Chuyện Tình Viên Phó Sứ Chương 5


Chương 5
Vui vẻ...

Nhận ra trong tay mình có mảnh giấy nhỏ của Quế, không kịp đọc, Misen cẩn thận bỏ vào túi áo ngực bên trái rồi chạy vội cho kịp lên xe ra máy bay. Anh đón lấy con từ tay các bạn đồng hành, đặt hai đứa ngồi lên hai bắp vế, rồi nhẹ nhàng áp sát mặt cả hai con vào lồng ngực mình, như một lời thầm hứa với Quế, rằng anh sẽ làm trọn cả trách nhiệm của người bố và người mẹ, chăm lo chu đáo cho các con. Thấy Misen vừa nãy đã bịn rịn mãi không dứt nổi, bây giờ đã ôm các con trong tay mà nét mặt vẫn rầu rầu, chúng bạn có người cười, có người an ủi:

- Về trước, ít nữa làm thủ tục hợp thức hóa rồi đón cô


ấy sang.

Misen hơi nhếch miệng cười ngượng ngùng, nói lời cảm ơn sự đồng cảm của các bạn. Trong lòng mơ hồ nghĩ tới một ngày không xa, anh lại trở về xứ sở này đón Quế để cho các con được gặp mẹ, để cho vợ chồng được sống bên nhau, và... để cho anh được giới thiệu cùng cha mẹ người đàn bà anh yêu dấu duy nhất trên đời.

Khi đã sắp xếp cho các con ngồi yên vị trên máy bay rồi, Misen sờ tay lên túi áo ngực, cẩn thận lấy ra mảnh giấy nhỏ của Quế: mảnh giấy được gập làm tư, rọc từ quyển vở học trò có những dòng chữ bình dân run run mà nắn nót:

"Đêm chia tay tại Hà Nội em yêu mình nhiều hôn mình nhiều. Mình ơi em nhớ mình, bao giờ em quên được mình, mình ơi từ mai trở đi đời em sống có một mình, không biết chúng ta có gặp nhau nữa không hay là hết rồi. Tháng 8-1945 tại Hà Nội".

Mảnh giấy chỉ có ngắn ngủi mấy dòng chữ viết chưa thạo, chấm phẩy linh tinh, viết hoa không đúng chỗ vậy mà thu hút tất cả tâm trí Misen. Anh như không còn nghe gì, thấy gì chung quanh nữa. Tất cả trong anh chỉ còn lại hình ảnh Quế, trong phút chia xa, trong lần đoàn tụ, trong những ngày chăm chồng ốm... Và lùi xa về dĩ vãng là hình ảnh bẽn lẽn, ngại ngùng, e lệ của Quế trong tấm áo dài hồng hơi quá khổ với giọng hát ca trù đầm ấm dịu dàng trong cái buổi tối ngọt ngào như một mốc son, một dấu ấn không thể phai nhòa của đời anh.

Những dòng chữ chân tình và đầy thương cảm ấy của Quế, đã đi cùng Misen trong suốt cả cuộc đời.

Đứa con nhỏ ngồi trong lòng Misen giật áo bố đòi đi tè, Misen giật mình quay trở về với thực tại. Anh lóng ngóng dẫn con ra toalét. Mười mấy tiếng đồng hồ trên máy bay, ông bố trẻ da trắng tóc vàng cứ loay hoay mãi với các con, hết bón cho đứa lớn ăn, lại ru cho đứa bé ngủ... Misen không còn thời gian nghĩ đến việc ăn uống của riêng mình. Gần sáng hôm sau, chiếc phi cơ chở ba cha con Misen từ từ hạ cánh xuống sân bay Đờgôn. Vừa dắt díu hai đứa trẻ ra khỏi khu vực cách ly, Misen đã thấy bố mẹ và em gái mình ra đón.

 

 

2

 

Việc trở về của Misen ở nhà đã được báo trước. Nhưng hình ảnh Misen lếch thếch đi cùng hai đứa nhỏ lút cút, gầy tong teo, với hai mái tóc chỉ mới mọc lởm chởm đã làm cả gia đình anh ngỡ ngàng.

- Misen! Sao không nghe nói gì về chuyện này?

Chưa kịp mừng sum họp, Misen đã loáng thoáng nghe thấy những câu hỏi đầy thắc mắc đó, và cảm nhận thấy vẻ mặt không vui của mọi người, đặc biệt là thấy được cái nhíu mày khó coi của mẹ anh. Người đàn ông vừa đi xa về, đã linh cảm dự đoán cái gì sẽ nổ ra, và anh đã sẵn sàng một kế hoạch để đối phó.

Những người trong gia đình Misen chưa ai mặn mà với hai đứa bé nhưng cũng nhiệt tình giúp đỡ Misen đưa chúng lên ô tô. Misen cố gắng bình thản như chưa nghe gì thấy gì, anh dạy hai đứa con lễ phép chào ông bà và chào cô. Hai đứa con lai ngỡ ngàng nhìn những người lạ, rồi cũng ngoan ngoãn làm theo lời cha. Nhìn hai đứa trẻ cũng sạch sẽ và hao hao giống Misen, người nhà anh có yên lòng hơn một chút.

 

Cái sự "Không nghe nói gì về chuyện này" đó, đúng là lỗi của Misen. Mấy lần nhận được thư mẹ giục về lấy vợ, Misen có trả lời thì cũng chỉ ậm ờ nhắc đi nhắc lại có một vài câu, rằng "con chưa lấy vợ, để còn lo cho sự nghiệp", rằng "con còn bận công việc bộn bề, chưa thể nào xin phép về". Cố nhiên tuyệt đối giữ bí mật về chuyện anh đã có hai đứa con với một người đàn bà bản xứ - người đàn bà chẳng những không ở trong giới thượng lưu, mà thậm chí, còn là người gần như đã bị rơi xuống tận đáy của cái xã hội thuộc địa. Cho nên, bà mẹ của Misen cứ ra công kiếm tìm, ướm hỏi những chỗ nào mà bà cho là "môn đăng hộ đối". Người bà chọn sẽ là con vị thị trưởng quận 16 Pari vừa mới đắc cử. Cô này gốc Pháp, chính cống Pari, dáng người thanh thoát, đã tốt nghiệp đại học Soócbon và đang được mẹ cô đầu tư cả về tiền tài và kinh nghiệm để trở thành một thương gia có hạng. Nghĩa là, theo mẹ Misen, bà đã nhắm cho con trai một cô gái ưu tú. Mặc dù cô gái chưa nói lời ưng thuận, vì chỉ mới được xem ảnh và nghe kể chuyện chứ nào đã một lần biết mặt ý trung nhân của mình, nhưng hai bên bố mẹ thì đã đi lại mấy lần, gần như đã có một lời đính ước. Biết Misen sẽ về, cả hai gia đình nhà Misen và nhà thông gia tương lai (mẹ Misen nghĩ thế) rất đỗi vui mừng.

Vậy mà...

Bữa cơm gia đình đầu tiên mừng đón Misen về đang vui vẻ bỗng dưng lắng xuống khi mọi người bắt gặp cái nhìn nghiêm khắc của bà mẹ Misen ném về phía hai đứa trẻ mới tới. Đành rằng bà đã công nhận chúng nó có nhiều nét giống Misen, nhưng bà muốn ngoại trừ điều đó, bà quan sát tỉ mỉ thử coi mẹ chúng nó là người thế nào, liệu có những gì dễ coi được phản ánh trên gương mặt của những đứa con thị. Cô em gái Misen miên man nghĩ: biết đâu hai đứa trẻ này chỉ là kết quả của những phút chơi bời buông thả của giới mày râu mà thôi. Bà mẹ Misen vẫn trầm tư, ngầm tính toán: cho dù ở Đông Dương, Misen đã phải lòng một cô gái nào đó để đến nỗi có với nhau hai mặt con nhưng không cưới hỏi đàng hoàng, không có giấy giá thú thì sao có thể gọi là vợ? Mà cho dù Misen có coi cô ấy là vợ, thì vợ ấy cũng đang nơi chân trời góc biển. Có rồi cũng như không thôi. Misen, con trai duy nhất của bà, niềm tự hào của dòng họ Butê nhất định phải có vợ đàng hoàng. Vợ Misen, nếu không phải là Cannét, cô gái mà bà đã lựa chọn, chí ít, cũng phải là một người con gái da trắng, có học và được giáo dục cẩn thận.

Bắt đầu từ đó, gần như hôm nào về tới nhà, Misen cũng phải chịu một áp lực nặng nề từ phía gia đình. Chỉ trừ ông bố của Misen là không nói gì, vì ông không được khỏe, và cũng vì, hình như ông tin tưởng vào sự lựa chọn của con trai mình. Còn bà mẹ, cô em gái Misen và hầu như cả họ hàng chú bác hễ thấy mặt Misen đều tìm mọi cách thuyết phục anh lấy vợ. Cô Cannét, con gái ông thị trưởng quận 16 Pari vài lần tới chơi, thấy Misen chỉ tiếp đãi xã giao mà hờ hững trong quan hệ tình cảm, đã tự ngãng ra. Song, ý định tìm vợ cho Misen - tìm một người đàn bà da trắng, một cô đầm Pari xinh đẹp thì chưa bao giờ ngừng thôi thúc trong gia đình Misen. Người đàn ông này cứ phải chịu sức ép của gia đình như thế năm này sang tháng khác.


 

3

 

Khi chia tay Quế, đưa các con về cố quốc, Misen không dám hứa chắc với vợ nhưng vẫn đinh ninh trong dạ rằng chỉ 3 - 4 tháng sau, khi cơn khủng hoảng qua đi, trật tự ổn định trở lại thì nhất định Misen sẽ về lại Việt Nam đón Quế sang. Rồi anh nghe ngóng tình hình, xem xét mọi khả năng.

Nhưng ngay sau khi chiếc phi cơ chở bố con anh cất cánh bay về nước chừng hai tuần lễ, thì ở Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã thành công. Và ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cuộc trở lại của Misen đã khó lại càng khó hơn gấp bội khi toàn thể nhân dân Việt Nam, trai gái già trẻ, đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, tiến hành một cuộc kháng chiến chống Pháp. Vậy là người Pháp ở Việt Nam lúc này, chẳng những không mảy may còn một chút nào ấn tượng về con người đi "khai hóa", đi "bảo hộ" người bản xứ (như Misen vẫn tưởng) mà thực sự đã trở thành kẻ thù, đứng ở bên kia chiến tuyến của người Việt Nam. Lòng Misen nhức nhối!

Thời gian cứ trôi qua. Hai năm rồi. Hai năm Misen thương nhớ và lo lắng cho Quế. Không biết Quế sẽ sống ra sao trong thời buổi khó khăn này? Không biết những người bạn ViệtNamcó còn cưu mang đùm bọc Quế hay là họ đều sợ liên lụy? Mỗi lần cầm lòng không đặng, Misen lại mang mấy tấm ảnh của Quế ra nhìn ngắm: Quế, khi là một đào nương, dịu dàng trong tấm áo tứ thân mớ ba mớ bảy, tóc bỏ đuôi gà, ngồi xếp chân trên sập gụ, hai tay uyển chuyển gõ phách hòa với giọng hát mượt mà của cô trong một câu "Sẩm huê tình", khi là hình ảnh cô hàng xén duyên dáng với mái tóc chải bồng, mặc áo cánh phin, và cổ đeo vòng vàng. Và đây nữa là hình ảnh cuối cùng của Quế trong buổi chia xa (Quế đang ôm hai đứa con) mà người bạn đồng ngũ của Misen đã tình cờ ghi được khi anh ta vào giúp bạn đưa bọn trẻ ra máy bay. Rồi Misen lại lần giở tới kỷ niệm cuối cùng của Quế. Đó chính là những dòng chữ xót xa mà ngọt ngào Quế viết run run trên mảnh giấy học trò và đã thông minh kịp đặt vào lòng bàn tay anh.

Misen vẫn chưa tìm được một công việc gì đáng làm. Nhận những đồng lương trợ cấp tạm thời với những vị trí nhỏ nhoi không ổn định, anh dồn tất cả thời gian tâm huyết chăm sóc hai đứa con. Anh muốn dành hết tình cảm và vật chất cho bọn trẻ để bù đắp cho các con nỗi thiệt thòi thiếu mẹ, và để lòng anh đỡ phần cảm thấy trống trải, xa nhớ Quế. Là một người con có hiếu, Misen cũng an tâm rằng mình đang được rảnh rỗi phụng dưỡng mẹ cha, chuộc lại những ngày sống xa nhà anh đã quá vô tâm, lơ đễnh. Em gái Misen đã đi lấy chồng, cháu ngoại hai ông bà Butê ở xa. Vì vậy lâu dần, ông bà nội cũng yêu thương quyến luyến hai đứa cháu nội. Chúng nó đã bắt đầu nói tiếng Pháp. Bà Butê thấy vui. Thỉnh thoảng, đêm đêm, bà đến ru các cháu ngủ bằng một vài câu chuyện cổ. Và Misen cũng thỉnh thoảng vào buổi chiều, đưa cả bố mẹ và các con dạo chơi dọc bờ biển Macxây lộng gió. Misen đã tưởng cứ thế rồi gia đình sẽ đầm ấm, và mọi chuyện về anh sẽ qua. Nào ngờ, khi chỉ còn lại hai người, bà Butê năn nỉ chồng:

- Ông phải bảo thằng Misen chứ. Ông phải thuyết phục nó lấy vợ chứ. Chẳng lẽ ông cam chịu dòng họ Butê từ nay không còn người nối dõi tông đường?

Ông Butê như bị đụng chạm đến một cái "huyệt" trong sâu xa lòng mình, ông nói hơi cáu kỉnh:

- Bà làm sao được thì làm.

Bà vợ biết ông già không phản đối. Vậy là "một chiến dịch" thúc ép Misen lấy vợ mới lại dồn dập đến.

Ở ViệtNamlúc này, quân đội Pháp đang bị lực lượng kháng chiến tấn công mạnh. Chiến dịch Biên giới đã được mở. Rồi nhanh chóng Tây Bắc được giải phóng. Người lên như nước vỡ bờ. Misen bấy giờ không còn dám mơ tới chuyện trở lại Đông Dương đón Quế. Misen buồn bã, thất vọng. Những khi ngồi một mình, khi mà hai đứa trẻ đã chìm sâu trong giấc ngủ thì Misen nằm trầm tư: anh xót xa cho cuộc tình duyên éo le, lận đận của mình, anh thương cho thân phận long đong khốn cùng của Quế. Rồi anh ngồi dậy đốt thuốc lá, cán thuốc đầy cả một đĩa gạt tàn trên cái bàn làm việc của Misen.

Bỗng một hôm, Misen nhận được mệnh lệnh điều anh đi làm việc ở châu Phi xích đạo. Misen gửi hai con lại cho bố mẹ rồi nhanh chóng lên đường. Bà mẹ anh bàng hoàng: "Đã không kịp cưới vợ cho con, giờ nó lại phải đi tới nơi xa xôi ngàn dặm muôn trùng cách trở như thế, biết bao giờ mới lại được gặp nó". Vừa than vãn vừa khóc, bà Butê cứ ngỡ như người ta đưa con mình đi đày ải nơi rừng thiêng nước độc ở một xứ sở lạ hoắc nào đó. Ông Jean Butê đặt bàn tay nhăn nheo của mình lên bàn tay vợ giây lâu an ủi, dỗ dành:

- Mệnh lệnh là mệnh lệnh. Phải đi thôi. Châu Phi xa xôi thật, nhưng rồi vài năm con nó lại xin nghỉ phép về một lần. Thì cũng như hồi nó làm việc ở Đông Dương ấy mà. Mình đừng lo, đừng buồn quá con nó lại không yên tâm mà đi.

Rồi hai ông bà Butê nén lòng đưa hai đứa cháu nội tiễn bố nó ra sân bay, với lời hứa ở nhà sẽ giúp con trai chăm sóc thật cẩn thận hai đứa cháu.

 

 

4

 

Misen xách va li lên đường, lòng nặng trĩu lo âu. Hai đứa con còn ngây thơ trứng nước của anh đè nặng lên vai bố mẹ già mà đáng lẽ chính anh phải dốc lòng phụng dưỡng! Hai đứa trẻ tội nghiệp đã vắng mẹ, từ nay lại phải xa cha thì nào có khác chi thân phận của những trẻ mồ côi! Mà đã sang Phi châu thì con đường về ViệtNamsẽ vô cùng vô tận! Misen tuyệt vọng không còn dám mơ tới một ngày trở lại tìm Quế! Anh chỉ còn một chút an ủi khi mang theo trong hành lý vài vật kỷ niệm ít ỏi của Quế và mấy tấm hình vợ con.

Sau một chuyến đi suôn sẻ từ Macxây đến Cavơgin, Misen may mắn gặp lại một trong những người đã từng cộng tác ở Lào Cai, bác sĩ trung úy Poóctơ. Anh rất vui khi thấy ông này đã đeo bốn sao, lãnh đạo một bệnh viện. Misen nói lời cổ vũ chân tình với bạn thay vì nói một lời chúc mừng:

- Anh là một người rất có khả năng theo đuổi con đường binh nghiệp với những ngôi sao trên quân hàm.

Hạ cánh ở Băngghi, thủ đô của Cubăng Ghisaghi, Misen được giới thiệu với ngài thống đốc. Ông này đón tiếp Misen với thái độ cởi mở, nồng nhiệt. Và ngay sau đó, Misen được giao phụ trách phòng làm việc của ông ta thay cho một người là Báctêlêmi đã nghỉ hưu. Misen cảm ơn ngài thống đốc nhưng lại chân thành bộc bạch với ông ta:

- Chừng nào còn làm việc ở châu Phi, tôi còn thích chui lủi trong bụi rậm nhiều hơn.

- Hiện nay chưa có một ghế sếp nào trống. Ông phải chờ đợi bằng cách tạm điều hành một mảng dịch vụ xã hội. - Ông thống đốc nói.

Misen vui vẻ chấp nhận và sẵn sàng thừa hành nhiệm vụ.

Cubăng Ghisaghi được Pari (Chính phủ Pháp) coi là nơi được thừa hưởng nhiều nhất chính sách thuộc địa của Pháp. Cubăngghi còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, mức sinh hoạt nghèo nàn, và trình độ dân trí quá thấp. Trừ thủ đô Băngghi có đường rải nhựa, còn hầu hết đường sá đi lại rất tồi. Nhưng Cubăngghi có hàng cây chạy giữa cánh rừng, trên con đường uốn lượn theo dòng sông, cành lá xum xuê, thân thẳng tắp rất đẹp. Dân cư ở đây sống bằng nương rẫy. Nhiều người chuyên đi hun chuột, muông thú và cá đều rất hiếm, vì cỏ dại đã làm cho nguồn nước bị đầu độc. Bởi thế, rất ít người sống bằng nghề săn bắn hay đánh cá. Cho nên nguồn thức ăn cạn kiệt. Bữa ăn có cá hộp đã là quý hóa và sang trọng lắm rồi.

Một hôm, Misen đang tìm tư liệu trong một tủ làm việc thì thấy một con chuột đang bới giấy tờ. Anh gọi người giúp việc. Anh này liền vồ ngay lấy con chuột một cách rất khéo léo. Chỉ nhìn ánh mắt sáng lên và bộ mặt rạng rỡ của anh ta lúc đó, Misen cũng thừa biết rằng anh ta đang thích chí nghĩ tới bữa cơm chiều với thịt chuột.

Chính phủ Pháp quyết định dành cho châu Phi quyền độc lập. Nhưng ai mà chẳng biết đó chỉ là danh nghĩa bề ngoài, chứ thực chất bên trong vẫn đặt quan cai trị, và vẫn coi châu Phi là một thuộc địa cần"khai hóa" của chính quốc Pháp.

Misen được cử đến Phi châu chỉ để thực thi trách nhiệm của một nhân viên hành chính. Mặc dầu vậy, anh không ngừng đưa ra những đề nghị với cấp trên về việc lập những trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học phổ thông
để đón những em da đen xuất sắc tới trường. Anh còn lập dự án thay thế dần những quan chức và nhân viên người Pháp bằng những cán bộ châu Phi. Song dự án này đã không được thực hiện.

Khi tướng Đờgôn đến thăm Băngghi, một cuộc biểu tình lớn hàng nghìn người của dân bản địa đã nổ ra để phản đối ông ta và phản đối chính phủ Pháp. Misen tình nguyện nhận nhiệm vụ làm ổn định tình hình. Anh không dùng vũ lực, mà dùng lời lẽ rất thuyết phục để phân tích rằng: Nếu Pháp không được nhân dân Cubăng Ghisaghi ủng hộ thì nơi đây có thể thành thuộc địa Đức. Khi đó, cuộc sống của người Cubăngghi sẽ càng tồi tệ hơn. Và khi đối thoại trực tiếp với nhân dân nơi đây, Misen còn thông báo cho hội cựu chiến binh của họ rằng họ có quyền tự do biểu tình, nhưng khi cần, sẽ bị can thiệp để giữ trật tự. Trong trường hợp đó sẽ có người bị thương. Điều đáng tiếc đó, anh không muốn diễn ra. Những người lãnh đạo biểu tình nghe ra, và họ quyết định hủy bỏ lệnh biểu tình. Khi bắt tay Misen, tướng Đờgôn nghĩ rằng ông ta không bị sự nguy hiểm nào rình rập nữa. Và quả vậy, việc đón tiếp Đờgôn ở Cubăng Ghisaghi đã được diễn ra tốt đẹp.

Ít lâu sau, sếp của vùng này là Tagabugia nghỉ việc vì thiếu sức khỏe, quân số giảm sút, và không có cấp phó. Vì vậy, thống đốc đã giao cho Misen quyền chỉ huy vùng này và yêu cầu anh trong một thời gian ngắn nhất, phải ổn định tình hình và công việc ở đây.

Vùng Mpumu của Misen là một vùng ở cực đông của châu Phi xích đạo, sát biên giới Xuđăng và Cônggô, nằm trong một hình tam giác cao hơn 300 km, đáy 600 km. Diện tích bề mặt là 1.000.000 km2 (bằng 1/5 diện tích nước Pháp) mà chỉ có 108.000 dân, tập trung ở thung lũng Saghi. Tư lệnh cũ vùng này đã xây dựng một làng hành chính dọc sông để cai quản. Dân cư gồm hai dân tộc chủ yếu: người Agjacara ở phía Tây, và người Agiăngđê ở phía Đông. Các nhà địa lý chọn các dòng sông làm biên giới: một bộ phận thuộc Cônggô, một bộ phận là thuộc địa Pháp, còn một phần thuộc Xuđăng. Ngôn ngữ là tiếng Xănggô - một loại tiếng đơn giản. Họ dùng nhiều từ mới bắt nguồn từ tiếng Pháp. Khi họ rống lên một tiếng dài là đồng ý. Họ nói cộc lốc có nghĩa là không.

Misen nhận thấy rằng không biết tiếng của họ thì chẳng thể thực thi nhiệm vụ, chứ chưa nói gì đến chuyện có thể giúp ích cho họ như lòng anh mong muốn. Cho nên, Misen gần gũi người dân địa phương, giao tiếp với họ, và anh đã học được tiếng Xănggô chỉ trong ba tháng. Nhờ vậy Misen đã có thể làm việc với họ một cách tự nhiên và hiệu quả.

Chiếc cam nhông là một báu vật của Misen. Anh ta tự lái xe, trong xe có chăn màn, quần áo, bếp ga, thức ăn dự trữ..., nghĩa là đủ cả. Tài xế của Misen chỉ làm việc bảo dưỡng xe, và chèn xe khi xe lên đồi. Anh Bếp thì phụ trách ăn uống và gác.

Misen thường đi kinh lý trong vùng một mình. Những lúc đó, Misen gần như "thả phanh" phóng hàng tiếng đồng hồ vào trong rừng sâu. Như một nhà lâm sinh học, anh quan sát tỉ mỉ thảo mộc và muông thú, quay camêra và ghi chép những đặc điểm của rừng châu Phi, hào hứng so sánh sự khác nhau của nó so với rừng châu Âu, châu Á... Và anh cảm thấy lòng mình thật là thư thái, nhẹ nhõm! Lắm khi Misen thú vị tự cười với mình: tại sao mình lại không trở thành một nhà khoa học nhỉ? Rồi Misen dừng xe lại trước những dòng sông trong xanh, chờ đợi sự xuất hiện kỳ thú của một con cá mập, hay chỉ là để suy ngẫm về sự biến hóa của tạo vật trước vũ trụ mênh mông, bao la. Những lúc đó, Misen quên đi tất thảy gia đình, vợ con, công việc, và chính bản thân mình, anh cũng quên đi. Và thời gian cứ trôi qua. Những khi có các quan chức địa phương đi cùng thì Misen chỉ lo làm phận sự: thăm hỏi người này, người khác; phát hiện và giải quyết các vấn đề về an ninh xã hội. Những chức dịch địa phương kiêu hãnh bắt tay Misen và tiếp đón anh rất nhiệt tình, bởi họ tin rằng người da trắng là một thực thể cấp cao, hùng mạnh, đến đây để bảo vệ họ. Những người thưa kiện muốn vào, họ chỉ cần vỗ tay một tiếng. Khi được Misen mời vào, họ chân thành bộc bạch yêu cầu và nhận được những lời khuyên xác đáng của anh.

Người châu Phi không có những cán bộ nòng cốt để tự quản lý, tự cai trị. Vì vậy, người địa phương yêu cầu những người da trắng di cư nhận nhiệm vụ đó. Những người da trắng do lý do chính trị nào đó, họ muốn định cư tại đấy.

Có một kiều dân da trắng đã đến định cư ở Băngghi. Ông ta trồng cà phê, mở cửa hàng, trồng rau và bán các mặt hàng cần thiết cho đời sống, đặc biệt là cần thiết cho những cuộc du hành vào rừng xích đạo rậm rạp như thuốc, quần áo, gương lược, chăn bạt...

Trong cam nhông, người ta phải chuẩn bị đủ mọi thứ, vì suốt 100 km không có một chỗ sửa xe nào. Xe hỏng phải tự sửa. Cần mua một phụ tùng phải đi hàng 400 km. Bởi thế, khi ông Guétpa, kiều dân da trắng định cư nói trên hỏng xe, tìm đường đi mua phụ tùng, thấy một cô gái địa phương xinh đẹp đi kín nước, ông ta cười làm quen và "ngỏ ý". Cô gái cười đáp lại và... "phục vụ" ông ta. Vậy rồi... Guétpa đã để lại cho cô một đứa bé xinh xắn. Hằng năm, ông ta lại trở về đây với mẹ con cô gái. Và cô ta rất hạnh phúc.

Một quan chức địa phương nói với Misen về thứ vũ khí thô sơ mà rất lợi hại của họ. Có khi Misen còn chứng kiến họ ăn thịt kẻ bị hại một cách thú vị. Những chuyện đầy ấn tượng như thế thường có trong các chuyến kinh lý của Misen. Thời gian này ở Cubăng Ghisaghi đang là mùa mưa, các phương tiện giao thông không thể hoạt động được. Tình huống ngày càng bi kịch: bệnh viện không còn, quân số giảm, ngựa không có trong khoảng 200 km. Về mùa khô, đường sá cũng rất xấu. Muốn đưa một người đến bệnh viện phải đi cam nhông chừng 400 km. Trong trường hợp bác sĩ quyết phải mổ thì mặc dù điều kiện y tế không cho phép, Misen cũng đành cho phép.

Thấy ở nơi đây không có một mối liên hệ nào giữa các vùng, không có cột mốc nào đánh dấu biên giới, Misen chủ động tự liên hệ với các quan chức các vùng ngang cấp mình. Ông ta đến chào các vị lãnh đạo vùng, nói về sự yếu kém của tình hình chính trị, kinh tế các vùng và về nguy cơ can thiệp của người Anh, người Nga...

Trên đường trở về Băngghi, miền châu Phi xích đạo của mình, Misen lạc mất lối. Ông mở địa bàn, đang loay hoay tìm đường ra, thì may thay, có một thổ dân người Agiăngđê Bơmu đã tình nguyện đưa ông về. Misen đồng ý với điều kiện người này sẽ để lại vũ khí của anh ta cho người Pháp giữ khi đi qua biên giới. Mỗi chuyến đi kinh lý như thế, tiêu phí của Misen hàng tháng trời, nhưng giúp anh quên thời gian, và ít nhiều còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, khi tự thấy mình làm được điều gì đó có ích cho người dân nghèo sở tại.

Nhưng vào mùa mưa, mưa kéo dài cả ngày này sang ngày khác, đường sá lầy lội, giao thông bế tắc, phải nằm dài ở nhà, Misen buồn bã, chán nản. Những khi đó, ông thường ngồi thẫn thờ, thương vợ, nhớ con. Thỉnh thoảng ông gửi thư về nhà và nhận được thư bố mẹ đáp lại. Tình hình ở nhà nhờ trời cũng suôn sẻ cả. Hai ông bà già có khi trái gió trở trời nhưng rồi lại gượng dậy được. Hai đứa bé được ông bà nội chăm sóc chu đáo. Chỉ có Quế thì vẫn biệt vô âm tín. Misen thương xót, nhớ nhung, lo lắng cho vợ mà không biết giãi bày cùng ai cho khuây khỏa. Ông chỉ còn cách ngồi bần thần mở 4552 ảnh và giở những vật kỷ niệm ít ỏi của vợ ra xem lại. Rồi một hôm, ông đột ngột nảy ra sáng kiến viết nhật ký. Nhưng không phải viết nhật ký cho mình mà chính viết cho vợ: ông muốn bộc lộ nỗi lòng xa nhớ của mình với Quế, với niềm hy vọng xa xôi, mơ hồ rằng một ngày nào đó... Quế sẽ đọc thấy những dòng tâm sự chân tình đến đứt ruột, não lòng của ông hôm nay, ở cái xứ sở châu Phi xích đạo cách trở ngàn trùng này. Misen viết bằng tiếng Pháp:

"2-8-1955

Em Quế thương yêu,

Từ ngày phải chia tay em, đến nay đúng mười năm rồi.

Mười năm ấy có bao nhiêu biến cố lớn lao của thời
cuộc. Mười năm ấy cũng có biết bao thay đổi trong cuộc đời anh.
Chỉ có một điều duy nhất không đổi là anh nhớ em và vẫn tha thiết yêu em.

Quế ơi! Thật chẳng ngờ dạo ấy - tháng 8 năm 1945, đã ngoài 35 tuổi, đã từng làm việc nhiều năm, vậy mà anh vẫn còn ngây thơ, khờ dại quá chừng.

Anh những tưởng chúng ta xa nhau chỉ là tạm thời thôi. Anh vẫn đinh ninh rằng chỉ vài tháng sau, tình hình ổn định, anh lại trở về Việt Nam đón em sang với anh và các con. Và anh đã đồng ý để em tạm thời ở lại với mẹ. Vậy mà... đến nay, anh không được biết tí gì về em. Anh cũng không gửi nổi cho em một lá thư, còn nói chi đến chuyện gặp gỡ em để thực hiện lời hứa. Anh đã làm khổ em nhiều quá. Em đang ở đâu? Em sống thế nào? Liệu em có qua khỏi khó khăn này không? Chao ôi! Giá như em không vì anh, không vì một quan chức người Pháp yêu em, thì giờ đây em đâu có phải chạy trốn, chui lủi. Trái lại, có lẽ em đang hòa trong dòng người cách mạng, đang ngẩng cao đầu để làm một người công dân của nước Việt Nam mới - nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ôi! Tại anh tất cả. Anh đã làm em phải khổ! Quế ơi!"

"15-8-1955

Em thân yêu!

Anh vừa nhận được thư các con. Cả hai đứa đều khỏe mạnh và đều khoe là học giỏi. Không biết em có hình dung nổi hai con gái của chúng mình bây giờ ra sao không nhỉ. Cái Marian đã 15 tuổi, đang học phổ thông trung học. Nó đang tuổi dậy thì, cao lớn xinh đẹp, ra dáng một thiếu nữ lắm rồi. Còn bé Gienna kỳ tới sẽ thi hết cấp. Gienna dáng người thanh tú (chỉ có cái mũi và mái tóc quăn quăn là giống anh thôi), cho nên, càng nhìn con, anh càng nhớ em nhiều lắm.

Marian thư nào cũng hỏi thăm về mẹ, nó hỏi: "Ba có nhận được tin tức gì của mẹ không?". Nó nói, nó vẫn hình dung mường tượng rõ khuôn mặt và dáng người của mẹ. Còn Gienna nhỏ dại. Ngày ấy xa em nó còn nhỏ quá mà. Bây giờ viết thư cho ba, nó cứ hỏi: "Ba ơi, bao giờ thì mẹ về? Ba ơi, mẹ sắp về chưa?". Những câu hỏi của các con làm anh rầu gan héo ruột. Anh nhớ em vô cùng, và cũng thương các con vô cùng. Nhưng biết làm thế nào giải thích cho con trẻ hiểu thấu được đây?"

"10-9-1955

Em ơi, anh vừa về phép mấy tuần lễ. Được gặp bố mẹ và các con, anh vui và yên tâm. Nhưng những khi cả nhà lại thúc ép anh lấy vợ thì anh buồn chán vô cùng. Anh biết rằng bố mẹ thương anh vò võ một mình nên mới bàn như vậy. Anh cũng biết bố mẹ anh đang khao khát một đứa cháu nội trai biết chừng nào. Nhưng mà anh không thể chiều theo ý gia đình được. Anh cũng đành bất hiếu chịu lỗi với bố mẹ thôi. Bởi vì, trái tim anh đã dành trọn vẹn cho em rồi. Ngày đêm, dầu ở nơi đâu, anh cũng vẫn cầu Chúa ban phước lành cho anh lại được gặp em".

Cứ như thế mấy ngày một bận, Misen lại "viết thư" cho Quế. Những bức thư không gửi, ghi vào sổ nhật ký. Cũng có khi thư viết mà không thành chữ. Đó là những khi Misen viết trong tâm tưởng, viết trong ý nghĩ, mỗi khi bất chợt, anh nhớ tới hình ảnh Quế.

 

 

5

 

Khi những người bộ trưởng mới ở Sađiông biết Misen đã ở Saghi không được bổ nhiệm, chính quyền cai trị Pháp đã không cần đến sự phục vụ của ông ta nữa, thì nhiều người đã mời Misen đến làm việc với họ. Người ta quen biết Misen đã nhiều năm và biết rõ mối quan hệ tốt đẹp của ông đối với dân chúng bản địa. Trong cuộc đời làm một viên chức cai trị, giữ gìn trật tự công cộng, chính nhờ những mối quan hệ đó mà Misen không bao giờ gặp khó khăn. Thống đốc Saghi ngạc nhiên khi Misen ngỏ ý muốn làm cố vấn cho mấy ngài bộ trưởng. Ông ta đồng ý ngay. Vì vậy, Misen đã xuất hiện như một kỹ thuật viên hiếm có và hữu ích. Ông đưa ra dự án xây dựng một ngôi nhà của người Sa ở Hội chợ quốc tế Macxây, để giới thiệu về người Sa, qua đó làm cho thế giới quan tâm giúp đỡ họ. Nhưng dự án này đã bị ông bộ trưởng bác bỏ, với lý do không có kinh phí. Không cam tâm bỏ cuộc, để mặc một tộc người bị lãng quên, Misen nảy ra một sáng kiến mới: ông mang đến gian hàng Hội chợ này một chuồng chim khổng lồ và một con sư tử cái hiền lành. Khách du lịch thích thú. Và chính nhờ ngôi hàng đó mà mọi người biết đến người Sa. Từ đó, người Sa liên tục tham gia các hội chợ quốc tế Pari, Beclin... Và nhờ vậy ngành thủ công của người Sa rất phát đạt. Họ làm thiết bị điện thoại, điện tín... Cũng nhờ đó, ở Beclin, Misen đã tìm được kinh phí đủ để xây dựng một khách sạn du lịch. Từ đó, những con đường du lịch đến khách sạn có chất lượng tốt được hoàn thiện, và những nhà khách nhỏ, một tầng với đầy đủ tiện nghi mọc lên san sát. Misen lại giúp người Sa đào tạo những nhân viên phục vụ khách sạn. Vậy là, chẳng bao lâu, trong rừng rậm tưởng như hoang dã của người Sa đã hình thành một khu du lịch hấp dẫn với người châu Âu. Nhưng Misen không dừng lại ở đấy. Ông đã nghĩ tới chuyện phải có năm, bảy máy bay trực thăng để chở khách du lịch đến các miền rừng núi sâu hơn nữa. Để có thể dần dần tạo được kinh phí, Misen lại giúp tổ chức cho người Sa tham gia Hội chợ ở Sicagô. Biết rằng, những thợ thủ công người da đen chưa thể tự trưng bày hàng và giới thiệu, ông thuê hai hướng dẫn viên: một người da trắng có bằng và một người Mỹ da đen. Cả hai nói tiếng Sa rất tốt. Mặt khác, Misen chú trọng đến những hoạt động tuyên truyền: những băng rôn, áp phích, một bản tin trên báo, trên ti vi đều có tác động làm cho công chúng thực sự hứng thú với nền du lịch của người Sa.

Do thiếu những người quản lý ở địa phương, nên trong đám khách du lịch có những kẻ đã săn bắn tỉa. "Phải bảo vệ động vật hoang dã" - Misen nghĩ, rồi ông đề nghị xây dựng hai công viên quốc gia. Những con chim cánh cụt, những con hươu sao... chạy thục mạng vượt qua vùng nguy hiểm để đến với những người bảo vệ rừng.

Một hôm, Misen đang trên đường kinh lý cùng bộ trưởng. Thấy một con nai vàng chạy tới, ông này giương súng bắn. Misen liền bảo:

- Đó là nai của vườn quốc gia.

- Pháp luật không áp dụng cho các bộ trưởng.

Nói vậy, nhưng rồi ông ta cũng từ từ hạ súng xuống. Misen thở phào nhẹ nhõm.

Từ đó, theo gợi ý của Misen, Sở du lịch đã đứng ra quán xuyến cả việc hướng dẫn đi săn bắn: người thuê khách sạn được nhân viên phục vụ hướng dẫn giới hạn săn bắn. Điều này đã tạo nguồn thu rất lớn cho ngân sách quốc gia.

11 tháng Giêng là ngày Quốc khánh nước Sa, ngài tổng thống nước cộng hòa quyết định trưng dụng toàn bộ xe cộ phục vụ cho một cuộc diễu hành lớn.

Tất cả đã diễn ra trong một bầu không khí hoan hỉ, rất đặc trưng cho vùng Trung Phi. Đang lúc ấy, Misen được báo Rốtchaitơ đã đến để làm một cuộc săn bắn ở châu Phi theo một hợp đồng lớn với công ty du lịch, mà ông ta đang bị tắc ở sân bay, không có xe cộ đón. Lập tức, Misen phải đánh xe hai mã lực của riêng ông ra đón. Rốtchaitơ tình cờ cũng được tham gia cuộc diễu hành. Đến du lịch ở vùng đất của người Sa, ai cũng biết rằng luôn luôn gặp những điều bất ngờ như vậy.

 

 

6

 

Bắt đầu công việc như một kỹ thuật viên cộng tác khiêm tốn với trường quốc gia về luật và hành chính được ít lâu thì Misen trở thành một giáo sư thực thụ. Rồi trở thành người hướng dẫn các đề tài nghiên cứu. Ông được đề bạt vào chức cố vấn tối cao của tổng thống nước cộng hòa không lâu sau đó.

Đến năm 1963 thì tình hình chính trị ở châu Phi đã có nhiều thay đổi. Người Pháp không dễ dàng tìm thấy một chỗ làm việc ở hải ngoại. Vì cơ chế hành chính Pháp đã bị thay thế bằng những người công chức bản xứ. Mặt khác, trong niềm hân hoan chào đón nền độc lập, những người lãnh đạo tên tuổi của phong trào quần chúng đã bước tới đài vinh quang. Người châu Phi đã trực tiếp nắm lấy quyền quản lý trong các công sở cũng như trong các đơn vị hành chính từ thấp đến cao. Họ không muốn có những cố vấn kỹ thuật nước ngoài và những quan sát của người nước ngoài. Do vậy, họ đã đề nghị Misen đến giảng về luật hành chính và điều hành một tạp chí. Điều đó không khó khăn gì với năng lực của Misen, song, chỉ khó cho ông là vấn đề tài chính. Không ai quan tâm trả lương cho ông. Cuối cùng, ông đành nhận làm một việc rất khiêm tốn là làm giáo sư cộng tác về luật hành chính ở Zaiia. Đó là một trường đại học hoàn toàn mới, tương tự như trường hành chính quốc gia Pháp. Trường này không chỉ đào tạo nhân viên hành chính mà còn đào tạo quan tòa. Tổng thống Nôbutu là người muốn vượt qua ảnh hưởng của sứ mệnh nhà thờ Cơ đốc giáo thông qua trường đại học này - trường đại học tổng hợp Luvaniom, đảm bảo đào tạo cán bộ cao cấp của đất nước. Tổng giám đốc trường là người Zaiia. Phía Pháp được nhường cho việc chỉ đạo học tập, nghiên cứu, thiên về kỹ thuật. Điều trớ trêu đến với Misen lúc này là đường đường một cựu đại tá lại phải làm việc dưới quyền một trung úy mới vào nghề, người Zaiia, và đồng lương của ông cũng chính là do viên trung úy này quy định - những đồng lương chết đói. Rất bất bình về công việc và về đãi ngộ quá thấp của Misen, đại sứ Pháp ở đây đã giải quyết bổ sung cho ông một khoản trợ cấp của Pháp.

Misen đã có nhiều bằng cấp, lại có hơn ba mươi năm kinh nghiệm thực tiễn nên bài dạy của ông chẳng những có lý thuyết sâu sắc mà còn có thực tiễn sinh động và phong phú, được sinh viên đánh giá cao và hết sức hoan nghênh.

Khi ghế giám đốc nghiên cứu (tương đương trưởng phòng giáo vụ) bỏ trống, Misen được bố trí vào vị trí đó. Nhưng chả bao lâu, ông đã đề nghị với tổng thống đào tạo cho ông một giám đốc nghiên cứu người Zaiia. Và ông đã hết lòng giúp đỡ người kế nghiệp mình cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp. Một thời gian sau, tổng thống Nôbutu đã mời Misen làm chuyên viên cố vấn cao cấp của ông ta. Nhưng, khi tổng thống Nôbutu phải nhượng bộ thì tất cả các trường hành chính và luật bị đóng cửa và mọi thành tựu của Misen mới gây dựng lên ở đây đều bị hủy bỏ. Bản thân Misen lúc này lại được mời cộng tác với tư cách giáo sư thường trực cho khoa luật và hành chính của trường đại học tổng hợp.

Nửa năm sau, bệnh sốt rét ác tính đột nhiên trở lại hành hạ Misen. Đang đứng giữa giảng đường, tự dưng Misen ngất xỉu. Ông được đưa đến bệnh viện. Họ cho Misen thở oxy. Mấy hôm sau, ông ra viện. Nhưng ngay sau bữa ăn tối đầu tiên, Misen đã thấy gai gai trong người. Ông bảo gia nhân đi gọi cấp cứu. Người hầu già hoảng hốt, tưởng như thần chết đã đến gõ cửa chủ của mình! Nhưng may thay, thần hộ mệnh của Misen kịp đến đúng lúc: cô bạn đồng nghiệp của Misen là giáo sư Menlada đã dùng xe của cô chở Misen đến bác sĩ, Misen bị nhồi máu cơ tim. Misen đang được chuyền bằng những lọ hồng cầu sản xuất tại Mỹ. Đột nhiên Menlada thét to:

- Dừng lại!

Thì ra cô nhanh chóng phát hiện những lọ hồng cầu này là máu loại A (mà Misen máu O). Thật hú vía!

Misen thoát chết. Sau hai lần chuyền lại máu nghiêm chỉnh. Ông điều trị thêm một thời gian ngắn rồi ra viện. Nhưng ở trường đại học, người ta không tin rằng Misen còn có thể giảng dạy được nên đã phân những bài giảng của ông cho những giáo sư người Zaiia, vốn là học trò do ông đào tạo. Bởi đây là thời kỳ người ta muốn dành độc quyền đào tạo cho người Zaiia của trường, cho nên việc Misen vào viện là một lý do tạo cớ để cho họ chấm dứt sự can thiệp của người nước ngoài (người da trắng).

Châu Phi đã giải phóng khỏi sự đô hộ của người da trắng (người Pháp). Misen trở về Pari, sau hơn 40 năm làm việc ở hải ngoại, trong đó có 30 năm làm việc ở châu Phi, nghỉ hưu ở tuổi 65 với một cơ thể suy nhược và tình trạng sức
khỏe kém.

 

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86583


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận