Hồ Điệp Truyện 5


Truyện 5
CÁT-XÉT VIÊM

(Truyện ngắn viễn tưởng không khoa học)

Được biết, tình hình phát triển kỹ thuật cát-xét trước mắt sẽ là:

1. Vi hình hóa. Thiết bị cát-xét dùng hàng ngày theo kiểu mới có thể bỏ túi, gắn vào đồng hồ đeo tay, gắn trên gọng kính, lắp trong miệng như trồng răng giả, đeo trên tay như đeo nhẫn, thậm chí còn có thể gắn trên mặt, trên môi, dưới cằm, nhìn như một nốt ruồi làm duyên.

2. Đa chức năng hóa. Thiết kế cát-xét cho tới ngày nay chỉ điều tiết được âm lượng, sau này có thể điều chỉnh chất lượng, dựa vào cụm tần suất mà chia thành sáu loại: ôn hòa, hùng hồn, thâm trầm, oai nghiêm, sắc sảo, hoạt bát. Mỗi loại lại chia nhỏ hơn nữa, như loại ôn hòa có quyến luyến, tha thiết, nũng nịu, si mê, nhã nhặn, hàm súc: mỗi loại nhỏ này chẳng những chia thành giọng nam, giọng nữ, giọng cao, giọng trung, giọng trầm mà còn có nhiều loại hình sắc thái khác nhau như vui, cuồng, lo, giận v.v...

3. Tự động hóa. Do bộ óc điện tử khống chế, có thể lập sẵn mười triệu, hai mươi triệu chương trình, chia thành mấy loại lớn: xã giao, bài nói chuyện, tình tự, cãi nhau, chuyện vãn, báo cáo, kiểm thảo v.v... Mỗi loại lớn này lại dùng mấy ngôn ngữ thông dụng trong Liên hợp quốc như Trung, Anh, Nga, Pháp, ngoài ra còn Tây Ban Nha, Nhật để nói; rồi lại dựa vào ngôn ngữ được dùng mà chia thành nhiều loại sắc thái như văn minh nhất, văn minh vừa, văn minh, không mấy văn minh, không văn minh, cực thô đã v.v... Chẳng hạn loại cãi nhau, khi sử dụng chỉ cần điều khiển một chút là có thể dùng sáu thứ ngôn ngữ lúc bổng lúc trầm, phát ra những câu cãi nhau, đại loại: “Vô lí hết sức! Sai lầm rồi! Cứ thế này thì thật nguy hiểm! Sa vào đường queo rồi! Đây là tranh luận về đúng sai lớn! Không đầu hàng chỉ có chết!” Thậm chí cả những câu: “Đồ ngu! Thối không ngửi được! Sẽ chẳng ra gì đâu! Con nhà lăng loàn, đĩ điếm!...” cũng có. Còn loại tình tự, có thể dùng đủ loại âm chất, âm điệu, âm lượng với nhiều thứ tiếng để luôn miệng nói: “Anh yêu em! Em nhớ anh! Em ngày nào cũng mơ thấy anh! Em đem lại cho anh bao ấm áp! Anh là mặt trời của em! Em là bông hồng của anh! Em lấy đi trái tim anh rồi! Em như say như mê vì anh! Em gầy mòn héo hon vì anh!...”, thậm chí cũng có cả những câu: “Anh tặng em món trang sức bằng vàng 14K đây! Đừng quên uống thuốc đấy!...”.

Còn như hệ thống giàn cát-xét chuyên dùng cho diễn viên, tuy giá có cao một chút (mỗi bộ từ một vạn đôla đến năm triệu đôla) nhưng tính năng thì tuyệt vời, thật là như người, vượt người, kinh người! Hệ thống ấy chẳng những bao gồm mọi loại nhạc, mọi loại kịch, mà còn đúng hệt giọng Mai Lan Phương, Trình Nghiên Thu, Liên Khoát Như, Hoa Tứ Bảo, Lưu Quảng Ninh, Pavarốtti, Sácli Saplin, “Vua Mèo”, Gioóc Bêrin, Giôhan Lênông, Đặng Lệ Quân v.v..., giọng nào cũng lắp sẵn cả.

Làm như thế, nước Y đến năm Z thì công nghệ cát-xét phát đạt hẳn, đạt đến độ “chỉ nghe tiếng máy nói, không nghe tiếng người nói”. Diễn viên diễn kịch, hát, ngâm thơ trên sân khấu, nhà chính khách phát biểu, rồi công bố chính sách, diễn thuyết, tranh luận công khai với kẻ thù chính trị trên quảng trường, trong hội trường; cả đến người bán hàng rao bán những sản phẩm đời mới, người hướng dẫn du lịch giới thiệu danh lam thắng cảnh với khách phương xa, nhà buôn đàm phán hợp đồng mua bán, thiếu niên thiếu nữ chỉ biển thề non nói chuyện yêu đương, bố dạy con, đàn bà vòi tiền, quan tòa tra hỏi tội phạm, chồng nịnh vợ, khoa trưởng nịnh vụ trưởng, vụ trưởng lấy lòng lái xe..., đâu đâu cũng là những lời nói, lời ca, tiếng khóc, giọng cười, tiếng thở dài, tiếng hoan hô, tiếng gào thét... sinh động như thật. Chỉ có điều, chẳng ai biết thanh âm nào thực sự phát ra tự tim gan của người nói chuyện hoặc phát ra tiếng nói đó; không những không nhất thiết phát ra tự tim gan, cũng không nhất thiết phát ra tự cổ họng, miệng hay đầu lưỡi, mà phần lớn phát ra từ thiết bị âm thanh siêu cấp có bộ óc điện tử.

Điều ấy đáng sợ thật! Thiếu nữ không biết ai đang tỏ tình với mình - là một bạn trai hay chỉ là tiếng máy? Người nghe không biết có nên vỗ tay hay không và vỗ tay cho ai? Khen ngợi một ngôi sao sân khấu mới nổi, hay trên thực tế khen kỹ sư thiết kế, kỹ sư công nghệ một kiểu cát-xét vi hình tự động hóa để diễn xuất theo cách mới? Nhà ngoại giao không biết mình tranh luận với ai; đối thủ thao thao bất tuyệt, đảo ngược trắng đen, mạnh mồm nói lớn hay hòa nhã khéo miệng kia là bộ trưởng Bộ ngoại giao một nước nào? Là đại sứ Liên hợp quốc hay chẳng qua là máy đang tranh luận ngoại giao? Thậm chí khi tranh luận, cứ nghĩ đến đối thủ ngoan cố bảo thủ rất có thể đang nhắm mắt nằm nghỉ, chỉ khẽ bấm cái nút cãi nhau và điều khiển âm thanh thì dù ai có không muốn tranh cãi nữa cũng không thể khoan dung tha thứ cho đối phương được. Tình thế ấy bắt buộc ai cũng phải mở hệ thống cãi nhau ở thiết bị âm thanh của mình, cuối cùng đôi bên cãi nhau chán chê, đều tức giận bỏ (hoặc bứt, giật, kéo) đầu cắm thiết bị của mình ra quăng xuống đất, giẫm dưới chân rồi quát:

- Ngán thấy mồ! Gào cái gì? Cút mẹ mày đi! (Bạn đọc yên tâm đi, nhân viên kỹ thuật thiết kế, đặt quy trình công nghệ, soạn tài liệu và lắp ráp đã liệu trước tình hình này, nên máy của họ thuộc loại “chịu được giẫm, đá, đập, kéo, quẳng, đạp”, gọi là loại máy “vượt núi cao, vào biển lửa”, tôi luyện thành thép, biển cạn đá tan cũng không rè tiếng).

Điều đáng buồn nhất là dù ở bên nhau nhưng mọi người không sao phán đoán nổi tiếng nói của người bên cạnh cùng mặt mũi, tóc tai, người ngợm, quần áo của người đó. Nếu là phụ nữ, trên mặt cô nàng có hai nốt ruồi, nốt nào là “hàng thật giá đúng”, nốt nào là cát-xét vi hình? Đến mức này thì thầy xem tướng mặt cũng phát rầu. Vốn dĩ thầy xem tướng cao tay thì nhìn nốt ruồi biết ngay được lành dữ, đoán được mệnh trời. Đầu cô nàng cài thêm chiếc cặp tóc, cổ áo anh chàng thêm ra một cái cúc, ngón tay cô nọ đeo liền hai cái nhẫn, nắp bút anh kia dài hơn bình thường..., phải chăng đó đều là cát-xét tí hon?

Cát-xét, cát-xét, tất cả gầm trời không gì ngoài cát-xét. Các nhà khoa học về cát-xét đang nghiên cứu chế tạo những sản phẩm mới: Chó dùng máy cát-xét. Sử dụng thiết bị này có thể làm cho tiếng chó sủa trở thành khúc hợp tấu mang mác Pháp. Mèo dùng cát-xét. Sử dụng thiết bị này khiến tiếng mèo gào động đực biến thành khúc ghi ta điện xứ Hawai. Bếp dùng cát-xét. Sử dụng thiết bị này có thể làm cho hành hoa bỏ vào chảo mỡ sôi phát ra tiếng sóng hùng vĩ trên sông Tiền Đường, còn gõ bàn sản vào cạnh nồi thì phát ra tiếng đá lăn hệt như nhạc Pốp. Còn dùng cát-xét trong phòng vệ sinh thì thế nào? Có thể nghe thấy ở đấy tiếng xì hơi, tiếng xuống xề, tiếng mõ tre, tiếng thở than, tiếng... Thật là hay không xiết kể, khiến ai cũng muốn nghe mãi.

Nhà thơ nổi tiếng ân Chính Tương, người đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ giải thưởng lớn năm Z của nước Y bèn bắt chước thể thơ ca ngợi Khổng phu tử mà ngâm một bài thơ rằng:

Cát-xét, cát-xét,

Lớn thay cát-xét;

Phía trước cát-xét;

Tuyệt không cát-xét

Phía sau cát-xét;

Toàn là cát-xét.

Bên trong cát-xét,

Càng là cát-xét.

Tất cả là vũ trụ.

Đều là cát-xét.

Không người, không vật.

Chỉ có cát-xét.

Chẳng hiền, chẳng ngu,

Chỉ duy cát-xét.

Không không, không có,

Chỉ toàn là cát-xét.

Lớn thay cát-xét,

Lớn thay cát-xét!

Các nhà khoa học lập tức đem thơ của nhà thơ họ ân được thưởng thu vào băng, vào phần mềm, vào các kiểu thiết bị âm thanh, thế là khắp nơi vang lên tiếng nam, tiếng nữ, tiếng già, tiếng trẻ, tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nước ngoài, tiếng bản địa: “Lớn thay cát-xét, lớn thay cát-xét!”.

Cứ như thế, dần dần nước Y nhiễm phải hội chứng cát-xét. Người mắc chứng bệnh này không tin người khác, cũng chẳng tin mình; không tin tình yêu là ấm áp ngọt ngào, không tin lòng khảng khái sôi nổi của nhà chính trị, không tin lời hùng hồn thao thao của nhà ngoại giao, không tin giọng hát du dương của ca sĩ, không tin giọng ngâm tình cảm mượt mà của nhà thơ, không tin tiếng khóc vật vã của người đau khổ, không tin vẻ cười thoải mái của kẻ đắc chí, không tin dáng lịch sự lễ phép của các tiếp viên hàng không, không tin tiếng súng trong buổi hành hình, không tin tiếng khóc trẻ thơ, không tin tiếng rên của người ốm nặng... Cái gì cũng chẳng tin, thậm chí không tin cả gió, mưa, dòng chảy, động đất... Chứng hoài nghi cực điểm đó sau khi được hội chẩn thì ra là một chứng bệnh thần kinh ngăn trở tình cảm dạng u uất, mỗi ngày phải dùng một lượng lớn thuốc thuộc loại “đôrôpin”, nếu không người bệnh sẽ không ăn, không uống, mất hết hứng thú với mọi thứ, đến nỗi mất cả niềm tin vào cuộc đời mà quyên sinh tự tận.

Trong quá trình hội chẩn có bốn bác sĩ nêu nghi vấn: người bệnh có mắc bệnh thật không? Lời kể của bệnh nhân và lời kể của người nhà họ về bệnh tình có thực xuất phát từ tim, miệng của họ không? Phải chăng họ dùng giàn cát-xét thay họ tạo bệnh tình giả để lấy thuốc chữa bệnh không mất tiền và giấy nghỉ ốm? Bốn bác sĩ đề nghị cởi hết quần áo của bệnh nhân rồi đưa tới các phòng xét nghiệm để kiểm tra bằng các phương pháp vật lí, hóa học, sóng siêu âm loại B, tia phóng xạ, nhằm loại trừ tất cả quần áo, đồ trang sức, cặp tóc, răng giả, móng tay, móng chân, nốt ruồi, mụn cóc... là những thứ nghi có cài thiết bị âm thanh, sau đó tổ chức buổi nói chuyện giữa bác sĩ tâm thần giỏi nhất và người bệnh trần truồng để nghe lời kể bệnh của bệnh nhân, như thế mới chẩn đoán đúng bệnh mà cho thuốc chạy chữa.

Các bác sĩ khác nhìn ngó nhau, cuối cùng chủ nhiệm ban trị liệu quả quyết bốn bác sĩ nọ cũng đúng là người mắc “hội chứng cát-xét”; sau khi kiểm tra chức năng gan, chủ nhiệm buộc họ phải dùng một lượng lớn thuốc chống chứng u uất rồi giao cho các chuyên gia phân tích tâm thần, chữa trị cho họ bằng phương pháp xoa bóp theo tâm lí.

Chẳng bao lâu lại xuất hiện bệnh tâm thần về cát-xét thuộc loại hình khác được hội nghị các chuyên gia xác nhận và đặt tên là hội chứng cát-xét dạng B. Người mắc bệnh này suốt hai mươi bốn giờ trong ngày không ngừng điều khiển hệ thống cát-xét đang dùng, lúc cho phát giọng nam cao, lúc cho phát giọng nữ trầm, bỗng chốc diễn thuyết kích động hùng hồn, khảng khái, bỗng chốc thổ lộ tình yêu bằng giọng dịu dàng thỏ thẻ, rồi tự hỏi, tự đáp, tự tranh luận, tự biện giải, tự cười, tự khóc, tự thổi kèn, tự đánh trống, tự hối hận, tự sửa chữa, tự nghĩ, tự than, tự mình nhủ mình, thôi thì muôn màu muôn sắc, đủ vẻ lạ lùng, rối thành một cục, mặt vàng người tóp, hai mắt dại ngây, mồ hôi đầm đìa, hàm răng nghiến chặt, tứ chi co giật, tim đập quá nhanh, huyết áp cao vọt..., đến nỗi xỉu người ngất lịm. Các chuyên gia cho rằng bệnh này thuộc bệnh tâm thần loại nóng nảy điên cuồng quốc tế hiện đại kiểu mới. Mắc bệnh này là dấu hiệu quan trọng huy hoàng, chứng tỏ bước tiến bộ kỹ thuật của một xã hội phát đạt, cần uống một lượng lớn loại thuốc có hợp chất axít cácbôníc và lithium dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của thầy thuốc. Ai bệnh nặng thì trước hết cần dùng điện áp cao hơn hai ngàn vôn quật ngã như sét đánh, sau đó mới chữa chạy tử tế.

Cùng lúc này, các nhà nghệ thuật bỏ nhiều công phu vào việc đặt mua, sử dụng và giữ gìn thiết bị cát-xét loại đặc biệt đó. Ai cũng suy nghĩ nát óc, lao tâm khổ tứ, sáng tạo những tác phẩm tuyệt hay để vận dụng vào thiết bị âm thanh đặc biệt ấy. Nào thanh nhạc, nào khí nhạc, nào kịch nói, kịch hát, hí khúc... đều nhờ cát-xét cả. Sau khi cát-xét giúp cho mọi người có tiếng như chuông lớn, như sấm rền, như hai trăm bốn mươi bảy cái kèn cùng thổi một lúc thì một ca sĩ làm cho thiết bị âm thanh của mình không ngừng phát ra tiếng lừa kêu, đột nhiên gặp vận đỏ. Cát-xét còn giúp cho tất cả những diễn viên kịch nói phát ra những lời tỏ tình dịu dàng dễ nghe nhất. Lúc đó, ngôi sao thiên tài đóng vai chính trong Rômêô trong vở Romeo và Juliet vừa nhìn thấy Juliet đã điều khiển cát-xét cho phát ra tiếng súng liên thanh bắn quét, đại bác gầm vang, máy bay chiến đấu bổ nhào, xe tăng gầm rú. Lối biểu hiện độc đáo đó khiến anh ta giành được danh hiệu diễn viên nam hay nhất trong năm, giúp cho nền kịch nói ngắc ngoải nhiều lần có cơ  sống lại.

Thế rồi nước Y lại xuất hiện làn sóng thứ ba của hội chứng cát-xét, gọi là chứng cát-xét viêm dạng C hiện đại có tính truyền nhiễm. Làn sóng này có đặc điểm là đảo lộn vị trí của mọi âm thanh. Khi muốn uống chè thì người bệnh lại thích phát ra tiếng xe hơi phanh kít, uống rượu thì phát lời tỏ tình, bắt tay thì phát tiếng hắt hơi liên tục; đi ngủ phát tiếng mèo gào nhau, gặp bạn cũ phát tiếng gió dữ, gặp người lớn tuổi đáng tôn kính phát tiếng rặn khan khi táo bón, gặp trẻ con phát tiếng chọc tiết lợn, cãi nhau phát tiếng chạm cốc và nhai nhồm nhoàm, còn chạm cốc và ăn cơm lại phát tiếng thợ mộc kéo cưa. Người tỏ tình không còn nói: “Anh yêu em! Em là linh hồn của anh!” mà nói: “Mày quyết không ra gì đâu, đồ chết vằm!” Câu tỏ tình này khiến các thiếu nữ xuân tình si mê điên cuồng, đổ liền không gượng được.

Để chữa cho người mắc bệnh thuộc làn sóng thứ ba này, bác sĩ muốn dặn dò bệnh nhân thì lại không sao nói nên lời. Bác sĩ vặn nút điểu khiển cát-xét vi hình theo chiều kim đồng hồ, kết quả tiếng phát ra lại là bình, bình, bộp bộp của những cú so găng, đọ quyền. Bác sĩ lại xoay nút, câu bác sĩ nói: “Ngày uống bốn lần, mỗi lần bốn viên” thì lại biến thành: “Vào, vào rồi!” như tiếng hò reo triều dâng sóng dậy ngoài sân bóng đá, tiếp sau đó là những tiếng bốp bốp của dùi cui cảnh sát quật vào người những thanh niên gây rối và tiếng kêu thét của người bị đánh.

Cuối cùng, sau mấy năm, quốc hội phải thảo luận đến ba tháng (khi tranh luận, cùng một lúc cũng vang lên tiếng đao, thương, kiếm, kích, tiếng máy bay, đại bác, hỏa tiễn, ngư lôi, tạc đạn, bom nguyên tử cùng các loại vũ khí khác), rồi quốc hội thông qua một pháp lệnh hạn chế sử dụng thiết bị cát-xét ở nơi công cộng, hạn chế lượng khuếch âm của thiết bị, cấm sử dụng bộ óc điện tử cho thiết bị. Trước và sau khi công bố pháp lệnh, đảng phản đối, tổ chức mười lăm lần hành động kháng nghị, xảy ra ba ngàn không trăm năm mươi tư lượt người sử dụng bạo lực.

Lại qua đi mấy năm nữa, thiết bị cát-xét vi hình tự động điều lượng và điều chất chuyển sang sử dụng bí mật, trốn thuế, mua bán chợ đen, mua đi bán lại giữa các tập đoàn cùng nhiều hoạt động khác ngày một hoành hành. Quốc hội lại phải tranh luận rất nhiều, rồi quyết định kiến nghị thành lập cơ quan chống cát-xét và cảnh sát chìm chống cát-xét. Tất cả nhân viên, công chức khi tới sở làm phải một tay đặt lên Kinh thánh, một tay giơ cao thề: “Bản chức không dùng máy cát-xét...”.

Tóm lại, cuộc đấu tranh chưa kết thúc, phải trái chưa kết luận. Có người dự đoán chính quyền nước Y từ đó không ổn định. Chỉ có một điều an ủi được là từ ngày quốc hội thông qua nghị quyết chống cát-xét thì căn bệnh quái ác như trên ít dần đi, diễn viên đủ loại cần dùng đến âm thanh đã bắt đầu nghiêm chỉnh luyện giọng.

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/26692


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận