Chờ Đợi Giọng Nói Của Em Chương 16

Chương 16
Nỗi buồn của lớp trưởng

Hải Lam, nam, 14 tuổi, học sinh cấp hai.

Ngay từ ngày đầu tiên đi học, chức vụ lớp trưởng đã “rớt” trúng xuống đầu tôi như số mệnh đã được định trước. Tôi không biết tại sao cô giáo lại chọn tôi trong số hơn năm mươi học sinh trong lớp. Hơn nữa, cô giáo lại rất tín nhiệm tôi. Vì thế tôi luôn cố gắng làm tốt và có trách nhiệm với công việc, đối xử thật công bằng với các bạn trong lớp.

Năm cuối tiểu học, sự cần cù và hết lòng vì công việc của tôi đã được cả lớp thừa nhận và nhận được sự khen ngợi của cô giáo. Tôi từng ba lần nhận được danh hiệu học sinh ba tốt của khu vực, năm nào cũng được bầu là học sinh ba tốt của trường. Ngoài ra, tôi còn được phong tặng rất nhiều danh hiệu. Lúc tôi tốt nghiệp tiểu học, cô giáo đã ghi lại hết những biểu hiện tốt và khả năng của tôi vào bảng thành tích học tập. Vì thế, lên cấp hai, tôi được thầy Trần chủ nhiệm lớp chỉ định đảm nhiệm chức vụ lớp trưởng. Thầy Trần giải thích với mọi người rằng: “Trường chúng ta bầu chọn cán bộ lớp bằng cách bỏ phiếu dân chủ. Nhưng do các em đều đến từ các trường tiểu học khác nhau nên chưa quen biết nhau nhiều. Chính vì thế thấy sẽ chỉ định một bạn làm lớp trưởng cùng vài bạn khác làm cán bộ lớp; đợi thi giữa kì xong chúng ta sẽ tiến hành bình bầu cán bộ lớp một cách dân chủ!”.

Thầy Trần còn rất trẻ, nghe nói thầy vừa mới tốt nghiệp trường đại học sư phạm không lâu, còn chưa lấy vợ. Thầy Trần dạy chúng tôi môn sinh học. Sinh học chỉ là một môn học phụ, không phải học nhiều. Vì thế tôi có cảm giác thời gian gặp thầy trên lớp còn ít hơn các thầy cô giáo bộ môn.

Tôi vẫn như trước đây, luôn cố gắng hết mình vì công việc chung. Do tôi rất nhiệt tình, thành tích học tập rất tốt (môn toán là ưu thế của tôi), lại biết giúp đỡ mọi người nên các bạn trong lớp đều rất ngưỡng mộ và nghe lời tôi. Thầy giáo dạy tiếng Anh của chúng tôi là một thầy giáo già mắc bệnh nặng tai. Thầy vốn là giáo viên đã về hưu được nhà trường mời về dạy. Nghe nói thầy từng là sinh viên của trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh trước Cách mạng văn hóa. Trình độ tiếng Anh của thầy có thể nói thuộc vào hàng siêu đẳng. Chỉ tiếc là các lớp dạy của thầy không phù hợp lắm với chúng tôi; hơn nữa, khi thầy giảng, chúng tôi không nghe được rõ ràng, khi chúng tôi trả lời thầy lại cũng thường nghe nhầm. Chính vì vậy mà mỗi lần vào lớp tiếng Anh là kỉ luật trong lớp lại vô cùng tồi tệ. Có một lần, thầy giáo đang giảng bài cho chúng tôi hiểu thì ở dưới có mấy học sinh gây nhốn nháo mất trật tự. Tôi thực sự không chịu được nữa, bèn đứng lên nghiêm khắc nhắc nhở mấy bạn đó: “Các bạn làm ơn giữ trật tự để cho mọi người còn nghe giảng!”. Mấy bạn đó chắc không ngờ tôi lại làm như vậy nên hơi ngẩn người ra, nhưng chẳng mấy chốc cũng chịu ngồi trật tự, không gây ồn ào nữa. Những tiết tiếng Anh sau đó, kỉ luật của lớp đã khá hơn nhiều. Mãi cho đến khi nhà trường phân công một giáo viên tiếng Anh khác dạy lớp tôi thì mới không có bất cứ học sinh nào tìm cách chọc phá thầy giáo già nữa.

Kết thúc thi giữa kì, thầy giáo tuyên dương những học sinh có thành tích tốt, trong số đó có tôi. Lúc nhắc đến tên tôi, thầy giáo còn đặc biệt nói thêm mấy lời, đại ý khen ngợi tôi không những học giỏi mà còn rất có trách nhiệm với chức vụ lớp trưởng của mình, không hổ danh là trợ thủ đắc lực của thầy giáo… Những lời khen ngợi của thầy không làm cho tôi đắc chí, thậm chí tôi còn cảm thấy tâm trạng của mình trở nên nặng nề hơn. Bởi tôi biết rằng, mình không thể phụ lòng mong đợi của thầy được.

Nếu như không có buổi bầu cử dân chủ thì tôi vẫn ngây thơ nghĩ rằng các bạn trong lớp đều rất yêu quý mình. Tôi đã nhầm. Trong cuộc bỏ phiếu bầu ban cán sự lớp, có mấy bạn nam kịch liệt phản đối tôi, liệt kê một loạt những nhược điểm của tôi mà phần lớn trong số đó là bịa đặt. Hành động của các ban ấy khiến cho tôi phải nghĩ rằng, họ đã ngầm chuẩn bị, móc nối với nhau từ trước để “dằn mặt” tôi. Tôi nhìn thầy Trần, dường như thầy cũng cảm thấy có điều gì không hay, nhưng thầy lại không ngăn được sự nhốn nháo này. Khi kết quả bình bầu vẫn chưa có, mấy bạn nam kia tỏ ra vô cùng đắc chí. Quả nhiên, số phiếu bầu cho tôi không được nổi một nửa. Tôi không trúng cử vào chức lớp trưởng, thậm chí ngay cả danh sách cán sự lớp cũng không có tên tôi. Người được nhiều phiếu bầu nhất là Lâm Tiểu Bảo, một bạn nam ít quan tâm đến công việc chung, tính cách hơi yếu đuối. Nói thật lòng, tôi cảm thấy rất thất vọng và uất ức với cuộc bỏ phiếu này, cảm thấy đáng tiếc cho sự nhu nhược của thầy giáo chủ nhiệm.

Về sau, thầy Trần gọi tôi lên nói chuyện. Thầy nói trong mắt thầy, tôi vẫn là một cán bộ lớp gương mẫu. Thầy bảo tôi không nên quá bức xúc, lâu dần mọi người trong lớp sẽ thực sự hiểu tôi. Thầy còn nhờ tôi giúp đỡ Lâm Tiểu Bảo thực hiện tốt nghĩa vụ của lớp trưởng.

Người cầm đầu phản đối tôi trong lớp là Diệc Quang. Cậu ta lúc nào cũng cố ý nói xấu tôi nọ kia, thậm chí còn cười châm biếm, đả kích tôi trước lớp. Nghe người khác nói, cậu ta còn đặt cho tôi biệt danh “cựu tổng thống”. Một lần, thầy giáo dạy toán giao cho chúng tôi mấy bài toán khó và yêu cầu chúng tôi làm trong giờ tự học. Rất nhiều bạn trong lớp đến hỏi tôi cách làm. Tôi nhiệt tình giảng giải cho các bạn hiểu. Diệc Quang liếc qua chỗ tôi, rồi dường như vì ngại nên không dám chạy đến hỏi tôi nên đã chạy đi hỏi La Y Quần. La Y Quần là lớp phó văn nghệ của lớp. Tôi và bạn ấy trước đây vốn phối hợp làm việc với nhau rất ăn ý. La Y Quần có một đặc điểm, đó là rất hay nói thẳng. Ban nãy La Y Quần vừa chạy lại hỏi tôi cách làm bài tập, thế nên khi Diệc Quang qua hỏi bài, La Y Quần thẳng thừng nói: “Đáp án của tôi đều từ lớp trưởng cũ mà ra cả, cậu qua hỏi cậu ấy đi!”. Diệc Quang cứ bám riết lấy Y Quần, nhưng bạn ấy nhất định không nghe, kiên quyết không cho Diệc Quang mượn vở bài tập. Diệc Quang giận lắm, liền về chỗ mình ngồi rồi cố nói to lên: “Đáng tiếc thật đấy, người ta bây giờ đã là cựu tổng thống rồi; nếu không á, tôi thấy giờ La Y Quần đã có cơ hội làm đệ nhất phu nhân đấy!”.

Nghe Diệc Quang nói vậy, cả lớp ầm ĩ hết cả lên. Có người thì cười, có người lại mắng Diệc Quang. Chỉ có tôi và La Y Quần là không cười nổi. Tôi trừng mắt nhìn Diệc Quang, cậu ta ngoảnh mắt đi chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào mắt tôi. La Y Quần chạy đến túm cổ Diệc Quang, Diệc Quang luôn mồm xin La Y Quần tha cho...

Tôi thật sự không hiểu được tại sao Diệc Quang lại có cái nhìn thành kiến với tôi như vậy. Nếu như nói cậu ta ghét tôi vì tôi không cho cậu ta nói chuyện trong giờ thì sao lại có thể thù ghét sâu đậm đến vậy? Còn nữa, trong lớp có bao nhiêu người như vậy, ai cũng biết Diệc Quang không tốt, vậy tại sao vẫn cứ hùa theo cậu ta làm điều xấu? Nghĩ đến đây thôi, tôi cảm thấy thất vọng về cái gọi là lòng người, công bằng, chính nghĩa...


Nguồn: truyen8.mobi/t71444-cho-doi-giong-noi-cua-em-chuong-16.html


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận