Hồi Ký Tâm Si-đa Vượt Lên Cái Chết Chương 8


Chương 8
Tay tôi, tay người

Tại công viên Quách Thị Trang, tôi ngầm chú ý một số anh chị để làm cộng tác viên giúp tôi tiếp cận và truyền thông. Đầu tiên tôi chọn Út Chín, vì Út Chín có uy tín với những người sống bụi đời quanh khu vực này, hơn nữa cả gia đình sáu - bảy chị em của Út Chín đều sống và làm ăn theo kiểu giang hồ tại đây. Kế đến là hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Nương. Chị kể hoàn cảnh chị cũng khổ, lấy anh Hoàng là người chồng sau có được hai đứa con, một trai một gái. Anh Hoàng không lo làm ăn, chỉ biết nhậu nhẹt. Còn chị đêm đêm phải đi hành nghề mại dâm kiếm tiền về nuôi hai con và chồng. Chị tâm sự rằng muốn có vốn để buôn bán nhỏ nhưng không lấy đâu ra tiền. Làm đồng nào xào đồng nấy. Chị rất sợ bị bắt, bỏ con bơ vơ.

Tôi la cà tại công viên, tôi vừa truyền thông phòng lây nhiễm HIV, vừa tìm hiểu về hoàn cảnh của chị Nương xem có đúng như lời chị tâm sự với tôi không. Quả đúng không sai, chị còn có ba đứa con với chồng trước có cưới hỏi đàng hoàng. Chồng chị bỏ theo vợ bé. Uất ức, chị đi làm gái và gặp anh Hoàng. Hai người lấy nhau có thêm hai đứa con nhỏ. Tôi rất muốn giúp chị, nhưng tôi không đủ điều kiện để có thể thay đổi cuộc sống của chị, như lời chị tâm sự.

Đúng là ơn trên đã mang cơ hội đến cho tôi và chị. Đó là khi chị Đỗ Ngọc, phóng viên Báo Phụ nữ đến văn phòng gặp sếp và muốn viết bài về tôi. Sếp đồng ý, và từ đó chúng tôi thường xuyên gặp nhau. Tôi mạnh dạn đem chuyện của chị Nương ra nói cho Đỗ Ngọc nghe. Thật bất ngờ, Đỗ Ngọc muốn giúp chị Nương số vốn nhỏ để buôn bán. Lời đề nghị của Đỗ Ngọc làm tôi tự tin hơn. Tôi bàn với Đỗ Ngọc nên mua xe thuốc lá để chị Nương có thể bán thuốc lá lẻ và bán xăng, nhưng Đỗ Ngọc không nên ra mặt, để mình tôi trực tiếp gặp chị tốt hơn và cũng để tránh sự ỷ lại của chị Nương.

Đỗ Ngọc đưa cho tôi năm trăm ngàn đồng để giúp chị Nương. Tôi đến bàn với chị Nương, tôi sẽ giúp cho chị mượn vốn không lấy lời để chị nuôi con và bỏ nghề làm gái. Chị Nương bật khóc khi nghe tôi nói vậy. Tôi tiếp: “Tiền này không phải của tôi mà là của bạn tôi đưa. Chị ấy muốn tôi cho chị mượn làm vốn buôn bán với hy vọng chị có thể thay đổi cuộc sống mà nuôi con vì con của chị còn quá nhỏ”. Chị Nương xúc động rơi nước mắt. Tôi cùng chị Nương đi mua xe kiếng để bán thuốc lá lẻ và trang bị đầy đủ các loại thuốc hút để chị Nương ngồi bán. Tôi đã dặn chị ban đêm chịu khó gửi xe thuốc, nhưng chị tiếc tiền không chịu gửi. Sáng hôm sau, tôi ra thăm chừng coi chị bán được không. Vừa tới nơi, tôi thấy chị ngồi khóc bù lu bù la. Tủ thuốc bị cạy mất sạch không còn một gói. Còn gì nữa mà bán? Tôi đành phải xuất tiền túi ra để mua thuốc khác cho chị.

Qua thời gian tiếp cận, dần dà, tôi trở thành người thân quen của giới bụi đời. Chuyện gì xảy ra tại công viên, các anh chị đều kể cho tôi nghe: Chuyện chị Nga đẻ con ra đem bán lấy tiền; chuyện chị Út đi ngủ với khách phải gửi con cho người khác giữ vì sợ mất con… Đủ thứ tệ nạn xảy ra tôi cũng đều chứng kiến. Những con người sống trên vỉa hè, đường phố, nguy cơ lây nhiễm bệnh tật rất cao vì họ ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt tình dục bừa bãi, thậm chí đến bàn chải đánh răng cũng xài chung. Cuộc sống bụi đời, họ không cần trang bị bất cứ thứ gì cho cá nhân.

Đêm cần nằm ngủ nếu có hai ngàn đồng thì thuê chiếc chiếu, đến ba giờ sáng có người đến thu chiếu. Còn vệ sinh răng miệng, cứ việc đến bên chỗ cho thuê kem đánh răng, một chút kem thoa trên bàn chải cộng với một ca nước sạch giá năm trăm đồng. Người này đánh răng xong lại đến người khác. Trên xô nước đã có sẵn hơn chục cái bàn chải đánh răng thoa kem để sẵn kèm theo một ca nước. Còn không có tiền thì khỏi đánh... Tôi đem bàn chải đánh răng tặng cho các anh chị nhưng họ không nhận. Lý do là không có nơi cất giữ. Tôi có giải thích cỡ nào các anh chị cũng không nhận. Tôi đành chịu vì họ có cái lý của họ. Nhưng tôi vẫn kiên nhẫn thuyết phục để họ chấp nhận dùng bàn chải đánh răng riêng. Tôi đưa ra những tấm ảnh minh họa các đường lây truyền HIV cho các anh chị xem. Lúc này mọi người mới chấp nhận xài riêng bàn chải đánh răng.

Tuy nhiên, cũng có người không thích sự hiện diện của tôi ở khu vực Quách Thị Trang này. Họ kiếm chuyện gây sự nhưng tôi được các anh chị khác ở đây bảo vệ. Cũng may còn có người biết tôi trước đây và biết tôi hiện đang làm công việc gì, cho nên mọi chuyện cũng êm xuôi.

Nhớ lại hình ảnh của em Út, tôi tìm cách tiếp cận em tại trạm xe buýt đối diện công viên Quách Thị Trang. Em còn rất nhỏ, chỉ mới 15 tuổi. Có hôm ngồi nói chuyện cùng em, tôi nghe mùi hôi xông lên mũi nhưng không dám hỏi. Tôi kể chuyện người khác bị bệnh huyết trắng, do không biết và mắc cỡ ngại nói ra, nên để lâu ngày thành bệnh nặng, khách hàng không dám quan hệ vì sợ lây. Nghe đến đây, em mới hỏi tôi: “Cô Tâm ơi! Con muốn hỏi tại sao con có kinh, hết lâu rồi mà vẫn ra huyết hồng hồng hoài, còn có mùi hôi nữa, kỳ quá…”. Tôi hiểu ra vấn đề qua kinh nghiệm của chính bản thân mình trước đây. Tôi hỏi em: “Lúc hành kinh con có đi khách không?”. Em đáp có. Tôi hỏi tiếp: “Đang hành kinh thì làm sao con đi khách được? Bộ khách không biết con đang có kinh hả?”. Lúc này em mới kể thật cho tôi nghe: “Con có kinh nhưng khách quen cứ kiếm và đòi ngủ với con. Bà dẫn mối mới chỉ con cách nhét cục bông gòn vào cửa mình rồi đi khách, để khách không biết là con đang có kinh”. “Vậy khi đi khách xong con có móc cục bông gòn ra bỏ không?”. “Đi khách xong, con có móc rửa nhưng con thấy nó không còn. Chắc là khi khách xuất tinh con đi rửa nó rớt mất rồi”. Nghi ngờ cục bông gòn còn nằm sâu trong âm đạo của em mà em không hay nên thành ra mùi hôi như vậy, tôi liền nói với em: “Bây giờ Út đi vào nhà vệ sinh công cộng với cô để cô xem coi cục bông gòn còn sót lại không, rồi cô tìm cách lấy ra cho. Chớ để lâu có giòi là con bệnh chết luôn đó!”. Vào nhà vệ sinh, tôi biểu em cởi đồ ra nằm xuống. Tôi nhẹ nhàng đưa ngón tay vào sâu trong âm đạo của em dò tìm cục bông gòn. Đụng rồi! Tôi phải đưa thêm ngón tay nữa mới lấy ra được. Một mùi hôi thối bốc lên khiến tôi muốn nôn mửa, song tôi phải cố gắng kìm lại vì sợ em mặc cảm. Tôi lấy thuốc vệ sinh phụ nữ rửa cho em, lấy cồn rửa tay nhưng vì không mang theo găng tay y tế cho nên mùi hôi thối cứ ám ảnh suốt cả ngày làm tôi không tài nào ăn uống gì được. Mọi chuyện đã ổn, tôi lấy xe đạp chở em đến Bệnh viện Da Liễu nhờ bác sĩ Trần Thịnh khám. Anh Thịnh khám và cho thuốc không lấy tiền. Cũng may em chỉ bị viêm cổ tử cung. Ra về, tôi khuyên em nên nghỉ ngơi, tạm ngưng tiếp khách vài hôm.

Dần dần tôi gặp lại gần hết số bạn bè cùng ở Phú Văn với tôi trước đây. Nhờ đó, việc thuyết phục các anh các chị xài bao cao su hay xài kim chích riêng không gặp khó khăn gì. Các bạn mới cũng như các bạn cũ đều trở thành cộng tác viên tích cực của tôi. Mỗi tháng, các bạn cùng đến văn phòng 41/3 Phạm Ngọc Thạch sinh hoạt đều đặn. Rồi anh Vân báo với tôi sẽ có cô Nguyễn Thị Oanh đến gặp và cô muốn phỏng vấn một em dưới 17 tuổi. Tôi hẹn giờ và đưa em Út tới. Út đã tâm sự về cuộc đời cũng như hoàn cảnh của gia đình em cho cô Oanh nghe và thu băng. Sau buổi hôm đó, cô Oanh hứa sẽ giúp Út một số vốn là 500 đô la làm ăn thông qua tôi. Cô bảo tôi qua tổ chức CARE để nhận tiền về và hướng dẫn cho Út cách làm ăn buôn bán nhỏ, nhưng anh Vân không cho tôi đi nhận tiền mà anh điều người khác đi nhận và đem tiền về giao cho anh giữ. Cứ vài ba hôm, Út ghé đến văn phòng đòi lấy tiền cô Oanh hứa cho, thì anh Vân chỉ đưa ra vài trăm ngàn đồng. Tôi sợ số tiền cô Oanh cho sẽ hao hụt thì không thể làm vốn giúp Út bỏ nghề mại dâm, nên tôi yêu cầu anh Vân đưa một lần, như vậy tôi mới có thể giúp Út cách buôn bán. Anh cũng không đồng ý. Tôi phải nói: “Nếu anh không chịu đưa tiền một lần cho Út, tôi buộc lòng đi gặp cô Oanh bàn giao lại số tiền mà cô hứa cho Út. Thà như vậy mà tôi không bị mang tiếng. Chứ tôi không thể chấp nhận để cho anh đưa tiền lắt nhắt nhỏ giọt, cuối cùng không làm được gì!”. Thấy tôi cương quyết, anh Vân mới đưa tiền cho tôi. Nhận được tiền, tôi yêu cầu anh Vân cho Tuấn nhỏ hoặc ai đó trong chương trình đi với tôi để mua hàng hóa cho Út ngồi bán. Địa điểm ngồi bán tôi đã tìm được, nhưng anh Vân không cho bất cứ người nào hỗ trợ tôi trong việc đi mua hàng. Cũng không sao, tôi với Út tự đi, còn mời thêm dì ruột của Út đi chung để làm chứng giùm là tôi đã làm đúng kế hoạch của cô Oanh. Sau khi mua đủ các thứ mặt hàng, mua tủ kiếng, còn dư lại tiền, tôi gửi cho dì của Út giữ. Thỉnh thoảng tôi tạt ngang xem Út buôn bán lời lỗ ra sao, để kịp thời góp ý kiến cho Út.

Mọi chuyện ổn thỏa, tôi bắt đầu chuyển địa bàn tiếp cận. Khu vực Cây Da Sà ở Ngã tư Bốn Xã do và Dung phụ trách, nhưng không tài nào tiếp cận được lại còn bị đám ma cô giang hồ rượt đánh chạy có cờ. Huy nhờ tôi tiếp cận khu vực này, tôi trả lời: “Đ. M, chỗ nào ngon ăn thì tụi bây làm, còn chỗ nào ôm đầu máu thì tụi bây bán cái cho tao hả? Còn khuya tao mới nghe lời tụi bây!”. Lý do tôi chửi Huy bởi vì khi đi truyền thông cho Trường Phụ nữ 2, vô tình Huy đã nói về quá khứ của tôi trước đây cũng từng ở trường. Khi nghe các chị em trong trường hỏi, tôi nổi khùng. Sau buổi truyền thông ở trường về, tôi gây hấn với Huy và rượt đánh Huy. Cả văn phòng can ngăn, tôi đánh không được nên khi nghe Huy đề nghị vô Cây Da Sà tiếp cận, tôi nổi tam bành chửi Huy một trận.

Nói thì nói vậy, tôi vẫn đến điều nghiên khu Bốn Xã. Quả thật nơi đây có hơn trăm quán bia ôm trá hình. Các chị níu kéo khách ngay trên đường, không cần biết khách có nhu cầu uống bia hay không. Nếu khách không vào thì bị lấy chìa khóa công tắc xe. Bị níu kéo giữa đường, các ông khách đành vào uống vài chai. Ông nào cự nự, lập tức có bọn ma cô, giang hồ ra tay. Còn khách đi thưa công an? Đợi tới lúc công an đến giải quyết thì không còn một mống trên đường.

Thấy tình hình như vậy, tôi bắt tay vào việc ngay. Tôi la cà gần một tuần lễ, vẫn chưa có cách nào tiếp cận được các chị. Tôi ngồi ở quán cà phê của chị Năm để nghe ngóng. Ngồi đến ngày thứ sáu thì có một tay đến hất mặt hỏi tôi: “Bà tìm ai mà ngày nào cũng ngồi ở đây vậy?”. Tôi nhẹ nhàng trả lời: “Chị tìm Út Đồng. Mấy bạn có thấy Út Đồng đi đâu không, chỉ giùm chị. Thiệt tình, có việc cần mà tìm thằng cha già mắc dịch này khó muốn chết”. Nghe tôi hỏi Út Đồng với vẻ thân tình, nét mặt của tay giang hồ (sau này tôi biết hắn tên Hùng) cũng bớt gay gắt, hung dữ. Hắn đổi giọng: “Ủa, chị là gì của ảnh? Sao chị không tới nhà tìm mà ra đây ngồi?”. Tôi trả lời và chứng minh cho tay giang hồ thấy tôi quen Út Đồng là thật: “Chị là bạn thân của Út Đồng hồi trước giải phóng tới giờ. Chị có tới nhà tìm. Đó, cái nhà có cây me tây là nhà ổng đó, nhưng không có ổng ở nhà. Bà già biểu chị muốn tìm Út Đồng thì ra mấy quán ngoài này sẽ gặp. Ngày nào chị cũng đến đây để chờ, vậy mà không tài nào gặp được ổng, chán thiệt…”. “Chị tìm anh Út có chuyện quan trọng không?”. “Cũng không có gì quan trọng, chị chỉ muốn nhờ anh Út giới thiệu chị với các bạn ở đây, để chị tiếp xúc và hỗ trợ các chị em trong công việc phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục”. “Phải bệnh si đa không chị? Được rồi, để em kêu mấy con đó tới đây cho chị nói chuyện”.

Vậy là Hùng gọi các chị đến cho tôi làm quen. Bắt đầu từ đó, tôi len lỏi hết các quán và phòng trọ ở khu vực Bốn Xã để truyền thông. Nhưng vẫn còn một số quán tôi không vào được, như gia đình bà Bảy Nu. Họ nổi tiếng ở khu vực này là cả gia đình từ con trai, con gái, dâu, rể đều làm chủ chứa, tất cả mười hai quán. Không cách nào thâm nhập được, tôi bèn chuyển sang chơi với con của họ. Tôi săn sóc, cắt móng tay, móng chân, dạy bọn trẻ học, em nào ngoan thì có thưởng kẹo, bánh hoặc vài cái bong bóng bay. Từ từ, tôi đã tạo được mối thiện cảm với gia đình bà Bảy. Thấy tôi ra vào quán bà Bảy như người trong nhà, các quán khác cũng thay đổi cách nhìn. Chỉ riêng quán bà Ba Yến là không tài nào tiếp cận được. Tôi lại nghĩ cách lân la làm quen với bà Ba Yến, khen bà có tướng sang, chắc là trước đây bà đẹp lắm, cũng là bậc mệnh phụ phu nhân chớ không phải là chủ quán bình thường như bây giờ. Nghe khen thì người phụ nữ nào cũng thích, bà cũng khen lại tôi ăn nói có duyên, dễ gây cảm tình. Vậy là tôi vào được quán của bà.

Mỗi lần các chị ở đây bị bệnh, tôi đều xin phép chủ quán chở các chị đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Da Liễu, điều trị miển phí theo chương trình của VEP. Tôi chở các chị đi đúng giờ, về đúng hẹn. Từ từ, các chủ quán ở đây tin tưởng là tôi không có ý đồ gì xấu cho nên tất cả chuyện gì có liên quan đến các chị là chủ quán đều hỏi tôi. Thậm chí tôi dẫn khách nước ngoài đến thăm, chủ quán cũng vui vẻ tiếp. Dần dần, chương trình tuyển bác sĩ để có thể đến tận nơi điều trị cho các chị, cả nhóm thay phiên nhau phụ việc cho bác sĩ Trương Ngọc Tiến. Chúng tôi đi xuống tận địa bàn khám và điều trị bệnh cho các chị. Điểm khám chúng tôi mượn nhờ nhà của chị Năm bán cà phê, sau là nhà của bà Ba Yến. Nói chung là nhà của chủ quán nào chúng tôi mượn cũng được.

 Tạo được lòng tin rồi, tôi bắt đầu tìm cách giúp các em gái mười ba, mười bốn tuổi rời khỏi động mại dâm trá hình. Chẳng hạn như trường hợp em Lọ Lem mười bốn tuổi bị bạn bè rủ rê từ Đồng Tháp lên thành phố, nói là phụ bán cà phê nhưng lại bị chính cô bạn bán cho quán bà Ba Yến. Vào quán rồi em muốn trốn đi nhưng không được. Em bị buộc phải tiếp khách và ngồi đón khách trước cửa quán. Xấu hổ, em không chịu làm theo, thế là bị đánh đập dã man. Thấy hoàn cảnh em như vậy, tôi lén chỉ em cách trốn. Sau đó hẹn giờ đến đón em, đưa em ra bến xe miền Tây mua vé xe cho em về, tiền xe tôi đi xin bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Mỗi lần đưa được em nào về, tôi đều đi xin tiền của những ân nhân đã từng giúp tôi như Giang Tú, chị Hồng Tuyến, bác sĩ Trần Thịnh… Gặp ai tôi cũng xin, miễn là có tiền để tôi có thể đưa các em về đến nhà an toàn. Mỗi lần giúp được một em ra khỏi động mại dâm là tôi đều phải quay trở lại nơi em vừa trốn ra. Tôi ở đó có khi nguyên một ngày để xem động tĩnh ra sao và tránh sự nghi ngờ của chủ chứa. Khi nhà chứa xôn xao vì mất một người, chủ chứa tức tối chửi bới, hăm dọa nếu như bắt được chỉ có nước no đòn. Tôi cũng giả bộ đồng tình, cũng sốt sắng đi tìm phụ với họ nhưng trong bụng tôi rất vui vì các em đã thoát khỏi vũng lầy.

Chuyện đời khó đoán, tôi bị một số người gièm pha. Họ cho rằng tôi lợi dụng các em để xin tiền xài riêng. Tôi không cách nào thanh minh cho mọi người biết rằng tôi đã thật sự trở về với bản chất lương thiện của chính tôi, chỉ còn cách là tiếp tục cố gắng giúp các chị, các em thoát khỏi con đường đau khổ, thoát khỏi mại dâm, ma túy.

Nhiều lúc đi tiếp cận trong túi không có đồng xu để uống trà đá, bụng đói meo. Chán nản, tôi cũng muốn quay về đường cũ để xoay xở lúc khó khăn. Nhưng suy đi nghĩ lại, cuối cùng tôi đã chiến thắng cái tiêu cực trong tôi. Và tôi ngày ngày vẫn lội bộ đi tiếp cận. Báo chí viết về tôi để khen ngợi động viên cũng nhiều. Rồi các bạn trong nhóm góp tiền mua xe đạp để tôi đi làm. Sự quan tâm của bạn bè dần dần đã làm thay đổi con người tôi.

Năm 1995, Phước Vinh, phóng viên Báo Thanh Niên, có bài viết về tôi. Bài báo đăng lên, Vinh tặng tôi chiếc đồng hồ đeo tay và dặn: “Cần gì, chị cứ nói. Em sẽ tìm cách giúp chị”. Tôi trả lời không chút đắn đo: “Chị cần tiền trang trải nợ nần. Vì trước đây, khi còn cuộc sống bán thân, chị thiếu nợ nhiều lắm. Lương tháng của chị hiện giờ ba, bốn trăm ngàn một tháng, không đủ sống làm sao có dư để trả nợ?”. Nghe tôi nói vậy, Phước Vinh hứa sẽ tìm cách giúp tôi, được bao nhiêu đỡ bấy nhiêu.

Vinh về rồi, tôi cũng quên đi chuyện hứa hẹn. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là câu nói cho vui lòng nhau trong lúc trò chuyện mà thôi. Nhưng thật bất ngờ, một tháng sau, Vinh gọi điện thoại bảo tôi qua tòa soạn nhận tiền. Tôi hoang mang, vừa mừng vừa lo không biết tiền gì, nhiều hay ít, ai cho. Vừa đi vừa suy nghĩ mà đến tòa soạn lúc nào không hay. Vinh hướng dẫn tôi vào phòng tài vụ ký nhận số tiền hai triệu đồng. Số tiền quá lớn đối với tôi! Bước ra khỏi phòng tài vụ, người tôi hồi hộp kỳ lạ. Tôi suy nghĩ và tính toán nên sử dụng số tiền đang có như thế nào. Tính mua cái này, sắm cái kia… Nhưng lại nghĩ, tiền người ta cho mình, mình phải làm điều gì đó cho đúng nghĩa. Tôi nghĩ đến nhức đầu. Thôi thì đem về khoe với mọi người đã rồi tính sau.

Tôi đem tiền về khoe với tất cả anh chị em trong văn phòng để cùng chia sẻ niềm vui với tôi. Bình nói: “Chị có tiền rồi, chị nên mua chiếc xe đạp tốt tốt một chút để đi công tác cho đỡ mệt”. Nhưng lúc đó tôi lại nghĩ đến các chị còn đang sống ở ngoài đường. Tôi nhớ trong lúc trò chuyện, các chị từng ao ước có được cuộc sống bình thường như tôi bây giờ, ao ước có nơi chốn để đi về. Tôi đem những ao ước ấy ra bàn với các bạn. Tôi muốn làm thể nghiệm “Nhà giúp, tự giúp” để các chị có thể thay đổi cuộc sống. Nghe tôi bàn, các bạn trong văn phòng đều tán thành. Riêng sếp tôi thì không đồng ý vì cho rằng tôi không đủ khả năng làm việc ấy. Anh còn nói: “Số tiền hai triệu này không đủ để giúp các chị bỏ nghề mại dâm được. Chị cứ sung vào quĩ của chương trình cho tôi”. Không thể tin được sếp của tôi lại nói ra những lời này, tôi phản ứng: “Đây là tiền người ta cho riêng tôi, tôi có quyền sử dụng theo mục đích của tôi”. Hai bên tranh cãi. Sếp nói rằng số tiền hai triệu đó là của thiên hạ cho chớ không phải do chị làm ra. Nếu như chị không làm việc với văn phòng, chắc gì người ta cho chị. Tức giận, tôi trả lời ngay: “Đúng là tiền người ta cho. Nhưng nếu tôi không chịu sống tốt, không chịu thay đổi thì dù có làm việc với tổng thống chăng nữa, tôi vẫn bị đi tù như thường chớ đừng nói là làm việc cho ai”. Cuối cùng sếp nói: “Nếu chị quyết tâm làm ‘Nhà giúp, tự giúp’ gì đó thì chị cứ làm. Nhưng chị không được sử dụng giờ hành chánh. Chị phải đảm bảo giờ giấc, lịch tiếp cận không được đình trệ”. Tôi không sợ vì tôi nghĩ tôi làm đúng. Anh còn lệnh cho tôi đi khảo sát ban đêm ở khu vực bến xe xa cảng miền Tây, tôi vẫn không từ nan dù tôi phải thức ba đêm trà trộn để nắm bắt mọi hoạt động của các chị tại khu vực này. Mỗi lần khảo sát như vậy, không riêng gì tôi, mọi nhân viên đều phải có báo cáo kết quả khảo sát nộp cho sếp. Bản báo cáo phải nêu đầy đủ tình hình hoạt động của các chị, những người dân bình thường có liên quan đến các chị, tại khu vực các chị đang sống và hoạt động.

Tôi thừa biết anh Vân  buộc tôi đi làm những buổi khảo sát như vậy để tôi mệt mỏi mà bỏ cuộc trong kế hoạch “Nhà giúp, tự giúp”. Nhưng tôi đã quyết tâm làm, với sự góp ý của Sơn và các bạn. Tôi tìm thuê nhà, căn nhà nằm bên cạnh Hội Chữ thập đỏ Quận Tư với giá 500.000 đồng một tháng. Tôi thuê ba tháng liền. Tiền còn lại, tôi mua thực phẩm dự trữ như, gạo, mắm, muối, bột ngọt, đường… dành cho thời gian đầu khi các chị làm chưa ra sản phẩm. Tôi giúp cho bảy chị thật sự muốn trở về cuộc sống đời thường như tôi. Trong số đó, có người là bạn rất thân với tôi, đó là Thạch Ngọc Mai, tức Mai “đen”, cũng là dân nghiện ma túy như tôi trước đây.

Mai “đen” làm tổ trưởng trong nhà. Tôi xin cho bảy chị đi cắt củ kiệu xuất khẩu ở vựa kiệu anh Lực ở chợ Cầu Muối. Thời gian đầu, do các chị chưa quen, nên sản phẩm làm ra rất ít. Mỗi chị vừa cắt vừa rửa chưa tới chục ký. Mỗi ký thành phẩm chỉ được bốn trăm đồng. Sợ các chị nản lòng, nên ngoài giờ đi tiếp cận tôi lại ghé vào vựa kiệu vừa phụ cắt vừa kể chuyện vui cho các chị vơi bớt mệt mỏi. Tôi liên hệ với chị Kim Hải, người quản lý nhóm đồng đẳng Quận Tư. Tôi xin chị cho phép nhóm đồng đẳng nếu có thời gian hãy đến nhà và cùng sinh hoạt để hỗ trợ các chị về mặt tinh thần. Chị Kim Hải rất tốt. Mỗi tối, chị đưa nhóm đồng đẳng đến “Nhà giúp, tự giúp” để thăm và cùng sinh hoạt với các chị trong nhà. Chị Hải còn giúp các chị gạo ăn. “Nhà giúp, tự giúp” từ đó vang tiếng cười. Công việc của các chị ngày càng tiến bộ. Những đôi tay bắt đầu cắt kiệu nhanh hơn. Kết quả ban đầu ấy làm tôi phấn chấn và tôi tin rằng các chị sẽ sống tốt được.

Thấy được kết quả ban đầu này, anh Hùng trưởng nhóm Thảo Đàn và Tuấn Huy đưa Cha Phụng với chị Thủy đến thăm các chị tại nơi cắt kiệu, rồi thăm nơi các chị ở. Thấy nhà cửa ẩm thấp, đồ đạc sơ sài, Cha hỏi tôi cần gì thì Cha sẽ giúp. Tôi nghĩ nên để cho các chị tập dần cách sống tự lực vẫn hơn, nên tôi nói với Cha Phụng: “Con muốn để các chị làm quen với công việc lao động, tự kiếm ra đồng tiền bằng sức lao động của mình. Khi nào thật cần thiết con sẽ xin Cha giúp đỡ”.

Sáu tháng sau, các chị đã quen với công việc. Trung bình mỗi ngày, một người có thu nhập từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng. Các chị tự hùn tiền để đóng tiền nhà. Thỉnh thoảng, tôi ghé qua nhà để cùng sinh hoạt, chia sẻ, động viên các chị. Tôi rất vui vì ngày Tết các chị rảnh rỗi ra chợ bán thêm dưa hấu kiếm ít tiền lời. Các chị cũng không quên làm dưa kiệu đem tới chương trình biếu cho tôi làm quà Tết. Thôi thì đủ các loại, mỗi chị một món, ăn làm sao hết. Tôi chia lại cho các bạn trong chương trình những món quà hạnh phúc ấy. Tôi tự nguyện hy sinh số tiền mà Phước Vinh đã xin cho tôi, và số tiền ấy giờ đây đã được đền bù dù nhỏ nhoi ở bước đầu thể nghiệm, nhưng cũng làm cho tôi vui mừng. Tôi lại tìm cách giúp đỡ những chị em khác còn đang sống trong cảnh tối tăm. Anh Vân thấy được kết quả mà tôi đã giúp các chị, anh  bảo tôi làm báo cáo lượng giá gửi cho anh, tôi không chịu làm vì anh không hề giúp đỡ gì cho “Nhà giúp, tự giúp”, dù chỉ là tiếng nói.

Trong bảy chị mà tôi đang giúp thì có chị Hoàng bỏ cuộc. Chị còn mượn xe đạp của chủ vựa rồi bỏ đi luôn, tôi phải đền để giữ uy tín cho cả nhóm. Cũng may là chủ vựa đã được tôi thông tin về các chị trước khi tôi nhờ họ giúp đỡ nên cũng thông cảm. Chị Hoàng bỏ đi, tôi vẫn không nản lòng. Tôi tìm người khác thế vào chỗ của chị. Lần lượt các chị rồi cũng có gia đình riêng. Mai “đen” cũng bước thêm bước nữa. Hai vợ chồng Mai thuê nhà ở khu Cầu Đỏ làm tổ ấm, tôi cũng hay đến chơi. Còn hai đứa con riêng của Mai thì sống ở mái ấm Quận Tám và mái ấm Thanh Xuân. Nhìn Mai hạnh phúc, tôi cũng tạm yên lòng cho bạn mình.

   Ngày lại ngày, tôi vẫn rong ruổi trên khắp đường phố, vẫn đến các tụ điểm mại dâm, ma túy để truyền thông phòng lây nhiễm HIV/AIDS, tiếp tục tạo mối quan hệ để giúp các chị chữa những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Có vào tận hang ổ để tiếp cận mới thấy được mặt trái của các chủ động. Tôi thường gặp các bé gái 14, 15 tuổi bị dụ dỗ từ quê lên thành phố để làm gái mại dâm. Các em sợ hãi khi bị buộc phải tiếp khách. Nhưng các em không chịu tiếp khách là lập tức bị ma cô đánh đập ngay. Còn nếu tìm cách trốn đi, lỡ bị bắt trở lại thì còn thê thảm hơn. Tôi tiếp cận và chứng kiến cảnh đánh đập ở các ổ mại dâm trá hình này. Bức xúc, trăn trở, tôi lại cố gắng tìm đủ mọi cách để giúp các em trốn khỏi động, tìm cách đưa các em về với gia đình. Tiền ở đâu ra để mua vé xe đò giúp các em, trong khi lương tháng của tôi chỉ có vài trăm ngàn? Tôi còn không đủ sống, lấy đâu dư để giúp các em? Mặt dày mày dạn, tôi lại đi xin tiền, lúc thì xin bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lúc thì bác sĩ Trần Thịnh. Nói tóm lại, tất cả bạn bè, ân nhân thân hữu đã từng giúp đỡ tôi, tôi đều xin. Xin để có tiền giúp các em về quê an toàn.

Tiếng tốt ở đâu không nghe, chỉ thấy lời toàn lời đồn xấu: “Bà Tâm làm bộ sống tốt, làm bộ giúp vài con bé ra khỏi động, chỉ là cái cớ để xin tiền xài. Chớ ai đời nghèo rớt mồng tơi, nhà cửa không có, đến chiếc xe đạp cà tàng còn không có để đi làm, mà xin được tiền lại đem cho người khác? Bả làm như bả là dân nhà lành thứ thiệt. Gốc bả là mại dâm, xì ke, ai mà không biết? Còn làm bộ ta đây là người tốt 366f ”. Thực tình mà nói, khi nghe những lời bàn ra tán vào đó, tôi buồn lắm. Bởi vì họ đều là những người mà tôi kéo ra khỏi động mại dâm để đi làm tuyên truyền viên như tôi.

Chán nản, tôi lén mua hàng về chơi lại. Tôi xin nghỉ bệnh vài hôm. Không một ai trong chương trình biết tôi chích lại. Tôi nghĩ mình có sống tốt thì cũng bị nghi ngờ, bị gièm pha. Tâm trạng tôi bất ổn, những suy nghĩ tiêu cực làm tôi đau đầu. Có cố gắng đến đâu, rồi một ngày nào đó tôi vẫn bị vứt ra đường, “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”. Nhưng tôi rất sợ cảnh đứng đường với con mắt láo liên ngó chừng công an. Nghĩ đến điều này, tôi lại cố gắng vươn lên, cố gắng dành dụm chút tiền để phòng thân. Nhưng khi có được chút tiền, gặp các chị trong hoàn cảnh khó khăn, các chị muốn thay đổi cuộc sống, tôi lại lấy tiền ra giúp vốn cho các chị bán tiêu hành, tỏi.

Hoàn vốn bằng cách nào đây, khi các chị bưng cái mâm tỏi ớt đi bán dạo trong chợ, tiền lời còn không đủ ăn lấy đâu có dư để trả cho tôi? Không nỡ đòi lại, tôi đành nín thinh. Hết chị Nương, bé Tám, chị Huệ, Lan lai, rồi đến các chị khác mượn tiền làm vốn để thay đổi cuộc sống. Nhẩm tính lại, tôi cũng giúp được tám, chín chục người thay đổi cuộc sống. Rốt cuộc tôi chẳng dư xu nào để phòng thân. Bù lại tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ phía bạn bè mới, tôi được Giang Tú, Thủy Cúc và nhiều người khác hỗ trợ từ vật chất đến tinh thần. Nhưng tôi lại đem số tiền mà bạn bè ân nhân giúp đỡ đó chia sẻ cho các chị, với mong muốn các chị có thể thay đổi cuộc sống như tôi. Cứ thế, tôi lấy râu ông này cắm cằm bà nọ. Tuy các chị mà tôi giúp bằng số tiền chia sẻ ấy không là bao, nhưng họ cũng yên tâm sống tốt, không còn phập phồng lo sợ mỗi khi có chiến dịch truy quét. Chỉ cần cái mẹt nhỏ bán hành, tỏi, ớt, nhưng các chị vẫn yên tâm hơn, không còn lo bị đói khi không có “khách”… Còn về phần tôi, mỗi khi kiệt sức tôi đều có các bạn, gặp khó khăn trong cuộc sống cũng có các bạn. Tôi không còn sợ đói nữa. Không còn sợ cô độc vì quanh tôi luôn có bạn bè tốt quan tâm giúp đỡ để tôi được tồn tại, để tôi có thể tiếp tục giúp đỡ các chị em khác thay đổi cuộc sống.

Từ khi tôi trở lại đời sống bình thường, tôi được tiếp xúc với những người có địa vị trong xã hội, tôi được đón nhận sự, được đối xử công bằng như bao người phụ nữ bình thường khác. Tôi bắt đầu thay đổi cách nghĩ và tự tin vào chính mình, nhất là khi tôi được cô Nguyễn Thị Oanh và cô Minh Phước tạo điều kiện cho tôi đứng trong lớp học của trường đại học Mở - Bán công để tôi chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận cho các anh chị sinh viên. Nhớ lại lần đầu bước vào lớp học, các anh chị sinh viên gọi tôi là “cô giáo”, tôi thật xấu hổ. Tôi phải đính chính tôi là ai, đến đây để làm gì. Tôi bắt đầu nói những kinh nghiệm tiếp cận và cho cả lớp biết về quá khứ cũng như hiện tại của mình. Tôi làm như vậy với mong muốn tạo sự đồng cảm đối với những con người hiện còn đang sống bên lề xã hội. Tôi mong các anh chị sinh viên hãy tìm cách tiếp cận và giúp đỡ những người họ. Cuối buổi chia sẻ, tôi được nhà trường tặng bao thơ với số tiền bằng các giảng viên sau mỗi buổi đứng lớp. Tôi run run cầm số tiền ấy. Ở lớp học về, các bạn trong văn phòng đều trêu tôi, nhất là Bình cứ gọi tôi là “giảng viên bất đắc dĩ”.

Qua vài lần như thế, tôi lại có thêm nhiều bạn mới, có thêm nhiều anh chị làm việc ở các cơ quan ban ngành tìm cách giúp đỡ tôi. Vậy là tôi càng yên tâm sống tốt hơn, tự tin hơn. Niềm tin về xã hội quanh tôi ngày càng mạnh mẽ hơn khi tôi được anh Dương Thành Truyền bên Thành Đoàn động viên tôi một cách chân thành như một người bạn. Lục Di, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội Thành Đoàn xem tôi như người bạn… Chính những điều đó càng thúc giục tôi cố gắng sống cho thật tốt.

Tháng 4 năm 1995, tôi được chị Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ Nữ Quận 5 ghi tên để nhận bằng khen gương “Người tốt việc tốt” do Ủy Ban Nhân Dân Quận 5 (gốc của tôi là ở phường 1, Q.5), tiếp đó là bằng khen của Ủy ban Nhân dân TP.HCM tặng về gương “Người tốt việc tốt” trong công tác phòng lây nhiễm HIV/AIDS. Các báo đài nói về tôi cũng khá nhiều, kể cả trong nước lẫn nước ngoài. Tôi không hề giấu quá khứ của mình. Các bạn phóng viên viết về sự thay đổi cuộc sống của tôi, viết về những kết quả mà tôi đã làm được sau khi các bạn ấy đi tiếp cận thực tế với tôi.

Hạnh phúc lại quay lưng

Cũng trong thời gian này, tôi quen anh Hiển, thành viên nhóm du ca - nhóm nhạc truyền thông HIV/AIDS do anh Vân sáng lập. Chúng tôi cùng hoàn cảnh nên dễ cảm thông nhau và đi đến tình yêu. Thấy tôi sống nhờ ở văn phòng hoài cũng bất tiện, anh Hiển ngỏ ý làm đám cưới với tôi. Tôi đem chuyện cưới hỏi bàn bạc với các bạn trong chương trình và xin ý kiến anh Vân. Mọi người đều đồng tình và mong tôi có được một hạnh phúc trọn vẹn, dù muộn màng. Thế là chúng tôi chuẩn bị tổ chức đám cưới. Các bạn trong chương trình và anh Vân bàn tính lo toan mọi thứ. Anh Vân lo việc khách mời, Dũng lo thuê mặt bằng, Bình lo đặt tiệc… Nhìn mọi người nhộn nhịp lo toan, tôi bồi hồi xúc động. Giang Tú in thiệp mời với mẫu mới nhất cho tôi.

Tôi và anh Hiển đều không nhận được sự tài trợ nào từ phía gia đình, cũng không có đồng xu dính túi, tất cả đều do chương trình góp sức giúp đỡ. Một đám cưới có một không hai. Khách mời đủ mọi tầng lớp trong xã hội, từ tiến sĩ, giám đốc, bác sĩ, phóng viên báo đài đến chủ chứa mại dâm, chủ động chích, trẻ đánh giày, các bạn đồng tính… Mọi người đều đến chia vui, đóng góp để tôi có được một đám cưới linh đình, một đám cưới chỉ hát toàn nhạc truyền thông si đa. Đám cưới của tôi lớn không thua gì đám cưới những người có tiền của. Tan tiệc, khách khứa ra về hết, anh em trong văn phòng xúm lại hối tôi mở bao thư đếm xem được bao nhiêu tiền, quà. Sau khi đếm tiền và trả tiền cho người nấu ăn, đãi tiệc, chúng tôi còn dư ba triệu. Các bạn la lên: “Lời rồi! Chị Tâm có vốn rồi!”. Nhiều người quanh đó cũng nhìn chúng tôi mà cười.

Về nhà chồng được ba tháng, tôi phát hiện anh Hiển còn có người đàn bà khác. Tôi không đồng ý nên đòi chia tay. Bình và Thanh bảo tôi, ai đời mới cưới nhau có ba tháng mà đòi bỏ chồng, mọi người sẽ nghĩ sao về tôi. Tôi nghe lời các bạn, cố gắng tiếp tục ở lại nhà chồng và khuyên can anh Hiển, nhưng anh vẫn không thay đổi. Anh vẫn tiếp tục quan hệ với người đàn bà kia. Tôi đem chuyện của anh ra méc với mẹ chồng thì bà bảo tôi nên thông cảm và chấp nhận cho anh. Nhưng tôi không thể chấp nhận chuyện chồng chung. Khi nghe gia đình anh bảo tôi cho người phụ nữ của anh về sống chung nhà, tôi đã tự động rút lui, rời khỏi nhà anh để cho mẹ chồng không phải khó xử vì một lúc có hai người con dâu sống chung với con trai của bà. Mặc dù mẹ anh nói là xem tôi như là con gái nếu như tôi vẫn ở lại nhà, nhưng tôi thì nhất định chia tay để anh được tự do. Tôi dọn đồ đi nơi khác. Sau hai năm làm vợ, làm dâu, hạnh phúc quay lưng với tôi. Cũng trong năm này (1997), nhóm truyền thông phòng lây nhiễm HIV/AIDS giải tán vì hết dự án. Tôi được lãnh trợ cấp 10 triệu đồng tiền thâm niên. Đây là gia tài lớn nhất trong đời tôi kể từ khi tôi được trở lại làm người. Tôi đem số tiền đó trang trải nợ nần quá khứ. Hết phân nửa. Phân nửa còn lại tôi đem cho Mai “đen” mượn làm vốn buôn bán nuôi hai đứa con vì người chồng sau của Mai rất khó chịu, vợ chồng cứ cắng đắng nhau hoài chuyện con anh con tôi. Từ khi có số tiền của tôi, vợ chồng nó mới hết cãi vã. Tôi sợ bạn tôi vì không có tiền nuôi con cũng có thể “ngựa quen đường cũ”. Mỗi tuần tôi đều ghé thăm và để kịp thời giúp nó làm ăn. Khoảng thời gian một tháng tôi không đến vì bận học lớp kỹ năng chăm sóc người nhiễm, sơ cấp cứu, băng bó vết thương do nhóm bác sĩ Canada hướng dẫn. Hết khóa học tôi ghé thăm Mai, mới hay thời gian tôi đi học cũng đúng là lúc nó xảy ra chuyện.

Trong lúc vắng tôi, chồng sau của Mai lấy số tiền tôi cho mượn đi mua ma túy về bán. Mai sợ tôi hỏi đột xuất không có thì khó ăn nói nên lời qua tiếng lại với chồng. Sẵn bản tính giang hồ, anh ta đánh vợ không chút nương tay. Mai “đen” cũng chẳng vừa, xuống bếp lấy dao Thái Lan đâm chồng một nhát thấu tim, chết ngay tại chỗ. Mai đi tự thú rồi vào trại giam Chí Hòa. Cũng vì tiền mà Mai phải đi tù với tội danh “Giết người”. Ở đây được sáu tháng, Mai phát bệnh rồi chết vì AIDS giai đoạn cuối.

Vốn liếng của tôi bay theo luôn. Đòi ai đây? Hai đứa con của Mai khóc: “Dì Tâm lấy đồ của mẹ con đem bán để trừ bớt nợ mẹ đã thiếu dì”. Tôi không đồng ý lời đề nghị của bé Thảo. Tôi khuyên bọn trẻ bán tất cả tủ, giường, bàn ghế đi để lấy tiền làm vốn mua xe thuốc lá về bán ở góc đường, rồi hai chị em đùm bọc nhau mà sống. Tôi nói: “Bé Thảo là chị lớn, con phải thay mẹ nuôi em. Bán tất cả những đồ dùng không cần thiết lấy tiền mà làm vốn đi. Dì không lấy thứ gì của hai đứa con đâu”. Nhưng một người xưng là dì thứ tám của bé Thảo đã đến và dọn mọi thứ trong nhà Mai đem về, nói là nuôi hai cháu thay chị. Tôi đinh ninh Tám là dì ruột của hai đứa trẻ, chắc không đến nỗi bỏ rơi cháu mình. Như vậy tôi cũng yên tâm phần nào. Vài tháng sau, tôi ghé nhà Tám thăm hai đứa trẻ, mới hay bọn trẻ đã nghiện ma túy như bố mẹ chúng và bỏ nhà đi lang thang. Sau này, chúng cũng bị nhiễm HIV do xài chung kim chích. Tôi đi tìm bọn trẻ nhưng không cách nào gặp được.

Vốn liếng đưa cho Mai “đen” không còn. Việc làm cũng không. Tôi về tá túc mấy đứa cháu gái ở Gò Vấp. Tôi vẫn đi làm công việc tiếp cận thường ngày. Không còn văn phòng để ghé về, không còn chờ tới tháng lãnh lương. Tất cả bỗng dưng mất hết. Nhóm đồng đẳng rơi rớt từ từ, có người đã chết vì AIDS, có người nghiện ma túy trở lại. Còn nhóm du ca thì tham gia bên trung tâm công tác xã hội của Liên đoàn Lao động thành phố. Tôi cũng được chị Hồng Tuyến - Giám đốc của trung tâm cho làm cộng tác viên với nhóm du ca. Chị Hồng Tuyến và chị Bạch Huệ - báo cáo viên luôn yêu thương và giúp đỡ nhóm. Tôi cũng tạm no lòng với tiền bồi dưỡng cho những buổi đi truyền thông. Thời điểm này, các anh chị như bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Trần Thịnh, Thủy Cúc - phóng viên báo Tuổi Trẻ, Giang Tú và nhiều bạn khác, cưu mang giúp đỡ tôi từ vật chất đến tinh thần để tôi có thể sống và tồn tại. Một năm trời dài đằng đẵng. Có khi đi tiếp cận quá đói, tôi cũng ghé qua chương trình Thảo Đàn ăn cơm chực của các bạn giáo dục viên.

 

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/73903


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận