Thưa phu nhân, tôi đã tìm thật lâu rồi và hiện vẫn còn tìm.
Racine (Britannicus, hồi II, màn III)
“Không, không, tao không chịu giữ kho tàng nữa! Chán lắm rồi! Không được cùng tụi bay đánh nhau, lại phải chép ba cái thứ vớ vẩn về lão Mirabeau, phải ngồi lại lớp, còn bị đòn tơi bời nữa! Quỷ tha ma bắt mấy cái cúc đi! Thằng nào thích thì cứ giữ. Không thể nào có chuyện chỉ một đứa gánh đủ mọi hậu quả được! Nếu bố tao còn tìm thấy một cái cúc trong túi tao thôi thì tao sẽ bị đòn nhớ đời. Chính bố tao bảo thế đấy!”
Thủ kho Tintin đã nói thế vào sáng hôm sau, vừa nói nó vừa đặt cái bao tròn trịa xinh xinh em gái nó đã khâu giúp lên hai tay chủ tướng.
“Nhưng phải có một đứa giữ cúc chứ,” Lebrac nói. “Đúng là Tintin không thể tiếp tục giữ được nữa rồi, vì nó bị nghi. Bất cứ lúc nào nó cũng phải tính tới việc bị khám xét.
Gibus anh, mày phải giữ cái bao này thôi! Mày không ở trong làng và bố mày sẽ không đời nào nghĩ rằng mày có.”
“Nghĩa là tao phải ngày hai lần tha cái bao này từ đây về Vernois và lại từ Vernois tới đây à? Và tao không được cùng đánh nhau, trong khi tao là một trong những đứa cừ nhất, một trong những thằng lính sừng sỏ nhất của Longeverne à? Này, mày điên rồi sao?” Gibus anh bật lại.
“Tintin cũng là một thằng lính sừng sỏ, vậy mà nó đã đồng ý đấy.”
“Ừ, nhưng nếu tao bị bắt gặp trong trường hay trên đường về nhà thì sao? Mày không biết rằng bọn Velrans chỉ rình một chiều nào đấy thằng Narcisse quên tháo xích con Turc thôi! Rồi những ngày anh em tao không đi học thì sao nào? Lúc ấy tụi bay sẽ làm gì? Hèn nhát lẩn trốn, phải không?”
“Mình có thể giấu cái bao ở một chỗ trong lớp,” Boulot đề nghị.
“Ngu vừa vừa chứ!” La Crique giễu. “Mày nghĩ thế nào mà lại bảo để cúc ở lớp hả? Mình cần có cúc sau bốn giờ chiều chứ không phải trong giờ học, đồ cừu ạ! Rồi sau trận đánh làm sao mày trở vào đây để giấu? Mày có thể giải thích cho tao được không, mày cứ tưởng mày khôn à?”
“Không, không, không được. Dứt khoát không!” Lebrac buột miệng nói to trong lúc ngẫm nghĩ.
“Camus với Gambette đâu rồi?” Một trong những đứa bé hơn hỏi.
“Dính dáng gì đến mày,” chủ tướng gay gắt đáp. “Chúng nó có thân chúng nó, tao có thân tao... còn mày liệu mà giữ kỹ cái thân mày. Hiểu chưa?”
“Ồ, tao hỏi chỉ vì tao nghĩ rằng Camus có thể giữ cái bao thôi mà. Ở trên cây thì cái bao đâu làm phiền toái gì nó.”
“Không, không được,” Lebrac lớn tiếng bác bỏ. “Camus hay ai khác cũng không giữ được. Bây giờ thì tao biết mình phải làm gì rồi: mình chỉ cần tìm một chỗ có thể giấu hết được ba cái thứ lỉnh kỉnh này.”
“Nhưng không được ở trong làng! Nhỡ có ai phát hiện ra thì...”
“Dĩ nhiên là không,” Lebrac tán thành. “Mình phải tìm một chỗ trong rừng Saute, đâu đó chỗ những mỏ đá cũ chẳng hạn.
Mà phải là chỗ khô ráo, vì khi kim bị gỉ thì không dùng được nữa, còn hơi ẩm làm mục chỉ.”
“Có thể mình tìm luôn chỗ giấu gươm giáo với gậy gộc! Kẻo bất cứ ngày nào chúng cũng có thể bị tịch thu!”
“Hôm qua bố tao bẻ gãy thanh gươm của tao rồi quăng vào bếp,” Boulot than vãn. “Tao chỉ cứu nổi một đoạn dây đeo, mà cũng đã bị sém lắm rồi.”
“Phải, đúng thế,” Tintin hùa theo. “Mình phải tìm cho ra một xó xỉnh, một cái hố, một chỗ giấu để bỏ hết mọi thứ lỉnh kỉnh vào đấy.”
“Nếu mình dựng một cái lều thì sao nào?” La Crique đề nghị. “M ột cái lều thật tươm trong một mỏ đá bỏ hoang nào đấy nằm khuất và được che chắn tốt. Nhất định là có những cái hang rộng rãi thích hợp. Mình chỉ cần dựng vài ba bức tường và tìm thanh gỗ với ván làm mái thôi.”
“Ờ phải đấy, được thế thì tuyệt!” Tintin thích thú. “Một cái lều ra trò, có giường bằng lá khô để mình có thể nằm nghỉ và một cái bếp để mình đốt lửa. Ở đấy mình sẽ liên hoan khi có đủ tiền!”
“Đúng đấy,” Lebrac tuyên bố. “Mình sẽ dựng một cái lều ở Saute. Ở đó mình giấu kho tàng, “đạn dược”, ná và dự trữ những viên đá thật đẹp. Mình sẽ làm ghế để ngồi, giường để nằm và những giá để gươm. Mình sẽ xây bếp lò, thu nhặt củi khô để đốt lửa. Tụi bay ơi, tuyệt vời!”
“Mình phải tìm ngay một chỗ như thế!” Tintin thúc giục vì nó muốn tống cái bao đi càng sớm càng tốt.
“Chiều nay, chiều nay, phải đấy, chiều nay mình sẽ đi tìm!” Cả lũ thích chí tán thành.
“Trong trường hợp bọn Velrans không tới cơ,” Lebrac chữa lại. “Nhưng đã có Camus và Gambette lo liệu chuyện quấy phá bọn chúng để mình được yên. Nếu mọi chuyện ổn thỏa thì mình khỏi lo gì nữa. Nếu không thì, chà, mình sẽ phải cử hai đứa đi tìm một địa điểm thích hợp vậy.”
“Camus đang làm chuyện gì thế? Kìa, Lebrac, cho tụi tao biết đi!” Bacaillé nằn nì.
“Đừng cho nó biết!” Tintin thì thầm rồi huých Lebrac để nhắc nó nhớ tới lần đáng nghi trước đây.
“Mày có thời gian để biết mà. Với lại chính tao cũng không biết. Khi mình không đánh trận thì đứa nào đứa nấy tự do. Camus muốn làm gì thì cứ việc làm, tao cũng thế, mày cũng thế, đứa nào cũng thế. Bố khỉ, mình sống trong một nước Cộng hòa mà, như bố Simon thường nói đấy thôi!”
Tới giờ học vắng mặt Camus và Gambette. Khi thầy giáo hỏi chúng biết gì về lý do vắng mặt của hai đứa không thì những đứa trong cuộc thưa rằng Camus ở nhà chăm sóc con bò cái sắp đẻ, còn Gambette phải dắt một con dê cái đi nhảy đực, vì con dê cái này ương ngạnh không chịu dê đực.
Bố Simon không muốn biết thêm chi tiết, mà điều này thì lũ học trò của ông quá rõ. Cũng thế, khi có đứa trốn học thì chúng làm ra vẻ hết sức ngây thơ dẫn những lý do hết sức khó nói để xin lỗi giúp bạn và chúng có thể yên trí rằng thầy sẽ không đòi chúng giải thích thêm.
Nhưng Camus và Gambette còn lâu mới bận chăm lo cho chuyện phồn thực của đám bò cái hay dê cái.
Camus, như ta còn nhớ, đã hứa với thằng Méo là sẽ cho nó một vố để trả đũa. Từ đó Camus đã nung nấu một phương án báo thù nho nhỏ và giờ đây nó đang triển khai kế hoạch với sự giúp đỡ của thằng bạn thân tín là Gambette.
Ngay từ bảy giờ sáng hai đứa đã gặp Lebrac, bàn bạc và cho nó biết ý định của chúng.
Sau khi tìm được lý do vắng mặt, hai đứa liền rời làng. Để không bị trông thấy, chúng đi tới rừng Saute và Bụi Cây Lớn trước, rồi mới lẻn qua cánh rừng quân địch giờ này không có đứa nào canh gác.
Cách bức tường bao vài bước là cây đoạn thân thẳng và trơn nhẵn của thằng Méo mà mấy tuần qua đã được quần của thằng lính gác Velrans này đánh bóng thêm. Những chiếc cành đầu tiên xòe ra thật đẹp, cách đầu hai đứa chúng nó vài sải tay. Sau ba lần đu lên, Camus bám được cành đầu tiên, nó tì hai cẳng tay lên đó rồi co đầu gối và rút chân lên.
Lên được trên đó rồi, nó định hướng. Vì nó cần phát hiện ra chạc cây nào đối thủ của nó thường ngồi. Nó không được phép làm chuyện vô ích, có thể khiến kẻ địch cười nhạo và làm giảm uy tín của nó trước các chiến hữu.
Camus nhìn về hướng Bụi Cây Lớn, đặc biệt là nhìn qua cây sồi của nó để có thể xác định đại khái vọng gác của thằng Méo nằm ở độ cao nào. Rồi nó xem xét kỹ lưỡng những khấc của các cành để tìm ra chỗ thằng kia thường đặt chân. Tiếp đó nó leo lên cao hơn nữa trên cái thang thiên nhiên - con đường mòn trong không khí này. Giống như một người da đỏ Sioux hay Delaware dò tìm vết chân Người Da Trắng, nó xem xét từ dưới lên trên mọi nhánh cây, thậm chí còn leo quá cả chỗ đối thủ của nó ngồi, để từ trên cao phân biệt cành nào thằng Méo đặt chân, cành nào không. Rồi nó xác định cái chạc từ đó đối thủ thường dùng để bắn những quả đạn chết người vào quân Longeverne. Sau đó nó ngồi thoải mái trên một cành phụ, nhìn xuống dưới để tính toán cú ngã lộn đầu mà nó dự định sẽ gây cho đối thủ của nó. Sau cùng nó lấy con dao trong túi ra.
Đó là một con dao hai lưỡi, giống như những bắp thịt của ông Tartarin, ít ra thì các chiến hữu của nó đã gọi thế, vì ngoài lưỡi dao ra còn một cái cưa nhỏ, răng thô, không sắc lắm và sử dụng không mấy thuận tiện.
Với thứ dụng cụ thô thiển này, Camus, lòng đầy tin tưởng, bắt tay vào việc cưa gần như đứt lìa một cành cây đoạn bền chắc, ít ra cũng phải to bằng đùi nó. Đúng là một việc vất vả phải làm thật khéo nếu không muốn đối thủ của nó sinh nghi vào đúng giây phút quyết định.
Để tránh cưa trượt và những vết xước quá lộ liễu trên cành cây, Camus leo xuống chạc cây bên dưới, kẹp cứng hai đầu gối vào thân cây rồi dùng lưỡi dao vạch dấu chỗ sẽ cưa, đoạn khoét một rãnh nhỏ ở đó là chỗ sẽ đặt lưỡi cưa.
Rồi nó mới cầm cán dao bắt đầu cưa qua cưa lại.
Gambette, lúc này cũng đã leo lên cây, canh chừng. Khi Camus mệt thì bạn nó vào thế chỗ. Sau nửa giờ thì cái dao đã quá nóng không cầm được nữa. Chúng nghỉ một lúc rồi lại tiếp tục.
Chúng thay nhau cưa suốt hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng ngón tay chúng cứng đơ, cổ tay sưng lên, cổ mỏi như dần, mắt mờ và đẫm nước mắt, nhưng ngọn lửa vẫn hừng hực trong lòng đã kích thích chúng và lưỡi cưa vẫn tiếp tục cứa cọt kẹt như một con chuột gặm không biết thương xót.
Khi chỉ còn một phân rưỡi nữa thì chúng tì lên cái cành, mới đầu thận trọng, sau mạnh hơn xem nó giữ nổi không.
“Thêm chút nữa,” Camus quyết định.
Gambette ngẫm nghĩ: “Khi gãy, cái cành không được dính vào thân cây, kẻo thằng Méo sẽ bám được và chỉ bị một phen bở vía thôi. Cái cành này phải gãy gục.” Và nó đề nghị với Camus nên tiếp tục cưa từ dưới lên thêm một khoảng bằng bề dày ngón tay để cái cành gãy ngọt. Camus làm theo.
Khi Camus thử tì khá mạnh lần nữa lên cái cành, nó nghe tiếng rắc rắc đầy hứa hẹn. “Thêm một tí nữa thôi,” nó nói.
“Giờ thì được rồi đấy. Có thể nó sẽ ngồi lên mà cành không gãy; nhưng khi nó ngọ nguậy với cái ná thì...! Chà chà, vui đáo để!”
Sau khi thổi sạch mạt cưa trên các cành con và lấy tay vuốt phẳng phiu vết cắt trên vỏ cây để xóa mọi dấu tích về việc làm của chúng, chúng leo từ trên cây đoạn của thằng Méo xuống, tin chắc rằng đã dùng buổi sáng nay vào một việc hoàn toàn có ích.
“Thưa thầy,” Gambette nói khi đến lớp lúc một giờ kém mười phút, “con đến để thưa thầy rằng bố con bảo con phải thưa thầy rằng sáng nay con không đi học được, tại con phải đưa con dê cái...”
“Được rồi, được rồi, thầy biết,” bố Simon vội ngắt lời nó, vì không muốn học trò mình say mê những kể lể kiểu này vốn khiến chúng rất thích thú và ông dám chắc rằng mỗi lần như thế đều sẽ có một đứa ranh ma, với vẻ ngây thơ nhất quả đất, yêu cầu ông giải thích thêm.
“Được rồi, được rồi,” ông cũng nói như thế trước khi Camus lại gần ông, tay cầm chiếc mũ nồi. “Được rồi, đi đi, kẻo thầy bắt vào lớp bây giờ!”
Trong khi đó ông bực dọc nghĩ: “Thật không hiểu sao các bậc cha mẹ lại ít quan tâm tới giáo dục đạo đức cho con cái, đến nỗi để chúng thấy tận mắt những trò như vậy!
Đúng là điên lên được. Mỗi khi có con ngựa đực giống đến làng là mọi đứa trẻ ùa tới. Chúng đứng bu quanh, chúng trông thấy hết, nghe thấy hết mà người ta cứ để mặc. Rồi sau đó các ông bố bà mẹ lại đến trường phàn nàn vì lũ con trai viết thư tình cho đám con gái!”
Người đàn ông trung hậu này lo lắng cho nền đạo đức và phiền não về những chuyện chẳng quan trọng mấy như thế đấy!
Ông làm như chuyện giao phối không nhan nhản trong thiên nhiên vậy! Thế thì cần phải có thông cáo chính thức cấm ruồi muỗi không được cưỡi lên nhau, cấm gà trống nhảy gà mái, vào mùa động đực phải nhốt lũ bò cái tơ lại, phải đem súng bắn vào lũ chim sẻ đang phủ nhau, phá tan những tổ yến, mặc quần cho chó đực và mặc váy cho chó cái. Không bao giờ được cho mục đồng nhóc chăn cừu, vì lũ cừu đực sẽ ngừng ăn cỏ khi một con cừu cái tỏa thứ mùi mời mọc và được cả một đám con đực hâm mộ bu quanh.
Vả chăng, bọn trẻ đâu ham hố gì những cảnh diễn ra hàng ngày này như người ta tưởng. Cái làm chúng thích thú trước hết là những cảnh trông giống như đánh nhau hoặc đôi khi chúng so sánh với sự tháo ruột sau bữa ăn, như lời kể sau đây của Gibus em chứng tỏ.
< p style="text-align: justify;">“Nó tống cứ như là muốn ị,” Gibus em kể chuyện con Turc khổng lồ của nhà nó lẹo con chó cái của ông lý trưởng, sau khi đã cho mọi đối thủ nếm đòn.“Trông mới kỳ cục làm sao! Để tới được, thân nó phải thấp xuống đến nỗi gần như ngồi bệt trên hai chân sau, lưng nó còng như bà lão gù ở Orsans. Khi đã tống đủ rồi vào giữa hai cẳng con đứng trước, nó muốn đứng thẳng lên thì, tụi bay ơi, nó không có cách nào ra được! Chúng như bị dính keo, con Follette nhỏ xíu cứ chổng mông lên trời, hai cẳng sau không chạm tới đất.
Ngay lúc ấy ông lý trưởng từ trong nhà chúng tao chạy ra. ‘Đổ nước lên! Đổ nước lên! Chúa ơi!’, ông hét toáng. Con cái tru lên, còn con Turc khỏe hơn nhiều, cứ kéo thật lực, khiến con cái lòi cả... ra.
Nhưng tụi bay nên biết rằng con Turc cũng đau ghê gớm. Cuối cùng khi người ta tách chúng ra được thì cái của con Turc đỏ lựng và nó liếm ít nhất là nửa giờ liền.
Thằng Narcisse nhà tao nói: ‘Này, ông lý, tôi tin rằng con Follette của ông đã được hưởng đáng đồng tiền bát gạo đấy!’
Ông ta chửi om sòm, bỏ đi.”
Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !