Karlsson Trên Mái Nhà Chương 14

Chương 14
Đường dây chuông của Karlsson

Sáng sớm hôm sau Birger và Betty ngủ dậy, khắp người toàn những vết mẩn đỏ.

“Sốt phát ban rồi,” bà Bock nói sau khi quan sát kỹ cả hai đứa. Ông bác sĩ được gọi đến nhà xác nhận chẩn đoán đó.

“Sốt phát ban! Vào bệnh viện ngay.” Rồi ông chỉ vào Nhóc Con. “Còn cháu bé kia phải cách ly trong thời gian tới.”

Nhóc Con khóc òa lên. Cậu không thích bị cách ly. Thật ra cậu không hiểu cách ly nghĩa là gì, nhưng nghe chữ ấy rất kỳ bí.

“Có gì đâu,” Birger nói khi bác sĩ đã đi khỏi, “cách ly chỉ có nghĩa là em không phải đến trường nữa, và không được chơi chung với các bạn khác. Vì có nguy cơ lây nhiễm, hiểu chưa?”

Betty nằm trên giường, mắt đầy nước.

“Thương Nhóc Con quá,” Betty nói, “em sẽ cô đơn lắm đấy. Hay là mình gọi điện cho mẹ?”

Bà Bock hoàn toàn không tán thành.

“Không thể được! Bà Svantesson đang cần yên tĩnh. Các cháu nghĩ xem, mẹ các cháu cũng đang ốm. Bác sẽ chăm sóc Nhóc Con cho.”

Bà gật đầu về phía Nhóc Con đang đứng khóc nức nở cạnh giường Betty.

Sau đó là hết thì giờ để trò chuyện. Xe cứu thương đến đón Birger và Betty. Nhóc Con khóc. Tất nhiên đôi khi cậu rất bực mình với anh chị, nhưng cậu rất yêu cả hai và rất buồn khi họ phải vào bệnh viện.

“Tạm biệt Nhóc Con,” Birger nói khi được y tá dẫn đi.

“Tạm biệt Nhóc Con bé bỏng yêu quý. Đừng buồn nhé! Anh chị sẽ chóng về nhà thôi,” Betty nói.

Nhóc Con khóc nức lên. “Ai bảo chị thế! Nhỡ anh chị chết cả thì sao!”

Sau đó bà Bock mắng cho cậu một trận nên thân. Ai lại dốt nát thế không biết, sốt phát ban thì làm sao mà chết được.

Nhóc Con đi về phòng mình. Bimbo của cậu đang nằm đó, và cậu bế nó lên.

“Bây giờ tao chỉ còn mày thôi,” Nhóc Con nói và ôm chặt Bimbo. “Và tất nhiên là cả Karlsson nữa.”

Có vẻ như Bimbo nhận ra Nhóc Con đang buồn. Nó liếm mặt Nhóc Con, tựa như muốn thốt lên: “Vâng, ít nhất thì cậu chủ cũng còn tôi. Và Karlsson.”

Nhóc Con ngồi thừ hồi lâu suy nghĩ, may mà mình có Bimbo. Mặc dù vậy, đúng lúc này cậu rất nhớ mẹ. Cậu chợt nhớ là đã hứa viết thư cho mẹ và quyết định làm luôn.

 

“Mẹ yêu,” cậu viết, “có vẻ như da đình ta đã chấm dứt hoàn toàn, Birger và Betty bị sốt đá banh và đi bệnh viện rồi con bị cách ly Cách ly thì không bị đau nhưng chắc con cũng sẽ bị sốt đá banh thôi và Bố đang ở London nếu vẫn còn sống nếu con chưa nghe bố có ốm không nhưng chắc bố cũng ốm vì mọi người đều ốm Con nhớ mẹ mẹ có khẻo không À chắc mẹ ốm lắm hả mẹ? Có vấn đề với Karlsson con muốn kể cho mẹ nghe nhưng mà thôi không kể nữa vì mẹ cân yên tĩnh và hòa bình Quản Tù nói thế Bà ấy không ốm Karlsson cũng không ốm nhưng cả hai nhất định sắp ốm.

Tạm biệt mẹ yêu, chúc mẹ an nghỉ!”

 

“Thế là đủ, tao không viết thêm nữa đâu,” Nhóc Con nói với Bimbo. “Tao không muốn làm mẹ lo lắng.”

Nói xong cậu bước ra cửa sổ và giật chuông nhà Karlsson. Đúng đấy, cậu giật chuông thật đấy! Hôm qua Karlsson đã nghĩ ra một ý tưởng rất sáng giá. Ông lắp một đường dây chuông từ nhà mình trên mái xuống đến cửa sổ của Nhóc Con.

“Không thể để ma xuất hiện một cách vô tổ chức được,” Karlsson nói. “Nhưng bây giờ Karlsson đ ã đặt xong Đường Dây Chuông Tốt Nhất Thế Giới, từ giờ trở đi cháu có thể giật chuông và gọi ma khi Quản Tù đang ngồi ở một vị trí thuận lợi và ngó ra ngoài trời tìm chú, con ma nhỏ của quận Vasa.”

Đường dây cấu tạo từ một quả chuông đeo cổ bò treo ở rìa mái nhà Karlsson và một sợi dây từ quả chuông nối xuống cửa sổ phòng Nhóc Con.

”Cháu kéo cái dây này,” Karlsson nói, “chuông trên nhà chú sẽ kêu, vèo một cái, con ma nhỏ của quận Vasa bay xuống và Quản tù lăn đùng ra ngất. Có tuyệt vời không nào?”

Tất nhiên là tuyệt vời, Nhóc Con cũng thấy thế, và không chỉ vì chuyện ma. Trước đây cậu cứ phải ngồi đợi tái tê cho đến khi Karlsson có ý định đến thăm. Bây giờ cậu chỉ kéo chuông gọi Karlsson đến mỗi khi cảm thấy cần nói chuyện với ông.

Và đúng lúc này Nhóc Con cảm thấy phải trò chuyện với Karlsson thật. Cậu mắm môi giật dây và nghe tiếng chuông đeo cổ bò kêu loạn lên trên nhà Karlsson.

Chẳng mấy chốc có tiếng động cơ của Karlsson kêu ù ù. Nhưng Karlsson hiện ra đầy vẻ ngái ngủ và cau có khi bay qua cửa sổ vào nhà.

“Cháu tưởng đó là đồng hồ báo thức hay sao?” ông cáu kỉnh nói.

“Ồ, cháu xin lỗi,” Nhóc Con nói. “Chú đang ngủ ạ?”

“Cháu nên hỏi câu đó trước khi giật chuông thì đúng hơn. Cháu thì lúc nào ngủ lăn ngủ lóc như cóc bôi vôi, chẳng thèm biết thương những người tội nghiệp không bao giờ chợp được mắt. Nếu họ rốt cuộc ngủ thiếp đi thì ít nhất cũng có quyền hy vọng là các bạn của mình im lặng và nín thở đứng đợi, thay vì giật chuông ầm ĩ như gọi cứu hỏa đến vì nhà cháy chứ.”

“Chú khó ngủ lắm à?” Nhóc Con hỏi.

Karlsson nhăn nhó gật đầu. “Thế đấy cháu ạ, chú khó ngủ lắm.”

Nhóc Con buồn thay cho ông quá. “Thế thì cháu rất thương chú. Chú thực sự kém ngủ đến thế cơ à?”

“Kém lắm,” Karlsson nói. “Nghĩa là thế này. Đêm đến thì chú ngủ say như chết, cả buổi sáng cũng vậy. Nhưng buổi chiều thì, ôi thôi, tình hình vô cùng thảm hại, chú cứ nằm mở chong chong hai mắt, quay hết bên nọ qua bên kia.”

Ông im lặng một lát, dường như bực bội vì sự khó ngủ của mình, rồi sau đó lại hí hoáy ngó khắp phòng.

“Nếu chú được tặng một món quà nho nhỏ thì có lẽ chú sẽ không bực mình nữa vì tội cháu đã đánh thức chú.”

Nhóc Con không muốn Karlsson phải buồn, cậu bắt đầu lục lọi trong đống đồ của mình. “Đây là kèn ắc mô ni ca của cháu đấy, chú có thích không?”

Karlsson chộp lấy cái kèn. “Ôi, chú vẫn luôn mong có một nhạc cụ, thích quá, cám ơn cháu, cho chú nhé - vì chắc cháu cũng chẳng có cái piano nào ở đây.”

Ông đưa kèn lên môi và thổi vài âm thanh như đấm vào tai. Rồi mắt ông sáng rực nhìn Nhóc Con.

“Cháu nghe chưa? Chú vừa thổi một giai điệu hay chưa? Tên là ‘Tiếng ma gào’.”

Nhóc Con nói, tiếng ma gào thì quá hợp với nhà này, vì mọi người trong nhà đều bị ốm. Cậu kể cho Karlsson biết về chứng sốt phát ban.

“Thương Birger và Betty quá,” Nhóc Con nói.

Nhưng Karlsson nói, sốt phát ban không phải là chuyện đáng để bậc vĩ nhân đếm xỉa, chẳng việc gì phải lo cả. Vả lại Birger và Betty phải nằm viện cũng hay, vì bây giờ đúng là lúc ma xuất hiện trong nhà.

Ông chưa nói dứt lời thì Nhóc Con giật bắn mình. Cậu nghe tiếng bà Bock đi tới trước cửa và biết là bà sẽ bước vào phòng bất kỳ lúc nào. Karlsson cũng hiểu ra rằng phải vắt chân lên cổ biến ngay. Ông lăn đùng ra sàn và cuộn như một quả bóng to đùng lăn xuống gầm giường Nhóc Con. Nhóc Con ngồi ngay lên mép giường, tãi chiếc áo choàng mặc trong nhà lên đầu gối và để nó rủ xuống để che chắn cho Karlsson khỏi bị lộ.

Vừa vặn cửa mở tung và bà Bock tiến vào, trong tay cầm chổi con và xẻng hót rác.

“Bác tổng vệ sinh ở đây,” bà nói, “trong lúc ấy cháu ra bếp đi!”

Nhóc Con giật mình, đổ mồ hôi hột vì lo.

“Không, cháu không thích,” cậu nói. “Cháu phải ngồi cách ly ở đây.”

Bà Bock giận dữ nhìn cậu.

“Cháu có biết dưới gầm giường cháu có gì không?” bà hỏi.

Mặt Nhóc Con đỏ dừ. Quản Tù đã phát hiện ra Karlsson rồi sao?

“Dưới... dưới gầm giường cháu có gì đâu?” cậu lúng búng.

“Nhất định là có,” bà Bock nói. “Có đầy bụi bặm và bác phải quét đi. Tránh ra nào!”

Nhóc Con cuống quýt.

“Không, cháu phải ngồi cách ly ở đây,” cậu hét lên.

Bà Bock vừa càu nhàu vừa bắt đầu quét phía đầu kia căn phòng.

“Tùy thôi, cháu thích thì cứ ngồi đấy, chờ đến khi bác quét xong góc này. Xong rồi thì ngoan ngoãn đi ngồi cách ly ở góc khác, rõ chưa hả đồ đầu bò đầu bướu!”

Nhóc Con gặm móng tay và suy nghĩ. Chết rồi, làm sao bây giờ?

Đột nhiên cậu rúm người lại phì cười. Karlsson vừa cù vào khoeo chân của cậu, và Nhóc Con vốn có máu buồn.

Bà Bock nghiêm khắc nhìn Nhóc Con. “Giỏi nhỉ, cứ cười cho sướng đời đi, mẹ cháu và anh chị cháu thì ốm đau khổ sở. Kể ra cũng có nhiều người vô tâm vô tính thật đấy!”

Nhóc Con lại thấy Karlsson cù vào khoeo chân mình, lần này cậu cười ngặt nghẽo, thiếu chút nữa thì ngã khỏi mép giường.

“Cháu có thể cho bác biết có gì hay ho để cười không?” bà Bock hỏi, giọng khá bực bội.

“Hì hì,” Nhóc Con nói, “cháu vừa nhớ ra một truyện tiếu lâm rất buồn cười...” cậu cố vắt óc nghĩ ra một chuyện gì đó.

“Chuyện một con bò mộng đuổi con ngựa, con ngựa sợ hết hồn leo phứa lên cây. Bác đã nghe chuyện ấy chưa, bác Bock?”

Đây là chuy n Birger hay đem ra kể, nhưng Nhóc Con chưa bao giờ thấy buồn cười vì cậu thương con ngựa tội nghiệp phải trèo cây.

Bà Bock cũng không cười. “Đừng có lôi mấy chuyện ngớ ngẩn ấy ra đây mà kể nhé. Cháu biết rõ là ngựa không thể trèo cây được cơ mà.”

“Đúng, ngựa thì không biết trèo,” Nhóc Con nói, hệt như Birger vẫn nói. “Nhưng bị một con bo mộng hung dữ đuổi theo thì nó biết làm quái gì khác được?”

Birger nói là người ta được phép nói chữ “quái” khi kể lại một truyện trong đó có từ “quái”, nhưng bà Bock không nhất trí. Bà nhìn Nhóc Con chằm chằm, mặt lộ vẻ kinh tởm.

“Cháu ngồi đó mà cười và văng tục, trong khi mẹ cháu và anh chị cháu ốm đau khổ sở. Bác buộc phải nói là bác rất ngạc nhiên...”

Đúng lúc bà nói đến đây thì bị ngắt lời. “Tiếng ma gào” chợt vang lên từ phía giường, vài âm thanh ngắn và đanh, nhưng cũng đủ để bà Bock rúm người lại.

“Lạy Trời, tiếng gì thê nhỉ?”

“Làm sao mà cháu biết được?” Nhóc Con nói.

Nhưng bà Bock biết!

“Đó là tiếng động từ thế giới bên kia, chắc chắn là thế.”

“Từ thế giới bên kia - nghĩa là thế nào ạ?” Nhóc Con hỏi.

“Từ thế giới của ma quỷ,” bà Bock nói. “Trong phòng này chỉ có hai người, bác và cháu, không ai có thể tạo ra âm thanh đó. Đó không phải là tiếng người, mà là tiếng ma. Cháu không nghe thấy hay sao? Nghe như tiếng một linh hôn gặp nạn.”

Bà nhìn Nhóc Con, mắt mở trừng trừng.

“Trời ạ, bây giờ bác phải viết thư ngay lên truyền hình.”

Bà quẳng luôn chổi và xẻng hót xuống đất rồi ra bàn Nhóc Con ngồi. Bà kiếm giấy bút. Và nhẫn nại ngồi viết một hồi lâu. Sau đó bà đọc lên cho Nhóc Con nghe.

“Nghe đây!”

 

Kính gửi Đài truyền hình Thụy Điển. Chị gái tôi Frieda Bock đã tham gia loạt chương trình của quý vị về ma quỷ. Frieda muốn kể chuyện gì thì kể, tôi thấy chương trình không hay. Người ta nhất định phải làm cái gì tử tế hơn và cũng có đủ điều kiện. Vì chính bản thân tôi đã vào một nhà ma chính cống, và sau đây là danh sách những trải nghiệm ma quỷ của tôi.

1.      Tiếng bò rống bí hiểm ngoài cửa sổ nhưng không có


         bò, vì nhà chúng tôi trên tầng bốn.

2.      Nhiều đồ vật biến mất một cách khó hiểu, ví dụ như
         bánh quế và đứa bé bị nhốt trong phòng.

3.      Cửa bị khóa từ bên ngoài, trong khi tôi đang ở trong
         phòng. Nếu có thể, quý vị hãy giải thích điều đó!

4.      Dòng chữ ma kinh dị trên tường bếp.

5.      Bỗng dưng có tiếng nhạc đám ma trong khi tổng vệ
         sinh, làm người ta buồn phát khóc lên được.

Đề nghị quý vị đến đây ngay, vì có đủ điều kiện làm một chương trình khiến mọi người chú ý.

 

Kính thư

Hildur Bock

 

Tái bút: Quý vị nghĩ gì mà lại đi mời Frieda lên ti vi cơ chứ?

Sau đó bà Bock xăng xái chạy đi bỏ thư. Nhóc Con ngó xuống tìm Karlsson. Ông nằm thu lu dưới gầm giường, mắt sáng quắc. Rồi ông vui vẻ bò ra.

“Ha ha,” ông kêu lên, “cứ đợi đến tối nay, khi trời tối hẳn! Quản Tù sẽ được chứng kiến một chuyện còn xứng đáng cho ti vi hơn nhiều.”

Nhóc Con lại cười khúc khích, cậu âu yếm nhìn Karlsson.

“Ở cách ly thích thật, nhất là ở cách ly cùng với chú,” Nhóc Con nói.

Cậu thoáng nhớ đến Krister và Gunilla là những bạn hằng ngày cùng chơi. Lẽ ra cậu phải buồn mới đúng, vì trong thời gian tới cậu không được đi chơi cùng các bạn. Nhưng không sao cả, chơi với Karlsson rất thích, Nhóc Con nghĩ bung.

Nhưng lúc này Karlsson không có thì giờ chơi bời. Ông nói là phải về nhà để chữa bộ phận giảm thanh.

“Không thể để con ma quận Vasa nổ máy ầm ầm như một thùng rác di động được, đúng không nào? Không, nó phải khẽ khàng, rùng rợn và ma quái cơ, có thế thì mới làm Quản Tù dựng tóc gáy lên được.”

Rồi ông thống nhất với Nhóc Con các tín hiệu chuông đặc biệt.

“Nếu cháu kéo chuông một lần,” Karlsson nói, “thì có nghĩa là: ‘Chú hãy đến ngay’, kéo chuông hai lần có nghĩa là: ‘Chú không được phép xuất hiện’, và ba hồi chuông nghĩa là: ‘Chú ơi, trên thế giới này chỉ có duy nhất một người đàn ông đẹp trai, thông thái vô hạn và béo vừa xoẳn ở tầm tuổi phong độ nhất, đó là chú Karlsson.’”

“Tại sao vì thế mà lại phải kéo chuông?” Nhóc Con hỏi.

“Ơ kìa, cứ năm phút một lần người ta nên nói với bạn mình những lời khen ngợi động viên như thế, mà chú thì có phải lúc nào cũng bay đến nghe cháu nói được đâu, cháu phải hiểu chứ.”

Nhóc Con tư lự nhìn Karlsson. “Cháu cũng là bạn chú, đúng không? Nhưng cháu chưa thấy chú nói những lời ấy với cháu bao giờ.”

Karlsson cười phá lên. “Có sự khác biệt ở đây, cháu ạ. Cháu chỉ là một đứa bé ngốc nghếch thôi.”

Nhóc Con gật đầu. Cậu biết là Karlsson nói đúng. “Nhưng tuy vậy chú vẫn yêu cháu chứ?”

“Ồ, đúng thế, đúng thế thật,” Karlsson cả quyết. “Bản thân chú không biết vì sao, nhưng chú vẫn cố lý giải chuyện đó trong những buổi chiều nằm trằn trọc mất ngủ.”

Ông vỗ má Nhóc Con. “Tất nhiên là chú yêu cháu và chuyện này hẳn phải có nguyên nhân nào đó - có thể vì cháu hoàn toàn khác chú, cháu bé tội nghiệp ạ.”

Ông bay ra cửa sổ và vẫy tay từ biệt.

“Còn nếu cháu giật chuông liên hồi như gọi cứu hỏa,” ông nói, “thì một là nhà bị cháy thật, hai là: ‘Cháu vừa làm chú thức dậy, chú Karlsson yêu quý, chú hãy đến đây với cháu và nhớ đem theo một cái túi to để đựng tất cả đồ chơi của cháu đem đi - cháu sẵn sàng cho chú hết đấy’.”

Rồi ông bay mất.

Bimbo phủ phục trước chân Nhóc Con và khe khẽ quật đuôi xuống thảm. Đó là cách nó muốn nói rằng nó rất mến mọi người và mọi người nên chú ý đến nó. Nhóc Con nằm xuống cạnh Bimbo. Nó nhảy cẫng lên sung sướng và sủa, rồi rúc vào vòng tay Nhóc Con và nhắm mắt lại.

“Chắc mày nghĩ tao không đi học và ngồi cách ly ở nhà là hay,” Nhóc Con nói. “Này Bimbo, nhất định mày nghĩ tao là Người Tốt Nhất Thế Giới, đúng không?”

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật nhanh nhất đến bạn đọc !

Nguồn: truyen8.mobi/t30114-karlsson-tren-mai-nha-chuong-14.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận