Từ phòng khám về, ông không thể tập trung làm việc, đọc báo cũng không vô, dù lia mắt vào mấy vụ án. Đáy thận có bùn, ừ thì có bùn, đã sao! Bác sĩ bảo chỉ cần uống nhiều nước. Tuy vậy, ông thấy bất an. Lâu nay ông hài lòng về sức khỏe mình. Ăn được, ngủ được, làm việc đều đều, lòng thanh thản. Ông rót và uống một hơi hết ba ly nước lọc. Bụng óc ách, ông nới dây lưng và xoa xoa lớp da bọc mỡ dưới bụng. Ông xoa được mấy cái thấy mắc tiểu.
Đứng khom khom như người vừa mổ ruột thừa, ông săm soi chỗ nước sủi bọt, bốc hơi khó chịu trong bàn cầu. Một màu vàng nhàn nhạt, tương tự màu trà nước chót và trong, chưa thấy lợn cợn.
Chuông điện thoại reo. Ông áp tai vào ống nghe. Bên kia đầu dây, tiếng vợ ông gấp gáp:
- Em đưa con Hạnh vô bệnh viện, chiều nay anh ráng
Ông và vợ vẫn “anh anh em em” dù hai thứ tóc trên đầu và đã làm ông làm bà. Vợ ông không đợi trả lời, đã dập máy.
Ngoài trời còn nắng. Thứ nắng gay gắt mà năng lượng của nó như đang biến thành những mũi tên xuyên qua lớp kính, vương lại trên mặt bàn, trên thành ghế những sợi vàng óng, cợt nhả tiếng rền rĩ tẻ nhạt của chiếc máy điều hòa nằm bất động trên tường.
Cánh cổng thâm thấp của nhà để xe ở góc sân ngoài kia còn khép. Như thế, ông sẽ phải dẫn chiếc xe vòng vèo qua các dãy ken kín xe. Ít khi ông rời cơ quan trước mọi người. Ông được coi là người mẫu mực, tận tâm với đồng nghiệp dù đó có là anh gác cổng, lão giữ xe hay chị quét dọn. Người giữ xe lấy tay day day hai mắt. Lão sốt sắng chạy lại giành dẫn xe
cho ông:
- Hôm nay chú về sớm?
- Tôi có việc!
Đi một đoạn, trước khi lên xe, ngoảnh lại, ông bắt gặp cái nhìn băn khoăn của người giữ xe. Ông ngần ngừ, muốn quay lại giải thích cho lão yên tâm là cách đây mươi phút, ông nhận được cú điện thoại nửa thông báo, nửa như mệnh lệnh. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hai từ mệnh lệnh ông lờ mờ nhận ra cái gì đó không bình thường trong cái giọng hấp hải của vợ. Ông lên xe, nổ máy. Đi được một quãng, phải dừng trước ngã tư, đèn đỏ. Vài chiếc xe rướn khỏi vạch vôi trắng và chỉ chịu dừng khi nghe tiếng còi cảnh sát. Chỉ vài giây mà mặt đường đông nghịt. Ai cũng rướn lên, rướn lên. Dù không chủ động, bánh xe trước của ông cũng cán lên vạch vôi trắng. Ông định cho xe lùi lại nhưng không thể, đành bỏ cả hai chân xuống mặt đường, giữ cho bánh xe đừng trượt tiếp. Những hồi còi rú lên và một chiếc xe cứu thương trờ tới, vượt đèn đỏ, vượt bỏ đám người hiếu kỳ dán mắt nhìn theo. Ông thoáng thấy mấy người mặc áo trắng, đội mũ trắng. Có lẽ, một bệnh nhân đang nguy kịch.
Đèn xanh. Ông tăng ga, đuổi theo xe cứu thương.
Ông thấy mình vô ý khi đã không hỏi con Hạnh bệnh gì phải vào bệnh viện, mà lại vào giờ này? Chiếc xe cứu thương rẽ trái, mất hút, bỏ lại sau những chuỗi âm thanh rờn rợn. Ông giảm tốc, chạy chầm chậm và cắt những suy diễn xúi quẩy bằng cách hướng chú ý vào dòng người xuôi ngược.
Cơn mưa thình lình ập tới. Ông không tìm được nơi trú ẩn, chiếc áo mưa mang theo cũng không bung ra kịp, đành chịu ướt, bực bội lầm bầm cái thời tiết trái khoáy, không còn tuân theo một quy luật nào cả, nắng đó, mưa đó; hạn hán lụt lội không kịp trở bàn tay.
Nhiều người buôn bán dọc lề đường cũng không dọn kịp. Đám gà nhồi bông ướt lông ướt cánh. Những chú gà con lật nghiêng lật ngửa, chổng những đôi chân nhỏ xíu lên trời. Người bán hoa cỏ run lập cập che mảnh vải mưa cho gánh cỏ nhuộm. Người bán mãng cầu vừa kêu trời vừa giữ chặt chiếc nón lá úp lên thúng trái cây vừa chín tới. Mưa rát mặt.
Ông đành tấp vào một mái hiên lố nhố người, đứng nửa trong nửa ngoài.
Không chịu lâu hơn nữa cái lạnh buốt da buốt thịt, ông choàng áo mưa vào cái bộ dạng tái xanh, ướt sũng và điều khiển xe chạy rì rì trên mặt đường trắng xóa.
Nước mưa còn rỏ từng dòng từ ổ khóa bằng thép hiệu Yeti nơi cổng. Ông lục tìm đùm chìa khóa trong cái cặp giả da và phải mất chừng hai phút mới tra đúng chìa. Dắt xe vào đến thềm, ông khựng lại.
Từ trong nhà vẳng ra âm thanh i ỉ giống như tiếng rên. Cửa không khóa, chỉ chốt bên trong. Ông giật cửa, gọi to. Tiếng rên nhỏ dần rồi im bặt. Ông chạy vòng qua hông nhà, mở cánh cửa sổ. Nhà không bật đèn. Trong khoảnh sáng nhờ nhờ, ông nhận ra mái tóc hoe hoe vàng và cái vai áo màu vàng chanh tựa vào nệm ghế. Ông buột miệng:
- Bi! Bi!
Mái tóc hoe hoe vàng tụt khỏi ghế.
Giống như con chó nhỏ bị xiềng quá lâu, phải mất một lúc, bé Bi mới đứng vững trên đôi chân, rồi chạy từng bước ngắn về phía ông:
- Ông, ông...
Nó chỉ gọi được có thế rồi òa khóc. Ông bảo nó đừng mít ướt, yếu đuối như đứa con gái mà phải tỏ ra cứng rắn, mạnh mẽ như thằng con trai và bước lại cửa, mở chốt. Tiếng khóc nhỏ dần, nó làm theo lời chỉ dẫn. Ông vào nhà, với tay bật công-tắc đèn. Ánh sáng làm thằng bé chói mắt. Nó lấy bàn tay mũm mĩm che đôi mắt sưng vù. Ông xoa xoa đầu nó và quay bước định vào buồng tắm thay quần áo. Đến cửa buồng tắm, thằng bé đã đuổi theo:
- Ông... sao mẹ Bi chưa về?
Ông không biết phải trả lời cháu làm sao, đành lựng khựng, ấm ớ rồi hỏi lại nó:
- Bi đói chưa?
Nó không trả lời, chỉ gật nhẹ.
- Vậy Bi ngồi xem ti vi, đợi ông một chút!
Thay quần áo xong, bước ra, ông đã thấy bé Bi ngồi dựa lưng vào thành ghế, chân duỗi, tay cầm remote, chăm chú xem hoạt hình trên ti vi. Ông vào bếp. Xoong nồi lạnh tanh. Thức ăn chưa nấu dồn hết vào tủ lạnh. Ông đành lấy gói mì tôm bỏ vào tô và rót nước sôi từ trong phích vào. Hết phim hoạt hình, thằng bé sà vào tô mì, vừa thổi vừa hít hà:
- Mẹ làm mì không cay như vầy!
Ông rót ly nước đem lại cho nó:
- Mẹ Bi làm sao mà phải vào bệnh viện?
Thằng bé uống hết ly nước rồi nói:
- Mẹ Bi bị chảy máu!
Ông thấy vài vệt máu và nhiều sợi tóc còn vương trên mấy viên gạch dưới chân. Thoạt tiên, ông đi tìm cây lau nhà. Khi cái nùi vải chạm vào những vệt máu loang ngoằn ngoèo trên nền gạch lam, ông có cảm giác mình đang đặt chân lên bậc thang của chiếc cầu thang cuốn. Khi cơn xây xẩm qua đi, ông hỏi thằng bé:
- Bi có biết mẹ vô bệnh viện nào?
Thằng bé lắc đầu, tay bấm lia lịa những con số trên remote. Màn hình liên tục thay hình đổi tiếng. Ông gỡ lấy cái remote, bực bội:
- Để yên cho ông nhờ!
Nó tiu nghỉu rút vào góc ghế, ngồi thu lu như một con mèo ướt. Ông đến gần nó, dịu giọng:
- Thế bà có gọi điện về không?
Thằng bé lắc đầu, buồn thiu. Chợt nó nhích tới trước, chồm ra một chút rồi cúi gập người xuống chân ghế, kéo nhùng nhằng một chiếc bong bóng đã xì hơi.
Ngoài trời đã tạnh mưa, chỉ nghe tiếng gió và những đợt nước trút xuống từ trên cành lá.
Đêm xuống. Bóng tối tràn đến cửa. Ánh sáng của các loại đèn xe và ánh sáng của bóng cao áp ngoài đường đã không thể len qua cánh cổng sắt và tường rào. Chỉ những cành lá vươn cao mới đón nhận và phản chiếu thứ ánh sáng đẫm ướt, lấp loáng.
Ông mở công tắc bóng đèn ngoài hiên. Ánh sáng của bóng đèn 200 wat không làm bớt vẻ vắng lặng, cho dù cành lá ngoài vườn không ngừng xao động và lá vàng, lá xanh bay lả tả xuống mặt sân. Ông trở vào, đem cái remote đặt vào tay thằng bé:
- Bi thích xem gì thì mở!
Nó mở đúng kênh có tin tức thế giới. Gương mặt đau đớn tuyệt vọng của người mẹ, người vợ của các thủy thủ đoàn trên chiếc tàu ngầm Kurskmắc nạn. Ông nhìn đồng hồ, thấy phấp phỏng, giống như nỗi lo, tuy không rõ ràng, không định hình, cứ chập chờn, lúc phình lúc xẹp như chiếc bong bóng trong tay thằng bé. Vì chập chờn nên ông không thể
ngồi yên.
Ông cầm ống nghe, quay số 116, không liên hệ được. Ông gọi số 1080. Khi nghe tiếng nói từ bên kia đầu dây, ông lúng túng không thể nói được một địa chỉ cụ thể nào. Cũng có thể là bệnh viện Từ Dũ hoặc bệnh viện Hùng Vương hay là một khoa phụ sản của bất kỳ bệnh viện nào. Mà trong cái thành phố sáu triệu dân này có đến hàng trăm hàng ngàn bệnh nhân có thể trùng họ trùng tên với con Hạnh. Thôi, đành chờ! Chờ tiếng kêu cửa, chờ chuông điện thoại, và dĩ nhiên chờ cả bất trắc.
Chuông điện thoại reo. Thằng bé ngừng nghịch bong bóng, ngẩng bộ mặt nhem nhuốc phẩm đỏ nhìn chiếc điện thoại. Ông nhắc ống nghe. Tiếng nói ồm ồm của Tư Hào. Hắn mời dự sinh nhật thằng cháu đích tôn. Ông vội nhận lời, cúp máy, không đợi hắn nói ngày, giờ.
Thằng bé rụt rè đứng sát bên ông. Đầu nó cao đến bụng ông ngoại. Ông cúi xuống, biểu hiện một cử chỉ thân thiện mà mình có thể làm là vuốt tóc và hỏi ngày sinh của nó.
Có lẽ thằng bé nghe không rõ câu hỏi nên liền khoe sinh nhật nó thiệt vui và liệt kê những món quà được tặng: chiếc xe hơi vừa chạy vừa nháy đèn, chú gấu xám bằng cái gối ôm mà cặp mắt thì nhỏ xíu, con khủng long cổ dài như cổ con hươu sao... Lúc thằng bé huyên thuyên, ông có cảm giác của một kẻ xa lạ đang bên cạnh một sinh linh xa lạ, dù nó là máu mủ của con ông, đứa con gái có lẽ còn thiêm thiếp trong phòng cấp cứu của một bệnh viện nào đó.
Điện thoại lại reo. Thằng bé như vừa trồi lên giữa đống đồ chơi, tươi tỉnh, lẹ làng chạy về phía tiếng reo. Nó áp tai vào ống nghe, mày nhíu nhíu, mắt chớp chớp và chuyển máy cho ông. Ai đó gọi nhầm số. Ông thở phào. Sau tiếng thở rõ to, ông thấy đói.
Đói thì chắc ai cũng trải nhưng đói trong ngày vui thì quả là khó quên, nhất là ngày được làm cha. Đó là một ngày mưa. Mưa rỉ rả từ nhiều ngày trước hay là từ nhiều tháng trước ông không rõ. Chỉ nhớ mái lá trên đầu như mủn ra. Trạm hộ sinh nằm nép mình dưới những tảng đước bị dột lỗ chỗ. Dìu vợ vào bên trong được một lát, người hộ sinh quay ra bảo đưa cho cô tấm ni lông ông đang choàng trên người. Cô ta cầm lấy che mưa đi được vài bước chợt quay lại, chỉ cho ông đống lá dừa nước lùm lùm dưới chân và nói, giọng tỏ rõ quyền uy: “Anh chịu khó ngồi chằm cho chúng tôi ít tấm!”. Ông rút lạt và kết từng chiếc lá với nhau trong tiếng rên, tiếng thở khó nhọc của vợ ở bên kia tấm vách. Khi nghe tiếng la không ghìm được và theo sau là tiếng khóc oa oa, ông bỏ đám lá, chạy vào.
Cho đến bây giờ, ông vẫn nhớ cái cảm giác hụt hẫng và xa lạ của một kẻ làm cha trước đứa con đầu lòng mà không rõ vì sao. Có thể ông đã quen thấy những đứa trẻ bụ bẫm biết nói biết cười biết đi biết chạy. Cũng có thể do lạnh và đói. Đói hoa cả mắt. Trạm hộ sinh có chuẩn bị cho sản phụ cháo và sữa. Còn ông thì họ đùn cho một đống lá ướt phải chằm. Ông độp tan xác đám muỗi bâu vào da thịt và nhận ra vị trí của kẻ làm cha chẳng cao hơn đám lá chằm đốp dưới chân. Sau đó ông đi công tác liền ba tháng. Suốt thời gian đó, tình máu mủ không chảy trong huyết quản ông. Ấn tượng về một đứa trẻ sơ sinh xấu xí không ngừng ám ảnh. Nó gầy ngoẵng, đầu chờ vờ, da nhăn nheo, mặt bé choắt. Cái miệng lại quá to so với gương mặt và ngáp ngáp liên hồi như thể nó không ngủ suốt chín tháng mười ngày. Ba tháng sau, nó lại khiến ông bất ngờ. Vợ ông thì thào sung sướng: “Anh vào đây với con!” Không thể tin. Hài nhi ẽo uột đã lột xác. Nằm chòi đạp lung tung trên giường là đứa bé bụ sữa hồng hào. Nghe tiếng mẹ, nó lật nghiêng, huy động sức lực xoay người, lật úp và ngẩng đầu, mở nụ cười với mẹ. Vợ ông ẵm con lên, nựng nịu, ngọng nghịu với nó rồi trao con cho chồng. Ông lọng cọng chưa biết bồng ẵm làm sao cho đầu con cao hơn đít thì nghe tiếng khóc của nó. Lúc đầu chỉ lử nhử cự nự nhưng một lát sau thì khóc to. Nó khóc khỏe đến mức ông hình dung phổi của nó chắc to bằng tấm lá chằm đốp. Ông trả nó về với mẹ và thấy mình chẳng khác một kẻ xa lạ. Chẳng cần có ông bên cạnh nó vẫn lớn, thậm chí lớn phổng phao như trái dưa trái bí chỉ cần có đất mẹ và khí trời.
Lớn lên, học hành, đỗ đạt, trưởng thành, những cái mốc quan trọng trong cuộc đời, con Hạnh gần như chỉ biết có mẹ. Ngay việc lấy chồng, nó cũng không để nửa lỗ tai nghe ông. Ngược lại, thái độ không đồng tình của ông càng khiến nó tăng tốc đến cuộc hôn nhân mà sau này nó mới âm thầm nhận ra sự lầm lẫn giữa một ít bốc đồng, một ít đam mê và quá nhiều ảo tưởng.
Con Hạnh thường tất ta tất tưởi. Trông nó lúc nào cũng giống như kẻ bơi đuối sức và chỉ có mẹ mới đủ sức níu lấy nó, tiếp sức cho nó. Chủ nhật và gần đây là cả ngày thứ bảy, nó hay dẫn bé Bi về nhà ông bà ngoại. Nhiều khi thấy hai mẹ con ngồi rủ rỉ, ông nhận ra họ có cái gì đó thật giống nhau, dĩ nhiên ông không nói về mặt mũi, vóc dáng, tính nết. Họ giống nhau ở dáng vẻ lầm lũi, chịu đựng và tìm thấy lẽ sống nơi con cái và trong nỗi nhọc nhằn.
Khi ông ăn hết tô mì, uống nước, xỉa răng qua loa và trở lên nhà trên thì cu Bi đã ngủ. Nó nằm co trên ghế, tay còn nắm chiếc remote. Ông nhè nhẹ gỡ remote ra khỏi tay nó và bật ti vi.
Giống như lúc nghe bác sĩ bảo đáy thận có bùn, ông không thể ngồi yên một chỗ để xem ti vi, dù hai ba kênh có chương trình giải trí. Ông nhìn thằng bé ngủ. Tự dưng, muốn xốc nó dậy, muốn nghe nó nói, nó hỏi, muốn trò chuyện và muốn được dỗ dành.
Cu Bi vẫn say ngủ, mắt nhắm nghiền, môi he hé. Ông lấy tấm đắp phủ lên ngực nó và đi đi lại lại từ trong nhà ra ngoài hành lang, chốc chốc lại nhìn nhịp thở đều đều của thằng bé dưới lớp vải đắp.
Ông áp ống nghe vào tai và nơi cùi chỏ lướng vướng sợi dây loăn xoăn nối ống nghe với chiếc máy điện thoại. Ông kéo kéo sửa sửa, nhận ra giá trị truyền nối từ một sợi dây và liên tưởng đến sợi dây bị cắt lìa ở hai đầu. Ông thấy sợ. Không phải sợ lớp bùn lợn cợn nơi đáy thận hay sợ chiếc máy tán sỏi của bệnh viện Bình Dân ngưng hoạt động hoặc sợ quả thận của kẻ xa lạ nào đó sẽ nằm trong cơ thể mình.
Ông sợ không cần cho ai. Sợ bơ vơ trong ngôi nhà của mình. Sợ lạc lõng giữa tình thân. Và ông sợ, sợ con gái ông, không về.