Chuyện Giờ Mới Kể Truyện ngắn 35


Truyện ngắn 35
Khúc ngoặt

Đêm đã khuya. Tiếng chuông điện thoại đổ gắt. Nghe tiếng chuông đổ gắt trong đêm thanh vắng không thể cầm lòng. Tôi choàng dậy, với tay lên bàn. Một giọng nam nghe vừa lạ, vừa quen. Lão nào hâm thế, nửa đêm còn gọi. Không sợ chồng người ta nghe thấy sao. Hậm hực thế, chứ cũng không dám hỏi tên. Rõ đến lúc người kia như biết tôi chưa nhận ra mình, liền xưng danh: "Anh, Phúc đây. Em không nhận ra anh à?". Tôi vội "à" lên một tiếng, cốt giữ lịch sự. Mãi giây lâu mới mang máng nhớ ra người xưng tên Phúc đang cầm máy đầu kia. Mãi giây lâu bởi thời gian lùi xa lắm rồi, tôi và Phúc chưa bao giờ gặp nhau. Nhà cùng ngõ xóm, lại cùng học với nhau gần hết tuổi học trò. Gần hết tuổi học trò vì năm vào lớp mười, Phúc được ông anh làm Sở Kế hoạch Đầu tư, nhà ở phố, kéo lên trên ấy học. Bằng bẵng bấy lâu. Bảo rằng tôi và Phúc những năm tháng học trò không có gì kỷ niệm, cũng không phải. Mà bảo có kỷ niệm sâu đậm nghĩa tình, cũng không hẳn. Có điều chắc là suốt năm tháng ấy, cái còn lại dai dẳng trong tôi chỉ là lần chạy tí chết từ chỗ khúc ngoặt ngoài đồng về trong một đêm trăng hạ huyền.

Quê tôi đồng màu. Vào mùa bí đao, dưa chuột ruộng nào ruộng nấy tua tủa những giàn bí, giàn dưa làm bằng những cây tre dóc cao lêu đêu, nhưng lại đeo trên giàn lũng lĩu những quả dài thuồn thuỗn. Một tối, Phúc rủ tôi đi chơi ra đồng dưa. Ngồi trên bờ ruộng ngại gặp người, vì ruộng bí, ruộng dưa nhà nào cũng có chòi canh, nhỡ có ai đi lại thấy thì ngượng chết. Hai đứa kéo nhau xuống ngồi ở một rãnh luống khuất. Cả hai ngày ấy mới lên Đoàn, còn ý tứ lắm. Ý tứ lắm mà vẫn xúi quẩy, vừa ngồi xuống rãnh dưa chưa nóng chỗ, bỗng có tiếng đàn ông kêu thất thanh: "Trộm, có đứa trộm dưa làng nước ơi!". Vừa kêu ông ta vừa kéo quần đứng dậy. Thế là hai đứa cắm đầu chạy thục mạng. Đến khúc ngoặt ngoài đồng về làng mới dám dừng lại. Dừng lại, nhưng cũng không dám cùng nhau đi về. Mà Phúc đi trước, không quay lại, vừa cun cút đi vừa buông lại phía sau: "Anh về trước. Em nấp đâu đó chờ anh về một lúc, rồi hẵng về, nhá". Phúc sợ có người bắt gặp anh đi với tôi ra đồng dưa giữa đêm khuya


thanh vắng.

Tôi vừa cầm di động nghe Phúc nói, vừa lướt nhanh trong đầu ký ức tuổi học trò giữa tôi và anh những năm còn ở làng. Trong máy, Phúc nói gì tôi cũng chỉ mơ mơ màng màng. Cho đến lúc linh tính như mách, người đằng kia không tập trung nghe đâu, thì bỗng anh nói như quát vào máy, dồn dập: "Thế em có đến chỗ anh thật không? Đúng chín giờ. Anh muốn gặp em. Có việc rất cần!". Bấy giờ tôi mới như bừng tỉnh, nói giật cục: "Việc rất cần à... Chín giờ... Đến chỗ...". Anh cắt ngang, giọng gắt gỏng, khiêu khích: "Hay em giờ là nhà báo, quyền lực thứ tư rồi, không thèm gặp bạn cũ nữa thì bảo". Tôi đành hẹn anh vào giờ ấy giờ ấy thể nào tôi cũng đến.

Nhưng chưa đến giờ ấy, một chiếc xe con màu đen bóng đã đỗ xịch trước cổng tòa soạn, đón tôi. Nửa giờ sau, xe rời quốc lộ đi vào đường huyện. Cứ thế xe bon trên con đường trải nhựa phẳng lì, lướt qua làng xóm nhấp nhô nhà xây mái ngói, mái bằng. Có nhà còn chỏng chơ cái chóp nhọn chọc trời. Rời đường làng, xe băng qua cánh đồng lúa đang thì con gái mơn mởn non xanh. Một lúc xe đột ngột rẽ khúc, trông giống cái khúc ngoặt ngoài đồng về làng, có lần tôi với Phúc chạy tưởng đứt hơi từ ruộng dưa về. Vẫn đường trải nhựa, nhưng đúng là đường ngoài đồng, nhỏ hẹp hơn đường làng. Không có cây cối hai bên. Có vẻ như đường mới được nâng cấp, trải nhựa vài năm nay, chứ trước chỉ là đường đất gồ ghề sống trâu. Phải thế, công nghiệp về làng thì đường sá trong xóm ngoài đồng cũng phải khác, chứ chẳng lẽ cứ ổ gà, sống trâu mãi. Từ khúc ngoặt nhìn về phía trước đã thấy hiện ra một khu, trông xa cũng biết là khu công nghiệp, với bức tường xây chung quanh cao đến một đầu một với, quét sơn vàng chói, nổi bật giữa đồng lúa xanh. Sau tường bao lố nhố những dãy nhà lợp tôn xanh lẫn với nền xanh da trời. Nhưng cũng vẫn nhận ra đấy là những nhà xưởng sản xuất giày của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hồng Phúc. Tôi chăm chăm nhìn ra trước mũi xe như thâu tóm cả khu công nghiệp vào tầm mắt. Phải nói là địa thế đẹp. Một vùng đất chạy dài gần chân đê, nếu không có mấy nóc nhà trông như cái trại lẻ gần đó thì hoàn toàn cách biệt dân cư, chẳng còn lo ô nhiễm môi trường gì nữa. Quả là Phúc có con mắt tinh đời. Hồi còn học trường xã với nhau, lão học cũng thường, sử địa còn luôn phải thi lại là đằng khác. Thế mà chẳng lẽ mấy năm lên thành phố học, rồi lấy vợ, làm nhà, ở luôn trên đó lại dạy lão nên người nhanh đến thế. Thôi đúng rồi, Phúc có ông anh làm phó giám đốc sở kế hoạch đầu tư mới nghỉ hưu. Thể nào trước khi hạ cánh, ông anh chả lo cho ông em liền ruột không được một chốn bồng lai nơi địa giới, thì cũng hơn đứt cái tổ con chuồn chuồn, chứ sao chịu nước lép. Tôi mấy lần nhoài người lên ghế trên định hỏi cậu lái xe, nơi sắp đến kia là cơ sở của vợ chồng Phúc, hay những ai nữa mà to rộng thế. Nhưng cứ mỗi lần nhoài người lên, nhìn vào khuôn mặt rắn đanh của cậu lái, tự nhiên miệng tôi lại như gắn hàn the, không mở ra được. Còn cậu lái thì không biết trước khi đưa xe đi đón khách đã được giám đốc dặn những gì, mà từ lúc mở cửa xe cho tôi lên đến giờ, xe chạy đã gần tiếng đồng hồ, vẫn không hé răng nửa lời với khách. Duy có một lần, lúc xe mới rẽ ngoài đường huyện vào đường làng, cậu ta vẫn nhìn đường, nói với tôi như giải thích: "Lẽ ra em đưa chị đi lối đường kia thì gần, nhưng giám đốc dặn em đi đường này để chị có dịp qua làng quê". Tôi nghe bỗng thấy xốn xang trong lòng về sự chu đáo của Phúc đối với người bạn quê tuổi học trò. Định ngỏ lời cảm ơn, nhờ cậu về nói lại với Phúc, nhưng nghĩ chỉ lát nữa gặp nhau, lại thôi.

Xe dừng bánh trước cửa dãy nhà hai tầng kiến trúc đơn giản. Cửa đại, cửa sổ đều bằng nhôm kính. Dưới sân, trên cửa nhà đều láng xi măng, chứ không lát gạch men hoa sáng láng như tôi thấy ở nhiều nơi. Phúc quả là người thực dụng, tôi vừa mở cửa xe vừa thoáng nghĩ. Thì đã thấy anh bước đến, hai tay dang ra như chực ôm lấy tôi. Tôi vờ tụt guốc, cúi xuống chân để tránh cử chỉ đường đột của Phúc. Thì anh nhanh tay đón chiếc cặp trên tay tôi, đi vào nhà. Sau tuần nước lọc được cô nhân viên còn rất trẻ, vận áo trắng ngắn tay bỏ trong váy lửng trên đầu gối, xinh đẹp như hoa khôi, đưa tận tay mời, Phúc ra hiệu cho cô ra ngoài. Còn lại tôi và anh trong phòng khách. Anh không vòng vo úp mở, nói với giọng thân tình, gửi trao. Cậy duyên có má đào, từ lâu vẫn biết em là cây bút chủ lực của báo. Cũng là chỗ bạn học, lại cùng quê, anh muốn mời em đến, trước là mục sở thị người thật việc thật cơ sở của anh, sau là nhờ em viết cho công ty anh một bài đăng báo, càng sớm càng tốt. Vì tới đây, công ty anh nhận Huân chương Lao động. Đề nghị lâu rồi, đợt này chắc là được. Thế mà lại có bài viết về công ty ký tên em, một cây bút kinh tế chủ lực của báo, thì khác nào em cấp "chứng chỉ vàng" cho công ty anh còn gì. Anh nói một thôi một hồi. Tôi lặng lẽ ngồi nghe, cảm thấy mặt rân rấn đỏ. Cho đến lúc anh dừng lời, tôi cũng chưa biết nói sao. Bởi thực tình khi ấy trong tôi còn đang chộn rộn về những gì thấy tận mắt trên đường vào và thầm cảm phục anh, mới dăm năm xây dựng đã có cơ ngơi tưởng như phải làm hàng chục năm. Có lúc tôi đã nghĩ, ai có điều kiện xây dựng cơ sở công nghiệp cũng về nông thôn lập khu công nghiệp như anh thế này, thì đâu đến nỗi còn khoảng cách quá xa giữa thành thị và nông thôn. Nhưng ngẫm lại lời đề nghị của anh, tôi lại thấy chưa biết trả lời sao. Như hiểu ý nghĩ trong đầu tôi, anh đứng dậy rút ngăn kéo bàn, lấy ra cặp ni lông tài liệu, rồi vừa đưa về phía tôi, vừa nói: "Tất cả hoạt động của công ty anh từ khi thành lập đến nay đều có ở đây hết". Tôi cầm cặp tài liệu, định rút giấy tờ ra xem qua, nhưng anh vội ngăn, với một giọng thân tình và đầy vẻ nghệ sĩ: "Không cần. Em không cần xem bây giờ. Cứ cầm về nhà thư thả hẵng xem". Phúc nói xong thì cô nhân viên đẹp như hoa khôi cũng quay vào, mời tôi theo cô dạo một vòng thăm nhà xưởng.

Cuộc hẹn hò, đưa đón của Phúc với tôi đến công ty anh diễn ra chóng vánh. Nhưng nhiều khi sự chóng vánh lại như người già bảo, nhanh nhảu đoảng. Chẳng biết có đúng...

Tôi ở cơ quan về đến nhà chưa kịp thay quần áo, chuông cổng đã reo. Tôi giục con gái lớn học lớp mười một ra cổng xem ai. Nó vội quay vào lấy chìa khóa, bảo cô Ninh đến. Ninh cùng huyện với tôi nhưng khác xã, chơi thân với nhau từ hồi học cấp ba. Nay đứa nào cũng sắp lên bà nội bà ngoại, vẫn mày tao với nhau như thuở học trò. Vừa nhìn thấy Ninh vào tôi vội bảo, chiều muộn không về chợ búa, cơm nước cho chồng con, lại còn đến đây. Ninh vẫn giữ vẻ mặt tỉnh bơ, bảo, tao đến cũng vì mày đấy, mụ hâm ạ. Ông xã đã về chưa? Chưa hả. Vậy thì lên phòng mày nói chuyện. Rồi Ninh quay ra giục con gái tôi, Thắm, ra dắt hộ cô cái xe máy về phía sau. Bố Huấn đi làm về thì bảo hãy vào phòng khách nhá. Nghe cách Ninh nói với con Thắm, tôi đoán vợ chồng nó lại có gì xích mích nhau. Chả là chồng Ninh người thấp lùn, da đen, công bằng mà nói so với cô vợ dong dỏng cao, lưng ong thắt đáy, nước da trắng như trứng gà bóc, thì đúng là như đôi đũa lệch, nên anh chàng hay ghen, mười ngày thì bảy, tám ngày vợ chồng lời qua tiếng lại. Được cái cả hai đều ruột để ngoài da, bực lên xả ra một tràng trách cứ, mắng nhiếc, xong lại đâu bỏ đấy. Chứ không, vào nhà khác cũng chưa biết lành làm gáo vỡ làm muôi bao giờ.

Hai đứa lên phòng tôi trên gác. Vừa ngồi xuống cái ghế con trước bàn gương lược của tôi, Ninh hỏi ngay: "Mày đi công ty Hồng Phúc về đã viết bài chưa?". Tôi hơi bất ngờ trước sự quan tâm có phần thái quá của nó về công ty lão Phúc; và thực tình, trong thâm tâm tôi cũng nảy ra ý nghĩ ngờ vực Ninh. Chẳng lẽ Ninh lại chơi thân với Phúc? Từ bao giờ? Khi Phúc còn làm trên thành phố? Hay mới quen sau ngày Phúc ra ngoại thành lập công ty? Có thể lắm. Một "đại gia" như Phúc thì quan hệ rộng là chuyện thường. Biết đâu khi lão xin cấp đất lập khu công nghiệp lại không có nó "tư vấn". Rất có thể. Vì Ninh là thiếu tá ở Phòng Cảnh sát môi trường, công an tỉnh, tất có nhiều quan hệ với bên Sở Tài nguyên Môi trường. Thời nay người ta quan hệ chằng chịt ngang dọc, dưới trên, trong ngoài, có giời mà biết. Tôi lan man nghĩ về quan hệ giữa Ninh và Phúc. Giây lát, không quay nhìn Ninh, tôi buông câu hỏi có phần vặn vẹo: "Mày quen thân với lão Phúc hay sao mà quan tâm đến công ty lão thế?". Ninh bảo: "Tao chỉ biết chứ không quen, lại càng không thân". Dừng giây lát, nó nhìn tôi nói như giải thích: "Nhưng là bạn thân của mày, tao muốn biết lão Phúc cho xe đón mày xuống công ty, hẳn là để viết bài cho hắn, thì mày đã viết chưa? Chưa thì mày thôi ngay đi. Còn viết rồi thì đưa tao xem". Nghe giọng dứt khoát của nó, tôi nói thẳng: "Tao viết ngay sau hôm ở công ty lão về. Nộp biên tập rồi. Có khi mai báo đăng". Nghe tôi nói, Ninh bỗng ật người ra thành ghế, hai tay luồn ra sau gáy vuốt vuốt cái đuôi tóc thưa, chấm ngang vai. Nhìn cái kiểu luồn tay vuốt tóc sau gáy của nó, tôi hiểu ngay nó có điều gì không vừa lòng về tôi. Bao nhiêu năm chơi thân với nhau, tôi với nó không bao giờ để đứa nọ phải buồn phiền vì đứa kia, kể cả chuyện trong nhà lẫn ngoài xã hội.

Tôi ngồi lặng trên cái ghế đầu bàn ngóng đợi, và như đọc được sự căng thẳng đang diễn ra trong nó. Ninh dường cũng biết sự cảm nhận của tôi, sau giây lát vuốt tóc, nó đưa hai tay về phía trước như ôm lấy khuôn ngực đang đập rộn ràng, không hiểu vì lẽ gì. Rồi bỗng nó ngước nhìn tôi, hỏi chộp: "Mày có cách gì lấy lại bài báo ngay hôm nay không?". Tôi bật lên: "Để làm gì? Sao phải thế?". Nhưng nó lại nhìn tôi, cảm thông: "Thì mày cứ bình tĩnh. Mày có biết vì sao lão Phúc cho xe đến tận tòa báo đón mày không?". Tôi cũng nhìn thẳng vào khuôn mặt Ninh vốn thường ngày tươi tắn, dịu dàng, giờ như sắt lại, khô khan đến khó chịu, bảo, công ty lão sắp đón huân chương thì lão mời tao, hay bất cứ nhà báo nào đến viết bài, cũng là việc bình thường. Nhiều nơi thế, chứ không riêng Hồng Phúc. Tao đến tận nơi, thấy đúng là công ty lão có công đóng góp vào công nghiệp hóa nông thôn, làm thay đổi bộ mặt một vùng quê nghèo xưa kia thành vùng nông thôn mới, với đường sá khang trang, xóm làng trù phú. Ruộng đất có mất đi nhưng bù lại, một số đông lao động nông nghiệp được chuyển sang làm công nghiệp với mức thu nhập gấp ba, bốn lần làm ruộng. Hồng Phúc xứng đáng nhận huân chương. Không hiểu sao khi ấy tôi lại nhập tâm đến thế một đoạn dài trong bài tôi viết về công ty Hồng Phúc, nộp lên biên tập từ mấy ngày trước. Nghe xong, Ninh bỗng đứng vụt dậy. Tôi tưởng nó lại còn điều gì trút lên tôi nữa. Nhưng không. Nó chỉ nhìn tôi như cảm thông. Rồi dịu dàng, bảo: "Mày chỉ thấy cái bề ngoài. Với một mớ số liệu trong báo cáo năm sau cao hơn năm trước. Chứ không thấy cái khuất lấp đằng sau những con số mê muội và sự khang trang nhà xưởng, đường sá luôn bày ra trước mắt như lòe thiên hạ". Ninh dừng lại, nhìn tôi như dò xét. Nhưng thấy tôi vẫn im lặng, nó bảo, tao đồng ý với mày, công ty Hồng Phúc có đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa nông thôn; nhưng không vì thế mà bỏ qua cái hại do công ty lão gây ra cho nông dân. Tôi bật lên, nhìn thẳng vào Ninh dồn dập hỏi, cái gì? mày vừa nói cái gì? cái hại lão gây ra há? Không, tao không tin lão lại... Tôi không hiểu sao chỉ trong tích tắc lại mất hết bình tĩnh. Có lẽ sau lần đến công ty Phúc, với những gì tận mắt thấy tôi đã vô cùng cảm phục tài năng anh, và thật tình trong thâm tâm cũng thấy tự hào về người bạn tuổi học trò, nhà liền ngõ, từng để lại trong tôi ký ức khó quên mỗi lần có dịp về quê, ra cánh đồng, gặp khúc ngoặt nào cũng cảm giác như khúc ngoặt đồng làng đêm hạ huyền hai đứa chạy gấp hơi ngoài ruộng dưa về. Ninh như hiểu tâm trạng tôi, nó lặng lẽ ôm hai vai như đặt tôi ngồi lại ghế. Giây lát, nó bảo, tao biết mày với Phúc có quan hệ xóm láng, lại bạn học với nhau. Nhưng trong trường hợp này, tao chỉ muốn giữ thể diện cho mày, một nhà báo, một bạn thân con chấy cắn đôi của tao. Chứ còn lão Phúc, giờ thì tao phải nói thật với mày, lão và cái công ty mang tên hai vợ chồng lão Hồng Phúc, không đáng nhận huân chương, không đáng biểu dương trên báo. Nhưng lão lại đang muốn bằng mọi cách "đánh bóng" công ty, để khỏa lấp cái tội xả nước thải trong khu công nghiệp giày của lão suốt mấy năm nay ra ngoài kênh đầm, đến mức bèo tây cũng không sống nổi. Dân trại lẻ đã đơn từ kiện cáo bao nhiêu lần lên xã, lên huyện, nhưng đều bị lão giở bài "nắm xôi nhét miệng" mấy ông lãnh đạo nên đều cho qua hết. Mãi gần đây qua tin tức của dân, Phòng Cảnh sát môi trường công an tỉnh mới cử trinh sát về "nằm vùng" theo dõi và đã bắt quả tang công ty Hồng Phúc xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường. Mức độ ô nhiễm là rất nặng, gây hậu quả nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh, nhất là với hàng trăm hộ dân ở trại lẻ gần đó. Đúng là lợi bất cập hại. Mà cái hại này mới dằng dai, âm ỉ vì nó ngấm vào nước, thấm vào đất, và cả gặm nhấm lòng tin của dân vào đường lối công nghiệp hóa nông thôn. Ninh đã dừng lời, mà mặt tôi cứ nghệt ra. Dường như Ninh cũng thấy cái mặt tôi cứ nghệt ra, nó nhìn tôi cảm thông: "Mày bình tĩnh lại đi. Rồi gọi điện cho sếp xin rút lại bài báo, hoặc đến trực tiếp trình bày để sếp thông cảm". Tôi thật chưa bao giờ gặp sự trớ trêu thế này, dẫu tôi đã có hơn chục năm làm báo, nghe lời Ninh lúc này là cả một việc khó khăn. Ninh giục đến lần thứ hai, thứ ba tôi vẫn ngồi bất động. Nó lại nghĩ tôi chưa tin, liền bảo, mày có biết vì sao hôm mày đến công ty, tay lái xe không đưa mày đi lối đường huyện thẳng vào, mà lại đi vòng đường làng ra không. Ninh nói làm tôi nhớ, lúc ngồi xe, cậu lái cũng bảo, đi lối đường kia qua trại lẻ thì gần, nhưng giám đốc dặn em đưa chị đi lối này để chị có dịp qua đường làng quê. Lúc ấy tôi đã thấy xốn xang trong lòng về sự chu đáo của Phúc. Chứ nào biết...

Thấy tôi cứ ngồi đuột ra, Ninh bảo, chỗ tao với mày, tao không muốn mày làm thợ "đánh bóng" không công cho lão, tao mới đến, chứ người khác tao cũng chẳng rỗi hơi. Mà thôi, muộn rồi, tao về đây. Mày có điện cho sếp lấy lại bài, hay để lát nữa đi qua tao rẽ vào tòa soạn bảo lão cho. Mày bảo có khi lão còn vặn vẹo quát nạt, chứ tao bảo thì im re. Ninh vừa nói vừa cười khinh khích, rồi cầm cái túi xách treo thành ghế, đứng lên đi ra cửa. Tôi tiễn nó xuống nhà mà lòng thầm cảm ơn số phận đã cho tôi một người bạn như Ninh. Nó đã đỡ cho tôi gánh nặng phải đối mặt với sếp trong tình huống trớ trêu này. Mà sếp tôi, nói trộm vía, vốn dại gái. Lại gặp gái như Ninh, ngoài ba mươi vẫn đẹp như tiên sa, thì dẫu bài chưa vào ma-két,
chứ vào rồi, bảo bỏ ra cho con bạn thân của em anh nhé, sếp cũng
ô-kê ngay.

 

Hè 2012

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86050


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận