1
Không, không có điều gì ngộ nghĩnh trong bài thơ nổi tiếng của Voltaire cả. Đó là một trong những lời ngợi ca đẹp nhất cho tự do ngôn luận từng được viết.
Nhưng đối với Christian thì sao? Người ta tìm kiếm mọi nơi một đốm lửa để có thể đốt cháy thành ngọn lửa. Trở lại từ 1767, Voltaire đã viết cho ngài rằng "Từ nay trở đi người ta có thể du lịch lên miền Bắc để tìm được những ý tưởng mẫu mực; và chỉ sự thơ ngây và yếu đuối của tôi mới không ngăn cản được tôi, tôi sẽ theo dõi ước muốn của trái tim tôi để đến với ngài và đặt tôi dưới chân Ngài."
Voltaire nằm dưới chân Christian. Tình hình là vậy. Cũng có những hoàn cảnh. Những quân vương trẻ tuổi ở miền Bắc đã đưa ra những khả năng giật mình song hấp dẫn. Các nhà bách khoa toàn thư cũng giữ mối quan hệ với Hoàng thái tử Thụy Điển, Nhà vua tương lai Gustav III. Diderot đã ca ngợi Gustav, ông đã đọc hết những tác phẩm của Voltaire; những vương quốc bé nhỏ ở phương Bắc lại là những cái nôi nhỏ bé, kỳ lạ của Chủ nghĩa Khai sáng. Hoặc đúng hơn, chúng đúng là vậy.
Các nhà triết học của Chủ nghĩa Khai sáng có thể hy vọng gì ở những kẻ lưu đày của họ tại Thụy Sỹ hay Xanh Pêtecbua? Những cuốn sách của họ bị đốt cháy và những tác phẩm của họ bị kiểm duyệt liên tục. Tự do ngôn luận và tự do báo chí chính là chìa khóa.
Và rồi có những vị quân vương trẻ tuổi và đặc biệt ở những xã hội nhỏ bé vùng phương Bắc. Tự do ngôn luận đột nhiên được thực thi ở Đan Mạch. Tại sao ngài Voltaire vốn suốt đời bị đưa ra làm mục tiêu và truy đuổi lại không viết được bài thơ tuyệt vọng và đầy hy vọng như thế?
Ngài không thể biết được tình hình thực sự ra sao.
2
Vào mùa thu 1771, phản ứng bắt đầu đến. Nó tới thành từng đợt.
Đầu tiên là cuộc nổi dậy của những lính thủy người Na Uy.
Nó bắt đầu khi ông thầy giáo gầy gò, lưng còng người Thụy Sỹ Reverdil có một vài lời khuyên đối với Struensee về việc giải quyết tình hình Algeria. Xét cho cùng thì Reverdil là một người nhạy cảm, Struensee thường nghĩ như vậy. Nhưng làm sao có thể sử dụng một người nhạy cảm ở một căn nhà điên? Như một cận vệ cho những kẻ điên khùng?
Đưa Reverdil lên vị trí là người đứng đầu cận vệ của Christian quả là sai lầm. Nhưng giờ đây Nhà vua lại ghét Brandt. Và có ai đó phải canh chừng ngài. Vậy cần phải làm gì đây?
Chuyện kết thúc với việc có Reverdil.
Song Reverdil lại hiểu biết về căn nhà điên vào những thời gian sử dụng nó, trong cuối hè 1771 ở Hirschholm.Ông ta được giao nhiệm vụ báo cáo "rõ ràng và rành mạch" vấn đề tình hình Algeria và đưa ra những giải pháp có thể. Những vấn đề xoay quanh chuyện "Tình hình Algeria" nổi lên trong những tháng đó như một trận núi lở; không có sự rõ ràng nào khác hơn nữa ở căn nhà điên.
Struensee đành thừa hưởng tai họa này. Từ lâu trước thời của anh, một hạm đội trang bị mạnh của Đan Mạch đã được cử đến Algeria. Chiến tranh nổ ra. Những năm trôi qua. Rồi tai họa cứ trở nên rõ nét dần đối với mọi người. Khi viên ngự y hoàng gia tới thă m thì tai họa này đã có và anh thừa hưởng cái đó. Ánh sáng rõ nét của lẽ phải trở nên mờ nhạt bởi sự điên khùng. Và Struensee cảm thấy bất lực.
Lô-gích mà nói thì người ta nghĩ rằng Đan Mạch đã tuyên bố chiến tranh với Algeria và gửi một hạm đội tới Địa Trung Hải. Lô-gích ấy từ lâu đã bị lãng quên, nhưng nó lại có cái gì đấy liên quan đến cuộc cạnh tranh quyền lực lớn lao, Thổ Nhĩ Kỳ với nước Nga. Cũng thật lô-gích là cố gắng điên rồ này đã thất bại.
Những báo cáo của Reverdil về vấn đề này- ông ta nhớ đến nó từ lâu và ông ta vui mừng được thoát khỏi việc phải làm bạn với Christian vài ngày- thật tối tăm. Vậy phải làm gì? Bên cạnh những con tàu bị đánh chìm, việc mất người và chi phí khổng lồ đã đe dọa tăng vọt nợ nần quốc gia và đảo ngược mọi cuộc cải cách, thêm nữa là cảm giác cay đắng rằng sự điên rồ được kế thừa sẽ phá hết mọi thứ.
Những phân tích tỉnh táo của Reverdil thật không thể chịu nổi.
Tình hình hiện nay diễn ra là một phi hạm nhỏ Đan Mạch vẫn còn ở Địa Trung Hải dưới sự chỉ huy của đô đốc Hooglandt. Đó là tất cả những gì còn lại của một hạm đội đầy tự hào đã lên đường trước đấy. Phi đội hải quân này nhận được lệnh phải truy đuổi những tên cướp biển Algeria và chờ đợi lực lượng viện trợ. Những lực lượng cứu trợ sẽ cứu vãn danh dự của hải quân Đan Mạch, được tính sẽ rời Copenhagen, nhưng điều đầu tiên là phải xây dựng đã. Công việc đóng tàu dự kiến diễn ra ở xưởng đóng tàu Holmen. Phi hạm mới sẽ trang bị những chiếc tàu chiến lớn với các loại súng cối và pháo mạnh có thể dùng để oanh tạc Algeria. Những phi hạm này, theo các chỉ huy hải quân, sẽ bao gồm ít nhất chín chiếc tàu chiến lớn bên cạnh những khinh hạm và các loại khác.
Để xây dựng những chiếc tàu cần thiết, hơn sáu trăm lính thủy đã được tuyển mộ từ Na Uy. Đã rất lâu họ nằm kẹt ở Copenhagen chờ đợi giờ xuất phát. Dần dà họ trở nên bất mãn, đồng lương của họ bị găm lại. Lũ gái điếm đòi phải trả tiền, mà không có lương, không gái điếm. Rượu tự do cũng không làm họ dịu đi mà chỉ làm tăng lên các vụ đập phá tàn bạo đối với các tiệm rượu ở Copenhagen.
Những lính thủy Na Uy rất trung thành với vương triều và theo truyền thống đã gọi nhà vua Đan Mạch là "Người cha nhỏ". Ở Na Uy, họ đã học cách dùng thuật ngữ này với một ý nghĩa huyền thoại nhằm đe dọa các chính quyền địa phương bằng quyền lực trung ương.
Các thủy thủ Na Uy giận dữ trước những tin tức nói rằng Người cha nhỏ Christian đã bị gã Struensee người Đức cầm tù. Những tờ truyền đơn mới được phát hành tự do và rộng rãi đã làm tốt vai trò của chúng. Chiếc giường thiêng liêng của Người cha nhỏ đã bị ô uế. Mọi thứ trở thành thảm họa. Không có công ăn việc làm. Những ả gái điếm miễn cưỡng. Cuối cùng giải pháp được đưa ra. Không có gái điếm, không có lương, không có công ăn việc làm, Người cha nhỏ bị đe doạ; sự giận dữ của họ lại tăng lên.
Reverdil đã khuyến cáo một cách không úp mở rằng câu chuyện Algeria cần được chấm dứt. Struensee nghe lời. Không đóng thêm tàu đi biển nào nữa. Nhưng những thủy thủ vẫn trụ lại, kiên quyết không chịu bị đưa về Na Uy.
Họ chính là những người đã được Guldberg liên hệ chắp nối. Vào tháng 10, họ quyết định kéo nhau tới Hirschholm.
Không còn nghi ngờ gì về chuyện này nữa: tin tức đều thống nhất, kết cục xem ra đã tới gần.
Tin về cuộc biểu tình của các thủy thủ đã nhanh chóng lan tới Hirschholm. Struensee im lặng lắng nghe rồi đi tới chỗ Hoàng hậu.
- Họ sẽ tới đây trong bốn tiếng nữa. Họ định tới để giết chúng ta. Chúng ta chỉ có mười lăm lính có vũ trang chống lại họ, quần áo thì rất đẹp nhưng chẳng có gì hơn nữa. Có thể chúng cũng đã chuồn đi rồi. Không ai có thể ngăn được lũ thủy thủ giết hại chúng ta. - Anh nói với nàng.
- Thế chúng mình sẽ làm gì? - Nàng hỏi.
- Chúng ta có thể trốn sang Thụy Điển.
- Làm như vậy là hèn hạ. Em không sợ chết, nhưng em sẽ không chết.
Nàng nhìn anh với vẻ mặt làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai người.
- Anh cũng không sợ chết. - Anh nói với nàng.
- Vậy thì anh sợ điều gì. - Nàng hỏi.
Anh biết câu trả lời nhưng im lặng.
Anh đã để ý từ" khủng bố" và" sợ hãi" xuất hiện thường xuyên trong các câu chuyện của họ. Có điều gì đó về "sự sợ hãi" vốn thuộc về thời thơ ấu của anh, đã từ lâu lắm rồi,"như trước kia" giống như nàng vẫn thường nói trong thứ tiếng Đan Mạch đặc biệt của mình.
Tại sao từ" sợ hãi" lại xuất hiện thường xuyên ngay lúc này? Có phải đấy là kỷ niệm về một câu chuyện mà anh đã đọc khi còn bé về một đứa trẻ đi ra ngoài thế giới để học biết cách sợ hãi?
Đó là một câu chuyện cổ tích, mà anh vẫn nhớ rõ. Đó là về một con người thông minh, tháo vát và nhân ái nhưng lại bị nỗi sợ hãi làm cho tê liệt. Nhưng cậu bé thông minh này lại có người em. Thế người em thì ra sao? Người em lại ngu ngốc và điên khùng. Song cậu ta lại không có cảm giác sợ hãi. Cậu ta thiếu hẳn khả năng cảm thấy sợ. Cậu là nhân vật chính trong câu chuyện. Cậu đi ra ngoài để tìm hiểu về nỗi sợ hãi, nhưng chẳng có gì khiến cậu sợ hãi.
Cậu không hề bị sơ hở.
"Nỗi sợ hãi" là gì? Nó có phải là khả năng thấy những gì là có thể và không thể? Có phải đấy là một thước đo, một dấu hiệu cảnh báo bên trong anh, hoặc nó là một sự khủng bố mà anh biết có thể hủy diệt mọi thứ?
Anh nói mình không sợ chết. Và anh nhìn thấy ngay lập tức l à điều này làm nàng nổi giận. Nàng không tin anh, và việc thiếu lòng tin của nàng chứa đựng sự khinh bỉ.
- Thực ra, anh chờ điều ấy. Nhưng em lại không muốn chết. Em còn quá trẻ không thể chết được. Em không hề chờ đợi nó. Và em không chịu từ bỏ. - Nàng nói với Struensee.
Anh thấy điều này thật không công bằng. Và anh biết là nàng đã đụng chạm vào một khu vực nhạy cảm.
- Chúng ta phải quyết định nhanh chóng. - Anh nói vì anh không muốn trả lời.
Chỉ có những người chơi một con bài mới không thể cảm thấy sợ hãi. Người em trai ngu ngốc, người không cảm thấy sợ hãi, đã chinh phục thế giới.
Những kẻ có trái tim trong sáng sẽ bị hủy diệt.
Vậy là nàng đã có một quyết định nhanh chóng cho cả hai người.
- Chúng ta sẽ ở lại đây. Em sẽ ở lại đây. Lũ trẻ ở lại đây. Còn anh hãy làm như anh thích. Chạy trốn sang Thụy Điển nếu anh muốn. Thực ra anh đã muốn ra đi từ lâu lắm rồi. - Nàng nói cộc lốc.
- Điều đó không đúng.
- Vậy thì ở lại.
- Họ sẽ giết hại chúng ta.
- Không, họ sẽ không làm vậy.
Rồi nàng rời khỏi phòng để lên kế hoạch tiếp đón những thủy thủ nổi loạn.
3
Sau này Struensee nghĩ rằng đó là giây phút nhục nhã nhất mà anh đã trải qua. Không có điều gì diễn ra sau đó là ghê sợ cả.
Mà mọi việc lại diễn ra tuyệt vời.
Hoàng hậu Caroline Mathilde cùng với đoàn tùy tùng đi ra phía cầu dẫn vào lâu đài và khi tới đầu cầu, nàng chào những thủy thủ nổi loạn. Nàng nói chuyện với họ. Nàng đã tạo ra một ấn tượng áp đảo đầy hấp dẫn. Nàng cảm ơn những thủy thủ một cách nồng hậu rồi kêu gọi họ sau khi nàng chỉ sang nhà vua Christian, đứng sau nàng ba bước chân, đang run lên vì sợ hãi nhưng im lặng và không hề có những hành động bất thường như mọi khi. Thay mặt ngài, nàng xin lỗi vì do ngài bị đau họng và sốt nên không thể nói chuyện với họ được.
Nàng không hề đề cập đến Struensee chút nào song rất lôi cuốn.
Nàng khẳng định sự quan tâm và thiện chí của Nhà vua và kiên quyết bác bỏ tin đồn nói rằng sẽ không có chuyện đóng những con tàu. Ba ngày trước đó, Nhà vua đã quyết định hai chiếc tàu mới sẽ được đóng tại xưởng đóng tàu Holmen để tăng cường cho hạm đội chống lại kẻ thù của đất nước, tất cả những điều khác là lời nói dối. Nàng xin lỗi vì đã chậm trễ trong việc trả lương cho họ, hứa sẽ đền bù cho họ; còn chuyện đám thủy thủ bị đói khát sau một chặng đường dài thì t ại nhà kho mọi thứ đã sẵn sàng với một con bò được quay sẵn cùng với bia. Nàng hy vọng họ sẽ có bữa ăn ngon và khẳng định với họ rằng mong muốn lớn nhất của nàng là được đi thăm đất nước Na Uy tươi đẹp với những thung lũng và núi đồi mà nàng đã được nghe nói rất nhiều trong quá khứ.
Hoặc" trước đây" như nàng diễn tả.
Đám thủy thủ nồng nhiệt vỗ tay cặp vợ chồng hoàng gia rồi tản ra đi ăn uống.
Anh nói với nàng:
- Em có điên không đấy? Hai chiếc tàu đóng mới? Không có tiền để làm chuyện đó, chưa nói đến đồng lương của họ. Đấy là một lời hứa rỗng tuếch, là không thể. Em điên mất rồi.
- Không, em khôn ngoan. - Nàng đáp lại. - Và em sẽ càng khôn ngoan hơn nữa.
Anh ngồi với khuôn mặt giấu trong lòng bàn tay.
- Anh chưa bao giờ thấy nhục nhã như vậy. Liệu có phải em sỉ nhục anh không?
- Em không sỉ nhục anh. - Nàng nói với anh.
- Không, em làm thế đấy.
Từ phía bên kia hồ, họ nghe thấy những tiếng hò hét man dại của đám lính thủy Na Uy nổi loạn, những kẻ trở nên mỗi lúc một say hơn, những kẻ không còn nổi loạn nữa mà lại trung thành với Nhà vua. Họ chả nhìn thấy Struensee đâu. Có lẽ gã không hề tồn tại. Đó sẽ là một đêm dài. Còn rất nhiều bia và ngày mai họ sẽ rời đi, cuộc nổi dậy đã bị xẹp.
Rồi nàng ngồi xuống cạnh anh và chậm rãi vuốt tóc anh.
- Em yêu anh. Em yêu anh không thể nào nói hết được. - Nàng thì thào. - Nhưng em không có kế hoạch từ bỏ. Hoặc chết. Hoặc từ bỏ. Chính là như vậy. Điều duy nhất. Em không có ý định từ bỏ.
4
Guldberg truyền đạt lại thông tin về kết quả của cuộc nổi dậy cho Thái hậu đang ngồi lắng nghe với bộ mặt lạnh tanh và cho Hoàng thái tử người vẫn đần độn như mọi khi.
- Nhà ngươi đã thất bại rồi. - Bà nói với Guldberg. - Có thể chúng ta đã tính sai. Con điếm nhỏ người Anh đó cứng rắn hơn chúng ta tưởng.
Không còn gì để nói nhiều. Guldberg trả lời quanh co rằng Chúa ở bên họ và chắc chắn sẽ giúp họ.
Họ ngồi yên lặng một lúc lâu. Guldberg nhìn Thái hậu và một lần nữa lại thấy ngạc nhiên trước tình yêu thương không thể diễn tả nổi bà dành cho đứa con trai mà bàn tay của nó bà đang nắm chặt như thể không muốn cho nó rời đi đâu. Thật không thể hiểu nổi, nhưng bà yêu đứa trẻ. Và bà thực sự tin, với sự tuyệt vọng lạnh lùng làm Guldberg hoảng sợ, rằng đứa con tật nguyền của bà cũng sẽ trở thành người được Chúa lựa chọn, rằng nó sẽ được trao quyền lực trên mảnh đất này và có thể không cần xem xét đến hình dạng tối tăm của nó, cái đầu dị dạng, sự run rẩy, những tiếng kêu không ra tiếng của nó; như thể bà hoàn toàn bất chấp hình dạng của nó và chỉ nhìn thấy thứ ánh sáng từ bên trong từ trước đến nay vẫn ngăn cản nó lớn lên.
Bà như thấy ánh sáng của Chúa bừng sáng trên cá thể ngu đần này, nó được Chúa lựa chọn và nhiệm vụ duy nhất của họ bây giờ là mở đường. Để sao cho ánh sáng có thể bừng lên. Và như thể bà đã nghe thấy và hiểu được suy nghĩ của nó, bà lấy tay chạm vào má Hoàng thái tử thấy dinh dính liền lôi ra một cái mùi soa lau rớt rãi trên cằm đứa trẻ rồi nói:
- Đúng, Chúa sẽ phù trợ cho chúng ta. Và ta đã nhìn thấy ánh sáng của Chúa trong thân hình nhỏ bé của con ta.
Guldberg hít một hơi dài. Ánh sáng của Chúa trên thân hình nhỏ bé. Bà ta đang nói về con trai mình. Nhưng ông ta hiểu điều đó cũng đúng với mình. Những kẻ thấp nhất, ít có ý nghĩa nhất, họ đã mang ánh sáng của Chúa từ tận trong. Ông ta hít một hơi nữa, nghe như tiếng nức nở song không thể là vậy.
Ông ta cố trấn tĩnh rồi bắt đầu giải thích hai kế hoạch mình đã nghĩ ra để lần lượt thực hiện nếu như cuộc nổi dậy của đám lính thủy thất bại. Không may, chúng đã xảy ra; nhưng rồi kẻ thấp hèn và ít có ý nghĩa nhất, người chả bao giờ được ánh sáng từ bên trong của Chúa chiếu vào, sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh cho sự trong sáng.
5
Rantzau được cử ngay tới Hirschholm đêm hôm đó để thực thi kế hoạch nhỏ, tiếp sau cuộc nổi dậy của đám lính thủy người Na Uy.
Kế hoạch thật đơn giản. Guldberg tin rằng những kế hoạch đơn giản có thể đôi lúc thành công, chúng đòi hỏi ít người, không có sự tập trung lớn lao quân đội, không có những đám đông, mà chỉ có một số ít người đã lựa chọn.
Kế hoạch giản đơn này bao gồm hai người bạn của Struensee, Rantzau và Brandt.
Họ bí mật gặp nhau tại một quán rượu cách Hirschholm chừng một dặm. Rantzau giải thích rằng tình hình trở nên nguy kịch và cần phải hành động. Việc cấm tinh chế rượu ở gia đình có thể là khôn ngoan nhưng cũng thật ngu xuẩn. Người dân đang biểu tình trên đường phố. Chỉ là vấn đề thời gian trước khi Struensee bị lật đổ. Sự hỗn loạn đang ngự trị, truyền đơn khắp nơi với những bài châm biếm, đả kích Hoàng hậu và Struensee. Mọi thứ đang sục sôi.
- Gã nghĩ mình là người của nhân dân. - Brandt cay đắng nhận xét, - và họ căm ghét gã. Gã làm mọi việc vì quyền lợi họ song họ lại ghét gã. Người dân sẽ ăn sống nuốt tươi kẻ bảo tr cho họ. Nhưng gã xứng đáng với điều đó. Gã phải làm mọi việc ngay lập tức.
- Sự mất bình tĩnh của những người tốt, - Rantzau đáp, - nó còn tồi tệ hơn cả sự bình tĩnh của những kẻ xấu xa. Ta đã dạy hắn mọi thứ, mọi thứ! Song không phải điều này.
Rồi Rantzau giải thích kế hoạch. Brandt sẽ phải nói với Nhà vua rằng Struensee và Hoàng hậu đang có kế hoạch giết ông ta. Vì vậy, phải giải thoát cho ngài. Nhà vua là chủ chốt. Một khi ngài đã an toàn tại Copenhagen, bên ngoài sự khống chế của Struensee, phần còn lại sẽ dễ dàng.
- Thế rồi sao?
- Rồi thì Struensee phải chết.
Ngày hôm sau kế hoạch thất bại; những gì xảy ra thật là hài hước đến mức chẳng ai có thể đoán được diễn biến này.
Đây là những gì xảy ra.
Nhà vua, vào lúc 5 giờ chiều, bỗng nhiên cảm thấy có một cơn giận dữ không thể giải thích được; ngài lao lên cầu dẫn đến bên kia bờ hồ, hét lên rằng ngài sẽ nhảy xuống hồ tự vẫn. Khi Struensee chạy tới phía ngài, bỗng nhiên ngài quỳ gối xuống, túm lấy chân Struensee khóc lóc rồi hỏi anh rằng liệu mình có phải chết không. Struensee cố gắng dỗ dành Nhà vua bằng cách vuốt tóc và trán ngài, song Christian lại càng bị kích động hơn và hỏi tiếp liệu điều ấy có đúng không.
- Bệ hạ nói vậy là có nghĩa gì ạ?
- Có phải đúng là nhà ngươi muốn giết ta không? - Nhà vua hỏi với giọng run rẩy. - Hãy trả lời ta đi, có phải nhà ngươi là một trong số bảy người không? Có phải vậy không?
Đó là câu chuyện lúc bắt đầu: hai người họ đứng trên cầu. Và Nhà vua cứ gọi tên anh ta, gọi mãi, gọi đi gọi lại.
- Struensee, Struensee, Struensee? - Nhà vua thì thào.
- Có chuyện gì vậy, bạn của tôi? - Struensee hỏi.
- Có phải những điều Brandt thú nhận với ta là thực không?
- Thế hắn thú nhận gì với Bệ hạ?
- Hắn muốn bí mật đưa ta đi Copenhagen. Sau khi đêm đến. Đêm nay! Để ngăn không cho nhà ngươi giết ta. Rồi họ sẽ giết nhà ngươi. Liệu có phải đúng là nhà ngươi muốn giết ta không?
Cái kế hoạch nhỏ và đơn giản đã thất bại như vậy. Họ không hiểu rằng Struensee là một trong số bảy người. Họ cũng không hiểu mối liên hệ khác, chính vậy họ đã thất bại, đã bộc lộ sự ngu xuẩn của mình như thế nào, chính vì vậy Nhà vua muốn tìm cách đập tan bộ máy của họ.
Chỉ có Struensee hiểu, nhưng chỉ đến khi anh ta hỏi:
- Tại sao Bệ hạ lại nói với hạ thần rằng hạ thần muốn giết Người?
- Brandt là kẻ thù của Bottine Caterine. Hắn đã đánh lừa nàng. Và nàng là Bà chúa của nhân gian. Chính vì vậy ta căm ghét hắn. - Christian đơn giản đáp lại.
Cũng vì vậy mà kế hoạch thứ hai thất bại.
Anh triệu Brandt tới để thẩm vấn và gã thú nhận ngay lập tức. Không cần ra lệnh hắn đã quỳ gối xuống.
Đó là tình hình diễn ra tại căn phòng khách ở bên trái phòng làm việc của Struensee tại lâu đài Hirschholm. Đó là một ngày tháng Mười một muộn màng. Brandt quỳ, đầu cúi xuống và Struensee đứng quay lưng lại với gã như thể anh không thể chịu được đứng nhìn tình cảnh của người bạn mình.
- Lẽ ra ta phải giết nhà ngươi. - Anh nói.
- Vâng.
- Cuộc cách mạng đã nuốt chửng những đứa con của người. Nhưng nếu nó nuốt chửng cả nhà ngươi nữa thì ta sẽ chẳng còn người bạn nào nữa.
- Không.
- Ta sẽ không giết ngươi.
Một hồi im lặng kéo dài; Brandt vẫn quỳ gối, chờ đợi.
- Hoàng hậu muốn trở lại Copenhagen càng sớm càng tốt. Chẳng ai trong chúng ta có nhiều hy vọng, nhưng nàng muốn quay trở lại. Đó là mong muốn của Hoàng hậu. Ta không còn có mong muốn nào khác. Thế ngươi có đi cùng chúng ta không?
Brandt không trả lời.
- Giữa tất cả chúng ta đã trở nên như thế nào. Ngươi có thể rời khỏi chúng ta nếu ngươi muốn. Ngươi có thể đến chỗ Guldberg... và Rantzau. Và ta không trách ngươi.
Brandt không trả lời nhưng bắt đầu khóc nức nở.
- Đây là một bước ngoặt. Một bước ngoặt như họ vẫn nói. Thế ngươi sẽ làm gì? - Struensee hỏi.
Vẫn tiếp tục im lặng; rồi Brandt từ từ đứng dậy.
- Tôi sẽ đi với ngài.
- Cảm ơn. Nhớ mang theo cây sáo. Và chơi cho chúng ta nghe trên xe ngựa.
Tối hôm sau, trước khi họ tạm biệt lên xe ngựa, họ đã gặp nhau để nói chuyện ngắn bên tách trà ở phòng khách.
Một ngọn lửa được thắp lên ở lò sưởi nhưng không có ngọn lửa nào khác. Họ đã sẵn sàng khởi hành. Có mặt lúc đó là vua Christian VII, Hoàng hậu Caroline Mathilde, Enevold Brandt và Struensee.
Ngọn lửa duy nhất từ lò sưởi.
- Nếu chúng ta được phép sống một cuộc sống khác, - cuối cùng Struensee hỏi. - Nếu chúng ta được sống một cuộc sống mới, một cơ hội mới, thì chúng ta sẽ thế nào?
- Một người thợ sơn kính, - Hoàng hậu nói, - ở một nhà thờ nước Anh.
- Một diễn viên. - Brandt nói.
- Một ai đó gieo hạt trên các cánh đồng. - Nhà vua nói.
Rồi im lặng.
- Thế còn anh? - Hoàng hậu hỏi Struensee. - Anh sẽ làm gì?
Nhưng anh chỉ nhìn những người bạn mình bằng cặp mắt sâu thẳm trong buổi tối cuối cùng ở Hirschholm, rồi đứng dậy và nói:
- Một bác sĩ.
Và tiếp:
- Xe đã tới.
Ngay đêm đó, họ rời đi Copenhagen.
Bốn người họ ngồi chung một chiếc xe ngựa: Nhà vua, Hoàng hậu, Brandt và Struensee.
Những người khác sẽ theo sau.
Chiếc xe ngựa giống như một cái bóng trong đêm.
Brandt nhè nhẹ thổi sáo, giống như khúc từ niệm hay một bài hát tiễn biệt, như thể đối với một người trong số họ, giống như đoạn nhạc dành cho Bà chúa của nhân gian.