Chương 5 Trong khe núi Lính Nhật tràn vào trong làng, đi đến đâu, chúng giết người, phóng lửa đốt sạch mọi thứ tới đó. Xóm làng xơ xác, tiêu điều. Nghe nói, lính Nhật căm nhất là tầng lớp trí thức, hễ bắt được ai biết chữ là chúng giết ngay. Cả nhà chúng tôi, từ ông nội, ba mẹ đều đang dạy học, lại là những phần tử tích cực chống Nhật. Bình thường, trong lớp học, lúc nào ông nội, ba mẹ tôi cũng đều giảng giải cho học sinh về tinh thần dân tộc, giờ đây, đương nhiên họ sẽ là mục tiêu tìm diệt trước tiên của giặc Nhật.
Thực ra, lúc bấy giờ gót giầy quân Nhật đã giày xéo khắp nơi, bao mạng người, bất kể già, trẻ, tật nguyền, bất kể người đó là sĩ nông công thương, đều bị chúng giết sạch.
Cả nhà tôi phải trốn mãi trong núi là vì lẽ đó. Tôi nhớ mãi khe núi như nhớ một kỷ niệm mang theo suốt đời. Khe núi này trước là nguồn suối, bây giờ nước đã cạn. Chúng tôi lấy giấy dầu trải xuống lòng khe, ngồi đầu trần như vậy suốt ba ngày liền. Do lối ra cửa khe thông với một con đường nhỏ dưới núi, nên để khỏi bị lính Nhật phát hiện, Hoàng Tài Dư đã đem nhánh thông bít lại. Trong khi chúng tôi ngồi thu lu trong cái khe núi chật chội đầy bùn đất này, thì Hoàng Tài Dư ngày ngày bất chấp nguy hiểm luôn đe dọa đến tính mạng, lẻn vô làng bên kiếm đồ ăn tiếp tế cho gia đình tôi và thông báo tin tức ở bên ngoài. Những mẩu tin ấy càng ngày càng tệ hại vì tôi thấy ba mẹ luôn nhíu mày nghĩ ngợi. Tôi không nhớ hai ngày đầu chịu đựng như thế nào, chỉ nhớ Kỳ Lân khóc suốt, la đói bụng. Để dỗ dành nó, mẹ lấy xâu chìa khóa, kẹp tóc, cái lược con, ống đựng son, cái gương nhỏ... bày ra cho nó chơi. Nó dồn tất cả vào một cái túi, xốc kêu lổn cổn nhưng nó vẫn cứ khóc. Em trai út mới lên bốn tuổi, là cái tuổi không làm sao giảng giải cho nó nghe được. Nó yêu động vật vô cùng, lúc thì nhìn xuống đất tìm bắt châu chấu trong bụi cỏ. Cái hay nhất của nó là thích ngủ, không vừa ý thì khóc, khóc chút xíu rồi ngủ. Trong ba đứa, tôi là đứa bé lặng nhất, tôi ngồi đó mà đầu óc cứ nghĩ tới lá cờ đuôi nheo. Ngày thứ nhất, cả nhà tôi chỉ ăn hai bát cơm trắng do bác Hoàng Tài Dư đưa tôi, ngày thứ hai cũng vẫn ăn như vậy. Ngày thứ ba, người giúp việc không về, chúng tôi đói cồn cào. Kỳ Lân và em trai út bắt đầu khóc. Tôi nghe ba nói nhỏ với ông nội, sợ có điều không lành đối với bác Hoàng Tài Dư. Thời gian trôi qua, mặt trời từ bên kia chuyển dịch về phía bên này khe núi, đói và khát dày vò, trầm lặng đến như tôi cũng không chịu nổi. Kỳ Lân xấu đói, em trai út kêu khát, tôi cũng bắt đầu thút thít. Cùng lúc, ba chị em tôi làm rối cả lên, ba thì la, ông nội chỉ lắc đầu, mẹ tôi tay trái đỡ em trai út, tay phải đỡ tôi, dỗ dành. Đang lúc đó, có tiếng súng đanh gọn vọng vào khe núi, liền đó một bóng người vụt qua bên ngoài đám thông. Cả nhà sợ quá, nín cả khóc. Khe núi im phăng phắc. Nhìn qua kẽ hở của những nhánh thông, tôi thấy một bác nông dân bình thường, đùi rớm máu đang khấp khểnh chạy thoát toán lính Nhật vừa rượt đuổi vừa la thét điên cuồng. Lại một loạt súng nổ, bác nông dân kia ngã xuống. Tôi bàng hoàng, lần đầu tiên tôi hiểu cái chết bất thình lình ập đến là như thế nào, và cũng lần đầu tiên trông thấy máu người vọt ra sau khi bị giết hại. Mặt mẹ tôi trắng bêch, mẹ ôm chặt lấy Kỳ Lân, lấy tay bụm miệng nó, sợ nó khóc bật thành tiếng, còn em trai út thì rúc đầu vào áo mẹ, sợ phát run lên. Thời gian nặng nề trôi qua lâu như cả thế kỷ, sau đó, từng tên lính Nhật đi qua ngay chỗ mấy nhánh thông che kín miệng khe núi, nhưng không tên nào phát hiện ra chúng tôi. Trông chừng đám lính Nhật đã đi xa, mẹ thở dài, mặt còn tái nhợt, Kỳ Lân giẫy ra khỏi tay mẹ, ngồi bệt xuống đất thở dốc, không la đói nữa, em trai út thì ngẩng đầu lên, hai con mắt đen tròn sáng quắc của nó đảo lia đảo lịa, miệng ấp úng khóc không ra tiếng: - Súng, súng, súng dài... dài... dài lắm! Mẹ tôi duỗi tay ra định ôm em, nó vẫn ấp a ấp úng: - Súng, súng, có súng, có súng! Bất giác, mặt mẹ tôi như ngây dại, chúng tôi luống cuống ngẩng mặt nhìn lên, mới phát hiện, trên cao, dưới thấp, một trung đội lính Nhật đứng ngoài lối ra khe núi, đang cúi xuống nhìn chúng tôi. Tôi và mấy đứa em dồn lại một cục, dựa sát vào lòng mẹ. Trong nháy mắt, chúng tôi trong khe núi, bọn Nhật ngoài khe núi nhìn nhau chằm chằm, không bên nào lên tiếng. Sau đó, một tên sĩ quan Nhật đeo kiếng, nhảy vào trong khe núi, cầm súng chĩa vào ông nội, nói bằng tiếng Trung Quốc: - Đứng dậy cho tao kiểm tra! Ông nội đứng dậy một cách bất đắc dỉ, tên sĩ quan kia rút hết tiền, danh thiếp, bút máy, huy hiệu nhà trường v. v... trong túi áo của ông ra, để một đống, nó chỉ lấy tiền, rồi hách dịch lườm ông nội: - Dạy học hả? Ông nội không đáp, tên sĩ quan kia cũng không hỏi nữa. Nó quay sang kiểm tra ba tôi, lấy hết tiền trên túi áo của ba. Lúc đó mẹ tôi nhanh trí cúi xuống giấu cái ví tiền vào bụi cỏ, rồi đứng dậy, chủ động vỗ vỗ vào người, cốt để tên Nhật hiểu rằng bộ đồ kiểu Thượng Hải này, chẳng còn chỗ nào để giấu tiền cả. Tên sĩ quan nọ cầm cái huy hiệu trong nhà trường và danh thiếp lên xem, do dự nhìn ba và nhìn ông nội. Không khí trong khe núi như đông đặc lại, môi mẹ tôi càng lúc càng tái nhợt, bỗng dưng Kỳ Lân lách mình qua khỏi đám người, rấn bước tới trước mặt tên sĩ quan Nhật, ngẩng đầu lên, nói rõ từng tiếng một: - Ông đừng kiểm ra tôi, có gì trên người tôi cho ông hết đó. Rồi nó rút trong túi ra nào xâu chìa khóa, ống đựng son, lược, kẹp tóc, lại còn có cả mấy viên đá cuội, đưa hết cho tên sĩ quan Nhật hồi hộp theo dõi, liền đó, hắn toác miệng cười hô hố, đám lính Nhật vây quanh cũng cười ầm lên. Trong tiếng cười đang rộ lên đó, tên sĩ quan bước ra khỏi khe núi, xua xua tay về phía đám lính của hắn, ý bảo bỏ đi. Thật hú hồn cho ông nội và ba của tôi. Lúc bọn Nhật đang kéo đi, thì một thằng bự con, cao to, dáng vẻ thô lỗ, kịch cỡm bỗng lùi lũi quay lại, hét lên mấy tiếng Nhật, rồi nhanh như cắt, nó nhảy vào khe núi, đi xồng xộc lại chỗ mẹ tôi. Chúng tôi ngây người, mẹ tôi hốt hoảng la lên: - Tôi không có tiền. Tên lính Nhật banh áo trước ngực ra, mắt long lên sòng sọc nhìn mẹ. Một lát hắn vung cái dùi cui lên, rồi nắm lấy tay mẹ tôi, lôi đi, nói lơ lớ tiếng Trung Quốc: - Đi theo tao! Vừa nói, hắn vừa kéo thục mạng mẹ tôi ra ngoài khe núi. Ba tôi liền xông lại, ôm chặt lấy mẹ, hét lớn vào mặt tên lính Nhật: - Buông tay ra! Đồ súc vật! Buông tay ra! Sự việc xẩy ra nhanh quá, tôi thấy tên lính Nhật giơ dùi cui nện mạnh vào hông ba tôi, khiến ông ta lảo đảo ngã xuống dốc. Ông nội không chịu được cũng xông lên, tên lính Nhật cũng dùng dùi cui đánh ông ngã quỵ. Hắn tiếp tục lôi xềnh xệch mẹ tôi ra ngoài khe núi. Mẹ đưa tay bấu chặt những bụi cỏ hai bên đường, khóc kêu thảm thiết. Thấy ba và ông nội bị đánh, mẹ lại bị lôi đi, cảm giác sợ hãi, phẫn uất, bất bình cùng lúc dồn lên người tôi, tôi dùng hai tay giữ chặt áo của mẹ, khóc lớn. Đồng thời, Kỳ Lân và em trai út cũng nhào lại, ôm chặt lấy chân mẹ, khóc la xao động cả đất trời: - Đừng đi mẹ ơi! Đừng đi mẹ ơi! Chúng tôi khóc, mẹ cũng khóc. Tên lính Nhật dùng tiếng Trung Quốc chửi lại, tiếng khóc thét, tiếng kêu la, tiếng chửi tục vang lên inh ỏi. Nhưng rồi mẹ tôi cứ tuột dần ra khỏi tay chúng tôi, tôi và em càng sợ hãi, càng khóc la thảm thiết hơn. Đúng lúc ấy, viên sĩ quan Nhật đeo kiếng kia hình như cũng động lòng trắc ẩn, y dùng tiếng Nhật hô lên một tiếng gì đó, khiến tên lính lập tức buông tay, hậm hực nhảy ra khỏi khe núi, chuồn thẳng. Chúng tôi kinh hoàng chạy ùa vào lòng mẹ, mẹ đưa hay tay ôm chầm lấy chúng tôi, khóc nức nở. Mãi hồi lâu mới phát hiện là số quân lính Nhật kia vẫn chưa đi, còn đứng nhìn chúng tôi chăm chú. Đợi chúng tôi dứt khóc, viên sĩ quan kia lại vào khe núi, kéo em trai út đến bên hắn. Chúng tôi tưởng hắn muốn bắt em, đều xông lên giữ chặt lấy em, nào ngờ, hắn lấy khăn mùi xoa lau nước mắt cho em, rồi quay lại hỏi mẹ tôi: - Cháu mấy tuổi? Mẹ tôi run run đáp: - Dạ, bốn tuổi! Viên sĩ quan sầm mặt lại, mắt đăm chiêu nhìn xa xăm, một lát, hắn nói khẽ: - Con trai tôi cũng lớn bằng nó! Nói xong, viên sĩ quan quay lưng ra khỏi khe núi, khoát tay cả đám cùng đi, không ngoái đầu trở lại. Chúng tôi chưa kịp hoàn hồn, không thể ngờ là vừa mới trải qua một tai họa khủng khiếp. Lúc đó, tôi không thể hiểu được, thì ra lính Nhật cũng có, có con, khi chúng tàn sát bao người vô tội thì cũng có những tên chưa mất hết tính người. Viên sĩ quan Nhật đeo kiếng kia phải chăng là một kẻ như vậy! Đang lúc đó, ba và ông nội cũng bò từ dưới dốc lên, cả nhà mừng mừng tủi tủi vì suýt nữa thì cả nhà đã qua bên kia thế giới. Ba mẹ nắm tay nhìn nhau, chưa hết kinh hoàng. Ba chị em tôi ôm ghì lấy ba vừa từ cõi chết trở về. Ông nội nện đầu gậy xuống đất thình thịch nói đĩnh đạc: - Đất Hồ Nam này không ở được nữa rồi. Ba đã già rồi, không nên làm vướng chân con cháu. Các con còn trẻ, không sao, hãy thu xếp đi sớm khỏi đây thôi! Các con lùi về hậu phương, tìm cách đến Tứ Xuyên! Đi đi! Nhất định phải đi đi! Ba mẹ và ông nội nhìn nhau. Thế là đã rõ, đại nạn đã bày ra trước mắt, chia ly là chuyện quá rõ ràng. Chỉ có điều không ai biết sẽ phải ứng phó với sự thật phũ phàng này như thế nào! Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !