Hút bụi toàn bộ sàn nhà, lau chùi các cửa sổ và bàn ghế, cọ rửa phòng vệ sinh công cộng. Rẩy nước và lau bóng loáng tay vịn cầu thang. Phủi bụi thật kỹ tấm kính mờ ở chỗ chiếu nghỉ. Quét vườn, bật máy điều hòa nhiệt độ trong phòng đọc và máy hút ẩm trong kho sách. Pha cà phê, gọt bút chì. Không khí một thư viện vắng vẻ vào lúc sáng sớm có một cái gì đó làm tôi thực sự xúc động. Tất cả những lời hay ý đẹp con người có thể nghĩ ra đều ở đây, an tĩnh nghỉ ngơi. Tôi muốn làm những gì trong tầm khả năng của mình để bảo toàn nơi này, giữ cho nó ngăn nắp, gọn gàng. Thi thoảng tôi dừng lại ngắm tất cả những cuốn sách lặng lẽ nằm trên giá, với tay ra sờ vào gáy mấy cuốn. Như mọi khi, vào lúc mười rưỡi, chiếc Mazda Miata rồ máy vào bãi đậu và Oshima xuất hiện, coi bộ hơi buồn ngủ. Chúng tôi chuyện gẫu một lúc cho đến giờ mở cửa.
"Nếu có thể, em muốn ra ngoài một lúc," tôi nói với anh sau khi chúng tôi mở cửa.
"Đi đâu?"
"Em cần đến phòng thể dục công cộng tập luyện. Đã lâu, em bỏ bẵng không tập gì cả."
Đó không phải là lý do duy nhất. Buổi sáng, Miss Saeki đi làm muộn, và tôi không muốn chạm trán với bà. Tôi cần có thời gian để trấn tĩnh trước khi gặp lại bà.
Oshima nhìn tôi, im lặng một lát rồi gật đầu. "Dù sao cũng phải cảnh giác đấy. Tôi không muốn giám sát chặt cậu, nhưng ở hoàn cảnh của cậu, cẩn thận mấy cũng không thừa, hiểu không?"
"Anh khỏi lo, em sẽ cẩn thận," tôi bảo đảm với anh.
Ba lô ngoắc một bên vai, tôi lên tàu. Tới ga Takamatsu, tôi đáp xe buýt đến một câu lạc bộ thể hình. Tôi thay đồ trong phòng gửi quần áo, rồi bắt tay vào một loạt bài tập đa năng, cắm phích nghe Prince gào hết cỡ qua chiếc Walkman của tôi. Lâu không tập, cơ bắp tôi cưỡng lại, nhưng tôi có cách khắc phục. Đó là phản ứng bình thường của cơ thể - cơ bắp kêu rên phản đối gánh nặng gia tăng áp đặt lên nó. Vừa nghe bài Little Red Corvette, tôi vừa cố xoa dịu phản ứng đó, chế ngự nó. Tôi hít một hơi thật sâu, nín một lát rồi thở ra. Hít vào, nín, thở ra. Tôi dặn như thế, lặp đi lặp lại. Từng bước một, tôi đẩy các cơ bắp của mình đến cực hạn. Mồ hôi toát ra như tắm, ướt đẫm áo phông, mấy lần tôi phải ra thùng ướp lạnh uống nước.
Tôi thực hiện tất cả các bài tập bằng máy theo trình tự thông thường, mà chỉ nghĩ đến Miss Saeki. Đến cái đêm ân ái của chúng tôi. Tôi cố dọn sạch đầu mình, xua đi mọi thứ, nhưng chẳng dễ dàng gì. Tôi tập trung vào các cơ bắp, miệt mài luyện theo thông lệ. Vẫn những máy ấy, vẫn những quả tạ ấy, vẫn số lượng bài tập như mọi khi. Lúc này, Prince đang hát Sex Motherfucker. Đầu dương vật vẫn còn hơi nhoi nhói đau khi tôi đi tiểu. Quy đầu đỏ hỏn. Chim tôi, với bao quy đầu tươi nõn, vẫn đầy sức trẻ và mẫn cảm. Những hoang tưởng tình dục cô đọng, cái giọng ngọt như mía lùi của Prince, những trích dẫn từ mọi loại sách - toàn bộ cái mớ hỗn độn ấy xoáy lộn trong óc tôi và đầu tôi như sắp nổ tung.
Tôi tắm vòi hoa sen, thay đồ lót mới và đáp xe buýt trở về ga. Đói mè, tôi chui vào một tiệm ăn, đánh một bữa nhanh gọn. Trong khi ăn, tôi nhận ra đây chính là nơi tôi đã ăn hôm đầu tiên đến Takamatsu. Ờ, mình đã ở đây bao nhiêu ngày rồi nhỉ? tôi tự hỏi. Tôi đã lưu trú tại thư viện khoảng một tuần, vậy là tôi đã tới Shikoku ba tuần trước.
Ăn xong, tôi vừa uống trà vừa nhìn đám người hối hả qua lại trước cửa ga. Tất cả đều nhằm đến một nơi nào đó. Nếu muốn, tôi cũng có thể hòa vào với họ. Đáp một chuyến tàu đến một nơi nào khác. Vứt bỏ tất cả lại đây, hướng tới một nơi nào tôi chưa từng đến bao giờ, bắt đầu lại từ đầu. Như thể giở sang một trang mới trong sổ tay. Tôi có thể đi Hiroshima, Fukuoka, bất cứ nơi nào. Chẳng có gì giữ tôi ở lại đây. Tôi hoàn toàn tự do. Tất cả những gì tôi cần để sống tạm đều ở trong ba lô: quần áo, đồ vệ sinh, túi ngủ. Tôi hầu như chưa đụng đến khoản tiền mặt lấy ở thư phòng cha tôi.
Nhưng tôi biết mình không thể đi đâu cả.
"Nhưng mày không thể đi đâu hết, mày biết rõ thế mà," cái thằng tên là Quạ nói.
Mày đã ngủ với Miss Saeki, xuất tinh trong bụng bà bao lần. Và bà đã thuận tình đón nhận. Chim mày vẫn còn nhoi nhói, nhớ cái cảm giác khi cắm ngập trong bà. Đích thị là một nơi dành cho mày. Mày nghĩ đến thư viện. Những cuốn sách lặng lẽ, bình yên trên các giá. Mày nghĩ đến Oshima. Căn phòng của mày. Bức Kafka bên bờ biển treo trên tường, cô gái mười lăm tuổi đăm đăm dán mắt vào bức tranh. Mày lắc đầu. Không cách chi mày rời được nơi này. Mày không tự do đâu. Nhưng tự do, đó có phải là điều mày thực lòng muốn không?
Trong nhà ga, tôi đi qua mặt những nhân viên tuần tra đang làm nhiệm vụ, nhưng họ chẳng buồn chú ý đến tôi. Nhà ga đầy những thiếu niên da rám nắng cỡ tuổi tôi, vai đeo ba lô. Thành thử tôi chỉ là một trong số đó hòa lẫn vào quang cảnh chung. Chẳng việc gì phải nơm nớp. Cứ đi lại hành động tự nhiên là chẳng ai để ý đến mình.
Tôi nhảy lên con tàu nhỏ hai toa và trở về thư viện.
"Về rồi đấy à," Oshima nói. Anh sửng sốt nhìn chiếc ba lô trên lưng tôi. "Ủa, đi đâu cậu cũng tha cả đống hành lý như thế này à? Giống như nhân vật Charlie Brown trong truyện tranh đi đâu cũng mang chăn riêng theo [14]?
Tôi đun ít nước pha tách trà, uống. Như mọi khi, Oshima xoay xoay trong tay một trong những cây bút chì dài bao giờ cũng vót nhọn của anh. Chả biết khi chúng ngắn đi thì anh vứt chúng ở đâu?
"Cái ba lô này tựa như biểu tượng tự do của cậu," anh bình luận.
"Chắc thế," tôi nói.
"Có một vật tượng trưng cho tự do có thể khiến người ta sung sướng hơn là thực sự đạt được chính cái tự do ấy."
"Đôi khi," tôi nói.
"Đôi khi," anh nhắc lại. "Này, nếu có một cuộc thi trả lời ngắn gọn nhất thế giới, chắc cậu sẽ thắng, bỏ xa các đối thủ đấy."
"Có thể."
"Có thể," Oshima nói, vẻ như chán ngấy. "Kafka ạ, có thể hầu hết mọi người trên thế giới đều không cố gắng để được tự do. Họ chỉ đơn giản nghĩ rằng mình tự do. Ảo tưởng hoàn toàn. Nếu họ thực sự được tự do, phần lớn sẽ cảm thấy thực sự gò bó. Cậu nên nhớ kỹ điều đó. Thực ra người ta thích không tự do hơn."
"Kể cả anh?"
"Phải. Mình cũng thích mất tự do hơn. Đến một mức độ nào đó. Jean-Jacques Rousseau đã định nghĩa văn minh là khi người ta biết dựng hàng rào. Một quan sát rất là sâu sắc. Đúng thế, tất cả các nền văn minh đều là sản phẩm của việc hạn chế tự do bằng cách rào nó lại. Tuy nhiên, những thổ dân Úc lại là một ngoại lệ. Họ đã duy trì được một nền văn minh không có rào cản cho đến thế kỷ XVIII. Họ tự do triệt để. Họ muốn đi đâu, lúc nào thì đi, thích gì làm nấy. Cuộc đời họ là một cuộc hành trình theo nghĩa đen. Lang thang là một ẩn dụ hoàn hảo cho cuộc sống của họ. Khi người Anh đến dựng hàng rào để nhốt gia súc của họ, những người thổ dân không lường hết được. Và vì không hiểu mục đích của động thái này, họ bị coi là nguy hiểm và chống xã hội, do đó bị dồn về những vùng khỉ ho cò gáy. Cho nên mình muốn cậu nên cẩn thận. Những kẻ dựng hàng rào cao, chắc chắn là những kẻ tồn tại lâu nhất. Cậu phủ nhận thực tế đó thì chỉ chuốc lấy nguy cơ bị dồn về chốn hoang dã mà thôi."
Tôi trở về phòng mình, cất ba lô, rồi vào bếp pha cà phê mang lên phòng Miss Saeki. Hai tay bưng chiếc khay kim loại, tôi thận trọng bước từng bước lên những bậc cầu thang gỗ kêu cọt kẹt. Trên chiếu nghỉ, tôi bước qua một thứ cầu vồng lung linh sắc màu lọc qua tấm kính mờ.
Miss Saeki đang ngồi viết ở bàn giấy. Tôi đặt tách cà phê xuống và bà ngước lên, mời tôi ngồi vào chiếc ghế mọi khi. Hôm nay, bà mặc một chiếc sơ mi màu cà phê sữa ra ngoài chiếc áo phông màu đen. Tóc bà kẹp sau gáy và tai đeo hoa tai bằng ngọc trai.
Hồi lâu, bà không nói gì. Bà đang xem lại những gì bà vừa mới viết. Vẻ mặt bà không có gì khác thường. Bà vặn nắp chiếc bút máy rồi đặt lên trên tập giấy viết. Bà xòe các ngón tay kiểm tra xem có bị dây mực không. Ánh nắng chiều Chủ nhật chiếu qua cửa sổ. Có tiếng người trò chuyện trong vườn.
"Oshima bảo cô là cháu đến phòng tập thể dục công cộng," bà nhìn tôi, nói.
"Đúng vậy," tôi nói.
"Cháu tập môn gì?"
"Cháu tập máy luyện cơ bắp và các loại tạ tự do," tôi đáp.
"Còn gì khác nữa không?"
Tôi lắc đầu.
"Có vẻ là một môn thể thao cô đơn, phải không?"
Tôi gật đầu.
"Cô đoán chắc cháu muốn khỏe hơn."
"Người ta cần phải khỏe để tồn tại. Nhất là trong hoàn cảnh của cháu."
"Vì cháu chỉ trơ trọi có một mình."
"Không ai giúp cháu. Ít nhất là cho đến bây giờ. Cho nên cháu phải tự lực cánh sinh. Cháu phải luyện cho mình khỏe hơn - như một con quạ lạc đàn. Vì thế cháu tự đặt tên mình là Kafka. Cô biết đấy, Kafka trong tiếng Tiệp nghĩa là quạ."
"Hừm," bà có vẻ thán phục. "Vậy cháu là Quạ cô đơn."
"Đúng thế."
Đúng thế, cái thằng tên Quạ nói.
"Tuy nhiên, ắt phải có một giới hạn cho kiểu sống ấy chứ," Miss Saeki nói. "Cháu không thể sử dụng sức mạnh ấy như một bức tường bảo vệ quanh mình. Bao giờ cũng có cái gì đó mạnh hơn có thể phá vỡ pháo đài của cháu. Ít ra là về nguyên lý mà nói."
"Bản thân sức mạnh trở thành đạo lý."
Miss Saeki mỉm cười. "Cháu nắm bắt nhanh đấy."
"Sức mạnh cháu tìm kiếm không phải là loại sức mạnh quyết định thắng thua. Cháu không muốn dựng một bức tường để đẩy lùi những cường lực ngoại lại. Điều cháu muốn là loại sức mạnh có khả năng hấp thụ cái cường lực ngoại lai đó và chịu nổi nó. Loại sức mạnh cho phép ta bình thản chịu đựng sự đời - bất công, bất hạnh, lỗi lầm, buồn đau, hiểu lầm..."
"Đó là loại sức mạnh khó đạt được nhất."
"Cháu biết..."
Nụ cười của bà đậm nét thêm. "Cháu có vẻ biết đủ mọi thứ."
Tôi lắc đầu. "Không đúng. Cháu mới mười lăm tuổi, còn rất nhiều điều cháu chưa biết. Có nhưng điều lẽ ra cháu nên biết mà cháu lại mù tịt. Chẳng hạn, cháu chẳng biết tí gì về cô."
Bà cầm tách cà phê lên, nhấp một ngụm. "Về cô thì chẳng có gì cần biết đâu, cô chẳng có chuyện gì cháu cần biết cả."
"Cô có nhớ giả thuyết của cháu không?"
"Dĩ nhiên là có," bà nói. "Nhưng đó là giả thuyết của cháu, không phải của cô. Cho nên cô không chịu trách nhiệm về nó, phải không?"
"Đúng. Người nào đưa ra giả thuyết thì người ấy phải chứng minh nó," tôi nói. "Vì vậy cháu có một câu hỏi."
"Về cái gì?"
"Cô có kể với cháu là cô từng xuất bản một cuốn sách về những người bị sét đánh."
"Đúng."
"Hiện giờ còn kiếm được cuốn đó không?"
Bà lắc đầu. "Họ in với số lượng rất ít nên hết lâu rồi. Số còn lại chắc đã bị hủy. Bản thân cô cũng không có bản nào. Như cô đã nói bữa trước, chả mấy ai quan tâm."
"Tại sao cô lại quan tâm đến đề tài này?"
"Cô không dám chắc lắm. Cô đoán là nó có một cái gì tượng trưng. Hoặc có thể cô chỉ muốn có việc để làm nên tự đề ra một mục đích để chạy lăng xăng cho đầu óc mình bận rộn. Giờ cô không thể nhớ nổi động cơ ban đầu là như thế nào. Cô nảy ra ý tưởng và bắt đầu tìm kiếm tài liệu. Hồi ấy, cô đã là nhạc sĩ, không phải lo nghĩ về tiền nong và rất nhiều thì giờ rảnh, nên cô có thể làm bất cứ cái gì mình thích. Tuy nhiên, khi bập vào nó, bản thân đề tài đã làm cô say mê, Gặp gỡ đủ mọi loại người, nghe mọi thứ chuyện. Nếu không nhờ cái dự án dó, có lẽ cô đã rút xa hơn nữa khỏi thực tại và trở nên biệt lập hẳn với đời rồi."
"Hồi còn trẻ, cha cháu làm chân mang gậy, nhặt bóng ở một sân golf và đã bị sét đánh. Ông may mắn sống sót, còn người bị cùng với ông thì không qua khỏi."
"Nhiều người bị sét đánh chết ở các sân golf vì đó là những khoảng không lớn, rộng mở lại không có chỗ trú ẩn. Mà sét thì lại thích các câu lạc bộ golf. Cha cháu cũng mang họ Tamura chứ?"
"Vâng, và cháu nghĩ ông cũng trạc tuổi cô."
Bà lắc đầu. "Cô không nhớ ai mang họ Tamura cả. Cô không phỏng vấn người nào mang họ ấy."
Tôi không nói gì.
"Đó là một phần trong giả thuyết của cháu, phải không? Rằng cha cháu và cô đã gặp nhau trong thời gian cô tìm tài liệu cho cuốn sách và kết quả là cháu ra đời?"
"Vâng."
"Vậy là ngã ngũ nhé, điều đó đã không hề xảy ra. Giả thuyết của cháu không đứng vững."
"Không nhất thiết là thế," tôi nói.
"Nghĩa là thế nào?"
"Bởi vì không phải bất cứ điều gì cô nói, cháu đều tin cả."
"Tại sao?"
"À, cô đã lập tức nói phắt là không hề phỏng vấn ai mang họ Tamura mà chẳng hề suy nghĩ lấy một giây. Hai mươi năm là một quãng thời gian dài và cô đã phỏng vấn rất nhiều người. Cháu nghĩ cô không thể nhớ lại nhanh đến thế là có hay không có người mang họ Tamura."
Bà lắc đầu và nhấp một ngụm cà phê nữa. Một nụ cười thoáng nở trên môi bà. "Kafka ạ, cô..." Bà dừng lại, tìm chữ cho chuẩn.
Tôi đợi bà tìm được lời chính xác.
"Cô có cảm giác mọi sự đang bắt đầu thay đổi xung quanh cô," bà nói.
"Thay đổi như thế nào ạ?"
"Cô thực sự không biết diễn đạt như thế nào, nhưng có một cái gì đó đang xảy ra. Áp suất không khí, những âm thanh cùng những vang vọng của chúng, những phản quang, vật thể chuyển động và thời gian trôi - tất cả đều đang biến đổi, từng tí một. Như thể mỗi thay đổi nhỏ là một giọt nước cứ không ngừng tích tụ dần thành một dòng chảy vậy." Bà cầm cây bút máy Mont Blanc lên nhìn một lúc, đặt về chỗ cũ, rồi nhìn thẳng vào tôi. "Điều xảy ra giữa chúng ta đêm qua trong phòng cháu có lẽ là một bộ phận của dòng chảy đó. Cô không biết điều chúng ta làm đêm qua là phải hay quấy nữa. Nhưng vào lúc ấy, cô đã quyết định không buộc mình phải phán định bất cứ cái gì. Nếu dòng chảy đó hiện hữu, có lẽ cô cứ để mặc cho nó cuốn mình đi đến đâu thì đến."
"Cháu có thể nói với cô cháu nghĩ gì không?"
"Nói thẳng ra đi."
"Cháu nghĩ cô đang cố bù đắp lại thời gian đã mất."
Bà ngẫm nghĩ một lúc. "Có thể cháu đúng," bà nói. "Nhưng làm sao cháu biết được điều đó?"
"Bởi vì cháu cũng đang làm như thế."
"Bù đắp lại thời gian đã mất?"
"Vâng," tôi nói. "Biết bao thứ đã bị đánh cắp đi khỏi tuổi htơ của cháu. Biết bao thứ quan trọng. Và bây giờ cháu phải giành lại."
"Để có thể tiếp tục sống?"
Tôi gật đầu. "Cháu cần phải làm thế. Con người ta cần có một nơi để trở về. Cháu nghĩ hãy còn thời gian để làm điều đó. Cho cháu, và cho cô nữa."
Bà nhắm mắt lại và chắp tay trên mặt bàn. Như thể cam phận, bà lại mở mắt ra. "Cháu là ai?" bà hỏi. "Và tại sao cháu biết nhiều thế về mọi thứ?"
Và mày nói bà ắt phải biết mày là ai chứ. Là Kafka bên bờ biển. Người yêu của bà - và con trai bà. Cái thằng tên là Quạ. Và hai chúng ta không thể tự do. Chúng ta bị mắc vào một xoáy lốc, bị kéo ra ngoài thời gian. Ở đâu đó, chúng ta đã bị sét đánh. Nhưng không phải loại sét ta có thể nhìn thấy hoặc nghe thấy.
Đêm ấy lại là một đêm ân ái. Mày lắng nghe khoảng trống trong bà đầy lên. Với một âm thanh khẽ khàng như cát mịn bên bờ nước sụt lở dưới ánh trăng. Mày nín thở, lắng nghe. Lúc này, mày ở bên trong giả thuyết của mày. Rồi mày ở ngoài giả thuyết ấy. Và lại bên trong, rồi bên ngoài. Bên trong, bên ngoài. Hít vào, ngưng, thở ra. Hít vào, ngưng, thở ra. Prince hát mãi, như một loài nhuyễn thể trong đầu mày. Trăng lên, triều dâng. Nước biển tràn vào một dòng sông. Một cành sơn thù du run lật bật ngay ngoài cửa sổ. Mày ghì chặt bà, bà úp mặt vào ngực mày. Mày cảm thấy hơi thở của bà trên làn da trần. Bà mơn man từng bắp thịt của mày. Cuối cùng, bà nhẹ nhàng liếm dương vật sưng phồng của mày như để xoa dịu nó. Mày lại xuất tinh một lần nữa, trong miệng bà. Bà nuốt hết như thể mỗi giọt đều quý giá. Mày hôn âm hộ bà, chạm lưỡi vào mọi chỗ mềm mềm, âm ấm. Mày trở thành một kẻ khác, một vật gì khác. Mày đang ở một nơi nào khác.
"Trong cô, chẳng có gì cháu cần biết cả," bà nói. Chúng tôi ôm ghì nhau cho tới rạng sáng thứ Hai, lắng nghe thời gian trôi.