sỹ, đặc biệt là người tu đạo. An An hoàn toàn không đủ tự tin bảo vệ bất kỳ ai tại nơi gió tanh mưa máu đó. Nàng chẳng thà để hai huynh muôi họ tại Thanh Khâu đối mặt với nạn dân, nạn đói cùng lũ tham quan còn hơn dẫn huynh muội họ tiến vào hiểm cảnh.

Chiều hôm đó, An An bước vào phòng bệnh đã thấy Tạ mẫu cùng Tạ Thế Viễn tỉnh táo không ít. Tạ mẫu thấy nhi tử đã trở về thì nước mắt ràn rụa không thôi. Bà nhìn vết thương trên mặt con, lòng đau như xé ruột, tay cứ ôm chặt Tạ Thế Kính không buông.

An An không tiện quấy rầy mẫu tử họ. Nàng mang dụng cụ bắt đầu khám bệnh cho Tạ Thế Viễn. Thằng bé này sức khỏe cũng kiên cường như tính tình nó vậy. Mới hôm qua nhiệt độ nó tăng lên 40 độ khiến nàng lo lắng không yên, vậy mà bây giờ chỉ mới hạ sốt chút ít đã có thể ngồi dậy tự ăn uống không cần ai bón. Nhìn đứa bé này An An lại nhớ ánh mắt quật cường cùng không cam lòng của Diệp Hi Cẩn khi lần đầu gặp. Đôi mắt của Tạ Thế Viễn cũng giống như thế nhưng so với Diệp Hi Cẩn vẫn còn thiếu. Ánh mắt của Diệp Hi Cẩn lúc đó là thống khổ đau đớn cùng chịu đựng, tận sâu trong linh hồn của bé là sự cô đơn lạnh lẽo và tuyệt vọng. Điều này cũng rất dễ lý giải, Tạ Thế Viễn sống kham khổ nhưng ít ra thằng bé luôn được hưởng tình thân gia đình, có người quan tâm chăm sóc những khi nóng lạnh, còn Diệp Hi Cẩn thì vẫn luôn luôn một mình chống chọi mọi thứ kể cả những lúc ốm đau bệnh tật. Nghĩ đến Diệp Hi Cẩn, An An chỉ cảm thấy chua sót, từ lúc bé sinh ra luôn bị người hãm hại tận đến lúc quen biết nàng bé cũng không tránh khỏi bị thương cùng đuổi giết, đến bây giờ vết thương ở lưng còn chưa lành, thịt đã thối một mảnh.

---------+++-+-------

Ba ngày sau Tạ mẫu cùng Tạ Thế Viễn đã xuống giường được, Tạ Duy đã giải độc nhưng vẫn là phế nhân, Tạ Thế Kính tuy đã được chữa trị kịp thời nhưng vết sẹo không thể biến mất. Một nhà Tạ Duy mang lòng cảm kích nhưng lại lực bất tòng tâm đáp trả ân nhân, họ nguyện ý ở lại làm gia nô nhưng bị An An kịch liệt từ chối. Bất quá An An đồng ý cho họ tá túc tại đây.

An An ngồi vào bàn học tỉ mỉ liệt kê danh sách vật dùng cần thiết lưu lại cho Tạ gia cùng huynh muội họ Triệu trong những ngày nàng đi Địa Lam Hải. Lương thực, thực phẩm cùng nước uống được nàng cẩn thận tính theo khẩu phần mỗi người.

Bên trong phòng bếp, Tạ mẫu cùng tiểu Nhu nấu nướng cho bữa trưa. Tạ mẫu vốn là người chịu thương chịu khó nên sau khi tỉnh lại cũng tự động vào bếp giúp đỡ. Ban đầu Tạ mẫu không quen dùng gia vị nấu nướng nên được tiểu Nhu chỉ điểm, giờ đây bà có thể nấu một vài món đơn giản bảo đảm về chất lượng.

Bên ngoài Tạ Thế Kính giúp Triệu Thiên Chính chăm sóc ngựa cùng sửa sang lại xe. Kể từ lúc tới thành Thanh Khâu, Triệu Thiên Chính ngụy trang thành xa phu chở hàng, ai thuê gì chở nấy nhằm kiếm tiền sống qua ngày. Đây là biện pháp an toàn nhất để qua mắt người ngoài. Nếu để người ngoài biết ba đứa trẻ không làm gì mà vẫn có cái ăn cái mặc thì không ổn tí nào. Bên ngoài biết bao người chịu đói chịu khát, Triệu Thiên Chính cùng An An không thể ngăn tất cả lại.

An An mỗi buổi tối thường dùng khinh công phân phát lương thực và nước uống nhưng vẫn như muối bỏ biển. Dân đói quá nhiều trong khi chỉ mỗi nàng làm việc, tuy vậy nàng vẫn không bỏ cuộc, dù sao cứu một người thì đỡ một người.

An An thấy sắp tới giờ cơm, nàng gấp giấy ngừng tính toán rồi trở vào bếp dọn bàn ăn. Tiểu Nhu từ trong bếp mang thức ăn ra, nhìn An An vừa cười vừa nói:

"Tỷ tỷ, hôm nay muội nấu được món ca ri gà cùng thịt chưng cách thủy rồi. Lát nữa tỷ nhất định phải chấm điểm uội đó".

An An mỉm cười trả lời: "uh, tiểu Nhu nhà ta là đầu bếp nổi danh rồi mà còn cần chấm điểm sao?".

Tiểu Nhu chun chun mũi đáng yêu nói: "tài nghệ của muội còn lâu mới bằng tỷ. Muội muốn nấu ăn ngon như tỷ kia".

Tạ mẫu cũng bước ra từ phòng bếp nói: "tiểu Nhu cùng tiểu thư đều nấu ăn rất ngon, chỉ hổ thẹn ta tuổi lớn cũng không bằng".

"Tạ bá mẫu đừng buồn, chỉ là bá mẫu không quen dùng gia vị mới để nấu ăn thôi. Một khi đã quen không biết chừng mọi người lại nghiện thức ăn bá mẫu nấu ấy chứ". Tiểu Nhu an ủi Tạ mẫu.

Nhóm nữ nhân ríu rích nói chuyện không ngừng, bên trong phòng bếp thỉnh thoảng phát ra tiếng cười của hai nhỏ một lớn. Triệu Thiên Chính cùng Tạ Thế Kính vừa bước vào đã ngửi được mùi thơm thức ăn, bụng bắt đầu đói cồn cào không chịu được. Đi qua phòng bệnh hai người gọi tiểu Viễn cùng xuống ăn cơm. Tất cả mỗi người đều có việc bận nên Tạ Thế Viễn xung phong chăm sóc Tạ Duy.

Trên bàn đã bày chén bát đầy đủ cùng các món ăn thơm ngon. Mấy hôm nay để bồi bổ một nhà Tạ gia An An cố ý tăng lượng thịt trong bữa ăn. Bốn món mặn ba món chay lần lượt được bày ra: gà nấu ca ri và thịt chưng là do tiểu Nhu làm, cá chưng rừng cùng cá sốt hành là do Tạ mẫu nấu, ba món còn lại lần lượt là súp lơ xào, rau trộn cùng chè bí đỏ là do An An chuẩn bị.

Tạ gia là lần đầu tiên được ăn nhiều món ăn vừa lạ vừa ngon như vậy nhưng đối với huynh muội họ Triệu thì đã thành thói quen. Có những lúc Tạ mẫu còn phát hiện nhiều rau củ tươi ngon lạ mắt, thậm chí là rau củ chỉ hoàng cung mới có. Tạ Thế Viễn cùng Tạ Thế Kính thì không để ý nhiều như vậy nhưng ngày nào cũng có cơm nóng và mỹ vị như thế dĩ nhiên là vui vẻ.

Tạ Thế Kính sau mấy ngày chung vui đoàn tụ cùng gia đình cũng trút bỏ phần nào tính tình lạnh nhạt. Đối với thân nhân cùng ba vị ân công hắn vẫn là một người ôn hòa dễ gần nhưng khi ra ngoài đánh xe cùng Triệu Thiên Chính, hắn vẫn giữ bộ mặt lạnh lùng băng sương vạn năm. An An biết đây là do bệnh tâm lý. Tạ Thế Kính tự phong bế thế giới quan của mình. Muốn điều trị tận gốc cần phải có thời gian. An An tin tưởng để hắn sống cùng thân nhân hắn là biện pháp hữu hiệu nhất.

Trên bàn cơm mọi người đều tề tựu đông đủ chỉ thiếu mỗi Tạ Duy do không thể ngồi dậy. Người một nhà Tạ gia cũng không đau buồn vì bệnh tình của Tạ Duy nữa. Đơn giản là An An đem tin tức kinh hỉ cho gia đình họ: nàng có thể trị hết bệnh cho Tạ bá bá. Nhưng vấn đề là họ phải chờ nàng đi lấy thuốc. Đối với tính chân thực của việc này, Tạ gia không một chút nghi ngờ. Ân công của họ tuy nhỏ tuổi nhưng lại là người bất phàm, có nhiều việc người khác không làm được nhưng ân công họ lại dễ dàng hoàn thành. Người sùng bái An An nhất vẫn là chú nhóc tiểu Viễn, suốt ngày thằng bé như cái đuôi nhỏ theo sau An An. An An cũng thích bé nên làm việc gì nàng cũng lôi kéo bé theo.

Cơm nước xong xuôi, Tạ mẫu mang cơm vào phòng bệnh bón cho Tạ Duy. An An mang trái cây cùng tiểu Nhu gọt vỏ và pha trà nóng ọi người. Đây là thói quen của nàng cùng huynh muội họ Triệu sau những ngày tháng sống chung. Tiểu Viễn thích nhất là nho ngọt nên được cho cả chùm nho. Mọi người vừa uống trà vừa thưởng thức trái cây ngon ngọt. An An thấy thời cơ đã đến, nàng hắng giọng nói:

"Mọi người, ta định ngày mai sẽ lên đường".

Triệu Thiên Chính cắn một quả táo đỏ nói: "uh, ta sẽ chuẩn bị để kịp mai xuất phát".

An An xấu hổ cười cười: "không cần đâu, ngày mai ta sẽ đi một mình. Huynh cùng tiểu Nhu ở lại với Tạ gia".

Tạ Thế Kính dừng uống trà, Triệu Thiên Chính dừng ăn táo, hắn thấy miếng táo dường như mắc nghẹn trong họng, nuốt mãi không trôi. Nàng đây là chê huynh muội họ phiền phức, đã không muốn cưu mang nữa sao?

Tiểu Nhu cùng tiểu Viễn sững sờ một lúc rồi đồng thanh nói: "muội (đệ) muốn đi theo tỷ".

An An biết họ hiểu lầm, nàng từ tốn giải thích:

"Các ngươi cũng biết ta muốn đến Địa Lam Hải. Nơi đó như thế nào Thiên Chính huynh là rõ nhất. Ta không muốn mọi người xảy ra chuyện nhưng ta lại không thể không đi. Trước mắt thành Thanh Khâu vẫn còn an toàn, mọi người ở lại đây ta cũng an tâm. Ta đến Địa Lam Hải hoàn thành chuyện của mình tiện thể chuẩn bị tốt chỗ cho các ngươi huấn luyện. Chúng ta thực lực không mạnh như đạo gia và môn phái thì phải có kế hoạch chuẩn bị tốt. Huynh thấy có phải không, Thiên Chính?". An An đưa ánh mắt về phía Triệu Thiên Chính hỏi lại.

Triệu Thiên Chính làm sao không hiểu cái nhìn này, đây là nàng đã nhất quyết, không còn đường thương lượng nữa, hắn có muốn phản đối cũng không được, ai bảo thực lực yếu kém không theo kịp nàng đây?

An An biết Triệu Thiên Chính đây là chấp nhận. Nàng lại nhìn về Tạ Thế Kính, hắn nãy giờ vẫn chăm chú nhìn nàng không rời mắt. An An nói:

"Thế Kính, huynh có muốn đi Địa Lam Hải huấn luyện không?".

An An vẫn có thói quen gọi thẳng tên đối phương. Nếu là bình thường Tạ Thế Kính sẽ cho là tiểu cô nương này vô lễ, nhưng không hiểu sao tên của hắn từ miệng nàng thốt ra lại vô cùng thân thiết đến lạ, nếu một ngày nào đó nàng không gọi thẳng tên, hắn mới thấy không quen.

Tạ Thế Kính hạ mi mắt như đang suy nghĩ, hắn làm sao không muốn bản thân trở nên cường đại, nhưng là:

"Huynh cũng muốn nhưng năm nay huynh đã 20 rồi, đã qua thời hoàng kim học võ, có muốn cũng là ước mơ mà thôi".

Tạ gia mấy đời là thương nhân, sau cùng cha hắn đi lên cũng từ quan văn. Hắn và tiểu Viễn rất thích học võ nhưng lão thái gia cùng lão thái thái không đồng ý. Nói ra có phần buồn cười, rõ ràng phụ thân hắn mới là người mang vinh quang cho Tạ gia nhưng cả nhà hắn lại không khác gì ăn mày, tiền bổng lộc của phụ thân đều bị dòng chính tịch thu, mỗi tháng gia đình họ chỉ nhận được vài lượng, miễn cưỡng lắm mới đủ tiền mua sách bút cho hắn học hành chứ đừng nói chi thuê người về dạy võ.

An An mỉm cười an ủi hắn, nàng đã sớm dự liệu vấn đề này nhưng đây không phải vấn đề nan giải đối với nàng.

"Chỉ cần huynh có chí cầu tiến, chịu được gian khổ, ta sẽ trả lại thời hoàng kim luyện võ cho huynh".

Tạ Thế Kính cùng Triệu Thiên Chính giật mình thảng thốt. Phải biết hài tử bước qua tuổi 15 thì không thể bắt đầu tu luyện nội công được nữa vì khi đó cơ thể đã trưởng thành không thể nào cải tạo lại được. Nàng nói Tạ Thế Kính có thể tu luyện nội công dù cơ thể hắn đã là thanh niên trưởng thành. Nếu chuyện này để cho người môn phái biết, họ chẳng thà tự sát cho xong. Việc làm nghịch thiên như thế vẫn có thể xảy ra thì họ đã không chiêu cáo khắp thiên hạ tìm kiếm hài tử có tư chất luyện võ. Phải biết mười hài tử thì chỉ có ba hài tử là có khả năng tu luyện nội công tâm pháp, một khi bước qua tuổi 15 mà trong cơ thể không có một chút nội lực thì cuộc đời này đừng mong nghĩ đến luyện võ nữa.

Tạ Thế Kính tay run run cầm tách trà, hắn kích động đến nỗi nước trà đổ cả ra ngoài. Hắn tin tưởng nàng, nàng chưa bao giờ lừa gạt gia đình hắn. Hắn tin tưởng nàng giống như tin tưởng lời hứa sẽ trị lành bệnh cho phụ thân.

Tiểu Viễn ngồi bên cạnh ca ca cũng không chịu bị mọi người ngó lơ. Hắn cũng lên tiếng: "tỷ tỷ, đệ cũng muốn học võ".

An An mỉm cười xoa đầu thằng bé nói: "uh, tiểu Viễn rất có thiên phú luyện võ. Tỷ tỷ sẽ tìm cho đệ một sư phụ thật giỏi".

Tiểu Viễn mím mím cái môi nhỏ bất mãn: "đệ muốn tỷ dạy đệ kia. Ty tỷ rất lợi hại nha!".

An An sờ sờ mũi xấu hổ, tiểu Nhu không kiêng nể gì mà cười ngặt ngẽo, Triệu Thiên Chính thì hừ mũi khinh bỉ. Hơn ai hết huynh muội họ hiểu rõ bản lĩnh của An An, nếu so về nội lực thì nàng thuộc hàng bậc nhất, khinh công nói đứng thứ hai thì không ai dám giành thứ nhất, nhưng nói về chiêu thức thì có thể nói là: vô cùng thảm hại. Triệu Thiên Chính cùng lúc dạy chiêu thức cho cả hai, tiểu Nhu rất nhanh học thuộc còn An An thì vô phương. Nếu bỏ qua khinh công cùng nội lực, An An đấu tay đôi với tiểu Nhu chỉ có một kết cục: thảm bại!

Tạ Thế Kính và tiểu Viễn hết nhìn An An rồi nhìn huynh muội họ Triệu đầy nghi hoặc. Triệu Thiên Chính chỉ phun ra một câu "sau này sẽ hiểu" rồi tiếp tục ăn táo.

Nguồn: truyen8.mobi/t118861-bao-mau-co-dai-chuong-25.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận