Trời Sài Gòn lại đổ mưa, những cơn mưa bất chợt luôn mang đến những nỗi buồn xa xăm cho con người. Những lúc cô đơn như thế lại càng làm cho người con xa xứ như tôi cảm thấy một nỗi buồn man mác tràn về. Mỗi khi lắng nghe bài hát Trên mảnh đất tình người và Mẹ! Con đã về, tôi lại không thể nào kìm được những giọt nước mắt khi nghĩ về mảnh đất đã sinh tôi ra, nơi tôi lớn lên cùng những năm tháng tuổi thơ và nơi cất giữ điều thiêng liêng nhất trong trái tim tôi “Mẹ”.
Những kí ức về mảnh đất trải dài xa tít tắp với những cánh đồng mía xanh ngút ngàn mà tôi chỉ nhìn thấy xa xa với dãy Trường Sơn xanh thẫm và những cánh chim bay lượn trong ráng chiều chợt ùa về. Tuổi thơ tôi lớn lên thiếu thốn bộn bề nhưng tôi lại may mắn khi được sống trong tình yêu thương vô bờ bến của bố mẹ. Miền kí ức của tôi trải dài mênh mông với những buổi chiều chờ bố mẹ đi làm về. Cứ chập tối, tôi và đứa em gái nhỏ lại ra cổng ngóng trông bóng dáng mẹ về sau lũy tre làng. Hôm nào mẹ về trễ, tôi lại cảm thấy ruột gan mình như bị cào xé vì chỉ sợ không được nhìn thấy mẹ. Còn bố tôi, có những hôm ông về khi cả nhà đã đi ngủ và chỉ còn mình mẹ thức giấc. Sáng hôm sau, ông lại đi làm khi chúng tôi chưa thức dậy. Hôm nào trời mưa, ông không phải đi cày thuê, em gái tôi rất sợ hãi khi thấy có “người lạ” trong nhà. Có một điều ước mà chúng tôi vẫn thường mong muốn ấy là trời mưa thật nhiều để cả gia đình tôi lại được quây quần bên nhau cùng cười đùa bên mâm cơm ấm cúng.
Mẹ vẫn thường mắc mùng tránh muỗi cho tôi trước khi đi ngủ, bà còn đọc những bài thơ cho tôi nghe với mong muốn sau này khi trưởng thành tôi có thể học thật cao để bù lại khi xưa vì nhà quá nghèo nên bà phải bỏ học giữa chừng và phải làm lụng để lo cho người em gái đi học. Lúc ấy, tôi thường cuộn tròn trong chăn ấm và nắm lấy bàn tay mẹ. Tôi tự hỏi, tại sao bàn tay ấy lại không mềm mại như bàn tay của mẹ đứa bạn hàng xóm là cô giáo dạy tôi? Nhưng ý nghĩ trẻ thơ ấy chợt đến chợt đi để tôi chìm dần vào giấc ngủ…
Có những hôm tôi sốt cao, mẹ lo đút từng thìa cháo, đôi mắt bà trũng sâu sau bao đêm không chợp mắt vì lo cho con. Rồi có những hôm tôi bị chảy máu cam, bố mẹ phải đưa tôi đến trạm y tế lúc tờ mờ sáng để tôi được bác sĩ tiêm cầm máu và cho những lọ nước tẩm vào bông để giúp máu ngừng chảy. Tôi lại thấy bố mẹ như có thêm nếp nhăn trên mắt và đôi bàn tay gầy guộc của mẹ lại vuốt ve mái tóc tôi, tiếp thêm can đảm cho tôi.
Tôi hầu như chẳng có thời gian quan tâm đến mẹ. Rời nhà đi học cấp 3 ở trường huyện, tôi thay đổi tâm tính như bao đứa trẻ đến tuổi dậy thì. Mỗi tuần về gặp bố mẹ, tôi và họ thường bất đồng quan điểm. Nhiều khi mẹ muốn con gái phải thật dịu dàng và để mái tóc dài như hồi tôi học cấp 2 thì tuần sau về thế nào mái tóc tôi cũng ngắn đi và cách ăn mặc của tôi lại giống một đứa con trai hơn. Mẹ không nói gì nữa mà chỉ thở dài. Còn tôi lúc ấy chỉ muốn làm những gì mình thích. Nhưng rồi những hôm cuối tuần không về nhà để ở lại học chuẩn bị cho kì thi, tôi bị đau và cảm thấy thật cô đơn. Lúc đó tôi đã khóc và nhớ đến mẹ. Nhớ đến đôi mắt lo âu của bà, nhớ đến bát cháo hành nóng hổi, và nhớ đến đôi bàn tay chai sần luôn rờ lên trán tôi xem tôi đã hết sốt hay chưa. Có lẽ, cái chai sần và khô ráp của đôi tay mẹ đã làm tôi khóc lúc ấy chứ không phải vì tôi cảm thấy tủi thân khi không có bố mẹ bên cạnh.
Tôi rời quê hương lên Sài Gòn học tập. Sáu năm, một quãng thời gian khá dài cho một đứa con gái tỉnh lẻ như tôi quen với nếp sống của người thành phố. Tôi lao đầu vào việc học, ra trường đi làm cùng với bao bộn bề lo toan và rất ít khi về thăm gia đình. Tết đến, tôi về nhà và cảm thấy như mình trở lại một nơi thật kì lạ với một cảm giác không thể diễn tả nổi… Tôi cảm thấy những thứ quá đỗi bình thường trước đây giờ lại trở nên vô cùng quan trọng. Tôi chợt nhận ra mình yêu biết bao con đường vẫn hàng ngày đến trường, ngôi nhà tôi đang ở đã cũ kĩ cùng với rêu phong, những cánh đồng mía vẫn như ngày nào nhưng sao khi đứng đó ngắm hoàng hôn về tôi lại cảm thấy trào dâng một cảm xúc lạ… Nhưng điều làm trái tim tôi quặn lại khi nhìn bố mẹ là những nếp nhăn trên trán và mắt bố, là mái tóc người đã bạc thêm mấy phần. Và mẹ tôi, khi tôi cầm lấy đôi bàn tay người - phải lâu lắm rồi từ lúc còn là đứa trẻ nắm lấy tay mẹ khi ngủ và so sánh với những đôi tay mềm mại của người khác- tôi đã không kìm được những giọt nước mắt tuôn rơi. Đôi bàn tay mẹ sần sùi hơn, chai sạm và đen đi vì lao động và sương gió. Lần đầu tiên tôi khóc khi cầm lấy bàn tay ấm áp ấy. Những vết cứa trên tay mẹ vẫn còn dấu vết, chúng như khắc vào tim tôi để tôi không thể nào quên được vì sao tôi có ngày hôm nay…
Tôi lại ra đi với một trái tim mang đầy nỗi đau khi bóng dáng bố mẹ hao gầy theo năm tháng. Nhưng cũng chính những khoảnh khắc chia li đầy nước mắt ấy, chính đôi mắt cương nghị của bố và đôi bàn tay chai sần của mẹ đã giúp một đứa con gái như tôi cảm thấy phải sống thật mạnh mẽ và có ý nghĩa trong cuộc đời này. Tôi biết mình không chỉ sống vì bản thân mà còn vì những ước mơ của bố mẹ đã đặt lên vai tôi.
“Mẹ ơi, dù cuộc sống này có quật ngã con, con sẽ đứng dậy vì con biết rằng đôi tay mẹ đã cho con sức mạnh để sống có nghị lực và niềm tin!”.