Chương 1 Chào đời Chuyện đời tôi bắt đầu từ trước khi tôi chào đời. Tôi xin kể về ba mẹ tôi trước.
Ba tôi tên Trần Chí Bình, quê nội ở Hành Dương tỉnh Hồ Nam, trưởng thành ở Bắc Kinh.
Mẹ tôi là Viễn Hành Như, quê nội ở Vũ Tiến, Tỉnh Giang Tô, cũng trưởng thành ở Bắc Kinh.
Bắc Kinh, có thể coi đây là quê hương thứ hai của ba mẹ tôi, hai người lớn lên ở đây, gặp nhau ở đây, yêu nhau ở đây, rồi cưới nhau cũng ở đây. Chuyện của hai người từ lúc gặp nhau cho đến khi nên vợ nên chồng, mang đầy chất lãng mạn và thần kỳ. Hồi ấy, mẹ tôi học ở
trường nữ trung học Lưỡng Cát, ba tôi dạy tại trường nầy, lúc đầu chỉ là quan hệ thầy trò. Nghe đâu cuộc hạnh ngộ giữa hai người phải đấu tranh dằn vặt dữ lắm, vì mẹ tôi vốn là tiểu thư đài các của một gia đình quyền quý, gia giáo. Còn ba tôi chỉ là chàng trai độc thân ở Bắc Kinh, cuộc sống có phần phóng khoáng vá không rõ gốc gác của ba tôi, ông ngoại rất đắn đo chuyện hôn nhân của mẹ tôi. Ở tít tận Hồ Nam, ông nội biết chuyện, lập tức viết một thư rõ dài cho ông ngoại để cầu hôn cho con trai. Nghe đâu, ông ngoại vừa đọc xong thư này liền đắc ý, thốt lên: - Hổ phụ sanh hổ tử! Văn chương bố hay thế này thì nhất định con không kém được. Thế là ba mẹ tôi cưới nhau. Năm ấy, ba tôi hai mươi bảy tuổi, mẹ tôi vừa tròn hai mươi. Hồi còn trẻ, tính cách mẹ tôi mạnh mẽ, hiếu thắng, sức học cũng khá. Lấy chồng xong, bà không chịu bỏ học, nên vào trường nghệ thuật chuyên nghiệp Bắc Kinh, bắc đầu học vẽ. Thực ra, các môm cầm, kỳ, thi, họa thuộc giáo trình bắt buộc của gia đình được mẹ học liên tục ngay từ bé. Mẹ tôi rất đam mê hội họa và thơ phú. Bao nhiêu việc xảy ra trước và sau khi tôi ra đời, tôi chỉ có thể bắt đầu bằng hai chữ "nghe nói" mà thôi. Nghe nói, khi ba mẹ cưới nhau, có kèm theo điều kiện: Cưới thì cưới, không được bỏ học! Cho nên mẹ tôi chưa muốn làm mẹ, bà còn tiếp tục đi học. Nhưng nguyện vọng của mẹ không đạt được, lấy chồng chẳng bao lâu thì có thai! (Đó không phải là tôi). Nghe nói, lúc đó mẹ buồn lắm, một mực muốn phá thai. Nhưng hồi đó, những hành vi và tư tưởng như vậy là vô đạo đức, rất hoang đường, không thể chấp nhận được. Mẹ mang cái thai đầu tiên và phải nghỉ học, đầy sầu muộn. Có một hôm, không biết vì lẽ gì, ba mẹ cãi nhau đến mức "kinh thiên động địa". Trong cơn giận dữ mẹ đòi bỏ nhà ra đi. Thế là bà đùng đùng chạy vô buồng ngủ xách rương quần áo lao ra. Thật rủi ro, ngay đêm hôm ấy mẹ bị sẩy thai, cái thai đã có hình hài bé trai, năm tháng tuổi! Ba tôi buồn thương nuối tiếc vô cùng. Ba khóc thâu đêm suốt sáng trước di ảnh của bà nội tôi. Sau khi anh tôi mất, mẹ tôi lại tiếp tục đi học, nhưng chẳng được bao lâu, thế sự lại thay đổi. Ba mẹ đành rời Bắc Kinh, nơi đã sống nhiều năm tháng để về Thành Đô thuộc Tứ Xuyên. Đó cũng là lúc tôi và đứa em trai song sinh ra đời. Về hai chị em tôi cũng có lắm chuyện đáng nói. Người ta kể rằng: Khi mẹ tôi biết mình có thai lần nữa thì rất hoảng. Bà chưa chuẩn bị để làm mẹ, lại đang chuẩn bị đi học tiếp! Một lần bà đòi đi bệnh viện nạo thai, bác sĩ đành an ủi: - Đừng vội, đừng vội, thai của chị hơi lớn, có vẻ không bình thường, để tôi chụp X quang xem sao! Cái mà X quang chụp được, thì ra là song thai, nằm khoanh trong bụng mẹ, một cái nằm xuôi, một cái nằm ngược, trong rõ mồn một. Bác sĩ không kềm nỗi vui mừng: - Bà sẽ sanh đôi đấy! Nghe nói, khi nhìn phim chụp, thiên chức người mẹ bỗng bừng dạy mãnh liệt trong lòng mẹ, bà yêu quí vô ngần bào thai này. Trở về nhà, bà hối hả báo tin vui cho mọi người và bắt đầu chuẩn bị mọi thứ, từ áo quần, chăn đắp, gối trẻ con, nhất nhất đều mỗi thứ một cặp. Bà nói với dì cậu của tôi: - Chị sẽ sanh một lúc hai đứa con gái giống hệt hai nàng công chúa tuyệt xinh đẹp, chị sẽ làm cho chúng giống nhau từ kiểu tết đuôi sam, kết bướm, mặc váy lụa... rồi đưa chúng nó dạo khắp các vườn hoa... Mẹ tôi mơ màng bao chuyện đẹp. Hồi đó mẹ tôi còn rất trẻ mà! Nhưng, cái tin mẹ tôi sanh đôi đã làm xôn xao cả dòng họ Viễn. Hồi đó, ông ngoại, bà ngoại đều ở Bắc Kinh. Có mấy cậu và mấy dì đã lần lược dời đi Tứ Xuyên. Ba mẹ tôi cùng cậu năm, dì ba của tôi thuê chung một căn nhà ở hẻm Bao Bố, phố Thử Miệt của Thành Đô. Trước khi tôi chào đời, mợ và các dì đều giúp mẹ chuẩn bị đồ đạc chờ đón chúng tôi, cái gì cũng màu hồng phớt, toàn đồ con gái. Mẹ tôi quả quyết bảo: - Chị thích hai đứa con gái, không thích hai đứa con trai đâu, con gái dễ sửa soạn! "Nhất định" chị phải đẻ một cặp con gái! Mẹ tôi mạnh mẽ và tự tin như vậy đó, không ai dám nói khác ý bà, mặc dù khả năng sanh con trai cũng lớn lắm. Còn ba tôi thì ngược lại, hình như ba muốn sanh con trai. Thứ nhất, ba còn giữ tập tục cũ, thứ hai nữa cũng tại ba còn day dứt nỗi đau mất đi đứa con trai đầu lòng. Nhưng trước mong muốn mãnh liệt của mẹ, ba không dám nói gì, vì sợ nói ra mẹ lại nổi cơn tam bành như lần trước, chạy vào buồng ngủ bê rương bê hòm. Thế rồi, tám giờ tối ngày 19 tháng tư năm một ngàn chín trăm ba mươi tám, mẹ bắt đầu trở dạ, tại bệnh viện Nhân Tế ở Thành Đô. Lẽ ra còn nửa tháng nữa mới sanh, nhưng bào thai trong bụng mẹ quậy dữ dội, cứ đòi ra sớm. Quá một giờ sáng ngày hai mươi tháng tư, tôi chào đời trước. Nằm trên giường sanh, mẹ tôi rặn muốn đứt cả hơi, tôi mới lọt lòng. Câu đầu tiên mẹ là: - Con trai hay con gái? - Con gái! Bác sĩ bảo. Mẹ tôi mừng quá! Thế là có hai đứa con gái sanh đôi rồi. Bà yên tâm thiu thiu ngủ, quên khuyấy trong bụng vẫn còn một đứa nữa. Bác sĩ lại tiếp tục cổ vũ giục giã, mãi hai giờ đồng hồ mẹ mới sanh nốt đứa thứ hai. Khi bác sĩ reo lên: - Con trai! Bà thất kinh, suýt nữa ngất xỉu. Em trai da đen, tôi da trắng. Em trai đầu to, tôi đầu nhỏ, em trai chân mày rậm mắt to, tôi mũi nhỏ, miệng nhỏ. Không những hai đứa tôi không giống hệt nhau mà còn chẳng có cái gì giống nhau cả, đã vậy lại một trai một gái! Vì là sanh chưa đủ ngày, nên lọt lòng ra, tôi và em trai đều xanh xao gầy guộc, tôi chỉ có một kí lô tám, em trai nặng hơn chút đỉnh, cũng chỉ được hai kí lô ba. Càng nhìn hai đứa tôi, mẹ tôi càng thất vọng. Bác sĩ đành động viên, an ủi: - Đừng buồn, chúng nó gầy bé vậy chứ không sao, nhất là cháu trai, đại khái là nuôi được, còn cháu gái ấy, thì... Ý bác sĩ nói là, con gái trên đời này đâu có thiếu, không có cũng chẳng sao! Thế là tình mẫu tử nơi mẹ bỗng dâng lên mãnh liệt. Mẹ làm sao có thể bỏ rơi đứa con gái yêu quý? Gì thì gì, mẹ sẽ nuôi cho nó lớn! Nghĩ vậy, mẹ quên hết mọi thất vọng, chỉ còn nghĩ cách làm sao nuôi lớn hai đứa con không may vì sanh non mà xanh gầy. Còn ba tôi, khi biết mình có cả con trai và con gái thì sung sướng hết chỗ nói! Sau này mợ tôi kể, lúc nào ba tôi cũng nhắc đi nhắc lại: - Trước kia tôi mất đứa con trai, bây giờ chẳng phải nó đã về lại là gì? Câu nói ấy kể cũng hơi huyền hoặc, làm như em trai của tôi bây giờ chính là người anh bất hạnh của tôi nằm nào đầu thai trở lại vậy. Song, nếu như thế gian này có chuyện cải tử hoàn sinh, thì biết chừng đâu người em trai song sinh của tôi lại cũng chính là người anh kia cũng nên, đố ai biết được? Thế đấy, chuyện chào đời của hai chị em tôi ít nhiều cũng mang màu sắc thần kỳ. Ba tôi bận rộn lo đặt tên cho chúng tôi. Vì đẻ sinh đôi nên ba quyết đặt tên chúng tôi bằng chữ ghép. Lại nữa, ba mẹ quen nhau ở trường nữ trung học Lưỡng Cát nên đặt tên cho con gái là "Song Cát", con trai là "Song Ngọc". Hai tên này khi đọc lên đều hơi tréo miệng, nên đặt thêm cho hai nhũ danh, tôi là Phượng Hoàng, em trai là Kỳ Lân. Thế là, ngay tức khắc, trong nhà tôi có đủ cả Phượng lẫn Lân. Có điều hai sinh vật bé bỏng này chẳng biết một chút gì về sự có mặt của mình giữa cõi nhân gian rắc rối và giữa cái thời đại đầy rẫy khó khăn. Trước niềm vui vô bờ bến vì một lúc có được hai đứa con, ba mẹ tôi tạm quên nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống và bóng tối của chiến tranh bao phủ, chỉ toàn tâm toàn ý lo nuôi nấng chúng tôi. Cũng do sanh non tháng, nên chúng tôi vừa lọt lòng mẹ, được nuôi theo một chế độ đặc biệt. Nhất là tôi, không những không biết bú sữa, lại còn phải nuôi trong lồng kính hai mươi mấy ngày. Trong suốt hai mươi mấy ngày đó, mẹ lo tìm chọn vú nuôi, cho dù thương hai đứa con đến mấy đi nữa cũng không thể cùng một lúc cho bú được cả hai. Sau hai mươi ngày, mẹ đưa hai đứa ra viện, đưa cả vú nuôi của tôi về nhà. Vú nuôi họ Khu, được chọn trong số hơn một trăm người đến xin việc. Hôm tôi và Kỳ Lân đầy tháng, ba tôi bắt bông kem hình búp bê trên bánh bông lan gởi đến bạn bè. Có một bác lấy chồng đã lâu mà chưa có con, ăn một hơi sáu chiếc bánh như vậy, để hưởng phúc bình của mẹ. Ba tôi hả hê mãn nguyện, cao hứng viết một bài thơ được cả nhà thích thú nhớ mãi tới giờ: "Một nam một nữ cùng sinh hạ,
Rượu mừng chưa nhắm đã say lòng
Mai này, hai đứa xây gia thất
Được chức cha rồi, thêm chức ông!" Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !