Tôi thận trọng bật nút điện. Chiếc xe xì lên theo kiểu một gã đểu cáng quen cợt nhả người khác rồi lại đứng yên bất động.
- Chó chết thật! Nó định giở cái trò gì thế này? Mẹ cha cái quân phản chủ. - Phan nóng nảy đá mạnh vào bánh xe rồi ngồi bệt xuống đất, thở phì phì.
Trời bắt đầu lắc rắc mưa. Hơi lạnh tanh tao xộc vào buồng lái báo hiệu quanh đấy có một cái hồ nước lớn hoặc đại loại như thế. Còn cụ thể vùng báo hiệu có nước ấy nằm ở hướng nào thì tôi cũng chịu bởi vì xung quanh bây giờ chỉ là một thứ màu trời, màu đất nhờ nhờ, dễ khiến cho người ta cái cảm giác đang bị quáng gà.
- Vào xe đi không mưa mày! - Tôi giục Phan - Từ từ rồi tính. Kiểu này rồi còn mưa hết đêm mất thôi.
Phan tiếp tục cằn nhằn điều gì đó nghe không rõ rồi uể oải trở lại buồng lái, rút điếu thuốc lá nhàu nhĩ từ trong chiếc túi vải màu nâu xin xỉn - vẫn vứt lay lắt trên ghế - lật bật châm lửa. Khói thuốc khét lẹt khiến kẻ không ưa thuốc lá như tôi càng thấy khó chịu. Vì chuyện này mà không ít lần thằng Phan dè bỉu tôi là thằng đàn ông hãm tài. Thực ra thì nó rất thương tôi. Nó từng cùng tôi thức suốt đêm bên giường bệnh của cha tôi vào cái ngày ông từ giã cõi đời. Chứng bệnh ung thư phổi do đốt quá nhiều thuốc lá đã đưa ông đi khi tuổi mới gần sáu mươi...
Hai thằng nhẫn nại ngồi nhìn mưa, chẳng ai buồn nói câu nào. Chuyến nhận hàng lần này quả là mệt mỏi. Xe chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia như chó hoang đói ăn, còn lão chủ hàng - có khuôn mặt bều bệu như cái bánh bao hỏng - thì đột nhiên giở quẻ, tìm mọi cách trì hoãn.
“Thằng cha này bán cái rồi. Đồ chó!” - Sau một bữa nhậu say xỉn ngoài quán, Phan vệu vọ trở về, thông báo cho tôi cái tin ấy. - “Tao phải xin nó tí tiết. Chắc gì thằng chó ấy đã phọt ra được lưng bát máu, đủ súc miệng tao!”
Ngẫm cho cùng thì cũng tại mình ngu. Ngu thì chết chứ kêu ca ai. Đâm đầu đi làm ăn buôn bán, cứ như cướp ngay được tiền của thiên hạ. Hợp đồng ký miệng bên bàn nhậu, bây giờ giết người ra mà áp chảo à? Bàn đi tính lại, cuối cùng chúng tôi quyết định đánh xe về không. Mọi việc ân oán sẽ thanh toán sau. Ông trời chẳng thể phụ kẻ khốn khó mãi được.
Đi mới được hơn hai trăm cây số lại đến lượt “con ngựa già” này giở quẻ. Chẳng tìm được lỗi máy móc, xăng nhớt gì, nhưng cứ như ma ám vậy - nó phì phì mấy chặp rồi khựng lại, không chịu đi tiếp. Mà kẹt lại ở cái xứ đồng rừng, cả ngày không có một bóng xe chạy qua, đến cả tiếng chó gà cũng vắng; biết đợi đến bao giờ mới có được người đến giúp? Mọi sự liên lạc đều bị cắt, tiền nong trong túi cũng chẳng còn bao nhiêu. Quả đúng là khi vận đen đến thì động làm cái gì cũng xúi quẩy.
Càng nghĩ càng nản, tôi mệt mỏi nằm vắt chân lên cửa buồng lái, lơ mơ ngủ. Ghế bên thằng Phan cũng im lặng, lơ đễnh nhả khói thuốc ra ngoài trời mờ mịt.
Tôi không nhớ mình đã ngủ được bao nhiêu lâu nhưng sự việc mà vì nó khiến tôi phải tỉnh giấc thì không thể nào quên được. Đầu tiên tôi thấy chân mình như có ai cào cào vào. Sau đó thì bị chí một cái rất đau khiến tôi giật thót người, phải bật dậy như một phản xạ.
Cha mẹ ơi, tôi có mơ hay không đây? Trước mặt tôi là một người phụ nữ gần như lõa lồ với mái tóc dài, rối, lết bết vì dính mưa, buông xõa đến tận đầu gối - tác giả của cú véo không mấy thiện ý, đang trân trân nhìn vào buồng lái. Một cái nhìn không đáy, lóe lên, sáng rực trong ánh chớp xanh lét của cơn mưa rừng dai dẳng. Thấy tôi đã thức dậy, cô ta vội lùi ra xa và mỉm cười, nụ cười nhệu nhạo như thăn mỡ đông nằm lay lắt cuối phản thịt. Và trong khi tôi đang lặng người đi vì bất ngờ thì cô ta đột nhiên cười phá lên, tiếng cười khanh khách, chạm vào nhau như những mảnh thủy tinh vỡ. Da gà trên tay tôi nổi ran lên. Tiếng cười lạ lùng ấy túm được cổ thằng Phan, dựng dậy. Cũng như tôi, nó lặng đi, những hơi thở lạnh toát phả sang gáy tôi phợt phạc.
Trong khi chúng tôi vẫn còn bàng hoàng thì người con gái kỳ lạ nọ biến mất, cứ như thể cô ta vừa biến thành con giun và dũi mình xuống lớp lá cây nhem nhép nước dưới đất.
- Mẹ kiếp, lại gì nữa thế này? - Thằng Phan hỏi tôi bằng cái giọng hơi run - Tự nhiên lại mắc kẹt vào chỗ chó chết nào thế này nhỉ?
Vừa nói nó vừa luống cuống tìm thuốc lá trong chiếc túi vải hôi rình.
Phải lúc khác tôi đã tỏ ra khó chịu vì cái việc nó cứ luôn mồm chửi “chó chết” với lại “mẹ kiếp” - nhưng lúc này, tôi không còn đầu óc đâu để hoạnh họe ba cái thứ vặt vãnh ấy nữa. Tôi lục tìm mẩu nến nằm lẫn trong đống băng nhạc sướt mướt do chính thằng Phan cất công “sưu tập”, hối hả thắp lên. Bật đến năm lần bảy lượt, ngọn lửa mới ăn vào lõi nến, nhập nhoạng sáng.
Khác với suy đoán của tôi, mưa không kéo dài suốt đêm mà ngớt dần rồi tạnh hẳn. Trời đêm nhờn nhợt bằng một thứ ánh sáng rất khó tả. Tiếng côn trùng sà sã bên cạnh cửa xe. Những con muỗi đói không còn biết kiêng nể ai, nhè thẳng vào mặt, vào người chúng tôi mà lao tới.
- Có lẽ phải tìm một cái nhà nào gần đây mà vào nghỉ ngơi chứ cứ thế này thì không ổn. - Tôi bàn với Phan. Quả thực là tôi thấy hơi lạnh gáy khi ban đêm hai thằng trậc lấc ở một nơi hoang vu, không biết sẽ còn bất trắc gì xảy ra nữa.
Phan chẳng tỏ ra đồng tình hay phản đối. Nó đã moi bao thuốc bẹp rúm ra, nặn được một điếu cuối cùng và ngồi rít hối hả. Những vòng khói đặc sệt, bất ổn, thi nhau đùn ra.
Thực ra cũng không khó khăn lắm chúng tôi đã mò ra được một khu nhà tập thể cấp bốn đã xuống cấp, chạy dài, nằm quay mặt ra phía hồ nước (quả đúng là một cái hồ nước lớn như tôi phán đoán), lưng tựa vào những bụi cây lúp xúp, có mùi hăng hắc. Vui mừng vì tìm được người ở nơi vắng vẻ này, chúng tôi hối hả đi tới căn phòng đầu hồi, phòng duy nhất còn sáng đèn và thận trọng gõ cửa. Một người phụ nữ lớn tuổi ra mở cửa cho chúng tôi, khuôn mặt chẳng lấy làm ngạc nhiên hay tỏ ra khó chịu vì việc bị người khác quấy rầy vào lúc tối khuya như thế này. Người phụ nữ có vẻ đẹp đôn hậu và thái độ nhã nhặn. Ấn tượng nhất ở bà ta có lẽ là mái tóc trắng xóa, buông xõa đến thắt lưng, mặc dù khuôn mặt bà ta chưa thật già như mái tóc khai báo. Nhưng thực sự gây chú ý cho tôi lại là một con mèo trắng toát, đeo dây chuyền bạc quanh cổ và béo núc ních - béo đến độ trông nó giống như một con mèo lai lợn - ưỡn ẹo bám theo từng bước đi của bà chủ. Tuy nhiên, khác với chủ, con mèo mập ú ngay phút đầu đã nhìn chúng tôi bằng ánh mắt không thiện cảm cho lắm.
Việc trao đổi diễn ra khá chóng vánh. Người phụ nữ tỏ ra là một người tử tế. Bà ta múc cho chúng tôi một thau nước mát từ cái xô sắt để ở góc phòng:
- Để tôi làm chút gì hai cậu ăn tạm. Sau đó hai cậu có thể ngủ trong phòng khách ở cuối dãy. Bây giờ thì hai cậu rửa mặt mũi chân tay, đợi tôi sắp bữa.
Người phụ nữ nói vừa đủ những điều cần thiết và răm rắp làm mọi việc như đã quá quen với điều đó. Bữa ăn đêm của chúng tôi có cơm nguội hâm nóng với cá kho và dưa muối. Giữa lúc chúng tôi ăn thì có tiếng gõ cửa. Bà chủ nhà - và theo sau là con mèo béo - nhẩn nha đi ra, kéo chiếc then cửa bằng sắt khá dài.
- Mẹ. Có khách à? Cho con vào với!
- Mày về phòng đi! Cút về đi!
- Con...
- Về mà ngủ đi. Còn lang thang tao tống cổ đi chỗ khác bây giờ. Thôi về ngủ đi kẻo ốm con.
Cuộc trao đổi tuy nhỏ nhưng âm sắc của nó chuyển từ gay gắt đến vỗ về khiến tôi và Phan đều quay đầu ra, nhìn xem người mới đến là ai. Qua cánh cửa mở hé, tôi nhận ra “người quen”. Đó chính là người con gái kỳ lạ chúng tôi gặp lúc nãy ngoài xe!
Vẫn là bộ váy hoa rách tả tơi khiến cho cơ thể lộ ra quá nửa và bộ tóc xơ xác, xõa dài đến đầu gối. Thấy chúng tôi nhìn, cô ta bật cười khanh khách rồi bỏ đi. Tiếng cười chạy dọc theo hành lang, khiến tôi tự dưng ớn lạnh.
Người đàn bà không một lời giải thích, quay lại ghế bố, nhẩn nha vuốt ve con mèo béo ú. Thậm chí bà ta còn nựng nó bằng cách gọi khá đặc biệt: “Con gái yêu của mẹ”. Con mèo quá béo, khiến cho cái đầu bé xíu lút chụt vào đám lông trắng bờm xờm và đôi mắt húp lại chỉ bằng hai hạt đỗ xanh. Nằm trong lòng bà chủ, thi thoảng con mèo lại liếc nhìn chúng tôi vẻ dò xét. Chúng tôi cố ăn thật nhanh, một phần vì đói, một phần vì muốn sớm chấm dứt việc làm phiền người phụ nữ tốt bụng.
Nhưng cứ cắm đầu mà ăn e không tiện. Tôi cố nghĩ ra một câu hỏi xã giao không quá ngốc nghếch để lấp đi khoảng im lặng trong căn phòng:
- Ở đây bão có hay về không bác?
Người phụ nữ vuốt vuốt bộ lông lờm xờm của con mèo, rồi nhẩn nha:
- Năm nào ở khu vực này mà chẳng có bão lớn. Đất đá từ trên đồi sạt xuống đường. Phải đợi xe đến ủi thì may ra mới đi được. Mà đợi xe ủi đến thì lại có trận mới. Thành ra cánh dọn đường cứ lần chần, đợi làm luôn một thể. Các chú không biết người ta bảo ở đây có dớp à. Vì vậy xe ô tô ít qua đây, nhất là vào mùa này. Sao các chú không rẽ ở dốc trên có phải đỡ vất vả hơn không. Chứ cứ tưởng bớt được vài chục cây số mà tham. Ở đời chẳng tham được đâu. Năm kia cũng có một đoàn ba chiếc xe tải bị kẹt lại đây mất một tuần. Nhưng chưa năm nào bị nặng như trận bão cách đây mười bốn năm. Một chiếc xe khách ba mươi bảy người. Một xe con mười hai chỗ. Thật khủng khiếp. Vậy là mỗi năm phải mất ít nhất một người. Năm nay, ôi dào, cũng chẳng biết thế nào được...
Nhận thấy vẻ căng thẳng và hơi hốt hoảng của chúng tôi, bà chủ nhà chấm dứt câu chuyện bằng cách đứng dậy:
- Thôi hai cậu cứ nhẩn nha mà ăn. Tôi đi dọn phòng cho hai cậu.
Dãy nhà chắc chắn là có nhiều người, bằng cớ là khi bà chủ nhà vừa đi ra, chúng tôi lập tức nghe thấy tiếng thì thào to nhỏ, tiếng sập cửa, tiếng ho hắng của đàn ông, tiếng cười nắc nẻ của đàn bà, tiếng nước chảy ồ ồ, tiếng huýt sáo lanh lảnh... cứ chốc chốc lại dội tới. Nhưng khi chúng tôi theo bà chủ nhà đi dọc hành lang sang phòng khách ở cuối dãy thì mọi vật lại trở nên vắng lặng với vẻ hoang vu và lạnh lẽo, giống như một khu nhà hoang. Mùi rêu ẩm ướt ở các gờ tường gờn gợn trên cánh mũi tôi. Vào đến phòng, tôi bấm Phan lên giường đi ngủ sớm. Nhưng suốt đêm, sự va chạm của các loại âm thanh tiếp tục rộn lên; cộng thêm mùi khăm khẳm của căn phòng để hoang lâu ngày, mùi chăn chiếu “công cộng”, không khí lạnh lẽo như ở nhà xác do căn phòng lâu ngày thiếu hơi người khiến tôi không tài nào nhắm mắt nổi. Tôi cũng nhận thấy sự căng thẳng của Phan. Nó nằm trở mình liên tục và thở dài sườn sượt. Kiểu này là bố trẻ lại nhớ vợ đây.
Vợ Phan chuẩn bị sinh con, vì vậy nó quyết đi một chuyến cuối cùng, kiếm ít tiền giắt lưng rồi ở nhà chăm vợ - chứ cứ cái kiểu đánh đu mãi thế này cũng ớn. Hai vợ chồng Phan đã đợi đứa con đầu lòng gần chục năm nay. Nó mong có con tưởng phát điên lên được. Không hiểu sao, nó luôn tin rằng có đứa con, vợ chồng nó sẽ gặp may mắn, sẽ đổi đời, thoát khỏi cảnh khốn khó. Nhưng mọi việc không hề dễ dàng như nó tưởng...
Có tiếng kêu ré lên như tiếng trẻ con khóc. Lại có tiếng vun vút của một vật dài, mảnh, quất vào không khí. Tiếng của một vật rơi tõm xuống nước. Tiếng mèo kêu chóe lên. Tiếng ho của một người nào đó như muốn khạc nhổ... Tự dưng tôi cảm thấy bồn chồn. Dường như có một cái gì đó bất ổn ở nơi này. Tôi len lén trở dậy, nhòm qua khe cửa sổ. Phải mất một lúc lâu tôi mới quen được với ánh sáng lờ nhờ ngoài sân, nhờ có ánh trăng muộn, nhợt nhạt, run rẩy chiếu xuống nền đất loang loáng những vũng nước nhỏ. Tiếng mà tôi tưởng là trẻ con khóc hóa ra là tiếng của con mèo trắng ục ịch. Nó vặn vẹo thân mình béo núc, đi êm ru trong khoảng sân rộng của dãy nhà tập thể và tru lên khắc khoải. Một người đàn ông gầy gò đột ngột xuất hiện, tay lăm lăm cái que, quất vào không khí, đuổi đằng sau con mèo, điệu bộ tức giận. Con mèo cong người kêu “ngoào ngoào” đầy vẻ oan uổng rồi bì bạch chạy tút vào một đám cây gần đó. Việc xuất hiện thêm người ở khu nhà khiến tôi có phần phấn chấn. Ít ra thì chúng tôi đã có thêm người để nhờ giúp đỡ và mau chóng trở về nhà trong điều kiện nhanh nhất có thể.
Tất cả lại yên tĩnh và tôi sẽ trở về giường nếu không đột nhiên thấy loang loáng những đốm xanh lét di chuyển ngày một gần ở hầu khắp các bụi cây mọc chen lấn quanh khoảng sân nhỏ. Tôi căng mắt ra nhìn, nghĩ rằng đó là phốt pho trắng phát cháy do khí trời hanh khô. Điều này cũng hết sức vô lý vì trời vừa mưa kia mà? Trong lúc tôi còn bối rối suy đoán thì… Trời ơi, mèo! Những con mèo to, trùi trũi như những con hổ con lầm lụi vây xung quanh con mèo trắng. Rồi như có ai thổi một hồi còi ra hiệu, chúng lao vào nhau, vừa kêu gào, vừa cắn xé nhau, nháo nhào thành một đống ngồn ngộn trên mảnh sân nhơm nhớp nước do trận mưa lúc chập tối. Tim tôi thắt lại vì cảnh tượng kinh hoàng vừa diễn ra ngay trước mắt mình. Tuy nhiên chỉ chớp mắt, tất cả biến mất vào trong những khóm cây tối sẫm, để lại mùi dãi mèo nồng nồng trên mảnh sân nhớt nhát.
Tôi đứng đờ người mất một lúc khá lâu, không còn tin vào những gì mình mới trông thấy. Tôi định lay Phan dậy, kể cho nghe câu chuyện kỳ lạ vừa rồi, nhưng khi vừa chạm vào nó, tôi giãy nảy lên như động phải một hòn than. Nó bị sốt trở lại. Chúng tôi không còn một viên thuốc nào trong túi. Lẽ nào lại dựng bà chủ nhà dậy giữa giấc ngủ? Sau một hồi đắn đo, tôi quyết định mở cửa, đi ra ngoài.
Người phụ nữ chưa ngủ. Bà ta vẫn thắp đèn, ngồi nói chuyện với con mèo mập ú. Tôi vội hỏi thuốc cho Phan mà quên không để ý đến chi tiết lạ lùng này. Bởi nếu trận ẩu đả giữa lũ mèo có thật thì tại sao con mèo béo ú vẫn đây, yên ổn trong lòng bà chủ? Thắc mắc ấy vẫn day dứt trong suy nghĩ của tôi, cả về sau này - mà không thể lý giải nổi.
Nhưng khi đó, nhờ có mấy viên thuốc của bà chủ nhà tốt bụng và lưng cháo loãng nấu với mấy thứ lá cây rừng lộn nhộn, cơn sốt của thằng Phan đã dứt. Nó mệt mỏi nằm xuống giường, ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, thằng Phan cuống quýt dựng tôi dậy với vẻ hốt hoảng lộ rõ trên khuôn mặt.
- Mẹ kiếp. Thế quái nào mà chẳng thấy có một ai. Tao ra chỗ cái xe của mình, tự dưng nó đứng lù lù ngay giữa đường có bỏ mẹ không cơ chứ. Chẳng lẽ có ai đẩy nó ra đấy à? Vô lý bỏ mẹ. May mà không bị phá phách cái gì.
Tôi linh cảm thấy điều gì đó bất thường nên theo thằng Phan đi ra ngoài. Khu nhà cấp bốn với năm phòng, hiện lên tiều tụy trong ánh nắng trong veo đầu ngày. Từng mảng tường lở lói, xám xịt bởi nước mưa và rêu xanh kịt. Dương xỉ mọc ngay trên khe nứt của cột nhà. Những cánh cửa xập xệ, cài hờ hững bằng thanh sắt gỉ. Mạng nhện bay phơ phất dọc hành lang. Đúng là không có bóng dáng một ai - ngôi nhà như lâu lắm không có người ở.
Tôi bắc loa gọi to:
- Bác gì ơi! Có ai không? Bác ơi...
Tiếng gọi của tôi tan loãng vào trong không khí.
- Thôi đi mày! - Phan giật tay tôi - Ra chỗ cái xe xem thế nào.
Sau một chặng dài lận đận, “con ngựa già” của chúng tôi trông thật thảm hại. Tôi cũng ngạc nhiên vì không hiểu tại sao “nó” tự đi vào giữa đường cái quan và đứng ì ra, rất chướng mắt. Thằng Phan đã nhảy lên buồng lái, tìm cách khởi động chiếc xe. Động cơ máy nổ ngon lành! Thật không thể tin được!
- Mẹ kiếp! Thế chứ lại! - Phan lẩm bẩm rồi đưa mắt nhìn quanh - Thôi đi đi mày! Tao ớn cái chỗ này lắm rồi.
- Nhưng còn phải chào người ta cái đã chứ?
- Làm chó gì có ai. Tao đi tìm rồi. Mà này, không phải tao với mày gặp ma đấy chứ? - Giọng thằng Phan không được tự tin cho lắm.
- Vớ vẩn. Ma quỷ nào? - Tôi mắng át nó. Trong bụng cũng thấy bồn chồn. - Có khi họ đi làm vắng ở gần đâu đây. Không gặp chào được nhau một câu thì cũng phải gửi lại lời nhắn chứ. Ai lại bỏ đi không nói năng gì thế.
- Thế mày bảo phải làm sao? Buộc lời vào túi chắc? - Thằng Phan sốt ruột - Phắn cho nó nhanh lên. Ở đây đen bỏ mẹ.
Tự nhiên tôi cũng thấy hơi chờn chợn. Giữa xó rừng này, làm gì có ai lại dẫn xác đến để ở? Hành tung thì bí ẩn. Tôi tặc lưỡi: Ừ thì đi!
Chuyến ấy về, vợ Phan sinh được một cậu quý tử nặng ba cân hai. Khỏi nói chúng mừng đến thế nào. Sau đó Phan xin vào làm bảo vệ cho một nhà máy sản xuất giày ở ngoại thành. Cuộc sống dần dần vào nếp. Những chuyến đánh hàng biên giới hãi hùng lùi dần vào dĩ vãng. Thằng Phan cũng không nổi “máu lính”, vác bát đi xin tiết gã chủ đểu nọ. Ngẫm cho cùng, chẳng ai được một cái gì quá nhiều cả. Ở đời có vay ắt phải trả.
Chúng tôi ít gặp nhau hơn vì tôi không trụ lại Hà Nội mà phiêu dạt vào tận Cần Thơ làm ăn.
Câu chuyện có lẽ sẽ dừng lại ở đây và tôi sẽ không bao giờ nhắc đến ngôi nhà hoang nằm quay mặt ra hồ nước với những chủ nhân khá bí ẩn nọ - nếu không có một sự kiện mới xảy ra.
Một lần đánh gạo ra cảng, trong lúc chờ tàu đến, tôi gặng chuyện một tay xế Bắc cũng mới vào đây kiếm sống. Anh ta tên Hoạt, người đen, hơi mập, kém tôi chừng ba tuổi nhưng nói năng rất già dặn. Cùng dân Bắc đi phiêu bạt nên Hoạt khá cởi mở.
Hoạt kể:
- Tôi người Hòa Bình, bỏ nhà đi bụi năm mười hai tuổi, đến năm mười bảy tuổi thì xin vào làm ở một cửa hàng sửa chữa ô tô - xe máy. Học lỏm được nghề lái ô tô, cũng chạy vạy kiếm được cái bằng để kiếm ăn. Có thời gian tôi chạy hàng tuyến Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu - Lào Cai...
Tôi giật mình:
- Sao tôi chưa bao giờ gặp cậu nhỉ? Tôi chạy tuyến đấy cách đây hơn hai năm cùng với một thằng bạn
Hoạt ngạc nhiên:
- Thế à? Anh cất hàng của ai?
- Thì của lão Tào béo. Tuyến ấy Tào béo gần như “bao thầu trọn gói” mà. Sau vì thằng cha chơi bẩn quá nên tôi bỏ luôn. Chạy cũng chỉ được vài tháng. Thấy oải quá. Nhưng mà cánh chạy hàng trên đấy ai mà chẳng biết hai thằng chúng tôi.
Hoạt vỗ vỗ tay vào trán:
- Thế thì lạ thật, lạ thật! Tôi cũng nhận hàng của Tào béo. Sau khi lão bị đâm ngay giữa chợ thì tôi chuyển sang Du đen. Nhưng gã này bị mấy thằng Tàu khựa tẩy chay nên đứt gánh. Vậy là tôi cũng nghỉ luôn.
Tôi sững sờ trước tin Hoạt mới kể, chạnh nghĩ đến Phan. Phan ơi, thế là mày thỏa rồi nhé. Ác giả ác báo mà. Mày không xin tí tiết của thằng đểu ấy về súc miệng thì đứa khác nó cũng làm. Nhưng mà ân ân oán oán gì cho khổ. Bỏ qua cho nhau mà sống lại chẳng tốt hơn sao?
Hoạt chợt “à” lên một tiếng:
- Tôi nhớ ra rồi. Có một đợt tôi bị tai nạn, phải bó bột nên nằm mất mấy tháng. Sau đợt ấy cũng có nghe phong thanh chuyện gã Tào chơi bẩn với ai đó, đâu như dân rằn ri giải ngũ. Hóa ra là các anh à? Tôi còn bảo gã: Đừng động vào tụi ấy, lơ mơ là ăn đạn ngay. Hóa ra là thế. Nếu không vì cái chân này thì biết nhau lâu rồi kia đấy. Hay thật!
Hoạt tỏ vẻ thích thú. Hai cái đuôi mắt tít vào, giật giật liên hồi.
- Thế chân cẳng cậu bị làm sao? - Tôi gặng hỏi Hoạt.
- Ấy dà, số tôi là còn được sống thọ. Xe bị nghiêng ở chỗ dốc cua. Người lăn ra lưng chừng cửa buồng lái nhưng chân bị kẹp lại. Lẽ ra là phải cưa đến đầu gối rồi đấy. May có người đến cứu kịp. Mà anh tưởng tượng được không, giữa đường rừng thế mà vẫn có người, đàn bà con gái mới lạ chứ. Sơ cứu cho tôi xong thì đưa đến bệnh viện. Đâu như có ba người: một bà cụ, một cô nàng khá xinh xắn và một thằng cha gầy như mõ. Lễ mễ vác được tôi đến viện thì đi mất tiêu. Không có thì tôi cũng đi đời nhà ma rồi. Ông bà ông vải để phúc đức lại cho
tôi đấy.
Tự nhiên tôi thấy bị thu hút vào câu chuyện của Hoạt:
- Cậu có kêu không mà họ lại biết có người bị
tai nạn?
- Sức đâu mà kêu. Trời thì nhọ thui nhọ thủi. Đường thì tịnh không có cái xe nào qua lại. Tự nhiên cô nàng tre trẻ lại xuất hiện ngay trước mũi mình. Cô nàng thấy máu nên hãi quá gọi người lại cứu. Thế mới có thêm bà già và thằng cha gầy như mõ kia chứ.
Tôi có cảm giác mình đang lên cơn sốt. Tôi vồ lấy tay Hoạt:
- Thế còn con mèo trắng?
- Sao anh biết có con mèo trắng? Tôi đã kể đâu nhỉ? - Hoạt nhìn vẻ mặt căng thẳng của tôi một cách tò mò - Mãi đến khi về tới nhà của bọn họ tôi mới gặp con mèo. Gớm, con mèo béo khiếp đi được. Nó bị lôi ra khỏi giường để nhường chỗ cho tôi. Bà già gọi nó là “con gái” cơ đấy. - Hoạt bật cười - Cái đồ con gái lười chảy thây ra mới béo núc như thế. Chuột thì chạy rùng rùng dưới gầm giường mà nó thì vẫn ngồi thu lu ở trên ghế, như chờ đòi lại chỗ mà tôi đã chiếm của nó.
- Sau đó thì thế nào? Cậu có gặp lại họ không?
- Không. Cũng có ý đi tìm nhưng hỏi chẳng ai biết. Bẵng đi một thời gian lại bị việc khác chồng lên, thế là quên mất. Tệ qu 492b phải không anh? Hôm nay không ngồi nói chuyện thế này chắc tôi cũng chẳng nhớ đến nữa.
- Thực ra tôi cũng đã gặp họ. - Tôi nhìn sâu vào mặt Hoạt để xem thái độ của anh. Hoạt im lặng chờ tôi nói tiếp. - Tôi hỏi thật nhé, cậu có nghĩ họ là ma không?
- Vớ vẩn thật! - Hoạt phá lên cười - Sao lại là ma? - Hoạt cười như kiểu người bị sặc nước - Các bố lạ thật, gặp người ta tốt thì nghĩ ngay người ta là ma. Lại kiểu đọc truyện trinh thám nhiều chứ gì?
- Nhưng anh xem, giữa rừng núi như thế...
- Vở vẩn! - Hoạt không cười nữa mà tỏ ra hơi bực bội - Tôi không tin. Vớ vẩn. Cần thì chúng ta thử đi kiểm tra xem ai đúng.
Tôi thấy mình bị hút theo nhiệt tình của Hoạt.
Ngày hôm sau, chúng tôi đệ đơn xin nghỉ phép mười lăm ngày để quay ra Bắc. Cả tôi và Hoạt đều không thấy hối hận về quyết định hơi điên rồ của mình.
Cuộc tìm kiếm của chúng tôi có thêm một người - tất nhiên đó là Phan. Thời gian qua, nó vẫn bị ngôi nhà hoang nọ ám ảnh. Vì vậy khi tôi vừa dò ý, nó đã gật
đầu ngay.
Tổng hợp trí nhớ của cả ba thằng, chúng tôi đã nhanh chóng xác định được vị trí gặp nạn. Đó là một cung đường cũ nằm trên tuyến Lai Châu - Lào Cai, bây giờ đã được người ta thay bằng một đoạn đường mới ngắn hơn và ít đường cua tay áo hơn. Đoạn đường bỏ - vì vậy càng trở nên tồi tệ với những ổ voi lở loét.
Chúng tôi quyết định dừng xe ở một điểm mà cả tôi và Phan đều công nhận là rất quen, sau đó chia ba mũi đi tìm. Việc tìm kiếm hóa ra không đến nỗi khó khăn như tôi tưởng. Căn cứ vào hướng có hơi nước, tôi đi thẳng một mạch, không phân vân. Khi tôi đến được khu nhà cũng đã thấy Hoạt và Phan ở đó. Ngôi nhà đóng cửa im ỉm, mạng nhện giăng bạc phếch trên đầu. Hoạt lấy tay gạt mạng nhện và dè dặt kéo then cửa của căn phòng đầu tiên - căn phòng có người đàn bà phúc hậu đã cho chúng tôi bữa cơm tối với món dưa muối và cá kho. Đồ đạc trong phòng vẫn nguyên như khi chúng tôi đến đây, nhưng tất cả đều bị phủ một lớp bụi mốc. Phan đi đến cạnh chiếc bàn nước và chợt reo lên:
- Xem này. Đây chẳng phải là cái túi của tao hay sao? - Nó cầm một nắm vải cũ, đưa lên. Tôi và Hoạt đồng
loạt hắt xì hơi vì đám bụi vừa bị xới tung lên, bay quẩn trong phòng.
Quả đúng là cái túi vải của thằng Phan. Tôi nhớ lại vẻ mặt căng thẳng của nó khi ngồi nặn điếu thuốc cuối cùng trong túi ra, rít lấy rít để, chờ cho cơn mưa tạnh.
Chúng tôi tiếp tục đi kiểm tra các phòng khác, nhưng không tìm kiếm thêm được điều gì.
- Đêm nay chúng ta sẽ ở đây. - Hoạt tuyên bố - Tôi muốn tìm hiểu tất cả những chuyện này.
- Có thể họ đã chuyển đi đâu đó thì sao? - Phan dè dặt nhìn sang tôi như muốn tham khảo ý kiến - Biết đợi họ đến bao giờ?
Tôi còn đang phân vân thì Hoạt đã kiên quyết:
- Tôi nhất định phải ở lại. Tôi đi bụi từ bé, chưa chuyện gì là tôi chưa trải qua. Vì vậy chẳng có gì đáng sợ với tôi nữa.
Tôi gật đầu:
- Thế thì chúng ta cùng ở lại.
Chúng tôi ăn tối bằng bánh mì và thịt hộp trong phòng của người đàn bà tóc trắng rồi thức nói chuyện mãi cho tới sáng. Mọi việc không có gì bất bình thường. Khu nhà yên ắng và chưa xuất hiện bóng dáng một ai. Điều này khiến cả ba đều thấy sốt ruột. Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục tỏa đi các hướng để tìm kiếm những con người tốt bụng dạo nào. Nhưng trong vòng bán kính hai kilomet, chúng tôi không tìm được ai khác để có thể hỏi thăm. Đi xa hơn một chút nữa thì không ai biết tí gì về khu nhà tập thể năm phòng, nằm quay ra hồ nước. Ngày thứ hai tiếp tục trôi qua trong sự chờ đợi và hy vọng. Phan và Hoạt vì có nhấp một chút rượu trong bữa ăn tối nên bỏ đi ngủ sớm. Tôi tắt nến để tiết kiệm rồi kê ghế ra ngoài đầu hồi hóng gió. Gió ràn rạt thổi về từ phía hồ nước. Đêm cuối tháng không trăng. Muỗi nhiều như vãi tấm. Tôi ngồi đập không xuể, đành phải dùng cách lấy dầu cao, bôi vào hai ống chân. Ngồi nghĩ vơ vẩn, tôi thiu thiu ngủ lúc nào không hay.
... Tiếng gầm gừ không to nhưng nghe rin rít, rất chói tai, khiến tôi choàng tỉnh. Nhưng sự kinh sợ đã giữ chặt tôi trên chiếc ghế bị lỏng một chân. Vẫn những con mắt xanh lét di chuyển trên khoảng sân ngập ngụa cỏ và như có một ai vừa ra lệnh - cả đàn mèo cỡ chừng bốn, năm chục con đâm sầm vào nhau, tranh giành vỏ hộp thịt thằng Phan ném đi từ lúc chiều. Cả một đống bầy nhầy mèo đói ăn đang vật lộn ngay trước mắt tôi. Tôi không dám cử động. Thậm chí thở cũng thật khẽ khàng, bởi rất có thể tôi sẽ trở thành con mồi bất đắc dĩ cho lũ mèo hoang kia.
Cũng rất nhanh, lũ mèo rời nhau ra trong tiếng gầm gừ mệt mỏi và tản mát vào các bụi cây gần đó. Tôi bắt gặp lại cảm giác lờm lợm ngày nào - khi mùi dãi mèo xộc lên mũi. Tôi ngồi im chừng hơn chục phút rồi khẽ khàng đi vào phòng, chốt chặt cửa lại, cố dỗ dành cho giấc ngủ mau đến - tự nhủ tất cả những cái vừa xảy ra chỉ là ảo ảnh. Hoạt và Phan vẫn ngáy phì phò ở bên cạnh tôi. Tự nhiên tôi thấy hai đứa bỗng trở nên thật gần gũi với mình.
May mắn đã đến khi sáng hôm sau Phan chạy thể dục và túm được một thằng nhóc đang le cá ở bên hồ. Chúng tôi xúm lại để hỏi han, khiến cho đứa trẻ phát hoảng. Cuối cùng nó đã nhanh trí tìm được lối thoát cho mình: “Cháu không phải người ở đây. Cần gì cứ đến mà hỏi ông cháu. Ông cháu cái gì cũng biết. Nhưng bây giờ thỉnh thoảng lại bị lẫn. Chắc là vẫn hỏi được đấy.”
Thằng bé dẫn chúng tôi đi quá lên phía hồ nước, qua một khu vườn mộ cách đó khá xa. Đi thêm đoạn nữa thì nhìn thấy ngôi nhà gạch, lợp mái tôn, màu vôi đã sạm lại, nằm lút dưới bóng một cây nhãn xum xuê.
- Nhà của ông cháu đấy. Chắc ông cháu đang ngủ. Để cháu vào gọi ông cháu ra. Các chú phải hét thật to vào nhé, không ông không nghe thấy đâu.
Chẳng cần thằng bé phải gào, ông nó đã xuất hiện từ phía vườn quýt - đó là một người chừng bảy mươi tuổi, người mỏng như que đóm, tóc búi gọn sau gáy, đi hơi khập khiễng. Lẽo đẽo theo sau ông già là một con mèo trắng gầy tong teo - đặc biệt là trên cổ con mèo có đeo một sợi dây chuyền bằng bạc! Tôi bàng hoàng ngắm nghía con mèo, cố tìm lại bóng dáng quen thuộc của một con mèo béo múp, thi thoảng liếc nhìn tôi với vẻ cảnh giác dạo nào.
- Có ai chết hả? - Ông già nghiêng người nhìn chúng tôi, hai con mắt đùng đục, hấp háy liên hồi.
- Các chú ấy hỏi thăm ông. - Thằng bé con hét tướng lên, tay khua loạn cả lên, hết chỉ vào chúng tôi rồi chỉ sang ông nó. - Hỏi về cái nhà ở cạnh hồ nước ấy.
- Cái gì? Chết dưới nước hả? Mang lên chưa?
- Không! - Thằng bé lại gào lên - Hỏi thăm cái nhà ở cạnh hồ nước cơ. Ông có biết không?
Ba chúng tôi sốt ruột chờ đợi cuộc trao đổi giữa hai ông cháu thằng bé. Cuối cùng thì ông già cũng vỡ ra được ý định của chúng tôi.
Thực ra ông già cũng không biết gì nhiều lắm bởi từ khi bị ngã gãy chân, ông ít đi sang phía bên ấy. Đó vốn là ngôi nhà của một đội khai thác đá. Sau tai nạn nổ mìn cách đây chừng hai chục năm, tất cả đều không ai sống sót. Khu nhà trở nên hoang phế, không có ai bén mảng đến. Một thời gian sau có một người đàn bà cứng tuổi mang theo một đứa trẻ con đến đó ở. Nghe đâu như bà ta chửa hoang nên bị gia đình đuổi đi. Đứa trẻ cũng không giữ được vì bị nhiễm trùng rốn. Sau nữa có thêm hai người: một người đàn ông bị hủi và một cô gái trẻ bị tụi cướp cưỡng hiếp rồi vứt lại bên đường. Ba người sống như một gia đình. Được một thời gian cả ba lây dịch đậu mùa trong vùng mà chết. Ngôi nhà để hoang, thi thoảng có cánh lái xe gặp sự cố vào trú tạm rồi lại đi ngay.
- Họ mất đã lâu chưa cụ? - Hoạt hối hả hỏi.
- Lâu lắm rồi. Từ mãi năm 45 cơ.
Thằng bé con cười khạch khạch:
- Ông thì động đến cái gì cũng năm 45. Năm 45 là cụ mất chứ. Ông lại lẫn rồi.
Ông già ngơ ngẩn nhìn thằng bé, miệng lẩm bẩm những điều gì không rõ. Tôi chỉ con mèo đang quẩn dưới chân ông già rồi quay sang hỏi đứa trẻ:
- Cháu nuôi con mèo này từ bao giờ?
- Đâu, nó mò đến nhà cháu ăn vụng cá đấy chứ. Đuổi thế nào cũng không đi. Thế là ông cháu bảo cứ để lại nuôi cho đỡ buồn. Khiếp, ngày mới đến trông nó như con cun cút ấy, ghê lắm. Cháu buộc cá vào dây, bắt nó đuổi theo. Thế là nó mới gầy đi đấy chứ. Nó thù cháu lắm, nhưng vì cháu có cá nên không dám làm gì.
Ông già kêu mệt rồi đi vào trong nhà. Con mèo lại lẽo đẽo đi theo như một người hầu mẫn cán. Khi đi qua chỗ tôi, nó len lét mắt nhìn lên rồi lại quày quả đi tiếp. Thằng bé con vội giục chúng tôi:
- Kìa các chú không hỏi đi. Ông cháu sắp buồn ngủ rồi đấy. Ngủ rồi thì hỏi làm sao được.
Tôi và Hoạt còn đang ngần ngừ thì Phan đã
quyết định:
- Có lẽ thế là đủ rồi. Thôi về đi!
Chúng tôi nấn ná ở khu nhà thêm một đêm nữa. Còn bao nhiêu nến, chúng tôi thắp hết cho cả năm căn phòng. Phan đảm đang theo kiểu một người đã có gia đình, tự tay cầm chiếc chổi mốc thếch nằm lay lắt ở góc nhà và tổng vệ sinh các phòng - mà nó còn vui miệng gọi là “khách sạn đường rừng” của những người cơ nhỡ. Hoạt dọn một bữa ăn “xôm” - với món cá tươi (xin được của thằng bé) nướng cồn và mì tôm. Tôi vơ cành cây khô ở gần đó và đốt lên một đống lửa to ở trước sân. Cả ba thằng tôi tuy không hề bàn bạc gì, nhưng trong bụng đều hiểu ý nhau.
Đêm đó chúng tôi thống nhất sẽ không ngủ. Tuy nhiên cả ba đều có phần né tránh, không bàn luận về những chủ nhân bí ẩn từng ở trong khu nhà hoang này. Vì vậy câu chuyện giữa chúng tôi diễn ra rời rạc xung quanh chuyện gia đình, công việc, bóng đá.
Đến một lúc, chừng như không chịu được, Phan quyết định lên tiếng. Nó vốn là thằng nóng tính từ xưa đến nay:
- Tóm lại những chuyện này là thế nào vậy? Tôi thật không hiểu nổi. Ông thấy thế nào? - Nó sốt ruột quay sang tôi.
Tôi kể lại chuyện lũ mèo hoang mà tôi gặp đêm trước:
- Thực ra tôi cũng không biết đó có phải là thực hay chỉ là bởi một lúc nào đó tôi tưởng tượng ra? Chẳng lẽ đấy là một ngôi nhà có...
Hoạt sôi nổi ngắt lời tôi. Hóa ra nó cũng đang
đợi người khơi mào câu chuyện về ngôi nhà hoang để
lên tiếng:
- Chuyện lũ mèo hoang, tôi cũng đã nghe một vài người kể lại. Thực ra người ta cứ nghĩ nó hoang đường, có phần ma quái nên thế thôi. Đợt tôi chạy hàng trên này, biết chuyện một xe chở mèo bị bung khóa, thế là lũ mèo túa vào rừng, không ai bắt được. Chúng sống hoang nên thành mèo hoang chứ có gì lạ đâu.
- Thế những người sống ở đây mà chúng ta đã gặp?
- Theo như lời ông già thì họ chết đã lâu rồi kia mà? Vậy tại sao? - Phan sốt sắng - Mẹ kiếp, mọi chuyện chẳng thể nào mà hiểu nổi.
Hoạt đắn đo:
- Tôi nghĩ có thể những người đến đây ở cũng giống như đám mèo hoang kia vậy. Họ bị dồn ép vào hoàn cảnh bế tắc nên mới chạy đến đây. Nhưng họ có làm điều gì ác đâu. Họ đã giúp anh, và đã cứu tôi đấy thôi. Sao phải sợ họ cơ chứ? Vớ vẩn thật! Làm gì có chuyện ma mãnh. Biết đâu họ vẫn còn sống, chỉ tạm đi đâu đấy hoặc có thể đã tìm được một cuộc sống tốt hơn. Ai chẳng muốn có một cuộc sống tốt. Vậy hà cớ gì chúng ta sợ hãi họ, xa lánh ngôi nhà hoang này?
Tôi và Phan im lặng, ngẫm nghĩ những điều Hoạt vừa nói. Nó nói cũng có lý. Mặc dù ít tuổi hơn hai đứa tôi nhưng Hoạt điềm đạm và chín chắn hơn hẳn. Nhiều lúc nó làm tôi phải nể.
Trong thâm tâm tôi vừa muốn ba con người bất hạnh nọ có một cuộc sống sung sướng hơn; lại vừa muốn họ vẫn ở lại đây để giúp đỡ những người gặp nạn như chúng tôi ngày ấy...
Sau chuyến đi, ba đứa chúng tôi lại lao vào kiếm sống và lo cho những chuyện gia đình, tiêu tốn hết cả thời gian. Cứ dắng dỏ hẹn bao giờ sẽ về lại ngôi nhà hoang, tìm lại bóng dáng của người đàn bà tóc trắng...
Ừ, nhất định phải về chứ...