Chuyện Tình Viên Phó Sứ Chương 6


Chương 6
Chìm nổi

 

Chia tay với chồng con được vài hôm thì Quế, một mình một bóng khăn gói trở về quê với mẹ. "Ở quê không ai biết gì rõ rệt về lai lịch chồng con mình" - Quế nghĩ, "Misen và các con mình chắc đã về đến nơi an toàn rồi. Chắc hẳn anh ấy sẽ được bố mẹ giúp đỡ, và hai đứa con mình sẽ được học hành. Chỉ lo cho mẹ ở quê. Qua nạn đói khủng khiếp, sống còn được cũng là may nhờ có bà con họ hàng. Mình phải trở về, để cảm ơn mọi người và chăm sóc mẹ. Mẹ càng già, càng yếu và mắt càng mờ nặng, e rằng mẹ mù hẳn mất rồi, làm sao có thể sờ soạng nấu nướng và đi lại được đây? Cái thổi của mẹ thì chỉ có lá khô và rạ. Nói dại, nếu nhỡ ra... chẳng may...". Quế suy tính, rồi bán tất cả tư trang còn lại, chỉ giấu kỹ trong đáy hòm chiếc nhẫn đầu tiên Misen tặng và mấy bức thư không có dấu như những bức điện tín mà anh đã gửi cho cô từ lâu lắm rồi. Quế trở về quê với một chiếc hòm gỗ đánh vécni không mấy nặng.

Mẹ con Quế vừa đoàn tụ được mươi ngày thì cuộc Cách mạng Tháng Tám đã nổ ra thắng lợi ở Thủ đô, làn sóng cách mạng đã ào ào lan đến tỉnh H. Bà mẹ mù lòa giương con mắt đục lờ, đứng vịn cửa liếp, ngóng theo bước chân con gái đang hối hả chạy về phía có tiếng reo hò dậy trời. Bà đang cố hình dung ra quang cảnh nơi đó có vô số người đang cuốn đi như nước vỡ bờ, tay cầm giáo mác, gậy gộc và... những lá cờ đỏ sao vàng bằng vải, bằng giấy đang tung bay phấp phới. Quế cũng tay cầm cờ đỏ sao vàng hòa trong biển người đó, theo những cán bộ Việt Minh đi cướp chính quyền. Bác Cả Thung của Quế nay không còn làm chánh tổng, mà đã trở thành chủ tịch Liên Việt. Chính ông chứ không phải ai khác đã dẫn đầu đoàn người đến huyện đường, nhận ấn tín từ tay tri huyện sở tại. Vậy là ở quê hương Quế, cách mạng cũng đã thành công, chính quyền đã về tay nhân dân, và Quế đang thực sự hồ hởi đứng vào vị trí của một người công dân mới. Khi quần thâm, áo trắng, đai thắt ngang lưng, với gậy tầm vông mang chéo qua vai, Quế làm cô nữ tự vệ, đứng gác các ngã ba đường, chặn hỏi giấy, hỏi tên những người lạ mặt. Khi thì cầm cái loa bằng tôn, bằng giấy, Quế đi khắp cả triền đê, ngõ xóm để "A lô! A lô!" mời bà con đi hội họp, đi học bình dân. Rồi Quế đi vận động từng người. Lớp bình dân học vụ do Quế trực tiếp giảng dạy đông nhất cả làng. Vì nhận thấy rằng cô giáo Quế giảng dạy rất nhiệt tình và rất dễ hiểu. Cô giáo Quế đi vận động từng nhà có "máu mặt" và các nhà chùa trong làng cho địa điểm đặt lớp học bình dân, cho tiền mua bút, mua vở cho học viên. Đêm đêm, khi bà con xóm làng đến lớp, đã thấy những ngọn đèn dầu tây được thắp sáng để ngay ngắn trên các bàn và ghế thô sơ làm bằng tre bương, ván mộc, cũng đã được kê ngay ngắn trong căn phòng tường đất mái rạ nhỏ hẹp mà sạch sẽ. Ai cũng biết đó là công cô giáo Quế. Cô bao giờ cũng đến trước mọi người, chuẩn bị sẵn tươm tất mọi thứ. Khi học viên đã ngồi xuống ghế và đặt bút vở ra trước mặt, Quế bắt đầu giảng bài. Cô đọc cho mọi người tập viết một câu ca dao:

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ...".

Những chữ tên riêng, cô giáo viết lên bảng, để lưu ý mọi người viết hoa. Nhưng bảng gỗ chưa có, Quế phải mang cánh cửa cổng của bác Cả Thung về lớp, làm bảng tạm. Mấy bữa trước, cô chả đã nửa đùa nửa thật nói với bác Thung gái:

- Bác ơi, độc lập rồi, không ai đi ăn trộm nữa đâu. Bác cho chúng con mượn một cánh cổng nhé.

Nói rồi, chưa cần nghe bác dâu trả lời, cô cứ vác chạy biến. Quế nắn nót viết lên cánh cửa mấy chữ "Việt Nam" và "Bác Hồ" rồi xuống từng bàn, cầm tay từng người, bày cho họ đưa bút lên xuống từng nét. Bất chợt trong tâm trí Quế, hiện lên hình ảnh chị Lan, người thầy đầu tiên đã dạy Quế cầm bút tập viết từ những ngày đang ở phường hát Bình Kha. Không biết bây giờ chị Lan ở đâu? Không biết con người thân thiết nhất, đã từng giúp đỡ, an ủi Quế ngày ấy bây giờ có được hạnh phúc? Từ dạo rời tỉnh H. cùng Misen nay đây mai đó, Quế và chị Lan cũng bặt tin nhau.

Khi lớp học đã tan, những ngọn đuốc tiễn học viên về đã tỏa đi các ngả, thì có một người vẫn cứ đứng như chôn chân ngoài bờ giậu. Anh cũng là thầy giáo một lớp bình dân học vụ mới từ trong chùa đi ra. Nấn ná đứng mãi ngoài bờ mạn hảo, bởi anh ta muốn gặp Quế. Từ khi Quế về quê anh ta đã sớm nhận ra rằng cô chính là cô hàng xén nổi tiếng một thời ở ngoại vi thị xã H. mà anh đã có lần theo đuổi. Đán - tên anh - vốn là cháu đằng vợ của chánh Bật, cũng người dưới làng Ghềnh, thuở nhỏ đã theo cha ra sống ngoài thị xã để học nghề thầu khoán của bố. Chính Đán chứ không phải ai khác, là tác giả của bức thư nặc danh đã gửi tỏ tình với Quế. Bức thư chỉ vẻn vẹn có bốn câu thơ mà bà Bếp đã đưa lại ấy ít nhiều đã làm Quế xao động và lo lắng mình không giữ trọn lòng mình với ân nhân là ông phó sứ Misen.

Bây giờ thì Misen không chỉ là ân nhân mà còn đích thực là chồng thương yêu của Quế, đã có với Quế hai mặt con. Chị một lòng một dạ đinh ninh mình là người đã yên bề gia thất. Ngày ấy, tác giả của bức thư tình nặc danh kia, Quế nào có gặp, nên Quế không nhận ra. Cô trò chuyện với anh thanh niên trong làng một cách tự nhiên, cái tự nhiên hồ hởi của những người thanh niên mới đang cùng hoạt động cách mạng, và cùng có ý thức về sự bình đẳng nam nữ. Nhưng với Đán thì không chỉ có thế. Trong con mắt của Đán, Quế và anh, là những trai chưa vợ, gái chưa chồng, tại sao mình lại không dám mạnh dạn bày tỏ tình cảm một lần nữa. Cho nên bữa tối hôm đó, khi các lớp học bình dân đã tan cả rồi, bên bờ giậu chè mạn hảo, Đán đã chờ gặp cho bằng được Quế. Trên đường tiễn Quế về nhà, anh dùng dằng mấy lần đứng lại, để rán kể cho Quế nghe hết câu chuyện về mình: anh chính là người ngày ấy... và bảy, tám năm nay, anh vẫn vậy. Quế biết Đán là người tốt, Đán thật sự chân thành, và mặc dầu không còn hy vọng gặp lại Misen, nhất là từ sau khi cuộc kháng chiến toàn quốc đã bùng nổ, Quế vẫn một mực chối từ rằng cô đã lấy chồng ở trên mạn ngược rồi. Cô nói rằng cô vẫn định về đón mẹ lên với chồng, nhưng rồi cách mạng đến, đường sá trắc trở, cô đành ở nhà rồi định liệu sau.

Đán nghe nửa tin nửa ngờ. Anh bỏ làng xung vào quân chủ lực, Quế được bầu làm hội trưởng Hội phụ nữ xã. Cô say sưa cắt tóc ngắn, mặc soóc đen, đi vận động chị em đổi mới. Quế mở cái gói mấy lần vải bọc bấy lâu vẫn giấu kỹ dưới đáy chiếc hòm gỗ đánh vécni, lấy ra chiếc nhẫn duy nhất còn lại, chiếc nhẫn mà Misen đã tặng đầu tiên, khi Quế mới nhận lời cầu hôn, đem góp vào Tuần lễ vàng. Và cùng chị em đi đến những nhà "tai to mặt lớn" trong làng để vận động quyên góp. Đến khi nghe Hồ Chủ tịch kêu gọi "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi" thì Quế lại hăng hái thực hiện chủ trương đi quyên góp những sắt, thép, đồng phế liệu để cho chính phủ đúc súng đạn. Những ngày ấy, lòng Quế cứ phơi phới hạnh phúc bởi biết những việc làm của mình dẫu nhỏ nhưng thực sự ích dân lợi nước. Trong niềm vui chung lớn lao của đất nước, Quế vợi bớt được phần nào nỗi niềm của người mẹ nhớ con.

 

 


 

2

 

Mấy năm đi chợ, về chợ, cộng thêm ít tiền bán tư trang dành dụm từ trước, Quế tậu được hai mẫu ruộng. Chỗ còn lại, cô đưa giúp mấy người bà con trong xóm kẻ ít người nhiều chạy chợ kiếm ăn lần hồi. Cô lại góp tiền ủng hộ xã xây được một cái hội quán để bà con có chỗ mà quây quần, hội họp.

Quế cũng đã sửa sang cái nhà của mẹ ở đầu đê thành cái nhà ngói hai chái, ba gian. Cuộc sống của hai mẹ con bà già mù tưởng rồi cũng suôn sẻ. Nhưng chẳng bao lâu, giặc Pháp xâm lược, từ Hà Nội tràn xuống, tỉnh H. biến thành vùng địch hậu. Căn nhà nhỏ của mẹ con Quế cũng nhanh chóng trở thành một cơ sở của cán bộ cách mạng nằm vùng. Quế đào hầm dưới lòng nhà, đặt cái khuôn bếp lên trên, khéo léo ngụy trang, giấu người hoạt động bí mật. Khi yên hàn, có người canh gác cẩn thận, Quế lại nhanh nhẩu bê cái khuôn bếp sang một bên, đưa cơm xuống sâu lòng đất, tiếp tế cho người của mình. Những khi có bọn giặc vây ráp, Quế và bà mẹ lòa, vẫn ung dung đẩy rơm đun bếp và đàng hoàng ứng phó, đối đáp với chúng. Bọn giặc đâu có thể ngờ...

Được tổ chức phân công và hướng dẫn, Quế lại đi buôn chuyến. Làm quen được mấy trạm gác, Quế buôn chuyến từ vùng địch hậu ra vùng tự do. Giấu kín dưới những sạp hàng tạp hóa quý giá, khi ra, Quế chở cả thuốc men cho cách mạng. Rồi giấu kín dưới những sọt, những thùng thực phẩm, rau quả khan hiếm, khi vào, Quế mang theo cả mìn, lựu đạn, hoặc truyền đơn. Bởi bộ đội ta đang chuẩn bị phối hợp với du kích địa phương, đánh một trận lớn vào trong ấy. Người đàn bà có hai hàm răng trắng như đúc bằng sứ, mái tóc chải bồng cuốn lận hơi trễ xuống sau gáy, mình mặc áo cánh phin màu mận chín, với nụ cười duyên dáng luôn luôn nở trên môi hầu như lần nào cũng lọt qua tất cả các trạm gác. Hễ có sự bất trắc phải tạm dừng lại, chị lại tươi cười mời bọn lính gác bao thuốc lá ngoại hay mấy đồng bạc Đông Dương và giở ra vài ba tiếng Pháp nói theo kiểu bồi với bọn lính Tây: "Mécxi bốcu", "Ôrơvoa Mơxiơ" là đâu lại vào đấy. Nhưng có một lần, người đàn bà đồng hành lớ ngớ thế nào bị chúng phát hiện ra dưới đáy sọt vào là một xấp truyền đơn lật sấp. Sợ rằng chị bạn không ứng phó được, bị chúng nó bắt thì nguy hiểm quá, Quế đành liều nhận thay rồi kiếm cách thoát thân sau. Cô bảo với tụi lính:

- Em là chủ hàng. Em thuê họ gánh. Nhưng mà em mua hàng sỉ cả hàng chục sọt, đâu có giở hàng ra đếm chác gì đâu mà em biết. Nhìn những tờ giấy ấy, em cứ ngỡ là họ lót hàng chứ biết đâu là... truyền đơn với truyền điếc gì.

- Mặc kệ. Biết hay không biết, cứ vào quan trên mà thưa.

Quan trên đồn trú sở tại nơi đó, tình cờ Quế nhận ra, chính là ông chánh cẩm tỉnh H. hồi nào vẫn thường cùng ông Phó sứ, tức Misen, chồng Quế đến phường Bình Kha nghe Quế hát. Và viên quan ba người Pháp ở cái đồn canh cửa ngõ vùng địch hậu này cũng từ từ nhận ra người quen: "Chị ta đúng là bạn gái của Misen, ông bạn thân nhất của mình hồi còn làm việc ở tỉnh H.". Nghĩ rằng mình là một trong số rất ít những quan chức Pháp cũ được may mắn tiếp tục ở lại Đông Dương sau khi cục diện thay đổi, viên quan ba thoáng thấy nhớ thương bạn và cũng muốn làm được cái gì đó giúp bạn. Ông ta chỉ hỏi Quế cho qua chuyện:

- Thế cô định chuyển sọt hàng đó, những lá truyền đơn đó cho ai?

- Thưa... quan lớn cũng biết đấy, tôi đi buôn, đi bán. Hễ ai mua sỉ mà được giá là tôi cất luôn, giữa chợ hay giữa đường cũng được, tôi bán tuốt, để đỡ tiền thuê gánh mà lại có vốn đi chuyến khác.

Viên sĩ quan không hỏi gì thêm, chỉ bảo thả cho Quế đi và nhớ giữ những tờ truyền đơn lại làm vật chứng. Nhưng khi một tờ rơi còn sót lại lọt vào tay y thì hàng chục tờ khác đã bị bọn lính canh tò mò tranh nhau đọc sạch. Đó chính là những tờ binh vận, nói rõ chính sách khoan hồng của Mặt trận Việt Minh đối với những hàng binh.

Lần ấy, theo đúng kế hoạch, quân ta vẫn đánh một trận lớn vào sâu trong thị xã. Ngụy quân từng tốp ra hàng. Cũng có kẻ tình nguyện ở lại bắn mấy phát chỉ thiên, làm nội ứng. Trận đánh rất ít thương vong. Tên sĩ quan ngụy ác ôn và mấy thằng Tây đều bị tóm gọn.

Quế lại tiếp tục đi buôn chuyến. Cho đến khi mặt trận khu ba được mở, Quế được chuyển sang làm giao thông, dẫn đường cho bộ đội, cán bộ ta vào vùng địch hậu. Và cuối cùng, cô được điều động bổ sung vào đội ngũ cứu thương. Cuộc tập kích bí mật của quân ta vào "Bốt Nhà Tràng" thắng lợi. Cái Nhà Tràng đứng sừng sững giữa huyện lị, bị quân Pháp chiếm đóng đã nhiều năm, vốn là một trạm gác lợi hại án ngữ giữa ngã ba đường của chúng, nay đã thành "chiến lợi phẩm" của cách mạng. Nhân dân lương giáo gần như cả huyện phấn khởi, vui mừng, nhưng số thương vong của người Việt cả hai bên không phải là ít. Người chiến sĩ quân chủ lực bị thương nặng được đặc trách chăm sóc là một cán bộ đại đội. Mặc dù chưa qua một lớp đào tạo nghiệp vụ nào, nhưng vốn thông minh, sáng dạ, chịu khó chú tâm học hỏi, lại sẵn có nhiệt tình và giàu lòng nhân hậu, Quế không chỉ tải thương mà còn đảm đương được trách nhiệm của một người y tá. Cô tiêm cho anh bộ đội một mũi hồi sức cấp cứu. Rồi nhẹ nhàng rửa và băng bó những vết thương ở đùi, ở bụng anh. Hàng ngày, Quế chăm sóc anh cẩn thận từng bát cơm, ngụm nước. Và cô dìu anh tập đi. Mỗi khi đón nhận những cử chỉ dịu dàng và nụ cười động viên tươi tắn của Quế, anh C trưởng cứ thấy lòng mình xao xuyến. Ngày chia tay rời trạm quân y để trở về đội ngũ, anh muốn cầm mãi bàn tay Quế để nói lời hẹn ước, nhưng Quế đã tế nhị kịp thời ngăn anh đừng nói nữa. Bởi cô muốn giữ trọn lòng mình với người phương xa và như không nỡ để người chiến sĩ phải mang theo vào trận đánh nỗi buồn của một tình cảm đơn phương.

 

 

3

 

Chẳng bao lâu, cả tỉnh H. được giải phóng, Quế về với mẹ, sống bằng hai mẫu ruộng của nhà mình. Bà con trong làng, trong xóm, vui vẻ cày cấy trên cánh đồng màu mỡ của hai mẹ con bà già mù.

Mùa thu năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, tiếng vang như sấm dậy địa cầu, hiệp định Giơnevơ được ký kết, những tên lính Pháp thực dân cuối cùng rút chạy khỏi cầu Long Biên. Rồi một nửa đất nước ViệtNamđược sống trong cảnh hòa bình. Thì ở quê hương Quế bắt đầu thực hiện cuộc cải cách ruộng đất. Hai mẫu ruộng phát canh đã đưa mẹ con Quế lên thành phần địa chủ. Hai người đàn bà yếu đuối bị giam giữ, bị bỏ đói trong cái nhà Hội quán mà chính Quế đã ủng hộ tiền cho xã xây dựng nên.

May thay, nhờ Quế khi trước ăn ở rộng lòng rộng bụng với bà con, nên những người tá điền cũng không nỡ lòng nào bịa chuyện tố khổ nặng nề. Có người bụng bảo dạ: mình cũng may nhờ nhà ấy giúp đỡ, cưu mang. Có người còn dám cả gan, đêm đêm, chờ cho mấy người canh gác hội quán gà gật ngủ, đã dỡ hòn gạch sau tường mà tiếp tế cho mẹ con Quế, lót lòng khi nắm cơm, hạt muối, khi vài củ giong riềng...

Khi hai mẹ con họ được ra khỏi hội quán thì hai mẫu ruộng và căn nhà ngói ba gian hai chái của họ đã có những người chủ mới. Bác Cả Thung lúc này cũng đã mất vị trí xã hội, cũng bị quy kết là tầng lớp cường hào. Bản thân bác còn có nguy cơ bị đấu tố, còn nói chi chuyện cưu mang gia đình cháu. Thành thử, với hai bàn tay trắng, Quế chỉ còn biết mua chợ sáng, bán chợ chiều, lần hồi nuôi mẹ qua ngày.

Bỗng một hôm, bà Chín từ ngoài thị xã về quê, tình cờ gặp Quế ở cửa chợ. Bà ta hơi ngờ ngợ một chút, rồi nhận ra cô ta đích thị là con gái nuôi bà Quản phường hát Bình Kha đã lấy chồng Tây. Ra điều quan tâm, bà ta oang oang hỏi chuyện:

- Này chứ ông chồng quan Tây thứ nhì hàng tỉnh đâu rồi mà cô phải long đong lận đận thế này? Ông ta đã về Pháp rồi hử? Sao cô không về cùng? Hay là ông ta đã bị quân ta đánh ở trận nào?

Nghe bà Chín hỏi dồn dập, mà bà ta biết rõ rành Quế thế, Quế không còn biết trả lời thế nào, chối quanh lẩn tránh thế nào, đành đứng sượng sùng ậm ừ, ấp úng. Cái thái độ sợ sệt lúng túng ấy của Quế thì nào có khác chi một sự thú nhận "lạy ông tôi ở bụi này". Cho nên chỉ ngày hôm sau thì cái tin "Con Quế là me Tây", "Con Quế lấy Tây", "Con Quế lý lịch không trong sạch"... đã đồn khắp xóm, khắp làng. Quế dù không bị đấu tố, dù đã được hạ thành phần, bây giờ người ta vẫn nhìn Quế bằng một con mắt khác, nghe Quế nói bằng một cái tai khác. Đi đến đâu Quế cũng nhìn thấy cái nhìn lườm nguýt, khinh bỉ. Đứng ở đâu Quế cũng nghe những tiếng nhục mạ xì xèo. Chưa bao giờ cái sự lấy Tây lại làm cho Quế tủi hổ, nhục nhã và xa cách mọi người như lúc này. Quế cảm thấy hết nỗi đáng sợ của sự đơn độc, ghẻ lạnh. Cuộc đời mình đã khổ nhiều. Khổ ăn, khổ mặc mấy mình cũng chịu được. Nhưng trước dư luận xì xào, khinh thị của mọi người thế này thì mình không thể ngẩng đầu lên nổi nữa. Thôi thì cũng đành, phải bỏ quê cha đất mẹ mà ra đi. Rồi một hôm, người ta phát hiện ra không còn thấy mẹ con Quế đâu nữa.

 


 

4

 

Đang đêm, Quế giắt mấy đồng bạc cuối cùng vào cạp quần, dốc đấu gạo cuối cùng và nhồi cả vài bộ quần áo tươm tươm vào tay nải rồi dắt mẹ ra đi.

Cô lại đi về hướng Bắc. Mặc dù chưa biết sẽ dừng chân chốn nào và sẽ sống bằng nghề gì, cô cứ dắt mẹ ra đi. Miễn rằng ra được khỏi làng, miễn rằng đến được một miền đất lạ. Ở đó, không còn ai biết mình là ai, không còn ai gọi mình là "me Tây", không còn ai nhìn mình bằng một cặp mắt khinh bỉ... Thế là sống được rồi.

Khi làm mướn, khi gánh thuê, khi ngủ gầm cầu, khi nương lều chợ, ở nơi này dăm bữa, ở nơi khác nửa tuần, rồi Quế lại dắt mẹ ra đi. Quế vẫn đi về hướng Bắc, nhưng lần này, chị không đi về phía Lào Cai, mà đi về phía Lạng Sơn. Trên đó, chị tin chắc rằng, không một ai biết tới mẹ con mình. Vào những năm này, mới giải phóng thủ đô, hòa bình mới được lập lại trên miền Bắc, tình hình chính trị xã hội còn chưa ổn định, lợi dụng hoàn cảnh đó dù không có giấy tờ tùy thân gì, Quế vẫn đưa mẹ ra đi. Hai mẹ con khi đi, khi ở, khi nghỉ, khi làm, mươi hôm sau mới lên đến đất kinh kỳ. Cầm trong tay hai cái vé tàu chợ, họ xuống ga Phúc rồi lần đến xóm Hạnh. Quế nghe nói ở đó có nhà máy đường, chị muốn xin vào làmcông nhân. Nhưng nhà máy đường này có quy mô khá lớn nên tuyển công nhân rất chặt chẽ. Quế làm đến ngày thứ ba đành phải ra đi vì không đủ hồ sơ hợp lệ.

 

Hai mẹ con Quế đi bộ đến xã Chiến Thắng. Thấy những lò gạch đang đốt, khói lên nghi ngút. Nhớ tới cái nghề kiếm sống của cha chú ngày xưa, Quế đến xin đóng gạch thuê cho một ông chủ. Người ta nhận chị vào làm và đồng ý cho mẹ con chị náu nhờ trong một cái lò gạch bỏ không giữa cánh đồng. Những hòn gạch mộc Quế đóng được nện đất rất chắc, nhát cắt rất khéo, xếp ngay ngắn la liệt chờ vào lò. Nhưng sức vóc đàn bà đã từng sinh nở, năng suất những ngày sau đó cứ giảm xuống dần. Tối đến, thấy đau khắp mình mẩy. Ông chủ lò gạch tìm đến, thăm hỏi, tán gẫu mấy câu rồi đi thẳng vào câu chuyện: năm nay ông đã tuổi ngoại ngũ tuần, vợ ốm mất đã vài năm. Có hai đứa con gái đều đã đi lấy chồng xa. Ông bảo Quế:

- Ở ngoài này đồng không mông quạnh, gió hun hút, lạnh lắm. Hay là... hay là, mình đưa mẹ vào trong nhà ở với tôi cho ấm cúng. Ta làm bạn già với nhau. Mình lo việc nhà và chăm sóc mẹ, còn tôi trông coi cái lò gạch cho nó nên hồn.

Quế im lặng, nấn ná. Bà mẹ chẳng nỡ thúc ép con, vì bà cứ ngỡ rằng Quế đang đưa bà lên mạn ngược để sống
cùng chồng. Những người làng ra vào lò gạch thì đã bắt đầu xầm xào:

- Đám này vừa đôi phải lứa.

- Khéo mà chuyến này đũa sẽ có đôi.

Người ta kháo nhau như cổ vũ, như muốn chúc mừng cho cả hai người. Ông chủ lò gạch năn nỉ thúc ép Quế mấy lần chưa được, thì thấy lòng mình rạo rực, đang đêm ông đã mò ra... và ông ngỡ ngàng không còn tìm thấy dấu tích của hai người đàn bà trong cái lò gạch bỏ không. Xem cung cách nóng vội của ông chủ lò gạch, Quế đã lường tính trước rồi cơ sự gì sẽ xảy ra. Thế là hai mẹ con lại ra đi. Từ xã Chiến Thắng, họ lần mò trở lại ga Phúc, ngồi tàu chợ đến sáng thì vừa tới đất Lạng.

 

 

5

 

Hòa bình lập lại trên nửa đất nước đã được mấy năm rồi. Cả miền Bắc đang bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm hậu phương lớn cho miềnNam. Nhiều tuyến đường đang được mở. Nhiều công trường, xí nghiệp đang được khởi công xây dựng. Tình hình chính trị xã hội đã dần dần ổn định, và do đó, công tác quản lý hộ khẩu chặt chẽ đã bắt đầu đặt ra, nhất là ở các thành phố, thị xã. Quế biết rằng với con người không lai lịch, không giấy tờ như mình, thì nơi phố phường, xóm xã đều không có đất dung thân, nhất là khi kẻ địch nơi này nơi khác vẫn thường tung gián điệp, biệt kích vào thăm dò hòng phá hoại những công trình lớn của chủ nghĩa xã hội. Mẹ con mình làm sao tránh khỏi được con mắt nghi kỵ của mọi người. Nghĩ vậy, Quế đưa mẹ vào rừng sâu.

Ở đấy, người ta đang chuẩn bị làm một con đường. Đường liên tỉnh hay đường xuyên rừng, Quế cũng không biết được. Chỉ mới thấy mọi người phát cây làm lán. Những người làm đường sẽ ở trong các cái lán đó. Họ gồm nhiều tộc người: người Kinh ở dưới xuôi lên và người các dân tộc thiểu số từ các vùng lân cận đến. Ai đi đơn lẻ thì ở lán chung. Ai đi gia đình thì ở lán riêng, người ta dùng lá gồi hoặc tre nứa làm liếp, ngăn cái lán dài, lớn ra thành từng ô con con. Quế có mẹ già nên được ở trong một gian như thế. Và cô vừa lấy làm lạ, vừa rất yên tâm khi người lãnh đạo công trường đã dễ dàng nhận cô vào làm đường mà không hề hỏi cô về lai lịch giấy tờ gì cả.

Dãy lán gia đình dài bảy gian. Mẹ con Quế ở gian đầu, bên trái. Còn gian cuối đằng kia, bên phải là nơi trú ngụ của hai vợ chồng son cũng người Kinh, nghe đâu đã định cư trên một vùng núi xứ Lạng được hơn một năm.

Họ đến trước Quế ít lâu. Chả biết cô vợ tên gì, chỉ
nghe người ta vẫn gọi họ bằng một cái tên chung: vợ chồng nhà Hậu.

Ban ngày, những người công nhân đổ túa ra đường, nắng cũng như mưa, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tối đến, bên ngọn đèn dầu le lói, những người độc thân còn tụm ba, tụm bảy tán chuyện, vui đùa với nhau, còn những hộ gia đình thường tiết kiệm dầu, đi ngủ sớm. Hầu như chẳng mấy ai quan tâm đến ai. Dần dần họ mới quen, thỉnh thoảng mới hỏi han, chuyện trò qua lại. Biết vợ chồng Hậu ăn ở với nhau đã nhiều năm mà chưa có nổi một mụn con, mỗi lần hành kinh vợ Hậu cứ ôm bụng đau quằn quại, khổ sở mãi, một chị người Thổ đang ở với chồng con nơi gian giữa, mới sang dỗ dành:

- Này, tôi có cái thứ lá này, cô có muốn uống thử không? Nó là thứ thuốc gia truyền mấy đời nhà tôi đấy.

Thấy vợ Hậu còn chần chừ, e ngại, chị nói thêm:

- Cái này hợp thì hợp, hết đau bụng, nó "đậu" được. Không hợp thì cũng không sao đâu mà.

Thế rồi chỉ ba bốn tháng s 64e5 au, vợ Hậu cứ thấy buồn nôn. Chị Quế biết vợ Hậu đã có thai, chị đi vào nhà dân, xin cho cô ấy mấy quả khế. Nhưng vợ Hậu không thèm ăn khế, cô chỉ thèm kẹo, thèm đường. Ở giữa rừng giữa núi thế này, đường, kẹo lấy đâu ra? Quế xin nghỉ việc một ngày, đi chợ xa, vác về cho "cô bụng" mấy cây mía. Vợ Hậu lùi mía vào bếp, mật như sắc lại, ngọt lịm. Cô ăn sung sướng ngon lành như chưa bao giờ được ăn.

Anh chàng Hậu thấy vợ có thai thì mừng lắm, trong lòng cứ tâm tâm niệm niệm ghi lòng tạc dạ cái ơn sâu của người đàn bà Thổ, nhưng trong nhà anh không có lấy một vật gì đáng giá để trả ơn sâu. Anh thật thà nói với ân nhân của mình:

- Từ ngày mai, đến ca chị, để tôi đi làm thay cho.

Người đàn bà Thổ cười hiền lành:

- Không cần phải trả ơn đâu. Lo mà chăm cho vợ. Rồi chả đến lúc còn phải làm thay nó nữa chứ.

Người đàn ông đang hạnh phúc hiểu ra, đã đến lúc mình phải làm thật nhiều, lao động thật nhiều, để chuẩn bị đón một đứa con ra đời. Tranh thủ ngoài giờ làm công trường, khi chiều xuống, trong đêm trăng... anh vào rừng chặt củi về chất thành đống, thứ dành cho vợ "nằm ổ", thứ mang xuống chợ bán kiếm mấy đồng sắm sanh. Quế, những khi đó, thường ngồi với vợ Hậu, giúp người đàn bà bụng mang dạ chửa may ít tã lót và mấy cái áo cho trẻ lọt lòng. Tình cảm giữa hai người ngày càng thêm thân thiết. Đã lâu theo chồng đi lên mạn ngược kiếm kế sinh nhai, sống trong cảnh cô đơn thiếu vắng tình cảm gia đình, vợ Hậu vẫn thường xót xa, buồn tủi. Nay may gặp được Quế, cũng là người Kinh, cũng ở dưới xuôi lên, lòng cô gái như được sưởi ấm, càng ngày cô càng quý Quế, cô coi Quế như người chị, như một chỗ dựa tinh thần của mình.

Chả bao lâu vợ Hậu đã đến kỳ mãn nguyệt khai hoa. Cả chị Quế và người đàn bà Thổ cùng giúp cô vượt cạn. May được mẹ tròn con vuông. Thằng bé con kháu khỉnh mang lại niềm vui cho cả công trường. Chị Quế hàng ngày qua lại, khi giặt giũ, khi cơm nước, giúp đỡ, chăm nom người mẹ trẻ mới sinh nở những khi chồng cô ấy vắng nhà. Chị em trong các lán hễ đi làm về lại rủ nhau đến chơi với bé. Ban đêm có tiếng trẻ con khóc, cả khu công trường như rộn ràng sức sống. Đứa trẻ ngoan ăn chóng lớn. Khi nó vừa được hai tháng thì mẹ nó đưa gửi cho bà già mù để lại ra đi làm đường. Ai cũng gọi bà cụ là "bà Quế". Chỉ riêng người mẹ trẻ, mỗi khi mang con sang gửi lại nựng khéo rằng: "Con ở nhà với bà ngoại, cho mẹ đi làm nhé". Bà cụ Quế đã lâu chưa được bế cháu, cũng nhớ những đứa trẻ, bà thương con nhà Hậu như thương những đứa cháu ngoại của mình.

Chưa bao giờ cái gia đình nhỏ của vợ chồng Hậu lại hạnh phúc, đầm ấm như bây giờ. Cũng chưa lúc nào không khí lao động của công trường lại khẩn trương sôi nổi bằng lúc này. Con đường sắp được hoàn thành. Vậy mà, một sự cố bất ngờ, đau đớn đã đột nhiên xảy ra. Đó là vào một đêm mưa...

Từ khi vợ Hậu đi làm, không muốn cho người đàn bà mới sinh xong phải lao động nặng, vất vả, người ta bố trí cho cô một công việc mới cho nhẹ nhàng. Công việc ấy chỉ là, dù ban đêm hay ban ngày, cô chỉ việc đứng "xi nhan", điều hành cho các xe tải vào đổ đá, đổ đất. Vậy mà đêm đó, một đêm mưa, người lái xe không hiểu vì sao mà không nhìn rõ người điều khiển, anh ta cho chiếc xe chồm lên, và người nằm dưới cái bánh xe đó chính là vợ Hậu. Cái chết đau đớn, vô lý và quá đột ngột của người mẹ trẻ là cái tang chung đau đớn cho cả công trường. Hậu xót xa thương vợ đến chết lặng. Anh lái xe ân hận và hoảng hốt hóa thành như điên dại. Từ bữa đó, hễ nhìn thấy cảnh người đàn ông lóng ngóng vụng về không biết chăm con, ai cũng ái ngại, thương cảm. Quế lại đỡ đần. Vài tuần sau, chị bảo với người đàn ông tội nghiệp rằng để chị bế về nhà nuôi hộ anh cho tiện. Đứa bé, có được hơi ấm của người đàn bà, cũng tựa hồ như vẫn được ủ trong lòng mẹ, nó vô tư lớn dần lên.

Con đường đã hoàn thành rồi. Những người thợ làm đường đã tản đi mỗi người mỗi ngả. Mấy cái lán cũng đã được dỡ bỏ. Chỉ còn để lại trơ trọi trên rừng vắng, bên cạnh con đường mới mở một cái lán. Một đầu làm chỗ nương thân cho mẹ con bà cụ Quế, một đầu là hai bố con trong cảnh "gà trống nuôi con".

Họ tận tình quan tâm nhau mỗi khi tắt lửa tối đèn. Cho đến một ngày, người đàn ông hiền lành thật thà ấy bị một tai nạn giao thông bất ngờ ngay trên chính con đường họ đã làm. Lúc đó, đứa con trai của anh chưa đầy ba tuổi.


 

6

 

Quế chôn cất chu đáo người "bạn già" của mình bên cạnh vợ anh ta, rồi cẩn thận sắm chút lễ mọn cho thằng bé con lạy tạ bố mẹ nó. Chị lầm rầm khấn vái như muốn hứa hẹn với vong linh của hai người đã khuất rằng từ nay chị sẽ coi thằng bé như chính con của chị. Chị muốn hai người ở dưới suối vàng yên tâm rằng chị sẽ cố gắng hết sức mình để nuôi dạy thằng bé nên người.

Một mình nuôi ba miệng ăn, những đồng tiền công làm đường dành dụm bấy lâu cũng đã cạn. Quế cuốc đất khai hoang quanh vùng, trỉa ngô, trồng sắn và gieo một ít hạt rau. Trong khi chờ đợi đến ngày thu hoạch hoa màu ngắn ngày, chị lại vào rừng nhặt lá, hái củi, đi chợ xa, bán lấy tiền đong vài bát gạo nuôi mẹ, nuôi con. Những khi đó, thằng Trung (tên thằng bé) ở nhà với "bà ngoại". Nhưng bà cụ Quế, sức tàn lực kiệt, lại tận mắt chứng kiến hai cái chết đau thương của vợ chồng nhà Hậu, bà không chịu đựng nổi nữa. Như một ngọn đèn bấc lùng đã cạn hết dầu, bà nhắm mắt xuôi tay đúng vào lúc con gái bà vừa đặt gánh củi khô xuống vỉa hè. Quế vất gánh củi chạy ào vào bên mẹ khi nghe tiếng kêu khóc thất thanh gọi bà của thằng bé. Chị hiểu rằng, vì thương cháu, mẹ chị đã phải cố hết sức gắng gượng mới chờ được cho đến lúc chị về.

Cái chết không tránh khỏi của mẹ già làm Quế đau đớn, xót xa vô cùng. Chưa bao giờ Quế thấy mình trơ trọi, cô đơn như lúc này. Nhưng chị không khóc nổi nữa, cứ một mình đào, một mình chôn cất mẹ. Vậy là, đằng sau cái lán cũ kỹ mà Quế đang trú ngụ, cách một quãng không xa, có những ba nấm mộ. Năm này sang tháng khác cũng chỉ một mình chị trông nom, một mình chị hương khói. Thật may còn có thằng bé. Chưa lúc nào Quế thấy thằng bé có ý nghĩa với mình bằng lúc này. Nhờ nó và vì nó chị mới có thêm sức mạnh để mà đứng lên được.

Cũng may mà trời thương. Trời không phụ cái công lao động khó nhọc của người đàn bà đơn côi. Chẳng bao lâu, những ngô sắn, rau quả của Quế trồng trên đất rừng hoang, chẳng phân gio tưới bón gì mà cứ đua nhau lên tốt bời bời, xanh mơn mởn. Chỉ mấy tháng sau, nhà đã có rau bán, có ngô non để ăn. Ban đầu chị quẩy rau ngô sắn một đầu, con một đầu đi chợ xa. Nhưng đến khi giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, thì con đường rừng mới mở lại hóa thành một con đường chiến lược quan trọng, người và xe cộ qua lại nhiều. Quế mở cái quán nước với ít ngô, sắn luộc bán cho khách qua đường kiếm bát gạo hai mẹ con sống qua ngày. Khi Quế mãn tang mẹ thì thằng con cũng sắp đến tuổi đi học. Quế nghĩ tới chuyện phải chuẩn bị cho nó vào trường vào lớp. Thế là, chị lại gánh con đi bộ một ngày đường ra cái ga thị xã, mua vé tàu về xuôi.

Người Hà Nội đang như những dòng nước chảy, kéo nhau sơ tán ra các huyện ngoại thành để tránh máy bay Mỹ. Bầu trời Hà Nội đã bắt đầu rực lưới lửa phòng không. Cầu Long Biên đã thành một trong những mục tiêu phá hoại của máy bay Mỹ. Thành thử chuyến tàu hỏa mẹ con Quế về xuôi không dám vào thành phố, phải đỗ lại ở một ga ngoại thành. Như một người đi sơ tán, người đàn bà dắt đứa con lên năm, lên sáu vào một nhà dân xin ở nhờ. Bà cụ cũng trạc tuổi mẹ Quế ở trong một căn nhà mái rạ, tường đất nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Dưới cái chái bếp có chuồng lợn và cối xay, cối giã bỏ không. Cạnh sân, bên bể cạn là một cái hầm chữ A mới đào. Bà cụ xởi lởi bảo với hai mẹ con người đàn bà:

- Cứ cho cháu ở đây cho vui cửa, vui nhà. Con cháu nội nhỉnh hơn thằng bé một chút, học lớp hai, trưa về. Mẹ nó cũng đi sơ tán theo nhà máy, nghe đâu tận trên Hà Bắc. Tháng trước về, mới nhờ người đào cho bà cháu được cái hầm đó.

Nói rồi, bà nhanh nhẹn dọn cái giường của vợ chồng đứa con trai, nhường chỗ cho mẹ con Quế. Thấy người đàn bà có vẻ ái ngại, bà cụ bảo:

- Bố nó đang bận luyện quân ở tỉnh xa, đã nửa năm nay không về. Mà nó có về thì còn cái phản ở gian giữa đó...

Dần dần Quế như người trong nhà, chị giúp hai bà cháu làm tất cả mọi việc gánh nước, giặt giũ, quét tước, dọn dẹp. Nhà cửa lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ, bể nước đầy, trong vắt. Thấy Quế siêng năng chăm chỉ mà chả kiếm được đồng tiền nào nuôi con, bà bảo cách cho Quế làm hàng xay, hàng xáo, đi chợ mua thóc, bán gạo, bát tấm bát cám cũng ra tiền, nuôi được con lợn con gà. Bà nói hàng ngày nhìn cái cối xay, cối giã để không đó, sức không kham nổi nữa, bà cứ thấy tiêng tiếc, nhớ cái nghề hàng xáo khi xưa. Quế sung sướng nghe lời bà cụ như nghe lời của mẹ mình. Vậy là ngày một buổi Quế chạy chợ, đong thóc hôm trước, về xay giã dần sàng, hôm sau lại mang gạo ra chợ bán. Mà có khi chưa tới chợ, mới ngồi một nhoáng ở đầu làng cũng bán được hết rồi. Những cán bộ cơ quan, trường học sơ tán về đây đông dần. Những khi chưa kịp về Hà Nội mua gạo sổ, bo bo, mì sợi, thì người này người kia đong tạm của Quế vài ba cân. Khi về, Quế không quên mua con tôm, con cá, đồng quà, tấm bánh cho bà cụ và bọn trẻ. Cả nhà góp gạo thổi cơm chung, bốn người như một gia đình.

Cái Nghĩa, cháu nội bà cụ, nhỉnh hơn thằng Trung đến nửa cái đầu. Từ ngày mẹ con "bác Quế" đến, con bé ít khi chạy chơi hàng xóm. Đi học về, nó thường bày trò nấu nấu nướng nướng, chơi đồ hàng với em. Cũng có khi, con bé giả bộ làm cô giáo, dạy cho thằng em học chữ. Con chị chỉ dạy chơi, nhưng thằng Trung thì học thật. Rồi nó cũng biết mặt hết các chữ cái và bắt đầu tập đánh vần. Hai mẹ con Quế theo chân cái Nghĩa đến trường, xin được cho thằng Trung vào lớp một.

Nhưng rồi từ đâu, trong xã của bà cháu cái Nghĩa bỗng mọc lên một cái máy xay xát. Thóc chợ bị hút vào đấy. Quế không còn làm hàng xáo được nữa thì may thay, cô giáo của thằng Trung giới thiệu cho mẹ nó vào làm cấp dưỡng cho một trường cấp ba sơ tán. Bác Quế khéo tay, lại giỏi tính toán, bữa ăn của đám học trò vừa rẻ, vừa ngon.

 

 

 


 

7

 

Một sáng chủ nhật, như thường lệ, nhiều phụ huynh học sinh về nơi sơ tán của trường cấp ba để thăm nom và tiếp tế cho con em mình. Trong số đó, có hai vợ chồng công nhân nhà máy Dệt kim. Cô con gái lớn của họ đang theo học lớp 9 (tương đương với lớp 11 ngày nay) của trường, tỉ tê kể với bố mẹ cô rằng mấy tháng nay nhà bếp có bác cấp dưỡng mới, nấu cơm rất ngon, lại biết hát chèo, ngâm thơ và ca vọng cổ rất hay nên bọn học trò ai cũng thích. Nhiều bữa rỗi rãi, nhớ nhà, cô lại rủ mấy bạn đến nhà bác cấp dưỡng nghe bác hát. Bác ấy cũng đang nhiệt tình tập cho lớp cô một tiết mục dân ca, chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ của trường nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Đổi lại, cô và các bạn thay nhau mỗi tuần mấy buổi đến dạy hai đứa nhỏ trong nhà học chữ...

Nghe đứa con gái cứ kể mãi về bà cấp dưỡng với một cái giọng thân thiết, gần gũi như thế, bố mẹ nó cũng muốn tranh thủ tới thăm để làm quen một chút, may ra có thể gửi gắm con mình khi trái gió trở trời, xa mẹ, xa cha. Vừa gặp mặt cô cấp dưỡng, người đàn ông đã thấy ngờ ngợ: cuộc sống đơn chiếc, gian truân như không khỏa lấp nổi nét tươi tắn, duyên dáng trên gương mặt của người đàn bà mà không biết anh đã gặp ở đâu rồi. Hỏi chuyện nhau mới biết chủ và khách đều là người tỉnh H., đều là người làng Thượng - Mỏ Kè. Thì ra, đó chính là vợ chồng người con trai út của chú Nhỡ. Hai chị em con chú con bác nhận ra nhau, họ ôm chặt lấy nhau, mừng tủi lẫn lộn. Thuở mới bắt đầu cắp sách đi học, Tráng - người con út ông Nhỡ đúng là có nghe nói tới chuyện có người con gái của bác Cả dắt mẹ bỏ làng mà đi. Hai chị em chênh nhau đến vài chục tuổi. Đúng là họ chưa hề gặp mặt nhau, nhưng phải chăng là quan hệ huyết thống được phản ánh trên gương mặt người chị, khiến người em con chú sớm nhận ra.

Chẳng bao lâu sau trận "Điện Biên Phủ trên không", Hiệp định Pari được ký kết. Người Hà Nội kéo nhau trở về. Vợ chồng Tráng vào khu sơ tán đón cả mẹ con người chị. Cả năm người cùng ăn, cùng ở với nhau trong một căn hộ nhỏ, cuối khu tập thể Kim Liên. Việc đầu tiên vợ chồng Tráng phải làm ngay là đi xin nhập học cho thằng Trung và xin hộ khẩu tạm trú cho hai mẹ con chị Quế. Mấy hôm sau, vợ Tráng mang về một bọc len to, nói rằng: "Biết chị khéo tay, em nhận về cho chị đan". Dạo này nhà máy ít việc, trong phân xưởng của cô vừa lập một tổ đan len cho chị em làm thêm. Chị Quế đan nhanh và kỹ thuật thành thạo đến mức sản phẩm của chị lần nghiệm thu nào cũng được đánh giá chất lượng cao, chị được nhận làm thành viên chính thức của tổ đan len, mặc dù chị không phải là người của nhà máy. Đến khi nhà máy ký được nhiều hợp đồng, công nhân có nhiều việc làm, thì chị em trong tổ đan len lại bầu luôn chị Quế làm tổ trưởng, vì "chị Quế thật thà, sáng dạ, tiếp thu kỹ thuật nhanh, lại hay chữa lỗi giúp chị em...", và vì "phải có người chuyên trách làm tổ trưởng. Đan len bây giờ đòi hỏi kỹ thuật cao, nhiều mẫu mã, tổ trưởng không chuyên, không làm nổi...".

Thằng Trung đã lên mười tuổi, thấy mẹ cặm cụi ngồi đan đêm, đan ngày cũng thương mẹ lắm mà không biết làm thế nào. Nó chỉ còn biết chăm học, chăm làm. Nó học khá lắm, cũng là nhờ có chị Trâm (con cậu Tráng) kèm cặp. Mấy lần đi họp phụ huynh, mẹ nó đều được nghe cô giáo biểu dương. Cả ở trường và ở nhà, cả cô giáo cũng như vợ chồng cậu Tráng, ai cũng vẫn nghĩ thằng Trung là con ruột của chị Quế. Có một chú công an, bạn thân của cậu Tráng, đã giúp mẹ con chị làm lại mấy thứ giấy tờ tùy thân (chạy máy bay bị mất - Quế khai danh dự thế) và nhập hộ khẩu vào với gia đình cậu em cho chị. Quế dành tất cả tình thương yêu cho thằng Trung, nghĩ rằng chẳng bao giờ phải nói ra cái lai lịch đau buồn của nó. Những khi thi thoảng, thằng bé hỏi đến cha thì chị bảo: "Cha con ốm chết từ khi mẹ mới sinh con". Thằng Trung biết mẹ nghèo chẳng bao giờ đòi hỏi ăn mặc quà cáp gì, quần áo của chị Trâm hồi nhỏ, cũng mặc, của cậu Tráng mẹ khéo sửa lại cho, cũng mặc. Tết Trung thu, mẹ mua cho cái đèn ông sao cũng sung sướng lắm rồi. Phải đến năm ngoái, lần đầu tiên nó mới được chơi một cái ô tô nhỏ nhỏ chạy bằng pin, là của chị Trâm mua cho.

 

 

8

 

Chị Quế đan len nhanh và khéo có tiếng, vậy mà thu nhập chẳng được mấy đồng, lại nhiều khi hết việc, ngồi không. Bởi vì dạo này, máy dệt len về nhiều, thị trường tràn ngập hàng dệt. Công nhân, cán bộ, giáo viên..., nhiều người làm thêm tay trái, nghề phụ dệt len, người một máy, người hai máy. Có người khá giả, đứng ra làm chủ thầu, trong nhà có tới 4 - 5 giàn, giàn kép, giàn đơn, thuê người dệt. Vậy là mặt hàng len đan cạn dần. Tổ đan len của nhà máy dệt kim bị vỡ. Quế không có việc làm, cũng chưa biết kiếm kế sinh nhai bằng nghề gì, chị tạm thời ngồi bán quà vặt cho khách qua đường, khi gọt quả dứa, khi róc tấm mía... Một hôm người mẹ hỏi thằng con:      giậu    

- Trung đi bán ngô luộc giúp mẹ được không?

- Được ạ.

Thương mẹ, thằng bé vui vẻ nhận lời rồi nách rổ ngô luộc nóng hổi ra đi. Chiều về, rổ ngô luộc còn nguyên, nguội ngắt. Mẹ nó biết thằng Trung xấu hổ, không dám rao mời, cũng không dám mở cái vỉ cói đậy trên rổ ngô ra, ai biết mà mua. Cả nhà giở ngô ra ăn trừ bữa tối. Người mẹ giận thằng con và nghĩ thương nhà cậu Tráng bị vạ lây nhưng không nỡ mắng, chỉ nói:

- Bận sau không thèm nhờ nữa.

Cuộc sống ngày càng chật vật. Tiền bán quà vặt không đủ mua hai chục cân gạo sổ của mẹ, của con. Chị Quế giấu vợ chồng cậu em, đi kiếm việc làm thêm. Những khi thấy chị đi sớm về muộn, họ cứ ngỡ là chị đi bán hàng xa. Kỳ thật, chị đã không nề hà, nhận giúp việc đỡ đần chăm sóc cho một ông già đang ốm nặng. Phải đến tối muộn, con cái cụ thay phiên nhau đến trực, chị mới lại tất tả đi bộ mấy cây số về nhà cậu Tráng. Được hơn nửa tháng thì ông già chết, lại có người mẹ trẻ nhờ: "Bà trông cháu giúp cho, lên đèn thì con về". Mấy tuần sau, bà ngoại của cháu bé ở quê ra, "bà Quế" lại tìm đến một quán phở, nhận việc rửa bát.

Một hôm Tráng tình cờ thấy chị đang bê một chồng bát đi rửa, anh lẳng lặng chờ cho đến lúc chị đã đặt hết bát vào chậu mới tới gần, nói với chị:

- Chị lên xe em đèo về, em đã xin được việc cho chị rồi!

Hai chị em dừng chân trước một công trình xây dựng. Người cán bộ công trình nhìn người đàn bà đứng tuổi với vẻ phân vân:

- Bây giờ, trước mắt chỉ thiếu người trộn bê tông. Công việc đó tôi e không thích hợp với bác.

Tráng ái ngại, đang muốn nói điều nài nỉ gì đó thì bà chị anh đã đỡ lời:

- Dạ, được ạ. Làm phu hồ, tôi cũng làm được.

Thế là từ bữa đó, tổ trộn bê tông của công trình nọ có thêm một người đã già. Loáng thoáng, Quế nghe có tiếng
xì xào:

- Nhận ai khỏe không nhận, lại nhận một bà già đi làm công việc nặng. Rồi ốm, rồi nghỉ, bọn mình tha hồ mà cáng.

- Chuyến này rồi năng suất của cả tổ sẽ thấp, tiến độ công trình sẽ chậm, còn thi đua cái nỗi gì.

Bà Quế biết mọi người lo lắng về sự có mặt của mình nhưng không nói gì, chỉ cố gắng làm hết sức mình, không nghỉ một buổi nào. Ngày ngày, bà đến công trường, đầu đội nón lá, miệng bịt khẩu trang, chân đi đôi ủng cao su, tay trộn bê tông khẩn trương nhanh nhẹn. Những khi có cô bạn trẻ nào nghỉ con ốm, bà lại tình nguyện làm thêm ca. Chẳng những trong tổ bê tông mà hầu như cả công trường ai cũng quý mến "bác Quế" - người đàn bà chịu thương chịu khó, hiền lành, phúc hậu và hay quan tâm đến mọi người.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/86584


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận