Ba thương binh - Những bệnh tật của George và Harris - Nạn nhân của một trăm linh bảy căn bệnh vô phương cứu chữa - Những đơn thuốc cứu mạng - Cách chữa bệnh gan ở trẻ con - Nhất trí rằng cả bọn đã làm việc quá sức và cần được nghỉ ngơi - Một tuần bò lê trên biển? - George đề xuất ý tưởng con sông - Montmorency đệ đơn phản đối - Kiến nghị ban đầu được thực hiện với tỉ lệ nhất trí ba trên một.
Bọn tôi có bốn mạng - George, William Samuel Harris, tôi và con Montmorency. Cả bọn đang ngồi trong phòng tôi, hút thuốc và tán chuyện về tình trạng tồi tệ của mỗi thằng - dĩ nhiên, ý tôi là tồi tệ trên phương diện y học.
Cả bọn đều cảm thấy khó ở trong người và lo sốt vó về vấn đề này. Harris nói thỉnh thoảng hắn gặp phải những cơn choáng váng ghê gớm, và rằng lúc ấy gần như hắn không biết mình đang làm gì nữa; sau đó đến lượt George than thở rằng chính hắn cũng có những cơn chóng mặt, và cũng gần như không biết mình lúc ấy đang làm gì nữa. Còn tôi thì gan có vấn đề. Tôi biết chính gan của tôi trục trặc, là vì tôi vừa mới đọc một tờ quảng cáo thuốc chữa gan, trong ấy liệt kê chi tiết ti tỉ các triệu chứng khác nhau để một người có thể xác định được khi nào thì gan mình có vấn đề. Tôi có tất cả các triệu chứng ấy.
Thật là một việc hết sức lạ thường, nhưng tôi chưa bao giờ đọc một tờ quảng cáo thuốc nào mà không buộc phải đau đớn kết luận rằng tôi đang mắc phải chính căn bệnh được nhắc đến trong ấy và ở dạng nguy hiểm nhất. Có vẻ như mọi triệu chứng của các loại bệnh đều y hệt tất cả những gì tôi đã cảm thấy.
Tôi nhớ có hôm đã đến Bảo tàng Anh để tra cứu cách điều trị cho một cơn ươn người mà tôi có cảm giác mình đang mắc phải - sốt dị ứng phấn hoa, tôi cho là thế. Tôi tìm ra cuốn sách, đọc xong tất cả những gì định đọc; và sau đó, trong một khoảnh khắc không suy nghĩ, tôi vẩn vơ lật các trang sách, bắt đầu nghiên cứu các loại bệnh tật nói chung một cách lơ đãng. Tôi đã quên béng mất căn bệnh đầu tiên mình mắc phải là gì - một kiểu tai họa khủng khiếp ghê rợn nào đấy, tôi biết thế - và, trước khi liếc qua độ nửa danh sách “các triệu chứng báo trước” thì tôi đã hoàn toàn dám chắc thật sự mình đã mắc phải nó rồi.
Tôi ngồi chết lặng một lúc vì kinh hãi; và sau đó, trong nỗi tuyệt vọng bơ phờ, tôi lại tiếp tục lật giở các trang sách. Tôi giở mục bệnh thương hàn - đọc các triệu chứng - nhận ra rằng mình bị thương hàn, chắc là đã bị hàng tháng trời rồi mà không hề hay biết - băn khoăn không biết mình còn mắc phải bệnh gì nữa; đọc đến bệnh St Vitus’s Dance(1)_ - y như rằng, tôi cũng đã mắc bệnh ấy - tôi bắt đầu thấy quan tâm đến trường hợp của mình và quyết định sẽ xem xét đến cùng, vì thế tôi bèn lần theo bảng chữ cái - bắt đầu từ bệnh sốt rét(2)_, rồi nhận ra là mình đang phát ốm vì nó, và rằng giai đoạn cấp tính sẽ bắt đầu trong độ hai tuần nữa thôi. Đến bệnh Bright(3)_ thì thật tôi nhẹ cả người khi thấy mình chỉ mắc ở dạng biến thể, và, theo như những gì được biết, tôi có thể thọ thêm nhiều năm nữa. Bệnh thổ tả_(4)_ mà tôi bị thì có các biến chứng ghê gớm; và có vẻ như từ bụng mẹ chui ra tôi đã mắc bệnh bạch hầu_(5)_. Tôi nghiên cứu một cách cẩn thận hết hai mươi sáu chữ cái, và căn bệnh duy nhất tôi có thể kết luận mình không mắc phải là bệnh sản giật(6)_._
Lúc đầu tôi có cảm giác khá bị xúc phạm trước việc này; có vẻ như đó là một bệnh nhẹ. Can cớ gì mà tôi lại không bị bệnh sản giật? Tại sao lại có cái kiểu chừa lại gây cảm giác bị đối xử bất công này? Tuy nhiên, sau một lúc thì cảm giác cay cú cũng dịu đi. Tôi kiểm điểm lại rằng mình đã mắc phải tất cả các căn bệnh khác đã được biết đến trong ngành dược lý, tôi bắt đầu trở nên bớt ích kỷ hơn và quyết định mình sẽ tiếp tục nghiên cứu mà không cần mắc bệnh sản giật cũng được. Bệnh gút ở dạng ác tính nhất đã xuất hiện và túm lấy tôi mà tôi chẳng hay biết gì, và bệnh nhiễm trùng(1)_ thì rõ ràng tôi đã mắc phải từ lúc còn là một thằng nhóc. Không còn bệnh nào sau bệnh nhiễm trùng [vần Z], vì thế tôi kết luận là mình không mắc bệnh nào khác nữa.
Tôi ngồi trầm ngâm suy nghĩ. Tôi tự nhủ, theo quan điểm y học thì rõ ràng mình hẳn phải là một ca thú vị lắm, tôi mà được mang đến lớp học thì đúng là của quý! Đám sinh viên sẽ không cần phải “thực tập ở các bệnh viện” nếu đã có tôi. Tôi đã có nguyên một cái bệnh viện trong người rồi đây. Tất cả những gì bọn họ cần là đi vòng quanh người tôi mà nghiên cứu và sau đó thì cứ thế mà nhận bằng tốt nghiệp.
Rồi tôi tự hỏi không biết mình phải tồn tại trên đời này bao lâu. Thế là tôi thử tự khám cho mình xem sao. Tôi tự bắt mạch. Đầu tiên chả thấy mạch đâu cả. Sau đó bỗng nhiên mạch bắt đầu đập. Tôi rút đồng hồ ra đếm. Mạch tôi đập một trăm bốn mươi bảy nhịp một phút. Tôi thử nghe tim. Chẳng nghe được gì. Nó đã ngừng đập rồi còn đâu. Sắp sửa bị thuyết phục bởi ý tưởng ấy thì tôi chợt nghĩ trái tim lúc nào cũng ở đó, và chắc chắn nó vẫn đang đập, nhưng tôi không thể giải thích nổi chuyện này. Tôi tự gõ vào tất cả mọi chỗ phía trước người mình, từ đoạn tôi gọi là eo lưng lên đầu, vòng sang cả hai bên nữa, và một chút phía đằng sau. Nhưng chẳng thấy gì cả. Tôi thử xem xét lưỡi. Tôi đã thè lưỡi ra hết cỡ rồi nhắm một mắt lại và cố gắng nghiên cứu nó thật kỹ càng bằng con mắt kia. Chỉ nhìn thấy mỗi chót lưỡi, và điều duy nhất tôi có thể rút ra được một cách chắc chắn hơn trước đó là mình đã bị bệnh sốt ban đỏ.
Khi đi vào cái phòng đọc ấy tôi là một người khỏe mạnh vui tươi, thế mà lúc lê khỏi đó lại thành kẻ suy nhược hom hem tàn tạ thế đấy.
Tôi đến gặp bác sĩ riêng của mình. Đó là một người bạn cũ, và mỗi khi tôi nghĩ mình ốm cậu ta đều bắt mạch, xem lưỡi tôi, chuyện trò với tôi về thời tiết, tất cả đều miễn phí; vì thế tôi nghĩ tôi sẽ đền đáp lại bằng cách đến thăm cậu ta bây giờ. “Điều một bác sĩ muốn là thực nghiệm,“ tôi nghĩ. “Cậu ta sẽ có được mình. Cậu ta sẽ được thực nghiệm với mình còn nhiều hơn cả với ba vạn chín nghìn bệnh nhân xoàng xĩnh tầm thường kia, mỗi người chỉ có mỗi một hay hai thứ bệnh trong người là cùng.” Thế là tôi đi thẳng tới chỗ bạn tôi, và cậu ta hỏi:
“Thế nào, cậu bị làm sao?”
Tôi bảo:
“Bạn thân yêu ơi, tớ sẽ không làm cậu mất thời gian bằng cách kể cho cậu biết tớ bị bệnh gì đâu. Đời ngắn lắm, và cậu có thể sẽ tạch trước khi tớ nói xong mất. Nhưng tớ sẽ cho cậu biết tớ không bị bệnh gì. Tớ không bị sản giật. Tớ không thể nói cho cậu biết tại sao, nhưng thực tế là tớ không mắc bệnh ấy. Tuy nhiên, tất cả các bệnh khác tớ đều mắc cả.”
Và tôi kể cho cậu ta nghe mình đã khám phá được tất cả những điều đó bằng cách nào.
Thế là cậu ta dang rộng hai cánh tay tôi ra rồi nhìn xuống người tôi, đồng thời giữ chặt cổ tay tôi, sau đó nện tôi một phát vào lồng ngực đúng lúc tôi không hề chờ đợi điều đó - thật là hành động bần tiện hết sức, tôi xin nói thế - và ngay lập tức tương thêm một cú húc bằng đầu. Sau đó cậu ta ngồi xuống và viết một đơn thuốc, gập lại đưa cho tôi, tôi cho vào túi và ra về.
Tôi không buồn mở đơn ra mà đến ngay hiệu thuốc gần nhất đưa cho tay bán hàng. Tay này đọc xong rồi trả lại.
Anh ta nói không có thứ ấy.
Tôi nói:
“Anh có phải dược sĩ không?”
Anh ta bảo:
“Tôi là dược sĩ. Nếu tôi mở một chỗ kết hợp giữa cửa hàng hợp tác xã và khách sạn gia đình thì tôi mới giúp anh được. Tôi chỉ là một dược sĩ, và điều đó khiến tôi không giúp anh được.”
Tôi đọc đơn thuốc. Nó ghi thế này:
Bít tết..................4 lạng
Bia đắng.............1/2 lít
6 tiếng dùng một lần
Đi bộ..................16 km mỗi sáng
Lên giường.........đúng 11h mỗi tối
Và không nhồi nhét vào đầu những thứ cậu không hiểu.
Tôi làm theo chỉ dẫn và kết quả thật mỹ mãn - xin tự lên tiếng về việc này - mạng tôi đã được cứu và tôi vẫn tiếp tục sống nhăn răng.
Còn bây giờ, trở lại với tờ quảng cáo thuốc chữa gan, tôi đã có các triệu chứng và không còn nhầm lẫn gì nữa, triệu chứng tiêu biểu nhất là “không muốn lao động ở bất kỳ hình thức nào”.
Thật không lời nào tả xiết được những gì tôi đã phải chịu đựng với căn bệnh này. Từ lúc đẻ ra tôi đã là nạn nhân của nó. Đến khi thành một thằng nhóc, bệnh này vẫn gần như không để tôi yên lấy một ngày. Lúc đó người ta không biết là gan tôi có vấn đề. Y khoa thời đấy còn xa mới tiến bộ được như ngày nay, và người ta thường đổ riệt nó thành bệnh lười.
“Sao hả, cái thằng ranh con xấu xa chuyên trốn việc kia,” người ta bảo, “bò dậy làm gì đi chứ!” - mà dĩ nhiên không hề biết rằng tôi bị ốm.
Và họ không cho tôi thuốc; chỉ cho tôi dăm cục u vào đầu. Mà lạ lùng thay, thường thì lúc ấy mấy cục u trên đầu này đã chữa khỏi bệnh của tôi - tạm thời thôi. Tôi đã biết một cục u trên đầu có tác dụng với lá gan của tôi, nó khiến tôi xoắn đít lên đi chỗ nọ chỗ kia và làm những gì người ta bảo mà không mất thêm nhiều thời gian nữa, tác dụng còn hơn cả nguyên một hộp thuốc thời nay.
Bạn biết đấy, thường thì thế - những bài thuốc đơn giản kiểu cũ đôi khi còn hiệu nghiệm hơn cả một mớ thuốc tướng ở phòng khám bệnh.
Chúng tôi ngồi đó cả nửa tiếng, kể lể cho nhau về cái sự đau ốm của mình. Tôi giải thích cho George và William Harris nghe tôi thấy khó chịu thế nào lúc thức dậy vào buổi sáng, William Harris kể chúng tôi nghe hắn cảm thấy ươn mình ra sao khi đi ngủ, còn George thì đứng trên tấm thảm trải trước lò sưởi làm một vài điệu bộ thông minh và biểu cảm mạnh mẽ để minh họa cho việc mình đã ốm đau ra sao trong đêm.
Bạn biết rồi đấy, George tưởng tượng hắn đang ốm: nhưng thực ra chẳng bao giờ có chuyện gì với hắn cả.
Lúc này, bà Poppets gõ cửa hỏi xem chúng tôi đã sẵn sàng ăn tối chưa. Bọn tôi nhìn nhau cười buồn bã và nói rằng có lẽ chúng tôi nên cố nuốt chút gì đó thì hơn. Harris bảo thường thì có cái gì đó trong dạ dày sẽ giữ được căn bệnh trong tầm kiểm soát; và bà Poppets mang khay thức ăn vào, sau đó chúng tôi lết ra bàn, ăn hương ăn hoa, ít bít tết, hành tây và vài cái bánh nướng nhân đại hoàng.
Lúc đó tôi hẳn là suy nhược lắm rồi; vì tôi thấy mới có nửa tiếng mà hình như tôi đã chẳng còn hứng thú với bất kỳ món gì nữa - đúng là một việc bất thường - và lại còn không muốn ăn tí pho mát nào.
Miễn cưỡng ăn cho xong nhiệm vụ, chúng tôi lại rót đầy ly, châm tẩu lên và tiếp tục chủ đề tình trạng sức khỏe. Thật sự vấn đề của chúng tôi là gì thì không kẻ nào có thể biết chắc; nhưng tất cả đều nhất trí rằng nó - dù nó có là gì đi nữa - thì cũng do làm việc quá nhiều mà ra cả.
“Thứ chúng ta cần là nghỉ ngơi,” Harris nói.
“Nghỉ ngơi và thay đổi triệt để,” George nói. “Đầu óc căng thẳng quá độ làm toàn bộ các cơ quan rơi vào tình trạng suy thoái chung. Thay đổi môi trường và không cần phải động não sẽ giúp phục hồi lại sự cân bằng của tinh thần.”
George có người bà con mà nghề nghiệp khai trong giấy phạt của cảnh sát là sinh viên y khoa, vì thế chuyện hắn có cách diễn tả sự việc hơi theo chiều hướng y học kiểu truyền thống gia đình như thế là hoàn toàn tự nhiên thôi.
Tôi đồng ý với George và bảo rằng chúng tôi nên tìm nơi hẻo lánh cổ kính nào đó, tránh xa đám đông ồn ã cuồng loạn và nghỉ ngơi chơi không cả một tuần lễ chan hòa ánh nắng giữa những con đường nhỏ vắng lặng ở đó - một góc yên tĩnh dường như đã bị lãng quên, được các bà tiên giấu đi khỏi tầm với của thế giới ồn ào - một cái tổ chim kỳ quái cheo leo trên vách Thời Gian mà tại đó, những làn sóng ồn ào của thời đại này nghe sẽ có vẻ xa xôi mờ nhạt.
Harris bảo theo hắn thì chẳng ổn tí nào. Hắn nói hắn thừa biết mấy cái nơi mà tôi ám chỉ; người ở đấy đều lên giường khò từ tám giờ tối, và ta không tài nào kiếm nổi một tờ Referee dù có đổi bằng tình hay tiền đi nữa, mà lại còn phải cuốc bộ cả chục dặm mới mua được thuốc lá.
“Không,” Harris nói, “nếu muốn nghỉ ngơi và thay đổi không khí thì chẳng có gì hay hơn một chuyến đi biển.”
Tôi phản đối kịch liệt ý tưởng đi chơi biển. Một chuyến đi biển thì cũng tốt đấy nếu ta dành hẳn vài tháng cho nó, nhưng nếu chỉ có một tuần thì thật quá tệ.
Ta khởi hành vào thứ Hai, trong lòng đinh ninh rằng mình đang đi hưởng thụ. Ta thong dong vẫy tay tạm biệt bạn hữu trên bờ biển, châm chiếc tẩu to nhất, nghênh ngang trên boong như thể mình là thuyền trưởng Cook, Ngài Francis Drake và Christopher Columbus ba trong một vậy. Sang ngày thứ Ba, ta ước gì đã không đi chuyến này. Thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu, ta ước gì mình đã chết. Ngày thứ Bảy ta đã nuốt được ít nước thịt bò hầm, có thể ngồi trên boong và trả lời bằng một nụ cười ngọt ngào đờ đẫn mỗi khi có người nào tử tế hỏi xem giờ ta thấy thế nào. Đến Chủ nhật, ta bắt đầu có thể đi lại và ăn được thức ăn đặc. Rồi sáng thứ Hai tuần sau, khi đứng bên mép tàu, chờ bước lên bờ với túi và ô trong tay, ta mới bắt đầu thấy thích chuyến đi vô cùng.
Tôi nhớ anh rể mình đã có một chuyến đi biển ngắn để cải thiện sức khỏe. Anh ấy mua vé giường nằm khứ hồi từ London đến Liverpool; và khi đến Liverpool, điều duy nhất anh ấy băn khoăn là làm sao bán cái vé chặng về đó đi.
Cái vé được rao bán trên toàn thành phố với mức giá hạ ghê gớm, ấy là tôi nghe kể thế; và cuối cùng được bán với giá mười tám xu cho một cậu thanh niên trông có vẻ cáu kỉnh vừa được bác sĩ khuyên nên đến bờ biển để tập thể dục.
“Bờ biển!” anh rể tôi nói, thân ái nhét chiếc vé vào tay cậu ta. “Sao nào, rồi cậu sẽ có đủ để mà hưởng thụ cả đời; còn tập thể dục ấy à! Sao chứ, ngồi lên con tàu đó đi, rồi cậu sẽ được tập nhiều hơn cả vận động viên biểu diễn nhào lộn trên đất liền ấy chứ.”
Còn anh ấy - anh rể của tôi - đi về bằng tàu hỏa. Anh ấy nói Hỏa xa Tây Bắc là đã đủ tốt cho sức khỏe của anh ấy lắm rồi.
Một người quen khác của tôi có một tuần du lịch men bờ biển, và, trước khi chuyến đi bắt đầu, chiêu đãi viên đến chỗ anh này hỏi xem anh ta thích trả tiền sau từng bữa hay trả trước cho tất cả.
Tay chiêu đãi viên gợi ý cách thứ hai vì như thế thì rẻ hơn nhiều. Hắn nói họ sẽ phục vụ anh chàng kia tất cả các bữa ăn cho cả tuần chỉ với hai bảng rưỡi. Bữa sáng sẽ có cá, tiếp theo là thịt nướng. Bữa trưa được phục vụ lúc một giờ và gồm bốn món. Bữa tối lúc sáu giờ - có xúp, cá, món khai vị, thịt lợn nguyên súc, thịt gia cầm, xa lát, bánh nướng, pho mát và món tráng miệng. Và một bữa ăn khuya nhẹ có thịt lúc mười giờ.
Bạn tôi nghĩ cậu ta sẽ hợp với gói dịch vụ ăn uống giá hai bảng rưỡi này (cậu ta là một thực khách nồng nhiệt), và đã làm đúng như thế.
Bữa trưa được phục vụ ngay khi họ rời Sheerness. Cậu ta không thấy đói như đã tưởng, và tự lấy làm vui lòng với một ít thịt bò luộc, một ít dâu và kem. Suốt cả buổi chiều cậu ta phân vân suy nghĩ, và lúc thì cậu ta thấy có vẻ như đã hàng tuần liền mình chẳng ăn gì ngoài thịt bò luộc, lúc lại có vẻ như hàng năm trời nay anh chàng chỉ sống nhờ có dâu và kem.
Cả thịt bò lẫn dâu và kem có vẻ đều không làm thỏa lòng cậu ta, chẳng thỏa lòng tí nào ấy chứ.
Lúc sáu giờ, người ta đến thông báo cho cậu ta biết bữa tối đã sẵn sàng. Tuyên bố này chẳng gợi lên trong cậu ta chút hứng khởi nào, nhưng cảm thấy sẽ có một phần của hai bảng rưỡi kia bị phung phí, cậu ta bèn vịn vào dây rợ đồ đạc trên tàu để xuống phòng ăn. Một mùi thơm dễ chịu của hành tây và dăm bông nóng trộn lẫn mùi cá khô và rau xanh chào đón cậu ta dưới chân cầu thang; ngay sau đó tay chiêu đãi viên xuất hiện với một nụ cười ngọt xớt:
“Tôi có thể phục vụ ngài món gì đây, thưa ngài?”
“Đưa tôi ra khỏi đây,” cậu ta yếu ớt đáp lại.
Và họ nhanh chóng đưa cậu ta lên, đỡ đến nơi kín gió rồi để lại đó.
Suốt bốn ngày tiếp theo cậu ta sống thanh bạch và hoàn toàn chay tịnh chỉ nhờ ít bánh bích quy Thuyền Trưởng mỏng dính (ý tôi là bánh bích quy mỏng chứ không phải thuyền trưởng) và nước soda, nhưng đến hôm thứ Bảy thì cậu ta tự tin đến ngạo mạn và đã bước vào xơi một ít trà loãng và bánh mì khô, còn đến thứ Hai thì cậu đã xì xụp nước xuýt gà. Cậu ta rời con tàu hôm thứ Ba, và khi nó phì khói đi khỏi bến tàu thì cậu chòng chọc nhìn theo đầy nuối tiếc.
“Đi mất rồi,” cậu ta nói, “nó đi mất rồi, với mớ thức ăn đáng giá hai bảng của tớ, mà tớ vẫn chưa đụng đến.”
Cậu ta còn nói, nếu họ cho thêm một ngày nữa, cậu ta nghĩ mình sẽ lấy lại được công bằng cho vụ ấy.
Thế nên tôi phản đối ra mặt cái trò đi biển này. Như tôi đã giải thích, đây không phải là vì bản thân tôi. Tôi chẳng bao giờ chóng mặt cả. Nhưng mà tôi lo cho George. George nói hắn hoàn toàn ổn, và thích thế hơn, nhưng hắn khuyên Harris và tôi đừng có nghĩ về việc ấy, vì theo hắn thì chắc cả hai chúng tôi sẽ lừ đừ thôi. Harris thì bảo rằng đối với hắn, việc người ta làm thế nào mà lại bị say sóng được luôn luôn là một bí ẩn - và hắn nghĩ chắc người ta làm thế là có chủ đích cả, như kiểu để làm màu làm mè chẳng hạn - và rằng hắn thường ước gì mình có thể làm thế, ấy nhưng có bao giờ làm được đâu.
Thế rồi hắn kể cho chúng tôi nghe các giai thoại rằng hắn đã vượt qua biển Manche giữa lúc thời tiết khủng khiếp đến độ người ta phải buộc hành khách vào giường, rằng hắn và ông thuyền trưởng là hai người duy nhất trụ vững được trên boong mà không bị say sóng. Thỉnh thoảng nhân vật lại là hắn và một người bạn nào đó vẫn còn khỏe; nhưng nói chung đều là hắn và một người khác. Nếu không phải hắn và một người khác thì là một mình hắn.
Đây là một sự thật lạ lùng, nhưng chẳng có ai lại say sóng - trên đất liền. Trên biển quả là ta gặp phải vô khối kẻ say sóng thảm hại, đầy cả một tàu ấy chứ; nhưng trên đất liền thì tôi chưa từng gặp người nào có vấn đề gì liên quan đến chuyện say sóng cả. Còn việc cả hàng nghìn hàng nghìn thủy thủ kém cỏi tụ tập trên các con tàu đã chui lủi đi đâu khi lên bờ thì vẫn còn là một bí ẩn.
Nếu mọi người đều như anh chàng tôi gặp trên tàu đi Yarmouth một ngày nọ thì tôi đã có thể dễ dàng giải thích cái điều có vẻ như rất bí ẩn đó rồi. Tôi còn nhớ, lúc đó tàu mới rời khỏi bến Southend, và anh ta đang thò người ra ngoài qua một ô cửa sổ bên mạn tàu trong tư thế hết sức nguy hiểm. Tôi bước đến xem có giúp được anh ta không.
“Này! Lùi vào trong tí đi,” tôi nói, lắc vai anh ta. “Anh sẽ rơi ra ngoài mất thôi.”
“Ôi trời ơi! Ước gì tôi rơi ra ngoài đi cho rồi,” là câu trả lời duy nhất tôi nhận được; vậy là tôi phải để anh ta lại đó.
Ba tuần sau, tôi gặp lại anh chàng trong quán cà phê của một khách sạn ở Bath, đang diễn thuyết về các chuyến phiêu lưu của mình và nồng nhiệt bày tỏ rằng anh ta yêu thích biển đến nhường nào.
“Thủy thủ cừ chứ!” anh ta trả lời câu hỏi có vẻ ghen tỵ của một chàng thanh niên lịch thiệp, “à có một lần tôi thấy hơi chóng mặt, xin thú nhận như thế. Đó là khi chúng tôi đi qua Mũi Hảo Vọng. Sáng hôm sau thì tàu đắm.”
Tôi nói:
“Không phải là hôm nọ anh hơi ngất ngư ở gần bến Southend và chỉ mong được ném ra ngoài tàu à?”
“Bến Southend!” anh ta đáp lại với vẻ mặt bối rối.
“Đúng, xuống Yarmouth, thứ Sáu ba tuần trước ấy.”
“Ồ, à... phải rồi,” anh ta trả lời, mặt sáng lên; “giờ thì tôi nhớ ra rồi. Chiều hôm ấy tôi bị đau đầu. Anh biết đấy, món dưa góp ấy mà. Đúng là món dưa góp đáng xấu hổ nhất tôi từng được nếm trên một con thuyền đáng kính. Anh có ăn tí nào không?”
Về phần mình, tôi đã khám phá ra một biện pháp tuyệt vời để chống say sóng, đó là tự cân bằng cơ thể. Ta đứng ở giữa boong nhé, và khi tàu nhồi lên hụp xuống thì ta cũng đu đưa cơ thể theo để giữ cho người mình lúc nào cũng thẳng. Khi phía đầu tàu nhồi lên, ta ngả về phía trước cho đến khi sàn tàu gần chạm vào mũi mình; rồi đến khi đuôi tàu nhồi lên thì ta lại ngả về phía sau. Làm như thế này trong độ một hai tiếng thì tuyệt chẳng có vấn đề gì, nhưng ta không thể giữ cân bằng kiểu ấy suốt cả tuần được.
George bảo:
“Hay đi ngược sông nhỉ.”
Hắn bảo chúng tôi cần không khí trong lành, vận động và sự yên tĩnh, và sự thay đổi liên tục của cảnh trí sẽ chiếm hết chỗ trong tâm trí chúng tôi (chiếm chỗ của cả những cái gì đấy chẳng ai biết trong tâm trí Harris nữa); vận động nhiều sẽ khiến chúng tôi ăn ngon miệng và ngủ ngon giấc.
Harris nói hắn không nghĩ George cần đến bất cứ hoạt động nào có xu hướng khiến thằng cha đó buồn ngủ hơn bình thường, vì như thế có khi lại nguy hiểm. Hắn bảo hắn không hiểu George làm cách nào để có thể ngủ nhiều hơn nữa, vì rõ là mỗi ngày chỉ có hai mươi tư tiếng, mùa hè hay mùa đông thì cũng thế; nhưng cứ thử tính đến chuyện thằng cha này ngủ nhiều thêm tí nữa thật, thì có khi sẽ làm luôn một giấc nghìn thu, thế là tiết kiệm được khối tiền ăn ở.
Tuy nhiên Harris bảo sông thì hợp với tiêu chuẩn “T” của hắn. Tôi không biết “T” là cái gì (trừ món Trà sáu xu có kèm bánh mì bơ và bánh ngọt không hạn chế, chỉ rẻ nếu như ta chưa ăn bữa tối). Tuy nhiên, cái này có vẻ hợp với cả bọn chúng tôi, và vì thế nó xứng đáng với sự ca ngợi ấy.
Con sông cũng hợp với tiêu chuẩn T của tôi, và cả tôi lẫn Harris đều cho rằng ý đó của George rất hay, và chúng tôi nói với giọng dường như phần nào ngụ ý là hai thằng bọn tôi lấy làm kinh ngạc khi thấy hóa ra George cũng có thể sáng suốt ra phết.
Kẻ duy nhất không bị gợi ý đó quyến rũ là con Montmorency. Nó chẳng bao giờ quan tâm đến sông nước cả, cái con Montmorency ấy.
“Với các vị thì mọi thứ đều ổn,” nó bày tỏ, “các vị thích sông, nhưng tớ thì không. Chẳng có gì cho tớ làm cả. Ngắm cảnh thì không phải kiểu của tớ, mà tớ lại không hút thuốc. Nếu tớ nhìn thấy một con chuột nước thì các vị cũng chẳng dừng lại; còn nếu tớ đi ngủ thì các vị loay hoay với con thuyền một lúc rồi thế nào chẳng hất văng tớ xuống nước. Nếu các vị hỏi thì tớ xin gọi tất cả những thứ chết tiệt này là một trò ngu ngốc.”
Tuy nhiên, tỉ lệ nhất trí là ba chọi một, và phương án vẫn được thực hiện.
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !