Tôi biết rằng nó đang chờ chúng tôi ở một chỗ nào đó trong nhà này. Tôi biết rằng nó đang rình rập ở một chỗ nào đó, vô cùng sợ hãi và không thể hiểu nổi rằng chúng tôi không phải là kẻ thù. Nó sẽ im lặng. Nó sẽ không gọi cứu. Ngược lại, nó sẽ cố gắng lẩn trốn để tránh những đòn tra tấn mới.
Đội cảnh sát truy tìm vết máu và dấu vết của một tấn thảm kịch. Cho đến giờ phút này, khi vẫn chưa có kết quả phân tích thì không có gì có thể chứng minh rằng hai vợ chồng Leguerche đã cắt tai đứa bé để báo tin cho chúng tôi, tôi và Giselle, rằng nó đã chết.
Chúng tôi cẩn thận rà soát cả tầng hai lạnh tanh như một nhà xác, sau đó là tầng một, nơi mọi người chú ý đến cái giỏ có đệm và các hộp thức ăn cho chó.
- Chó của ông bà đâu rồi? – Anh trung úy hỏi bà chủ nhà.
Trong bộ váy ở nhà dày, vải nylon in hoa, bà ta thách thức chúng tôi:
- Nó chết rồi.
- Lâu chưa?
- Được một tháng rồi.
- Bà Leguerche, tôi xin nhắc lại rằng tất cả những gì bà nói sẽ được kiểm tra lại. Chúng tôi sẽ hỏi hàng xóm của
- Tôi không biết họ là ai.
- Thế tại sao bà lại giữ lại các hộp thức ăn này?
- Tại sao lại không? – Bà ta ngoặc lại, vẻ bị xúc phạm. – Đó có phải là ma túy đâu cơ chứ.
Anh trung sĩ kỹ thuật viên được giao việc xem xét giỏ chó tuyên bố rằng hoàn toàn không có một dấu hiệu nào cho thấy đã có chó nằm trong giỏ này. Có lẽ cần phải mang giỏ về phòng thí nghiệm để phân tích, nhưng trung úy chỉ huy cho rằng đó là điều không cần thiết. Thật vậy, không có lông chó cũng như không có nước dãi chó trong giỏ không phải là bằng chứng buộc tội, bởi luật pháp không cấm để trong nhà một cái giỏ chó chỉ để làm cảnh. Bằng chứng chúng tôi cần tìm là máu người, nhưng bao nhiêu bột dùng để phát hiện ra vết máu cũng không mang lại kết quả nào.
Sau đó vài phút, có người phát hiện ra hầm dưới nhà và tất cả đều hy vọng, nhất là ở dưới đó lại có một giỏ chó nữa và một bát nước.
- Tại sao lại thay nước nếu chó của ông bà chết rồi? – Anh trung úy tấn công.
- Làm thế để nhớ đến hồi nó còn sống. – Bà chủ nhà cằn nhằn. – Tôi quen rồi.
Bà ta chịu đựng việc lục soát nhà với một vẻ anh dũng và hoàn toàn không có thái độ can thiệp, trừ việc thỉnh thoảng đưa ra một vài lời bình luận hoài nghi. Bà ta không có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi. Dường như bà ta đã chờ tôi từ lâu rồi và cho rằng tôi không phải là một mối nguy hiểm.
Vậy mà chắc chắn bà ta là người đã để cái tai vào hộp diêm sau khi ông chồng cắt tai đứa bé. Chắc chắn bà ta là người đã lau sạch tai, gói hộp và tôi sẵn sàng cá bất kỳ cái gì rằng chữ viết trên hộp cũng là chữ viết của bà ta. Thái độ bất cần của bà ta chỉ làm tôi phần nào ngạc nhiên. Hai vợ chồng Leguerche không sống trong một thế giới có thực. Họ sống giữa một đám bóng ma. Họ có cảm giác là người trong thế giới thực rất dễ bị lừa, và vì vậy mà họ tự coi mình là hoàn toàn không thể bị buộc tội. Tóm lại là họ không nghĩ rằng chúng tôi có đủ trí thông minh để tìm thấy
đứa bé.
Nhưng tạm thời thì dưới hầm trống trơn. Đội cảnh sát chọc thử vào tường để tìm một chỗ giấu, một cánh cửa bí mật. Trên tường, gần chỗ đệm nằm, sát với mặt đất, tôi phát hiện ra những nét vẽ loằng ngoằng cạo vào trong lớp vôi. Một trong số đó giống hình người với một cái đầu và hai mắt to, đúng là hình "người nòng nọc" trong những bức vẽ đầu tiên của bọn trẻ con. Đối với tôi, đó là một bằng chứng, nhưng đó không phải là quan điểm của cảnh sát. Cùng lắm thì họ chỉ coi những nét vẽ này là một yếu tố bổ sung vào hồ sơ của vụ án này. Tôi đành im lặng ngậm bồ hòn làm ngọt.
Dần dần trong đội cảnh sát bắt đầu có dấu hiệu nghi ngờ. Tôi bắt gặp những ánh mắt trao đổi và những lời thì thầm. Thỉnh thoảng bà chủ nhà khịt khịt mũi vẻ bất bình. Bà ta đang đóng kịch. Đối với bà ta thì chúng tôi như những con rối đang làm trò. Chỉ như thế, không hơn không kém.
Cảm thấy trong đội ngũ có sự bối rối, tôi hỏi:
- Thế còn gara ôtô? Lần trước tôi nghĩ là nó trốn ở đằng sau lò sưởi.
Tôi nhận thấy bà chủ nhà thoáng tỏ ra căng thẳng. Chắc hẳn bà ta không ngờ đến điều đó. Trung úy chỉ huy cũng phát hiện ra điều đó và tiến hành ngay lập tức.
Gara ôtô nhà Leguerche bị rà đi soát lại từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới không còn sót một ngóc ngách nào. Tấm cửa sắt đã bị hạ xuống từ ngay lúc chúng tôi mới đến và không ai có thể trốn đi mà không qua phòng bếp, là nơi có một nhân viên cảnh sát mặc quân phục đứng túc trực.
Vậy mà trống không.
Tôi như bị một cú đánh vào đầu, tôi đã bắt đầu tưởng tượng ra những lời trách móc và phê phán. Tôi sẽ bị kết tội là đã huy động từng này người chỉ bởi một ý tưởng điên rồ, một ảo ảnh. Tuy nhiên, có một điều làm họ còn chưa lên tiếng. Đó là cái tai đã được xét nghiệm, chụp siêu âm, chụp X-quang cẩn thận. Đó đúng là một cái tai trẻ con mới bị cắt trước đây chưa đến 24 giờ đồng hồ bằng một vật giống như dao nhà bếp.
Nhưng họ giấu nó ở đâu cơ chứ? Người ta có thể giấu một con người trong bí mật vào nơi nào? Làm sao có thể đưa nó đi từ nơi này sang nơi khác mà không bị chú ý?
Giả thiết duy nhất có thể được đưa ra là họ đã giết đứa bé.
Theo lôgíc đó, đội cảnh sát đã bắt đầu lục soát ngoài vườn. Những cây đèn cực mạnh chiếu ra một loại ánh sáng trắng làm chói mắt. Họ kiểm tra từng tấc đất với hy vọng sẽ phát hiện ra một ngôi mộ mới lấp. Nhưng chỉ là công toi. Rõ ràng là vợ chồng Leguerche không hề động cuốc xẻng gì đến cái vườn giống như một tiểu sa mạc bằng bêtông và đất nện ấy.
Sau hai tiếng tìm kiếm tích cực, trung úy chỉ huy quyết định ra lệnh:
- Thôi nào, ta rút lui thôi.
Tôi chờ bà chủ nhà sẽ nói theo một câu kiểu "tôi đã bảo các anh mà", hoặc "các anh để tanh bành mọi thứ thế này à", nhưng bà ta im lặng. Âm thầm, mất phương hướng, bà ta nhìn chúng tôi thì thầm trao đổi những lời bực tức. Tay đút sâu trong túi áo cài kín cúc đến tận cổ, bà ta không còn nghe thấy chúng tôi nói gì nữa. Tôi kín đáo quan sát và cố gắng tìm hiểu lý do của sự thay đổi thái độ này. Bà ta nghĩ về điều gì vậy? Có gì làm bà ta bận tâm đến như vậy?
- Xin lỗi bà về sự làm phiền này. – Trung úy chỉ huy nói.
Anh ta chỉ xin lỗi có thế thôi, vì dù sao cũng có cái tai và cái giỏ chó. Anh ta bắt buộc phải công nhận mình đã thua keo này, nhưng chưa hoàn toàn thua cuộc.
- Các anh không tìm thấy nó à? – Bà chủ nhà gào lên.
- Thế thì tốt cho bà hơn đấy. – Anh ta đáp lời.
Nhưng thay vì vui mừng thì bà ta có vẻ mất phương hướng. Tại sao lại như vậy? Tại sao bà ta lại đứng như trời trồng ở giữa gara ôtô, đến mức tôi phải quay lại gọi bà ta ra mở cửa cho chúng tôi ra về? Liệu bà ta có chuẩn bị tinh thần là chúng tôi sẽ tìm được đứa bé hay không? Nếu thằng bé đã tranh thủ chạy trốn thì sao?
Tôi không kịp phát biểu giả thuyết này vì trung úy chỉ huy đã ra về mà không nghe tôi phản đối. Sau lưng chúng tôi, bà Leguerche lại lùi về sau điều bí mật như một pháo đài của mình.
Trong phòng làm việc rộng thênh thang ở phố Quai Orfèvre, bà đại úy Guenièvre Sanchez không đánh giá cao mấy câu chuyện chúng tôi vừa kể. Trên khuôn mặt xấu xí một cách khác thường, tôi không thấy có biểu hiện vui mừng nào hoặc hài lòng được gặp lại tôi. Việc vừa được lên chức không làm bà ta dễ tính hơn một chút nào, và rõ ràng đây không phải là lúc để chúc mừng về chuyện ấy. Nhất là không phải lúc nhận xét rằng bà ta có vẻ khỏe mạnh trong cái áo quân phục nhàu nát phủ nửa người phía trên.
Ngồi cạnh tôi là hai anh trung úy, một người đã tiến hành lục soát nhà Leguerche, còn người kia là người đã đến nhà Victor. Cả hai đều ngồi thẳng lưng, có vẻ hơi căng thẳng. Nhưng nói đúng ra thì tôi mới là người nằm trong tầm ngắm của bà đại úy Sanchez.
- Bác sĩ Cabral à, - bà ta vừa mào đầu vừa mở tập hồ sơ trước mặt. - Vợ chồng Leguerche có quen biết gì ông hàng xóm của chị... ông Victor Teslic không?
- Tôi không chắc. Nhưng họ không cần phải biết ông ấy mới có thể đưa cho ông ấy cái gói ấy được! Sức khỏe ông ấy thế nào? Ông ấy đã được hỏi cung chưa?
Với dáng vẻ một cậu học sinh giỏi nhất lớp, anh trung úy đã giải quyết việc này trả lời:
-Vết thương của ông ấy không nặng lắm. Ngay sau khi bắt đầu nói được, ông Teslic đã cho chúng tôi biết rằng ông ấy đã nhìn thấy người đã đâm ông ấy. Thật ra là chính ông ấy đã cho người này vào nhà. Đó là...
Anh trung úy lật sổ:
- Đó là một người tên là Fabrice Markovich. Tôi đã bắt đầu cho tìm kiếm thông tin trong kho dữ liệu.
Sau khi do dự trong khoảng một phút rất dài, tôi quyết định nói:
- Tôi biết ông Fabrice Markovich. Đó là anh của bạn trai tôi.
Một mùi phân và trứng thối bắt đầu lan tỏa. Tôi cảm thấy ngạt thở. Hai anh trung úy bên cạnh tôi như bị liệt chân tay và nhìn tôi với vẻ thù hận. Tôi đã làm bà đại úy Sanchez bực mình và khi bà đại úy bực mình thì bà ấy sẽ bùng nổ như núi lửa. Ai cũng biết thế cả!
- Chị muốn nói là chị biết người đã đâm ông Victor Teslic à? - Bà đại úy hỏi tôi và tranh thủ hưởng thụ cảnh chúng tôi bối rối.
- Tôi không biết là có thật anh ta đã đâm ông Victor Teslic không. Tôi chỉ có thể nói với chị rằng anh ta đã đến gặp tôi trong cùng ngày hôm đó.
- Về việc gì vậy?
- Anh ta đến gặp tôi vì tôi sẽ phải đến làm chứng trong vụ điều tra về cái chết của vợ anh ta. Anh ta đánh vợ. Victor cũng là người sẽ phải làm chứng.
- Làm chứng buộc tội anh ta à?
- Quả thật là... vâng.
Thật là đẹp mặt! Trong vòng chưa đến hai phút, tôi đã làm tình trạng của Fabrice còn tồi tệ hơn, đồng thời làm cho cảnh sát nghi ngờ là tôi nói dối! Thật là khó mà giỏi hơn được nữa!
Tạm thời thì cả ba sĩ quan cảnh sát đang suy nghĩ. Họ biết rằng họ nắm trong tay một tội phạm tuyệt vời, một người vốn đã hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay lại bị khủng hoảng vì sắp phải ra tòa. Động cơ gây án có thể được lựa chọn: hoặc là ý muốn trả thù, hoặc là muốn ngăn cản Victor Teslic ra làm chứng trước tòa.
Tôi nói:
- Theo tôi thì có một điều đã rõ là Fabrice không thể là người cắt cái tai này. Anh ta hoàn toàn không biết gì về gia đình Leguerche, nhất là về đứa bé này. Anh ta có lẽ không có quan hệ gì với việc hành hung này.
Bà đại úy Sanchez nói mỉa:
- Chị thật là tốt bụng vì đã có ý bảo vệ ông anh.
Nhất là khi biết rằng tôi yêu quý ông anh đó đến mức độ nào... Nhưng nếu tôi lại bắt đầu kể rằng anh ta đã đe dọa tôi, rằng anh ta là một kẻ khốn nạn, rằng anh ta làm tôi có cảm giác buồn nôn mỗi khi tôi gặp anh ta, thì chắc chắn là đứa bé khốn khổ kia sẽ bị rơi hẳn vào quên lãng.
- Tôi xin chị thứ lỗi, nhưng tôi nghĩ rằng việc cấp thiết hơn là phải tìm lại đứa bé đó. - Tôi nói với một giọng dứt khoát. - Chính đứa bé đó mới là người đang bị nguy hiểm.
Hai anh trung úy tỏ vẻ sẵn sàng can thiệp để tôi im mồm. Giải thích cho bà đại úy Sanchez việc bà ta phải làm rõ ràng sẽ làm bà ta nổi giận.
Chính vì vậy mà tôi tiếp tục nói rất nhanh để họ không có thời gian ngắt lời tôi:
- Tôi theo dõi vợ chồng Leguerche từ ba tuần nay! Tôi biết là có một đứa bé đã ra đời ở nhà họ cách đây mười năm mà không được khai sinh. Tôi xin nhắc lại là không có giả thiết nào khác. Một người có chức vụ cao không thể nào hành hung người khác bằng dao làm bếp được! Anh ta không biết bếp trong nhà mình ở đâu thì làm sao mà đi lấy dao được! Hoặc anh ta sẽ đẩy nạn nhân từ tầng mười xuống, hoặc anh ta sẽ chờ nạn nhân ra khỏi nhà hàng để phóng xe Mercedes đến kẹt chết. Anh ta chỉ đánh vợ thôi, để trút nỗi bực dọc!
Khi tôi nói xong, tất cả đều im lặng. Cả ba sĩ quan cảnh sát nhìn tôi với vẻ sững sờ. Nhưng thật ra chẳng có gì phức tạp cả. Đó là nghiên cứu tâm lý theo phương pháp của bác sĩ Cabral!
Cuối cùng thì bà đại úy cũng tự quay trở lại với vấn đề đứa trẻ và nói giọng cấm cảu:
- Dù có quen với đủ vụ việc thế nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể nào hiểu được tại sao có người lại có thể đối xử với một đứa trẻ tệ hại như thế!
Nhưng đối với họ thì đó không phải là một đứa trẻ con! Đó chỉ là một đồ vật, một đối tượng để lòng thù hận và sự miệt thị của họ trút vào mà thôi. Nó là một con tin trong mối quan hệ hình tam giác giữa Giselle và bố mẹ chị ta. Rõ ràng là phải có một lý do đặc biệt nào đó thì vợ chồng Leguerche mới để cho nó sống, nhưng tôi còn chưa biết đó là lý do nào. Có thể đứa bé được sử dụng như áp lực đối với Giselle, kiểu như "con mày chỉ là một con chó, chúng tao đối xử với nó như với một con chó". Đại loại là như vậy. Dù thế nào đi chăng nữa thì cái tai này cũng là bằng chứng về sự tồn tại của đứa bé đó.
- Nhưng không có nghĩa rằng nó còn sống. - Bà đại úy nhận xét.
- Đúng như vậy.
Bà ta tiếp tục nói và hướng về hai anh trung úy đang chăm chú nghe như nuốt từng lời:
- Có thể tiến hành lục soát ở nơi làm việc của ông Leguerche. Có lẽ là ông ta giấu thằng bé ở trong bãi đỗ xe.
Tôi lại tham gia:
- Tôi không nghĩ là ông ta dám làm việc đó, ở bãi đỗ xe có quá nhiều người, nhất là ban ngày. Thái độ của bà vợ cho thấy rằng có lẽ thằng bé đã bỏ trốn. Nếu như vậy thì sẽ dễ dàng tìm thấy nó thôi.
- Nhưng họ sẽ tìm thấy nó trước chúng ta. - Bà đại úy ngắt lời. - Một đứa trẻ bị giam cầm như thế phát triển rất chậm. Chúng không thể nào sống sót nổi ngoài môi trường quen thuộc, không biết xin được giúp đỡ, thậm chí không di chuyển được một cách bình thường. Chính vì vậy mà tôi không tin vào giả thuyết bỏ trốn. Nếu đúng như chị nói là đứa cháu nhà Leguerche chưa bao giờ được ra khỏi nhà, nếu như nó ở trong tình trạng như chị đã kể thì nó thậm chí không thể nào nghĩ ra được việc bỏ trốn.
Bà ta có lý. Thật khó mà chấp nhận được, nhưng rõ ràng là bà ta có lý. Những đứa trẻ bị tổn thương về mặt tâm lý như vậy không thể tự cứu mình được. Giả thuyết của tôi hoàn toàn không có cơ sở.
Bỗng nhiên, tôi có một ý tưởng thiên tài, bèn kêu lên:
-Còn một người nữa theo dõi đứa bé này! Một sĩ quan cảnh sát! Tôi biết anh ta. Anh ta sẽ giúp chúng ta!
Vừa nói tôi vừa suy nghĩ rất nhanh. Làm sao mà liên lạc được với Hakim? Rosemarie không có số điện thoại của anh ấy, tôi đã hỏi rồi. Tôi bất chợt nhớ đến Fred Labouche hoặc Ladouche gì đó mà tôi có gặp khi lần đầu tiên thấy Hakim. Anh ta quen thân Hakim và đã mời Hakim về nhà ăn cơm rồi mà.
Tôi chạy ra ngoài hành lang và sau năm phút tìm kiếm, tôi cuối cùng cũng có được số điện thoại của Fred. Tôi gọi từ điện thoại di động. Giọng Fred vang lên trong điện thoại, giọng khàn khàn của một người thích uống, hút và chạy theo phụ nữ:
- Tôi Latouche nghe đây!
- Chào Fred. Véra Cabral đây...
- Ôi, em Véra à, quý hóa quá! - Anh ta thốt lên. - Em làm sao thế?
Thật là rất buồn cười! Cảnh sát lại hỏi bác sĩ tâm thần là làm sao thế! Đáng lẽ phải giả vờ đồng tình với trò hài này thì tôi chỉ ậm ừ một cách lịch sự và hỏi:
- Fred này, tôi cần tìm Hakim. Chẳng may anh có biết anh ấy ở đâu không?
- Hakim à? Nhưng... cậu ấy đã về Alger rồi còn gì!