Bốn mùa, Trời và Đất Tản văn 3


Tản văn 3
THÁNG BA

Ta vô cùng hạnh phúc bởi một lần nữa được thấy mi về, tháng Ba ơi! Chúng ta đã vượt qua cảm cúm để đến với mi, qua cơn dịch bệnh của mùa đông, qua lãnh địa của thế giới ngầm tăm tối. Như người từ hầm mỏ chui ra với đôi chân bùn đất, lồng ngực thiếu dưỡng khí, ta đứng dưới ánh nắng mặt trời, hít một hơi thật dài và bắt đầu cất tiếng hát.

Ta hát thế này: Xin chào tháng Ba! Phải mất bao nhiêu năm để đến khi ta biết vui mừng vì một con số trên tấm lịch. Tháng Ba là một thời đoạn lạ lùng, không liên quan gì đến mùa đông, mùa xuân. Nó có thứ ánh sáng riêng. Cây cối chưa xanh, chỉ có hoa tuyết, chẳng có giá trị gì chuẩn mực. Đã hết vũ hội, nhưng bể bơi chưa mở. Vẫn còn phải sưởi, nhưng sáng ra ta đã thay bằng chiếc áo khoác chuyển mùa. Chưa phải là tháng của ái tình như tháng Năm, nhưng không còn là tháng của những biến chứng bệnh tật như tháng Hai. Không có nhạc điệu riêng, không có phân khúc lớn. Tháng Ba là khúc chuyển tiếp.

Tôi nhận thấy mấy bữa nay mình thức dậy khác. Tôi nghĩ thế này, trong khi còn nửa mơ nửa tỉnh: hay là thế! Hoặc: phải gọi điện! Hay: cứ thử xem, biết đâu! Một tuần trước đây tôi còn chán nản nghĩ: tốt nhất là phó mặc số phận, không gọi nữa, không thử, chấp nhận. Nhưng giữa chừng đã xảy ra điều gì đó.

Thế giới bên ngoài còn chưa có dấu hiệu gì. Trong những công xưởng bí ẩn của mình, thiên nhiên đang sáng tạo những tác phẩm mới, chưa hé mở những bí quyết, những phát kiến mới. Khung cảnh bài trí vẫn là của mùa đông. Chỉ có ánh sáng chiếu lên những khung cảnh mòn cũ là đã khác. Tôi dụi mắt, nhìn ra xung quanh, khoan khoái ngáp dài, và nghĩ: Ơn Chúa, một lần nữa!

Tháng Ba chỉ có hương và sắc. Chưa phải mùi hương của hoa, cũng không phải mùi đất ấm mà chỉ vài tuần nữa sẽ ngai ngái bốc lên thứ hơi màu trắng say nồng váng vất khiến ta hưng phấn làm những chuyện rồ dại. Một thứ hương thoáng qua nhẹ nhàng như gió thoảng. Chiếc gậy chống gỗ anh đào trong tay, tôi vừa đi vừa hít hà hương tháng Ba. Chưa nên gói quần áo đông cùng viên long não. Chưa nên quên những cuộc tình mùa đông. Có khi vẫn cần đến những thứ đó. Nhưng tôi đã nghĩ những điều đại loại: “Vùng lên, hỡi dân Hung”. Tháng Ba bao giờ tôi cũng đọc Petőfi, đôi khi còn đọc thành lời.

Chúng tôi ngồi run rẩy trong ánh sáng tháng Ba, nhìn lên bầu trời và chờ đợi. Không đợi điều gì quá tốt lành. Nhưng chúng tôi mừng khấp khởi vì tất cả đã bắt đầu.

Đẹp làm sao

Cuộc đời mới đẹp, đẹp làm sao. Trong đó còn cả một chút gì vớ vẩn, rẻ tiền nữa. Có những căn phòng đèn sáng lờ mờ, vang lên giọng hát Lucienne Boyer qua máy quay đĩa. Trong khúc hát có những triền núi đá với tiếng đàn chim kêu ríu rít. Có một cái gì đó đậm đặc, ngọt ngào và có mùi hương, một cái gì tồi tàn dễ tin và đắng đót, giống như khi ta uống thuốc vậy. Trong đó có sự choáng ngợp khi ta cúi xuống đôi mắt một người phụ nữ, những khoảnh khắc bạo liệt, sắc và sáng, khi ta nhìn rõ người đàn bà, rõ bản thân ta và vũ trụ. Trong đó có cái chết, giây phút người ta đem người chết đi, rồi mở tung cửa sổ, bắt đầu quét và cọ rửa. Trong đó có nỗi sợ hãi và sự nghiêm túc, sự tĩnh lặng và niềm vui nào đó như một tiếng kêu thương.

Thuốc phiện

Thomas de Quincey ăn thuốc phiện vì muốn tận hưởng lạc thú cuộc đời một cách thật mãnh liệt. Đó là một khát vọng bệnh hoạn, tàn hại sức khỏe. Nhưng trong suốt thời gian xài thuốc phiện vô lối như thế ông thấy mình rất sảng khoái, không hề bị lương tâm cắn rứt, ông sống, làm việc và hạnh phúc. Tới một ngày bệnh thống phong hành hạ ông, một thứ thống phong kiểu Anh, tầm thường. Ông đau đớn không chịu nổi, giờ thì ông xài thuốc phiện để giảm đau, một việc làm hợp lý hợp tình hơn. Nhưng cơ thể ông không chịu nổi lượng thuốc phiện phải đạo và có mục đích kiểu này. Trước đó thuốc phiện là niềm vui, thì nay nó trở thành liều thuốc đắng. Cái trước đó là mơ ước và đam mê, nay không hơn gì một viên aspirin. Nhờ có morphine mà cảm giác đau đớn giảm, nhưng khoái cảm thì không có. Sống không có đau đớn không đủ: còn cần có niềm vui sống. Vì thế mà ông chết.

Nhà hát

Giữa hai màn kịch, tôi ra hút thuốc và ghi vào sổ tay thế này:

- Trong nhà hát có cái hay là không thể hiểu nhầm. Sân khấu không biết đến sự nửa vời. Trong một kịch bản hay - dù đó là tác phẩm trác tuyệt hay xoàng xĩnh - hoặc người ta thù ghét nhau thậm tệ hoặc rất yêu nhau. Không có giải pháp khác. Một tác phẩm xoàng vẫn có thể là một vở kịch hay, như một tuyệt tác. Kotzebue viết những vở kịch xuất sắc. Tất nhiên cả Shakespeare cũng vậy. Chẳng lẽ với sân khấu gần như không có sự khác biệt giữa những nhân vật của một thiên tài hay một gã nghiệp dư?

- Những nhân vật này đều có chung một tính chất là rất đặc trưng. Có bao nhiêu hiện tượng khác biệt, hy hữu đi lại trên sân khấu. Một gã hầu bước ra thì ngay từ khi vừa xuất hiện gã đã là một thằng hầu không thể khác, cũng như một kẻ giết thuê hẳn được nhận diện không thể nào sai, và một nữ hoàng thì quý phái tới không thể nhầm lẫn. Sân khấu, nơi đâu đâu cũng thấy mặt nạ, son phấn, lông lá, vải bố, lại là nơi ít chịu nổi giả trang nhất.

- Nhân vật sân khấu không bao giờ suy nghĩ, vì không có thời gian. Anh ta chỉ nói và hành động. Đôi khi anh nói, hoặc diễn trò suy nghĩ. Lúc đó chúng ta kêu lên: một nghệ sĩ lớn!

Rồi tôi vào khán phòng vì có tiếng chuông reo.

Tachiana

Không có gì tự nhiên hơn lần viết đầu tiên của Tachiana. “Với bước đi này” nàng sẽ trở thành phụ nữ thực thụ. Hãy nhớ lấy, đồ con ngỗng.

Kazinczy

Tại sao tôi thương mến ông đến thế ư? Có lẽ vì ông bắt đầu sự nghiệp ở Kassa, hoặc giả, vì ông đã viết bằng máu trong ngục tù, hay là vì ông tin ở Berzsenyi. Ông là người vùng Felvidék. Từ sváda này mà sinh ra điều kỳ diệu mà ngày nay chúng ta gọi là:

Văn học Hungary.

Ars moriendi

Những di sản của một người giàu sang được đem ra đấu giá. Có giá đỡ nến, thảm treo tường Gobelin, những bức ảnh cũ, những bức họa Ý không rõ nguồn gốc, những giá đỡ bản nhạc và những vật dụng lạ khác. Trong số sách ông để lại có hai cuốn codex tiếng Đức, tên là Ars moriendi.

Tôi muốn mua hai cuốn sách trong số đồ vật ông để lại. Một cuốn có tựa đề: Những kẻ giảo hoạt. Cuốn codex kia dạy con người nghệ thuật chết. Cả hai đều là những tác phẩm nổi tiếng đương thời. Phía sau văn chương chính thống có một nền văn chương khác, suýt nữa tôi đã nói: văn chương đích thực. Ngoài hiệu sách ta thấy Dickens, Tolstoy, Arany. Còn trong tủ sách của đức ông này ta lại thấy cả Những kẻ giảo hoạtArs moriendi.

Cuốn codex viết về “cách chết đẹp và hạnh phúc” là tác phẩm được đọc cực kỳ rộng rãi vào thời Trung đại. Tất nhiên đó là cuốn codex tiếng Đức, nguyên bản nó được viết bằng tiếng Latin, nhưng tinh thần Đức đã nhào nặn nó. Không thể khác được. Những người Latin, đúng hơn là đã viết Ars vivendi, dạy người ta nghệ thuật sống. Chết một cách bài bản, đúng là ý tưởng German! Nhưng cuốn codex hữu ích và sâu sắc. Một thời đại tin vào thế giới bên kia, người ta chuẩn bị cho chuyến viễn hành bằng cuốn sách này. Cuốn codex này là Baedekere_ của cái chết.

Trong buổi đấu giá người ta đã mua mất cuốn sách ngay trước mũi tôi. Giờ tôi đứng đây, cảm thấy mình quê mùa và vô minh. Tôi sẽ chết mà không có phương pháp; không đúng cách và bất hạnh.

Tình yêu và cái chết

Tôi lựa chọn khá lâu trong quầy bán hoa, và cuối cùng mua một cành hồng, vì nó thanh nhã và cũng rẻ tiền nhất. Trong khi người bán hoa bó thêm những nhánh lá xanh, tôi bảo:

- Bà kiếm sống nhờ tình yêu và cái chết, cũng như những nhà viết tiểu thuyết. Bà có thể cho biết nhờ khoản gì bà kiếm được khá hơn không?

Người bán hoa phun lên bông hoa một lớp sương mỏng, rồi nhẹ nhàng đáp:

- Ngày nay thì nhờ cái chết, thưa ông! Quý ông chỉ mua một nhành hồng cho người sống. Nhưng nếu người ấy chết, ít nhất ông phải gửi viếng nàng mươi bông thược dược.

Họ đang yêu

Họ đi trong phố xá tìm nhau. Nhìn qua cửa sổ tàu điện, vào cổng những tòa nhà, xem danh mục những người dân sống trong nhà, lơ đãng, với vẻ mặt đăm chiêu, và hy vọng, biết đâu người ấy chẳng ở đây. Họ đều đi tìm nhau. Trên gương mặt là sự kìm nén khó che giấu của trạng thái vô thức. Họ đều là những kẻ mộng du đi lang thang, ngay cả khi đúng tám giờ sáng họ vẫn đến công sở. Họ sống trong mê hoặc, trong khi vẫn là những nhân viên mai mối nhà cửa mẫn cán. Có điều gì đó đang diễn ra trên thế gian này. Hãy để ý xem. Nhìn kìa, hắn ta đang đi về phía này! Hãy nhìn nét mặt hắn! Thật đáng sợ và lãnh đạm, cái nhìn của hắn mới lạ làm sao, như thể hắn thấy một điều gì đó. Để hắn yên! Hắn đang yêu.

Chia tay

Theo y học những người mắt xanh ngày càng ít. Do ánh sáng điện. Dần dần họ sẽ biến khỏi thế giới như loài okapi vậy. Tin này làm tôi buồn như có tang. Tôi biết một quá trình sinh học sẽ kéo dài; đời tôi vẫn sẽ còn thấy những người mắt xanh. Cá nhân tôi cũng không có nhu cầu quá lớn về loại người hiếm hoi này. Với tôi một hai cặp mắt xanh là đủ cho một đời. Nhưng tôi không tưởng tượng nổi thế giới sẽ ra sao khi không có những đôi mắt màu xanh. Tôi luôn nghĩ họ là một chủng nhân khác. Giống như họ liên danh với nhau để làm điều gì đó. Hình như họ đã đồng thuận - giữa những người mắt nâu, mắt đen, mắt lơ, mắt xám -, rằng họ không cam chịu sự tẻ nhạt ghê gớm của thế giới, không thể. Nhìn thấy họ tôi nhớ đến những hồ nước trên núi cao. Cứ như họ chăm chú và vô tư ngắm nhìn quá lâu bầu trời mùa hạ. Cứ như họ đã thề thốt điều gì đến đầu bạc răng long. Giữa đám đông trên đường phố, họ hiện ra trước mắt tôi như những đóa hoa lưu li bật lên từ mặt đường nhựa. Như họ mãi mãi muốn chiều lòng Szép Ernő, thi sĩ đã viết những vần thơ về họ. Như cuộc sống của họ không còn gì khác hơn một niềm thi hứng. Như trải qua bảy mươi năm họ vẫn còn chút trẻ thơ. Jókai cũng có đôi mắt xanh như thế.

Tôi từng biết những đôi mắt quyến rũ khác. Những cặp mắt đen tóe lửa, sắc như lưỡi kiếm Toledo. Tôi biết những đôi mắt hai màu, cùng một lúc vừa nâu vừa xám, như một lời thề thốt giả. Nhưng đôi mắt xanh, thì đó chính là hạnh phúc. Tôi luôn cúi xuống đôi mắt ấy như người hồi hương. Giờ đây khi người ta thông báo sự tuyệt diệt của nó, từ nay đến cuối đời tôi sẽ sưu tập những đôi mắt kỳ diệu ấy. Không cần nhiều. Chỉ cần thật.

Hỡi các nhà sưu tập. Giờ đây khi trữ lượng giảm, ở đâu đó, chắc chắn có kẻ đã làm giả.

Tiếng Hung

Ngôn ngữ Hungary, đó là sự ngọt ngào, là bánh mì, là công cụ, là nỗi buồn, là hạnh phúc của đời ta! Ngươi còn là nhạc khí của ta, với ngươi, ta có thể diễn đạt thế này: ”Mẹ kiếp, đứa nào lại lôi cái lót giày của ta đi đâu rồi?” Nhưng ta cũng có thể nói: “Cái chết của con Thiên nga, một ấn tượng tuyệt vời.” Ta có thể nói bằng một trăm hai chục ngàn từ Hungary, rằng ta đang sống. Tiếng Hung, tình yêu của ta, quan tòa phán xét ta, cơn mộng du ban ngày của ta, sự cay nghiệt của ta. Với ta ngươi là tất cả. Ta sống trong ngươi, như tế bào trong máu. Nếu ta chết, trong giây khắc cuối cùng ta sẽ nghĩ bằng tiếng Hung: “Thật lạ lùng, ta đã từng sống.”

Niềm vui

Niềm vui này không thể nào lành mạnh, với nó ta đón nhận tất cả những gì hiền hòa hơn định mệnh: một giờ trời nắng, một câu thơ ngẫu nhiên tìm thấy trong tờ báo chủ nhật, động tác sửa lại mái tóc của một bàn tay phụ nữ, một mùi hương cam... đúng, tất cả. Cảm giác này không thể lành mạnh. Chỉ có kẻ sắp giã từ mới mừng vui và nâng niu như thế.

“Mơ ước lớn”

Chúng tôi chơi trò đến tối là phải chết. Cuộc đời chỉ có nửa ngày. Ai cũng nói ra “mơ ước lớn” của mình, nghe như tiêu đề của một đoạn phim. Tôi nhắm mắt và suy nghĩ.

Trong khoảnh khắc ấy tôi biết rằng mình chẳng còn ước mơ gì hết. Tôi muốn sống, bình thường, một thời gian nữa, chừng nào số phận còn cho phép sống. Nhưng tôi đã sống cả cuộc đời: tôi đã biết đến hương vị, đến sự ngọt ngào và cay đắng của nó, đến sự lôi cuốn mạnh mẽ và sự tẻ nhạt còn mạnh mẽ hơn của cuộc đời. Tôi còn mong muốn gì trước khi từ biệt, từ sáng đến tối? Ngồi trên bãi biển một làng thuộc Dalmatia(1)_, ngắm biển, ngắm mặt trời, nhìn những cây trinh nữ một lần nữa, hít thở làn gió biển bao la, thả hồn cùng biển cả - cái linh hồn đầy tin tưởng và hoài nghi, và bất diệt như biển xanh, như khí trời màu xanh, hòa quyện cùng nhau.

Duvernois_(*)

Một nhà văn Pháp, Duvernois, vừa qua đời. Tên riêng của ông không quan trọng. Một trong những dấu hiệu về tầm cỡ nhà văn, khi chúng ta không nhớ tên Thánh của ông. Ông là Toni hay Emil không quan trọng. Điều quan trọng đó là France hay Zola(*)_.

Duvernois, trong sáu mươi năm ròng, đã viết những câu chuyện nhỏ rất nhẹ nhàng. Có cảm giác ông viết những mẩu chuyện đó trên giấy cuốn thuốc lá. Chúng nhẹ nhàng, tươi tắn, mộc mạc như thế. Tôi không nhớ bất kỳ mẩu chuyện nào của ông. Nhưng nếu bắt gặp tên ông trên một tạp chí Pháp - trong một chuyến đi hay trong một tiệm cà phê - tôi vội đọc ngay những gì ông viết. Trong văn ông có một chút gì đó rất Mozart(*)_. Ông không muốn nói nhiều. Nhưng - và đây là bí quyết của một nhà văn đích thực - mỗi dòng của ông được bảo đảm bằng cả con người.

Khi được tin ông mất, tôi chợt nghĩ, với sự ra đi của ông, chỉ một nền văn học lớn, phong phú mới có sự xa xỉ như thế: một nhà văn “nhẹ ký”, không phải “nhẹ ký” vì ông không có tư tưởng, mà do cái cách ông diễn đạt, đơn giản và lịch lãm. Văn học có một vùng giới hạn, mà thông thạo chỉ có các chuyên gia, những độc giả am hiểu, mà chính họ cũng ít nhiều là nhà văn. Có nền văn học “lớn”, thường xuyên vận động trong sắt thép và máu, theo đuổi những ý tưởng lớn, tàn ác và kiêu ngạo. Và có thứ văn học bình dân, quảng bá một cách ngọt ngào rằng dù sao thế giới cũng đẹp, con người - về cơ bản - là tốt, ông chủ nhà băng lấy cô đánh máy, và cuối cùng, ở Hollywood, tất cả đều trở nên tốt đẹp. Văn chương của Duvernois lơ lửng giữa hai dòng văn học đó. Nó không có những ý tưởng lớn. Không hạ thấp văn học xuống mức văn chương bình dân. Ông nói về cuộc đời với cảm nhận thực tế... và có nhịp điệu, như thể ông trình diễn trên nhạc cụ. Thể loại này càng ngày càng hiếm.

Ông viết những gì nữa? Còn rất nhiều đầu sách tuyệt vời, mà tôi không nhớ nổi tựa đề của chúng.

Maugham_(*)

Sommerset Maugham, nhà viết kịch xuất sắc đã ngừng viết, từng phát biểu. Ông nói:

- Không có gì tự nhiên hơn việc một quý ông lịch lãm đến một tuổi nhất định ngừng viết kịch.

Phong cảnh

Tôi nhớ đến một vùng bãi thấp, đầy những ao hồ nhỏ, lau sậy và những khoảng đất trống lầy lội. Phong cảnh ở đấy thật buồn! Chỉ có muỗi và ếch nhái. Tôi đã thấy cảnh đó ở đâu nhỉ? Tôi không biết tên gọi của vùng đất ấy, không chỉ được vị trí của nó trên bản đồ. Nhưng có lần tôi đã tới đó, với nỗi hoang mang tuyệt vọng trong tim.

Những hồi ức của tôi về phong cảnh rất rõ nét và ổn định. Đó là một bản đồ lạ lùng mà cuộc sống đã vẽ cho ký ức. Tôi nhớ đến những khu vườn hoang dã, nóng bức, nơi tôi chưa tới bao giờ. Đó là những kỷ niệm đáng sợ: chúng ta là những kẻ lang thang và mạo hiểm, không có hộ chiếu chúng ta vẫn đi lại khắp thế giới, chúng ta lang thang trên những đồng bãi, trong một cuộc đời, mà những giới hạn thực của nó chúng ta không biết đích xác.

Bản đồ

Ngày nay, khi Lịch sử đang vẽ lại bản đồ địa lý, đã đến lúc những nhà văn bắt tay sáng tạo những bản đồ mới của tâm hồn. Thành phố Viên, thành phố Barcelona hay Madrid, thành phố Bắc Kinh mà chúng ta nhớ tới trong hồi ức, không còn nữa. Có một cái gì đó mới và khác thế vào chỗ những thành phố ấy. Những đường biên giới của bản đồ tâm hồn sẽ bị xóa nhòa. Nhà văn hồi tưởng và thức tỉnh. Đong đo thời gian và thế gian. Lắp ráp những mảnh lý ức. Đó là công việc của nhà văn.

Giả chết

Khi Ábrándi bước vào tuổi già, và giống y chang nhân vật của một trong những truyện ngắn cuối cùng của Krúdy(*)_ - đúng ra lão chỉ còn quan tâm đến cái bụng lão và những cuộc đua ngựa, nhưng bao giờ lão cũng đút túi những bức thư phụ nữ và cuốn sổ thơ trong những chuyến đi làm ăn đáng ngờ - lão đã yêu một người phụ nữ và phó mặc cho số phận. Nàng mới hai mươi mốt, và nàng yêu Ábrándi rất nhiệt thành, nàng chăm sóc, nuôi nấng, cưng nựng lão. Hai người sống khá vất vả, vì nàng không kiếm được bao nhiêu: buổi chiều và tối nàng thường giả chết cho một gã làm ảo thuật ngoài công viên.

Người phụ nữ này yêu Ábrándi thật. Vì người yêu, ban ngày nàng chết mấy lần, để đêm trở về cõi sống, nàng có thể yêu nồng nhiệt hơn, thơm tho hơn. Phụ nữ có thể làm tất cả vì một người đàn ông: sống và chết, theo cách mà họ muốn.

Người phụ nữ rảnh rang

Lúc nào nàng cũng rảnh rỗi. Ở nàng có điều gì đó thầm lặng và phi thời gian. Nàng đến và thở dốc, vì nàng luôn bận rộn, nàng vội vàng ném mũ và găng xuống, nhưng sau đó nàng bỗng rảnh. Nàng có cả kho thời gian, như một chiếc đồng hồ: trái tim, tình yêu của nàng và tâm trạng của nó cứ tích tắc về phía vô cùng hay ít nhất cũng về phía những dòng thời gian cuồn cuộn, một cách chậm rãi, đều đều, và thỉnh thoảng boong lên một tiếng, báo hiệu vừa mười rưỡi, một cái gì đó đã kết thúc, hoặc bắt đầu một điều gì đó. Đôi khi, đột nhiên, nó còn gáy lên. Nó đứng trong một góc cuộc đời, tích tắc nhẹ nhàng, và ba bốn tuần mới phải lên dây cót một lần.

Lặng gió và u ám

Những ngày đầu xuân lạnh giá, khi ta không còn đủ sức thức dậy, ta không đến chỗ điện thoại, dù nó vô ý cứ reo, ta chỉ nhớ lại những cố gắng như công việc, sự nghiệp và văn chương... Những ngày này ta hốt hoảng cảm thấy mình đã bỏ qua điều gì đó, ta chán chường nhìn cây bút, như kẻ sát nhân bị lương tâm cắn rứt nhìn hung khí vấy máu của mình, ta ngán ngẩm đọc những áng văn tinh túy nhất, ta quay đi để khỏi phải chào người đàn bà mà hôm qua ta vừa viết thư cho nàng, và ta thấy ghét những địa danh vừa đọc trên báo như Naples hay Brugge_(1). Và chỉ mãi sau này ta mới nhận thấy những ngày đó đã ấp ủ một điều gì. Cuộc sống vẫn lặng lẽ đi tới, cả khi lặng gió và u ám.

Những bụi cây non

Những bụi cây non đầu tháng Tư, với những chiếc áo choàng màu vàng nhạt và xanh nhạt; người đi dạo cúi xuống, nhưng vội giật mình nhìn quanh, liệu có gã cảnh sát nào nhìn thấy động tác của mình không?

Versailles_(1)

Một chiều tháng Ba nhớp nháp trong khu vườn Marseilles: cha lặng lẽ đi phía trước trên thảm cỏ. Ông buồn bã nhìn thắng cảnh xung quanh. Lần đầu tiên ông đến Paris; lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

Cha đã qua tuổi sáu mươi khi đến Paris.

Đến giữa khu công viên, ông lơ đãng hỏi:

- Trianon(2) đâu?

Phải đưa ông đến đó. Trong gian phòng đã ký cái hòa ước thô bạo ấy, ông bước lặng lẽ, xem chiếc bàn đá cẩm thạch, ông lúng túng móc cho người huissier_(1) một trăm frank. Rồi ông đi ra vội vàng, không nói một lời, với vẻ lúng túng bất an. Tôi hỏi ông có muốn xem những đài phun nước? Ông ra hiệu không muốn xem gì nữa. Trên đường về, trong xe, cha không nói thêm một lời.

Quết tro_(2)

Vâng, tôi đã lầm lỗi trong sự tự mãn. Nhưng đó là khi không còn cách nào khác! Có ai đủ sức mạnh và tầm vóc để không muốn tự khẳng định mình, tác phẩm, công sức cá tính của mình? Tôi không mạnh, cũng không là vĩ nhân. Chỉ một sự tấn công hèn hạ nhất, một ngáng trở yếu ớt nhất cũng quật ngã tôi hàng tuần, tôi mất tự tin, không còn dám cầm lên tay cây bút. Một lời khen dù nhỏ nhất cũng nâng tôi lên, làm tôi yên lòng. Ngay cả nếu một người trước nay tôi không coi trọng ý kiến của anh ta, nếu anh ta chỉ thờ ơ, lịch sự nói: “Hôm trước tớ có đọc của cậu một cái gì đó vui lắm. Cái gì ấy nhỉ... Tớ chả nhớ nữa.” Những lúc như thế tôi nắm chặt bàn tay từ thiện ấy, nó đã trả lại niềm tin cho tôi trong vài giờ, đôi khi mấy ngày.

Tôi đã lầm lỗi cả trong ăn uống: trong tôi không có sự cân bằng, tôi nhịn được, nhưng cứ rượu vang với thịt mà đánh, ăn uống chẳng có chừng mực nào. Tôi mắc lỗi trong sự chú ý: tôi không đọc kỹ điều tôi sẽ diễn thuyết dài dài sau đó, làm như tôi đã hào hứng tìm hiểu và nắm chắc mọi chi tiết của nó. Tôi đọc Goethe rất nhiều, nhưng đôi khi tôi nghĩ một giáo viên trung học dạy tiếng Đức còn đáng tin cậy hơn tôi về lĩnh vực này. Dù đã quyết định mỗi ngày sẽ đi dạo một giờ, nhưng tôi vẫn ngồi trong tiệm cà phê nếu có thể, để viết những bài báo đả kích quan niệm của giới ngồi tiệm cà phê. Trong đám đông tôi không đủ tự tin, cứng rắn và vô lương, và cũng không đủ nhân ái. Tôi không như... tôi đã như thế nào? Hãy quết tro lên đầu tôi.

Cơ cấu

Đôi khi tôi nghe thời gian, như một cơ cấu khổng lồ, với những bánh xe khổng lồ sáng lóa quay và đu đưa chầm chậm, gõ nhịp đều đều, và nghiền nát một thứ gì đó, hay sản sinh ra một thứ gì đó, nó tiêu thụ năng lượng, và ném cho thế gian những thành phẩm, và với tỉ số truyền động khác nhau, nó vận hành những máy móc khác, con người, mặt trời, mặt trăng và những vì sao. Nó mới lãnh đạm và có chủ đích làm sao! Nó tạo ra đồ vật và cuộc sống, rồi cuối cùng lại nghiền nát những sản phẩm làm ra. Bạn có nghe thấy không? Có tiếng ầm ì đâu đó, trong bạn và quanh bạn, khắp nơi, đều đặn và lặng lẽ.

 

Proust_(*)

Giờ thì ông tồn tại trong văn chương như một châu lục, hết bộ tộc này tới bộ tộc khác tới định cư, chiếm làm thuộc địa và khai thác những vùng đất của nó, họ trở nên giàu có, phát đạt và béo tốt, họ tích lũy được kha khá tài sản, và họ thâm canh tất cả, diệt cỏ dại, vui vẻ nuôi trồng trên châu lục mênh mông đó... Có châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Úc, và châu Mỹ, rồi có những nhà văn lớn, có những bậc thánh và những đấng tiên tri, rồi sau đó có Proust.

Diễn viên đu bay

Khoảng ba giờ, lúc rạng sáng, một diễn viên đu bay bước vào tiệm cà phê, chàng ăn hai con cá sacdin, uống một tách cà phê, rồi ngồi xuống bên cửa sổ và bắt đầu đánh cờ với một gã giả danh nhà báo kinh tế. Chàng ít nói và nhã nhặn như một một tu sĩ trẻ, e thẹn và khiêm nhường. Chàng biểu diễn không có lưới bảo hiểm. Cách đây vài giờ chàng còn nhào lộn trên cao, trong chiếc áo phông lấp lánh như một chú cá có vẩy mà số phận đã tung mạnh lên cao, giữa trời và biển sáng lóa. Chàng đu, thành thục với những động tác uyển chuyển theo tiếng nhạc, giữa những cây cột đỡ, tron 19fb g những chùm sáng đèn pha, trong sự yên tĩnh chỉ bị phá vỡ bởi tiếng gõ của bộ trống trong dàn nhạc, như thể tiếng trống báo lệnh hành quyết tử tù. Giờ đây, sau màn trình diễn nguy hiểm, chàng ngồi đó lặng lẽ và khiêm nhường, những ngón tay trắng muốt, mịn màng nhấc một quân xe lên, chàng mỉm cười như xin lỗi. Tất nhiên, chúng ta sống như thế: và khán giả đâu cần phải biết về chàng.

Abbazia_(1)

Biết là không phải, nhưng ta vẫn cứ yêu mi, Abbazia. Ở mi có một cái gì dân dã, tầm thường, một cái gì đó gần gũi, thị dân đến e lệ. Biết làm sao được khi ta vẫn cảm thấy thoải mái dưới những hàng cọ cằn cỗi của mi, trên bãi biển mà đúng ra chưa phải là biển, chỉ là nước mặn trong bãi vịnh, giữa những khóm hoa giống hệt hoa cỏ vùng Trung Âu, cũng như số phận của mi, như thể người là bến cảng của Viên, Budapest hay Praha vậy, và dân chúng cùng chứng viêm thanh quản, căng thẳng thần kinh tim, chứng mất ngủ và tình ái rẻ tiền vội vã đến đây, có chút hổ thẹn vì thiếu tiền đi đến nơi xa hơn và sang hơn. Mi như người trong nhà, Abbázia. Tất nhiên Cannes(2)_ thì sang hơn. Nhưng ngươi thì quen biết hơn, đơn sơ hơn, gần gũi hơn. Cứ để họ đi, những quý ông, những chính khách giải Nobel, những lệnh bà và bọn ma cô, đến Riviéra bên Pháp. Mùa xuân này tôi cũng chuẩn bị, theo cái cách khiêm tốn hơn, dân dã hơn, đến với những cây cọ thân thuộc hơn của mình, đến Abbazia.

Những mảnh vỡ

“Người đàn bà ấy” tất nhiên là chẳng thấy đâu. Chỉ có những mảnh vỡ chúng ta đang ghép lại bằng đôi tay vụng về. Nguyên dạng, nó có thể là một tác phẩm tuyệt vời. Ta không còn nhớ nữa; chỉ còn lờ mờ kỷ niệm về một bức vẽ mà ta đã nhìn thấy ở đâu đó. Bức vẽ NGƯỜI ĐÀN BÀ, trong một cuốn sách lịch sử y học hay nghệ thuật, trên Thiên đường hay ở một góc phố.

Mạo hiểm

Một ngày tháng Ba, tôi không ra khỏi căn phòng tối, sau những rèm cửa được kéo xuống, giữa công việc, sự tỉ mẩn và cẩn trọng, tôi cảm thấy thế giới bên ngoài đang thành hình một điều gì đó, chưa rõ ràng, nhớp nháp và ngọt ngào, gần giống như sâm banh, nhưng cũng giống như một bát tiết, nom có vẻ tươi sống, lốm đốm sắc màu và bình thường hiếm thấy, và tia nắng mặt trời xuyên vào cơ thể tinh nghịch của thiên nhiên như một chiếc kim tiêm màu vàng, cùng lúc tiêm cả thuốc phiện và coffein vào tất cả những gì là cơ thể và tế bào. Một cuộc mạo hiểm thật gớm ghê! - tôi nghĩ. Và kéo kín thêm rèm cửa.

Kassa

Trên bàn tôi thấy một cuốn sách nhỏ, tựa đề là Kassa. Những bức ảnh và vài dòng khách quan giới thiệu “quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố”.

Cuốn sách đã làm tôi bất an, nó khuấy động trong tôi bao kỷ niệm. Tôi cũng quan tâm đến “quá khứ, hiện tại và tương lai của thành phố”, dù không có hình ảnh, suốt đêm ngày. Khi nghĩ đến Kassa là tôi thấy như có một tiếng kêu từ đáy lòng. Tiếng kêu thế này: “Hãy trả lại ta! Trả lại cho ta ngôi nhà nơi ta sinh ra, và cả ngôi nhà nơi ta lớn lên, trả cho ta những nấm mồ, những kỷ niệm, những ô cửa sổ và những vòm cổng thời thơ ấu, bãi cỏ và ngôi nhà Lőcsei, cái cổng phía Bắc của Giáo đường và tất cả, cả Rákoczi, hãy trả lại cho ta, nếu không chẳng điều gì còn ý nghĩa. Trả lại cho ta vì chúng là của ta, vì không thể từ bỏ chúng. Hãy trả lại vì ta hiểu hết, kể cả nỗi tức giận đắng cay. Ta muốn chết ở nơi thành phố bắt đầu, nơi những người thân yêu đã khuất của ta yên nghỉ trong những nấm mồ ven đồi, nơi những kỷ niệm của ta còn đó trong các căn phòng. Hãy trả lại ta, chừng nào ta còn nói lời tử tế.” Tiếng kêu vang lên trong tôi, ngày và đêm, từ trong sâu thẳm lý trí.

Cuốn sách nhỏ đối với tôi hơi đặc biệt vì nó giới thiệu khách quan những thắng cảnh, cũng như những giá trị đặc trưng “của đời sống văn học, âm nhạc và xã hội” của thành phố. Giống như người ta làm giám định y khoa về vết thương đang rỉ máu của một con người.

Chỉnh âm

Buổi sáng, đang nửa tỉnh nửa mơ, tôi nghe ngoài cửa sổ để mở, thiên nhiên đang chỉnh âm. Đó là những âm thanh nhỏ: một tiếng líp chíp, một tiếng lóc tóc rè rè của một con sáo nhỏ, một tiếng vang vô tư của sợi dây đàn. Có người đang chơi trên những nhạc khí này, ngẫu hứng chỉ bằng một ngón tay. Ôi, đã bắt đầu rồi, - tôi nghĩ trong khi chưa tỉnh hẳn. Đất trời đang chỉnh âm.

Giấc ngủ

Mấy năm nay tôi thường bắt đầu giấc ngủ như người thử cái chết, để đầu và tứ chi vào cho thuận với một giấc ngủ khác, cố xoay cho cơ thể vào một tư thế cuối, thử nếm hương vị và sự yên bình của một giấc mơ khác khi bắt đầu đi vào giấc ngủ. Ở tuổi gần bốn mươi người ta bắt đầu tập thử, chỉ bằng một ngón tay, như người mới bắt đầu tập dương cầm.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25773


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận