Người này chẳng có quan hệ gì với tôi cả. Giữa chúng tôi chẳng có gì cả. Anh ta cũng chẳng nợ nần tôi gì cả.
Tôi giả vờ bình thản hỏi:
- Anh ấy xong việc rồi à?
- Việc gì?
- Tôi cứ tưởng rằng anh ấy đang tìm cách bắt Amar Zitoun. Nhưng có lẽ là tôi nhầm.
Fred cười to trong điện thoại. Tôi vừa trả lời cho câu hỏi của chính mình: đúng là tôi nhầm to. Nếu anh ta mà biết được đến mức độ nào...
- Zitoun bị bắt từ năm ngoái rồi. Hắn đã được chuyển về Algérie, về nhà tù El Harrach gần Alger. Hakim lần này sang Pháp đi nghỉ thôi. Cậu ấy dễ thương chứ nhỉ?
Tôi phát âm một cách khó khăn:
- Rất dễ thương. Anh biết anh ấy lâu chưa?
- Từ hồi cùng đi thực tập ở trường Cảnh sát cơ. Tôi đã sang Algérie thăm Hakim, hồi trước khi nổ ra chiến tranh. Tuyệt vời lắm. Bao giờ mà bên ấy đỡ lộn xộn hơn thì tôi sẽ đi thuyền sang để câu cá, thế nào cũng phải để chật tủ đá nhà cậu ta. Bên họ nhiều cá khủng khiếp!
Tôi không tưởng tượng nổi bên Algérie nhiều cá đến như thế nào, mà điều này cũng không làm tôi quan tâm tí nào. Tôi ngắt lời anh ta, có lẽ hơi vội quá:
- Anh ấy đã có gia đình chưa?
Nhưng mà đằng nào chẳng thế, cứ biết trước thì hơn.
Fred cười phá lên:
- Ối chà chà! Hình như có vấn đề đây này! Cậu ta cưa cẩm em à? Tôi đoán ngay là cậu ta thích em mà, chẳng thế mà phải chịu bao nhiêu phiền phức …
- Phiền phức gì cơ?
- Vụ hạ thủ lão điên ấy. Các sếp ghét kiểu cao bồi thế lắm, mà lại còn là cao bồi Algérie nữa thì biết rồi đấy...
- Nhưng anh ấy không nói gì với tôi cả.
- Cậu ta kín tiếng lắm. Quả thực là mới đầu tôi tưởng người ta sẽ đẩy cậu ta lên máy bay về ngay. Nhưng cuối cùng rồi cũng ổn thỏa cả, những người như cậu ta hiếm lắm. Em có biết họ được gọi là gì không? "Diệt chuột" đấy...
Tôi im lặng trong một khoảnh khắc vừa đủ để nạp những thông tin mới này. Fred tiếp tục nói thao thao:
- Thôi, em cứ yên tâm đi. Cậu ta chưa có vợ đâu, ở Alger cũng như ở quê, ở Biskra ấy. Không có vợ cũng chẳng có con, chẳng có dây buộc cổ nào cả...
Tôi để mặc anh ta tiếp tục miêu tả vẻ đẹp của các thiếu nữ Algérie. Tôi chỉ còn nghe bằng một nửa tai. Biskra! Tôi đã nghe thấy địa danh này rồi, nhưng ở đâu nhỉ?
Biskra ở đâu nhỉ?
Ở chân dãy Aures, trước vùng sa mạc.
Dãy Aures! Đồn lính ở chân dãy Aures! Nơi mà tình cờ thế nào, biết đâu trung sĩ Leguerche lại đóng quân ở đó. Đột nhiên tôi nhớ lại nơi tôi đã thấy tên Biskra. Trong hồ sơ của Giselle Leguerche, ở mục "nơi sinh". Như vậy là Hakim và Giselle cùng sinh một nơi, ở một làng nhỏ bên bờ sa mạc Sahara mênh mang.
- Véra à? - Fred lo lắng hỏi. - Liệu có vấn đề gì không đấy?
Tôi trả lời với một vẻ tự tin:
- Tôi chỉ hơi buồn là không gặp được Hakim thôi. Anh ấy hứa sẽ giúp tôi trong một vụ việc cũng hơi phức tạp và tôi muốn kể cho anh ấy đoạn tiếp sau.
- Em có muốn lấy số điện thoại ở Alger không?
Nhưng tôi đã dập máy rồi.
Việc bà đại úy Sanchez mới được lên chức cũng có cái hay ở chỗ là bà ta quá bận rộn nên không thể quấy rầy chúng tôi lâu hơn nữa. Khi bà ta đã hiểu rằng vợ chồng Leguerche là giả thuyết duy nhất để có thể tìm lại được đứa bé bị cắt tai, bà ta trở nên bớt căng thẳng hơn và chấp nhận "nhả" chúng tôi ra.
Nhưng chúng tôi cũng sẽ tiến hành kiểm tra chỗ ông Leguerche làm việc. Bà ta vừa cắm cảu nói, vừa đưa tay ra cho tôi bắt.
- Nếu đứa bé không ở đấy nữa thì chỉ còn hai giải pháp.
- Tôi thì chỉ thấy có một giải pháp mà thôi.
- Đó là bởi vì chị không ở trong ngành cảnh sát từ bốn mươi năm nay. Chị không thể nào nghĩ đến tất cả giả thuyết.
Có lẽ đúng là thế thật, nhưng tôi chỉ có một mong muốn là về nhà, báo cho Hugo biết là Fabrice sẽ bị bắt, và tìm gặp Rosemarie... Liệu chị ấy có biết là Hakim đã đi rồi không? Liệu chị ấy có biết gì thêm về Hakim không?
Tôi ngắt lời bà đại úy một cách bất lịch sự:
- Thế nếu đứa bé không bỏ trốn thì theo chị còn có giả thuyết nào nữa?
- Nó có thể bị bắt cóc.
- Ai có thể bắt cóc một đứa bé mà không ai biết là nó tồn tại cả? - Một trong hai anh trung úy thốt lên.
Rõ ràng là anh ta đã không kiềm chế được mình. Anh ta đang hối hận thì tôi lên tiếng với một giọng gần như thều thào:
- Có người biết là có đứa bé ấy. Người mà tôi không tìm gặp được ấy.
- Như vậy là chỉ có anh ta thôi! - Bà đại úy Sanchez gào lên. - Bắt anh ta lại!
Ánh sáng trên những chiếc tàu dạo trên sông Seine chầm chậm quét sáng bờ ke Orfevre ẩm ướt. Phía bên kia bờ sông là bờ ke Saint-Michel nổi tiếng, nơi các quán cà phê đã lần lượt tắt đèn. Không khí đêm đông lạnh lẽo và sầu thảm. Có cảm giác là ta chôn cái gì đó trong sâu thẳm lòng mình mà không biết là cái gì. Gió lạnh thấm vào tận những lớp phía trong của tâm hồn, những lớp mềm yếu mà ta còn chưa kịp cất giấu đi. Sắp tới thì chỉ còn những lớp phía bên ngoài cứng quèo là còn tồn tại được, và ta đành phải chịu xấu xí cả mùa đông cho đến lúc xuân sang.
Phải có một tinh thần gang thép thì mới đủ can đảm nghĩ đến mùa xuân vào lúc đông đến như thế này. Tôi thì chịu. Tinh thần yếu đuối của tôi giống như một loại xúp mà hồi ở Anh tôi vẫn phải ăn hàng ngày. Một loại xúp âm ấm, khó nuốt, một thứ mà không ai muốn ăn cả nhưng rồi ai cũng đành phải nuốt vì chẳng còn gì khác.
Thế là Hakim đã đi thật rồi. Anh ta kể cho tôi đủ thứ chuyện và sau đó anh ta bỏ đi. Đáng lẽ tôi phải nổi giận, phải thù ghét anh ta đến xương tủy. Nhưng lại không thế. Tin anh ta đã về nước làm tôi buồn đến mức không tưởng tượng nổi. Cũng không phải tại anh ta đã dối trá làm tôi trở thành trò cười. Chỉ đơn giản là tôi không chịu nổi ý nghĩ là tôi sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa. Rằng anh ta sẽ không bao giờ chờ tôi trong bóng tối, rằng mùi thuốc lá Afras sẽ không bao giờ nồng nặc trong chiếc xe nhỏ nhắn, sạch sẽ của tôi nữa. Nói thật thì quan hệ của chúng tôi không hẳn là như vậy, mà rõ ràng là anh ta đã lợi dụng tôi. Thôi được rồi, cứ cho là như thế đi. Dù sao thì đó cũng chưa phải là ngày tận thế!
Tôi nhớ lại những sự kiện xảy ra trong những ngày vừa qua như trong một bộ phim được tua lại. Tôi tự hỏi là liệu có phải Hakim là người đã hành hung Victor? Nhưng tôi bắt đầu suy nghĩ lung tung rồi. Nếu là Hakim thì anh ta đã không bao giờ run tay và Victor đã đi đời rồi. Liệu có thật là anh ta đã bắt cóc thằng bé con Giselle Leguerche hay không? Có lẽ giả thuyết này còn có lý hơn. Nhưng cũng giống như một nhân viên cao cấp không hành hung bằng dao làm bếp, một sĩ quan cảnh sát cũng không bắt cóc trẻ con nếu không có một lý do thật đặc biệt. Rõ ràng đó không phải là lòng thương hại, tôi có thể đảm bảo như thế nếu có người hỏi ý kiến tôi. Cách đây ba tuần, Hakim còn chưa biết là đứa bé này tồn tại và anh ta đã lợi dụng tôi để phát hiện ra điều này. Tôi hoàn toàn thừa nhận là anh ta cũng có ích cho tôi, nhưng rõ ràng là mục đích chúng tôi theo đuổi hoàn toàn khác nhau. Mục đích của tôi là trả lại sự sống cho thằng bé này. Còn mục đích của Hakim thì bí mật hơn nhiều. Giả thuyết rằng anh ta cần thông tin về đứa bé để có thể gây áp lực lên Amar Zitoun vẫn có cơ sở vì Zitoun đã bị chuyển cho luật pháp Algérie. Cảnh sát Algérie chắc chắn đang tìm mọi cách để Zitoun khai ra càng nhiều càng tốt. Trong trường hợp này thì đứa trẻ chỉ là một công cụ.
Tôi không tin vào giả thuyết này. Giả thuyết này không tính đến vợ chồng Leguerche, thế mà tôi thì tin chắc rằng có một mối quan hệ – cho dù tôi còn chưa hiểu được ngọn nguồn – giữa Hakim và hai vợ chồng như người chết còn sống này. Động cơ của Hakim rõ ràng thuộc về lĩnh vực riêng tư. Chắc chắn phải quay lại giai đoạn chiến tranh khi trung sĩ Leguerche còn đi chinh chiến ở vùng Biskra.
Xe của tôi cẩn thận đi sát vỉa hè. Tôi phải cố hết sức tập trung tư tưởng thì mới nhìn rõ đèn đường và phân biệt được đèn xanh với đèn đỏ. Tôi không thể suy nghĩ một cách rành mạch được. Tôi không biết đó có phải là tác dụng phụ của đống thuốc người ta cho tôi uống hay không, hay đó là hậu quả của việc khám xét nhà Leguerche không thành công, hay là kết quả việc chia tay với Hugo, hay là việc Hakim bỏ đi không cho tôi biết. Lý do thì nhiều, tha hồ chọn.
Xe tôi trườn đến đại lộ Richard-Lenoir. Vào giờ này chắc chắn bố mẹ tôi đã ngủ rồi. Tôi mở cửa vào nhà và bỏ giày ở ngoài sảnh. Như hồi còn trẻ, tôi rón rén đi về phòng của Rosemarie và cố gắng không làm sàn nhà kêu cót két.
Rosemarie đang ngồi chấm bài ở bàn làm việc, tai nghe đeo trên đầu. Chị ấy đã sơn lại tường thành màu tím nhạt, bỏ giường của tôi đi chỗ khác, nhưng nhìn chung cái phòng trước đây là phòng của hai chị em chúng tôi vẫn không mấy thay đổi. Tôi nhẹ nhàng bước vào phòng và ra hiệu im lặng với một cảm giác như đang ngược dòng thời gian trở về
- Làm gì thế? - Rosemarie thì thầm hỏi.
- Chị có biết Hakim ở đâu không?
Rosemarie lắc đầu:
- Tối qua chị còn ăn tối với anh ấy. Anh ấy sẽ ra sân bay sáng nay. Em có uống nước lá không? Trông em không được khỏe đâu.
Thôi thì nước lá cũng được. Tôi chỉ hy vọng là không phải một loại gì đó phức tạp, hổ lốn bởi vì bụng dạ tôi có thể giở chứng bất cứ lúc nào không biết.
Khi Rosemarie cầm khay rón rén trở về phòng, tôi hỏi đột ngột:
- Chị biết gì về Hakim?
- Từ từ đã nào, chị phải nói ngay là chị đi chơi với anh ấy, nhưng như là một người anh thôi nhé. Không biết giữa em với anh ấy thì có gì hay không...
Tôi ngắt lời:
- Không có gì cả.
- À thế à.
Rosemarie rót nước vào chén, nhưng rõ ràng là chị ấy không tin tôi. Tôi từ chối không muốn bào chữa. Tôi không có ý định giải quyết chuyện riêng tư, tôi đến đây là để tìm hiểu mối dây bí mật giữa Giselle Leguerche và Hakim. Tôi muốn biết tại sao anh ta lại cố gắng để phát hiện việc Giselle có con đến như vậy. Thật là lạ giữa hai người hoàn toàn không hề quan biết nhau như vậy.
Vậy liệu có phải là anh ta đã cắt tai đứa bé?
Tôi chợt nhớ lại tất cả những vụ giết người dã man ở Algérie. Nhưng tôi nhanh chóng gạt giả thuyết đó đi. Anh ta hoàn toàn không có động cơ nào để hành hạ đứa bé như thế, và nhất là sau đó lại gửi cho tôi như vậy. Giả thuyết có vẻ có lý nhất là anh ta đã biết tin là đứa bé bị giết và vì vậy anh ta bỏ về nước.
- Rosemarie, chị biết gì thì kể cho em nghe đi nào!
Chị ấy ngồi xếp chân bằng tròn trên giường.
- Thật ra thì chị cũng chẳng biết mấy đâu. Anh ấy sinh ra ở nơi nào đó gần một dãy núi và gần sa mạc Sahara. Bố mẹ anh ấy bị lính Pháp giết chết trong thời gian chiến tranh...
- Lúc đó anh ấy mấy tuổi?
- Khoảng sáu hay bảy tuổi gì đó. Anh ấy tận mắt chứng kiến vụ thảm sát này. Anh ấy bảo anh ấy không bao giờ quên được tên lính đã giết mẹ anh ấy. Hắn đã hãm hiếp rồi giết mẹ anh ấy. Thật khủng khiếp, những sự dã man như thế! Làm sao những tên sát nhân ấy lại còn có thể trở về Pháp cơ chứ? Làm sao chúng có thể tiếp tục sống như không có gì xảy ra như thế cơ chứ?
- Họ chỉ giả vờ thôi. Thật ra họ chỉ giả vờ sống như không có chuyện gì xảy ra thôi. Nhưng người ta mới chỉ bắt đầu hiểu ra điều đó.
- Em thấy không, - Rosemarie tiếp tục. - Điều mà chị ngạc nhiên nhất là Hakim hoàn toàn không có thù hận gì đối với dân tộc Pháp. Anh ấy đủ thông minh để có thể phân biệt những kẻ khốn nạn với những người không có tội lỗi gì...
- Nhưng nếu chị nghĩ rằng anh ấy đã nguôi ngoai thì chị nhầm rồi đó...
- Không phải thế. Tất nhiên là chẳng phải ngẫu nhiên mà anh ấy lại trở thành cảnh sát. Anh ấy luôn sống trong bạo lực để có thể bắt giam những kẻ sát nhân như tên lính đã giết mẹ anh ấy. Anh ấy cần bạo lực, chỉ có ngày nào chính anh ấy sẽ bị giết thì anh ấy mới có thể dừng tay, mà ngày đó thế nào cũng sẽ đến thôi...
Đúng như vậy. Cũng như vợ chồng Leguerche, Hakim là một người sống mà như chết. Tôi ngờ là giữa họ có một mối quan hệ chết chóc nào đó, nhưng điều này không đủ để lý giải mọi việc. Có cái gì đó còn bị giấu kỹ ở một nơi nào đó làm họ không thoát ra khỏi quá khứ được.
Tôi quay lại hỏi Rosemarie:
- Thế anh ấy có kể là anh ấy có anh chị em gì không?
- Hình như là đội lính Pháp giết chết cả làng để trả thù một vụ việc gì đó. Chuyện thường xảy ra ấy mà... Lúc đó mẹ anh ấy chỉ hơn hai mươi tuổi thôi. Mẹ anh ấy lấy chồng sớm lắm, lúc sinh anh ấy thì bà chỉ mười sáu tuổi. Lúc đó mẹ anh ấy mới sinh thêm một bé gái. Một cô bé tên là Aicha...
Tôi biết là đã quá nửa đêm và tôi cần phải về nhà đi ngủ. Bắt giam người bị bệnh, điều trị hỗ trợ, biên bản theo quy tắc đối với những người can dự bị chấn thương. Tôi biết là tôi không còn đủ sức để lái xe và có nguy cơ bị tịch thu bằng lái. Tất cả những thông tin này dồn đống trong một góc đầu tôi, cứ như chúng thuộc về một người nào khác, trong khi tôi như bay lượn về phía bãi đỗ xe Nation. Tôi có cảm giác như đang trôi trên mây, thế nhưng tôi không thể đi ngủ. Ngày mai ông Leguerche sẽ không trả lời các câu hỏi của tôi nữa. Sẽ có các cảnh sát và ông ta chỉ còn một việc là nghĩ cách cứu lấy mình. Nhất là nếu như ông ta thực sự giết cháu mình.
Đã gần ba giờ sáng khi tôi lái chiếc Twingo cáu bẩn mà Trung tâm cho mượn vào đoạn đường dốc của bãi đỗ xe nơi Leguerche làm việc. Tôi dừng lại để lấy tấm vé có viền vàng ở bên trái khi chiếc barie tự động nhấc cao lên. Bởi lý do mà không ở đâu có, hôm nay được miễn phí. Trong chốc lát, tôi định hướng là có thể người ta chờ tôi ở phía dưới, nhưng điều đó có nghĩa là Leguerche có một tầm nhìn tiện hơn. Tôi đã ngủ trên giường của Rosemarie khoảng hai mươi phút. Chính tôi cũng không biết là tôi sẽ đến chỗ chị ấy. Trái lại, vợ của Leguerche chắc chắn đã gọi cho ông ta báo về chuyện khám nhà và ông ta đã có thời gian chuẩn bị.
Rất thận trọng, tôi đi xuống đường lượn bêtông đến khoảng nền đầu tiên nơi chứa những bom xăng và các tủ dưới sự giám sát của một ngưới trực trong phòng kính chịu lực. Đêm nay, chẳng có ai ở đấy.
Hoàn toàn yên ắng. Có lẽ Leguerche vào phòng vệ sinh. Tôi đỗ xe đối diện phòng của ông ta, và bóp còi nhẹ nhàng. Vô ích.
Tôi do dự nên chưa ra khỏi ôtô. Nói thẳng ra, tình hình chẳng vui vẻ gì và sự im lặng thật nặng nề. Tôi đang định lên tiếng thì thấy xuất hiện ngay trước mũi xe tôi một bóng người chĩa khẩu súng máy to tướng về phía kính chắn, kiểu người khủng khiếp chỉ có thể thấy trên phim, nơi anh ta thể hiện sức mạnh quái gở của siêu nhân.
Có thể nhận thấy rằng kiểu người này đang tồn tại trong thực tế. Tay cầm súng, hai chân giạng rộng, đầu gối hơi khuỵu xuống, đó là ông Leguerche tóc bạc trắng của tuổi sáu mươi với chiếc bụng bắt đầu sệ.
Tôi bước ra khỏi ôtô:
- Ông Leguerche, tôi đây, tôi là bác sĩ Cabral…Ông có biết là hệ thống vé của các ông đã bị nghẽn?
- Cút ngay! Tôi biết là cô đang tìm gì! Đó không phải là tôi. Tôi không biết nó ở đâu.
- Ông nói về ai vậy? Về con của Giselle ư?
Ông ta gào rú lên:
- Câm mồm! Biến ngay trước khi tao bắn. Biến ngay, lạy Chúa!
Và tôi tiếp tục như không nghe thấy gì:
- Ông Leguerche, tôi biết là nó không ở đây. Ngày mai cảnh sát sẽ khám nhà, tôi biết là ông không giấu nó ở đây.
Ông ta chậm rãi hạ nòng súng xuống:
- Cô muốn gì? - Ông nói, giọng mệt mỏi.
Tôi trả lời nhẹ nhàng:
- Ông không biết nó ở đâu phải không? Ông không biết tí gì về những gì xảy ra với nó….
Để trả lời, ông ta chậm rãi quay đi, đồng thời ra hiệu cho tôi im lặng. Như trong một bộ phim Mỹ về chiến tranh, ông ta lao vụt về phía bom xăng, khẩu súng chĩa về một kẻ thù vô hình nào đó. Tôi không dám nghĩ về điều sẽ xảy ra nếu ông ta bắt đầu xả súng vào bom xăng. Có lẽ là cả hai chúng tôi đều bất cần đời. Tôi gợi hỏi trong khi ông ta quay lại, người gập đôi, rình mò.
- Ông Leguerche, sao ông không giết nó khi nó vừa được sinh ra?
- Ai cơ? Thằng bé con ấy à? Tại sao tôi không giết nó ư? Bởi vì tôi không nhìn thấy nó. Tôi chỉ nhìn thấy con bé con, cô hiểu không?
Đứa bé gái nào nhỉ? Ông ta nói đến ai vậy?
Trong trạng thái căng thẳng, nhiều việc lộn xộn trong đầu ông ta. Chuyện đứa con của Giselle biến mất, chuyện khám nhà, tất cả khiến nỗi lo lắng của ông nặng nề chưa từng thấy. Ông ta không còn kiểm soát được nữa. Những con quỷ già mà ông đã ghìm giữ trong suốt cuộc đời mình, tất cả những gì ông giữ cho xa bằng sức mạnh của sự im lặng và của một trật tự chỉn chu, những nghi ngờ, sợ hãi, ân hận, tất cả những hình ảnh cực kỳ khó chịu, sự bạo lực đáng ghê tởm, cả dòng máu đã đổ mà ông sợ phải trả giá, tất cả những cái đó thấm dần vào người ông và đe dọa sẽ xâm chiếm hoàn toàn.
Ông đang trở thành người điên và ông biết điều đó. Suốt cả cuộc đời, ông đã tranh đấu trong ngôi nhà xám nhỏ bé của mình. Nhưng Giselle lại ngủ với một thằng Ả Rập. Chắc chắn là không phải ngẫu nhiên. Nó đã chọn một thằng Ả Rập. Nó đã làm nổ tung ngôi nhà xám như nó đã đặt một bọc thuốc nổ từ bên trong. Điều tồi tệ nhất là thậm chí nó không có ý thức về điều đó.
Tôi nhắc lại một cách nhẹ nhàng, hy vọng giúp ông ta thoát khỏi trạng thái đờ đẫn:
- Ông nói về bé gái nào vậy?
- Giselle. Nó đấy, đôi mắt mở to, không khóc. Người ta còn nói dường như nó nói với tôi. Rằng nó nói với tôi hãy đưa nó đi, đừng bỏ nó lại cái ổ chuột ấy. Và bà vợ tôi sẽ rất sung sướng. Bà ấy đang hấp hối, cô biết không? Hấp hối ở cái đất nước khốn khổ ấy.
- Ông đã mang đứa bé ấy đi chứ?
- Đúng thế, - Ông nhìn thẳng vào mặt tôi. - Tôi đã đưa Giselle về nhà. Cho vợ tôi.
Điều đó có thể nói lên rằng Giselle là em của Hakim. Dù sao đi nữa, Hakim có những lý do chính đáng để nghĩ về điều đó. Điều đó cũng giải thích việc anh quan tâm đến gia đình Leguerche.
Cửa cầu thang phát ra tiếng kêu két két. Tim tôi như dừng lại khi cửa mở: Có hai bóng người, một nam, một nữ, mặc quần áo kiểu thành phố. Đứng ngay trước chiếc xe của tôi đang đỗ chắn ngang đường, họ nhìn tôi bực tức.
- Này, - người đàn ông kêu lên - Xe của chị phải không?
- Xin lỗi, tôi sẽ di chuyển ngay lập tức.
Nòng súng của ông Leguerche kín đáo gí vào sau lưng tôi:
- Cấm động đậy, - ông thì thầm vào tai tôi. - Cứ để thằng chết tiệt đó tự xoay xở.
Cảm thấy có điều gì không ổn, hai người kia chuồn qua bức tường cáu bẩn để đi đến chỗ quầy vé. Người phụ nữ ném về phía chúng tôi ánh nhìn vờ vĩnh trong khi ông chồng trả tiền vé. Khi họ rời xa dần, giọng của người đàn ông vẫn còn vọng đến chỗ chúng tôi:
- Đấy, nước Pháp đấy! Giờ đây, bọn đàn ông trả tiền cho gái ngay nơi làm việc!
Họ biến mất trong thang máy.
Nếu như ông Leguerche đang làm việc, ông sẽ theo dõi những người kia trên màn hình trong cabin kính. Nhưng ông ta đang quá bận bịu cho sự an toàn của chính mình nên không thể quan tâm đến người khác. Nỗi lo lắng khiến ông trở nên tái nhợt và cảm giác về một mối nguy hiểm đang hiện hữu hoặc trong tưởng tượng đã tạo ra giữa chúng tôi một sự cảm thông. Tôi lợi dụng tình hình này để hỏi:
- Ông đã nhận nuôi Giselle à?
Ông nhếch mép thành một nụ cười kỳ cục:
- Tôi muốn có con. Nhưng bởi vợ tôi không thể có, tôi đã nhận một đứa mà tôi tìm thấy. Cô còn mong gì nữa? Mong là tôi giết nó ư?
- Không, ông không giết trẻ con. Con của Giselle cũng không, ông không giết nó.
Ông nhún vai:
- Bình thường, đó là một sự việc hiển nhiên. Đó là con trai của tôi.
- Ông nói gì?
Có lẽ tôi đã nghe nhầm. Nhưng ông khẳng định:
- Con trai tôi, đúng vậy. Chính vì thế tôi cấm bà vợ sau c 1dac ủa tôi không được giết nó. Đó chính là điều mụ ta muốn, cái con mụ chết tiệt ấy. Nó cũng không, nó đã không làm được cái việc cho tôi một đứa con. Mà đó là việc của nó chứ, đúng không?
Tôi không nói gì và cứ để ông ta tự phán xét những gì ông ta muốn.
- Thế là khi nó sinh ra, thằng bé ấy, tôi đã giữ nó. Bà vợ tôi không bao giờ có thể chấp nhận nó. Đó là chuyện bình thường khi mụ ta coi Giselle là con gái tôi. Cũng đúng phần nào nếu bảo nó là con gái tôi, nhưng nếu nó ngủ với bọn Ả Rập, chẳng còn lý do gì để lăn tăn nữa. Cô không đồng ý
thế à?
Giọng tôi chỉ còn là tiếng thì thầm để hỏi ông ta:
- Ông đã cắt tai con của ông à?
Mắt ông ta láo liên:
- Không phải tôi.
- Đúng vậy, chính ông đấy, ông Leguerche.
Ông ta vội vã ngắt lời, như để thay đổi đề tài câu chuyện:
- Đó là mụ vợ tôi! Mụ ta muốn chúng tôi gửi cho Giselle những mẩu thịt của thằng bé. Mụ ta biết là có thể chuyển qua cô, nhân chuyện nhúm tóc trong phong bì.
Lần này, tôi khó khăn mới nói nên lời:
- Nhưng… tại sao? Tại sao ông bà lại muốn làm một việc như thế?
- Giselle giết người nữ giám thị để không phải trở về nhà. Nó không biết là thằng bé vẫn còn sống, nó cho rằng chúng tôi bịa chuyện để kéo nó về nhà. Vợ tôi muốn nó phải lấy làm tiếc là đã không chịu về nhà.
- Vợ ông ư? Chính ông không bằng lòng, chính ông là người muốn cô ta trở về thì có.
Ông ta càu nhàu, khó chịu, rồi lau mồ hôi ròng ròng trên mặt:
- Cũng có thể. Vô tình cô có giữ nó không?
- Ai?
- Thì là nó. Con trai tôi chứ ai.
Như để tránh câu trả lời cho tôi, một chiếc xe vút nhanh trong nhà xe, tiếng lốp siết mạnh, như tên bắn lao ngay phía sau chúng tôi, rồi ngay lập tức biến mất sau dốc tầng hầm đầu tiên. Tất cả xảy ra chỉ trong hai hoặc ba giây. Tôi chỉ đủ thời gian quay người lại nhìn thấy đầu thùng xe và đèn xe.
Leguerche giận dữ hét lên:
- Nó kia! Tôi biết chính là nó.
Ông ta chạy thẳng đến phía cầu thang, tay huơ súng, một Rambo nặng nề và già cả.
Tôi kêu lên:
- Ông Leguerche! Quay lại!
Ông ta không nghe thấy. Ông ta gào lên:
- Mày sẽ biết tay tao, đồ bẩn thỉu!
Tiếng bước chân ông vang lên trong cầu thang, sau đó không nghe thấy gì nữa.
Tôi đang do dự chuyện chạy theo ông ta thì chiếc xe của hai người lúc nãy dừng trước cabin. Cầm chiếc vé trong tay, người đàn ông hỏi:
- Người gác cổng đâu rồi?
Anh ta vừa nhận ra là hệ thống không hoạt động và đáng ra có thể không phải trả tiền.
- Ông ta ở dưới kia, - Tôi trả lời - Tôi sẽ đi tìm ông ấy.
Tôi dũng cảm lái chiếc Twingo rã rời - phương tiện đi lại của tôi, không nghe câu trả lời mà tôi đoán là chẳng cần thiết. Con người thật bạc bẽo.
Tôi lái thật nhẹ nhàng giữa những con đường vắng tanh vắng ngắt ở tầng một. Phần lớn các chỗ đã đầy, nhưng đây đó vẫn còn vài chỗ trống. Cả bãi đỗ xe là một màu xám xịt và bốc mùi khó chịu của khí ga, của xăng và mùi lốp xe.
Thỉnh thoảng, tôi thò đầu ra ngoài và gọi:
- Ông Leguerche!
Tầng dưới. Tôi cho rằng cái con người ở phía trên kia đã không thèm nghe tôi gọi khiến việc tìm kiếm có nguy cơ sẽ lâu hơn dự kiến. Và càng đi xuống tôi càng thấy đáng sợ. Tôi không biết đó có phải là hiệu quả của thị giác không nhưng những chiếc đèn néon còn nhợt nhạt hơn nữa, các bức tường xám xịt hơn nữa. Không tính đến những kẻ nghiện ma túy và bọn lang thang, tôi không biết có kẻ nào mong muốn được sử dụng một nơi như địa ngục này hay không.
Không hề thấy tăm hơi ông Leguerche đâu. Để không phải áy náy gì nữa, tôi quyết định làm một vòng ở tầng hầm dưới nữa, tầng của những ngăn khóa kín, bỗng nhiên tôi nhận thấy trong ánh đèn pha nổi bật giữa bức tường xi măng xám là đôi chân ngang nắp mui xe của tôi. Một người chết treo lủng lẳng nhờ những chiếc dây điện buộc trên trần nhà.
Tiếng vù vù của môtơ cùng với tiếng phanh xe và tiếng rít của lốp xe đã kéo tôi ra khỏi tình trạng sửng sốt. Chiếc Toyota màu ghi lúc nãy biến mất tức khắc trong đường dốc để lao lên đường. Tôi nhảy ra khỏi xe.
Đầu nghẹo sang một bên, ông Leguerche nhìn tôi một cách giễu cợt. Điếu thuốc lá mà kẻ giết người đã nhét vào khóe miệng ông khiến ông có một vẻ thanh thản. Tôi nhẹ nhàng cầm điếu thuốc trên tay, tôi đã nhận ra mác của nó: Afras.