Biên Thành Chương 7


Chương 7
Mẹ của Thúy Thúy có một lúc nào đó giống hệt Thúy Thúy bây giờ. Mi dài, mắt to, da dẻ hồng hào.

Đến tết Đoan ngọ, hai ông cháu đã hẹn nhau từ ba ngày trước là ông thì coi đò, còn cháu và con chó vàng tới gác sàn của ông Thuận Thuận mà xem đua thuyền. Lúc đầu Thúy Thúy không chịu, sau rồi cũng ưng. Nhưng một ngày sau, Thúy Thúy lại thay đổi ý kiến, cho rằng nếu xem thì hai ông cháu cùng đi, nếu trông thuyền thì hai ông cháu cùng ở nhà. Ông già biết tâm tư của cháu, đó là kết quả của cuộc đấu tranh giữa ý muốn đi chơi và lòng yêu ông ngoại. Vì ông làm vướng chân cháu nên lúc đáng chơi, cháu cũng không được đi chơi, như thế thì không được! Ông quản liền mỉm cười, nói:

- Thúy Thúy, sao cháu lại giở quẻ thế? Đã giao ước xong rồi lại còn đổi ý, như thế là không xứng với phẩm đức thường ngày của người Trà Đồng. Ông cháu ta nên nói một là một, không được thay lòng đổi ý. Trí nhớ của ông chưa tệ đến mức đó đâu, không lập tức quên ngay những gì cháu thoả thuận với ông đâu!

Ông già tuy nói như thế nhưng rõ ràng là ông đồng ý với cách dự tính của cháu. Tuy nhiên cháu ngoan ngoãn quá, ông cũng có chút không vui. Thấy ông không nói gì nữa, Thúy Thúy hỏi:

- Cháu đi rồi, ai bầu bạn với ông?

- Cháu đi thì con đò bầu bạn với ông.

Thúy Thúy nhíu mày lại, cười buồn:

- Đò bầu bạn với ông, hừ, hừ, đò bầu bạn với ông!

Ông quản đò thầm nghĩ: “Thế nào cũng có ngày cháu đi khỏi”, nhưng ông không dám nhắc đến chuyện đó. Trong một lúc, ông già không biết nói gì, thế là đi ra vườn rau sau nhà ở dưới tháp xem đám hành, Thúy Thúy cũng theo sau.

- Ông ơi, cháu quyết định không đi. Nếu đi thì để con đò đi, cháu thay nó bầu bạn với ông.

- Được lắm, cháu không đi thì ông đi. Ông còn gài một bông hoa đỏ giả vờ làm bà già, đi cho biết đó biết đây.

Vì câu nói đó, hai ông cháu cười mãi không thôi.

Ông ngoại nhặt cỏ cho hành còn Thúy Thúy ngắt một nhánh hành to để thổi. Có người gọi đò, Thúy Thúy không để cho ông xuống trước mà tranh xuống đò. Nhảy lên đò rồi, em vừa vịn chão kéo đò sang đón khách vừa gọi ông:

- Ông ơi, ông hát đi, hát đi!

Ông ngoại không hát, chỉ đứng trên bờ đá cao nhìn Thúy Thúy mà vẫy tay, không nói câu nào.

Ông ngoại có chút tâm sự.

Thúy Thúy ngày một lớn, khi vô ý nói đến chuyện gì đó, cô bé thường đỏ mặt. Thời gian thổi cho cô bé lớn lên, dường như còn thúc giục cô lớn lên nữa, khiến cô bé để ý một số điều trước đó chưa để ý. Cô bé thích nhìn cô dâu mặt trát đầy phấn, thích nói đến chuyện cô dâu, thích đội vòng hoa dại lên đầu và thích nghe người khác hát. Những chỗ quấn quít trong tiếng hát của người Trà Đồng, cô bé đã hiểu được. Có lúc dường như em thấy cô đơn, thích ngồi trên núi đá, ngây người nhìn một đóa mây, một ngôi sao trên bầu trời. Nếu ông ngoại hỏi, Thúy Thúy nghĩ gì thế thì em ngượng ngùng đáp, Thúy Thúy có nghĩ gì đâu! Nhưng đồng thời cô bé lại tự hỏi lòng: “Thúy Thúy, mày nghĩ gì thế?”, rồi thầm trả lời: “Tao nghĩ nhiều lắm, rất nhiều, nhưng lại chẳng biết nghĩ những gì.” Quả thật cô bé đang nghĩ và quả thật ngay cả bản thân, cô bé cũng không biết mình nghĩ những gì. Người em phát triển rất hoàn hảo, một “việc lạ” tự nhiên đến tuổi xảy ra trên người cũng khiến cô bé có nhiều điều suy nghĩ hơn.

Ông ngoại biết sự việc đó tất ảnh hưởng đến cháu gái nên tâm tình của ông cũng có khác ít nhiều. Ông ngoại là người sống bảy mươi năm trong hoàn cảnh thiên nhiên, nhưng những sự việc tự nhiên của con người thì có việc ông không thu xếp, bố trí được. Thúy Thúy lớn lên khiến ông nhớ ra một số việc cũ, tìm lại được một số thứ trong câu chuyện đã bị cả đống thời gian chôn vùi.

Mẹ của Thúy Thúy có một lúc nào đó giống hệt Thúy Thúy bây giờ. Mi dài, mắt to, da dẻ hồng hào. Cũng ngoan ngoãn đến mức ai thấy cũng thương, hiểu được một số điều tế nhị khiến người lớn vui lòng, cũng dường như không bao giờ có thể xa rời gia đình. Nhưng một việc bất hạnh đã xảy ra, con gái ông quen biết người lính ấy. Theo ông già, về việc này chẳng ai có tội cả mà “trời” nên chịu trách nhiệm. Ông ngoại Thúy Thúy tuy ngoài miệng không hề oán trời, nhưng trong thâm tâm, ông không sao đồng ý được với cách thu xếp không may đó. Rốt cuộc ông vẫn còn như bọn trẻ, nói là bỏ qua nhưng chính đó lại là sự việc không sao chịu đựng nổi để có thể bỏ qua.

Hơn nữa, lúc đó còn có Thúy Thúy, nếu như Thúy Thúy bây giờ lại như mẹ thì với tuổi của ông cụ như hiện nay, ông còn có thể nuôi nổi đứa trẻ sơ sinh như thế hay không? Người đồng ý nhưng thân chẳng bằng lòng. Người đã già quá rồi, nên nghỉ ngơi đi thôi. Là một người nông thôn chất phác, hiền lành, tất cả những vất vả và bất hạnh phải nếm trải thì ông đã từng nếm trải rồi. Giả dụ ở đâu đó trên cao có thượng đế, thượng đế có đôi tay chi phối được tất cả thì việc rõ ràng đầu tiên và biện pháp hết sức công bằng là nên cho ông đi trước, sau đó nên cho bọn trẻ được hưởng phần đáng được hưởng trong cuộc sống mới.

Nhưng ông quản đò lại không nghĩ như thế. Ông lo cho Thúy Thúy. Có lúc nằm trên phiến đá ngoài cửa, ông ngắm sao và nghĩ đến tâm sự của mình. Ông cho rằng chết là việc sắp tới rồi. Chính vì Thúy Thúy đã lớn mà chứng minh ông quả thật đã già. Bất kể thế nào, ông phải tìm một chốn nương tựa cho cháu gái. Thúy Thúy chính do mẹ nó giao cho ông, nay Thúy Thúy đã lớn, ông cũng cần giao cháu cho một người, có thế ông mới xong mọi việc. Nhưng giao cháu cho ai đây? Giao vào nơi nào thì cháu gái mới được yên ổn?

Mấy hôm trước, cậu Cả Thiên Bảo nhà Thuận Thuận lúc qua đò có nói chuyện với ông. Anh chàng mau mồm, ruột ngựa ấy ngay câu đầu tiên đã nói:

- Bác ơi, Thúy Thúy nhà bác lớn lên xinh đẹp quá. Hai năm nữa, nếu cháu rỗi rãi được ở lại Trà Đồng lo liệu mọi việc, không phải bay khắp nơi như con quạ nữa thì nhất định tối nào cháu cũng tới suối này hát cho Thúy Thúy nghe.

Ông già mỉm cười khích lệ lời thổ lộ ấy, rồi vừa kéo đò vừa nheo mắt lại ngắm cậu Cả. Thế là cậu Cả lại nói:

- Thúy Thúy được nuông chiều quá, cháu lo cô ấy chỉ thích hợp nghe tiếng hát của người Trà Đồng chứ không thể làm mọi việc thực sự của nàng dâu như con gái Trà Đồng. Cháu thích một người yêu có thể nghe cháu hát, song càng không thể thiếu một người vợ biết lo toan việc nhà. “Vừa muốn ngựa không ăn cỏ, vừa muốn ngựa chạy được nhanh”, đó là câu người xưa nói thay cháu đấy!

Ông quản đò thong thả xoay đò lại cho đuôi đò cập bến rồi nói:

- Thiên Bảo, việc đó rồi cũng có đấy! Cháu cứ đợi mà xem.

Sau khi chàng trai đó đi rồi, ông già mới nhẩm lại những lời thẳng thắn nói ra từ miệng một người đàn ông. Quả thật ông vừa lo lại vừa vui. Nếu cần phải giao Thúy Thúy cho một người thì người như Thiên Bảo có thích hợp chăm sóc Thúy Thúy hay không? Nếu giao cho anh ta thì Thúy Thúy có bằng lòng không?

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất !

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26196


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận