Hương Hoa Tiêu Chương 3

Chương 3
Trường Phan Chu Trinh là ngôi trường tiểu học lâu đời nhất trong các trường đóng trên địa bàn.

Ngày trước chỉ có độc nhất một trường tiểu học đảm bảo tốt chất lượng đào tạo, đó chính là ngôi trường mà Ngọc Lan đang theo học. Nhưng nay thì mọi thứ đã khác, nó không còn là duy nhất nữa. Bởi đã xuất hiện thêm nhiều trường mới, với cách thức giáo dục tuy rập khuôn và cũ mèn, nhưng đảm bảo được yêu cầu từ “phía trên” nên cũng được xem là một trong những trường có đủ uy tín để phụ huynh yên tâm gửi gắm con cái. Mà có lẽ họ không có lựa chọn. Trường tốt luôn có giới hạn về chỉ tiêu, phải chạy chọt, phải quan hệ dữ lắm mới đưa con vào học được trong các trường này. Ở đây tập trung những giáo viên ưu tú, cơ sở vật chất tân tiến hơn các trường “nhà quê” thuộc cấp dưới. Một số người hoạch định, quản lý trong lĩnh vực giáo dục xem câu: “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” là tín điều bất khả xâm phạm trong vấn đề trồng người. Vậy là họ chia trường lớp ra thành từng cấp bậc, trường hệ A và hệ B, trường chuyên và trường không chuyên. Họ cho rằng như vậy sẽ đơn giản và hiệu quả hơn cho việc giản dạy. Bởi những học sinh ưu tú không thể học cùng những học sinh cá biệt, như thế sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của cả hai bên. Học sinh giỏi đương nhiên có một giáo trình giảng dạy khác chứ không thể giống như giáo trình của học sinh bình thường được. Theo triết học Mác thì đó được xem như vấn đề lượng và chất trong giáo dục. Khi chất đã thay đổi thì cần một môi trường khác thay thế, giống như cá voi con thì nuôi trong bể cá, đến khi lớn hơn cần có đại dương để bơi lội. Đôi khi việc cá lớn nuốt cá bé vẫn thường xảy ra, những học sinh ưu tú vì được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nên cứ thế tốt hơn lên, còn những học sinh bình thường sống trong môi trường bình thường nên cứ thế bình thường mãi, lâu lâu mới thấy xuất hiện một hiện tượng bức phá trong những môi trường này. Về phần học phí, nếu không tính những trường tư nhân, có vốn nhà nước, với chi phí giáo dục cao thì hẳn tiền học của học sinh cao là phải lẽ. Và còn những trường hệ B (trường cấp dưới) học sinh trong các trường này phải đóng học phí cao gấp chục lần những trường hệ A. Vậy là, nhà nhà đua nhau gây áp lực, bắt con em mình phải nỗ lực học tập để làm sao vào được trường hệ A. Thứ nhất, đỡ học phí. Thứ hai, mở mày mở mặt với bàn con, hàng xóm. Ngay từ đầu, Con quái vật với những tư tưởng phân biệt, đối xử, chạy đua thành tích đã nhúng những xúc tu của chúng vào bọn trẻ. Dễ thường, người ta bắt gặp trẻ con nói với nhau: “Cậu học trường nào?” “Tớ học trường Chi Lăng” “Vậy là cậu học trường hệ B rồi” Sau câu nói, người ta phát hiện thấy biểu hiện tự phụ, kiêu căng và mặc cảm, tự ti của bọn trẻ dành tặng cho nhau. Trường hệ B, “trường cấp dưới”, “trường dân tộc”… với bọn trẻ là nỗi ám ảnh. Định kiến xã hội, gia đình, cá nhân… làm bọn trẻ tin vào cảm nhận không tốt của bản thân với trường học. Ngay cả trong đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng thể hiện sự phân biệt lộ liễu. Trong một lớp học thêm (lớp học được mở ra ngoài giờ học ở trường gọi là để “nâng cao chất lượng học tập” cho các em, được các thầy, các cô truyền dạy “cặn kẽ” với học phí hàng tháng được tính bằng tiền tươi) Trong một lớp như vậy có đầy đủ các thành phần, học sinh các trường không phân biệt A hay B, chuyên hay không chuyên. Cứ đăng kí học thêm ở thầy hoặc cô là được xếp ngồi chung với nhau. Thế nhưng, khi một học sinh được gắn mác “học sinh hệ B” thì chắc chắn là học sinh đó không thoát được ánh mắt có vẻ coi thường của bạn bè là học sinh hệ A, trường chuyên và của một số thầy cô, tỏ ra mặt, hoặc ngấm ngầm.

 

Tạm gát lại những chuyện ngoài lề, để nói về Ngọc Lan. Cô bé này có nhiều điểm rất khác biệt với bọn trẻ cùng lứa. Nếu quan sát ngoại hình, người ta sẽ thấy Ngọc Lan nhỏ hơn tuổi thật một đến hai tuổi. Cô bé lớp 3 với khuôn mặt dễ thương, xinh xắn nhờ được thừa hưởng gen di truyền từ mẹ. Ngọc Lan khá giống mẹ, thậm chí có những nét mà người ta dự đoán rằng: em sẽ vượt cả mẹ nếu mai này lớn lên. Mái tóc của Ngọc Lan có màu hạt dẻ tự nhiên, màu tóc này chỉ có bà nội đã mất và Ngọc Lan sở hữu. Với tính cách trái ngược hoàn toàn với lứa tuổi, Ngọc Lan nổi tiếng ở trường, được thầy cô và bạn bè phong tặng danh hiệu: “Bà cụ non”. Ấy là bởi, Ngọc Lan thường vẫn trầm lặng, suy tư nghĩ ngợi, rất hay mất tập trung vào giờ học. Em thường nhìn ra ngoài cửa sổ phòng học, khi thì nhìn mưa, khi nhìn chim, khi lại chỉ nhìn một cọng cỏ đang đong đưa trước gió. Một chiếc lá nhẹ đáp xuống mặt sân trường cũng làm em nghĩ ngợi. Còn những điều khác em thường làm thầy cô chú ý, đó là những câu hỏi kỳ lạ không ăn nhập gì với nội dung tiết học, nhưng những câu hỏi thuộc loại này thường làm các thầy, các cô, phải lúng túng không biết trả lời làm sao. Cô giáo chủ nhiệm đang giảng bài. Trông thấy Ngọc Lan đang nhìn ra ngoài cửa liền gọi tên em: “Ngọc Lan, đứng lên!” Ngọc Lan giật mình quay lại, ngơ ngác nhìn quanh, cả lớp bắt đầu cười ồ lên! “Cô nói em đứng lên, nói cho cô biết, cô giảng tới đâu rồi?” Ngọc Lan ậm ự không biết trả lời làm sao, vừa may cậu bạn bên cạnh thúc vào cánh tay, nói khe khẽ. “mục đích, cái gì sinh ra cũng có mục đích…” Nghe theo bạn Ngọc Lan trả lời cô: “Thưa cô, cô đang nói tới cái gì sinh ra cũng có mục đích”. Cô nghiêm khắc nhìn Ngọc Lan hỏi: “Hãy ví dụ cho cô xem?” “Dạ… dạ…” “Không trả lời được ư, vậy cô hỏi em: cái tay để làm gì?” Ngọc Lan rụt rè trả lời: “để cầm bút ạ!” “Giỏi, vậy đôi tai để làm gì?” “Để nghe giảng bài ạ!” Đến đây thì cả lớp lại cười ồ. Cô giáo mới thở dài, đánh thượt nói: “Em cũng biết vậy, sao không tập trung vào giờ học?” Lúc này mắt Ngọc Lan sáng lên, em vừa tìm ra một điều gì thú vị. Em trả lời cô rất bình tĩnh: “Em đang nghĩ...” “Nói cho cô nghe em đang nghĩ gì, mà không tập trung nghe cô giảng bài?” Ngọc Lan ngước mắt nhìn cô trả lời chậm rãi: “Em đang nghĩ cặp lông mày của con người để làm gì?” – Cả lớp nghe câu trả lời của Ngọc Lan, cười ầm ĩ. “Các em giữ trật tự cho cô!” Cô giáo ra hiệu lệnh, mọi người im lặng. Câu trả lời của Ngọc Lan khiến cô giáo phải suy nghĩ nhiều ngày liền. Cô thầm nghĩ: “Con bé thông minh quá! Lần đầu tiên mình thấy một đứa trẻ khác biệt như vậy. Có thể nó là một thiên tài?”

 

Đó chỉ là một trong những lần Ngọc Lan khiến thầy cô sửng sốt. Mặc dù thành tích học tập của em lúc nào cũng đứng cuối lớp. Nhưng không phải vì vậy mà thầy cô trong trường dám coi thường. Thậm chí họ còn thấy tự hào vì trường mình có một hiện tượng lạ. Con bé ăn nói như người lớn, và tư duy của nó thì quái gở chưa từng thấy. Có điều con bé trầm tính quá, không thấy nó chơi thân với ai cả. Vào giờ ra chơi, bọn trẻ đứa thì tụ tập ở sân trường chơi đuổi bắt, đám khác tụ lại chơi bắn bi, bọn con trai trong nhóm này hai túi quần tây rỏn rẻng những viên bi với đủ màu sắc, kích cỡ. Bi sữa, bi sứ, bi tiểu, bi lô, nhân bi hình trái khế màu xanh lá cây, xanh dương kim tuyến, màu vàng hoa mào gà, màu tím thang... Bên phía đối diện, gần hố cát là một nhóm con trai khác, chúng đang chơi nhảy cù, có những đứa thì chơi nhảy cao. Một đám vây quanh một thằng bé, chúng chơi trò đánh nhau. Bọn con gái, đứa thì trò chuyện theo nhóm, đứa chơi nhảy giây, đứa cầm sách vở ngồi dưới gốc cây Khuynh Diệp lớn. Chúng phe phẩy những bím tóc được thắt rết với những sợi dây buộc tóc màu xanh, đỏ, tím, vàng... cách điệu, sặc sỡ. Những mái tóc buột theo kiểu đuôi gà, tung tăn dưới ánh nắng mặt trời diều diệu. Trong dãy hành lớp khu lớp năm, từng nhóm em nhỏ đang tụm lại chơi dích hình, chúng cầm trên tay những xấp hình dày cộm, hình sôn go ku, hình vua phép thuật, hình rô bô, hình những vận động viên thể hình thế giới... Bọn trẻ đứa nào cũng ham chơi, chúng say mê với thế giới riêng của mình, mặc cho bao người ngoài kia đang đấu đá, tranh giành lẫn nhau tìm kiếm những thứ danh lợi phù phiếm. Riêng trẻ con chúng chẳng cần biết điều đó, giấc ngủ của chúng yên bình và trong sáng như những trò chơi hàng ngày của chúng.

 

Cô bé Ngọc Lan của chúng ta thì khác, em không tham gia vào những trò chơi của đám bạn cùng lứa. Em ngồi lại trong lớp học, mở cặp lấy bông hoa Hàm Tiếu ra ngắm nghía. Có hôm em lủi thủi một mình ra ngồi dưới gốc cây Lý. Nghe bọn trẻ trong trường đồn đại với nhau. Trước đây có một giáo viên trẻ đã treo cổ chết trên cây Lý này, những lúc trời về khuya, đến mười hai giờ, những người sống lân cận trường, nhìn qua khuôn viên trường, thì hay nhìn thấy một chiếc bóng màu trắng treo trên cây. Vậy là, một câu chuyện được dựng lên xoay quanh cây Lý có ma. Bà Nhạn (bà lão bán hàng ăn vặt cho học sinh trường) thường kể với bọn trẻ. Câu chuyện xảy ra cách đây 40 năm về trước, Cô Hoàng Thị Thảo, một giáo viên trẻ mới ra trường, dạy học ở trường Phan Chu Trinh. Vì có sắc đẹp nên được nhiều người để ý. Cô là gái chưa chồng, có quan hệ tình yêu với một sĩ quan quân đội đang theo học trường Võ Bị. Họ yêu nhau tha thiết, tưởng không thể chia lìa. Ngờ đâu, năm đó xảy chiến tranh, quan hệ anh em giữa Trung Quốc và Việt Nam đổ vỡ, Quân Cam bốt (khơ me đỏ) được “anh hai” đỡ đầu đem quân tấn công biên giới Tây Nam, vang giữa chiến trường xa, giặc gieo bao tang tóc, từng lớp trai ra đi chẳng hẹn một ngày về. Chàng lên đường ra trận như bao thanh niên khác cùng thế hệ. Nàng ở lại, dõi theo tin người, cố nhân biền biệt, ra đi không biết ngày trở lại. Nàng cầm trên tay kỷ vật là một chiếc nhẫn đính hôn bằng võ đạn được mài dũa rất công phu. Tin tức gởi về từ chiến trường, chàng trai hy sinh trong một trận chiến khốc liệt. Buồn đau trước nỗi mất mát vô biên, nàng nghĩ quẩn, kết thúc cuộc đời bằng dây oan nghiệt. Khắc lại bài thơ ly biệt, thấm đẫm nước mắt trên thân cây Lý.

 

“Chàng đi... thôi! đã không về

Thiếp còn ở lại hẹn thề trái ngang

Phận hồng một kiếp đa mang

Nguyện làm cơn gió theo chàng khắp nơi

 

Diêm vương tiếc một lời mời

Tài hoa mấy nhỉ? Chẳng đời lệ sa

Giọt đây... giọt đắng... thôi mà

Trần gian quán trọ, đóa hoa vô thường

 

Mênh mông cát bụi, tơ vương

Lòng son sắc, một chữ “chàng” trong tim

Sống chưa cạn chén ân tình

Chết xin dành trọn nghĩa tình thủy chung”

 

Chiến tranh kết thúc, chàng trai trở về. Một sự nhầm lẫn tai hại đã xảy ra, chàng không chết trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy. Than ôi! Thế là không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương. Và rồi, quá buồn đau sanh bệnh, hai tháng sau chàng qua đời. Mộ chàng nằm bên cạnh mộ nàng giữa một rừng thông reo vi vút gió. Tại đây, trồng rất nhiều hoa violet, có một cây Lý rất lớn mọc lên giữa hai ngôi mộ. Ban đầu người ta định chặt đi, nhưng sợ điềm không hay nên thôi. Cứ thế cây lý lớn nhanh như thổi, rễ cây ôm lấy hai ngôi mộ. Người dân địa phương lập đền thờ cúng. Thế là, từ đó có sự tích về cây Lý. Nhiều câu chuyện xoay quanh đó được phóng đại, thêm bớt. Thậm chí xuyên tạc. Riêng câu chuyện của bà Nhạn hay kể cho đám học sinh, nghe ra rất thật. Bọn trẻ tin bà bởi bà có năng khiếu kể chuyện, và hơn hết bà chính là người năm xưa chứng kiến cảnh tượng cô tiết nữ kết thúc cuộc đời mình trên vòng dây oan nghiệt.

 

Ngọc Lan đặt lòng bàn tay áp vào thân cây Lý, nơi có bài thơ được khắc. Nét chữ rạch bằng dao hằn sâu vào thân cây, những vết dao làm thành những vết sẹo in hằn, chúng sưng tấy lên như một vết thương. Cây Lý nằm ở phía sau trường, cách xa sự ồn ào của đám học sinh đang vui chơi, đùa giỡn. Ngọc Lan đọc đi đọc lại bài thơ, bỗng nước mắt rơi tờ bao giờ. Những giọt lệ đến một cách tự nhiên, mà chính em cũng không rõ tại sao lại như vậy. Tại sao em lại khóc, em thấy tim mình nhói đau, hồi hộp, cổ nghẹn cứng lại, và từ đó khóe mắt có gì rất lạnh. Nước mắt rớt xuống mu bàn tay, khi em áp mặt vào thân cây Lý. Em nhẹ nhàng đặt đóa hoa Hàm Tiếu xuống gốc cây, lấy từ trong túi ra cây viết mực màu đỏ. Ngọc Lan cắn đuôi bút, lấy ống mực ra, cắn rựt phần ngòi bút bỏ đi. Mực dính đầy miệng như máu, em cầm ống mực trên tay viết từng dòng chữ nắn nót lên thân cây, dưới bài thơ của cô Hoàng Thị Thảo:

 

Tài hoa  mấy nhỉ? Chẳng đời lệ sa

 

Đúng thay trong cõi ta bà

Vô thường một giấc gọi là lẻ loi

Người đi… giấu lệ vì đời

Khóc người ở lại một trời xót xa

 

Hồn thiêng cô ở đâu mà,

Một chiều bạc mệnh ánh tà dương bay

Gió thu hiu hắt về đây

Buồn rơi chiếc lá, một ngày cuối đông.

 

Tiếng trống trường dóng lên từng nhịp đều đều, như đánh dấu một thời khắc quan trọng, cho một phán quyết sắp được thực thi. Đã hết giờ ra chơi, Ngọc Lan phải trở về lớp học. Em bị cô giáo quở trách vì đã vào lớp muộn, không kịp xếp hàng cùng các bạn. Đã vậy mặt mũi còn dính lem nhem mực đỏ, trông thật nhơ nhớp, bẩn thỉu. Ngọc Lan không nói gì, chỉ mỉm cười. Một nụ cười rất kỳ lạ, nụ cười đó khiến cô giáo khó hiểu, đó là một nụ cười bao dung, độ lượng chưa từng thấy ở người nào ngoại trừ em, một cô bé học lớp 3. Cô giáo bỗng nói nhẹ nhàng: “Giờ ra chơi em đi đâu vậy Ngọc Lan? Sao em không chơi cùng các bạn?”. “Thưa cô! Em ra sân sau của trường. Em muốn được yên tĩnh…” Cô giáo lại nói dịu dàng. “Lần sao em phải chơi với các bạn nghe không? Bạn bè cùng lớp phải hòa đồng với nhau chứ! Em làm vậy, cô và các bạn sẽ buồn lắm!” Ngọc Lan hướng ánh mắt vào cô, tia sáng long lanh trên hai con ngươi, nụ cười lúc nãy thoáng ẩn hiện trên khóe môi. “Dạ, lần sau em sẽ chơi với các bạn”. “Ừm. Phải vậy chứ! Thôi em ngồi xuống đi, chúng ta bắt đầu vào bài mới.”

 

Cả lớp im phăng phắt chăm chú nghe cô giảng bài. Các em học được khoảng mười lăm phút, đột nhiên sự yên tĩnh bị phá tan. Cô giáo cũng giật mình ngừng bài giảng, cô nhìn quay về phía cửa ra vào phòng học. Một người phụ nữ xinh đẹp mặn mà, đang đứng ở bậc cửa, mặt người phụ nữ tái nhợt, đôi mắt thì đỏ hoe. Người phụ nữ xinh đẹp vừa mới khóc rất nhiều. Cô giáo đã kịp nhận ra người đó, liền bước xuống bục giảng tiến ra cửa, cô giáo không mỉm cười như thường ngày tiếp các bậc phụ huynh, cô đã nhận ra một nỗi buồn vô hạn trên nét mặt của người phụ nữ đẹp. Cô mở lời hỏi người phụ nữ, giọng điệu cô rất nhỏ nhẹ. “Chào chị! Chị có việc gì phải không ạ?” Người phụ nữ đưa mu bàn tay búp măng lên chùi mắt, nói run run như đang khóc: “Tôi đến đón cháu! Hôm nay, cô cho cháu về sớm.” Từ nãy đến giờ cả lớp học nín lặng, “A” đột nhiên tiếng ồn ào vang lên, các em la lớn, gọi cô: “Cô ơi! Bạn Ngọc Lan bị làm sao á! Nhanh lên cô ơi!” Cô giáo, cùng Loan Điệp hốt hoảng chạy lại xem tình hình. Đám học sinh rời khỏi chỗ chum đầu lại rất đông để nhìn. Ngọc Lan đang lên cơn co giật, mắt trợn tròng, chân tay co quắp, sùi bọt mép. “Thôi chết! Ngọc Lan lên cơn động kinh rồi” Loan Điệp lúc này đã mất bình tĩnh, cô chạy lại ôm lấy con gào lên: “Con ơi! hu hu hu, con ơi, con làm sao vậy… trời ơi! cứu con tôi… hãy cứu con tôi” Loan Điếp giữ lấy cánh tay cô giáo, lay gọi, thúc giục như muốn cầu khẩn, van xin. “Chị bình tĩnh chị ơi!” Cô giáo quay sang đám học sinh nói gấp gáp: “Các em chạy xuống phòng y tế ngay, gọi cô Quỳnh Nga lên đây, nhanh lên!” Nói rồi cô cầm lấy tay Ngọc Loan xoa bóp, dùng ngón cái ấn nhẹ vào nhân trung của em. Răng em nghiến chặt, sợ em cắn phải lưỡi, cô dúi cạnh bàn tay của mình vào miệng em, nhắm mắt chịu đựng đau đớn khi răng em nghiến chặt. Cơn co giật giảm dần cường độ, cho đến khi cô Quỳnh Nga lên, thì nguôi hẳn. Ngọc Lan nằm trên bàn, co người run lẩy bẩy như con  nai đang thoi thóp. Mẹ vuốt ve mái tóc màu hạt dẻ của Ngọc Lan, nước mắt mẹ lại giàn giụa trên khuôn mặt. Một em học sinh ngồi gần chỗ Ngọc Lan thuật lại sự tình cho cô giáo. “Từ khi mẹ bạn Ngọc Lan đến, thì bạn lên cơn. Bạn “khục” một cái ra cục máu, sau đó bắt đầu trợn mắt, lên cơn co giật ạ!” Nghe nói như vậy, Loan Điệp kinh hãi. “Trời ơi! Con bé ho ra máu luôn sao, thảo nào máu dính đầy miệng đây này! Chết thôi… hu hu, con ơi!” Cô giáo nghe thấy liền xoa dịu: “Chị đừng lo lắng quá, đó là mực đỏ chứ không phải máu đâu, ban nãy em mới khiển trách cháu vì cắn đầu bút đấy ạ! Chị hãy yên tâm, không có vấn đề gì đâu.” Lúc này Loan Điệp mới thở ra nhẹ nhỏm: “Cám ơn cô đã giúp, cám ơn cô rất nhiều…” “Không có gì đâu, bây giờ chị hãy đem cháu về, lên bệnh viện khám lại đi, sau buổi học em sẽ ghé nhà.” “Vậy tôi đưa cháu về!”. Ngọc Lan đã hồi tỉnh, nhưng em không còn nói năng gì được nữa, em mắc bệnh câm kể từ ngày đó.

 

Nói về lý do Loan Điệp đến trường học đón Ngọc Lan về sớm, âu cũng bởi “họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”. Chuyến bay từ Trung Quốc về Việt Nam gặp nạn, rơi trên biển đông. Tất cả phi hành đoàn đều thiệt mạng, trong đó có ông Hoàng Vệ, giám đốc điều hành của công ty Hữu Phúc. Nhận được tin dữ, Loan Điệp vợ ông bàng hoàng, sửng sốt, chân tay run lẩy bẩy, như muốn phủ nhận tất cả sự thật. Sau lại, lẩm bẩm một mình, người như ngây dại… Cô chạy thẳng đến trường đón con gái Ngọc Lan. Đứa bé này từ nhỏ đã có những khả năng đặc biệt. Em đã linh cảm được việc chẳng lành xảy ra với người ba yêu dấu của em. Cho đến khi mẹ đến, thì những linh cảm đó đã chắc chắn. Quá xúc động em ho ra cục máu, rồi lên cơn co giật. Vậy là, kể từ đó em trở thành đứa trẻ mồ cô cha với căn bệnh “tắt tiếng” không biết khi nào sẽ chữa khỏi. Đi khám bác sĩ nói rằng: “Do xúc động quá nên ảnh hưởng đến thần kinh chức năng, khi tâm lý ổn định trở lại sẽ nói được.” Nhưng chỉ có em là người hiểu rõ nhất, “bệnh câm” sẽ đeo bám em suốt cả cuộc đời.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/t124729-huong-hoa-tieu-chuong-3.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận